Thái Thuận 蔡順 (1440-?) tự Nghĩa Hoà 義和, hiệu Lục Khê 陸溪, biệt
hiệu Lữ Đường 呂塘, sinh 1440. Đậu tiến sĩ 1475 (niên hiệu Hồng Đức thứ
6). Làm quan ở nội các viện triều Lê Thánh Tông hơn 20 năm, sau được bổ
làm tham chính ở Hải Dương. Ông là người có đạo đức, lại có tài văn
chương, được người đương thời rất kính trọng. Vì vậy, ông được vua Lê
Thánh Tông cho dự chức Tao đàn Sái phu (sau thăng Tao đàn Phó Nguyên
Súy) trong Hội Tao Đàn do chính nhà vua thành lập năm 1495.
Tác phẩm còn lại: Lữ Đường di cảo thi tập 呂塘遺藁詩集 (Tập thơ di cảo của
Lữ Đường) gồm hơn 200 bài thơ do con trai là Thái Khác 蔡恪 và học trò là
Đỗ Chính Mô 杜正謨 sưu tầm biên soạn.
Sau đây là một số bài thơ tiêu biểu của ông được nhiều người biết đến.
1. Bài thơ HẠ CẢNH :
夏景 HẠ CẢNH
南風庭院日如年, Nam phong đình viện nhựt như niên,
面對書窗古聖賢。 Diện đối thư song cổ thánh hiền.
傍砌榴花紅噴火, Bàng thế lưu hoa hồng phún hỏa,
入簾草色綠生煙。 Nhập liêm thảo sắc lục sanh yên.
元亨理契庖犧易, Nguyên Hanh lý khế Bào Hy dịch,
康阜功歸帝舜絃。 Khang Phụ công quy Đế Thuấn huyền.
千古道心呼得起, Thiên cổ đạo tâm hô đắc khởi,
槐龍影裏夕陽蟬。 Hòe long ảnh lý tịch dương thiền !
蔡順 Thái Thuận
* Chú Thích :
- HẠ CẢNH 夏景 : Quang cảnh của mùa hè.
- Nam Phong 南風 : là Gió Nam, gió thổi mát mẻ vào những buổi trưa hè.
NAM PHONG CA là "Bài ca gió nam". Bản đàn như lời ca dao mà vua Thuấn
ngày xưa thường đàn để nói về đời sống của nhân dân với các câu : "Nam
phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề 南風之薰兮,可以解吾民之慍兮。" Có
nghĩa : Cái mát mẻ ấm áp của gió nam có thể giải tỏa được lòng u uẩn sầu
muộn của dân ta. Do câu nói nầy mà cụ Phạm Quỳnh ngày trước đã đặt tên
cho tạp chí của mình là NAM PHONG TẠP CHÍ.
- Bàng Thế 傍砌 : Bên cạnh các bậc thềm nhà.
- Nguyên Hanh 元亨 : là NGUYÊN HANH LỢI TRINH 元亨利贞, là lời từ của quẻ
Càn trong kinh Dịch. Có nghĩa : NGUYÊN là Bắt đầu; HANH là Thông suốt.
LỢI là Lợi lộc. TRINH là Đứng đắn ngay thẳng. Nên Nguyên Hanh chỉ sự tốt
lành nói chung.
- Bào Hy 庖犧 : Tức vua Phục Hy (4500 tr
CN), một trong Tam hoàng ngũ đế, thánh nhân thời tiền sử Trung Quốc,
thuỷ tổ của Kinh Dịch.
- Khang Phụ 康阜 : là vế sau của Nam
Phong Ca đã nêu ở trên : Nam phong chi thời hề, khả dĩ phụ ngô dân chi
tài hề 南風之時兮,可以阜吾民之財兮。Có nghĩa : Cái đúng lúc của gió nam có thể làm cho
dân ta giàu có.
- Đế Thuấn huyền 帝舜絃 : Dây đàn của vua Thuấn, tức là Tiếng đàn của vua Thuấn.
* Nghĩa Bài Thơ :
CẢNH MÙA HÈ
Gió nam thổi hiu hiu vào sân nhà trong mùa hè làm ta cảm thấy
ngày dài ra như một năm. Đối diện với song cửa để sách vở của thánh hiền
ngày xưa. Bên cạnh các bậc thềm nhà hoa lựu nở đỏ thắm như đang phun
lửa. Màu cỏ xanh hắt vào rèm như sương như khói. Nguyên Hanh Lợi Trinh
là cái lý ăn khớp với Dịch lý của Bào Hy (trong quẻ Càn thuộc thuần
dương như cái nóng của mùa hè). Cũng như lời ca Khang Phụ trong Nam
Phong Ca là công của tiếng đàn của vua Thuấn (có thể giải đi phiền muộn u
uẩn và làm cho người dân sống sung túc hơn). Tiếng ve ra rả trong buổi
chiều nắng xế trên các cây hòe có thể gọi dậy lòng trọng đạo thiên cổ
của nhân dân.
* Diễn Nôm :
CẢNH HÈ
Ngày dài sân vắng gió nam đầy,
Song sách thánh hiền xưa vẫn đây.
Lửa lựu lặp lòe chen thềm vắng,
Cỏ xanh mờ ảo phủ rèm đầy.
Nguyên Hanh dịch lý Bào Hy đó,
Khang Phụ tiếng đàn Đế Thuấn đây.
Tâm đạo ngàn xưa chừng gọi dậy,
Bóng hòe nghiêng nắng tiếng ve đầy !
Lục bát :
Gió nam hây hẩy ngày dài,
Bên song đối mặt thư trai thánh hiền.
Lặp lòe lửa lựu bên thềm,
Cỏ xanh sắc biếc vào rèm khói mây.
Nguyên Hanh dịch lý Đào Hy,
Tiếng đàn Đế Thuấn thiếu gì Phụ Khang.
Ngàn xưa tâm đạo khơi tràn,
Bóng hòe nghiêng nắng bàng hoàng tiếng ve !
Đỗ Chiêu Đức
2. Bài thơ ẨN GIẢ :
隱者 ẨN GIẢ
往來蹤跡倦紅塵, Vãng lai tung tích quyện hồng trần,
占斷林泉作主人。 Chiếm đoạn lâm tuyền tác chủ nhân.
景有山川花是客, Cảnh hữu sơn xuyên hoa thị khách,
門無車馬草常春。 Môn vô xa mã thảo thường xuân.
桐江釣月忘歸漢, Đồng Giang điếu nguyệt vong quy Hán,
芝嶺耕雲樂去秦。 Chi Lãnh canh vân lạc khứ Tần.
卻羨陶朱興越日, Khước tiện Đào Chu hưng Việt nhật,
五湖煙水一閒身。 Ngũ hồ yên thủy nhất nhàn thân.
蔡順 Thái Thuận.
* Chú Thích :
- ẨN GIẢ 隱者 : Người đi ở ẩn.
- Vãng Lai Tung Tích 往來蹤跡 : là Dấu vết qua lại; có nghĩa là " Tới lui bôn ba bương chải với cuộc sống".
- Chiếm Đoạn 占斷 : là Chiếm đứt luôn, là Giành hẵn cái gì đó.
- Đồng Giang điếu nguyệt 桐江釣月 : ĐỒNG GIANG : Tên con sông ở Tứ Xuyên
Trung Quốc. Đời Hán, Nghiêm Tử Lãng cùng bạn là Hán Quang Vũ, không chịu
làm quan, hàng ngày ngồi câu ở Đồng Giang. Câu để mua vui nên được gọi
là “điếu nguyệt” (câu trăng chứ không câu cá).
- Chi Lãnh
canh vân 芝嶺耕雲 : CHI LÃNH là Đĩnh của ngọn núi Chi Sơn, còn được gọi là
Thổ Tố Sơn, tên ngọn núi ở Giang Tây. Đời Đường, quan Thứ sử là Tiết
Chấn lên núi tìm được cỏ chi, nên đổi là Chi Sơn. Đời Tống, Giang Vạn Lý
bị gièm pha, phải mất chức, đến Chi Sơn đào ao, lập vườn, sống ẩn dật.
Khi quân Nguyên đánh chiếm Trung quốc, ông nhảy xuống ao tuẫn tiết.
- Đào Chu 陶朱 : Còn được gọi là Đào Chu Công. Tên hiệu của Phạm Lãi,
một công thần của Việt Vương Câu Tiễn, vì sợ bị sát hại, đã tìm đường ẩn
cư để tránh nạn. Tương truyền ông đã dắt theo nàng Tây Thi xinh đẹp để
ngao du Ngũ Hồ và trở nên giàu có nhờ hành nghề thương buôn.
* Nghĩa Bài Thơ :
Vất vả bôn ba bương chải với cuộc sống cũng đã mõi mệt giữa chốn
hồng trần nầy rồi, nên giành hẵn chốn lâm tuyền nầy để làm chủ mà ở hẵn
luôn. Cảnh trí thì có núi có sông mà khách là những khóm hoa rừng. Trước
cửa không có dấu xe dấu ngựa nên cỏ thường tươi tốt như mùa xuân. Như
Nghiêm Tử Lãng cùng bạn là Hán Quang Vũ, không chịu ra làm quan, hàng
ngày ngồi câu trăng ở Đồng Giang mà không về với nhà Hán. Và như Giang
Vạn Lý vui vẻ về với Chi Sơn đất Tần mà cày mây cuốc nguyệt. Lại hâm mộ
cuộc sống của Đào Chu Công khi nước Việt đã hưng thịnh, ông bèn từ quan
mà đi kinh thương ở đất Ngũ Hồ để sống cuộc đời nhàn tản với sông nước
cho khỏe tấm thân.
* Diễn Nôm :
NGƯỜI ĐI Ở ẨN
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét