“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
***
Một số sai lầm khi dùng từ Hán-Việt
Sai lầm vì dùng từ Hán và Nôm trùng hợp
Không nói “khả dĩ có thể” nên nói “có thể” hoặc “khả dĩ”.
(Lưu Khôn)
Chuyện chính tả
Một số từ có nhiều cách viết. Từ điển Hoàng Phê ghi cả hai hình thức: giậm / dậm (chân), (cái) giậm / dậm, giũa / dũa; v…v…
Hay ghi cả hai được coi là chuẩn hơn hoặc phổ biến hơn: giông x. dông (tố), giẫy x. giãy, (chim) dang x. giang, (cây) dang x. giang, (rau) giền x. dền, (cá) giếc x. diếc, v…v…
Dẫu sao, trong trường hợp này, người viết có quyền chọn một trong hai hình thức, mà không bị xem là sai chính tả.
(Hoàng Dũng)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Có công mài sắt có ngày mang về
Tướng mặt
Khuôn mặt chữ Giáp (甲) :
Chữ Giáp ngược với chữ Do nên khuôn mặt này sẽ có trán nở cằm nhọn, bộ mặt hình tam giác lật ngược. phần lớn những người có khuôn mặt này đều không đủ tài lộ. Cuộc đời không tránh khỏi cảnh tiền phú hậu bần. Cuộc sống vất vả, phá tài, vợ con có thể chia lìa.
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Những người tai ngửa ra sau
Tướng hèn mà lại cứng đầu, chậm nghe
Câu đối
Nhân nói đến xóm chị em, chúng tôi nhớ đến bạn Hoàng Tích Chu, chủ báo Đông Tây, vốn không biết nghe hát và đánh trống nhưng hay lui tới nơi đây, chỉ vì quen thân với bà Đốc là chủ cô đào, cũng là người không từng biết xử dụng đến sênh phách.
Có người đặt chuyện diễu: họ Hoàng giơ roi chầu vừa đánh bốn tiếng trống dạo ý nói
Đông Tây ! Đông Tây !
Bà Đốc gõ dịp phách nghe lát chát như đối lại :
Vắng Khách ! Vắng Khách !
Câu đối dí dỏm khách là khách hàng hay chú khách đối với tây là phương tây mà cũng là người Pháp; đông là phương đông, dùng nghĩa đông là đông đảo để đối lại bằng chữ vắng, thật là hay.
(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ ngó, lắc đầu không ăn
Nhất Linh và Văn Hóa Ngày Nay
Ta hãy thử xem trong VHNN số đầu tiên đã chứa đựng những gì?
Điểm sơ qua thì thấy Nhất Linh dành tới 6 trang để trả lời thư độc giả xa gần ở nhiều tỉnh từ Huế vào Sài Gòn, từ Biên Hòa, Vũng Tầu xuống Mỹ Tho, Trà Vinh... Báo chưa phát hành mà đã có nhiều độc giả gửi thư về tòa soạn đến thế. Họ có thể là những độc giả tò mò hay hối hả gửi thư chất vấn ông ngay cả khi tờ báo chưa ra số đầu chăng ? Ngoài phần trả lời thư độc giả, Nhất Linh còn viết 4 bài khác, trong đó có 2 sáng tác gồm truyện ngắn Bắn vịt trời và truyện dài Xóm Cầu Mới, cộng 1 bài nghị luận “Văn Hóa Ngày Nay với Văn Hóa Việt Nam” như đã nhắc ở trên và thêm một bài khởi sự cho tập biên khảo “Viết và đọc Tiểu Thuyết”.
Nhà giáo Nguyễn Thành Vinh, một đồng chí của Nhất Linh trong lãnh vực chính trị, viết 1 bài bình luận nêu cao chủ trương “Văn chương phải có giá trị vượt thời gian và không gian”, Trương Bảo Sơn dịch Một Bản Đàn của Leon Tolstoї, Nguyễn thị Vinh có truyện dài Cô Mai, Duy Lam, một cây viết mới có tới 4 bài, và Tường Hùng cũng là một cây viết mới có 2 bài là loại văn vui. Sau là những truyện ngắn của các tác giả, cả mới lẫn cũ như Khái Hưng, Đỗ Đức Thu, Bình Nguyên Lộc, Linh Bảo, Quỳ Hương.
Một nội dung như thế, có thể gây đôi chút cảm giác ngỡ ngàng cho người đọc sau những ngày chờ đợi. Gọi là ngỡ ngàng vì Giai phẩm VHNN hầu như không đáp ứng được nhu cầu đọc sách của độc giả lúc đương thời. Hàng triệu con người vừa di cư vào Nam, trước cuộc sống mới vô vàn khó khăn, bỡ ngỡ, với biết bao nhiêu nhu cầu đặt ra trước mắt và biết bao nhiêu vấn đề phải đối phó, tất nhiên nội tâm của họ phải sôi động, tâm tình phải gắn bó với cuộc sống đang dồn dập thay đổi xẩy ra từng ngày, từng giờ ở chung quanh. Sống trong một hiện trạng xã hội như thế, hẳn độc giả rất muốn được nghe tiếng lòng của Ông, hoặc nghe ông kể về những kinh nghiệm dầy dạn trong sinh hoạt cả về văn chương lẫn chính trị khi họ tuyên xưng. Ông vừa là một văn gia, lại cũng vừa là một chính trị gia lão thành.
Vậy mà trong những trang sáng tác mới, những nhân vật vượt không gian và thời gian của ông như Cô Mùi, như Bà mẹ Lê..v..v.. tuy vẫn là những hình tượng vĩnh cửu, nhưng lại thiếu ngọn lửa hừng hực của cuộc sống đương thời và đó không phải là những nhu cầu mà người đọc đã nôn nóng chờ đợi như khi vừa nghe tin “nhà văn Nhất Linh xuống núi, ra báo trở lại”.
(Nhật Tiến)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“xỉa: xưng xỉa. → không viết: sỉa”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết chuẩn là “sưng sỉa”: “sưng” = phồng, phù da thịt lên (sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên (mặt sưng mày sỉa).
(Hòang Tuấn Công)
Tchya Đái Đức Tuấn
Khi thế chiến thứ Hai bùng nổ, ách quân phiệt Phù tang chồng thêm vào ách thực dân làm khổ dân ta, anh đột ngột xin nghỉ việc ở nha Học chính nói với tôi:
- Tây sắp thua rồi, ở lại làm gì.
Thế rồi một hôm anh lặng lẽ đem vợ và con nuôi về quê ở vùng Vệ Sơn, dấu hết mọi người, ngay bà mẹ và chị em ở Thanh cũng không ai biết. Anh chọn một ngọn đồi thấp ở xã Vệ Vĩ, bên những ruộng muối trắng xóa gần bờ biển thuộc phủ Quảng Xương, cách Thanh Hóa chừng mười cây số. Ở đây anh lập một cái am gọi là Mai Nguyệt mái tranh vách đất, ba phòng thông nhau bằng cửa tò vò, có mành trúc thưa. Đứa con nuôi, anh bất giả làm câm, mỗi khi có ai hỏi thăm thì nhất định phải ngậm miệng và viết ra giấy trả lời: câu đầu bằng chữ Hán "Đáo am vấn sư phụ", câu sau tiếng Pháp "Allez vous renseigner auprès du Maitre", sau rốt bằng quốc ngữ "Ông đến am yết kiến sư phụ."
Anh lại có một đồ đệ lực lưỡng, vốn là một tên trộm cướp, từ ngày gặp anh, tình nguyện hoàn lương. TchyA nhất quyết dùng am này là nơi "cai" thuốc phiện. Sáng ngồi "tham thiền", chiều tập thể dục. Cứ như thế suốt trong sáu tháng, anh khôi phục được sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác. Hình dung biến đổi: mái tóc dài chùm cổ, râu ba chòm lê thê! Thử về Thanh chơi, thấy không ai nhận ra mình, nảy ý kiến làm đạo sĩ, nhân thấy đồ đệ từng cầm đầu nhiều vụ cướp bèn gọi đến để học võ. Gần gũi ít lâu, thày võ theo đạo sĩ đi quyền tiền nhà giàu đem phát chẩn giữa nơi dân nghèo.
Cạnh am có ngôi chùa cổ bỏ hoang, đạo sĩ dùng làm nơi thuyết pháp: vì tiểu đồng xử dụng ba thứ chữ nên tiếng đồn đạo sĩ là bậc thông thái, có những ông nho sĩ tìm đến hỏi han thì anh mời sang bên chùa và thao thao bất tuyệt giảng triết lý Tây phương.
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Nhớ nơi kỳ ngộ)
Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả
“xon: nốt xon trong bản nhạc”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Chỉ có một dạng chính tả chuẩn duy nhất là “nốt son”. “Son” là từ gốc Pháp, tên nốt nhạc thứ năm trong gam nhạc, kí hiệu là G”
(Hòang Tuấn Công)
Gặp gỡ nhà văn miền Bắc
Tôi hỏi Huy Cận là ông có biết bài thơ "Ngậm ngùi" của ông đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và bản nhạc này rất thịnh hành ở miền Nam đến độ với bài "Ngậm ngùi" người nhạc sĩ Phạm Duy đã làm mờ nhà thơ Huy Cận. Ông không trả lời vào câu hỏi nhưng ông nói: "Bài thơ ‘Ngậm ngùi’ có tư tưởng mới lắm nghe! Sáu bẩy mươi năm trước mà tôi đã viết câu “anh hầu (chứ không phải em hầu) quạt đây!’. Mới lắm nghe!".
Tôi nhìn đồng hồ thấy đã nói chuyện với ông gần một tiếng. Trước khi đứng dậy cáo từ, tôi nhìn thẳng vào mắt Huy Cận, tâm tình: "Này chú, cháu có thắc mắc này, và cháu nghĩ biết đâu cũng có những người khác có cùng thắc mắc như cháu, đó là một người, một nghệ sĩ đã từng sáng tác được những câu thơ như chú trong cái thời 1930 ấy, những vần thơ lãng mạn trác tuyệt như thế đến như bố cháu cũng phải cảm mà lấy tên Bèo giạt đặt cho một tác phẩm để đời của mình, một người có cái tâm hồn ấy không thể nào là bản chất của một người cộng sản được."
Huy Cận ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời:
"Hỏi thật cháu chứ câu này có phải của Nhất Linh nói không?"
Khi tôi nói là không phải và tôi cũng không biết bố tôi có cái thắc mắc như tôi hay không, thì ông không trả lời, chỉ nói nhẹ nhàng: "Cháu nghĩ là người cộng sản không có tâm hồn sao?" rồi ông nói lảng sang một câu chuyện khác.
Huy Cận tiễn tôi ra cửa. Bàn tay ông run rẩy tra khóa vào ổ khoá chiếc cửa sắt. Chúng tôi ra ngoài hè đường. Chiếc xe taxi đã đậu chờ sẵn dưới bóng một cây sấu. Ông ngoắc tôi đi theo ông đến một hiệu photocopy ở cách mươi nhà. Ông làm mấy phóng ảnh đưa tôi. Đó là bốn bức ảnh chụp Khái Hưng, Nhất Linh, Xuân Diệu, Thế Lữ với lời đề tặng Huy Cận của từng người một từ hơn 60 năm trước. Rồi ông và tôi bước trở lại chỗ chiếc taxi đậu.
Giây phút trước khi tôi lên xe, Huy Cận quàng tay qua người tôi. Tôi cảm thấy bàn tay ông nặng xuống bả vai. Qua giọng nói của ông và qua bàn tay ông truyền vào người tôi, tôi cảm nhận được cái xúc động của ông già 82 tuổi đó, cái xúc động nó rõ ràng là mạnh mẽ hơn một sự ngậm ngùi:
"Việc gì anh ấy phải chết. Việc gì bố cháu phải chết..."
(Cây bàng lá đỏ - Nguyễn Tường Thiết)
Gặp gỡ người làm văn học miền Bắc
Thuy .Khuê.: Xin hỏi anh về tình hình trước năm 1975, ở Hà Nội thời ấy đã có ai đọc một vài tác phẩm của Văn học miền Nam hay không, và nếu có, chuyện đó đã xẩy ra như thế nào?
Vương Trí Nhàn .: Văn học miền Nam hồi đó về Hà Nội ít ỏi lắm, gần như của cấm, muốn đọc phải mò mẫm đi tìm; tìm thấy rồi, đọc thấy hay rồi, muốn kêu lên với mọi người cũng phải tự nén lại. Song, một cách tự nhiên, một số chúng tôi biết rằng có nó, đinh ninh tin rằng một người muốn làm văn học một cách đứng đắn phải tìm tới nó -- các nhà văn từ Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu... hay lớp trẻ bọn tôi như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Trúc Thông hay một số bạn khác đã nghĩ như vậy.
Một cách lặng lẽ, chúng tôi đã liên tục tìm kiếm sách báo, không bỏ qua một trường hợp nào mà không tìm kiếm. Có thể là chẳng ai hiểu văn học miền Nam cho đến đầu đến đũa, có thể sự hiểu chỉ loanh quanh ở những mảnh vụn, nhưng làm sao khác được, vừa đọc vừa đoán thêm tưởng tượng thêm. Và đã có một sự chia sẻ thậm chí như là giữa hai bên hình như vẫn có một cuộc đối thoại ngầm nữa. Vả chăng cái sự xa lạ là mãi về sau này mớí xuất hiện chứ ban đầu chính thức đâu có phải vậy.
Về sau này, từ những năm cuối chiến tranh và nhất là ngay sau 1975, nhìn trên bề mặt dễ có cảm tưởng là cả giới viết văn Hà Nội đều nem nép đi theo quan niệm chính thống chỉ đạo. Tức coi văn chương miền Nam là bỏ đi, những người viết văn ở Sàigòn trước kia toàn kẻ thù cả. Thực tế không phải thế. Nói người ta cứ nói, mà đọc người ta cứ đọc. Gần đây có nguội đi -- có nhiều lý do: bận bịu nhiều chuyện kiếm sống khác. Nhưng nguội đi không có nghĩa là thôi hẳn. Mà trong chừng mực nào đó là đi vào bề sâu.
Càng ngày tôi càng nghe được nhiều ý kiến nói rằng đánh giá thế nào thì đánh giá, có thể phê phán, có thể nhận xét này kia, nhưng phải công nhận rằng văn học miền Nam là một bộ phận của văn học Việt Nam thế kỷ XX, ở đó có rất nhiều vấn đề, nhiều đóng góp và phải có nó nữa thì văn học Việt Nam mới là chính mình. Vậy phải nghiên cứu tìm hiểu hệ thống hóa lại, phải in lại. Thời gian tới, tuy rằng đi vào cụ thể cũng có rất nhiều khó khăn song việc này phải được triển khai một cách bài bản thì mới hiệu quả được.
(Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn * – Thụy Khuê)
(*) Vương Trí Nhàn là một nhà nghiên cứu văn hóa, văn học và là nhà phê bình văn học. Ông sinh ngày 15-11-1942 tại Hà Nội. Quê quán xã Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm, nhiệm vụ chính là dạy học và về sau làm báo.
Tác phẩm:
Sổ tay truyện ngắn (sưu tầm, biên soạn, dịch,1980)
Bước đầu đến với văn học (tiểu luận phê bình, 1986)
Gặp gỡ người viết trẻ “ngụ cư” ở hải ngọai
Trên cái căn bản văn học miền Nam mà tôi đã lớn lên, tôi đã có thể cảm thương với những mất mát của người anh em phía Bắc, tôi chấp nhận những khác biệt của văn hóa của con người, và tôi biết đợi chờ biết thành thực để trả lời cho mình những thắc mắc. Giả mà chúng ta kẻ Nam người Bắc đã có thể cùng đọc những gì đã được viết ra trong 20 năm văn học miền Nam, nếu không tiếp nhận được cái nhân bản trong nền văn học ấy, tối thiểu chúng ta vẫn có thể có cùng niềm yêu mến Quốc Văn Giáo Khoa Thư như người xưa, chúng ta đã có chung một ngôn ngữ để bàn trên một tác phẩm. Nghĩ thêm, tôi tin rằng ngôn ngữ, của thời đã qua, chính là điều nối chúng ta lại, giúp chúng ta hiểu nhau hơn. Thời đại đổi thay ngôn ngữ đổi thay, chúng ta đã có thể cùng nhau đổi thay, không như bây giờ cùng nói tiếng Việt mà mỗi nơi mỗi khác, chúng ta không hiểu nhau và cũng chẳng chấp nhận nhau.
Khi trong với ngoài cùng lúc nêu vấn đề 20 năm Văn Học Miền Nam, phải chăng chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy nhau? Đã đủ dài chưa những tháng ngày vùi dập lấp che, mắt liếc mắt nhìn mà chẳng dám nhận nhau? Trong khi đất nước đối mặt cùng hiểm họa xâm lăng thì một hố chia rẽ dù nhỏ cũng mang lại tổn thất bội phần, làm vấy một nền văn học sau khi nó đã từng bị dập vùi e không còn lối quay lui.
Văn Học Miền Nam, trước hết, là văn học của Việt Nam Cộng Hòa, một thực thể toàn vẹn, không có tạm chiếm hay đô thị núi rừng gì cả, và nó đã qua, đã chấm dứt sau cuộc chiến 20 năm. Nền văn học đó đã có dẫu công nhận hay không, với những thành tựu và giới hạn của riêng nó. Nhắc lại quá khứ là để thấy ta thấy người, để có thể cảm hòa. Nếu ngoài này nêu vấn đề 20 năm Văn Học Miền Nam chỉ để quanh quẩn tung hô người muôn năm cũ, hay làm sống lại một thời đã qua, thì chỉ là mở đường cho chuyện chối bỏ nhau thêm. Nếu bên trong cho là cứu vớt, đó có thể là ném bùn vào mặt người anh em mà mình mong bắt tay nối nhịp cảm thông. Nói là hội luận tìm hiểu, nói là bảo tồn phát triển, nói là gì đi nữa, chúng ta nên chính danh và thành thực hỏi lòng, mình làm điều đó cho ai và mong muốn điều gì.
(Văn học miền Nam, điều sót lại – Lưu Na)
(*) Lưu Na gốc người miền Bắc, sinh ở trong Nam khỏang năm 1954, học Gia Long. Đang học dở dang Đại học Kinh tế (hai năm) thì vượt biên qua Mỹ năm 1981, “ngụ cư” tại California, tốt nghiệp ngành thông tin (?).Theo tác giả “góp chữ với đời là chuyện tình cờ, và cũmg là viết riêng cho mình” qua tác phẩm:
Lênh Đênh (Tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu 2016)
Gập Ghềnh (Tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu 2017)
Gặp gỡ người làm văn học miền Nam
Những phê phán, có thể có những chủ đích chính trị:
Cố tình nêu sai danh tính các nhà văn VNCH:
Ngoại trừ trong một số trích (nguyên) văn, toàn bộ sách của Nguyễn Q. Thắng không nêu đích danh các nhà văn qua các bút hiệu đã dùng, đã quen với người đọc và đã đi vào văn học sử như Mai Thảo, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, mà lại dùng tên thật (tên khai sanh) của họ để làm tiêu đề cũng như đánh giá. Mai Thảo trở thành Nguyễn Đăng Sinh (tập 3, tr. 1233, trong khi tên thực thật của Mai Thảo là Nguyễn Ðăng Quý) với chú thích rằng phần này được làm để thông tin về sinh hoạt báo chí và thơ tự do. Nhã Ca lúc được gọi là Thu Vân, lúc lại là Trần Thị Thu Vân. Võ Phiến thành Đoàn Thế Nhơn, Trùng Dương có lúc là Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, v…v…
Nhà văn học sử khi viết về các tác giả văn học đều phải ghi bút hiệu là chính, chỉ ở những phần tiểu sử mới nhắc đến tên thật, hoặc giả tác giả đó dùng tên thật để sinh hoạt văn học nghệ thuật thì mới ghi tên thật: Giáo sư Nguyễn Văn Trung có các bút hiệu Hoàng Thái Linh, Phan Mai, nhưng các bút hiệu này chỉ được sử dụng hạn chế và khi xuất bản tác phẩm, tên thật của ông được ghi thì nhà viết văn học đương nhiên phải dùng tên thật của ông.
Nguyên Sa ngược lại là một nhà thơ khi ký Nguyên Sa, và khi viết sách giáo khoa triết học (Descartes nhìn từ phương Đông, Luận lý học, Luận Triết học, v.v…) thì ký Trần Bích Lan, do đó khi viết về nhà thơ Nguyên Sa, người ta có thể nói đến những sách giáo khoa mà ông là tác giả, dĩ nhiên là không thể ngược lại, viết về ”nhà thơ Trần Bích Lan” vì không hề có nhà thơ Trần Bích Lan dù Nguyên Sa và Trần Bích Lan là một người. Cũng vì nghe đâu nên mới viết về nhà văn “Hồ Trường An, dược sĩ, nhà văn”.
(Văn học miền Nam qua “Văn học sử” – Nguyễn Vy Khanh)
Một phần tuổi thơ...
Qua mùa đá cá lia thia. Khi trời bắt đầu lất phất những giọt mưa đầu mùa. Trong cái nắng hầm hập vào hạ cây phượng già trong sân trường bắt đầu mọc lá non, hoa phượng trổ lác đác trên cành thì đám nhỏ bắt đầu chuyển sang chơi trò đá dế. Trước buổi học hay vào giờ tan học. Xen lẫn với những người bán quà vặt, cóc ổi, cà rem trước cổng trường là những người bán dế. Dế thường được phân ra thành hai loại dế lửa và dế than.

Dế được đựng trong một cái thùng gỗ nhẹ bằng cây thông làm khung và hai phía được bọc bằng loại lưới kẻm nhuyễn 1-2 ly mà dân Saigon gọi là mành mành. Người bán phân ra thành nhiều ngăn theo kiểu lớn nhỏ, lớn bán giá cao hơn nhỏ. Đám tụi tôi cứ chăm chú nhìn vào thùng, hể thích con nào thì chỉ cho họ bắt bỏ vào một hộc tròn bằng giấy tập cũ học trò, được vấn tròn bằng ngón tay cái xếp túm lại hai đầu. Chớ dế hay hoặc dở thì chỉ có trời biết.
Dế xịn nhất là những con dế to lớn, mà người bán đựng trong cái vỏ hộp quẹt diêm. Tụi tôi gọi là dế hộp quẹt, chỉ tụi con nhà giàu, khá giả mới có tiền mua chơi, trước cặp mắt thèm thuồng ngưỡng mộ của đám trò nghèo chớ không hề biết ganh ghét vì thân phận .
(Trần Ngọc Hiếu)
Gậy gộc
Người ta nói ‘gậy gộc’, ‘gậy’ thì hiểu rồi, còn ‘gộc’?
‘Gộc’ là từ mà hiện nay đã không còn nghĩa độc lập. Tiếng Hán, ‘gộc’ là chữ này [㭲]. Sách ‘Đại Nam quốc âm tự vị’ của Huỳnh Tịnh Của giảng: ‘Gộc’ là ‘cây củi có khúc đẩn (?) mà lớn’ và cho ví dụ ‘ông gộc’ là người già cả hơn hết hoặc làm lớn hơn hết trong một xứ. Có tài liệu giảng ‘gộc’ là ‘đoạn gốc của cây tre, cây vầu’ hay có nghĩa là ‘to lớn’. Theo đó, gậy gộc nghĩa là cây gậy lớn.
Gặp gỡ nhà văn miền Nam
TNT: Người thi sĩ/văn sĩ Việt kiều mà ông thân nhất đã nói cho ông nghe điều gì về thơ/văn hải ngoại và thế giới? Những quan điểm nào ông đồng tình và không đồng tình? Ông nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại Tân cổ điển…
Nguyễn Trọng Tạo : Tôi thích quan điểm của Khánh Trường khi lấy chữ Hợp Lưu đặt tên cho tờ tạp chí văn chương ra đời ở Mỹ. Anh muốn họp mặt các dòng chảy của văn học Việt dù trong nước hay ngoài nước dù trường phái này hay trường phái nọ. Tất nhiên là trên một bình diện văn hoá nhất định. Có lúc tôi đã nói với anh rằng nhiệm vụ của chúng ta sau cuộc chiến là hàn gắn vết thương vĩ tuyến 17 chứ không phải là khoét sâu thêm thù hận. Đó cũng là nhiệm vụ nhân văn cao cả của văn chương.
Bạn cũng nên hiểu rằng trong cuộc chiến tôi và Khánh Trường cầm súng ở hai chiến tuyến cùng thế hệ cùng tuổi cùng đeo đuổi văn nghiệp. Vì thế tôi đọc hầu hết những tờ Hợp Lưu may mắn có được bằng nhiều con đường khác nhau.
Tôi cũng đọc Talawas Tiền Vệ... Đấy là nơi chấp nhận được "tự do ngôn luận" tương đối thoải mái. Và tôi hiểu thêm được nhiều điều qua văn chương của những tác giả có góc nhìn khác tôi. Hơn nữa tôi hiểu thêm đời sống tình cảm của những người Việt ở nước ngoài dù họ phải rời xa tổ quốc trong hoàn cảnh nào. Tôi cũng rất tiếc cho một số nhà văn không thoát khỏi hằn học và thù hận làm đau khổ những con chữ vô tội. Những con chữ vô tội trong tiếng Việt ấy lại còn bị lạm dụng như người ta lạm dụng. Tôi nghĩ chủ nghĩa Hậu hiện đại Tân cổ điển Tân hình thức không khó chấp nhận. Vì không đổi mới thì không có văn chương của thời đại mới. Văn học tự thủ tiêu khi chối bỏ cách tân hoặc không để cho cách tân trình thị. Sự làm mới tiếng Việt không phải là làm cho tiếng Việt trở nên ngọng nghịu hay bắt chước vẻ lơ lớ mà phải làm cho tiếng Việt trong sáng hơn đa nghĩa hơn.
Ký sự đi Tây của Đỗ Khiêm hay lục bát kiểu Du Tử Lê là biểu hiện của sự tìm kiếm. Truyện ngắn của Trần Vũ trẻ hoá thể loại truyện ngắn đã trở thành công thức già nua. Giọng văn phê bình nghiên cứu của Võ Phiến kết hợp được văn chương với đời sống tâm hồn mà trở nên hấp dẫn thoát khỏi trơ cứng của lối văn nghị luận... ở trong nước người ta hay nhấn mạnh giá trị văn chương bằng chữ hay. Điều đó không sai nhưng xem xét sự xuất hiện của tác phẩm văn chương phải bắt đầu bằng sự nhận diện cái mới. Những giá trị mới là điều vô cùng quan trọng đối với người sáng tạo. Mới có thể chưa hay thậm chí không hay nhưng trong haybao giờ cũng chứa đựng những giá trị mới. Có tạo ra những cái hay-mới thì mới phân biệt được với những cái hay-cũ.
Tôi kính nể những người dấn thân tìm kiếm cái mới cho văn
chương và tôi kính phục những người mang tới cho văn chương những cái hay-mới. Gần đây tôi được đọc mấy cuốn lý thuyết về Thơ Tân Hình Thức rất thú vị nhưng đọc những bài thơ tân hình thức thì chưa sướng được. Không biết bao giờ lý thuyết tân hình thức và nhà thơ tân hình thức gặp nhau? Hình như tôi còn có một nghi ngờ gì đó về thơ tân hình thức giữa các ngôn ngữ tiếng Anh, Pháp, Việt; sự giãn cách khoảng trống cố ý (hay vô ý) giữa các từ? Liệu chúng ta có thoát khỏi bức tường phương Tây để bay tới bầu trời thơ ca tân hình thức Việt Nam?...
(30 năm: khỏang cách dấu hỏi - Nguyễn Trọng Tạo)
“Thơ con cóc”: Một bài thơ hay
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi
Yêu thơ, thuộc khá nhiều thơ, tôi có thói quen hay đọc thơ, khe khẽ, một mình, nhất là vào những buổi chiều, đi làm về, nhìn nắng ngẩn ngơ vàng, lòng bỗng dưng, nói như Xuân Diệu, ‘hiu hiu khẽ buồn’. Những lúc ấy, dù không mong, thơ vẫn hiện về, thầm thì, như một lời đồng điệu. Thường là thơ của Xuân Diệu, Huy Cận và nhiều nhà thơ khác, trước năm 1945; những bài thơ ngọt ngào vô hạn, đọc lên, ngỡ có hương thơm thoang thoảng quanh mình và ngỡ lòng mình, giống như Hồ Dzếnh ngày nào, hoá thành rừng, thành mây, đầy một niềm chiều. Thế nhưng, lạ, dễ đã mấy năm rồi, không hiểu tại sao, càng ngày tôi càng mất dần cái thói quen thơ mộng ấy. Tôi vẫn đọc thơ nhưng hầu như bài thơ nào đang đọc dở dang cũng đều bị cắt ngang bởi một bài thơ rất vô duyên: ‘Thơ con cóc’. Từ đâu đó, tận trong tiềm thức, bài ‘Thơ con cóc’ nhảy chồm ra, giành giật, chen lấn, xô đẩy, cuối cùng, thật oái oăm, bao giờ nó cũng thắng thế.
Một buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao...
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra...
Cứ thế. Có thể nói, suốt mấy năm nay, cơ hồ tôi không đọc trọn vẹn một bài thơ nào ngoài bài ‘Thơ con cóc’. Bận bịu quá, quên đi thì thôi, còn hễ nhớ đến thơ thì bao giờ cũng thế, bài ‘Thơ con cóc’ lại hiện ra, sừng sững, án ngữ hết mọi nẻo đường, không cho bài thơ nào khác cái quyền được ngâm nga nữa. Quái.
Mà quái thật. Đâu phải tôi không biết đó là một bài thơ dở, cực kỳ dở, hơn nữa, với người Việt, còn là điển hình của cái dở nói chung. Mỗi lần bắt gặp bài thơ nào kém cỏi, chỉ có vần điệu ê a mà tình ý hoặc rỗng tuếch, nhạt nhẽo, người Việt chúng ta - trong đó có tôi, dĩ nhiên - thường có thói quen phán: ‘Thơ con cóc!’. ‘
Thơ con cóc’, do đó, được coi là lời chê bai nặng nề nhất, một sự phủ định hoàn toàn. Tôi biết. Biết vậy mà vẫn bị nó ám ảnh mãi. Xua, nó không đi. Nó cứ phục kích đâu đó, trong một ngóc ngách nào của tâm hồn, chực có cơ hội, những lúc ‘tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn’, lại hiện ra, thoạt đầu, như một sự nghịch ngợm.
(Nguyễn Hưng Quốc)
Văn hóa…cây cỏ
Trái bình bát
Bình bát là loại dây leo mọc hoang ở hang rào trong xóm, lá hình ba góc bầu màu xanh đậm trái giống như dưa chuột, nhỏ cỡ ngón tay út. Còn loại bình bát cây thì trái hơi tròn, màu vàng lúc chin bên trong có nhiều hột to đen như hột trái mẳng cầu .
(Mai/Y Nguyên)
Góp ý về cuộc tranh luận thơ con cóc
Những bài tranh luận về thơ con cóc trên báo Văn Học giữa Đỗ Minh Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc cho thấy hiện nay đang manh nha khuynh hướng đối thoại giữa người viết trong và ngoài nước. Trong tinh thần ấy, tôi có bài góp ý này về một số vấn đề liên quan đến khế ước văn hóa (chữ của Đỗ Minh Tuấn), giao lưu văn hóa, phê bình văn học, quan điểm cũ, mới, với mục đích giúp độc giả thấy rõ hơn bản chất của công việc phê bình và những đóng góp của nó trong đời sống văn học.
Vấn đề khế ước văn hóa, giao lưu văn hóa
Cuộc tranh luận về thơ con cóc nếu xẩy ra trong điều kiện lập luận bình thường thì có thể rất hào hứng cho hai tác giả và bổ ích cho người đọc. Nguyễn Hưng Quốc cho rằng thơ con cóc hay, đó là quyền thẩm định tự do của anh.. Nhà phê bình Đỗ Minh Tuấn có quyền phê bình nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, và Nguyễn Hưng Quốc trả lời v.v... Đó là tiến trình bình thường của các cuộc tranh luận văn học.
Nhưng ở đây có một cái gì đó không bình thường khiến mọi người chú ý, không phải trên khía cạnh lý thú của lý luận văn học, mà ở những điều, những chữ quá tải đã được đôi bên viết ra. Đỗ Minh Tuấn dùng những chữ rất nặng cho một cuộc tranh luận văn học và chính ở chỗ đó mà người đọc không thấy rõ mục đích "phê bình một nhà phê bình" của Đỗ Minh Tuấn. Anh viết:
"Vậy cãi lại tổ tiên, đem lý trí và học vấn cãi lại vô thức cộng đồng chỉ là sự xâm lăng về văn hóa, đem chuẩn mực văn hóa của cộng đồng này áp đặt cộng đồng khác vì mỗi nền văn hóa là một thực thể tinh thần có diện mạo riêng, có khóa mã riêng, có độ bảo thủ riêng. Sự áp đặt đó, dù có thành công về phương diện lý luận thì vẫn luôn thất bại trong thực tế. Từ góc độ nhân chủng học, quốc tế học, từ góc nhìn của mẫu quốc, ta có thể chứng minh rằng những kẻ bán nước trước đây là tiến bộ cao cả, có công…”
Có cần mang cả những thứ nặng ký như: nhân chủng học, quốc tế học, chuẩn mực văn hóa, vô thức cộng đồng, xâm lăng văn hóa, mẫu quốc, kẻ bán nước, v.v... ra để bàn về ... thơ con cóc hay không?
(Thụy Khuê)
Từ huyền sử đến sự thật
Câu hỏi “truyền thuyết Hồng Bàng có thật không” có tự khi nào?
Ðại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam, do Lê Văn Hưu (1230-1322) soạn năm 1272 không có truyền thuyết Hồng Bàng.
Lĩnh Nam Chích Quái, chuyện cổ tích và truyền thuyết.do nhiều thế hệ soạn giả soạn. Có đến 9 bản LNCQ chép tay, mỗi bản thêm/bớt một số chuyện. Cuối thế kỷ 15, Vũ Quỳnh và Kiều Phú nhuận sắc thêm “ghi chép những chuyện kỳ lạ thu ghép lượm lặt được ở cõi Lĩnh Nam” (sic). Truyền thuyết Hồng Bàng và nhiều cổ tích khác (Hồ tinh, Ngư tinh, Phù Ðổng Thiên Vương, Nhất Dạ Trạch, thần Tản Viên, Cây Cau.. lần đầu tiên được ghi trong LNCQ. Kiều Phú viết trong bài tựa “Ôi! Nếu trời đã sai chim huyền điểu xuống để sinh ra nhà Thương thì ắt có việc trăm trứng nở ra con chia nhau cai trị nước Nam. Truyện họ Hồng Bàng không thể mất được. Thà làm đầu con gà còn hơn làm đuôi trâu, cho nên con cháu họ Triệu chống lại Bắc Triều...”
Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, do Ngô Sĩ Liên soạn năm 1479, mang truyền thuyết Hồng Bàng vào phần ngoại kỷ. Năm 1919, tác giả Trần Trọng Kim soạn Việt Nam Sử Lược dựa vào ÐVSKTT. Trần Trọng Kim mang truyền thuyết Hồng Bàng vào VNSL. Cùng thời, chữ quốc ngữ phát triển, truyền thuyết Hồng Bàng được nhắc nhở nhiều, khiến huyền sử trở thành chính sử.
(Trần Thị Vĩnh Tường)
Những ngôi chùa Bắc
Chùa Thầy
Chùa Thầy là nơi trụ trì của Từ Đạo Hạnh trong giai đoạn sau cùng của đời ngài. Chùa nầy tọa lạc trong dãy núi Sài Sơn, thuộc làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.
Theo tài liệu được ghi lại trong Đại Nam Nhất Thống Chí thì: Chùa Trong thời gian đầu tiên thì chùa Thầy chỉ là một ngôi am nhỏ, nhà tranh vách đất, nơi là sư Từ Đạo Hạnh dùng làm chỗ tu trì của mình trong giai đoạn sau cùng. Nơi nầy được gọi là Hương Hải Am, theo bài văn từ của Từ Đạo Hạnh viết ra.
Năm 1603, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan đến viếng cảnh chùa cho xây thêm hai chiếc cầu có mái ngói: cầu Nhật Tiên và cầu Nguyệt Tiên. Du khách thường đi theo một hành trình: chùa Cao - chùa Một Mái - hang Bụt Mọc - hang Thánh Hóa - hang Cắc Cớ - động Gió Lùa - chợ Trời - rồi trở lại Ao Rồng – nhà. Rối phía trước ngôi chùa chính. Chùa Cao cũng được gọi là am Hiển Thụy, nằm vào vị trí đẹp trong khu vực, tòa kiến trúc gồm 3 gian, có gác chuông cao, vách chùa có nhiều bút tích của các danh nho như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan...
(Kiêm Thêm)
“Ba Tàu” huyễn sử
Theo chủ quan của người viết, “gốc” của từ Ba Tàu là như vậy. Đó là một từ bình thường, như từ “Cầu Bông” hay “Đông Ba”, chẳng có gì để căn cứ vào đó mà nói rằng “Ba Tàu là cách gọi thiếu thiện cảm của người Việt đối với người Tàu ở Việt Nam.”
Người Việt cũng gọi người Ba Tàu là “Các chú”. Bài viết ở trang Wikipedia nói trên cũng trích dẫn tiếp bài báo trên Gia Định Báo giải thích: “Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy."(?)
Trật lất: Chẳng thuyết phục gì cả. Đã có ai giải thích ở đâu đó: Các chú là tiếng nói trệch của từ “Khách trú.” Chỉ có vậy thôi.
Nếu có ai đa nghi mà thắc mắc rằng: liệu từ “Khách trú” có thực sự tồn tại trong ngữ cảnh này không? Tức là người Việt có thực sự đã dùng từ “khách trú” để gọi những người Hoa đang sống nhờ trên đất nước mình hay không?
(Thiếu Khanh)
Ghi chú của tác giả: Người viết vừa xem lại Đại Nam Nhất Thống Chí, thấy tỉnh Thanh Hoa được đổi thành Thanh Hóa vào năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (1841) chứ không phải đầu đời Minh Mạng. Nhưng cái chính là sự kỵ húy đã đổi từ Hoa thành Hóa, Bông, và Ba. Và người Hoa thành Ba Tàu.
Xe ôm Sài Gòn
Xe gắn máy lưu hành nhưng không dùng làm dịch vụ chở người.
Năm 1969, một nhà văn đoạt giải nhất phóng sự ở Sài Gòn là ông Lê Hương với cuốn sách Chợ trời biên giới Việt Nam - Cao Miên. Khi viết về chợ trời Gò Dầu Hạ ở Tây Ninh, ông cho biết ngoài xe lam và mô tô lôi chở đông người mỗi chuyến thì năm 1967: “xuất hiện bốn loại xe mới: Honda ôm, Suzuki ôm, Mobilette ôm, Yamaha ôm”. Ông đánh giá: “Thật là một nghề chóng phát tài hơn hẳn các anh em chở Mỹ ở Sài Gòn”.
Như vậy, phải chăng xe ôm ở Sài Gòn bắt nguồn từ dịch vụ chở người sau sự kiện người Mỹ đến miền Nam năm 1965?
Từ câu chuyện kể dưới đây của một dược sĩ gốc gác ở Q.4 cho tác giả cuốn sách này bổ sung cho nhận định trên. Năm 1965, khi người Mỹ bắt đầu tham chiến ở VN thì xuất hiện một lớp người làm việc trong các công sở của người Mỹ. Họ làm nhân viên đánh máy hay sửa chữa bảo trì xe cộ, lái xe. Đồng lương của họ khá khẩm, giúp sống thoải mái và dễ dàng mua xe máy. Chiến cuộc lúc lên lúc xuống, công sở Mỹ có lúc mở ra và có chỗ đóng cửa tùy theo nhiệm vụ. Phút huy hoàng nào có lúc trở thành điêu tàn.
(Phạm Công Luận - trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3)
Cua cáy phiếm lược - con ba khía - 2
Để bắt ba khía người miền Nam phải ngủ rừng, ăn cơm bờ bụi nhiều đỉa, vắt, muỗi. Đi “bắt ba khía” được xem là "nghề hạ bạc của con nhà nghèo". Để bắt ba khía, trước đây vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, người dân ven biển miền Tây đem thau, thùng cùng đèn đuốc đi soi ba khía bắt cặp từng chùm trên các cây bần, cây mắm. Người ta dùng tay mang bao da gạt hoặc lấy rổ cào chúng vô thau, thùng.
Bây giờ ba khía hiếm, để bắt ba khía, khi đêm xuống thủy triều lên, với bao tay dày, đèn chiếu sáng trước trán, người ta đi dọc bãi bùn tìm bắt nơi các gốc đước khi chúng rời hang kiếm ăn hoặc thò tay vô hang bắt, thậm chí câu hoặc dùng bẫy bắt chúng, để bắt chúng dễ dàng, không bị kẹp, là chụp thật nhanh. Nếu không khéo léo một chút, con ba khía sẽ vẫy vùng, rồi kẹp “trối” người bắt và sẽ…"thí càng", chạy thoát thân.
Trước đó ở đất này người ta ăn ba khía muối hàng ngày. Để chọn ba khía, người ta bẻ ngoe, thấy đầy thịt là ngon. Còn ngoe trống rỗng là ba khía muối lâu ngày tiêu hết thịt, có khi là con bị “bủng”, có mùi. Cái ngon của ba khía trộn là thấy ngay vị muối mặn, vị chua chanh, vị ngọt đường, vị cay ớt, vị tỏi nồng.
Hình cảnh con ba khía thân quen với người dân vùng sông nước miền Tây. Ba khía được nhắc đến trong dân ca:
Tháng bảy nước chảy Cà Mau
Tháng mười ba khía, hội kéo nhau đi làm
U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm
Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi
Người Ăng-lê gọi ba khía là
Red clawed crab tức cua càng đỏ.
Trên tuyến tàu xưa Gò Vấp-Sài Gòn
Thằng Cưng, lực lưỡng nhanh nhẹn so với số tuổi của nó, khoảng 9, 10 tuổi gì đó mà được lái xe… bò. Mấy thằng bạn đàng em của nó lúc nào cũng tìm cách leo xe bò đi với nó cho vui. Gia đình thằng Cưng cũng thuộc loại khá thời đó, nhà gạch có chái, gian gìữa nhà cũng có bàn thờ tổ tiên khảm xa cừ đặt sau một bàn gỗ đen với sáu cái ghế và luôn luôn một bình trà đựng trong vỏ trái dừa để giữ ấm.
Ba nó không biêt làm nghề chuyên chở bằng xe bò từ lúc nào nhưng người trong xóm gọi ông là chú Tư xe bò – Cụ Phó - một nhân vật được mọi người kính nể trong xóm, cụ vào Nam từ Nam Định, nghe nói cụ đã từng giữ chức ông Phó cho hảng tàu đi đại dương của Pháp Charguers Réunis - không hiểu sao lại gọi ông với một danh từ dí dỏm ông Tư “pilot” xe bò. Ba thằng Cưng thỉnh thoảng cho nó lái xa bò ở nhửng khúc đường vắng khi xe không chở gì, chú Tư sống bằng nghề chở vật dụng xây nhà vì đồ nặng không tiện dùng xe ba bánh.
Tuổi thơ trong xóm
Khi rảnh rối thằng Cưng hay rủ bạn đi tắm sông ở cầu Bình Lợi, trong những nhánh sông nhỏ bao quanh là những rặng dừa nước, nhìn ra phía xa thì thấy sông Saigon. Sông khúc gần cầu Bình Lợi nước chảy xiết, nhiều chổ nước xoáy, thỉnh thoàng nghe người chết mà người ta gọi là bị ma da kéo. Mấy đám nhỏ thường rủ nhau chơi đá banh ở sân vận động Lê văn Duyệt (giờ không còn) thỉnh thoảng lại lén nhà đi tắm sông luôn, phần đông đứa nào cũng biết lội lại dùng bập dừa để nổi nên cũng khá an toàn. Tắm xong chạy về nhà thì quần khô hết nên gia đình không hay biết.
(Y Nguyên - Mai Trần)
Những truyện ngắn Việt Nam làm liên tưởng đến điện ảnh
Đọc một số truyện ngắn Việt Nam, ta không khỏi liên tưởng đến điện ảnh. Người viết xin nhấn mạnh ở từ ngữ “làm liên tưởng”, thay vì viết: “những truyện ngắn chịu ảnh hưởng” từ điện ảnh. Bởi vì, những tác giả của các truyện ngắn nêu ra dưới đây chưa bao giờ khẳng định họ đã viết truyện theo phim này hay phim nọ. Chỉ là do ta có cảm nghĩ mà thôi. Có khi tác giả không muốn nói ra ảnh hưởng đó, có khi hoàn toàn do độc giả khám phá thấy. Trường hợp sự liên đới do ta khám phá, đây là trùng hợp về ý hướng sáng tác giữa các tác giả, điều này cũng không phải là hiếm hoi trong tâm thức nhân loại. Trường hợp có chịu ảnh hưởng điện ảnh mà tác giả truyện viết không muốn nói ra, có thể nói ra làm mất mát ít nhiều về tính độc đáo sáng tạo, có thể tác giả truyện viết không thích bị phê bình theo thời thượng của giới ái mộ điện ảnh.
Xin lần lượt nêu ra các truyện ngắn làm liên tưởng đến các cuốn phim mà người viết bài này đã có xem. (xem tiếp kỳ tới)
(Trần Văn Nam)

Tác giả : Trần Văn Nam sinh ngày 18-11-1939 tại Bến Tre. Ðến Mỹ cuối năm 1981, ở tiểu bang Virginia, rồi California. Mất ngày 10-1-2018 tại City of Walnut, CA.
Tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, Cử Nhân Giáo Khoa Triết Học Tây Phương, Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn 1973. Dạy học ở nhiều tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, Sa Ðéc, Kiên Giang.
Tác phẩm : Một số bài tiểu luận văn học đăng báo.
Thập niên 30, Sài Gòn lai rai
Dân Sài Gòn biết nhậu nhẹt từ khi nào? Rượu gạo có từ ngàn xưa theo người Việt đi khai phá dần về phương Nam mấy trăm năm trước vẫn song hành với dân nhậu Việt trên vùng đất mới. Đến thời Pháp thuộc, lại có rượu “Ty” (do nhà máy rượu của chính phủ thuộc địa sản xuất, rượu công ty nên gọi tắt là rượu Ty) nên phong trào nhậu không thể không phát triển. Nơi nào có làm ăn, nơi đó có quán xá. Làm ăn càng thịnh vượng thì quán xá càng xôm tụ. Sài Gòn cũng vậy, đến nay không thay đổi.
(tranh biếm họa của họa sĩ Hiếu Đệ)
Thập niên 1930, trong các món đưa cay, nem Thủ Đức đã vang tiếng là ngon. Thi sĩ Tản Đà từ miền Bắc vào được mời đi ăn nem Thủ Đức, tắm suối Xuân Trường.
Thủ Đức ở thập niên 1930 có nhiều quán bán nem mở ra. Một ký giả nhật báo Sài Gòn thời ấy viết trên báo số 324 ra ngày 11.4.1933: “Nhơn đi “Cap” (Vũng Tàu) về khuya, đói bụng, chúng tôi ghé lại hàng nem Nam Hưng Ký tục kêu là quán nem Dì Tám dùng thử một lần cho biết. Khi đã dùng nem và xem cử chỉ của bà chủ, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên hết sức. Nem thật ngon mà giá tính phải chăng, bồi khuôn phép lại thật thà vui vẻ”.
(Phạm Công Luận)
Tiểu sử Phạm Công Luận bút danh Phạm Lữ Ân. Sinh năm 1961 tại Sài Gòn. Quê nội Quảng Bình, hiện ở Phú Nhuận. 
Tác phẩm: Nếu biết trăm năm là hữu hạn Những lối về ấu thơ Trên đường rong ruổi
Sài Gòn chuyện đời của phố 1, 2, 3 & 4
Thập kỷ niên và khươm mươi niên
“Xập kỷ nìn” không phải tiếng Việt mà là tiếng Quảng Đông phiên âm sang tiếng Việt.. Những chữ này chính ra là thập kỷ niên, nghĩa là mười năm, nghĩa bóng là cũ.
Tiếng Việt có thành ngữ khươm mươi niên, là mấy cả chục năm.
(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)
Chân dung và đối thoại : Lưu Trọng Lư
(phụ bản tiết mục Nhà thơ Trần Đăng Khoa lên tiếng về bài của Nguyễn Vỹ)
Ấy vậy mà khi gộp tất cả lại, nằm trong một tổng thể, bài thơ hay đến, lạ lùng, người ta không còn thấy dấu vết thô vụng đâu nữa. Đây là điều duy nhất xảy ra ở văn học Việt Nam và chỉ xảy ra có một lần. Cái hay của bài thơ này không nằm ở câu chữ. Nó hoàn toàn siêu thoát, là cái hồn phảng phất đâu đó đằng sau những con chứ rất sáng tỏ mà lại vời vợi mông lung kia. Người ta chỉ cảm thấy được, chứ không thể nói ra được một cách rạch ròi. Đây là bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng hồn, bằng cả điệu nhạc rất riêng của tâm hồn thi sĩ. Bởi thế, người đọc cũng phải dùng hồn để chiêm ngưỡng nó, chứ không thể ngắm nó bằng lý trí tỉnh táo. Đã không ít nhà phê bình nghiên cứu mang lý trí ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất ngơ ngác này. Có người còn viện đến cả thi pháp học để cố hiểu cho bằng được bài thơ, lấy thi pháp làm chìa khoá mở cánh cửa thực dụng, đi vào cõi mù mờ tâm linh này. Bằng cách vận dụng thi pháp, có người cho đây là bài thơ nói về nỗi cô đơn. Không phải ngẫu nhiên bài thơ có 9 câu mà đã có đến ba câu điệp Em không nghe:
Em không nghe mùa thu
Em không nghe rạo rực
Em không nghe rừng thu...
(Trần Đăng Khoa)
60 năm nhìn lại cuộc di cư 1954 - Vĩnh biệt Hải Phòng
Khác với đa số người di cư 1954 đáp tầu Mỹ, chúng tôi được di tản bằng máy bay do Pháp cung cấp. Đó là vào một ngày tháng 3 năm 1955, và đấy là lần đầu tiên tôi được đi máy bay, nên bụng dạ làm reo, ói lên ói xuống, ngồi trên xe GMC chở từ phi trường Tân Sơn Nhất đến nhà ông chú ở đường Phan Đình Phùng để tá túc tạm, tôi vẫn còn ói. Chúng tôi vừa mới ổn định chỗ ở một căn nhà gỗ, không có cầu tiêu riêng, thuê được ở bên Khánh Hội chưa được bao lâu thì có thư của cha tôi nói ông đã quyết định ở lại, bảo mấy anh em ở trong Nam tự lo liệu lấy. Tôi khóc xưng cả mắt, nghĩ từ đây sẽ không còn gặp lại cha mẹ và các em, nhất là Tám, cô em thua tôi hai tuổi song hai đứa rất gần nhau từ hồi nhỏ. Chị Năm mới 15 tuổi, phải khai gian lên hai tuổi để xin đi làm sau khi học lấy được cái bằng đánh máy, rồi sau đó vừa đi làm vừa đi học thêm tiếng Anh. Anh Cả thì mướn xe taxi chở khách, trong khi chị Cả đi buôn quần áo từ trong Chợ Lớn rồi thuê sạp ở chợ Khánh Hội bán lại. Anh Sáu và tôi còn nhỏ, 12 và 10 tuổi, nên được đi học. Tôi làm quen với đời sống của vùng đất mới có tên là Sàigòn, thấy cái gì cũng lạ. Một vài chi tiết mà tôi thấy ngộ nghĩnh, nói lên đặc tính dễ dãi và sởi lởi của người Miền Nam: Đi mua đồ giá năm cắc, tức 50 xu, đưa tờ giấy một đồng, người bán hàng thản nhiên xé tờ giấy bạc làm đôi cái rẹt, đưa trả lại mình một nửa. Tôi thích lối làm bánh mì của miền Nam, đầy tính sáng tạo: ngoài thịt nguội hay ba tê còn có đồ chua, ngò và dưa leo, mà ở bên Mỹ bây giờ chúng ta gọi là Vietnamese sandwich. Nhưng cái tôi thích nhất của Miền Nam là vô số truyện bằng tranh, một loại sách không thấy ở miền Bắc, và những nhà cho thuê truyện, thay thế cho những thư viện công cộng không hiện hữu ở Sàigòn nói riêng và Việt Nam nói chung. Miền Nam, do đấy, mở ra không biết bao nhiêu là cơ hội, so với Miền Bắc, đặc biệt Miền Bắc của sau ngày bức màn tre buông xuống.
Thế rồi đùng một cái, lại có thư của cha tôi nói quyết định đi Nam. Lúc bấy giờ đã gần tới ngày Việt Minh tiếp thu Hải Phòng. Nhà của cha mẹ tôi cũng là nơi các người thân trong họ từ làng quê, mượn lý do “đi Hải Phòng khuyên người thân ở lại vì nước nhà đã độc lập tự do” để xin giấy thông hành di chuyển, tới ở tạm trong khi chờ ngày lên tầu đi Nam. Cha mẹ tôi chắc đã nghe không thiếu các thảm cảnh cải cách ruộng đất và địa chủ bị đấu tố và xử tử ở các vùng quê, bên cạnh các chuyện cấm đạo, giáo dân bị buộc đi học tập chính trị vào đúng lúc có Thánh Lễ, các giáo sĩ bị tra tấn, hành hung. Một trong những chuyện kinh hoàng nhất là việc một ông linh mục bị Việt Minh đóng bẩy cây đinh xung quanh đầu giả làm mạo gai, được vài giáo dân chở tới trại tạm chú ở Hải Phòng dưới sự điều động của Bác sĩ Dooley để nhờ ông cứu chữa.(**) Thấy không thể ở lại được nữa, cha mẹ tôi bán tống bán tháo tài sản để đi Nam, bằng lòng nhận vàng thay vì tiền mặt, hồi ấy là tiền Đông Dương có in hình ông Bảo Đại. Những gì không bán được hay muốn giữ lại thì giao cho chị Tý, đã ở với gia đình tôi được vài năm để nuôi em gái út của tôi, đi theo tầu Mỹ chở vào Nam, cùng với anh Tư và Út, cận ngày Hải Phòng đóng cửa. Tóm lại, gia đình tôi tổng cộng gần hai chục người thì chia nhau đi Nam thành bốn đợt, kể cả đợt chị Hai theo chồng lúc ấy có quốc tịch Pháp di cư vào Đà Nẵng trước đó.
(Trùng Dương)

Trùng Dương, tên thật: Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây. Hiện cư ngụ tại Oregon, Hoa Kỳ.
Tác phẩm : Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, Mưa Không Ướt Đất, Chung Cư, Một Cuộc Tình, Lập Đông Những Người Ở Lại
***
Phụ đính I
Chữ nghĩa làng văn
Tờ Văn – 1
Tờ Văn ở trong nước đầu tiên Trần Phong Giao làm thư ký tòa soạn, tới giai đoạn sau thì trước là Nguyễn Xuân Hoàng, sau chót lại là Mai Thảo. Ra hải ngoại đổi lại, Mai Thảo ra đi, để tờ báo cho Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục, cả hai kiên thủ thành trì được tổng cộng trên 250 số, công lao khá lớn.
Nguyễn Xuân Hoàng làm tờ Văn từ 1996, vất vả hơn Mai Thảo hồi những năm 80, vì người trước được đàn em hỗ trợ, lấy cho rất nhiều quảng cáo. Nếu chỉ tính 100 mỹ kim một trang, tờ Văn của tác giả Cùng đi một đường lấy quảng cáo một số có thể in ba số báo cho ba tháng. Còn tờ Văn của tác giả Người đi trên mây ít quảng cáo hơn nhiều, nên khó khăn gấp bội.
Chữ nghĩa làng văn
Tờ Văn – 2
Cuối năm 1996 Mai Thảo không có ý định trao lại báo Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng, mà đã ngỏ ý giao cho người khác, song người này vốn luôn luôn thất bại khi làm báo, nên ý định của Mai Thảo thay đổi vào phút chót. Mai Thảo nói với tôi (Viên Linh) khi anh còn ở trong chung cư độc thân Christian Home trên đường Bolsa, khoảng tháng 9 năm 1996.
Đời làm báo của Nguyễn Xuân Hoàng không chỉ qua tờ Văn, mà còn trên 10 năm làm báo cho công ty Người Việt, và khoảng 5 năm làm tờ Việt Mercury ở San Jose. Và hiện nay còn đang làm tờ Việt Tribune cho bà Trương Gia Vy, cũng ở thành phố bắc California đó.
Đông Nam Môn (Hà Nội )1891 )
Mời Xem |