1 thg 2, 2018

Thầy Nguyễn Hữu Phước và Những Giai Thoại (Từ trang SPSaigon)

Giai thoại 1 : NGÔI TRƯỜNG HÌNH CHỮ H             
Vào đầu năm 1969, sau một buổi họp giáo sư ở Đại Học Sư Phạm, tôi được cơ hội tiếp chuyện riêng với giáo sư Hồ Văn Huyên.  Ông chúc mừng tôi trong việc được giao phó trách nhiệm làm Hiệu Trưởng trường Sư Phạm Sài Gòn*.             Vị giáo sư khả kính đã cho tôi biết một chi tiết đặc biệt trong đề án xây cất SPSG:
Ông được tham dự trong đề án xây cất, đã đề nghị nhiều chi tiết của đề án.  Ông nói ngôi trường nầy, nếu nhìn từ trên cao xuống, chụp một không ảnh thì sẽ thấy một chữ H to lớn.
            Phần Trước của trường gần đường Thành Thái gồm những lớp học, và phòng thí nghiệm gồm cả dụng cụ giảng dạy.  Phần Sau của trường dùng làm phòng ngủ ở lầu trên cho giáo  sinh nội trú về từ các vùng xa, vì lúc đó trường nhận giáo sinh toàn quốc.  Lầu dưới dùng làm phòng ăn, nhà bếp và phòng vật dụng.
            Phần Trước và Sau nối liền nhau bằng Phần Giữa: Đai Giảng Đường.  Một số phòng thuộc phần lầu của giảng đường dùng làm phòng chiếu phim và thư viện.
            Cựu giáo sư, giáo sinh và nhân viên của trường đều biết rõ ba Phần vừa nói.  Nhưng chỉ có một số nhỏ biết về chuyện chữ H.
Giáo sư Hồ văn Huyên, là Hiệu trưởng của Ngôi Trường nầy trong một thời gian rất dài.  Ông “bật mí” điều “bí mật’ cho tôi về hình chữ H của Ngôi Trường:
            “Chữ H là là chữ đầu của họ và tên của Hồ Văn Huyên.  Nguyện vọng của thầy
 là ở mãi với ngôi trường nầy, sống hay chết, nên khi tham dự vào việc họa đồ kiến trúc, thầy đã đóng góp nhiều ý kiến sao cho chúng ta có một ngôi trường khang trang, tiện dụng, và . . . tên thầy gắng liền với Ngôi trường qua đề nghị chi tiết  cho đồ án.  Do đó hôm nay thầy có vài lời tâm sự với em, một sinh viên đã học với thầy, và vừa được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng của trường SPSG, một vinh dự cho thầy. Chúc em thành công”.
         
*Tôi là nhân viện giảng huấn ở Đại học Sư Phạm Sài Gòn từ tháng 9/1965 đến tháng 4,1975.    Trong khi nhận thêm nhiệm vụ hành chánh ở SPSG, tôi vẫn là giáo chứ của Đại học Sư Phạm.



  Thầy Nguyễn Hữu Phước  vai Trụ Vương – trong Kịch ngắn  Đắc Kỷ Ho Gà 
Giai thoại 2 : TỔNG THỐNG SỢ THẰN LẰN 
Năm 1958 Tổng thống Lý Thừa Vãn chánh thức viếng thăm Việt Nam. Ông tuyên bố với một số báo chí rằng tổ tiên của ông là người Việt Nam **. Chương trình tiếp rước có mục Tổng thống Ngô Đình Diệm trao tặng Tổng thống họ Lý văn bằng tiến sĩ danh dự.
Buổi lễ trao bằng danh dự sẽ được phủ Tổng thống VN tổ chức tại giảng đường Ngôi Trường Sư Phạm của chúng ta.  Tất cả vấn đề liên quan đến an ninh do Phòng An Ninh –PAN- của tổng thống phủ VN đảm trách.  PAN thông báo cho Hiệu trưởng Sư Phạm biết một chi tiết “mật” rất đặc biệt là Tổng thống họ Lý rất sợ “thằn lằn”.  Nếu rủi ro có một con thằn lằn rớt xuống gần chỗ ngồi của Lý tổng thống thì ông ta có thể . . . bất tỉnh. Do đó PAN sẽ gởi chuyên viên sát trùng đến diệt tất cả thằn lằn trong nóc giảng đường vài ngày trước buổi lễ.  Sau khi phần nhiệm của nhân viên an ninh xong xuôi, vào ngày kế tiếp, ông hiệu trưởng Sư Phạm lo xa, yêu cầu Sư Phạm Thực Hành lựa khoảng mười em học sinh lớp nhất, dùng giây thun và cọng kẻm bắn rơi các con thằn lằn còn sống sót, nếu có. Cứ mỗi con bị bắn rơi, học sinh sẽ được thưởng một quyển tập. Ngày tiếp theo, còn 2 ngày trước ngày đại lễ, học sinh đem vào nộp vài chục xác thằn lằn.  Thầy giáo phụ trách việc bắn thằng lằn hỏi các em học sinh là bắn thằn lằn vào lúc nào mà ông ta không hay.  Các em trả lời là “bắn hồi đêm qua, ở nhà của chúng em”.  Ông hiệu trưởng Sư Phạm, khi hay việc nầy, chỉ còn lắc đầu cười trừ, và cùng với thầy giáo phụ trách, tập hợp số học sinh đang có mặt, yêu cầu các em vào giảng đường
    ** Theo Wikipedia (Google) thì tổng thống Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của ông Lý Long Tường. Sử sách Việt Nam có ghi là khi Trần Thủ Độ, một vị quan tước cao cấp của triều Lý, thừa cơ hội suy sụp của nhà Lý đưa cháu là Trần Cảnh cưới vua Lý Chiêu Hoàng của nhà Lý (1009-1225), lật bà nầy, lên làm vua, lập ra nhà Trần (1226-1400).  Khi Trần Thủ Độ bắt đầu việc tiêu diệt giòng họ nhà Lý bằng nhiều cách, ông Lý Long Tường, một cựu Thái sư, và cũng là cựu đô đốc hải quân của nhà Lý biết âm mưu nầy, đem 6 ngàn thuộc hạ, thoát khỏi VN bằng hạm đội của ông.  Sau hơn một tháng, hứng chịu nhiều bão tố, đã đến được bờ biển phía Tây của Korea và được vua Korea cho trú ngụ.  Họ lập nghiệp ở đây và trở thành công dân Korea.  
                                                  (ảnh từ wikipedia-TT.Lý Thừa Vãn)
 Giai Thoại số 3 – PHÓ TỔNG THỐNG NCK QUÊN ĐEM DIỄN VĂN

Vào giữa năm1969, Phó Tổng Thống triệu tập một buổi hội thảo về văn hóa & giáo dục (1.*) tại giảng đường trường Sư Phạm Sài Gòn.
              Như thường lệ, Hiệu Trưởng –HT- SPSG sau lưng vị chủ tọa, lần nầy là Phó Tổng Thống – PTT Nguyễn Cao Kỳ.  Cạnh PTT là ông Tổng Quản Trị (2.**) nha Chuyên Viên. Ngồi cạnh tôi là Sĩ Quan Tùy Viên của PTT.
 Còn chừng 10 phút trước giờ khai mạc, PTT thò tay vào túi – tìm bài diễn văn.  PTT quay lại hỏi vị sĩ quan tùy viên: Toa có đem copy bài diễn văn?  Vị tùy viên mở tập hồ sơ ra, và trả lời xin lỗi vì không tìm thấy.  Ông Tổng Quản Trị -TQT- chưa kịp phản ứng thì tôi nói: Dạ tôi có bản sao (3.***), và tôi đưa bản nầy cho TQT chuyển qua PTT.  Ông nói khẽ: Thank you. Ông đọc lướt qua trang tóm tắt và cả 6 trang bài diễn văn chi tiết nhanh hơn tôi tưởng, và xếp đưa vị tùy viên lại trả lại tôi.
Ít phút sau, Ông lên micro, trong 30 phút, “nói về nội dung diễn văn”, và  tiếp tục nói thao thao, rộng ra về những  dự tính của ông trong việc phát triễn và canh tân giáo dục theo đường hướng thực tiễn; và việc trùng tu các di sãn văn hóa nhắm vào việc bảo tồn dài hạng. 
Thú thật với các đồng nghiệp trong ngành sư phạm, tôi chưa thấy một “giáo sư” nào trong đời tôi, “giảng bài” hay hơn PTT gốc quân nhân nầy trong ngày hôm đó (4****).
1.* Dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa của Việt Nam do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo, Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đặc trách ba Hội Đồng qua một đạo luật của Quốc Hội Lập Hiến: HĐ Văn Hóa & Giáo Dục, HĐ Kinh Tế Xã Hội & Hội Đồng Các Sắc Tộc.
2.** Nha TQT, trong phủ Phó Tổng Tống do một vị TQT phụ trách, có nhiều chuyên viên với nhiệm vụ rõ ràng là:
A .Thu thập tài liệu cần thiết, đúc kết các vấn đề cần thảo luận hay cần thêm ý kiến của các  Hội Viên của Hội Đồng để các vị nầy bàn thảo và hoạch định các chương trình thực tế trong việc cải tiến các lãnh vực liên hệ.  B:Thu thập tài liệu liên hệ, làm bản đúc kết đệ trình PTT, hoặc sơ thảo bài diễn văn ngắn gọn nhưng xúc tích để PTT đọc. C:Giúp ông Tổng Quản Trị trong việc tổ chức các buổi hội thảo và các cuộc thăm viếng di sản văn hóa VN và D:Ông TQT có trách  nhiệm duyệt, sửa đổi, và chịu trách nhiệm về tất cả nội dung các diễn văn rồi chuyển lên vị Chánh Văn Phòng của PTT.  3.*** Bài diễn văn nầy có tài liệu gốc do một số chuyên viên của nha TQT  sưu tầm và  ông TQT giao cho tôi soạn thảo. Nhưng chuyện tôi có một bản sao trong túi chỉ là một chuyện tình cờ. Ông Nguyễn Thái Long, Tổng Quản Trị, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ban Sử Địa, và là bạn cùng khóa với tôi, có mời tôi và một ít giáo sư khác làm chuyên viên “bán thời gian on call” ngoài giờ làm việc khi nào công việc ở nha TQT bị tràn ngập.
 Công việc chính của tôi là ở SPSG & Trung Tâm Tu Nghiệp Giáo Chức toàn quốc từ 1/1969 đến cuối 12/1971 – tròn 3 năm. Tôi chỉ dạy vài lớp ở ĐHSPSG trong thời gian nầy.  Trên phương diện hành chánh trên giấy tờ chính thức của Bộ Giáo Dục & Viện Đại Học Sài Gòn, tôi luôn luôn là nhân viên giảng huấn của Đại Học Sư Phạm SG từ 9/1965 đến 4/1975.
4.**** Đây là khả năng đặc biệt của PTT. NCK. Đôi khi trong những buổi tọa đàm với nhóm nhỏ trong sân tennis, hay khi phát biểu về những ý kiến chánh trị PTT nói nhiều câu “bạt mạng” gây khó chịu cho nhiều cá nhơn hay đoàn thể chánh trị.
                                             (PTT.Nguyễn Cao Kỳ,ảnh từ wikipedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét