3 thg 2, 2013

Bông cỏ may (hồi ký của Võ kim Liên)


I. NHỚ :
Tôi đã trãi qua một tuổi thơ rất đẹp với nhiều kỷ niệm của thưở học 
trường Tiểu Học Bào Trai(Hậu Nghĩa) . Đó là năm học 1954 – 1955 và 1955 –
1956 , lúc ở tuổi choai choai 13 , 14 , 15 .
Hồi đó , mỗi tuần lễ
phải đi học 6 ngày . Các ngày thứ hai , thứ tư , thứ sáu là học nguyên 
ngày , còn những ngày còn lại , học một buổi . 
Những ngày học hai buổi , học sinh ở xa như chúng tôi phải đem “ mo
cơm ” theo
ăn trưa , ngay lớp học của mình , hoặc rủ nhau ăn chung từng nhóm , nơi
hành lang , hoặc dưới gốc cây điệp ở hai bên cổng trường .
Sau bữa cơm trưa lúc 10h , chúng tôi thường kéo xuống rừng chồi của 
suối Bào Trai(Hậu Nghĩa), tản mạn theo từng nhóm để cùng chơi những
trò chơi nhỏ đồng thời lùng sục , khám phá thiên nhiên vì buổi chiều 
vào học lúc 2h .Có nhóm đi hái những trái dại , tìm kiếm đủ loạitrái cây rừng
mà có thể học sinh bây giờ , không thể nào biết được . Chẳng hạn như trái nhãn
lồng , trái nhãn chài , trái bời lời , trái cò ke làm đạn bắn ống thụt ;
trái nhăn ngọt ngọt ; trái kim cang nhớt nhớt ; trái chùm gởi ; trái 
mây rắc ăn chát chát ; trái chùm mòi , trái dấm chua chua ; trái mua 
ngọt ngọt đầy kiến hôi ; trái đu đủ rừng , trái và lá có nhiều lông tơ 
trị ho ; nhất là trái cà na trong mùa mưa và trái trăm sau Tết . Nhóm nữ
sinh chúng tôi thường bẻ những hoa dại như hoa dù cồn đầu có một núm 
tròn , hoa cây nổ màu xanh , hoa bí bái màu trắng thơm thơm , hoa cắt 
lồi , hoa dây chiều , hoa cúc rừng , hoa trắng tím của dây chùm bao ( 
lạc tiên ) , hoa lẹo đỏ … 
Nhớ có bạn thường rút những tàu lá dứa
gai để thắt những chiếc chong chóng dứa , những trái banh dứa để đánh 
đũa , đôi dép dứa cả những sợi dây nịch dứa và chiếc kèn bằng dứa nữa .

Cũng có bạn đi tìm những tổ ong lá , mang về làm mồi đi câu cá rô . 
Hoặc có bạn cao hứng bứt những dây bòng bong hoặc những sợi tơ hồng để 
kết làm chiếc mão đội làm vua …
Chúng tôi cứ mãi miết chơi đùa 
trong khoảng rừng chồi đầy lùm bụi . Khi nghỉ mệt thì ngồi xúm xít dưới 
những tán cây cao hay những đám mặt cật . Thời gian như ngừng đọng , 
lặng im . Thỉnh thoảng có tiếng cất lên , gọi nhau ơi ới và nhiều lúc 
nói cười vang rân . Dòng suối Bào Trai hiền hòa, không sâu , nhiều chỗ 
có thể lội qua được . Tôi rất sợ lội qua suối vì ở dưới nước có rất 
nhiều đỉa . Muốn biết có đỉa không thì lấy cây khoắn xuống nước rồi chờ 
xem . Đỉa mén lội phăng phăng ngang dọc hàng chục con và có mấy con đỉa 
trâu , dài hơn gang tay , màu đen , có sọc vàng hai bên . Trông nó vẫy 
đuôi dợn sóng mà ớn lạnh xương sống …
Vậy mà cũng có một nhóm bạn 
trai tắm suối . Đứa thì biểu diễn “ thả ngữa ” , đứa thì “ lội ếch ” , 
đứa thì “ lội chó ” , đứa thì lội đứng , lội sải , lội đập , rồi bất 
chợt chia phe té nước vào nhau , nước văng tung tóe , hòa lẫn tiếng cười
sằng sặc ,bất kể câu nói cảnh giác của ai đó :
- Coi chừng đỉa chun lỗ tai ! .

Đến đây , tôi chợt nhớ đến một chuyện kể , cảnh giác về đỉa mà tôi được
nghe hồi đó . Và câu chuyện này , chính là lý do làm cho tôi sợ đỉa :

Xưa có một nàng dâu của một gia đình nghèo . Để “ làm dâu ” , mỗi ngày 
chị phải đi bắt cua , bắt cá làm nguồn thực phẩm cho gia đình . Chị nấu 
cơm , kho cá , luộc rau hoặc nấu canh , chiên cá đều tốt . Sau một thời 
gian , chị bỗng “ dở hơi ” , ngẩn ngẩn ngơ ngơ và nhất là lần nào nấu 
cơm cũng sống cả . Để ý , người mẹ chồng rình xem thì thấy khi cơm sôi ,
chị lấy nắp vung nồi cơm đặt trên đầu mình một cách liên tục , có vẻ 
thoải mái . Thấy vậy , người mẹ chồng bước ra , quát : 
- Mầy nấu cơm gì kỳ vậy ? . Hèn gì cơm sống ! .

Thuận tay , bà lấy chiếc đũa bếp , gõ nhẹ vào đầu nàng dâu . Nàng dâu 
chỉ kêu “ Á ! ” một tiếng rồi ngã người ra chết . Bà mẹ chồng hốt hoảng ,
nhìn xem thì thấy chỗ vết thương , tét sọ , đỉa bò ra lúc nhúc . Bà mới
hiểu là nàng dâu đã bị đỉa chun lỗ tai và đỉa đã sinh sôi nẩy nở trong 
đầu chị … 
Ghê quá ! .
Biết nhóm nữ chúng tôi sợ đỉa , còn có một vài bạn “ rắn mắt ” bắt đỉa
để nhát hoặc bắt đỉa “ lộn thinh ” trong
cành cây nhỏ rồi quăng đỉa về phía chúng tôi “ Đỉa đó ! ” . Để phản ứng
, chúng tôi hét lên “ Oái ! ” rồi xanh mặt chạy thật xa , không dám 
ngoái lại và để nghe một tràng cười dài đắc thắng phía sau lưng . 
Như vậy đó ! .
Những buổi đi chơi giữa giờ là như vậy đó ! . Những cuộc đi chơi rất 
vui , giúp chúng tôi gần gũi , thân thiết nhau . Thời gian như ngừng lại
, lặng im . Thỉnh thoảng chúng tôi cất tiếng gọi nhau ơi ới và nhiều 
tiếng nói cười vang rân . Chúng tôi không sợ trễ giờ vì có trống trường 
“ kêu gọi ” bằng một hồi dài , 3 tiếng . Chỉ cần chạy một mạch là về 
kịp lúc sắp hàng vào lớp . Thường thì chúng tôi thả lần về trước nhưng 
cũng có vài lần , đang mải mê vui chơi , bỗng nghe trống điểm , phải ù 
té , hào hễn chạy về trường , quăng bỏ hết dọc đường những “ chiến lợi 
phẩm ” của mình đã làm ra hoặc kiếm được, mệt muốn đứt hơi .
Những ngày học một buổi , chị Tám
thường huy động chúng tôi đi vào xóm chơi , thường thì về nhà chị ở Gò 
Cao , khoảng giữa hai làng Đức Lập – Tân Phú Thượng . Chúng tôi ham
vui và hiếu kỳ, trai có , gái có , ở chợ có , ở xóm có , khoảng hơn chục 
bạn , cùng đi theo chị . 
Có lúc đi ăn xoài chua , chấm mắm đường 
tán , đường tán gọt bằng một cái lưỡi hái , tham ăn xót ruột ; có lúc , 
rủ nhau đi ăn trăm , trăm sắn hoặc trăm móc để rồi môi và lưỡi đứa nào 
đứa nấy đều tím đen ; có khi đi ăn điều chín , ngọt ngọt , chát chát để rồi 
nướng mẻ hạt điều , xịt khói cháy đen , rồi đập vỏ lấy ruột ăn , béo lạ .
Có khi cùng đi hái trái cà na , trái nù mới chua , ăn với mắm ruốc , 
rất ngon . Còn lại , chừng một rổ cà na ăn không hết , đem ngâm muối với
cam thảo , khi đi học đem theo để “ nhấm nháp ” dần . Vui nhất 
là cảnh , một bạn trai “ leo cây hái trái ” , can đảm lắm , nhưng lúc bị
lũ kiến vàng tấn công thì phải lật đật tuột xuống gốc , nhăn nhó để các
bạn trai khác xúm nhau…phủi kiến . Và buồn cười nhất là bạn đó ba chân 
bốn cẳng chạy ra buồng tắm , chắc là có mấy con kiến vàng cắn vào…chỗ 
nhược !!! .
Có bận , để tổ chức bữa trưa , chị Tám đảm đang , phân
công người nào việc nấy rất hợp lý . Nam đi hái rau : rau muống , rau 
nhút , rau dừa dưới ao hoặc nhổ rau chốc , lá hẹ , rau bợ ngoài ruộng , 
bẻ đậu rồng , mồng tơi ngoài rào và câu cá . Nữ thì làm nước mắm tỏi ớt ,
lấy nước mắm trong một cái “ tĩnh=(chĩnh=chình=bình nhỏ,miệng 
tóp lại) ” bằng đất nung , trộn đường vào tô tương hột , chế biến món
mắm chua do chị làm và nấu canh .
Nhiều bữa cơm tại nhà bè bạn hoặc nhà chị , thường đơn sơ đạm bạc
nhưng sao mà ngon miệng lạ lùng . 

Nhớ có bận , chị Tám , các bạn và tôi , về quê ngoại tôi ở Lục Viên , 
đi bẻ mây rắc và đi hái gùi ăn . Gùi , dây to , ngồi lên như đưa võng . 
Những trái gùi dễ hái , người ta đã hái hết , chỉ còn một ít ở tít trên 
cao . Thế là không hái được gùi , chỉ bẻ được hai quài mây rắc chín và 
một rổ quài mây rắc còn xanh . . Chị Tám đâm giập “ mây xanh ” , trộn 
nước mắm , đường , bột ngọt , làm cả một thau tráng men ( Nam Vang ) mà 
ăn chưa đủ sức .
Cũng có bận , tất cả đi nhổ nấm tràm ở vạt tràm cháy của Nội tôi tận Đức Ngãi .
Rất hên ! . Được rất nhiều nấm tràm , dồn đi dồn lại đầy 4 chiếc nón lá .
Trừ một số đem về nhà , còn lại nấu được một nồi cháo nấm tràm to . 
Nấm đen đen , vị đắng đắng ,chị Tám đon đả :
- Ăn đi các bạn , mát lắm , học bài mau thuộc ! 

Thế là một nồi cháo to ,một thoáng hết sạch . Chị Tám rất dễ thương qua
nụ cười và giọng nói hiền lành. Chị quả là một “ đầu đàn ” hay “ đầu 
đảng ” của bọn tôi thưở ấy . 
Nhà tôi ở , ngay ngã tư Đức Lập . 
Mỗi ngày tôi thường đi bộ theo đường tắt để đến trường . Bộ ba “ tam 
sênh ” của chúng tôi gồm chị Tám , Thoa và tôi . Có bạn hỏi chúng tôi 
đi học bằng gì , tôi đáp vui là đi bằng xe “ lô ca chưn ” .
Lộ trình đi từ Đức Lập đến nhà chị Tám ( Gò Cao ) hơn 1km đường đá lởm 
chởm . Tiếp tục đi khoảng 1km đường đá đó ( TL 8 ) mới đến đường tắt . 
Đường tắt nầy gần 1,5km , đi dọc bờ suối Bào Trai , cập theo vuông rào 
lớn của ông Bộ Tao , đi qua một vạt đất trồng đậu phộng , băng qua một 
mương nước cập lộ , qua cống suối Bào Trai là đến trường . Đi bộ tổng 
cộng 3,5km .
Có lần tôi thử tính đường đi học của mình : 
- Đường đi học và về mỗi ngày 2 lượt là : 3,5km x 2 = 7km .
- Đường đi học và về trong 1 tuần , 6 buổi là : 7km x 6 = 42km . 
- Đường đi học và về trong 1 năm , 32 tuần là : 43km x 32 = 1.344km .
- Đáp số : Trong một năm học , một nữ sinh tên Võ Kim Ngân đi được 1.344km . 

Thật là một thành tích khá lớn ! . Đường đi học trong một năm của tôi 
dài xấp xỉ bằng đường dài từ Sài Gòn đến Hà Nội , mặc dù , bấy giờ tôi 
chỉ biết Sài Gòn , Hà Nội , và cả cố đô Huế , qua quyển sách Địa dư . 
Tôi đi bộ như vậy chẳng nhằm nhò gì , khi so với phần lớn các bạn ở vùng
trên: Tân Mỹ , Gò Sao , Rừng Muỗi … đường xa gấp đội , gấp ba lần hơn 
tôi , mà vẫn … lon ton … cuốc bộ .
Nhớ có lần , sau khi cô Thu dạy thêu “ mũi xương cá ”
trong giờ nữ công , Thoa và tôi , vừa may xong áo bà ba trắng mới , 
chúng tôi tự thêu vào bâu áo , vạt áo của mình bằng chỉ thêu xương cá 
màu đỏ , rất dễ thương . Có một bạn nam lớp A nào , để ý , gọi hai chúng
tôi là “ hai nàng tiên cá ”. Một cái tên rất ngộ nghĩnh , hay hay . 
Cũng như có một số bạn nam lớp A gọi bộ ba chúng tôi ( Thoa, Tám và tôi )
là “ Ba người đẹp Mây Tàu ". Mỹ danh đó rất đúng với hai bạn kia ,
nhưng với tôi thì không đúng . Tôi được Thầy và các bạn khen là dễ thương mà thôi . 

Tuổi học trò , thú vị nhất là những ngày được nghỉ học để tùy tiện đi 
chơi . . Nhưng vui nhất là lễ Tết Âm Lịch khoảng hai tuần , có đoàn hát 
bộ đến hát . Chúng tôi có dịp đi xem những trò vui dân gian công cộng 
quê nhà . Nào là hai ba sòng “ bầu cua cá cọp ” , sòng đánh bong vụ , 
sòng đánh bài cào , bài cách tê , xì phé hoặc bài tam cúc . Sôi nổi nhứt là 
“ trường đá gà nòi ” … Có lần , Triều, chị Tám , Ngọc và tôi cùng đi
xem hát một lần cho biết “ hát bộ ” , rất đông người xem , rạp
rất nóng nực và chúng tôi chưa hiểu nhiều về nghệ thuật của “ hát bộ ” .

Xem hát xong , chúng tôi dạo quanh những hàng quán lèo tèo trước rạp 
hát . Đó là những lán che tạm bằng cột tre , kèo tre , mái lán là những 
tấm liếp xắt thuốc . Nào là gian hàng dưa hấu , với một đống dưa cao , 
từ Tây Ninh chở về , quầy hàng nước mía , ép bằng hai trục lăn nhôm , 
quầy nước giải khát là bán nhân sâm , “ sưng sáo ” , đười ươi
, hột é , đá đậu , bánh lọt . Nước chai là xá xị con nai , Limonade , 
nước bạc hà , bia con cọp Larue cho người lớn . Hàng ăn thì có cháo lòng
heo , bì bún chả giò , hột vịt lộn , và có quán nhậu đặc sản bán rượu 
“ Đà quốc tửu ” ký hiệu NN ( * ), có rất nhiều bác nông dân đến uống .
Cuối cùng , chúng tôi nhấm nháp mấy gói đậu phộng rang ,
giải khát bằng nước mía và chia tay ra về .
Hãy quay lại với con đường đi học của tôi .
Cây cỏ maythường mọc trên gò , trên lề đường đá , trên bờ ruộng ,
nơi nghĩa địa và bạt ngàn trên các lối mòn , con đường tôi đi học .
Cây cỏ may cũng 
như những loại cỏ khác nhưng khác nhất là mỗi bụi có một cọng cỏ ngồng 
cao , ngồng cỏ thân tròn , cao khoảng 1,5 đến 2 gang tay . Trên đọt 
ngồng cỏ đó , có đính một chùm bông cỏ may , còn non màu tím , trưởng 
thành đổi màu trắng , có một cái đuôi dài khoảng 2 – 3mm rất dẽo . Khi 
ấy , nó sẵn sàng “ may ” một cách nhiệt tình vào những ống quần dài nào 
lướt ngang qua nó . Bông cỏ may “ may ” vào quần dài , 5 , 10 bông thì 
không sao . Nhiều hơn , dày đặc hơn là vô cùng khó chịu vì những cái 
đuôi của nó “ may ” tiếp vào ống chân , rất ngứa và rất xót chân .
Vì vậy , tôi rất ghét bông cỏ may vàluôn luôn đi né tránh những bụi cỏ may
trên đường đi . Vậy mà ngày nào cũng như ngày nấy , tôi thường bị những 
bông cỏ may “ quá giang ” trên ống quần tôi , mỗi lượt đi về .
Có lúc , không còn đủ thì giờ nhổ bỏ từng bông , tôi phải dùng bề sống của 
con dao mỏng loại trừ nó cho nhanh.
.
Lâu dần rồi cũng quen . Tôi xem những bông cỏ may như những 
người bạn bé tí xíu, như những người bạn đồng hành , hiếu học , dễ thương , 
cùng theo tôi trên những lối đi về hay hơn nữa , như những nỗi buồn của
tuổi thơ .
Bông cỏ may , bông cỏ may ơi ! 
Duyên đâu mà dệt bước chân tôi ? 
Mỗi bông kết một niềm vui nhỏ ? 
Hay mối sầu , vương vấn , cuộc đời ? 
(ảnh từ yume.com).
Bài nầy trích từ blogngantrieu.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét