25 thg 9, 2024

Kỳ giông Mexico – Truyện ngắn của Julio Cortazar – Nguyễn Văn Chiến dịch

Vanvn- Nhà văn Julio Florencio Cortázar (1914 –1984) sinh ra ở Bỉ, và khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ông cùng gia đình chuyển đến Buenos Aires, Argentina. Là một người rất ngưỡng mộ Jorge Luis Borges, Cortázar đã sớm đồng cảm với phong trào Siêu thực. Ông học Văn học và giáo dục, và làm giáo viên ở một số thành phố tại Argentina. Thời gian đó ông viết và  xuất bản các bài phê bình văn học, bài báo và truyện ngắn.

Vào những năm 1940, ông định cư tại Paris, Pháp nơi ông làm việc cho UNESCO với tư cách là một biên dịch viên. Năm 1963, ông cho xuất bản “Rayuela”, một cuốn tiểu thuyết gây ra một cuộc đảo lộn trong bối cảnh văn hóa và đưa ông trở thành một trong những nhà văn sáng tạo và độc đáo nhất thời bấy giờ. Là bậc thầy về truyện ngắn và văn xuôi thơ, “các tác phẩm hỗn hợp” của ông, trong đó ông kết hợp tiểu thuyết, biên niên sử, thơ ca và tiểu luận cũng rất quan trọng và thành công. Năm 1984, Fundación Konex đã trao tặng ông giải thưởng Premio Konex de Honor sau khi ông qua đời vì những đóng góp của ông cho lịch sử văn học Argentina.

Ông là một trong những tác giả sáng tạo và độc đáo nhất thời đó, một người sáng tạo vô song về lịch sử, văn xuôi thơ và truyện ngắn cũng như là tác giả của nhiều tiểu thuyết mang tính đột phá, một tác giả sung mãn đã mở ra một cách thức mới để tạo ra văn học trong thế giới tiếng Tây Ban Nha bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu cổ điển. Ông có lẽ được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của nhiều câu chuyện cố gắng thách thức tính tuyến tính về mặt thời gian của văn học truyền thống.

Dịch giả Nguyễn Văn Chiến giới thiệu và chuyển ngữ

Nhà văn Julio Florencio Cortázar (1914 –1984)

Có một thời gian tôi đã nghĩ rất nhiều về loài kỳ giông Mexico[1]. Tôi đã đến xem chúng trong bể cá ở Vườn bách thảo Paris[2] và ở lại hàng giờ để ngắm chúng, quan sát sự bất động, những chuyển động yếu ớt của chúng. Bây giờ tôi là một con kỳ giông Mexico.

Tôi tình cờ đến đó vào một buổi sáng mùa xuân khi Paris đang phô lộ vẻ đẹp như thể xòe  đuôi công thu hút con đực sau một Mùa Chay mùa đông. Tôi đang đi xuống đại lộ Port-Royal, sau đó tôi đi qua Saint-Marcel và L’Hôpital và thấy màu xanh giữa tất cả màu xám đó và nhớ đến những con sư tử. Tôi là bạn của sư tử và báo, nhưng chưa bao giờ vào tòa nhà tối tăm, ẩm ướt là thủy cung. Tôi để xe đạp của mình dựa vào song sắt và đi xem hoa uất kim hương. Những con sư tử buồn và xấu xí, còn con báo của tôi thì đang ngủ. Tôi quyết định đến thủy cung, nhìn lướt qua những con cá tầm thường cho đến khi, bất ngờ, tôi lại đụng độ với những con kỳ giông Mexico. Tôi ở lại ngắm chúng trong một giờ và rời đi, không thể nghĩ đến điều gì khác.

Trong thư viện tại đền Sainte-Geneviève[3], tôi đã tra cứu một cuốn từ điển và biết rằng kỳ giông Mexico là giai đoạn ấu trùng (có mang) của một loài kỳ nhông thuộc chi Ambystoma. Tôi đã biết chúng là loài Mexico khi nhìn chúng và khuôn mặt Aztec[4] nhỏ màu hồng của chúng cùng tấm biển trên đỉnh bể. Tôi đọc rằng người ta đã tìm thấy những mẫu vật của chúng ở Châu Phi có khả năng sống trên cạn trong thời kỳ hạn hán và tiếp tục sống dưới nước khi mùa mưa đến. Tôi tìm thấy tên tiếng Tây Ban Nha của chúng là ajolote và ghi chú rằng chúng có thể ăn được và dầu của chúng được sử dụng (không còn được sử dụng nữa, ghi chú nói vậy) giống như dầu gan cá tuyết.

Tôi không quan tâm đến việc tìm hiểu bất kỳ tác phẩm chuyên ngành nào, nhưng ngày hôm sau tôi quay lại Vườn bách thảo Paris. Tôi bắt đầu đến đó vào mỗi buổi sáng, vào buổi sáng và sau khi trăng tròn một số ngày. Người bảo vệ thủy cung mỉm cười bối rối khi lấy vé của tôi. Tôi sẽ dựa vào thanh sắt trước bể và bắt đầu quan sát chúng. Không có gì lạ trong việc này, bởi vì sau phút đầu tiên, tôi biết rằng chúng tôi có liên kết, rằng có điều gì đó vô cùng xa xôi và lạc lõng cứ kéo chúng tôi lại với nhau. Chỉ riêng việc đứng trước tấm kính nơi một số bong bóng nổi lên trên mặt nước đã đủ để níu giữ tôi vào buổi sáng đầu tiên đó. Những con kỳ giông Mexico co ro trên sàn hẹp khốn khổ (chỉ tôi mới biết nó hẹp và khốn khổ đến mức nào) bằng đá và đầy rêu  trong bể. Có chín mẫu vật, và phần lớn áp đầu vào kính, nhìn bằng đôi mắt vàng của chúng vào bất kỳ ai đến gần chúng. Bối rối, gần như xấu hổ, tôi cảm thấy thật dâm ô khi nhìn chằm chằm vào những hình thù im lặng và bất động này chất đống dưới đáy bể. Trong đầu tôi tách một con ra, nằm bên phải và hơi tách biệt với những con khác, để nghiên cứu nó kỹ hơn. Tôi thấy một cơ thể nhỏ màu hồng, trong suốt (tôi nghĩ đến những bức tượng nhỏ bằng thủy tinh màu sữa của Trung Quốc), trông giống như một con thằn lằn nhỏ dài khoảng mười lăm phân, kết thúc bằng một cái đuôi cá vô cùng tinh tế, phần nhạy cảm nhất trên cơ thể chúng ta. Dọc theo lưng là một cái vây trong suốt nối với đuôi, nhưng điều ám ảnh tôi là đôi chân, đẹp đẽ nhất, kết thúc bằng những ngón tay nhỏ xíu với những móng tay người tỉ mỉ. Và rồi tôi phát hiện ra đôi mắt, khuôn mặt của nó. Những đường nét vô hồn, không có đặc điểm nào khác ngoài đôi mắt, hai cái lỗ, giống như hai cái ghim, hoàn toàn bằng vàng trong suốt, không có sức sống nào ngoài việc nhìn, để chúng bị xuyên thủng bởi cái nhìn của tôi, dường như vượt qua hết cấp độ vàng và mất hút trong một bí ẩn bên trong trong suốt. Một vầng hào quang đen rất mảnh bao quanh mắt và khắc nó vào phần thịt màu hồng, vào viên đá hồng của đầu, hình tam giác mơ hồ, nhưng có các cạnh cong và hình tam giác khiến nó hoàn toàn giống với một bức tượng nhỏ bị thời gian ăn mòn. Miệng được che bởi mặt phẳng hình tam giác của khuôn mặt, kích thước đáng kể của nó chỉ có thể đoán được khi nhìn nghiêng; phía trước có một khe hở mỏng manh cắt nhẹ vào hòn đá vô hồn. Ở cả hai bên đầu, nơi đáng lẽ phải là tai, mọc ra ba nhánh nhỏ, đỏ như san hô, một nhánh thực vật, tôi cho là mang. Và chúng là thứ duy nhất nhanh nhẹn về con kì giông Mehico; cứ mười hoặc mười lăm giây, các nhánh lại dựng đứng lên rồi lại hạ xuống. Thỉnh thoảng, một bàn chân hầu như không di chuyển, tôi thấy những ngón chân nhỏ bé nhẹ nhàng đặt trên rêu. Vấn đề là chúng tôi không thích di chuyển nhiều, và bể quá chật chội – chúng tôi hầu như không di chuyển theo bất kỳ hướng nào và chúng tôi đang đập vào một trong những con khác bằng đuôi hoặc đầu của mình – khó khăn nảy sinh, rồi đánh nhau, mệt mỏi. Thời gian có vẻ như ngắn hơn nếu chúng tôi ở yên một chỗ.

Chính sự im lặng của chúng khiến tôi nghiêng về phía chúng và bị mê hoặc ngay lần đầu tiên nhìn thấy kỳ giông Mexico. Tôi dường như hiểu được ý chí bí mật của chúng, xóa bỏ không gian và thời gian bằng sự bất động thờ ơ. Sau này tôi mới hiểu rõ hơn; sự co lại của mang, sự tính toán thận trọng của đôi chân mỏng manh trên đá, cách bơi đột ngột (một số con bơi với kiểu uốn lượn đơn giản của cơ thể) đã chứng minh với tôi rằng chúng có khả năng thoát khỏi trạng thái uể oải vì giấc ngủ lịm khoáng chất mà chúng đã dành hàng giờ đồng hồ cho việc đó. Trên hết, đôi mắt của chúng ám ảnh tôi. Trong các bể đứng ở hai bên, những con cá khác nhau đã cho tôi thấy sự ngốc nghếch đơn giản của đôi mắt đẹp của chúng rất giống với mắt chúng ta. Đôi mắt của kỳ giông Mexico nói với tôi về sự hiện diện của một cuộc sống khác, của một cách nhìn khác. Dán mặt vào kính (thỉnh thoảng người bảo vệ sẽ ho khan), tôi cố gắng nhìn rõ hơn những điểm vàng nhỏ bé đó, lối vào thế giới vô cùng chậm chạp và xa xôi của những sinh vật hồng hào này. Thật vô ích khi gõ một ngón tay vào kính ngay trước mặt chúng; chúng không bao giờ phản ứng chút nào. Đôi mắt vàng vẫn tiếp tục cháy sáng với ánh sáng dịu nhẹ, khủng khiếp của chúng; chúng vẫn nhìn tôi từ một độ sâu không thể thấu hiểu khiến tôi choáng váng.

Tranh của Lê Hào

Nhưng dẫu sao thì chúng rất gần gũi. Tôi đã biết điều đó trước khi điều này xảy ra, trước khi trở thành một con kỳ nhông. Tôi đã học được điều đó vào ngày tôi đến gần chúng lần đầu tiên. Các đặc điểm giống người của một con khỉ cho thấy điều ngược lại với những gì hầu hết mọi người tin tưởng, ấy là cái khoảng cách rất xa biệt từ chúng đến chúng ta. Sự thiếu tương đồng tuyệt đối giữa kỳ nhông và con người đã chứng minh với tôi rằng sự công nhận của tôi là hợp lệ, rằng tôi không tự chống đỡ mình bằng những phép so sánh dễ dàng. Chỉ có đôi bàn tay nhỏ bé… Nhưng một con sa giông, loài lưỡng cư thông thường, cũng có đôi bàn tay như vậy, và chúng ta hoàn toàn không giống nhau. Tôi nghĩ đó là đầu của kỳ nhông, hình tam giác màu hồng với đôi mắt nhỏ màu vàng. Điều đó trực quan và hiểu. Điều đó nêu lên tuyên bố. Chúng không phải là động vật .

Có vẻ dễ dàng, gần như hiển nhiên, để rơi vào thần thoại. Tôi bắt đầu thấy ở loài kỳ giông Mexico một sự biến thái vốn đã không thể xóa bỏ được tính nhân loại bí ẩn. Tôi tưởng tượng chúng như những người có ý thức, nô lệ cho cơ thể mình, bị kết án vô hạn định cho sự im lặng vô tận của vực thẳm, cho những trầm tư mặc tưởng vô vọng. Ánh mắt mù quáng của chúng, cái đĩa vàng nhỏ bé không biểu cảm nhưng vẫn tỏa sáng khủng khiếp, xuyên qua tôi như một thông điệp: “Cứu giúp chúng tôi, cứu giúp chúng tôi”. Tôi bắt gặp mình lẩm bẩm những lời khuyên chứa đựng những hy vọng thời thơ ấu. Chúng tiếp tục nhìn tôi, bất động; thỉnh thoảng những nhánh mang màu hồng căng ra. Vào khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy một nỗi đau âm ỉ; có lẽ chúng đang nhìn thấy tôi, thu hút sức mạnh của tôi để thâm nhập vào thứ không thể xuyên thủng của cuộc đời chúng. Chúng không phải là con người, nhưng tôi chưa từng thấy ở loài vật nào có mối quan hệ sâu sắc đến như vậy với chính mình. Loài kỳ giông Mexico giống như những nhân chứng của một điều gì đó, và đôi khi giống như những thẩm phán khủng khiếp. Tôi cảm thấy mình thật hèn hạ trước mặt chúng; có một sự trong sáng đáng sợ trong những đôi mắt trong suốt đó. Chúng là ấu trùng, nhưng ấu trùng có nghĩa là ngụy trang và cũng là bóng ma. Đằng sau những khuôn mặt Aztec đó, không biểu lộ cảm xúc nhưng lại có sự tàn ác không thể xoa dịu, nguôi ngoai, vẻ ngoài nào đang chờ đợi giờ phút bắt đầu của nó?

Tôi sợ chúng. Tôi nghĩ rằng nếu không phải vì cảm thấy gần gũi với những du khách khác và người bảo vệ, tôi đã không đủ can đảm để ở lại một mình với chúng. “Anh ăn sống chúng bằng mắt đấy”, người bảo vệ vừa nói vừa cười; có lẽ anh ta nghĩ tôi hơi bị dở hơi hay điên khùng. Điều anh ta không để ý là chúng đang từ từ nuốt chửng tôi bằng mắt trong một cuộc ăn thịt đồng loại bằng vàng. Ở bất kỳ khoảng cách nào từ bể cá thì chỉ cần tôi nghĩ đến chúng là đã cảm nhận như thể tôi đang bị ảnh hưởng từ xa. Đến mức tôi phải đi đến đó mỗi ngày, và vào ban đêm, tôi nghĩ đến chúng đang bất động trong bóng tối, chúng từ từ đưa một bàn tay ra và ngay lập tức chạm vào một bàn tay khác. Có lẽ đôi mắt của họ có thể nhìn thấu màn đêm tĩnh mịch, và đối với chúng, ngày cứ tiếp tục kéo dài vô tận. Mắt của loài kỳ giông Mexico không có mí mắt.

Bây giờ tôi biết rằng không có gì lạ nếu điều này xảy ra. Nghiêng mình trước bể cá mỗi sáng, sự nhận biết trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng đang đau khổ, từng thớ thịt trên cơ thể tôi bị cuốn vào nỗi đau bị đè nén này, vào sự tra tấn khắc nghiệt dưới đáy bể cá này. Chúng nằm chờ đợi một điều gì đó, một quyền thống trị xa xôi đã bị phá hủy, một kỷ nguyên tự do khi khi thế giới từng là thế giới của loài kỳ giông Mexico. Không thể nào một biểu hiện khủng khiếp như vậy, vốn đã lật đổ được sự trống rỗng gượng ép trên khuôn mặt đá của chúng, lại có thể mang trong mình bất cứ thứ gì khác ngoài nỗi đau, bằng chứng của bản án vĩnh viễn này, của địa ngục chất lỏng mà  chúng phải chịu, phải trải qua. Trong vô vọng, tôi muốn chứng minh với bản thân rằng sự nhạy cảm của chính tôi đang phóng chiếu một ý thức không tồn tại lên loài kỳ giông Mexico. Chúng và tôi đều biết. Vì vậy, chẳng có gì lạ trong những gì đã xảy ra. Khuôn mặt tôi áp vào kính thủy cung, đôi mắt tôi một lần nữa cố gắng nhìn thấu sự huyền bí của đôi mắt vàng không có mống mắt, không có đồng tử đó. Tôi nhìn thấy từ rất gần khuôn mặt của một con kỳ giông Mexico bất động bên cạnh tấm kính. Không có sự chuyển tiếp và không có gì bất ngờ và ngạc nhiên, tôi nhìn thấy mặt mình trên tấm kính, tôi nhìn thấy nó ở bên ngoài bể, tôi nhìn thấy nó ở phía bên kia tấm kính. Sau đó mặt tôi rụt lại và tôi hiểu ra.

Chỉ có một điều kỳ lạ: tiếp tục suy nghĩ như thường lệ, để biết. Nhận ra điều đó, trong khoảnh khắc đầu tiên, giống như nỗi kinh hoàng của một người đàn ông bị chôn sống khi tỉnh dậy với số phận của mình. Bên ngoài, khuôn mặt tôi lại gần tấm kính, tôi nhìn thấy miệng mình, đôi môi mím lại vì cố gắng hiểu loài kỳ giông Mexico. Tôi là một con kỳ giông Mexico và giờ tôi biết ngay rằng không thể hiểu được. Nó ở bên ngoài bể cá, suy nghĩ của nó là suy nghĩ bên ngoài bể. Nhận ra nó, chính là nó, tôi là một con kỳ giông Mexico và ở trong thế giới của tôi. Nỗi kinh hoàng bắt đầu – tôi hiểu ngay được trong cùng khoảnh khắc – khi tin rằng mình là tù nhân trong cơ thể của một con kỳ giông Mexico, biến thành nó với tâm trí con người còn nguyên vẹn, bị chôn sống trong một con kỳ giông Mexico, bị kết án phải di chuyển  có y thức giữa những chúng sinh vô thức. Nhưng điều đó đã dừng lại khi một bàn chân vừa chạm vào mặt tôi, khi tôi dịch chuyển sang một bên một chút và nhìn thấy một con kỳ giông Mexico bên cạnh tôi đang nhìn tôi, và hiểu rằng nó cũng biết, không thể giao tiếp được, nhưng rất rõ ràng. Hoặc tôi cũng ở trong con kỳ giông Mexico đó , hoặc tất cả chúng tôi đều suy nghĩ giống con người, không có khả năng diễn đạt, bị giới hạn bởi vẻ huy hoàng vàng rực của đôi mắt khi nhìn vào khuôn mặt của người đàn ông áp sát vào bể cá.


 
Dịch giả Nguyễn Văn Chiến

Chỉ có một điều kỳ lạ: tiếp tục suy nghĩ như thường lệ, để biết. Lúc đầu, việc nhận ra điều này giống như nỗi kinh hoàng của một người đàn ông bị chôn sống, thức tỉnh về số phận của mình. Ở bên ngoài, khuôn mặt tôi lại gần kính hơn, tôi nhìn thấy miệng mình, môi mím lại cố gắng hiểu loài kỳ giông Mexico. Tôi là một con kỳ giông Mexico, và bây giờ tôi ngay lập tức biết ngay rằng không thể hiểu được. Nó đang ở bên ngoài bể cá, suy nghĩ của nó ở bên ngoài bể thủy cung. Nhận ra nó, chính là nó, tôi là một con kỳ giông Mexico và ở trong thế giới của tôi. Nỗi kinh hoàng bắt đầu – tôi hiểu ngay được trong cùng khoảnh khắc – khi tin rằng mình là tù nhân trong cơ thể của một con kỳ giông Mexico, biến thành nó với tâm trí con người còn nguyên vẹn, bị chôn sống trong một con kỳ giông Mexico, bị kết án phải di chuyển  có y thức giữa những chúng sinh vô thức. Nhưng điều đó đã dừng lại khi một bàn chân vừa chạm vào mặt tôi, khi tôi dịch chuyển sang một bên một chút và nhìn thấy một con kỳ giông Mexico bên cạnh tôi đang nhìn tôi, và hiểu rằng nó cũng biết, không thể giao tiếp được, nhưng rất rõ ràng. Hoặc tôi cũng ở trong con kỳ giông Mexico đó, hoặc tất cả chúng tôi đều suy nghĩ giống con người, không có khả năng diễn đạt, bị giới hạn bởi vẻ huy hoàng vàng rực của đôi mắt khi nhìn vào khuôn mặt của người đàn ông áp sát vào bể thủy cung.

Anh ấy đã quay lại nhiều lần, nhưng giờ anh ấy ít đến hơn. Nhiều tuần trôi qua mà anh ấy không xuất hiện. Tôi đã gặp anh ấy hôm qua, anh ấy nhìn tôi rất lâu rồi vội vã rời đi. Với tôi, có vẻ như anh ấy không còn hứng thú quan tâm đến chúng tôi nữa, rằng anh ấy đến theo thói quen. Vì điều duy nhất tôi làm là suy nghĩ, nên tôi có thể nghĩ về anh ấy rất nhiều. Tôi chợt nhận ra rằng lúc đầu chúng tôi vẫn tiếp tục liên lạc với nhau, hơn bao giờ hết anh ấy cảm thấy mình là một điều bí ẩn đang dần được biết đến.Tôi chợt nhận ra rằng lúc đầu chúng tôi vẫn tiếp tục giao tiếp, rằng anh ấy hơn bao giờ hết cảm thấy mình hòa làm một với điều bí ẩn đang dần được bộc lộ. Nhưng mối liên hệ giữa anh ấy và tôi đã bị phá vỡ bởi vì thứ mà anh ấy ám ảnh giờ đây là một con kỳ nhông, xa lạ với cuộc sống con người của anh ấy. Tôi nghĩ rằng lúc đầu tôi có thể quay lại với anh ấy theo một cách nhất định – à, chỉ theo một cách nhất định – và để có thể làm thức tỉnh mong muốn của anh ấy được hiểu chúng tôi hơn. Bây giờ tôi là một con kỳ nhông mãi mãi, và nếu tôi suy nghĩ như một con người thì chỉ vì mọi con kỳ nhông đều suy nghĩ như một người bên trong vẻ ngoài bằng đá màu hồng của mình. Tôi tin rằng tất cả những điều này đã thành công trong việc truyền đạt điều gì đó cho anh ấy trong những ngày đầu tiên, khi tôi vẫn còn là anh ấy. Và trong sự cô đơn cuối cùng mà anh ấy không còn đến với tôi nữa, tôi tự an ủi mình bằng cách nghĩ rằng có lẽ anh ấy sẽ viết một câu chuyện về chúng tôi, tin rằng anh ấy đang sáng tác một câu chuyện, anh ấy sẽ viết tất cả những điều này về loài kỳ giông.

JULIO CORTAZAR

 NGUYỄN VĂN CHIẾN

Dịch từ bản tiếng Anh do Paul Blackburn thực hiện từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha

[1] Kỳ giông Mexico: Hay khủng long sáu sừng (tiếng Anh: Axolotl) (Ambystoma mexicanum) là một loài kỳ giông lưu giữ các đặc điểm có được khi còn non đến giai đoạn trưởng thành có họ hàng với kỳ giông hổ. Loài này ban đầu được tìm thấy ở một số hồ, chẳng hạn như hồ Xochimilco bên dưới Thành phố Mexico. Kỳ giông Mexico khác thường so với các loài lưỡng cư khác ở chỗ chúng đạt đến tuổi trưởng thành mà không trải qua quá trình biến thái. Thay vì phát triển phổi và lên cạn sống, con trưởng thành vẫn sống dưới nước và có mang.(ND)

[2] Vườn bách thảo Paris: (tiếng Pháp: Jardin des plantes) là một khu vườn thực vật được mở cửa cho công chúng, nằm tại quận 5, Paris. Có vị trí ở giữa nhà thờ Hồi giáo và khu học xá Jussieu, vườn bách thảo rộng 23,5 hecta với Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp nằm trong khuôn viên vườn.(ND)

[3] Thánh Geneviève: Vị Thánh quan thầy của thành phố Paris trong cả Công giáo Roma và Chính thống giáo Đông phương. (ND)

[4] Aztec: Nền văn hóa Trung Bộ châu Mỹ phát triển mạnh ở miền trung Mexico vào hậu kỳ cổ điển từ năm 1300 đến năm 1521. Aztec là danh từ chung chỉ nhiều nhóm sắc tộc sống ở miền trung Mexico, cụ thể là những nhóm nói tiếng Nahuatl thống trị đại bộ phận Trung Bộ châu Mỹ từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI. (ND)

Xem thêm:

Các đô thị giữa thành Cairo – Truyện ngắn Mohamed Matbouly

 Kỳ giông Mexico trong điều kiện nuôi nhốt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét