“Ở đây đẹp lắm, khi nào về con kể với ba nhé!” - câu nói cuối cùng của cô con gái Quỳnh Nga, lúc ấy 12 tuổi, luôn vang vọng trong lòng nhà giáo Nguyễn Huy Hoàng suốt 20 năm nay, kể từ khi cô bé mất tích ở thành phố Sochi, miền Nam nước Nga.
>> Vợ trưởng công an phường bị đâm chết trên phố
>> Trung Quốc xử tù 'quan cười' trên nỗi đau của dân
>> Clip: Hiện trường thương tâm bé 2 tuổi chết đuối dưới hố ga
>> Trung Quốc xử tù 'quan cười' trên nỗi đau của dân
>> Clip: Hiện trường thương tâm bé 2 tuổi chết đuối dưới hố ga
Hai mươi năm qua đi, người cha tóc đã bạc vẫn sớm tối đi về bên căn hộ khiêm nhường ở ngoại ô Maxcơva, gồng mình với cuộc mưu sinh, với những lo toan của gần một chục lần chuyển nhà thuê, bám trụ lại nước Nga, bỏ đi bao nhiêu dự định ở Việt Nam, với hy vọng duy nhất: Tìm thấy con gái.
Bức ảnh được chụp vào dịp sinh nhật Quỳnh Nga hồi tháng 7/1993. |
Suốt thời gian ấy, xếp ngăn nắp trên bàn làm việc nơi góc phòng của ông vẫn là bức ảnh cô bé Quỳnh Nga nhoẻn miệng cười tươi. Mọi đồ đạc liên quan đến cô bé từ quần áo, giày dép, sách vở, cho đến tập tranh vẽ khi nhỏ, gia đình ông vẫn giữ nguyên vẹn. Mọi thứ đều nhắc ông nhớ về cô con gái xinh xắn, ngoan hiền của mình: "Có thể nói là hai chục năm ròng, chưa một phút nào tôi không nghĩ đến Quỳnh Nga, không dành cho con tình thương vô hạn".
Cuối những năm 1980, nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và vợ cùng sang Nga làm nghiên cứu sinh ở Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov, họ đưa cả cô con gái sang theo. Quỳnh Nga khi ấy vào học lớp 3 trường phổ thông 222, cách chỗ ở 2 km.
Theo lời người cha, Quỳnh Nga là một cô bé có năng khiếu về hội hoạ và ngôn ngữ. Khi vào lớp học tại Matxcơva, cô bé không hề biết một chữ tiếng Nga nào. Nhưng với sự giúp đỡ của mẹ, vốn là giáo viên tiếng Nga, cộng với sự chăm chỉ, hai năm sau, Quỳnh Nga đã là học sinh xuất sắc của trường.
Nga rất thích vẽ. Hồi ở Hà Nội, khi Nga bắt đầu học vỡ lòng, mỗi tuần 3 buổi, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đưa con đi học vẽ ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Tranh của Nga từng làm bìa tạp chí "Người bạn đường" của Hội Văn học Nghệ thuật tại Nga, được ông gộp lại thành một tập: "Đến tận bây giờ, tập vẽ ấy vẫn còn nguyên, mỗi lần nhìn, tôi lại trào nước mắt vì thương con".
Vào một ngày định mệnh tháng 7/1993, vợ chồng ông phải lìa xa cô con gái mới 12 tuổi của mình... Trước đó, vào đầu năm học, người cha hứa với con: "Năm nay nếu con được là học sinh xuất sắc, ba sẽ cho con đi nghỉ mát”, và tháng 6 năm đó, Quỳnh Nga đã đạt danh hiệu này. Nhưng vì cả hai vợ chồng ông đều bận viết luận án những chương cuối, vợ lại vừa sinh con gái Thảo Nguyên nên hai người định lần lữa hẹn Nga dịp khác.
Nhưng không muốn thất hứa với con, họ gửi cháu Quỳnh Nga cho một đôi vợ chồng học cùng trường đi nghỉ mát: "Con bé háo hức lắm, suốt đêm chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi nghỉ ở Sochi, lại còn gọi điện hết cho bạn bè để thông báo tin vui"- ông kể lại.
Bức ảnh gia đình nhà thơ Huy Hoàng chụp vào tháng 5/1993. |
Linh cảm có điều bất thường đến ngay từ trưa 30/7, khi ông đưa con ra sân bay Vnukovo ở ngoại ô Matxcơva. "Tôi vừa cho xe vào bãi gửi, quay ra thì Nga và mọi người đã vào máy bay rồi. Không hiểu sao lúc đó tôi nóng ruột vô cùng, cứ nghĩ đến những điều không lành xảy ra dù trước đó tôi đã dặn dò hai vợ chồng người bạn là cháu còn nhỏ, nhờ chăm sóc và quan tâm đến cháu. Họ cũng đã nhận lời và hứa sẽ hết lòng".
Một vài sự cố trùng lặp xảy ra trước đó khiến ông càng lo lắng hơn, như chiếc xe của ông bị đâm hai lần vỡ cả hai đèn trái phải, trước đó chỉ vài ngày. "Suốt đêm đưa Quỳnh Nga ra sân bay, tôi không sao chợp mắt. Thời ấy lại chưa có điện thoại di động, nên không có cách gì liên lạc được với con. Mãi tối hôm sau nữa, con gọi điện về tôi mới hết lo".
Câu cuối cùng Quỳnh Nga nhắn lại với bố là "Ở đây đẹp lắm, khi nào về con kể với ba nhé". Ngay tối hôm sau, ông nhận được tin Quỳnh Nga bị lạc. "Tôi lập tức xuống Sochi. Suốt gần 5 tháng ở đó, tôi lặn lội khắp nơi, gặp bao nhiêu người, dò hỏi tin tức nhưng bặt vô âm tín".
Người cha trở về Matxcơva trong tình trạng kiệt quệ, người vợ bị ốm còn 36kg, bé Thảo Nguyên còn nhỏ. Hai vợ chồng ông định bỏ việc bảo vệ luận án "phần vì không còn tâm trí nào ngồi viết tiếp, phần vì hoàn cảnh vô cùng khó khăn". Nhưng nhà trường đã động viên hai người rất nhiều, họ gia hạn cho hai vợ chồng ông thêm một năm không lấy tiền, kể cả nhà ở, đây là trường hợp đặc biệt đầu tiên của Trường Lomonosov.
"Suốt 5 tháng tôi bay đi, bay lại nhiều lần thành phố nơi Quỳnh Nga bị lạc, lo các chương trình tìm kiếm. Vợ bị ốm nặng, cháu Thảo Nguyên còn nhỏ, tiền học bổng chỉ đủ mua thuốc và nhu yếu phẩm, thậm chí tiền ăn, thực phẩm đều do bạn bè lo liệu. May mắn là tôi đã nhận được sự giúp đỡ của cả cộng đồng người Việt Nam ở Nga, có nhiều chuyện rất cảm động, không thể nào quên được".
Các chuyên gia hình sự Nga dựa trên các thông tin có được phân tích rằng cháu Quỳnh Nga bị bắt cóc. Theo lời kể của vợ chồng người bạn đưa cháu đi, chiều đó, mọi người đi ra bãi tắm trên xe buýt. Ngồi cùng với Quỳnh Nga là một người phụ nữ cùng một đứa trẻ con. Trên đường đi, người phụ nữ khen cô bé có mái tóc dài đẹp, nói tiếng Nga hay quá. Đến bãi biển, chỉ có Quỳnh Nga ở lại cùng người phụ nữ này. Khi vợ chồng người bạn tắm biển trở lên, họ không thấy còn ai cả.
Trung tâm tìm kiếm trẻ thất lạc toàn Nga đã vẽ lại khuôn mặt người phụ nữ kia qua lời kể của vợ chồng đi cùng Quỳnh Nga để đăng lên các trang tìm kiếm của công an. Thời ấy là những năm Liên Xô tan vỡ, nước Nga loạn lạc, khu vực Sochi gần Gruzia, nơi có hàng nghìn băng đảng hoành hành, nên việc tìm kiếm càng trở nên khó khăn hơn. Suốt hai chục năm qua, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đi khắp nơi trên đất nước Nga, đã gặp nhiều nhà khoa học hình sự, các nhà ngoại cảm, thầy bói, người xem bài, các bà Digan, thậm chí cả bà Vanga - nhà tiên tri nổi tiếng thế giới - để nhờ tìm con. Tất cả họ đều khẳng định Quỳnh Nga còn sống, "yên tâm rồi sẽ về".
Ông cũng nhiều lần trở Việt Nam, gặp gỡ nhiều nhà ngoại cảm, tử vi, gửi thông tin cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Thông điệp tìm con đã gửi lên cả chương trình Hãy chờ tôi của truyền hình Nga, hay chương trình tìm kiếm của Interpol. Một website tìm con với 7 thứ tiếng đã ra đời.
Nhiều trang mạng Việt Nam và hầu như khắp thế giới đã gửi đi những thông điệp của nhà thơ về đứa con gái thất lạc của ông. Ông nhận được hàng nghìn bức thư và lời chia sẻ.
Hàng năm, mồng 1/9 là ngày khai giảng ở Nga. Mỗi lần như vậy, ông chỉ dám đứng ở từ xa nhìn những học sinh náo nức đến tựu trường 222, không dám đến gần vì mỗi hình ảnh ngôi trường đều gợi lên cho ông bao kỷ niệm về con gái.
"Tôi không hề có một ước vọng nào lớn lao hơn là con gái Quỳnh Nga sẽ trở về" là câu nói chất chứa đầy tâm trạng của người cha ngày ngày ngóng trông con. Không thể giãi bày hết, ông gửi lời nhắn tìm con qua những dòng thơ da diết:
Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng Chín
Gió thay chiều, đổi hướng những rừng cây
Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng
Con ở đâu trên cõi nước Nga này?
Gió thay chiều, đổi hướng những rừng cây
Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng
Con ở đâu trên cõi nước Nga này?
Thế Đan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét