3 thg 9, 2016

Tinh Thần Miễn Phí & Lòng Tự Trọng

Ngạn ngữ phưong Tây có câu “Không có bữa trưa miễn phí!”. Câu nói hàm ý, chúng ta đều phải tự thân vận động, không nên trông chờ vào bất cứ thế lực nào thuộc ngoại giới. Ý thức phải đứng trên chân của mình là ý thức tối cần thiết để làm nên một con người công chính đúng nghĩa. Tự mình, không trông chờ người khác không chỉ khiến mình chủ động trong mọi vấn đề của cuộc sống, mà nó còn là yếu tố tiên quyết làm nên sự tự trọng.
Muốn có được sự tôn trọng từ ngoại giới, trước tiên phải tự trọng. Không có sự tự trọng, không bao giờ có được sự tôn trọng. Người Nhật cất cánh từ đống hoang tàn của đổ nát chiến tranh chính vì lòng tự trọng, tinh thần Samurai, chứ không phải sự tự hào. Người Nhật không dậy nhau lòng tự hào, mà họ dậy nhau lòng tự trọng.
Người Việt chúng ta, ngược lại, luôn được dậy dỗ về lòng tự hào mà quên tiệt nhắc nhau về sự tự trọng. Chúng ta tự hào quá nhiều, tự hào về dân tộc thông minh cần cù dũng cảm, tự hào về truyền thống tốt đẹp nhân văn nhân ái (?), thậm chí tự hào rất tếu táo, hẳn chúng ta còn nhớ khi Đặng Thái Sơn được giải Chopin, chúng ta đã đi quá đà thế nào, chúng ta quên tiệt ngay lập tức rằng tuyệt đại đa số dân ta điếc nhạc cổ điển, thậm chí phần lớn dân ta còn chẳng biết Chopin là ai. Và những ngày này, khi Hoàng Xuân Vinh đoạt huy chươnng vàng Olympic, lập tức chúng ta có cảm giác thể thao Việt Nam đã cất cánh, chúng ta quên ngay rằng, người Việt Nam nằm trong nhóm dân lười thể dục nhất thế giới.
Trong khi người phương Tây dậy nhau “không có bữa trưa miễn phí” thì “tinh thần miễn phí” đang được cổ vũ, hoan nghênh nhiệt liệt ở ta. Ở Việt Nam, có vẻ như “tinh thần miễn phí” là một qui tắc đạo đức.
Nhà nhà làm từ thiện, từ thiện như một thứ mode, như là thước đo nhân cách, như là phương tiện làm đẹp… dứt khoát không phải là một tâm lí lành mạnh. Tệ hơn, nó làm cho sự tự trọng của xã hội bị suy giảm. Có thể nào tự trọng khi người ta dễ dàng nhận những lợi ích miễn phí, thản nhiên nhận của bố thí? Tệ hơn nữa, không chỉ không tự trọng, mà còn nẩy sinh tâm lí ỷ lại, tâm lí đổ thừa hoàn cảnh, coi sự giúp đỡ là trách nhiệm của người khác. Khi những tâm lí đó hình thành và phát triển, người ta mất hẳn ý thức tự thân.
Khi MC Tạ Bích Loan đặt câu hỏi vô cùng xác đáng: “Làm từ thiện để làm gì?”, lập tức một làn sóng công phẫn nổi lên. Họ công kích, “ném đá” người đặt ra câu hỏi này. “làm từ thiện để làm gì”, “làm từ thiện cho ai” có phải là những câu hỏi dễ trả lời, những câu hỏi vô tâm không? Không, ngược lại, nó là những câu hỏi không dễ trả lời và cần thiết trong bối cảnh từ thiện đua nhau theo mốt một cách nhếch nhác như hiện nay (bỏ qua việc nhiều kẻ núp bóng từ thiện để làm ăn).
Khi chúng ta quá quen với miễn phí, ta nẩy sinh tâm lí nhìn đâu cũng đòi hỏi miễn phí. Dễ dãi với “tinh thần miễn phí” sinh ra những biến tướng khó lường,thậm chí trộm cắp cũng nẩy sinh từ tâm lí này.
Đường đường là đài truyền hình quốc gia nhưng thản nhiên “nhặt” hình ảnh (tác phẩm) của người khác, khi bị phát hiện, chẳng những không phục thiện tiếp thu mà còn lớn tiếng mắng mỏ nạn nhân. Đường đường là nhà thơ có tên, thản nhiên “nhặt” nguyên bài thơ của người khác. Thậm chí, có ca sĩ cố tình “nhặt” nhạc của nước ngoài, thản nhiên coi đó là công cụ “câu view”, công cụ để nổi tiếng.
Trong các loại ăn cắp, thì ăn cắp trí tuệ (bản quyền) là thứ ăn cắp đáng ghê tởm nhất, nó vừa bất thiện lưu manh vừa vô liêm sỉ.
Có nên đáng báo động về sự vô liêm sỉ  không khi mà truyền hình quốc gia, nhà thơ có tên, ca sĩ có tuổi coi việc ăn cắp không phải việc đáng xấu hổ?
Có thừa thãi không khi ta đặt câu hỏi chất vấn về “tinh thần miễn phí”?
Từ thiện tràn lan, miễn phí bừa bãi, trà đá miễn phí, bình nước miễn phí, tủ thuốc miễn phí, bánh mì miễn phí, cơm miễn phí và vô số các hoạt động từ thiện bát nháo… v.v tuy nhỏ nhặt nhưng nó lại làm nên những tâm lí chẳng đáng coi là nhỏ chút nào. Sự ỷ lại không bao giờ nên được coi là nhỏ nhặt. Hẳn chúng ta chưa quên bài học từ thiện từ vụ sập cầu Cần Thơ? Đồng tiền từ thiện bừa bãi đã làm nẩy sinh bi kịch ra sao, làm méo mó nhân dạng thế nào!
Đã đến lúc chúng ta cần hiểu, và xác định rằng, đạo đức là không làm tổn hại người khác chứ không phải nhăm nhăm ban phát lòng thương hại.
Khi tinh thần miễn phí được cổ vũ, thì từ những miễn phí nhỏ nhặt sẽ dẫn tới những đòi hỏi miễn phí lớn lao. Lười biếng, lười học lười đọc lười phấn đấu nhưng luôn luôn đòi hỏi. Bản thân xấu xí nhưng lại chăm chỉ lên án. Sự kém cỏi của bản thân luôn luôn được tìm cách đổ thừa. Tại sao có hiện tượng người Việt ghét người Trung Quốc? Báo chí, mạng xã hội ra rả nhan nhản những lời lên án, sỉ vả những thói xấu của người Trung Quốc là tại sao? Nguyên nhân sâu xa nhất là, người Việt thấy hình ảnh của mình trong hình ảnh của người Trung Quốc. Tất cả mọi xấu xa của người Trung Quốc đều có đầy đủ ở người Việt (nếu không muốn nói, ở người Việt còn trầm trọng hơn nhiều) nhưng khi tố người Trung Quốc xấu xí, người Việt có cảm giác mình bớt xấu, thậm chí họ còn đổ thừa, rằng người Việt xấu là tại người Trung Quốc (đã có nhà báo viết như vậy).
Tinh thần miễn phí được cổ vũ, từ những cái miễn phí lặt vặt, sự lười biếng và tinh thần ỷ lại khiến chúng ta đang đòi hỏi thứ miễn phí to lớn. Chúng ta đang đòi hỏi dân chủ miễn phí, tự do miễn phí mà quên tiệt nguyên tắc “Freedom is not Free”, tự do không miễn phí.
Nói chúng ta đang đòi hỏi tự do miễn phí bởi vì chúng ta có chịu hiểu tự do là gì đâu, có thật sự biết mình là ai, mình như thế nào đâu? Chúng ta đòi hỏi dân chủ trong khi chúng ta còn chưa biết làm chủ bản thân, và luôn hiểu rằng tự do dân chủ là muốn làm gì thì làm.
“Chỉ sợ quốc dân quí quốc không đủ tư cách độc lập…”, hơn trăm năm trước Lương Khải Siêu nói với Phan Bội Châu như thế, tới nay vẫn thấy đúng. Nó đúng vì chúng ta đang chờ đợi dân chủ tự do từ sự ban phát chứ không phải từ chính chúng ta.
Hơn bao giờ hết, người Việt chúng ta cần chấm dứt ngay mọi tự hào, chấm dứt dậy dỗ nhau lòng tự hào mà cần nhắc nhau, dậy nhau lòng tự trọng. Chỉ có tự trọng mới khiến ta sửa mình, phấn đấu, và từ đó là thay đổi.

VVQ.
(Từ CAFEKUBUA.COM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét