2 thg 2, 2020

Thần y Hoa Đà kê hai đơn thuốc đặc biệt chữa khỏi bệnh tham lam





Bậc “Thần y” không màng công danh chốn quan trường, dùng y đạo mà chữa được cả những bệnh tưởng chừng chẳng liên quan tới bệnh độc như tham lam, dối lừa. Câu chuyện lịch sử có thật một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của đạo đức cao thượng trong xã hội xưa.
Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, được người đời sau gọi là “bậc thánh phẫu thuật”, “ông tổ của phẫu thuật”, là thầy thuốc nổi tiếng sống vào những năm cuối thời Đông Hán. 

Y thuật siêu thoát người thường

Trong Hậu Hán thư có ghi chép rằng thê tử của Lý tướng quân bị bệnh, ông cho mời Hoa Đà đến chẩn bệnh và chữa trị.
Sau khi bắt mạch xong, Hoa Đà nói: “Bệnh của phu nhân là do thân thể bị tổn thương trong lúc mang thai, cần phải lấy thai nhi ra”.
Lý tướng quân đáp lại: “Xác thực là thê tử của tôi bị thương trong lúc mang thai. Nàng ấy đã bị sẩy thai”.
Hoa Đà lại nói: “Theo mạch tượng cho thấy thai nhi chưa bị sẩy”.
Lý tướng quân vô cùng kinh ngạc. Một trăm ngày sau, Lý phu nhân bệnh tình trở nặng nên lại cho mời Hoa Đà đến.
Sau khi bắt mạch xong, Hoa Đà nói: “Mạch tượng vẫn như trước, vốn dĩ Lý phu nhân mang song thai. Thai nhi đã bị sẩy trước đó làm cho cơ thể phu nhân mất máu quá nhiều nên không thể sinh thai nhi còn lại. Hiện giờ thai nhi này đã chết rồi và chèn vào lưng của phu nhân”.
Trước tiên, Hoa Đà châm cứu cho Lý phu nhân rồi sau dùng thêm thuốc thang. Một lúc sau, Lý phu nhân cảm thấy muốn sinh nhưng không sinh được.
Hoa Đà nói: “Thai nhi đã bị khô cứng rồi nên không thể tự mình sinh được, phải có người lấy nó ra mới được”.
Quả nhiên, Hoa Đà đã lấy được bào thai đã chết ra.
Thần y Hoa Đà (ảnh: Wikipedia).

Thần y chữa được bệnh tham lam

Thời Tam Quốc, có hai chú cháu tên là Dương Tu và Dương Đãng cùng phò tá cho Tào Tháo. Dương Tu chịu trách nhiệm quản lý văn thư hộ tịch trong tướng phủ. Dương Tu thông minh, học rộng nhưng kiêu ngạo, lại thường hay đối đầu với Tào Tháo. Cuối cùng, ông bị Tào Tháo khép tội làm loạn và xử chết.
Dương Đãng chịu trách nhiệm quản lý lương thực trong quân ngũ. Tuy chức quan không lớn nhưng ông đã dùng thủ đoạn để chiếm lợi ích riêng cho mình. Ông thường cắt xén quân lương để bỏ túi riêng. Khi Dương Tu chết thì Dương Đãng cũng không còn chỗ để dựa dẫm. Trong tâm Dương Đãng thấp thỏm bất an, tự biết rằng phận mình sẽ không lâu.
Ông sợ Tào Tháo khép tội đồng lõa với chú mình nên đã lên kế hoạch kiếm món lợi lớn trong một lần áp tải quân lương, rồi sau sẽ cáo lão hồi hương. Nhưng thật không may là Dương Đãng đột nhiên mắc phải căn bệnh lạ. Ông không bị sốt, cũng không đau đầu, chỉ là bị tức ngực. Tựa hồ như có một tảng đá nặng đè lên ngực, khiến cho ông đứng ngồi không yên, nằm xuống lại càng khó chịu hơn. Ông cho mời không ít thầy thuốc giỏi nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.
Về sau, Dương Đãng nghe nói có thần y Hoa Đà ở vùng lân cận. Ông nhiều lần cho mời Hoa Đà đến trị bệnh, nhưng Hoa Đà sớm đã biết về Dương Đãng nên ông nhiều lần mượn cớ không đi. Không còn cách nào, Dương Đãng đành bảo con trai mình đến cầu xin Hoa Đà. Con trai Dương Đãng khóc lóc nỉ non trước mặt Hoa Đà. Hoa Đà trông thấy người con trai cầu xin vô cùng thành khẩn nên đã đồng ý đến bắt mạch cho Dương Đãng. Thông qua bốn phép chẩn “vọng văn vấn thiết”, Hoa Đà đã kê hai đơn thuốc cho Dương Đãng và bảo ông ta y theo mà làm.
Sau khi Hoa Đà đi khỏi, Dương Đãng mở đơn thuốc thứ nhất ra xem.
Ông chỉ thấy trên đơn thuốc viết tên của tám vị thuốc: “Nhị ô, quá lộ hoàng, hương phụ tử, liên kiều, vương bất lưu hành, pháp hạ, tất bạt, chu sa.”
Là một người am hiểu văn cổ nên Dương Đãng đã lấy đồng âm các chữ đầu của tám vị thuốc này ghép lại thành một câu có ý là: “Một người sẽ bị xử chết bởi vì đã làm hai việc sai trái liên tiếp nhau”.
Những toan tính trong tâm của Dương Đãng đã bị Hoa Đà điểm trúng. Ông ta kinh hồn khiếp vía, trán đầm đìa mồ hôi. Tuy nhiên, lúc đó ông ta lại cảm thấy cơn đau ngực có thuyên giảm. Dương Đãng liền vứt bỏ ý niệm xấu muốn thừa cơ trục lợi từ việc cắt xén quân lương.
Ông ta lại mở tiếp đơn thuốc thứ hai ra xem thì ngay lập tức la lớn: “Ôi trời!”
Sau đó, ông ta ói ra máu tươi rồi rơi vào hôn mê. Người nhà nhìn thấy liền thất kinh, khóc lóc ỷ ôi.
Trên đơn thuốc vốn viết tên các vị thuốc sau: “Thường sơn, nhũ hương, quan quế, mộc hương, ích mẫu thảo, phụ khối”.
Sau khi ghép đồng âm các chữ đầu tiên trong tên của sáu vị thuốc này thì có ý là: ”Tặng cho ông chiếc quan tài”.
Dương Đãng xem đơn thuốc này xong thì không thể chịu được, vô cùng phẫn nộ và sợ hãi.
Một lúc sau, trong khi người nhà vẫn đang khóc thương thì Dương Đãng chợt tỉnh lại. Ông mở mắt ra, cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng và sáng sủa. Cảm giác tức ngực cũng không còn nữa, bệnh tình hoàn toàn hồi phục.
Bấy giờ Hoa Đà không mời mà đến, ông nói với Dương Đãng: “Triệu chứng tức ngực của ông là do máu tắc nghẽn trong bụng, do tâm tham lam gây ra. Bấy giờ khi ông đổ mồ hôi và ói ra máu bị ứ đọng thì những thứ xấu cũng theo đó mà ra. Hiện giờ ông sẽ cảm thấy người còn hơi yếu, tôi kê cho ông một đơn thuốc bồi bổ, ông cứ y theo mà làm thì sẽ khỏi”.
Dương Đãng làm theo lời Hoa Đà dặn, quả nhiên thân thể dần dần khỏe mạnh. Từ đó trở đi, Dương Đãng không còn dám làm việc cắt xén quân lương nữa.

Nguồn gốc của nền y học Thần truyền, đạo đức là cốt lõi

Vương Bột là người sống vào những năm đầu đời nhà Đường. Ông đã để lại tác phẩm nổi tiếng tên là “Đằng Vương các tự”. Vương Bột có một người bạn thân tên là Tào Nguyên, thời đó ngụ ở Trường An. Căn cứ theo “Tân Đường thư, Truyện kể về Vương Bột”, ông và Tào Nguyên kết giao làm bằng hữu. Ông học được rất nhiều y thuật bí truyền từ Tào Nguyên. Trong “Hoàng đế bát thập nhất nạn kinh tự”, Vương Bột đã tiết lộ về việc truyền thừa y đạo một cách trật tự như sau: từ Kỳ Bá → Hoàng Đế → Lịch cửu sư → Y Doãn → Thương Thang → Lịch lục sư → Khương Thái Công → Văn Vương → Lịch cửu sư → Y Hòa → Lịch lục sư → Biển Thước → Lịch cửu sư → Hoa Đà → Lịch lục sư → Hoàng Công → Tào Nguyên. (Trật tự này được ghi lại trong Văn uyển anh hoa thời nhà Tống)
Nguồn gốc của “y đạo” bắt đầu từ Thượng đế (Ngọc hoàng Thượng đế), sau truyền cho tiên sư (Sư phụ của Kỳ Bá) và Kỳ Bá, rồi truyền cho Hoàng Đế (Thượng đế → Tiên sư (Sư phụ của Kỳ Bá) → Kỳ Bá → Hoàng đế). Hoàng Đế lại truyền “y đạo” cho Lôi Công, về sau truyền cho Hoàng thất nhà Thương và nhà Chu, rồi lại truyền tiếp cho Biển Thước thời Chiến Quốc (2.400 năm trước) và Hoa Đà vào những năm cuối thời Đông Hán (1.800 năm trước). Biển Thước và Hoa Đà được gọi là “Thần y” bởi vì họ là những đệ tử chính truyền của “y đạo” từ Hoàng Đế. Vậy nên, điều triển hiện ra là y thuật thần kỳ như nhìn thấu thân thể người (thấu thị nhân thể), thuật rửa ruột cắt mở lồng ngực (dùng dao làm phẫu thuật).
Những y thuật cao siêu của các Thần y mà sử sách ghi lại, chẳng phải được truyền thừa qua các đời một cách bừa bãi, mà người xưa cho rằng đó là kết quả của việc thực hành “y đạo”, lấy việc tu dưỡng đạo đức mà thành tựu kỹ năng. Thân tâm đều trong sạch, thì công năng khai mở. Đó là điều người thời nay không dám tin. Nhưng có một điều mãi sẽ vẫn luôn được thế nhân đồng tình, rằng hành nghề y thì phải là người có đạo đức hơn người, vậy nên tu bỏ dục vọng, xuất tâm từ bi là việc người thầy thuốc nào cũng phải hướng tới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét