4 thg 8, 2020

Tản mạn về học vị Sinh Đồ và chuyện Sinh Đồ ba quan ( Nghiên Cứu Lich Sử )

Cao Văn Thức
Sinh đồ hoặc tú tài là một học vị trong hệ thống khoa bảng của nhà nước phong kiến. Sinh đồ ba quan là thuật ngữ dân gian xuất hiện từ thời kỳ nhà nước phong kiến Lê – Trịnh ở thế kỷ XVIII để ám chỉ hạng người dốt nát, bất tài dùng tiền của đút lót kiếm bằng cấp để tìm lối tiến thân vào quan trường hòng “vinh thân phì gia”. Chuyện sinh đồ ba quan cũng thể hiện sự suy đồi, thối nát của nền giáo dục phong kiến thời bấy giờ.

          Sinh đồ (tú tài) trong khoa cử Nho học
Để biết được sinh đồ là gì thì chúng ta hãy tạm sơ lược qua nền giáo dục thời phong kiến. Giáo dục Nho học phong kiến bắt đầu khởi điểm từ nhà Lý (1009-1225). Năm 1070, nhà Lý cho lập Văn Miếu thờ Khổng Tử, bậc tiên sư của Nho học, đế năm 1075 mở khoa thi đầu tiên ở nước ta và tiếp theo năm 1076 thành lập trường Quốc Tử Giám để làm nơi học tập của con em quý tộc, quan lại. Về sau nhà Lý còn tổ chức thêm được một số khoa thi nữa (các năm 1086, 1185, 1152, 1195.….). Thời nhà Lý chưa đặt ra các học vị trong khoa cử.
Đến thời nhà Trần (1225-1400), việc thi cử được tổ chức tương đối đều đặn hơn và danh xưng học vị cũng được đặt ra. Thi cử thời Trần gồm có hai cấp: thi Hương ở cấp địa phương để chọn Hương Cống và Sinh đồ, thi Hội ở kinh đô để chọn Thái học sinh.
Nhà Lê ở thế kỷ XV, thi cử Nho học được tổ chức đều đặn hơn, cứ ba năm một lần, năm trước thi Hương năm sau thi Hội. Thái học sinh được đổi gọi là Tiến sĩ gồm 3 bậc: Tiến sĩ cập đệ (tiến sĩ hạng nhất) có 3 thứ bậc là đệ nhất danh (Trạng nguyên), đệ nhị danh (Bảng nhãn), đệ tam danh (Thám hoa); Tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ hạng hai) thường gọi là Hoàng giáp; cuối cùng là Đồng tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ hạng ba).
Nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, việc thi cử cũng tổ chức như ở triều Lê nhưng có phần khắt khe hơn, số lượng người đỗ cũng ít hơn. Năm 1828, vua Minh Mạng cho đổi học vị hương cống thành cử nhân, sinh đồ thành tú tài.
Như vậy, chúng ta thấy học vị sinh đồ (tú tài) là một học vị trong khoa thi Hương. Thi Hương là cấp thi ở địa phương gồm một tỉnh hay liên tỉnh. Khoa thi Hương gồm có 4 kỳ hay còn gọi là 4 trường, tức thí sinh phải trải qua 4 vòng thi tuyển. Ai đậu kỳ trước mới được vào kỳ sau, người nào đậu cả 4 trường thì được cấp học vị hương cống, đậu ba trường là sinh đồ. Thời Lê, tỉ lệ giữa hương cống và sinh đồ được quy định là cứ một hương cống thì lấy 10 sinh đồ, ví dụ khoa thi ở địa phương đó triều đình quy định lấy đỗ 80 cử nhân thì lấy 800 sinh đồ; thời Nguyễn, buổi đầu chưa quy định nên quan trường có thể linh hoạt, đến thời Tự Đức (1848-1883) mới có quy định “nhất cử, nhị tú” (một cử nhân, hai tú tài), thời Kiến Phúc (1884) mở rộng “nhất cử, tam tú” (một cử nhân, ba tú tài). Như vậy, số lượng tú tài thời Nguyễn được lấy đỗ trong khoa thi Hương ít hơn sinh đồ thời Lê mặc dầu diện tích nước Việt Nam thời Nguyễn ở thế kỷ XIX rộng hơn gấp hai lần nước Đại Việt thời Lê ở thế kỷ XV và dân số cũng tăng hơn nhiều.
Và thi đỗ ngày trước không phải là dễ, vì người thi thì đông mà người đỗ thì ít. Muốn đỗ cử nhân thì sức học phải “chọi” trên một trăm thí sinh khác, đỗ tú tài thì phải đủ sức loại vài, ba chục đối thủ. Đơn cử khoa thi Hương ở trường thi Nam Định năm 1900 cho toàn xứ Bắc Kỳ, có 11.000 thí sinh dự thi, đỗ 90 cử nhân và 270 tú tài. Như vậy, ở khoa thi này, khoảng 122 – 123 thí sinh/1cử nhân và khoảng 35-36 thí sinh/ 1 tú tài.
Mặc dầu đỗ cùng cấp thi Hương nhưng vị trí và quyền lợi giữa sinh đồ (tú tài) và hương cống (cử nhân) khác nhau một trời một vực. Thời Lê và thời Nguyễn thi cử tương tự như nhau nên ở đây xin đơn cử một vài chi tiết về hai loại học vị này ở thời Nguyễn là triều đại phong kiến gần chúng ta ngày nay nhiều nhất.
Ở cấp thi Hương có thể thấy rằng, cử nhân là đỗ chính thức, còn tú tài là đỗ khuyến khích. Người đỗ cử nhân được dự lễ xướng danh(1), tên được ghi trên bảng gỗ sơn son thếp vàng có vẽ hình con hổ vằn (nên gọi là hoàng bảng hoặc hổ bảng) treo trên cao chính giữa cổng trường thi, được ban áo mão, được dự tiệc yến tại dinh quan đầu tỉnh. Sau đó,  hương chức và dân làng theo lệnh quan sở tại đem cờ trống võng lọng lên tận huyện lỵ đón rước về làng mở tiệc ăn mừng. Sau khi “vinh quy bái tổ” thì cử nhân được tiếp tục đi thi Hội năm sau để giật học vị cao hơn hoặc nộp đơn xin triều đình bổ nhiệm ra làm quan. Buổi đầu, cử nhân sẽ được sơ bổ ở chức vụ thấp nhất trong ngạch quan chức là Huấn đạo, phụ trách việc dạy học tại trường huyện, rồi dần dần thăng tiến lên tri huyện, tri phủ, án sát… theo thâm niên và năng lực.
Tú tài không có xướng danh, tên chỉ được ghi trên tấm bảng đan bằng cót tre, dán giấy trắng có vẽ một cành mai bằng mực đen (nên gọi là mai bảng), treo ở bên cạnh cổng trường thi, không được ban áo mão, không được dự yến tiệc. Tú tài tự đi về nhà chứ không được dân làng đón rước theo quy định của triều đình. Chỉ có làng nào hiếm người đỗ đạt thì tự động tổ chức đón rước tú tài mà thôi. Tú tài không được đi thi Hội, không được bổ nhiệm làm quan. Vì vậy, những người đỗ tú tài mà còn trẻ tuổi thường có tham vọng đi thi nữa để giật cho được cái cử nhân, có người thi lại nhiều lần cũng chỉ đậu tú tài (đậu hai lần gọi là Tú Kép, ba lần gọi là Tú Mền, bốn lần gọi là Tú Đụp…) hoặc trượt dài từ kỳ 1, kỳ 2. Đa số những tú tài thi mãi không đỗ cử nhân, khi lớn tuổi thường an phận dừng lại, nhưng cũng một ít trường hợp tuy đã già nua cũng cố gắng giật cho được cái cử nhân mới toại nguyện như Đoàn Tử Quang ở Hà Tĩnh(2).
Theo quy định của triều đình thì người nào thi đậu 10 lần tú tài thì được xem như tương đương cử nhân, có quyền dự thi Hội hoặc bổ nhiệm ra làm quan. Nhưng trường hợp đó rất hiếm, vì ít người bền chí đến mức theo đuổi đến 10 khoa thi, vì nếu như vậy với trung bình 3 năm/1khoa thi thì phải mất 30 năm cho việc thi cử, có nghĩa là người học trò đó đi thi từ tuổi  hai mươi cho đến tuổi năm mươi; và hơn nữa làm gì có sự “may mắn” đỗ liên hoàn 10 cái tú tài liên tiếp mà tất nhiên là có khoa thi hỏng tuột. Trong lịch sử khoa cử cũng có một vài trường hợp đặc biệt như Vũ Huy Dực ở Bắc Ninh…nhưng số đó rất ít ỏi(3).
Tuy vậy, tú tài cũng được xem là có chân khoa mục, có được chút quyền lợi và địa vị nho nhỏ ở làng xã, ví dụ như được miễn thuế thân trọn đời, không phải đi lính, không phải đi phu phen, lao động công ích ở địa phương như người bạch đinh; ngày lễ hội, cúng tế ở đình làng thì tú tài tham dự được ngồi ngang hàng cùng chiếu với lý trưởng(4). Làng nào mà chưa có cử nhân, chỉ có tú tài thì khi cúng tế hàng năm ở làng được biếu thủ lợn.
Tú tài không có tiêu chuẩn bổ nhiệm làm quan theo quy định của triều đình như cử nhân, nhưng đôi khi cũng có vài trường hợp như vào các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức có một số lần tổ chức khảo hạch cho các tú tài từ bốn mươi tuổi trở lên, người nào văn bài được loại bình(5) trở lên thì được bổ chức Huấn đạo, Giáo thụ là những chức giáo quan phụ trách việc dạy học ở trường phủ, huyện. Và họ cũng chỉ lẹt đẹt ở chức “quan lạnh” cấp thấp đó rồi về hưu mà thôi, chứ khó mà có cơ hội nhảy sang chính giới để leo lên các chức quan cai trị (tri huyện, tri phủ, án sát, bố chánh, tuần phủ…). Vì vậy, nghề chính của tú tài vẫn là làm ông đồ gõ đầu trẻ hoặc nhờ vợ tần tảo làm lụng, buôn bán nuôi thân để chờ thi đỗ cử nhân ra làm quan, người nào thi hỏng mãi thì suốt đời phải chấp nhận làm thầy đồ ở thôn quê.
Tú tài không được phép thi Hội, tuy vậy cũng có vài trường hợp đặc biệt như người học trò đó học vấn xuất sắc song chẳng may đi thi chỉ đỗ tú tài thì quan Đốc học(5) đã từng trực tiếp giảng dạy, hiểu được sức học của người học trò này thì có thể làm giấy bảo lãnh với triều đình cho phép thi Hội. Trong lịch sử khoa cử triều Nguyễn có mấy trường hợp như Phạm Huy, Trần Quý Cáp, Võ Vỹ(6)… hoặc có vài lần thời vua Tự Đức cho mở các khoa thi ngoài thi Hội như Chế khoa cát sĩ (1851), Nhã sĩ  (1865) và cho phép tú tài cũng được dự thi, có một vài người xuất sắc đã vượt lên đỗ tiến sĩ.
Mặc dầu triều đình phong kiến đặt ra học vị sinh đồ (tú tài) với mục đích là để an ủi những người thi hỏng hương cống (cử nhân), khuyến khích họ cố gắng hơn trong lần thi sau, nhưng qua đó cũng bộc lộ những khiếm khuyết như:
  • Các tú tài suốt quảng đời trai trẻ chỉ mãi lo việc thi cử, không tham gia sản xuất nên xã hội mất đi một lực lượng lao động quan trọng. Đơn cử như triều Nguyễn tổ chức tất cả 47 khoa thi Hương (từ 1807 đến 1918), lấy tổng cộng đỗ 5397 cử nhân, như vậy số lượng tú tài phải gần gấp 3 lần cử nhân. Thời Lê thì số lượng sinh đồ còn hơn gấp nhiều lần thời Nguyễn.
  • Thiếu đi một khoản tiền vào ngân sách nhà nước vì tú tài được hoàn toàn miễn thuế suốt đời.
  • Tú tài ngoài việc thi cử và gõ đầu trẻ ra thì không có việc gì làm, trở thành lực lượng nhàn rỗi, thừa thãi ăn bám xã hội.
Nhà Nguyễn đã ý thức được điều đó và cũng có lúc tính chấn chỉnh lại. Năm 1876, vua Tự Đức đã bàn bạc với triều thần rằng trong các khoa thi Hương nên bỏ học vị tú tài, chỉ lấy cử nhân để bổ nhiệm ra làm quan, nhưng các quan tâu rằng từ trước đã có tiền lệ như vậy mà bây giờ bãi bỏ thì sẽ gây xáo trộn nhân tâm; cuối cùng nhà vua đành phải bỏ qua việc này. Và học vị tú tài vẫn tồn tại cho đến khi khoa cử chấm dứt với khoa thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ năm 1915 và Trung Kỳ năm 1918.

Sự xuất hiện “sinh đồ ba quan” và hệ luỵ của nó
          Thời phong kiến thịnh trị (nhà Trần ở thế kỷ 13,14, nhà Lê sơ ở thế kỷ 15), thì học vị sinh đồ chỉ là loại bằng cấp chỉ để an ủi những nho sinh thi chưa đỗ hương cống nhằm khuyến khích họ nỗ lực trong khoa thi sau, chứ nó không thể tác oai tác quái gì được cho xã hội. 
Chỉ từ thế kỷ XVIII ở Đàng Ngoài, chính quyền phong kiến Lê – Trịnh thối nát, tha hoá. Vua chúa, quan lại ăn chơi xa hoa phung phí, bóc lột nhân dân thậm tệ. Gặp năm xảy ra thiên tai, mất mùa thì đời sống nhân dân lao động càng thêm điêu đứng; cùng đường họ đã nổi dậy chống lại triều đình, tiêu biểu như các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất… Triều đình tổ chức đánh dẹp vất vả, phí tổn rất nhiều làm cho ngân khố cạn kiệt. Trước tình hình ngân sách ngày càng cạn kiệt đe doạ sự tồn vong của chế độ chuyên chế độc tài, chúa Trịnh vừa tăng thuế các loại, vừa nghe lời “tư vấn” của đám “quân sư quạt mo”  thực hiện biện pháp “chữa cháy” là bán bằng cấp để thu tiền. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép rằng: “Ở buổi đầu Trung hưng, số tiền do Sinh đồ nạp vào, đều phải chi dùng cho các Hiệu quan của huyện. Từ năm Bảo Thái, triều đình bắt đầu thi hành việc đánh thuế điệu, mọi khoản đều phải trông vào công quỹ, cho nên, tiến Minh Kinh cũng phải nạp cho quan sở tại , có thế mới đủ chi dùng cho việc tổ chức trường thi. Đến đây, vì việc đánh dẹp diễn ra triền miên, chi phí không biết bao nhiêu mà kể, của kho không đủ để chu cấp, cho nên (triều đình) hạ lệnh rằng, hễ năm nào có khoa thi Hương thì cho phép mọi người được nạp ba quan tiền để thay cho việc khảo hạch (ở huyện), rồi cũng cho được đi dự thi, và gọi đó là tiền Thông kinh. Lúc bấy giờ, có lẽ vì tránh phạm vào hiệu Minh Vương của chúa Trịnh Doanh nên mới đổi hai chữ Minh kinh ra thành Thông kinh như vậy”(7).
Trước đây theo thông lệ, trước khi có khoa thi Hương khoảng nửa năm, các huyện, phủ cho tổ chức kỳ thi khảo hạch để kiểm tra chất lượng thí sinh. Người nào làm bài đạt mới được phép dự thi Hương, người nào văn bài kém bị đánh hỏng thì không được dự thi. Mục đích của kỳ khảo hạch là để loại bớt những kẻ yếu kém. Vì ngày đó, học trò đi thi Hương mà văn bài không làm được, bỏ giấy trắng thì các quan huấn đạo, giáo thụ (các giáo quan dạy học ở trường phủ, huyện) sẽ bị cách chức, giáng chức hoặc phạt bổng (lương tháng)… và do vậy, các giáo quan ở địa phương có nhiệm vụ tổ chức kỳ khảo hạch không dám làm chiếu lệ, dễ dãi mà ngược lại phải khảo sát thật chất lượng, kỹ càng. Nhưng vào năm 1750, ngân sách nhà nước cạn kiệt, quyền thần Đỗ Thế Giai đã hiến kế cho chúa Trịnh là người nào nộp 3 quan tiền tiền cho nhà nước thì được phép đi thi, không phải qua sát hạch nữa. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép tiếp về thực trạng này: “Bởi lệ này, từ kẻ làm ruộng đến người buôn bán, thậm chí cả bọn đồ tể cũng hăng hái nộp tiền đi thi. Ngày thi, học trò giày xéo lên nhau, đến nỗi có kẻ phải chết. Trong trường thi, kẻ thì mang theo sách, kẻ thì mướn người làm bài, thả cửa mà tác oai tác quái, quan trường cũng là một lũ gian trá, trường thi chẳng khác gì chợ búa. Phép thi thối nát đến thế là cùng”(8).
Thi cử dễ dãi đã kích thích tính hiếu danh của những con người dốt nát. Thời chế độ phong kiến thịnh trị thì việc học hành, thi cử là lĩnh vực chỉ dành riêng cho những con người thông minh, có thực học và chốn trường thi là nơi để triều đình chọn lọc nhân tài ra giúp nước. Còn ở thời điểm chế độ phong kiến suy đồi thì chốn trường thi trở thành nơi mua bán bằng cấp như hàng thịt, hàng cá ngoài chợ, bất cứ kẻ nào có tiền cũng có thể mua được. Vào thời đó, những kẻ dốt nát nhưng có đôi chút của cải thì sau khi nộp ba quan tiền được vào thi Hương và tất nhiên bọn này lại tiếp tục lo lót, chạy chọt để kiếm mảnh bằng sinh đồ mà vênh vang với đời. Quan trường thì tha hồ ăn tiền bạc đút lót và chấm đỗ vô tội vạ. Qua mỗi khoa thi đã cho ra đời hàng nghìn ông sinh đồ dỏm mà dân gian chế giễu là “sinh đồ ba quan”. Nhà sử học Phan Huy Chú đã phê phán gay gắt tệ nạn này: “Hạng sinh đồ ba quan đầy cả thiên hạ. Người trên lấy tiền mà không ngại, kẻ dưới nộp tiền để được mưu đồ mà không thẹn, làm cho trường thi thành chỗ buôn bán(9).
Và trong đám người dốt nát đó, có một số kẻ không chỉ kiếm mảnh bằng sinh đồ để vênh vang chút hư danh với xóm làng, mà còn tính toán trục lợi bằng việc tiếp tục chi đậm hơn để kiếm mảnh bằng hương cống, vì có đỗ hương cống thì mới được bổ làm quan và có ra làm quan thì mới có điều kiện ăn hối lộ, tham nhũng để bù đắp chi phí chạy chọt bằng cấp trước đó. Quan trường đều rặt là “một lũ gian trá” nên việc mua chuộc có gì khó, chỉ có điều bằng cấp cao hơn thì “tiền cúng” phải nhiều hơn gấp bội lần. Và lũ người dốt nát nhưng hám danh, tham lợi đó đã không dừng lại ở cấp thi Hương, có một ít kẻ đã liều lĩnh chạy chọt ở cấp thi Hội. Và ở cái thời chính sự suy vi đó thì tất cả mọi thứ có thể mua được bằng tiền. Những khoa thi Hội, thi Đình là những bậc thi cấp quốc gia để tuyển chọn nhân tài thì đã lác đác xuất hiện những ông Nghè (Tiến sĩ) dỏm. Vì vậy, thời bấy giờ có câu ca trào phúng truyền tụng khắp kinh kỳ:
Triều đình ta có hai mươi bốn ông tiến sĩ
Có tám ông chân, tám ông nguỵ
Có tám ông nửa chân, nửa nguỵ(10).
Chân là những người có thực học, bằng cấp có giá trị thực sự; nguỵ là những kẻ dốt nát chạy chọt, là những ông “tiến sĩ giấy”. Loại tiến sĩ dỏm này giữ những trọng trách của triều đình thì đất nước đã đến hồi mạt vận.
          Ở thời Lê – Trịnh thế kỷ XVIII, đã ra đời loại sinh đồ ba quan, đó là sản phẩm giáo dục của chế độ độc tài chuyên chế ở giai đoạn suy đồi, thối nát. Và “sinh đồ ba quan” là thuật ngữ để chỉ chung loại dốt nát mua bằng, chứ thực tế thì chúng không dừng lại ở bằng sinh đồ mà còn chạy chọt ở bằng cấp cao hơn như hương cống, tiến sĩ. Loại người dốt nát có bằng cấp đó khi được bổ nhiệm quan chức thì chỉ lo đục khoét, vơ vét cho đầy túi tham. Hệ thống công quyền đầy rẫy những kẻ bất tài, vô đức như vậy thật là tai ách cho người dân lao động. Và ở những thời kỳ lịch sử về sau, trong một số giai đoạn suy vi, thối nát  của chế độ chính trị đã làm hư hỏng nền giáo dục, vì vậy đã cho ra đời hàng nghìn,vạn những “sinh đồ ba quan”  góp phần quan trọng cho việc làm nghèo đất nước, đẩy nhân dân lao dộng vào cảnh cơ cực, khốn cùng.

                                                                
Chú thích:
  1. Lễ gọi tên những người thi đỗ cử nhân. Ngày xướng danh, Hội đồng giám khảo ngồi ở ghế chéo, có lính hầu che lọng ở trước cổng trường thi để đón người thi đỗ, một viên thư lại có nhiệm vụ cầm sổ đọc tên người thi đỗ và một người lính cầm loa đứng trên chiếc thang cao có bốn chân, gọi thật to 3 lượt. Người đỗ khi nghe gọi đến tên thì vào cổng trường và được các quan trong Hội đồng giám khảo phát áo mũ trang phục cử nhân, sau đó tụ tập vào nhà thập đạo ngồi chờ quan đầu tỉnh và Hội đồng giám khảo đến thăm hỏi, hẹn ngày hôm sau dự yến tiệc.
  2. Đoàn Tử Quang quê huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông đi thi từ tuổi hai mươi cho đến 80, trải qua 20 khoa thi Hương nhưng chỉ có hai lần đỗ tú tài. Năm 1900, lúc đó ông đã 82 tuổi vẫn tiếp tục đi thi và đỗ cử nhân.
  3. Vũ Huy Dực, quê ở Bắc Ninh. Ông đi thi từ 20 tuổi đến 50 tuổi, trải qua 10 khoa thi Hương đều liên tiếp đỗ tú tài. Năm 1851, ông vào Huế thi Chế khoa cát sĩ và đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa).
  4. Triều đình phong kiến quy định những người có chân khoa bảng mà chưa ra làm quan thì ngang cấp với quan chức chính quyền: tú tài ngang lý trưởng (chủ tịch xã ngày nay), cử nhân ngang chánh tổng (tổng gồm nhiều xã, dưới cấp huyện), tiến sĩ ngang tri huyện (chủ tịch huyện).
  5. Thời phong kiến, thang điểm gồm có ưu, bình, thứ, liệt. Ưu là loại xuất sắc, bình là loại giỏi, thứ là loại thường, liệt là loại yếu kém. Đi thi bài làm được phê thứ trở lên là đỗ, phê liệt là văn bài yếu kém và bị đánh hỏng.
  6. Phạm Huy, quê Nghệ An, đỗ tú tài, được đặc cách thi Hội đỗ Hoàng giáp; Trần Quý Cáp, quê ở Quảng Nam, đỗ tú tài được dự thi hội đỗ tiến sĩ và Võ Vỹ cũng quê Quảng Nam, đỗ tú tài, thi hội đỗ Phó bảng.
  7. Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB Giáo Dục, 1998.
  8. Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd….
  9. Phan Huy Chú (Viện Sử học dịch), Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Giáo Dục, 2007.
  10. Nhiều tác giả, Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo Dục, 1976.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét