4 thg 12, 2021

Chuyện thời sinh viên

 
Chuyện thời sinh viên

Thời tui học ở Sài Gòn năm 79, không tốn tiền học phí và tiền ở ký túc xá, mỗi tháng còn được cấp 18 đồng và 17 ký lương thực, bao gồm gạo, bo bo, mì sợi, bột mì và một số “nhu yếu phẩm” như kem đánh răng, đường, bột ngọt...lâu lâu còn được bốc thăm trúng cục pin và cái vỏ xe đạp Sao Vàng đem ra chợ trời bán cũng được bộn bộn. Đứa nào “lưu ban” (ở lại lớp) cũng được tiếp tục hưởng “tiêu chuẩn” y vậy.
Thời gian đi học, chỉ khổ một điều là hổng biết sao lúc nào cũng nghe thèm ăn, mới ăn xong một chút lại nghe đói nữa, cái bụng nó cứ kêu rột rột...thiệt xót. Mỗi lần về quê thăm nhà, ăn 7, 8 chén cơm mà vẫn còn thòm thèm. Nhiều khi ăn cơm nhiều đến nỗi bà già tưởng đâu thằng con bị...ma nhập.
Gần cổng trường tui có chị Năm bán gánh bún riêu lề đường ngon lắm, xế chiều đi bộ ngang qua gánh bún riêu này, nghe cái mùi của nồi nước riêu cua đồng sực vào hai cái lỗ mũi là trái kế trong cổ họng cứ chạy lên chạy xuống, nuốt nước miếng…không kịp. Sinh viên bọn tui là khách hàng thường xuyên của gánh bún riêu chị Năm nên chị thuộc tên từng đứa. Có lần trong túi tui chỉ còn 50 xu, trong khi tô bún riêu là 1 đồng, thèm quá chịu hổng nổi, tui bèn hỏi chị Năm có bán bún riêu “không người lái” không? tức là chỉ cần nước và rau muống chẻ, khỏi bún, khỏi cua đồng, cà chua gì hết. Chị suy nghĩ một chút rồi kêu tui ngồi xuống chỉ múc cho. Vậy mà ngon, chỉ cần húp nước và ăn rau muống chẻ đủ êm cái bụng. Từ đó chị Năm có thêm loại bún riêu “không người lái” dành cho sinh viên giá 50 xu một tô. Có đứa còn mang theo bịch cơm nguội bỏ vào tô nước bún riêu ăn ngon lành. Có hôm chị Năm còn vui vẻ múc thêm miếng cua đồng cho vào tô “không người lái”, trở thành tô “có người lái”, giá không đổi. Chị Năm thiệt tốt bụng nên sinh viên nào cũng mến, đứa nào lỡ ăn thiếu cũng mang tiền ra trả cho chị.
Gần gánh bún riêu chị Năm có quán cà phê ông Tùng, là nơi bọn sinh viên hay “ngồi đồng” nghe nhạc Pháp của Christophe (hồi đó gọi là nhạc “quốc tế”, được phép nghe). Quán ông Tùng có “cuốn sổ nợ” để ghi tên các “con nợ” uống cà phê ký sổ. Có mấy đứa nợ hơi dai, chưa kịp trả, nên ông Tùng sắm tấm bảng đen, ghi tên “con nợ” treo trên vách. Bước vào quán nhìn thấy tấm bảng “phong thần” đó, sinh viên nào cũng nghe ái ngại khi thấy tên mình hay bạn bè trên đó. Từ từ bọn tui chuyển qua quán cà phê khác “đóng đô”. Quán ông Tùng dần dần vắng khách, dù tấm bảng “phong thần” kia đã tháo xuống.
Ký túc xá bọn tui gần ký túc xá của trường Sư Phạm Mẫu Giáo, bên đó toàn sinh viên nữ nên con trai bên tui thường hay qua đó “giao lưu” tìm bạn gái. Có lần thằng bạn ở chung phòng tui kể chuyện nó cùng nhỏ bạn bên sư phạm mẫu giáo lần đầu đi chơi, nghe cười muốn bể bụng. Bữa đó bạn tui rủ nhỏ bạn bên trường sư phạm đi coi ca nhạc do ban “Ca khúc chính trị Sao Sáng và Sinco” trình diễn ở sân khấu ngoài trời trong Vườn Tao Đàn. Bạn tui chỉ đủ tiền mua 2 cái vé “đứng” vào cửa (giá vé ngồi mắc hơn vé đứng), chỉ còn lại hai đồng dằn túi, vừa đủ 2 ly chè đậu xanh bánh lọt. Hắn và nhỏ bạn đó đứng coi ca nhạc một hồi thì cái bụng của hắn kêu rột rột...đòi ăn. Chỉ còn hai đồng không thể rủ nhỏ bạn đi ăn được nên hắn đành “chơi chiêu”. Hắn nói với nhỏ bạn là muốn đi toilet, kêu nhỏ đó đứng chờ chút. Hắn dzọt ra xe bánh mì mua nửa ổ bánh mì thịt hết một đồng, đứng tại chỗ nhai ngấu nghiến, còn lại một đồng, hắn mua hai bịch nước mía lật đật quay trở lại mời nhỏ đó một bịch, hắn một bịch. Lúc hắn ta quay lại, đã thấy nhỏ bạn cầm sẳn hai trái bắp nấu, cười cười mời hắn một trái. Hắn cạp trái bắp mà trong lòng nghe có chút…mắc cỡ. Hắn kể: “bữa đó tao mời nhỏ bạn bịch nước mía, thấy nhỏ cảm động quá trời quá đất, còn khen tao chu đáo nữa”.
Sau này, hai đứa nó thành vợ chồng, khi gặp lại, tui có hỏi : “mày có kể cho bà xã nghe cái chuyện trốn đi ăn bánh mì thịt một mình không?”. Nó trả lời tỉnh queo :”tao có kể cho bả nghe, nhưng bả không giận mà còn nói : “bữa đó em nghe cái bụng anh sôi rột rột, mặt xanh lè biết anh đang đói bụng dữ lắm nên đi mua trái bắp nấu cho anh cạp đỡ đói, ai dè dòm thấy anh đứng ngốn ổ bánh mì thịt, thiệt tội nghiệp anh quá, sợ anh...mắc nghẹn”. Bởi vậy ông nào đi ăn vụng thế nào cũng bị lòi ra cho coi.
Sinh viên thời đó cuộc sống thiếu thốn nên mới có những kỷ niệm lạ lùng mà thời bây giờ không thể có như tô bún riêu không người lái và chuyện trốn bồ đi ăn bánh mì thịt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét