19 thg 3, 2025

MỘT THỜI KỶ NIỆM - Pham Bắc - SPSG

 


MỘT THỜI KỶ NIỆM

   Tháng 11, ở miền Nam chỉ còn vài cơn mưa rải rác. Nắng đôi lúc đã có một chút gì hanh hao. Gió thỉnh thoảng vương một chút hơi lạnh của những cơn gió mùa đông bắc đến sớm, chợt đến rồi chợt đi. Thời tiết đó làm mình nhớ đến thuở đầu đời khi vừa từ giã tuổi thư sinh, từ giã ngôi trường Sư phạm Saigon. Vậy mà đã 47 năm rồi. Thời gian trôi qua mau quá! Những ngày xưa ấy, có lúc mình ngỡ như vừa mới hôm qua, nhưng có khi mình tưởng như là chuyện xa xôi mông lung nào đó không có trên cuộc đời này. Rồi mỗi khi nghe gió lùa lành lạnh trên làn da, lòng mình lại quay quắt nhớ về những kỷ niệm xưa. Dưới đây là những bài viết mình đã đăng trên trang Facebook của mình năm trước để nhớ lại những ngày đầu tiên mình và bạn bè đặt chân đến vùng đất Đức Linh thân yêu này. Nay mình biên tập lại theo thứ tự thời gian để các bạn có thể liên tưởng lại những khoảng thời gian ở Đức Linh của chúng mình.

RA ĐI
   Ngày thứ bảy 08/11/1975, mình đến trường Sư phạm Saigon nhận quyết định đi dạy học tại tỉnh Bình Tuy (bây giờ thuộc Bình Thuận). Sau khi nhận quyết định, mình đạp xe về nhà cách trường gần 20 km. Trên đường về, mình cứ suy nghĩ miên man, vừa muốn xa nhà, trải nghiệm cuộc sống tự lập, khám phá những vùng đất mới, vừa day dứt vì thương gia đình có bà nội, bố mẹ và các em nhỏ đang khó khăn vất vả. Sau khi biết mình đi xa, mẹ mình đã bỏ hết thời gian hơn một ngày còn lại để chuẩn bị cho mình từng cái quần, cái áo, vật dụng cần thiết để mình mang theo.
   Sáng sớm ngày thứ hai 10/11/1975, mình có mặt tại trường SPSG để lên xe đi Bình Tuy. Bố mình vừa mổ răng hàm, một bên mặt sưng to hẳn lên nhưng cũng chở mình đến trường bằng chiếc xe máy cũ. Mình chào từ biệt ông rồi vào trường, ông vẫn dựng xe trước cổng trường, cái dáng lom khom làm mình xúc động, rồi mình cũng không biết ông về lúc nào vì quá đông. Những giáo sinh ra Bình Tuy gồm các bạn các lớp Nhất 4, Nhất 5, Nhất 6 và các bạn nữ ban Mẫu giáo. Lớp Nhất 6 của mình có mình và 11 bạn là Ngọc, Lan Hương, Lệ Chi, Trang, Triệu, Thắng, Tuấn, Mỹ, Hùng, Đức Hạnh và Hoạch, (sau này còn bạn Ngọc Thu ở Biên Hoà ra đợt sau). Tổng số người ra Bình Tuy là 68 người, đi trên một xe lớn và một xe nhỏ. Các bạn đi các tỉnh khác cũng có xe đến trường đón. Trước giờ lên xe, sân trường rất đông người, vừa là người đi, vừa là người tiễn, tiếng nói, tiếng cười lẫn tiếng khóc nghẹn ngào tạo nên một khung cảnh không thể nào quên được. Các tân giáo viên tuổi vừa đôi mươi có lẽ là lần đầu xa nhà, mỗi người mang một tâm trạng khác nhau, nhưng trong giờ phút đó ai cũng rưng rưng, bồi hồi trước một cuộc chia tay lịch sử. Bạn bè cùng lớp nhưng có người đi lên vùng Nam Trung bộ như mình, có người đi tới miền Đông Nam bộ, có người ở lại thành phố, có người về miền Tây sông nước, có người xuống tận đất mũi Cà Mau. Hồi đó ai cũng nghĩ rằng sẽ khó có dịp gặp lại nhau vì phương tiên liên lạc và giao thông không thuận lợi như bây giờ. Buồn nhất là những bạn đã có tình cảm với nhau nhưng mỗi người mỗi nơi. Có một số bạn ra đi mà chưa biết người thương của mình đi đâu vì người đó chưa được xếp nhiệm sở. Đến giờ lên đường, bạn bè từ giã nhau, từ giã người thân trong nước mắt, những bàn tay nắm chặt, những vòng tay ôm tiếc nuối, những câu nói nghẹn ngào. Rồi nén lại nỗi buồn, hơn một ngàn cánh chim bay đi khắp mọi miền đất nước, mang theo những kiến thức, những suy tư, những ước mơ của tuổi trẻ để vun đắp cho những thế hệ mai sau. Ngồi trên xe, nhìn thấy thành phố thân yêu dần dần mờ khuất sau lưng, trong lòng mình dậy lên một cảm xúc khó tả.
   Nhưng rồi cảnh vật xa lạ hai bên đường từ từ khơi lên trong lòng mình một sự tò mò khám phá. Càng xa thành phố tầm nhìn càng mở rộng, đất trời mênh mang làm cho lòng càng háo hức. Xe dừng bánh tạm nghỉ trên đỉnh đèo Mẹ bồng con. Bước xuống xe, nhìn cảnh vật xung quanh thật hùng vĩ mà lòng lâng lâng. Khi qua ngã ba Ông Đồn, mình ngỡ ngàng khi nhìn thấy những rặng núi xa xa, những vùng đất bao la tới tận chân trời, những cảnh vật xa lạ, những hình ảnh mà ở thành phố mình chưa từng nhìn thấy. Gần trưa, xe đến thị xã La Gi, huyện Hàm Tân, trung tâm của tỉnh Bình Tuy. Xe dừng trước Ty Giáo Dục, mọi người xuống xe. Cảm nhận ban đầu là ở đây rất vắng vẻ, nhà cửa thưa thớt, khác xa thành phố. Sau khi vào chỗ ở tạm, cất hành lý, bọn mình ra phía trước cổng Ty Giáo Dục xem xét tình hình rồi thuê một chiếc xe lam ra bãi biển chơi. Biết bọn mình là giáo viên mới ra trường, những người dân quanh đó cho biết là ai may mắn sẽ được ở lại huyện Hàm Tân, còn ai phải đi huyện miền núi Đức Linh thì chắc chắn sẽ bị sốt rét. Mình thì lại thầm mong được đi Đức Linh vì rất thích cảnh núi rừng bao la hùng vĩ.
Sáng hôm sau, thứ ba 11/11/1975, trong buổi họp để phân công, kết quả là các bạn Nhất 4 ở lại Hàm Tân, các bạn Nhất 5, Nhất 6 và 5 bạn nữ ban Mẫu giáo về Đức Linh. Mình còn nhớ 5 bạn ban Mẫu giáo là Thanh, Công, Minh Thu, Quý Anh và Thoại Anh. Đêm hôm đó về chỗ ngủ, không ai có thể ngủ được vì những suy nghĩ về cuộc sống bắt đầu từ hôm sau. Một anh bạn lớp mình nói với mình ngày mai anh ấy sẽ bỏ về Saigon, vì anh ấy có người yêu ở lớp khác chưa biết đi đâu. Mình bảo đã ra tới đây thì cứ đi tới Đức Linh cho biết, rồi muốn về thì về. Thế là anh ấy đồng ý ngày mai sẽ đi Đức Linh. Còn chuyến hành trình về Đức Linh thế nào thì lúc nào rảnh mình sẽ đăng tiếp.

12/11/1975, NGÀY ĐẦU TIÊN Ở ĐỨC LINH
   Sáng hôm sau, ngày thứ tư 12/11/1975, nhóm ra đi mang theo hành lý, từ giã nhóm ở lại để lên xe về Đức Linh, nơi mà chưa ai hình dung được ở đâu, như thế nào. Từ Ty giáo dục đi trở ra tới ngã ba Hàm Tân, xe quẹo trái đi một lúc lâu lại thấy trở về địa giới của Long Khánh. Mình thấy xe như đang quay về hướng thành phố Saigon. Mình nói giỡn với các bạn hình như họ trả mình về lại Saigon thì phải. Ai cũng thắc mắc nhưng không tiện hỏi ai. Đến khi tới ngã ba Ông Đồn thì xe quẹo phải về hướng bắc. Từ đó, cảnh vật hai bên đường khác dần, đường vẫn là đường nhựa nhưng hẹp hơn, cây cối hai bên nhiều hơn, nhà cửa thì thưa thớt. Một chỗ bên phải đường, có một quả đồi trồng toàn là chuối. Đi khoảng hơn 10km thì đến cầu Gia Huynh, ranh giới giữa Long Khánh và Bình Tuy. Vậy là từ La Gi không có đường về thẳng Đức Linh nên phải trở về ngã ba Ông Đồn rồi đi ngược lên Đức Linh. Từ chỗ này đường chỉ là đường đất và đường rất xấu, nhiều ổ gà nên xe đi chậm. Xe phải chật vật đi qua nhiều cây cầu chênh vênh bắc qua những con suối nhỏ, ngồi trên xe ai không quen đều cảm thấy sợ. Có một cây cầu mà người ta gọi là cầu “nín thở” vì nó chỉ là hai thân cây to đặt song song qua suối, vừa đủ chỗ cho hai bánh xe ô tô lăn qua. Đất ở đây là đất đỏ, đường bụi mờ mờ phía sau xe. Xa xa ở hướng trước mặt là những dãy núi xanh xanh ngày càng rõ dần. Hai bên đường là những cánh rừng xen lẫn những vạt nương rẫy và những căn nhà lá đơn sơ. Bên phải, thỉnh thoảng là những dải núi đá trên có cây mọc lưa thưa. Ở lưng chừng một ngọn núi, có một bức tượng một người cỡi ngựa, cả người và ngựa đều bị mất đầu trông rất kỳ dị. Cảnh vật nhìn chung hoang sơ vắng vẻ nhưng không hiểu sao mình lại thấy có cái gì thú vị.
Rồi đến một nơi gọi là thị trấn Võ Đắt, trung tâm hành chính của huyện Đức Linh (hồi đó Đức Linh gồm cả Tánh Linh bây giờ). Xe dừng lại cho mọi người ghé vào một quán cơm bên đường ăn trưa. Thị trấn này vẫn chưa hết dấu tích của chiến tranh. Nhiều căn nhà bị bom đạn đổ nát chưa được dọn dẹp. Quán mà cả nhóm đang ngồi ăn cơm cũng chỉ là một căn nhà không vách, mái lợp lá buông đơn sơ. Trên nét mặt nhiều người dân nơi đây còn hằn lên những nét ưu tư. Có lẽ cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn sau một cuộc chiến tranh khốc liệt, đau thương mất mát.
   Nghỉ ngơi một lát, xe lại tiếp tục đi đến phòng giáo dục của huyện đặt tại xã Nam Chính cách Võ Đắt khoảng 4km. Vừa xuống xe, mọi người thấy có hai người khiêng một chiếc võng bằng một khúc cây tre dài. Trên chiếc võng có một người nằm, khuôn mặt xanh mét, mắt nhắm nghiền. Hỏi ra thì biết người đó bị sốt rét, được khiêng đi trạm y tế. Đúng là một màn hù doạ phủ đầu cho những con người mới đến vùng đất này. Nhiều bạn đến giờ vẫn nhớ hình ảnh ám ảnh này trong đầu.
   Phòng giáo dục là một căn nhà rộng, mái tranh, vách bằng tre. Anh trưởng phòng tên Nam Hải, còn khá trẻ, mặc bộ quần áo xanh bộ đội, chân đi dép râu tươi cười ra đón, gọi chúng mình là các “đồng chí” nghe thật lạ tai. Đặc biệt anh trưởng phòng này có đôi bàn chân rất to, có thể nói là quá khổ. Buổi chiều hôm đó, phòng giáo dục đã họp và đưa quyết định phân công cho từng người về các trường ở các xã trong huyện. Nghe thông tin thì huyện Đức Linh gồm hai khu vực : các xã phía bắc sông La Ngà gọi là bắc sông, phía nam gọi là nam sông và phía bắc sông thì rừng thiêng nước độc hơn. Lớp Nhất 6 mình có hai bạn qua bắc sông là Đức Hạnh đến Mépu và Hoạch đi Sùng Nhơn. Bên nam sông thì có mình và Trang qua Gia An, các bạn còn lại thì về thị trấn Võ Đắt. Các bạn ở lớp Nhất 5 thì mình không nhớ rõ. Năm bạn ban mẫu giáo thì ở lại làm việc tại phòng giáo dục. Vì lúc đó đã là chiều muộn nên tất cả phải ở lại để hôm sau mới đi về các nơi.
   Tối hôm đó, tụi mình ở tạm trong một cái lán trại của các anh du kích xã. Lán là một dãy nhà mái tranh mà không có vách. Bên trong có mấy chiếc bàn gỗ dài, kê sát nhau rồi trải chiếu lên. Đêm hôm đó các bạn ngồi quây quần trên chiếu dưới ánh sáng leo lét tứ những chiếc đèn bão, đèn khí đá treo trên cột. Nhóm thì chuyện trò, nhóm thì đàn hát. Bạn Hoạch mang theo cây guitar chơi rất hăng. Càng về khuya, từng cơn gió núi lùa về lạnh buốt. Tiếng đàn hát, tiếng nói chuyện im dần, không gian chìm vào một sự vắng lặng cô liêu đến nao lòng. Đôi lúc có những âm thanh lạ lẫm của núi rừng mà không ai biết là gì. Nhiều bạn đã bắt đầu thấm thía cái nỗi nhớ nhà. Thỉnh thoảng có tiếng khóc thút thít đâu đó. Tất cả nằm im nhưng chắc không ai ngủ được. Đó là cái đêm đầu tiên ở Đức Linh, và có lẽ là cái đêm không thể nào quên được trong cuộc đời. Còn những ngày sau đó thì mỗi người mỗi nơi, có người ở lại hai, ba năm, có người năm, bảy năm, có người nhận nơi này làm quê hương. Mỗi người đều có những kỷ niệm riêng ở vùng đất thân thương này, và đó là những kỷ niệm không thể nào quên được.

BA NĂM Ở GIA AN
    Sáng sớm thứ năm ngày 13/11/1975, các bạn về Võ Đắt thì được một chiếc xe của huyện đội cho đi nhờ về Võ Đắt, còn mình và bạn Trang chờ xe về Gia An. Khoảng hơn 10 giờ sáng, một anh du kích chỉ một chiếc xe từ xa đang đi đến, nói là xe đó sẽ về Gia An. Khi xe dừng, mình không nghĩ đó là xe chở khách vì nó giống như xe chở hàng. Trên xe đã đông người, chỉ còn một chỗ có thể ngồi trong xe. Mình nhường bạn Trang ngồi trong xe, còn mình bám phía sau xe, đứng trên chỗ bậc lên xuống. Đoạn đường từ đó về Gia An khoảng 15 km, toàn đường đất, rất nhiều ổ gà lớn nhỏ, hai bên đường hầu hết là rừng rậm. Xe chầm chậm lắc lư trên đường, nhiều lúc như nghiêng hẳn về một bên. Mình đứng phía sau có lúc tưởng rớt xuống đường, thật là một trải nghiệm thú vị! Gần đến nơi, xe đi qua một chiếc cầu sắt màu đỏ gọi là cầu Loăng Quăng. Qua cầu thì hai bên đường là đầm lầy, ruộng lúa rồi đến đầu xã Gia An bắt đầu là thôn 1. Hai bên toàn cây ăn trái như xoài, mít, vú sữa. Đi hết thôn 1 khoảng gần 1km là đến thôn 2, xe dừng ngay trước cổng ủy ban xã. Xuống xe, lơ xe là bà vợ ông tài xế không hiểu vì sao biết mình là giáo viên mới ra trường, gọi mình bằng thày làm mình vừa ngỡ ngàng vừa ngại ngùng. Bà ấy chỉ đường cho mình đến trường cấp một Gia An cách đó khoảng hai trăm mét. Mình và Trang đi bộ đến trường khoảng 12 giờ trưa. Trước sân trường là một cây cám rất to, che mát cả góc sân. Dưới bóng cây, có vài người dân đang ngồi nghỉ ăn cơm trưa. Mình đến chào và hỏi thăm thì có một bác chỉ tay vào trong trường và nói ông hiệu trưởng đang ở trong đó. Trường là một dãy nhà cũ kỹ tường gạch, mái tôn có 3 phòng, phòng đầu là văn phòng. Mình đến văn phòng nhìn vào thì không thấy ai, đi suốt dãy phòng học cũng chẳng thấy ai. Quay lại văn phòng thì mình nghe có tiếng đàn guitar vọng lên từ phía sau. Mình đẩy cửa vào thì thấy có một cửa thông ra phía sau. Mình đi ra sau thì thấy có một căn phòng nhỏ, bước vào thì thấy có hai anh, một anh cởi trần nằm trên võng, một anh ôm đàn ngồi trên giường. Mình chào và tự giới thiệu là giáo viên sư phạm Saigon đến nhận công tác. Anh cởi trần mặc áo vào rồi cả hai anh dẫn mình và Trang lên văn phòng nói chuyện. Khi mình hỏi hiệu trưởng ở đâu thì anh cởi trần lúc nãy cười và nói anh ấy là hiệu trưởng. Mình ngạc nhiên vì trong đầu cứ nghĩ hiệu trưởng phải là người lớn tuổi chứ đâu phải người mới 25 tuổi như anh ấy. Sau đó anh ấy dẫn mình và Trang đến nhà người quen, gửi Trang ở đó, còn mình về trường ở chung với hai anh ấy. Anh hiệu trưởng là Vũ Khắc Long, học sư phạm Saigon khoá 8, trước mình 5 khoá, quê Saigon, là hiệu trưởng ở đó từ 1971, anh ấy rất tốt và có tính khôi hài, nổi tiếng cả tỉnh Thuận Hải hồi đó. Anh kia là Đoàn Văn Thuận, người Phan Thiết, học khoá 3 Sư phạm Phước Tuy, ra trường năm 1974, là một tay đàn guitar classic điêu luyện. Một tuần sau lại có thêm Lê Văn Hùng và Hứa Trường Xuân quê Đồng Nai, cùng khoá mình ra bổ sung. Từ đó, suốt 3 năm, chúng mình 5 anh em ở chung, thân thiết hoà đồng với nhau và đến bây giờ vẫn liên lạc và thỉnh thoảng gặp gỡ nhau.
   Từ đó mình bắt đầu cuộc đời giáo viên ở đó trong 3 năm học. Mặc dù cuộc sống thiếu thốn những mình đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở đó. Gia An là một xã nằm sát bờ phía nam của dòng sông La Ngà, cảnh vật đẹp tuyệt vời với rừng núi, sông nước, đầm hồ, ruộng lúa mênh mông. Mình đã có những buổi vào rừng đốn củi, tìm lan, hái trái rừng; những ngày bơi thuyền ra sông La Ngà, bàu Sấu, biển Lạc câu cá. Một trải nghiệm đáng nhớ nữa là những lần một mình đi bộ vào lúc đêm khuya trên đoạn đường từ Võ Đắt, Võ Xu, Gia An với những cảm giác đặc biệt. Và trân trọng nhất là tấm lòng quý mến của các em học sinh và những người dân thật thà chất phác nơi đây.

NHỮNG NĂM THÁNG Ở HUY KHIÊM
   Sau ba năm học ở Gia An, đầu năm học 1978-1979 mình được điều qua trường cấp 1+2 Huy Khiêm bên bắc sông. Biết mình đi, bạn bè và học sinh ai cũng lo cho mình. Anh Long nói anh sẽ lên phòng giáo dục xin mình ở lại. Có em học sinh khóc và nói thày đừng qua đó, sốt rét chết thày ơi. Nhưng vì máu phiêu lưu, mình quyết định đi. Mình rất xúc động khi các em học sinh tặng mình những món quà nho nhỏ nhưng với tấm lòng lo lắng và đầy sự thương mến. Có em tặng mình một bịch chừng nửa kg gạo nếp và ba quả trứng gà, có em tặng mình một bịch cá khô, có em tặng một bịch đậu phộng… Ngày đi qua Huy Khiêm, vì đường xấu, không có xe nên mình khoác ba lô, mang theo cây đàn guitar đi bộ. Đi được hơn 10km thì mình đến Tánh Linh, may sao đang đi thì có một chiếc xe máy cày đang trên đường đến Bắc Ruộng có đi ngang qua Huy Khiêm. Trên rơ móoc sau xe có bạn Quý Anh cùng khoá mình đang công tác mẫu giáo ở phòng giáo dục. Bạn Quý Anh kêu xe ngừng lại đón mình, nếu không thì phải đi bộ thêm 15 km nữa mới đến Huy Khiêm.
   Trường cấp 1+2 Huy Khiêm lúc đó là hai dãy nhà mái tranh, vách bằng tre tiếp nối nhau. Hai đầu là hai dãy phòng vuông góc với dãy phòng học, một bên là văn phòng, một bên là nhà ở của giáo viên. Sân trường thì một bên trồng me tây đã cao lớn, một bên là những cây phượng mới trồng, cao hơn đầu người. Mình vào trường thì gặp bạn Quách Thanh Xuyên cùng khoá mình đang là hiệu phó ở đó. Xuyên hỏi mình đi đâu, mình trả lời đến dạy ở đây. Xuyên không tin, tưởng mình đùa, mình đưa quyết định cho Xuyên xem, Xuyên mừng quá vì có thêm bạn bè, thêm chiến hữu ở nơi hiu quạnh, khó khăn này. Khi mình đến Huy Khiêm, đất nước vừa trải qua một giai đoạn lụt lội, mất mùa, gạo không có nhiều. Mỗi tháng mỗi giáo viên chỉ có 3 kg gạo, chúng mình có những ngày chỉ ăn rau muống hái ở các hố bom ngập nước quanh trường. Sau đó nhờ có lúa mì của Liên Xô viện trợ (lúc đó hay gọi là bo bo) mà có cái để dằn bụng. Anh hiệu trưởng lúc đó là anh Hiệp, kêu gọi giáo viên tự túc lương thực bằng cách trồng cao lương, khoai lang và đặc biệt là trồng lúa nước. Trường có nhiều đất phía sau, lại có một lạch nước từ trên núi chảy qua. Chúng mình liền cải tạo thành một ruộng lúa nước. Anh Hiệp xuất thân từ trường nông lâm súc ra nên rất rành kỹ thuật trồng lúa. Anh hướng dẫn cho giáo viên gieo mạ, cấy giống IR5 và năm đó trúng mùa, thu được nhiều lúa, khoai, cao lương. Mình và anh Hiệp còn làm được một vườn rau, trồng đủ các loại rau, cả trường ăn không hết. Anh Tuấn ở Phòng GD đến thăm thấy vườn rau thì thích lắm. Ở Huy Khiêm còn có thú mùa mưa đi bắt ếch, ếch ở Huy Khiêm to và nhiều lắm, tối đến đi quanh trường cũng bắt được nhiều, muốn ếch to và nhiều hơn thì vào rừng ngay sau trường. Mùa khô thì có thú đi săn trong rừng, săn về anh em nhậu cả đêm.
   Ở Huy Khiêm mùa mưa không có xe khách chạy qua, có những lần về Võ Đắt họp phải đi bộ trên khoảng đường hơn 40km từ sáng sớm đến tối mịt mới tới. Huy Khiêm rất vắng vẻ và hoang sơ, xung quanh toàn núi rừng bao la mịt mùng nhưng những đêm trăng thì đẹp tuyệt vời. Những buổi tối trăng sáng mình hay đi bộ dưới trăng cùng người bạn đến Tàpao cách đó 4km rồi quay về. Một kỷ niệm đáng nhớ ở Huy Khiêm là hè 78-79, sau khi cấy lúa xong, mình tình nguyện một mình ở lại trường để chăm sóc lúa. Hơn một tháng trời, mình ở trường một mình. Ban ngày còn có các em học sinh đến trực vệ sinh trường, nhưng ban đêm chỉ mỗi một mình với bảy căn phòng tập thể âm u, mình ở phòng đầu tiên. Có đêm giật mình thức dậy, xung quanh tối mịt, những âm thanh kỳ dị trong màn đêm cho một cảm giác rờn rợn. Rồi một lần đang ngủ thì nước lũ tràn về, dâng tới mép giường. Mình trèo lên đầu tủ ngồi chờ đến gần sáng nước mới rút. Nhưng đối với mình, đó là những trải nghiệm thật thú vị.
   Nói chung, cuộc sống ở Huy Khiêm thiếu thốn và vất vả hơn ở Gia An nhiều, nhưng có nhiều kỷ niệm khó quên.

A ĐỨC HẠNH, HAI NĂM CUỐI CÙNG Ở ĐỨC LINH
   Đầu học kỳ 2 năm học 1979-1980, đang ở Huy Khiêm, mình nhận được lệnh điều về Võ Đắt phụ trách lớp bồi dưỡng toán lớp 5 của huyện. Mình được biên chế vào danh sách giáo viên của trường A Đức Hạnh và ở chung phòng với anh bạn cùng khóa tên Cao Văn Bắc phụ trách lớp văn 5. Suốt học kỳ đó, mình chỉ dạy bồi dưỡng, không tham gia giảng dạy ở trường. Cứ mỗi sáng sớm, mình và Cao Văn Bắc đi bộ từ trường ra phố chợ khoảng 1km, vào quán cà phê của chị Yến gần cổng nhà thờ Võ Đắt. Mỗi người uống 1 ly cà phê kho, hút hai điếu Bastos rồi về trường ăn vài củ khoai lang hoặc khoai mì rồi lên lớp.

   Năm học 1980 – 1981, anh Cao Văn Bắc về Đồng Nai, anh Sơn và các cô cấp 2 quê Thái Bình, các cô cấp 1 quê Hà Tĩnh ra trường đến trường nhận công tác. Cô Tôn Nữ Mai Phương, cô Lương Thị Hường từ Tánh Linh, anh Trần Ngọc Minh từ Đồi Giang chuyển về. Lúc ấy anh Phúc là hiệu trưởng. Trường đông vui hẳn lên, giáo viên ở tập thể, chia nhau chẻ củi nấu cơm, mình và anh Minh ở chung phòng và cùng nhóm ăn cơm chung với hai cô Phương và Hường. Lớp bồi dưỡng chỉ có hơn 10 em, công việc không nhiều, thì giờ rảnh rỗi nên đầu năm học 1980-1981 trường đề nghị mình nhận thêm một lớp cấp một vì giáo viên thiếu nhiều. Năm học đó, buổi chiều mình dạy một lớp 4, buổi sáng thì mình dạy lớp bồi dưỡng chung với anh Phan Minh Châu cùng khóa quê Đồng Nai. Mỗi tuần mình chỉ dạy 3 buổi sáng, nên mình thường dạy các tiết cấp 2 thiếu giáo viên. Những buổi tối trời mưa, mình và anh Minh, cô Phương, cô Hường hay kiếm khoai lang, khoai mì nấu ăn vui lắm.

   Đến đầu năm học 1981-1982 thì anh Đinh Xuân Thủy làm hiệu trưởng thay anh Phúc về Vũng Tàu. Anh Minh, cô Phương, cô Hường về Phan Thiết, Đào Văn Ngay và Phượng từ CĐSP Thuận Hải được điều về trường. Ngay ở chung phòng với mình và cùng nhóm ăn cơm chung với mình và Phượng. Cuộc sống tập thể của giáo viên trong trường hai năm đó rất vui vẻ hòa đồng, không phân biệt vùng miền, coi nhau như anh em thân thiết, thật là một thời gian đáng nhớ. Hết học kỳ 1 năm đó, mình được chuyển về Saigon và dự định ngày 27 Tểt sẽ về. Sáng sớm hôm 26 Tết, mình đưa Phượng ra xe về Phan Thiết ăn Tết. Phượng nói sau Tết trở lại đây không có mình thì buồn lắm, chắc Phượng không lên đây nữa đâu. Mình không biết trong lòng Phượng nghĩ gì, chỉ an ủi Phượng là cũng đến lúc phải giã từ, buồn rồi cũng qua thôi. Rồi Phượng lên xe, từ biệt mình bằng đôi mắt buồn vời vợi, mình cũng cảm thấy trong lòng bồi hồi luyến tiếc. Phượng nhỏ hơn mình 5 tuổi và thường chơi guitar chung với mình ở khu tập thể nên rất thân với mình. Có lẽ vì vậy nên Phượng thấy buồn khi mình không còn ở đó nữa. Từ đó đến giờ, mình chưa một lần gặp lại Phượng. Mãi gần đây mình mới biết Phượng đã lập gia đình và định cư ở Mỹ lâu rồi. Tối hôm đó, mình đến từng phòng từ giã các cô trong khu nhà tập thể. Sáng 27 Tết, mình dậy sớm, mang ba lô ra bến xe để về Saigon. Các cô đứng trước cổng trường, bùi ngùi tiễn mình, mình cũng thấy rưng rưng. Trên đường ra bến xe, nhìn những hình ảnh quen thuộc hai bên đường mà lòng đầy lưu luyến. Mình đến Đức Linh với một tâm hồn trai trẻ vô tư cùng hành trang là một va li đầy đồ đạc, còn khi rời Đức Linh chỉ có một ba lô gọn nhẹ nhưng cõi lòng nặng trĩu.

   Trên đường về, ngồi phía sau xe, nhìn bóng những ngọn núi mờ dần phía chân trời, mình thấy trong hồn trào lên một cảm xúc không thể nào tả được. Mình biết là mình sắp sửa xa nơi mà mình đã gắn bó suốt 7 năm trời với biết bao nhiêu kỷ niệm… Thời gian qua mau quá, mình đã xa Đức Linh hơn 40 năm rồi đấy! Vậy mà mình ngỡ như vừa mới hôm qua…

Saigon 10/11/2022

Mây giăng đầu núi
Vạn nẻo sơn khê
Trường A Đức Hạnh
Núi Ông - BT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét