Sự tích con Dã Tràng
Xưa có một người thợ săn tên Công Dã Tràng, nhà ở bìa rừng già. Trong vườn nhà có đôi rắnmảng xà to sống trong bộng cây cổ thụ sau vườn. Ngày ngày,Ông thường để tâm theo dõi sinh hoạt của chúng.
Một hôm, lúc rắn đực đang lột da,yếu đuối, rắn cái ra ngoài ngoại tình và dẫn về một tên rắn đực to lớn, xà nẹo trươc bộng cây. Bất nhẫn, ông giương ná định giết chết tên rắn đực tham lam, cơ hội, phá hoại gia cang kẻ khác. Thật trớ trêu, mũi tên bay trúng ngay đầu của con rắn cái, làm cho tên trộm tình chạy mất.
Một đêm, lúc đang thuật lại chuyện rắn ngoại tình cho vợ nghe, có một viên ngọc rơi từ xà nhà xuống. Vừa nhặt lên, ông bỗng nghe: - Ông là ân nhân mà tôi cứ ngỡ là kẻ thù. Mấy hôm nay tôi đợi ông trên máng này chỉ chực mổ chết để báo thù cho vợ tôi . Nhưng hồi nãy nghe ông kể chuyện rõ ràng, tôi mới biết là lầm. Xin biếu ông viên ngọc nghe này. Ngậm nó vào mồm thì có thể nghe được tiếng nói của các loài chim, loài cá, loài thú ở thế gian .
Rắn báo oán! Từ kinh ngạc đến sung sướng, Dã Tràng nhận viên ngọc quý và từ đó không bao giờ rời. Nghe được tiếng chim muông thật là thú vị! Lũ thỏ đang làm gì, đàn nai đang ở đâu, chúa sơn lâm thức, ngủ; chim chóc thông tin và trò chuyện với nhau, ông đều biết rõ. Điều đó giúp ông săn bắn như ý.
Tuy nhiên ông bị bắt giam oan, bị giải về kinh về tội giết người do lũ quạ trả thù. Nghe lũ kiến báo sắp có lũ lụt to, mà các kho lương chưa di dời lên chỗ cao. Ông liền báo quan. Quả nhiên, trời mưa to, kinh thành bị ngập lụt mà người và lương thực an toàn, ông được đặc xá.
Biết Ông có ngọc nghe, nhà vua liền mượn ông viên ngọc quý. Chẳng may, khi nhà vua nghe hai con cá dí dỏm nói chuyện với nhau, vua cười, viên ngọc liền rơi xuống nước.
Tiếc viên ngọc quý, Dã Tràng dời nhà ra biển, ngày ngày, đợi khi thủy triều xuống, xe cát tìm ngọc. Bao cố gắng, bao nhọc nhằn, thời gian và công sức, chỉ hoài công thôi. Khác nào chuyện mò kim đáybiển.
Khi chết, Ông biến thành con còng còng hay còn gọi là con dã tràng, ngày ngày xe cát đê mong được châu về hiệp phố. Do đó, ca dao có câu : Dã Tràng xe cát biển Đông . Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì. Hay là : Công Dã Tràng hàng ngày xe cát, Sóng biển dồn tan tác còn chi . Hay là : Con còng còng dại lắm không khôn . Luống công xe cát sóng dồn lại tan . (Theo vanhoc.xitrum.net Truyện nầy còn có một số dị bản gắn liền với sư tích vì sao con ngỗng không ăn tép và vì sao mào ngỗng có một đốm trắng như để tang cho Dã Tràng đã cứu mạng.
Trong Thần thoại Hy Lạp cũng có một truyện hoài công tương tự :
Sysiphe một người gian dối, lừa đảo các thần linh, đã bị lãnh phạt một cực hình khổ sai vô nghĩa, phi lý. Sysiphe phải lăn một tảng đá cực lớn từ chân núi lên một đỉnh núi dốc đứng. Biết bao khó nhọc và thời gian! Biết bao nghị lực và công sức! Khi tảng đá lên đến đỉnh núi, Ông phải xô cho nó rơi xuống chân núi. Rồi Ông phải tiếp tục xuống núi, miệt mài lăn tảng đá lên đỉnh núi lần nữa và đẩy cho tảng đá rơi xuống núi. Lăn lên, cho rơi uống, lại lăn lên nữa…và cứ liên tục như thế mãi, trong cái vòng lẩn quẩn, trong vô vọng, trong ngu ngốc, dại khờ!
Xin hãy quay lại bài thơ Dã Tràng:
Dã Tràng
*
Dã Tràng xe cát uổng công,
Còn em xe mãi chỉ hồng không săn.
Cánh bằng bặt dấu trời xanh,
Tơ hồng đứt đoạn cát đành sóng xao.
Mênh mông dồn dập ba đào,
Niềm thương nỗi nhớ dạt dào tràn dâng.
Vấn vương tiếp nối bâng khuâng,
Dã Tràng xe cát em hong tơ trời!
Bao năm thương nhớ bời bời,
Đèo Cao ngút mắt Chân Trời chờ ai.
Ai về tình lỡ duyên mai,
Ai về trăm đắng nghìn cay nát lòng!
Thương ai mang kiếp long đong,
Thương mình lận đận dám mong giận hờn.
Đêm đêm đòi đoạn từng cơn
Tình chung đối bóng tình đơn não lòng!
(CA, April, 28-2011)
Chủ đề bài thơ là dấn thân, chắt chiu cho một tình yêu vô vọng, (Dã Tràng xe cát em hong tơ trời!) và tâm tình của nhân vật trữ tình. (Tình chung đối bóng tình đơn não lòng!).
Có thể hiểu nhân vật trữ tình, “em” trong bài thơ là chính tác giả hoặc tác giả thay lời cho tha nhân và cả bài thơ là một bức tranh tâm trạng đậm nhạt vài chi tiết “tự sự”, giai điệu của thơ lục bát dân gian, có bố cục khá cân đối ( 2 câu mở/ 12 câu tâm tình/ 2 câu kết).
Hai câu mở:
Dã Tràng xe cát uổng công,
Còn em xe mãi chỉ hồng không săn.
Giới thiệu nhân vật trữ tình “em” đã dấn thân, chắt chiu cho một tình yêu đã mất đi một cách đáng tiếc,vô vọng.
Xe cát là con Dã Tràng làm cho cát dính lại từng viên nhỏ. Xe chỉ là thủ thuật làm cho các sợi chỉ nhỏ xoắn chặt vào nhau. Khi các sợi chỉ đã xoắn chặt vào nhau là đạt yêu cầu hay còn gọi là chỉ đã kết, đã thành, đã săn. Ngược lại là bất thành, là không săn. Chỉ hồng là xích thằng trong điển tích Nguyệt hạ lão nhân (Ông già dưới trăng):
Tích Vi Cố đời Đường, một thư sinh văn hay chữ tốt. Một hôm đi dạo dưới trăng, chàng chợt gặp một cụ già đầu chích khăn đỏ, đang xe những sợi chỉ đỏ bên cạnh có một cuốn sổ thật to. Thấy lạ, chàng đến gần lễ phép hỏi chuyện, mới biết cụ già là một vị thần xe duyên cho trai gái ở thế gian. Đã xe duyên rồi thì dẫu thế nào đôi trai gái cũng sẽ thành duyên giai ngẫu. Tò mò thưa bẩm chuyện mình, Vi Cố được cụ già tiết lộ thiên cơ là đã xe duyên cho chàng cùng với một cô bé mới ba tuổi hiện là con gái của một lão bà ăn mày mù dưới chợ. Nói xong cụ già biến mất.
Thật sững sờ khi biết mình sẽ có một người vợ, hiện là con gái của lão ăn mày mù dưới chợ. Đó là một bé gái, khoảng 3 tuổi xấu xí, dơ bẩn, rách rưới, đang ngồi khóc vì đói rét ở một góc chợ hôi hám. Bi phẫn sinh ác, chàng liền thuê bọn côn đồ thủ tiêu bé gái…những mong thoát khỏi thiên cơ…và có tiền việc đó xong ngay…
Mười lăm năm sau, Vi Cố mới đỗ Thám Hoa, được một người vợ trẻ đẹp như tiên nga, ái nữ của một vị quan to sắp sửa về quê nghỉ hưu... Một hôm, tan chầu về nhà, vợ đang gội đầu, chàng đến giúp thì thấy trên đầu vợ, ẩn sau mớ tóc đen tuyền, bóng mượt, có một cái sẹo to…Lời thuật lại của vợ làm Vi Cố vỡ lẽ. Người vợ, cô bé xấu xí ngày xưa, do ông nguyệt lão xe tơ, chàng đã cho thủ tiêu hòng cải lại “duyên thiên”… và người vợ hiện thời, chỉ là một...
Mới biết chuyện gì, trời đã định thì không bao giờ thoát khỏi.
Câu thơ đầu, chuyện dã tràng xe cát. Câu thơ sau, tác giả đối chiếu với chuyện mình bằng biện pháp tu từ so sánh (dã tràng và em). Từ uổng công ở câu trên và xe mãi chỉ hồng không săn, diễn đạt một ý nghĩa rất buồn , hoài công và thất bại đáng thương. Sự khác nhau của hai câu thơ, chẳng qua là hai cách sử dụng của nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn, lời ít và lời nhiều, thể hiện một lời thở than cho duyên phận không may mắn của mình.
Nhưng vì sao nhân vật trữ tình lại thở than như vậy?
Mười hai câu tâm tình
Cánh bằng bặt dấu trời xanh,
Tơ hồng đứt đoạn cát đành sóng xao.
Mênh mông dồn dập ba đào,
Niềm thương nỗi nhớ dạt dào tràn dâng.
Cánh bằng , biện pháp tu từ hoán dụ, sử dụng chi tiết chỉ tổng thể, chỉ con chim bằng, giống chim lớn bay rất cao và rất xa theo truyền thuyết, thường dùng trong văn hoc xưa để chỉ người anh hùng tạo thời thế, có cơ hội vẫy vùng. Ở đây, còn có thể hiểu, chàng là một phi công. Bặt, đọc trại của chữ biệt, không để lại dư âm hay tin tức gì cả. Cả câu là chàng đã biệt tăm. Do đó, chuyện tình , tơ hồng coi như đã lỡ làng, kết thúc, bất thành, đứt đoạn ; và cũng phải chấp nhận, không thể nào khác được như làn sóng kia đã cuốn cát trôi đi mất,cát đành sóng xao. Trong hoàn cảnh rộng lớn như không có mức giới hạn, mênh mông; liên tiếp nhiều lần trong khoảng thời gian tương đối ngắn, dồn dập; có rất nhiều cơn sóng to, ba đào, như những hoàn cảnh chìm nổi, gian nan trong cuộc đời mà lúc nào, tâm hồn nhân vật trữ tình chỉ biết thương nhớ, dạt dào tràn dâng.
Đau đớn thay, những biến cố của anh và nỗi lòng của em! Nhưng tình em không phải chỉ có thương nhớ …
Vấn vương tiếp nối bâng khuâng,
Dã Tràng xe cát em hong tơ trời!
Bao năm thương nhớ bời bời,
Đèo Cao ngút mắt Chân Trời chờ ai.
Vậy là, chuyện tình đó, vẫn cứ luôn nghĩ đến, mãi nhớ hoài trăm năm, không thể nào nguôi, vương vấn; dạt dào những cảm xúc luyến tiếc, nhớ thương xen lẫn nhau như ngẩn ngơ trăm mối bên lòng, bâng khuâng. Tâm tình đó ngày càng tăng tiến thêm, ngày càng trải rộng ra, đến mức như vượt ra ngoài tầm mắt, tận chân trời, ngút mắt, trong biết bao năm tháng mòn mỏi chờ ai.
Nào thấy tăm hao! Hơn một lần, nghệ thuật điệp ý được vận dụng hợp lý, nhấn mạnh nỗi đau xót duyên kiếp, thân phận, không may mắn trong cuộc tình , Dã Tràng xe cát, đối chiếu với một công việc liên tưởng đầy sáng tạo, ảo vọng, em hong tơ trời: người ta hong tơ tằm cho khô, cho óng, cho vàng, thành chất liệu dệt có giá trị. Riêng em, chỉ một mình em đã làm một công việc lẩn thẩn, ngớ ngẩn là đi hong tơ trời. Tơ trời là một thứ tơ nhện trên rừng do bão tố cuốn đi muôn phương. Khi bão tan, bình gió, nó ở trên trời từ từ rơi xuống đất, những mảng tơ trắng, đứt đoạn, bay lang thang trên khắp ruộng đồng. Dân gian gọi thứ tơ nhện vô tích sự đó là tàn lan hay gọi một cách sáng tạo,thi vị hơn là tơ trời như đã đề cập ở trên.
Vẫn chưa hết ý, người đọc như cảm nhận một thời gian đằng đẵng, vô tận (bao năm thương nhớ bời bời); lồng trong một không gian rộng lớn vô cùng của hình ảnh gian nan hiểm trở, đầy thử thách của đèo cao ngút mắt tận chân trời của sự chờ ai vời vợi của nhân vật trữ tình.
Rõ ràng là một tấm lòng chung thủy điểm chút thương thân của người trong cuộc. Để rồi:
Ai về tình lỡ duyên mai,
Ai về trăm đắng nghìn cay nát lòng!
Thương ai mang kiếp long đong,
Thương mình lận đận dám mong giận hờn.
Duyên mai, duyên của cây mai, loại cây khẳng khiu, thanh nhã, mảnh dẻ thuộc họ tre trúc ý nói duyên phận của người con gái. Lỡ duyên mai là đã muộn màng, dang dở, bất thành duyên giai ngẫu hay nàng đã lập gia đình.
Thế rồi, khi người xưa trở lại thì chuyện tình đã hết vì ván đã đóng thuyền. Có ai ngờ, cánh bằng bặt dấu trời xanh, mà lại trở về mái nhà xưa(?!). Một hiện thực xé lòng! Biết bao trăm đắng, nghìn cay! (Sử dụng cặp từ ghép, cắt đôi,đan chéo, nhấn mạnh ý tưởng đắng cay). Chàng đã bản lĩnh vượt qua một kiếp sống long đong đáng thương. Long đong là vất vả, khó nhọc, gian nan vì đã gặp nhiều điều không may. Lận đận là vất vả, chật vật vì đã phải trải qua nhiều trắc trở, gian lao. Hai cặp từ tố thể hiện một cách vừa bóng bẩy, vừa khắc họa về nhân thân của chàng, một cánh bằng bạt gió,gãy cánh. Ba câu thơ vói ba phiếm chỉ đại từ vừa là điệp từ ai minh họa một cách cụ thể-khái quát về chàng. Đặc biệt, thương ai là thương chàng, tấm lòng đoái thương của người con gái. Thương mình cũng chính là chàng thương thân mình, hữu thân hữu khổ. Tác giả đã để cho chàng tự cảm nghĩ về thân phận, để chấp nhận những hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận an bày.
Thật là trớ trêu, ngỡ ngàng và đáng thương!
Hai câu kết:
Lẻ bóng, não lòng.
Đêm đêm đòi đoạn từng cơn
Tình chung đối bóng tình đơn não lòng!
Hai câu kết nghe như những tiếng lòng thổn thức, đành phận về duyên kiếp hẩm hiu, dâu bể, trong nỗi xót xa cô đơn miên man, qua nhịp thơ 2/2/2 và 4/4, dịu êm, cân đối, hài hòa như một giai điệu tỏ lòng, kể khổ. Để kết thúc, chấm hết bằng một dấu cảm bức xúc như nước mắt ứa ra, nghẹn ngào,tuôn trào rồi rơi lệ của cả hai phía, hai nhân vật trữ tình…
*Nếu căn cứ theo ý nối tiếp của bài thơ, người đọc có thể cảm nhận hai câu kết nầy là tâm trạng của chàng vì tình chung giờ đây chỉ là đối bóng, đối diện với bóng mình, là lẻ bóng, đơn côi. Hay là, đối diện với cái bóng mình (ảo ảnh, không có thực) là tan vỡ, lỡ làng.
Tình riêng là tâm trạng não lòng trong đau thương chất ngất, trong lỡ bước,để lỡ một chuyến đò tình.
*Còn nếu căn cứ vào chủ đề bài thơ và chi tiết tự sự ở hai câu mở bài, hai câu kết nầy cũng có thể hiểu là tiếng lòng thở than của người con gái trong chuyện tình đứt đoạn, hoài công.
Và điều đó, chính là một trong những điểm cô đọng mà hàm súc của tứ thơ.
Cuối cùng, có thể nói,Dã Tràng của Hải Vân, với mười sáu dòng thơ mượt mà là cả mười sáu cung bậc đoạn trường của một tình khúc trắc trở, thời thế, bể dâu!
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét