24 thg 9, 2024

Ý nghĩa đức nhân trong luận ngữ cổ nghĩa của Itô Jinsai (Bài 5)

 

                                                           Itō Jinsai drawn by his student

Đức nhân trong chương 7 Thuật Nhi
Nguyễn Sơn Hùng

Phàm lệ

–         Dịch là của Nguyễn Hiến Lê.

–         Chú thích và Bàn thêm là của Jinsai.

–         Các hạng mục khác là của người dịch.

CHƯƠNG 7 THUẬT NHI

Bài 7.6 Lời khuyên của Khổng tử: Đặt chí vào, rồi sống theo đức nhân, và trao dồi tài năng để thực hiện mục tiêu này. Đức nhân là “sống tốt cho mình và hữu ích cho người”.

Tử viết: “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ.”

子曰:志於道,據於德,依於仁,游於藝。

Dịch

Khổng tử nói: “Để tâm chí vào đạo, giữ gìn đức hạnh, nương theo điều nhân, vui vẻ lục nghệ (tức lễ, nhạc, xạ, ngự, thư – viết chữ, số – toán pháp).

Chú thích

1)      “Chí ư đạo”. “Chí” là nói việc con người có mục tiêu để lòng ao ước hoặc vui thích hướng về đó mà nỗ lực hành động. “Chí ư đạo” là tâm hồn biết mục tiêu để hướng về.

2)      “Cứ ư đức”. “Cứ” là vùng đất để làm căn cứ, nghĩa là căn cứ để dựa vào. Thân thể (ý nói về mặt đời sống thực tế, vật chất, không phải ở mặt tinh thần) của bản thân sống ở đó. Khi nói “Cứ ư đức” là gìn giữ đức hạnh (phẩm cách tốt đẹp) trong cuộc sống thực tế hàng ngày.

3)      “Y ư nhân”. “Y” là nương tựa vào, nhờ vào, không tách rời ra (nói cụ thể hơn là chiếu theo, lấy đó làm tiêu chuẩn phán đoán). Đức nhân là đức tối cao của đạo đức. Do đó, nương tựa vào đức nhân để hành động thì đạo được thành lập (tức là thực hiện đạo).

4)      “Du ư nghệ”. “Du” là cầm lấy vật để vui thích, ý nói thích hợp với tình cảm của con người. “Lục nghệ” là các quy tắc như lễ, nhạc, xạ (bắn cung tên), ngự (lái xe), thư (viết), số (tính toán số lượng) mà con người không thể không có để làm việc. Nếu như “du” (vui chơi) thích đáng thì tài năng phát triển tốt, công việc không thất bại (tức không quá ham vui chơi mà bỏ phế công việc) (Nên chú ý đến từ “thích đáng”).

Giải thích

Bài này đưa ra các hạng mục mà các đệ tử của Khổng môn lúc đương thời cố gắng tu tập, gìn giữ trong cuộc sống thực tế hàng ngày. Đạo là tiêu chuẩn mà con người căn cứ vào đó để hành động, do đó trong bài phu tử khuyên nên đặt chí vào đó. Đức là nội dung mà con người phải cố kiên trì gìn giữ cho nên phu tử khuyên nên cứ (cố gìn giữ cho bằng được) (“Cứ” bao hàm nghĩa mặt sinh hoạt thực tế, không phải mặt tinh thần). Nhân (đức nhân) là ở ngay trong các hành động, các việc làm gần gũi trong hàng ngày của chúng ta, do đó phu tử khuyên nên căn cứ theo tiêu chuẩn của đức nhân khi hành động trong sinh hoạt hàng ngày. Nghệ là các nội dung không thể không học tập nhưng không được đắm chìm, sa đọa vào trong đó nên phu tử khuyên du (chơi vui thích đáng). Bốn thứ đạo, đức, nhân và nghệ có sai biệt lớn nhỏ nhưng cũng cội rễ và cành lá, điểm bắt đầu và điểm cuối (chung thủy) của của đạo, là nhất dĩ quán chi (lấy một lẽ mà thông suốt hết tất cả những thứ còn lại). Do đó, phu tử đã liệt kê ra theo thứ tự từ trước đến sau, không giống như các câu trả lời của phu tử cho các đệ tử trong sách Luận Ngữ bởi vì các nội dung trả lời này phu tử tùy theo cá tính của mỗi đệ tử mà nội dung trả lời khác nhau (tuy nhiên căn bản, cội rễ vẫn nhất quán cùng một nguyên lý như nhau).

Học thuyết của thời đại ngày xưa luôn luôn gồm có các hạng mục. Khi Nhan tử (tức Nhan Hồi) nghe phu tử giảng “Khắc kỷ phục lễ” thì đã hỏi thêm các hạng mục cụ thể (Bài 12.1). Các bài khác trong Luận Ngữ như Bài 8.9 “Tử viết:“Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc.” (Khổng tử nói: “Học Thi để phấn khởi, học kinh Lễ để lập thân, hoàn thành sở học bằng kinh Nhạc.”) là thuộc trường hợp này.

Bàn thêm

Đạo, đức, nhân, nghệ vốn không phải là những thứ mâu thuẫn với nhau. Trình độ lớn nhỏ, trước sau của nội dung trong bài này theo thứ tự tự nhiên. Thông thường trong các sách vở của ngày xưa nói đạo đức, nhân nghĩa chứ chưa bao giờ nói nhân nghĩa, đạo đức. Bởi vì khi nói đạo đức thì tự nhiên trong đạo đức bao gồm thực thể của nhân nghĩa; lúc đó chưa có tên gọi nhân nghĩa. Một khi nói nhân nghĩa là nói cụ thể ý nghĩa của nhân và nghĩa nên không hiểu được ý nghĩa, đặc tính của toàn thể đạo đức. Đó là sự phân biệt giữa đạo đức và nhân nghĩa.

Nhận xét

(1)    Người dịch có cảm giác Jinsai giải thích nội dung bài này chưa được cụ thể, có khuynh hướng trừu tượng chung chung người học nên không thấy được điểm hay hoặc quan trọng của bài này. Đặc biệt giải nghĩa về đức, về nhân không cụ thể và đầy đủ như trong Ngữ Mạnh Tự Nghĩa.

Người dịch nghĩ ý nghĩa bài này có vị trí quan trọng để hiểu về đạo, về đức và về nhân, 3 từ ngữ rất quan trọng trong Khổng học, và tại sao cần phải đặt chí vào đạo, cứ vào đức và y vào nhân. Người dịch sẽ giới thiệu nội dung giải thích bài này của Chu Hy, Ogyu Sorai, Shibusawa Eiichi trong dịp khác.

(2)   Dưới đây xin được giới thiệu sơ lược giải thích của cụ Phan Bội Châu trong Khổng Học Đăng bởi vì người dịch nghĩ rằng nội dung giải thích của cụ cụ thể, dễ hiểu và hữu ích hơn của Jinsai. Ngoài ra, trong Khổng Học Đăng cụ Phan cũng có giải thích hữu ích về cách học, người dịch sẽ giới thiệu trong dịp khác. (Tô đậm, gạch dưới, khổ chữ nhỏ trong ( ) là của người dịch thêm vào.)

“Bài này nói suốt cả thỉ chung (từ đầu đến cuối) việc học, nhưng bắt đầu dụng công (cố gắng) thời cốt ở chữ “chí”, nghĩa là bước thứ nhất lập chí, phải chỉ đeo (học theo) ở dạng thánh hiền mà bước lên. Nhưng trong khi bước lên đó, căn cứ vào đâu? Tất phải căn cứ vào nơi đức hạnh. Có chỗ căn cứ rồi, nhưng phải có chỗ nương dựa cho rất vững vàng, tất phải nương dựa nơi đức nhân (nghĩa là lấy đức nhân làm tiêu chuẩn phán đoán để hành động).

Như trên kia nói chữ “đạo” là mục đích địa (mục tiêu) mà ta lập chí ở đó; chữ “đức” là chỗ mà ta căn cứ vào; chữ “nhân” là một cái địa vị vững vàng mà chúng thân ta y ỷ vào. Nhưng ba chữ ấy chỉ là về mặt tinh thần, lại còn phải bổ thêm về mặt vật chất, nên lại phải “du ư nghệ”.

Bảo rằng “đạo”, bảo rằng “đức”, bảo rằng “nhân”, há phải lý luận suông mà không thực hành rư? Vậy nên ở trong khi thì giờ làm việc học vấn, ngoài chữ ”đạo”, “đức”, “nhân” lại còn có chữ ”nghệ” (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số), ta làm những việc ấy sẽ để vui lòng thích tính, đúc trí luyện tài, hoạt động chơi bời ở trên đường thực dụng, khiến cho đạo, đức, nhân phát hiện ra ở nơi ứng sự tiếp vật. Nghề chơi của kẻ học được như thế là tuyệt điểm cao thượng. Vì vậy, nên câu “du ư nghệ” để vào cuối cùng. Nhưng mà chữ “chí” lại đặt ở đầu nhất bài này, đó mới biết thánh nhân quý trọng chữ “chí”. Nếu người ta lập chí đã hỏng, thời còn nói được việc gì? Vậy nên, chúng ta chớ bao giờ quên chữ “chí ư đạo”.


Bài 7.14 Lời nói của thánh nhân lúc nào cũng cẩn thận và chân thành không thay đổi như quy luật vận hành của tự nhiên.

Nhiễm Hữu viết: “Phu tử vị Vệ quân hồ?” Tử Cống viết: “Nặc, ngô tương vấn chi.” Nhập viết: “Bá Di, Thúc Tề hà nhân dã?” Viết: “Cổ chi hiền nhân dã.” Viết: “Oán hồ?” Viết: “Cầu nhân nhi đắc nhân, hựu hà oán?” Xuất viết: “Phu tử bất vị dã.”

冉有曰:夫子為衛君乎? 子貢曰:諾,吾將問之。 入曰:伯夷叔齊,何人也? 曰:古之賢人也。 曰:怨乎?曰:求仁而得仁,又何怨? 出,曰:夫子不為也。

Dịch

Nhiễm Hữu hỏi: “Thầy ta có thiên vị với vua Vệ không?” Tử Cống đáp: “Ừ, tôi cũng có ý hỏi thầy việc đó”. Rồi vô hỏi Khổng tử: “Thưa thầy, Bá Di và Thúc Tề là người như thế nào?” Đáp: “Là người hiền xưa”. Lại hỏi: “Hai ông ấy có oán hận gì không?” Đáp: “Cầu nhân được nhân thì còn oán hận gì nữa?” Tử Cống trở ra bảo Nhiễm Hữu: “Thầy không thiên vị với vua Vệ đâu.”

Chú thích

1)      “Nhiễm Hữu…vấn chi”. “Vi” có nghĩa như “giúp” (trợ). “Vệ quân” là Xuất Công Triếp (Xuất Công: niên hiệu, Triếp: húy). Linh Công (vị vua thứ 29 của nước Vệ) đuổi người con nối dõi tên Khoái Hội ra khỏi nước. Khi Linh Công mất, dân chúng lập con của Khoái Hội là Triếp lên làm Công (vua nước Vệ) (năm TCN 493). Mặt khác, nước Tấn nơi Khoái Hội tị nạn dự định đem trả Khoái Hội trở về nước Vệ nhưng Triếp cự tuyệt không nhận.

Nhiễm Cầu cho rằng bởi vì Triếp là con mà cự tuyệt không chịu tiếp nhận cha nên nghĩ rằng phu tử không trợ giúp Xuất Công Triếp. Khi nói chuyện với Tử Cống mới biết Tử Cống cũng có ý định hỏi phu tử về việc này.

Theo chú thích cũ thì câu chuyện trong bài này xảy ra khi phu tử đang ở nước Vệ, Tuy nhiên, quan đại phu nước Lỗ là Quý Hoàn Tử mất (năm TCN 492), con ông là Quý Khang Tử có mời Nhiễm Cầu đến làm gia thần, do đó Nhiễm Cầu phục vụ cho nhà họ Quý ở nước Lỗ cho đến năm Ai Công thứ 11 (tức năm TCN484). Ngoài ra, phu tử lúc đó cũng từ đời sống tị nạn ở nước ngoài đã trở về nước Lỗ. Trong khoảng thời gian đó, Nhiễm Cầu không từng có ở nước Vệ. Câu hỏi trong bài này là của Nhiễm Cầu và Tử Lộ, từ đó thời điểm của bài này có lẽ vào lúc phu tử đang ở nước Lỗ (ý nói suy luận chú thích cũ sai).

2)      “Nhập viết..hà nhân dã?”. Xuất Công Triếp của nước Vệ vốn có tội nên không cần hỏi cũng biết. Bá Di, Thúc Tề là người rất chán ghét việc xấu, và bởi vì Tử Cống chưa biết đức nhân của phu tử là đến mức độ không có việc bỏ người mà không cứu giúp nên nghĩ rằng hỏi phu tử xem ông có đồng ý với cách xử thế của 2 người này hay không thì có thể biết phu tử có ý định giúp Vệ quân hay không.

3)      “Viết: “Cổ chi.. Phu tử bất vị dã.”. “Oán” là hận. Hành động của Bá Di và Thúc Tề khác người thường nhưng thật ra tất cả đều xuất phát từ lòng từ ái, lòng trắc ẩn không có một chút nào oán hận đối với người. Do đó, phu tử nói “Cầu nhân nhi đắc nhân, hựu hà oán?” (Tìm kiếm đức nhân mà được đức nhân thì còn oán hận gì nữa?).

Sau khi nghe phu tử công nhận Bá Di và Thúc Tề là người hiền (người tài đức), Tử Cống nghi ngờ Bá Di và Thúc Tề oán hận người đời nên mới hỏi phu tử “Oán hồ?” . Câu trả lời của phu tử cho biết phu tử thừa nhận đức nhân của 2 ông và từ đó Tử Cống biết phu tử không có ý định giúp Vệ quân (tức Xuất Công Triếp).

Chuyện của Bá Di và Thúc Tề không được ghi chép chi tiết trong sách vở hoặc truyền miệng nhưng trong sách Mạnh Tử (Bài 9 chương Công Tôn Sửu thượng) viết: “Đối với ông Bá Di, nếu không phải vua xứng đáng thì không phụng sự; nếu không phải bạn xứng đáng thì không kết bạn, không đứng trong triều đình của kẻ ác, không nói chuyện với kẻ ác” (một phần lời của Mạnh tử). Trong sách Sử Ký (phần Bá Di Liệt Truyện) có ghi anh em (Bá Di và Thúc Tề ) nhường ngôi cho người người em út và trốn sang nước khác nhưng không thể tin cậy nên tôi (tức Jinsai) theo sách Mạnh Tử để quyết đoán.

Giải thích

Cách hỏi của Tử Cống là cách nói gián tiếp. Bởi vì phu tử không biết ý định thật sự của Tử Cống khi đặt câu hỏi nên phu tử chỉ trả lời Bá Di và Thúc Tề là hiền nhân và có đức nhân. Kết cuộc từ nội dung trả lời của  phu tử, Tử Cống suy ra phu tử không có ý trợ giúp Vệ quân, và cũng đã không hỏi thêm về Vệ quân. Nếu như Tử Cống không thông hiểu rõ lòng của phu tử thì đã không dùng cách đặt câu hỏi như trên. Mặt khác, chúng ta có thể thấy tính thành thật trong lời nói không một chút cẩu thả, và tính nhất trí không một chút sai biệt nào giữa lời nói và việc làm trong lời nói của thánh nhân (tức phu tử), do đó có thể biết trước được, giống như người ta có thể biết trước sự tiến thoái, độ xoay quanh của mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú vận hành trong vũ trụ.

Nhận xét

(1)   Nên lưu ý giải thích chữ nghĩa chữ “vi”trong câu“Phu tử vị Vệ quân hồ?” của cụ Lê khác với Jinsai. Không hiểu cụ Lê căn cứ vào tài liệu nào. Chu Hy cũng giải thích nghĩa chữ “vi” như Jinsai, vì trong trường hợp này “vi” đọc theo khứ âm. Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu cũng giải thích giống như Jinsai.

(2)   Nội dung giải thích lý do phu tử nói “Tìm kiếm đức nhân mà được đức nhân thì còn oán hận gì nữa?” của Jinsai không cụ thể, không thuyết phục. Tại sao căn cứ vào lời này của phu tử mà Jinsai cho rằng phu tử chấp nhận Bá Di và Thúc Tề có đức nhân? Khi Tử Cổng hỏi 2 ông là người thế nào thì phu tử chỉ nói là “hiền nhân”, đâu có nói “nhân giả” hay “nhân nhân” nên người dịch nghĩ rằng suy diễn của Jinsai không đúng ngay cả trường hợp ông căn cứ vào lời của Mạnh tử vì không phải “ghét ác” là có đức nhân (Xem Bài 4.3).

Có thể ý muốn nói của phu tử là Bá Di và Thúc Tề đến ở trong nước của vua Văn vương mà Văn vương là vị vua nhân đức, có nghĩa là “tìm nhân mà gặp được nhân”. Tuy nhiên, bởi vì không có tài liệu chi tiết về việc làm của Bá Di và Thúc Tề nên không biết 2 ông có đem lại ích lợi nhiều người hay không. Do đó thiết tưởng không nên vội vã kết luận để đánh giá người xưa.


Bài 7.29 Đức nhân không ở đâu xa, ở ngay bên cạnh chúng ta hàng ngày, chỉ cần chúng ta để ý và cố gắng thực hiện.

Tử viết: “Nhân viễn hồ tai? Ngã dục nhân, tư nhân chí hỹ.”

子曰:仁遠乎哉?我欲仁,斯仁至矣!

Dịch

Khổng tử nói:“Điều nhân, đâu có xa gì? Ta muốn nó thì nó đến.”

Giải thích

Ý bài này nói đức nhân ở rất gần chúng ta (nghĩa là tồn tại trong các hành động, sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, chớ không phải ở đâu xa xôi hoặc trừu tượng không thấy được.) Các học giả hoặc người học nghĩ rằng đức nhân ở đâu rất xa và rất khó đạt được. Họ không biết rằng nếu muốn có đức nhân thì đức nhân sẽ đến với chúng ta ngay thì tại sao lại nói rằng đức nhân ở xa. (Bởi vì chính chúng ta là người thực hiện đức nhân, nên muốn có đức nhân thì bản thân thực hiện, sống theo là được, không cần phải nhờ hay chờ ai cho.)

Đức nhân là thứ đức tốt đẹp nhất trong thiên hạ, nếu tìm đức nhân trong bản tính tốt đẹp và thiện lương mà trời bẩm sinh cho con người chúng ta thì rất nhanh chóng có được, giống như bỏ củi đốt vào lửa đang cháy. Vậy tại sao chúng ta lại phải lo ngại mà không tìm đến đức nhân?

Bàn thêm

Đức nhân là đại đức của thiên hạ nhưng thực hiện đức nhân hay tiến đến gần đức nhân là do chính chúng ta. Do đó phu tử nói “Ngã dục nhân, tư nhân chí hỹ” (Chúng ta muốn đức nhân thì đức nhân đến). Thế mà các tiên Nho (ý nói Chu Hy, Tống Nho) lấy đức nhân làm lý (đạo lý, lý lẽ) có sẵn trong bản tính của con người, và cho rằng phải diệt cho hết lòng ham muốn thì mới trở lại được bản tính bẩm sinh này để nỗ lực tìm kiếm đức nhân. Nếu như lý lẽ này đúng, thì quan hệ giữa con người và đức nhân giống như đức nhân là tay chân, xương cốt của cơ thể chúng ta, ai cũng đều có. Như vậy trong thiên hạ tất phải không có người bất nhân, và cần chi phu tử phải nói “nhân chí” (đức nhân đến).

Nói tỉ dụ quan hệ giữa con người và đức nhân thì tâm con người giống như củi đốt và đức nhân giống như lửa. Công dụng (ích lợi) của củi là do lửa mà có, nghĩa là cái đức của tâm là do đức nhân mới có được. Nếu như chất củi thành đống to mà không đốt thì củi không có công dụng (ích lợi). Nếu như chúng ta bỏ phế không quan tâm đến đức nhân, không tìm kiếm nghĩa là không thực hiện đức nhân thì chúng ta không thể thấy công dụng (ích lợi) của tâm. Do lý do này mà thánh nhân (tức Khổng tử) nói “dục nhân” (muốn đức nhân) và hiền nhân (tức Mạnh tử) nói “cầu nhân” (hết lòng tìm kiếm  đức nhân) chứ chưa bao giờ cho rằng “diệt hết lòng ham muốn trở lại bản tính bẩm sinh ban đầu là cách tu dưỡng để đến đức nhân” (là chủ trương của Chu Hy, của Tống Nho). Hoành Cừ (tức Trương Hoành Cừ, tên Đái, 1022~1077) có thuyết nội ngoại tân chủ (trong và ngoài, khách và chủ) tự nhiên trùng hợp với nghĩa của chữ “chí” (đến) của phu tử ( tức Khổng tử). Các học giả lấy đức nhân làm tính (bản tính con người), làm lý (lý lẽ) (ý nói Tống Nho) là sự sai lầm to lớn, rất mong muốn người học nên chú ý điểm này.

Nhận xét

(1)    Về từ “dục nhân” , ngoài bài này phu tử chỉ còn nói trong Bài 20.2 “Dục nhân nhi đắc nhân, hựu yên tham?” (Muốn có đức nhân mà được đức nhân thì có gì mà tham?) (Nói về các ân huệ của vị vua thánh hiền ban cho dân).

Về từ “tìm nhân” phu tử chỉ nói trong Bài 7.14 “Cầu nhân nhi đắc nhân, hựu hà oán?” (Hết lòng tìm nhân mà được nhân thì còn oán hận gì nữa?) (Nói việc của Bá Di và Thúc Tề). Trong sách Mạnh Tử chỉ có từ 1 lần trong Bài 2 chương 13 Tận Tâm thượng “Cầu nhân mạc cận yên” (Nếu hết lòng tìm kiếm đức nhân thì chẳng có đâu gần bằng (bởi vì do bản thân mình thực hiện hay không).

Bài 7.33 Chính mình không ngừng thực hiện và ra sức khuyên dạy người làm đức nhân, đồng thời luôn luôn khiêm tốn là đặc tính của bậc thánh nhân.

Tử viết: “Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm? Ức vi chi bất yếm, hối nhân bất quyện, tắc khả vị vân nhĩ dĩ hỹ.” Công Tây Hoa viết: “Chính duy đệ tử bất năng học dã.”

子曰:若聖與仁,則吾豈敢?抑為之不厭,誨人不倦,則可謂云爾已矣!公西華曰:正唯弟子不能學也!

Dịch

Khổng tử nói: “Làm được bực thánh với nhân thì ta đâu dám. Bất quá ta học làm (thánh, nhân) mà không chán, dạy người mà không mệt, chỉ có thể gọi được như vậy mà thôi”. Công Tây Hoa thưa:“Đó chính là điều chúng con không học được.”

Chú thích

1)      “Tử viết….nhĩ dĩ hỹ”. “Thánh” để gọi con người không có việc gì làm không được. “Nhân” để gọi thứ đức không có gì mà không yêu thương. Ở thiên Đại Tư Đồ Thức của sách Chu Lễ chọn trí, nhân, thánh, nghĩa, trung, hòa làm lục đức (6 đức). Mạnh Tử (đúng ra là Tử Cống chứ không phải Mạnh tử) lấy nhân và trí làm thánh (Bài 2 chương 13 Tận Tâm thượng, sách Mạnh Tử). Ở bài này so sánh thánh với đức nhân nhưng có ý nghĩa khác. “Vi chi” có nghĩa là thực hiện cái đạo của thánh và đức nhân. “Hối nhân” (dạy người) có nghĩa là dạy đạo của thánh và đức nhân cho con người. Ý nghĩa của “khả vị vân nhĩ dĩ hỹ”(chỉ có thể gọi được như vậy mà thôi) giống như lời của phu tử “Sao anh không bảo: ấy làm (ý nói: phu tử là) người phất phẫn đọc sách (tìm hiểu đạo lí) đến quên ăn, khi tìm được rồi thì vui sướng đến quên mọi lo buồn, không biết rằng cái già nó tới nơi rồi, như vậy đó.” (Bài 7.18, Lời phu tử trách Tử Lộ sao không trả lời như vậy khi Diệp Công hỏi Tử Lộ về phu tử).

Triều thị (tức Triều Thuyết Chi, 1059~1129) nói “Lúc đương thời có người ca ngợi phu tử là thánh và có đức nhân nên phu tử từ khước không nhận”.

2)      “Công Tây Hoa…năng học dã”. Có lẽ Công Tây Hoa bằng cách nói gián tiếp này để biểu hiện rằng ông biết rõ phu tử thật sự là người có đức nhân thánh mà các học giả khác không ai bì kịp.

Giải thích

Các đệ tử rất ngạc nhiên về việc đức của phu tử hơn cả vua Nghiêu, vua Thuấn nhưng lời nói của phu tử rất khiêm tốn, và lấy làm lạ việc này. Về sau, đức của phu tử càng ngày càng thịnh vượng, các đệ tử biết rằng ngoài nội dung này không còn gì để thêm vào nữa nên cung kính ghi chép lại đầy đủ lời nói khiêm tốn trên của phu tử. Có thể nói từ nội dung của bài này chúng ta có thể biết đầy đủ thế nào là trí tuệ của thánh nhân (tức Khổng tử).

Nhận xét

(1)   Từ bài này chúng ta có thể thấy đặc tính của bậc thánh là 1) chính mình không ngừng thực hiện đức nhân, 2) hết sức phổ biến và khuyên dạy người khác thực hiện đức nhân, 3) luôn luôn khiêm tốn.

(2)   Chữ “học” trong lời của Công Tây Hoa có nghĩa là “bắt chước”. Nhiều người nghĩ rằng “bắt chước” là việc không tốt nhưng từ bài này cho chúng ta thấy “bắt chước” thánh nhân không phải là việc dễ làm. Tùy theo trường hợp mà ý nghĩa của “bắt chước” thay đổi.

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Tài liệu tham khảo

1)    Kaitsuka Shigeki (1983): Itô Jinsai, Danh Tác của Nhật Bản 13, Chuokouronsha

2)    Itô Jinsai: Luận Ngữ Cổ Nghĩa (nguyên văn)

3)    Ogyu Sorai: Luận Ngữ Trưng, Ogawa Tamaki dịch chú (1994), Heibonsha.

4)    Chu Hy: Luận Ngữ Tập Chú, Tsuchida Kenjirô dịch chú (2014), Heibonsha.

5)    Sào Nam Phan Bội Châu (1929): Khổng Học Đăng, Văn hóa Thông tin (1998)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét