Ba nuôi tôi SG Nguyễn Phương mất đã hơn nửa năm...
Ông có 8 người con nhưng không ai theo nghề Cải Lương.
Hiện giờ chỉ có tôi ( con nuôi) và đứa em gái út giữ những tài liệu của ông. Tôi giữ khoảng 90% vì có nhiều giai đoạn ông quên chuyển cho tôi.
Em gái út tôi giữ tất cả Computer của ông...nếu lọc lại sẽ có đầy đủ hơn
Một người bạn mới nhắc tôi nên phổ biến những tài liệu ấy cho mọi người biết.
Tôi cũng sắp vào tuổi 80 cũng không người thừa kế...sẽ cố gắng đến đâu hay đến đấy...
Kính lạy hương hồn Ba . Con sẽ cố gắng làm theo những gì Ba dặn và con biết Ba thích...
Bài viết dài không thích hợp với FB nhưng hiện nay đây là phương tiện truyền thông được nhiều người theo dõi nhứt...Ai không thích có thể bỏ qua
Năm 1989 ba nuôi tôi soạn giả Nguyễn Phương qua định cư ở Montreal.
Tôi có đề nghị xin ông viết về Cải lương, ông trả lời rằng :
Con à bác qua đây với 2 bàn tay trắng cùng 5 đứa con chưa đứa nào đi làm được.. chuyện sinh kế là chuyện ưu tiên.
Ba má nuôi tôi làm nghề may để nuôi mấy đứa em thành người.
10 năm sau ! Tôi nhắc lại chuyện viết bài và giới thiệu ông với Tờ Thời Báo Montreal. Ba tôi đã viết đều dặn cho Thờii báo Montreal tới nay.
Ba tôi còn phụ trách chương trình cổ nhạc cho các đài phát thanh hải ngoại nhu RFI, RFA...
Vì tuổi tác giờ ông chỉ còn viết hàng tuần cho Thờii báo mà thôi
Nếu ở VN không thể xem được mời đọc :
Soạn giả Nguyễn Phương, người soạn tuồng nổi tiếng của Việt Nam
Một bộ môn sân khấu phong phú và có lẽ được yêu chuộng nhất của người dân miền Nam Việt Nam là sân khấu Cải Lương.
Soạn giả Nguyễn Phương, người soạn tuồng nổi tiếng của Việt Nam
Đây là bô môn nghệ thuật giá trị và độc đáo, vốn văn hóa của miền đồng bằng Nam Bộ mà nếu không được nhắc đến, e rằng sẽ bị mai một. Đó là một di sản văn hóa lớn trong ngành nghệ thuật sân khấu của nước Việt.
Về vấn đề này, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Đài Á Châu Tự Do hân hạnh được soạn giả Nguyễn Phương dành cho một cuộc phỏng vấn, xin mời quý thính giả theo dõi:
Phạm Điền: Kính chào soạn giả Nguyễn Phương. Xin ông vui lòng cho thính giả của đài Á Châu Tự Do biết khái quát tiểu sử và kinh nghiệm trường trải của soạn giả với sân khấu cải lương cũng như việc trở thành một nhà soạn tuồng cho bộ môn này.
Nguyễn Phương: Chào ông Phạm Điền, xin chào thính giả Đài Á Châu Tự Do. Tôi tên là Nguyễn Phương, tôi sanh ngày 1 tháng 7, 1922. Sanh quán ở làng Điều Hòa , Mỹ Tho. Tôi tốt nghiệp trường Bách nghệ Sài Gòn năm 1940 , sau đó thì tôi đi học tiếp ở Hà Nội, trường Kỹ Thuật Chuyên Nghiệp 2 năm. Năm 1943 tôi được bổ nhiệm làm cho Sở Bưu Điện ở Sài Gòn, phòng kỹ thuật. Nhà tôi ở đường hẻm Cá Hấp ở gần rạp hát Thành Xương với đường Cầu Quang, nên tôi thường tới coi hát vậy nên tôi quen với nhiều nghệ sĩ lắm. Tới 1948 thì bạn tôi rủ tôi theo gánh hát. Gánh hát Tiếng Chuông của Bầu Căn.
Từ năm 1948 cho tới luôn năm 1989, tôi bỏ luôn nhiệm sở theo gánh hát liên tục hơn 40 năm, tôi học viết tuồng rồi tôi trở thành soạn giả. Tôi cọng tác với các đòan như đòan Tiếng Chuông Bầu Căn, Đòan Ánh Sàng bầu Tập. Đòan Diễn Kịch Năm Châu, Đòan Kim Thoa, Đòan Thanh Minh của bầu Nghĩa, Đòan Thanh Minh Thanh Nga của Bầu Thơ, Đòan Dạ Lý Hương của Bầu Xuân . Lúc đó thì tôi cũng là Trưởng Ban Cải Luơng Phát Thanh Phương Nam, cải lương của Đài Phát Thanh Sài Gòn, rồi tôi là trưởng ban của Kịch Phương Nam, đài Truyền hình Sài Gòn. Tôi viết kịch thường xuyên, kịch Sống của Túy Hồng, ban kịch của Kim Cương, ban kịch của Thẩm Thúy Hằng với cái Chương Trình Lúc Không Giờ của Đài Truyền Hình do đạo diễn Lê Hòang Hoa phụ trách .
Về phim thì tôi là tác giả của các truyện phim Triệu Phú Bất Đắc Dĩ, của Mỹ Vân phim. Sống Đời Tôi với Lệnh Bà Xã là của Mỹ Ảnh phim, Chàng Ngốc Gặp Hên của Trùng Dương phim, Con Ma Nhà Họ Hứa của Dạ Lý Hương phim.
Sau năm 1975 thì tôi lại chuyên viên kỹ thuật sân khấu của các đòan hát Thanh Nga, rồi Sài Gòn 3, đòan Phước Chung, đòan Hương Nam, Đòan Sài Gòn 2.
Phạm Điền: Thưa ông Nguyễn Phương, xin cho biết ông đã soạn tất cả bao nhiêu vở tuồng rồi cho đến nay?
Nguyễn Phương: Tội soạn hơn 100 kịch bản Cải Lương và kịch nói mà bây giờ thì tôi có thể nhớ những tác phẩm tiêu biểu như Đôi Mắt Người Xưa, Ngã Rẽ Tâm Tình, Bọt Biển, Tình Xuân Muôn Tuổi, Hoa Đồng Cỏ Nội, Tình Của Biển, Chuyện Tình 17, Tiền Rừng Bạc Biển, Chén Trà Của Quỷ…
Năm 1989 tôi định cư ở Canada, tới nay là 15 năm rồi.
Phạm Điền: Thưa soạn giả Nguyễn Phương, ông đã có kinh nghiệm trường trải trong ngành cải lương. Ông đánh giá như thế nào về sân khấu cải lương sao với các bộ môn nghệ thuật trình diễn khác.
Nguyễn Phương: Theo tôi đó, đánh giá một bộ môn Cải Lương trong cái ngành nghệ thuật chung của nước mình thì đó là một việc rất lớn, bao quát, phải phân tích, phải dẫn chứng . So sánh giữa nghệ thuật Cải Lương với các bộ môn sân khấu khác, hát Bội cũng như kịch nói , kịch thì mới có thể làm nổi bật lên được cái tính ưu việt, cái tính đặc sắc của Cải Lương . Trong một buổi nói chuyện ngắn ngủi như vậy đó , nhất là không đủ tài liệu để minh hoạ, khi đề cập đến mọi khía cạnh đặc sắc của cải lương.
Ở nước mình đó, có nhiều người thì thích kịch nói vì cho kịch nói đó là một nghệ thuật tân tiến. Có người lớn tuổi, hòai cổ, thì thích nghệ thuật Hát Bội, vì cho đó là nghệ thuật kinh điển. Có người lại thích nghe Vọng Cổ, coi hát Cải Lương, nhưng mà ngay trong số những người thích coi hát cải lương đó thì có những người có thành kiến, cải lương là một cái gì không thật, phóng đại, đương nói bỗng ca, gần chết rồi mà còn ca vọng cổ mà. Thành ra cái vấn đề sân khấu cải lương có rất nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề, nhất là cần phài bàn cho rõquan niệm của người mình xem hát cải lương như thế nào. Những cái đặc trưng của nghệ thuật sân khấu cải lương ra sao thì mới có thể hiểu được sân khấu cải lương.
Chắc là phải có nhiều lần nói chuyện mới từ từ nói hết được cái hay, cái đặc biệt, cái đặc sắc của cải lương . Bữa nay đó thì tui chỉ đóng khung trong cái nhìn khái quát về nghệ thuật sân khấu cải lương thôi.
Phạm Điền: Cái khung đó, nếu bây giờ nói một cách khái quát thì nó như thế nào thưa ông?
Nguyễn Phương: Theo tôi đó, sân khấu cải lương là một loại hình nghệ thuật kỳ diệu, thật là kỳ diệu là bởi vì nó có rất nhiều hình thức để thực hiện rất là độc đáo. Có thể nói cuộc sống phong phú bao nhiêu thì sân khấu cải lương cũng đa dạng bấy nhiêu . Ở cải lương có đủ cả thi, ca, vũ nhạc, kịch, hội hoạ. Trong cách thể hiện và văn phong cải lương thì có tính cách ước lệ, tính tượng trưng , tả thực, tả ý, tả tình , lịch sử , trữ tình. Nói chung , nó là một nghệ thuật tổng hợp phong phú và hấp dẫn Chỉ nói riêng về khả năng chuyên chở đề tài của nghệ thuật cải lương . Về khả năng chuyên chở của đề tài cải lương đó thì tôi thấy rằng nó có một sức chuyên chở vô tận.
Phạm Điền: Thưa soạn giả, như thế hẳn lịch sử cải lương cũng để lại các sắc thái đặc sắc trong quá trình hình thành của nó?
Nguyễn Phương: Tôi xin mời ông Phạm Điền và thính giả luớt qua lịch sử hình thành nghệ thuật cải lương và quá trình phát triển của nó, trong hơn 80 năm thì sẽ thấy cái đặc điểm này . Cái đặc điểm mà theo lối các loại nghệ thuật sân khấu khác là không có làm được . Cái hồi cải lương mới ra đời tôi chỉ nhắc từ năm 1910 thôi. Cải lương còn sơ khai trong cái hình thức ca rao bộ thì cải lương đã diễn ca Lục Vân Tiên Bùi Kiệm gặp Nga, những nhân vật trong Lục Vân Tiên của tác giả Nguyễn Đình Chiểu ở trong cái thời xa xưa, nhưng mà khán giả coi hát cảm khái như là cái chuyện xảy ra trong thời đại hôm nay. Tới cái chuyện ông Trang Tử Cổ Bồn Ca của ông Mạnh Tư Trương Như Tỏan nói chuyện ông Trang Tử giả chết để thử bụng dạ vợ mình .
Chuyện là chuyện cổ bên Tàu, diễn viên ăn mặc theo y phục cổ trang. Trên sân khấu cải lương nhân vật Tàu được ca hát bằng tiếng Việt Nam, khán giả vẫn chấp nhận, thưởng thức nội dung cốt chuyện đó. Sau đó thì ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Huyền viết chuyện Phụng Nghi Đình, tuồng Quan Công Phục Huê Dung Đạo ….Lữ Bố Hí Điêu Thuyền, Lữ Bố tròng ghẹo tình tứ với Điêu Thuyền, Điêu Thuyền mê hoặc Đổng Trác, rồi trong tuồng Mê Dung Đạo, Tào Tháo thua trận Xích Bích tới rớt râu sút mão, rồi ca vọng cổ quên đếm mình, tưởng Tháo đã chết nên Tháo khóc một cách ngon lành.
Chuyện ở bên Tàu đời nhà Hán cách nay mấy ngàn năm, tướng Tàu, đào Tàu đều ca vọng cổ, ca bài bản nhạc Việt Nam. Khán giả nghe như chính người Việt Nam nói chuyện với nhau. Sự khác biệt về ngôn ngữ Tàu Việt, khác về lối sống, khác vì dân tộc tính không ngăn cản được cái sự cảm thụ của khán giả khi khán giả xem tuồng Tàu dưới dạng diễn của nghệ thuật cải lương.
Đó cũng chưa hết kỳ diệu đâu, phải kể tới cái thời ông Năm Châu, soạn giả Nguyễn Thành Châu, chuyện Tây, hết Tàu rồi bây giờ đem chuyện Tây Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ thành tuồng cải lương, d’Artagnan mặc y phục của Pháp, kể chuyện tình của hòang hậu nước Pháp với vị quận công nước Anh , vậy mà các nhân vật nước Anh, nước Pháp đó đều ca vọng cổ , ca bài bản Việt Nam, nói tiếng Việt Nam , câu chuyện tình trên đây được chuyên chở dưới dạng cải lương thì khán giả thưởng thức một cách trọn vẹn ngọt sớt như cái chuyện đời xưa nào đó của Việt Nam, hổng phải ở đâu hết.
Nghệ sĩ Năm Châu viết rất nhiều kịch bản lấy kịch Pháp như là Tứ Hoa Vương Nữ…Trong cái thởi kỳ cải lương hát tuồng phương tây đó , nội dung cốt chuyện, tình cảm, nhân vật , nước Anh, nước Pháp, nước Tây Ban Nha. Sân khấu Việt Nam nhưng giống như người Việt Nam chánh gốc. Hòang hậu Mã Nhi Nương Bửu trong Gió Ngược Chiều do nữ nghệ sĩ Thanh Nga thủ diễn . Tâm tình của Hòang Hậu mã Nhi Nương Bửu được Thanh Nga ca vọng cổ khán giả cải lương rất là đồng cảm. Khán giả đã khóc vì cuộc đời bi thương của hòang hậu, khán giả đã khóc vì Trà Hoa Nữ .
Tôi thì tôi cảm giác cái hàng rào ngôn ngữ của các quốc gia khác biệt không có hiện diện khi ta đưa câu chuyện ngoại quốc vào kịch cải lương.
Đó rồi nói tới cái thời kỳ tuồng tiên, tuồng Phật , tuồng Tôn Tẫn Bàng Quyên, Lê Huê Phá Hồng Thủy Trận , tuồng Phật Quan Âm Diệu Thiện , Quan Âm Thị Kính, Phật Nhập Niết Bài, Thích Ca Cầu Đại Nhân, những câu Nam Mô N=Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Sắc Tức Thị Không, Không tức thị Sắc vô vọng cổ lúc Thái tử Sít Đạt ta bỏ hòang thành đi , cứ ca vọng cổ thì không còn thấy dạng niệm Phật của câu tụng kinh nữa mà nó trở thành một câu vọng cổ, nghe rất là êm dịu. Cái thời đó hát rất là đông khách. Tới thời Nhật Bổn, tuồng Nhật Bổn , các nhân vật như là Khi Hoa Anh Đào Nở của Hà Triều Hoa Phượng với Tô Điền Sơn Thành Được , cái đầu trán sói bóng lưỡng , búi tóc nhỏ sau lưng, mặc áo kimono, gươm võ sĩ đạo trên lưng Tô Điền Sơn Thành Được, một kiếm sĩ Nhật Bổn ca vọng cồ nghe mùi riệu. Tới ngày nay , hơn 40 năm sau tôi còn nghe khán giả nhắc tới Tô Điền Sơn Thành Được.
Cái nghệ thuật mà hát cải lương móp đưa được những cái đó . Hát Bội cũng thử, diễn cái tuồng Le Cid của Ưng Bình Thúc Dạ ở Huế ông viết, ồng đề tựa là Nàng Chim Anh Lộ Địch , nhưng mà Hát Bội vô cái tuồng đó không hay bằng cái tuồng giá trị của Năm Châu. Có đưa thử Roméo Julliette, nhưng ma khi diễn Quan Công Phò NHị Tẩu, hay Hán Sở Tranh Hùng thì cái kịch người ta coi thành một cái hài kịch thôi.
Phạm Điền: Thưa soạn giả, những vở tuồng có gia trị như thế có được giữ lại trong kho tài liệu văn hóa nghệ thuật hay không?
Nguyễn Phương: Tôi muốn nói thêm một điều nữa tiếc một điều tiểu thuyết thì có ấn bản, có sách in lưu hậu thế, tuồng tích , nhiều tuồng văn chương đối thoại thiệt là hay, nhưng mà không có in thành sách cho nên khi hát xong rồi, qua một thời gian không còn lưu dấu. Mấy năm sau này thì có cái in dĩa, thu thanh, rồi DVD , nghệ sĩ trẻ còn lưu được. Một điểm nữa tôi nghĩ là các sân khấu khác không có cái đặc điểm của cải lương.
Sân khấu cải lương sản sinh ra rất nhiều nghệ sĩ tài danh, khán giả ái mộ, tặng cho rất nhiều danh hiệu, giả tỉ như Út Trà Ôn là Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn, Hòang Đế Dĩa Nhựa Tấn Tài, Vua vọng cổ Hài Văn Hường, Vua viết Vọng Cổ Viễn Châu, Nữ Hòang Sân Khấu Thanh Nga, Kỳ nữ Kim Cương, Tiếng Hát Liêu Trai Mỹ Châu, Giọng ca Vàng Hữu Phước, Giọng Ca Nhung Lụa Ngọc Giàu, Hòang Hậu Cải Lương Kim Lan , Mỹ Nhân Sân Khấu Thanh Tùng, Vua Cắc Bùm Bảy Cao, Vua Xàng Xê Minh Trí, Đệ Nhất Hương Kim Thoa, Quái Kiệt Ba Vân , Hề Râu Thanh Việt, Tô Điền Sơn Thành Được, Kép Trọc Trường Xuân, Chế Bồng Nga Hòang Giang, Cậu Ấm Thân Việt Hùng, Phá Ca Thanh Nga….
Quá nhiều…Chưa thấy nghệ thuật nước nào giống như nghệ thuật sân khấu cải lương, một nền nghệ thuật có thể chuyên chở tất cả những chuyện ngoại quốc và Việt Nam hóa được hết những chuyện ngoại quốc đó. Những nhân vật Tây Tàu khi vô cải lương được Việt Nam hóa rất tài tình.
Chỉ có một cái quan điểm khán giả và nghệ thuật chưa gắn bó với nhau đó là tại sao đương hát lại ca, tới cái phút đó còn ca , điều này đó thì tôi thấy cái Opéra Pháp với Mỹ cũng ca hòai, ca liên tục, tôi thấy không có ai đặt vấn đề.
Phạm Điền: Đến đây, chúng tôi xin cảm ơn soạn giả Nguyễn Phương đã đến với tạp chí Văn Học Nghệ Thuật để cho thính giả có dịp hiểu nhiều hơn sân khấu cải lương giá trị của Việt Nam. Chào ông.
© 2004 Radio Free Asia
❤❤❤❤❤
Mời Xem :Kính Mừng Sinh Nhật thứ 98 Soan Giả Nguyễn Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét