2 thg 4, 2025

Phan: CÕI SƯƠNG MÙ (T.Vấn Và Bạn Hửu )

 

ẢNH (NGUỒN: cloudatlas.wmo.int)

Sương mù sáng nay khiến bầu trời như bầu sữa mênh mông. Tôi gọi người bạn trẻ đi câu cá, anh ấy trả lời mù mịt như sương, “Trời này ở nhà cho nó lành đi đại ca…” Anh bạn trẻ nói rồi cười hì hì. Tôi không quen ép người khác nên đi ra đi vào garage và cõi sương mù ngoài sân trước nhà. Nghĩ đến cuộc sống Mỹ là mơ ước của vạn người trên hành tinh, nói cụ thể hơn về giấc mơ Mỹ của vài năm trước, có năm trăm ngàn đô la đầu tư vào nước Mỹ là có thể đi Mỹ định cư, có thẻ xanh cho cả gia đình. Nhưng bây giờ lên năm triệu với cái thẻ vàng thời Trump-dát-vàng. Nói cách khác bây giờ là triệu phú đô la hãy nói tới chuyện nhập cư Mỹ, cách nhập cư lậu đã lỗi thời.

   Nhưng người ở Mỹ lâu có cảm giác đời sống Mỹ, cuộc sống Mỹ tự do trong hạn chế. Nghĩa là cho người dân được tự do, nhưng tự do trong hạn chế của chính phủ. Người dân muốn mua bao nhiêu bia rượu thì mua, nhưng qua Cali thì những người bạn bên đó không dám uống nửa lon bia vì sợ cảnh sát quay đèn là tiêu đời. Bên xứ cao bồi này hễ thời tiết xấu một chút thôi là người ta nghỉ làm một ngày cho nó lành, ngừng hết mọi sinh hoạt ngoài trời như đi câu cá vì sợ đủ thứ hơn cần thiết. Tự do ở Mỹ quá rộng nên người ta phải hạn chế tự nguyện như bạn tôi tự nguyện ở nhà dù không ai cấm ra đường, đi câu cá trong thời tiết sương mù. Viết ra như nói nhắn với bạn bè cho rằng Mỹ là cộng sản cao cấp – tự do trong hạn chế. Không như thế đâu, ở Trung cộng, Bắc hàn, Nga… tự do bầu cử người lãnh đạo tối cao của đất nước nhưng hạn chế ứng cử viên chỉ có một. Đó là tự do trong hạn chế kiểu cộng sản, độc tài. Ở Mỹ tự do chọn người lãnh đạo đất nước nhưng không hạn chế ứng cử viên, ai sinh ra ở Mỹ và trên 35 tuổi đều có quyền tranh cử tổng thống. Vấn đề tự giác, hạn chế mình có cửa để thắng không, hay nộp đơn tranh cử làm trò cười cho thiên hạ.

   Cuối cùng tôi quyết định đi câu một mình vì mấy khi được đi mà không thấy phía trước, không bận tâm phía sau vì có thấy gì đâu. Hồi còn trẻ trời trong mắt sáng nhưng đã đi vào cõi u mê hết nửa đời trước, sao không thử đi vào cõi sương mù nửa đời sau, biết đâu sáng mắt ra, bớt u mê phần nào sau quãng đời an phận với đường đi làm đã quá quen với bao nhiêu ngọn đèn xanh đèn đỏ, những mặt người hối hả như nhau.

   Kể ra cơm áo gạo tiền thời lạm phát đã khổ, thêm thế sự Hoa kỳ rối như tơ nên không ít thì nhiều cũng ảnh hường đến ngu dân. Nhưng với cõi sương mù mọi chuyện khác hẳn, người lái xe đường quen, mỗi ngày trên đường đi làm sẽ không nghĩ gì với ngôi nhà nổi bật bên dường, sẽ không có suy nghĩ chắc ông chủ nhà tuổi chim bồ câu nên ông sơn nhà lắm màu như cái chuồng chim bồ câu; rồi gốc cổ thụ ở cua đường cùi chõ kia, không biết có từ bao giờ mà như thần chết cầm lưỡi hái, người lái xe ôm cua khó nên tập trung lái, rồi bất thần thấy gốc cây cổ thụ đen xì, hình thù quái dị như lão thần chết ốm nhách, cao nhòng, trùm đầu bí hiểm, nhánh cây to đưa ra lộ như cánh tay lăm lăm lưỡi hái… Coi vậy chứ thỉnh thoảng lão cũng tóm được một người lái xe yếu bóng vía, không rõ vụ việc xảy ra hồi nào, chỉ thấy cây thánh giá với vòng hoa còn tươi nguyên dưới gốc cây là biết lão thần chết vừa gặt cổ một người không biết nơi sinh nhưng biết chỗ chết của người đó. Trong cõi ta bà này, chuyện sinh tử như trò đùa của tạo hoá. Ai chả từng ngỡ ngàng với tin dữ: “ông ấy chết rồi hả?”; “bà ấy chết rồi hả?” Nhưng phút ngỡ ngàng chóng qua đi vì người hỏi phải sống tiếp cho đến khi người khác ngỡ ngàng hỏi về mình tương tự…

   Lái xe trong cõi sương mù sẽ không có những liên tưởng với cảnh vật bên đường, như kẹt xe bên ngọn đồi mà mười năm trước không có một ngôi nhà dưới chân đồi thì bây giờ cả khu thương mại sầm uất làn cho kẹt xe; Rồi cánh đồng cỏ, là nơi trẻ nhỏ tập trung dự lễ lượm trứng với hết cỡ hân hoan của tuổi thơ mùa Phục sinh, những đứa trẻ bây giờ nơi đâu, đã lấy bằng đại học hay đang chiến đấu bên Trung đông, hay vùi đầu vào sa đoạ, nghiện ngập… Tóm lại khi có cơ hội lái xe trong cõi sương mù sẽ hiểu biết thêm về cảm giác không có phía sau, không thấy phía trước, tâm trí hoàn toàn tập trung vào vô biên của hiện tại nên tôi đã lái quá ngã ba đường nhỏ quẹo vào hồ vì nó bên đây cây cầu cao trong khi tôi đã lái lên cầu. Nhưng không sao, tôi rành đường khu vực này nên cứ tà tà tới ngã tư tới, rẽ trái vào hồ cũng được trong cuộc sống đích đến là quan trọng còn việc đi đường nào để đến đích là tùy người. Đó là cõi sương mù không thấy được trong cuộc sống có ánh mặt trời nhưng mọi người thường mất phương hướng như đi trong sương mù.

   Cuối cùng tôi cũng đến nơi, từ chỗ đậu xe phải đi bộ nửa dặm mới tới bãi câu. Con đường nhựa quanh co trong công viên đẹp lạ với sương mù làm cho những cây cổ thụ trụi lá đẹp hơn hình ảnh chúng trơ cành trụi lá trong những ngày nắng đông nhợt nhạt. Đích thực đến nơi câu cá càng đẹp với sương mù đặc quánh tới không thấy mặt nước hồ. Đống lửa của người câu đêm còn âm ỉ làn khói mỏng, chợt hiểu ra từ “sương khói” vì khói bốc lên, hoà vào sương thì chỉ còn trời biết đâu là sương, đâu là khói? Tôi chỉ cảm thấy hơi lạnh nên đi nhặt ít cành khô ném vào đống tro tàn. Từ đống tro tàn bùng lên ngọc lửa, phải như những người chấp nhận buông tay nhìn thấy cảnh này thì họ sẽ có thêm động lực để làm lại từ đầu.

   Tôi ngồi bên đống lửa với ly trà nóng trên tay, uống trà như thói quen mỗi ngày, nhưng khi có thời gian ngồi ngửi mùi trà trước khi uống, ly trà ngon hơn. Nhớ ông triết gia nào đó bên Pháp từng nói, “người ta làm ra rượu là để ngửi…” Nhưng cõi tục chỉ có những kẻ nốc rượu tì tì như gã tục trà ngồi bên đống lửa chỉ biết uống thời gian còn lại một cách vô vị gọi là trà. Cảm ơn cõi sương mù không cho thấy phía trước, không thấy gì sau lưng nên thấy lòng tĩnh lại, đầu óc bớt u mê trong cõi sương mù chăng? Sương từ đâu đến, rồi sương đi đâu? Ôi những sáng sương mù mùa giáp tết ở quê xa và xưa nữa, sao nhớ quá đi thôi con đường đến trường làng sương mù bao phủ những hàng tre, bờ sông sương phủ bến đò chèo… Rồi cơn mưa hạ, đứng dưới đầu máng xối hồi nhỏ đã đi đâu? Những cơn mưa giông ngoài biển dữ dội tan biến về đâu? Những người bạn đánh cá, bạn vượt biên đã chìm sâu yên phận, nhưng những người không gặp lại đã đi đâu? Những cơn mưa dầm trên miền núi rừng kinh tế mới còn ai để giận hờn? Mưa học trò hẹn nhau nơi góc phố đã qua tự bao giờ hay chưa từng đến? Trời mưa đi phát báo ở hải ngoại nhớ hồi nhỏ theo mấy thằng bạn bụi đời đi bán báo, đánh giày, bán thuốc lá lẻ… Sài gòn Chợ lớn đã đời lưu manh như thơ Bùi Giáng, có trải nghiệm mới có kỷ niệm, có kỷ niệm mới có hoài niệm để thương nhau ngày mưa… Sáng nay mới hỏi mưa là ai trong cõi sương mù, mưa là ai mà làm mưa làm gió cả đời người? Mưa là mưa, không rõ từ đâu đến; mưa là mưa, không rõ về đâu! Đầy trời hạt nước gọi là mưa, mưa cùng lúc với gió lớn là mưa giông; mưa với gió mùa là mưa hạ, mưa cuốn lá vàng trôi là mưa thu, mưa đem rét buốt về là mưa đông; mưa không hẹn mà đến là mưa xuân… Mưa hạt nhỏ là mưa phùn, hạt nhỏ đến mắt thường khó thấy nên gọi là mưa bụi. Có câu thơ, “ngoài trời mưa bụi bay” trong bài thơ “Ông Đồ già” của Vũ Đình Liên. Và, hạt nước nhỏ hơn mưa bụi nữa thì không còn gọi là mưa mà gọi là sương. Bóng người đi trong mưa vậy chứ thấy được còn bóng người đi trong sương dày lại không nhìn thấy được nên gọi là sương mù.

   Trong cõi sương mù không thấy được gì ngoài lòng mình, những gì không hiểu lúc minh quang bỗng rõ ràng trong sương mù vì không thấy là thấy rõ, thấy rõ là không thấy gì. Trời nắng, nước trong, mặt hồ sóng gợn, không hiểu sóng gợn vì gió hay gió hiu hiu thổi là vì sóng gợn? Giờ nhìn vào cõi sương mù, không có ranh giới mặt nước với không khí, bầu trời không có nắng, không có sóng gió gì hết mới biết sóng không tự có nên không biết dạt về đâu, gió không tự đến nên thổi về đâu không tự gió quyết định… Ngưòi đi câu biết nhìn nước, nhìn gió đoán đàn cá đang di chuyển hay tụ lại được kể là có kinh nghiệm, người đi câu cá dưới nước mà mắt cứ trông theo đàn chim bay trên trời để xác định đàn cá dưới nước vì chim không dư hơi bay chơi, chúng bay theo đàn cá để mưu sinh. Và trong cõi sương mù này không chim không cá nên người câu mới có thời gian suy nghĩ vì sao cá chạy theo mồi trôi nổi trong những dòng hải lưu thay đổi theo nước lớn nước ròng, chim bay theo cá, người dõi theo chim nhưng để bắt cá. Trong cõi sương mù thấy được trời đất trong lòng người vô thủy vô chung, vạn vật vô ngã. Đừng hỏi sao cá theo mồi, chim theo cá, người theo cả hai? Chẳng con gì theo con gì trong trời đất này, chẳng qua là tự nhiên nhiên nhiên trong tự nhiên luân vũ. Nếu sáng nay không sương mù thì cá theo mồi, chim theo cá, người theo cả hai để câu cá. Nhưng sương mù thì cá ngủ trong ổ, chim ngủ trong tổ, người ngủ ở nhà, người đi tìm mình trong sương không muốn hay muốn đến không do sương đem đến, không do người mang theo; vạn vật theo tự nhiên biến mất vô cớ, xuất hiện tình cờ. Thuận theo trời đất sẽ không phiền não, khổ tâm như những phút giây trong cõi sương mù như chạm tới được vô ngã mà Đức Phật thường nói, cõi vô vi của Lão Tử cũng tự khởi tự diệt theo tự nhiên, sương không tự sa xuống mặt hồ, nắng không tự chiếu rọi khi mặt trời lên làm sương tan. Vạn vật vô ngã trong vũ trụ vô vi, những sinh linh bồng bềnh sương khói trong cõi sương mù…

Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét