7 thg 10, 2024

Ngôi đình đầu tiên của người Kinh trên vùng đất Tây Nguyên

Vanvn- Đình Lạc Giao, ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk là ngôi đình đầu tiên của người Kinh trên mảnh đất Tây Nguyên.

Đình làng là sản phẩm văn hóa của người Kinh ở châu thổ Bắc Bộ. Sau này, trong quá trình lịch sử, cùng với sự di dân của người Kinh, đình làng đã được dịch chuyển lên phía Bắc, vào Nam và cả vùng Tây Nguyên đại ngàn. Tại vùng đất Tây Nguyên có một ngôi đình đặc biệt – đình Lạc Giao. Công trình này được xem như lời giao ước về quá trình an cư lập nghiệp của người Kinh với đồng bào địa phương trên vùng đất mới và trở thành quê hương thứ hai của họ.

Một góc Đình Lạc Giao ở trên Tây Nguyên. Ảnh: Phan Tuấn

Ngôi đình đầu tiên trên Tây Nguyên

Đình Lạc Giao nằm ngay góc 2 mặt tiền đường Phan Bội Châu và Điện Biên Phủ ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là ngôi đình đầu tiên của người Kinh trên mảnh đất Tây Nguyên khi được người dân làng Lạc Giao xây dựng vào năm 1928.

Nguồn gốc của đình Lạc Giao gắn với việc di dân của một nhóm người Việt từ làng Đại Cát, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, ông Phan Hộ và anh em của mình đã lên Buôn Ma Thuột vào cuối những năm 20 thế kỷ trước để làm ăn buôn bán.

Khi đặt chân lên đây, để có nơi sinh hoạt cộng đồng, ông Phan Hộ và người dân đã xây dựng một ngôi đình lấy tên là “Lạc Giao”. Thời kỳ khởi dựng, Đình Lạc Giao được làm bằng nứa, lá, tranh, tre… với diện tích khoảng 700m2.

Đến năm 1932, đình được xây dựng lại kiên cố bằng gạch, mái lợp ngói đỏ với kiến trúc được thiết kế hình chữ môn. Nhìn một cách tổng thể đình Lạc Giao có phong cách kiến trúc giống như một ngôi đình làng của người Kinh ở châu thổ sông Hồng.

Biểu trưng của sự đoàn kết dân tộc

Đình Lạc Giao có ý nghĩa là lời giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào tại chỗ cùng nhau xây dựng, phát triển trên vùng đất mới này. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và thờ Thần Hoàng làng. Qua thời gian, đây là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện cách mạng hào hùng, thể hiện lòng yêu nước sắt son của dân làng Lạc Giao.

Năm 1932, vua Bảo Đại ra chiếu sắc phong Đào Duy Từ, một đại thần nhà Nguyễn ở hàng Thượng đẳng thần, là Thành Hoàng của Đình Lạc Giao, nhằm ghi ơn người có công khai khẩn đất hoang mở mang bờ cõi, mong ông phù hộ cho những người dân miền Trung lên lập nghiệp trên quê mới. Bấy giờ, điều này thể hiện sự tranh giành ảnh hưởng của triều đình phong kiến Việt Nam đối với chế độ tự trị Tây Nguyên của thực dân Pháp, khẳng định đây là đất của “Hoàng Triều cương thổ”.

Trong những năm 1930 – 1945, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đồng bào làng Lạc Giao đã bí mật vận động nhau góp tiền, gạo, thuốc chữa bệnh, báo chí cách mạng… ngầm đưa cho những chiến sĩ cộng sản bị bắt giam, mỗi khi họ lao động khổ sai qua làng. Làng Lạc Giao thời ấy gần như là một cơ sở cách mạng, nơi cưu mang, che giấu, bảo vệ những cán bộ hoạt động ở thị xã Buôn Ma Thuột.

Dân làng Lạc Giao rất thương tiếc những người tù ở nhà đày Buôn Ma Thuột hi sinh bị địch đem ra Nghĩa địa Phan Bội Châu chôn chung một hố, không một mảnh ván, tấm chăn. Dân làng đã bí mật góp được trên một tấn gạo để xây bia tưởng niệm, có dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh ở Nhà đày Buôn Ma Thuột năm 1930 – 1945”. Mặc dù bọn địch tìm mọi cách tra hỏi, đập bỏ nhưng đồng bào vẫn kiên quyết bảo vệ bia đến ngày nay.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Đình Lạc Giao là nơi ra mắt chính quyền cách mạng thị xã Buôn Ma Thuột. Đến mùa xuân năm 1975, Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng, tại Đình Lạc Giao, Ủy ban Quân quản thị xã làm lễ ra mắt tuyên bố chính quyền cách mạng về tay Nhân dân.

Với nhiều ý nghĩa lịch sử, năm 1990, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin ban hành Quyết định số 168/QĐ-BVHTT, ngày 2.3.1990 xếp hạng Đình Lạc Giao là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Mỗi năm xuân thu nhị kì, người dân làng Lạc Giao đều tới đây để tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu mong sức khỏe, làm ăn phát đạt và mọi sự thiện lành.

Đình Lạc Giao hiện tại là nơi thờ các vị Vua Hùng của dân tộc, vị đại thần của chúa Nguyễn, có công mở mang, khai khẩn và xây dựng Đàng Trong thế kỷ thứ XVII, thờ Đào Duy Từ (1572 – 1634) và thờ cụ Phan Hộ, người có công khởi xướng thành lập làng Lạc Giao.

PHAN TUẤN

Báo Du Lịch

Xem thêm:

Làng Việt Nam: ‘Làng tôi’ của Văn Cao 

https://vanvn.vn/con-bao-nam-giap-thin-o-nam-ky/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét