“
Về quê ăn Tết, tôi rất vui mừng một bạn FB ở Hà Nội gởi tặng tôi một đứa con tinh thần ngày xưa, quyển Tư Tưởng Sư Phạm do tôi dịch., tác giả là E. Hazan, nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 1972. Lần giở mấy trang sách bạc màu, tôi nhớ lại thời quá khứ, dạy học, viết văn, làm sách, quá khứ tôi đã quên hơn 40 năm sống tại Mỹ.
Về quê ăn Tết, tôi rất vui mừng một bạn FB ở Hà Nội gởi tặng tôi một đứa con tinh thần ngày xưa, quyển Tư Tưởng Sư Phạm do tôi dịch., tác giả là E. Hazan, nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 1972. Lần giở mấy trang sách bạc màu, tôi nhớ lại thời quá khứ, dạy học, viết văn, làm sách, quá khứ tôi đã quên hơn 40 năm sống tại Mỹ.
Sách tóm lược tư tưởng Sư Phạm của nhiều nhà giáo lớn trên thế giới, suy tư về các vấn đề giáo dục. Họ lớn vì họ bất tử. Những tư tưởng của họ vượt thời gian, vẫn còn đáng cho các thế hệ Nhà Giáo sau này suy ngẫm, đồng ý hay không đồng ý. Sau đây mời các bạn đọc tư tưởng giáo dục của một nhà giáo lớn của Mỹ, đã ảnh hưởng sâu xa cải tổ giáo dục thời hiện đại ở đây”.
John Dewey là một nhà giáo lớn của Mỹ. Ông là người mở đường cho khoa Sư Phạm Cấp Tiến, và được quan niệm như người cầm cờ cho phong trào Giáo Dục Mới. Năm 1952 đánh dấu sự ra đi của hai nhà giáo lớn thời hiện đại, bà Montessori người Ý và John Dewey, người Mỹ.
John Dewey được xem như là nhà giáo lớn nhất nước Mỹ. Ông sanh ngày 20 tháng 10 năm 1859 tại Burlington tiểu bang Vermont. Lúc ban đầu ông thích Triết học và giảng dạy môn này tại đại học Minnesota và Michigan. Tuy nhiên ông quan tâm đến sư phạm và các phương pháp giáo dục mới, do vợ của Ông là cô giáo đang thực hành trước mắt Ông.
“Như vậy chúng ta không ngạc nhiên tại sao vào năm 1894, khi Ông được mời giữ chức vụ Trưởng ban Triết Học, Tâm Lý Học và Sư Phạm tại Viện Đại Học Chicago, hành động đầu tiên của Ông là lấy ý kiến của Kant, và tạo dựng trường Tiểu Học thực nghiệm đầu tiên trên thế giới gắn liền với một Viện Đại Học.
John Dewey cũng là một người Thực Dụng cũng như William James, một người tin tưởng nơi khoa Tâm lý sinh thành (Psychologie genetique) cũng như Baldwin, một người có niềm tin sắt đá rằng học đường cần phải được cải tổ để làm tròn sứ mạng của nó.
Ông tin tưởng rằng cải tổ lớn lao nhất cần phải thực hiện là làm sao học đường đào tạo được những công dân tự do cho chế độ dân chủ ngày mai, một chế độ sáng suốt hơn và hạnh phúc hơn chế độ hôm qua. Ông đã diễn tả niềm tin đó trong quyển "Cương lĩnh Sư Phạm" (Credo pedagogique), một quyển sách đã biến Ông thành người cầm cờ cho phong trào Học Đường Mới từ năm 1897.
Tôi xin trích lại đây một vài đoạn: "Tôi tin tưởng rằng giáo dục là một tiến trình của sự sống chớ không phải chuẩn bị cho sự sống. Tôi tin tưởng rằng những ý tưởng là kết quả của hành động. Tôi tin tưởng rằng vấn đề phương pháp Sư Phạm có thể được giản lược vào vấn đề phát triển những khả năng và những quan tâm của Trẻ.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 126-127).
Những gì Dewey tóm tắt trong quyển sách "Cương lĩnh Sư Phạm", Ông đã bỏ cả đời để triển khai trong những bài giảng và những tác phẩm khác của Ông, như “School and Society” (Học đường và Xã hội), “Democracy and Education” (Dân Chủ và Giáo Dục), “The Child and the Curriculum” (Trẻ và Chương trình học), “Experience and Nature” (Trãi Nghiệm và Thiên Nhiên), “Experience and Education” (Trãi Nghiệm và Giáo dục) v.v..
“Ở đây chúng tôi chỉ làm công việc rất khiêm tốn là tóm tắt một quyển sách được quan niệm như tiêu biểu nhất cho quan niệm triết lý giáo dục của Ông mà thôi. Chúng tôi lựa chọn quyển "Học đường ngày mai” (Les écoles de demain) vì những lý do mà R. Duthil đã nói trong lời nói đầu của người dịch: Nếu quyển “Schools of tomorrow” được dịch chớ không phải một quyển khác, đó là tại vì tác giả đã chỉ định chúng tôi quyển sách này, ở đó những nguyên tắc và áp dụng được gắn bó với nhau chặt chẽ. Như vậy độc giả sẽ tìm thấy ở đây một sự dẫn nhập, đưa vào khoa Sư Phạm lý thuyết và thực hành của học đường mới, ngoài ra chúng tôi còn gom 11 chương của quyển sách nầy chung quanh những công thức, mà Dewey yêu thích nhất.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 127-128).
Nguyên tắc thứ nhất của Dewey: Giáo Dục không phải là sự chuẩn bị cho đời sống, mà chính là đời sống. “Các bạn hãy ngừng đừng quan niệm Giáo Dục như sự chuẩn bị cho đời sống sau này, và các bạn hãy làm cho nó trở thành đời sống hiện tại. Ý nghĩ nầy rằng Giáo Dục phải đặt nền trên những khả năng tự nhiên của Trẻ, do đó trên sự nghiên cứu tuổi thơ, là ý nghĩ chánh yếu của Giáo Dục Mới.
Giáo dục cần hướng về hiện tại, hướng về sự chuyển động, tập luyện cơ thể và hoạt động giác quan, những nền tảng cần thiết cho óc phán đoán, và lý trí.
Đáp ứng cho những nhận định tổng quát nầy, chúng ta thấy có hai cuộc thí nghiệm được thực hiện vào đầu thế kỷ 20 nầy, một do bà Johnson thực hiện tại Fairhope thuộc tiểu bang Alabama, một do Giáo sư J. L. Meriam thực hiện tại trường tiểu học Columbia thuộc Viên đại học Missouri.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 128-129).
Nguyên tắc thứ nhì của Dewey: Giáo dục không phải là thu nhận, mà là hành động, học bằng cách làm. Làm đây có nghĩa là hành động.
“Dewey nhắc tới những cố gắng của Froebel và Pestalozzi muốn thực hiện ý tưởng của Rousseau trong học đường, và ghi nhận rằng phương pháp giáo thụ dạy môn Vạn vật vả Tập đọc theo kiểu cổ truyền không dựa vào những động lực tự nhiên bộc phát của Trẻ.
Theo Dewey hoạt động có nghĩa là sáng kiến, điều nầy bao hàm một quan niệm hoàn toàn mới về kế hoạch học và chương trình học. “Sự học phải là điểm kết thúc của những kinh nghiệm mỗi ngày của Trẻ. Vai trò của học đường là đi từ những kinh nghiệm ngây thơ này, và tổ chức chúng lại thành khoa học, địa lý, toán học hay những kiến thức khác.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 132).
Theo Dewey trẻ con thích những trò chơi. Đây là hình thức hoạt động bình thường của Trẻ. Do đó nó cần chiếm địa vị số một trong học đường. "Chính vì vậy mà hoạt động của Trẻ tại Vườn Trẻ gắn liền với trường Sư Phạm thuộc Viện Đại Học Colombia hay tại Play School của cô Pratt ở New York, đều qui về những con búp bê hay những trò chơi xây cất, trong lúc đó những lớp lớn tại trường Francis Parker, hay trường Howland tại Chicago, người ta dùng kịch và trò chơi ảo tưởng để thúc đẩy việc diễn tả bằng ngôn ngữ, bài học thuộc lòng, và cả lịch sử nữa.
Quan niệm này của Dewey về hoạt động tự do, phát lộ nhân cách và giúp nhà giáo hiểu biết cá nhân của mọi trẻ, thật ra không phải là một quan niệm mới mẻ hoàn toàn. Montessori đã áp dụng phương pháp để Trẻ tự do hoạt động trong những trường học của Bà.
Trong những trường học Montessori Trẻ được tự do chọn lựa việc làm của mình, và kỷ luật không được quan niệm như tuân hành một cưỡng chế, mà được quan niệm như là khả năng sử dụng sự độc lập của mình. Dewey nhìn nhận điều này. Nhưng Ông vạch rõ những khác biệt giữa Ông và các Nhà Giáo Hoa Kỳ với Bà Montessori. Ông bác bỏ những dụng cụ của nhà giáo Ý Đại Lợi Maria Montessori, vì theo họ mỗi dụng cụ này chỉ tập luyện cho giác quan hay một cơ năng mà thôi, và như vậy sẽ cản trở sự tự do sáng tạo của Trẻ, và cô lập Trẻ, làm cho Trẻ xao lãng và có thể nói không biết gì hết về những vấn để thật sự của đời sống, mà muốn giải quyết những vấn đề nầy Trẻ cần hợp tác với nhiều Trẻ khác.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 133).
Nói cách khác trường Montessori không chú trọng đến khía cạnh xã hội hóa, sự hợp tác của Trẻ với các Trẻ khác để giải quyết vấn đề, để sống. Nguyên tắc giáo dục thứ ba của Dewey là giáo dục không phải là cá nhân hóa mà là xã hội hóa, học đường là xã hội.
“Theo Ông bổn phận đầu tiên của học đường là dạy Trẻ sống trong khung cảnh của nó, dạy Trẻ vai trò nó phải đảm nhận trong đó, và bắt đầu thích nghi với khung cảnh này. Thế nhưng tổ chức học đường hiện tại trốn tránh trách nhiệm này. Học đường mù tịt sự hiện hữu, những như cầu, lý tưởng của xã hội dân chủ và khoa học ngày nay. Vì vậy liều thuốc bắt buộc là xã hội hóa Giáo Dục.
Chúng ta phải thay đổi 3 điều trong học đường cũ, nếu chúng ta muốn học đường phản ảnh xã hội ngày nay: trước hết là những môn giảng dạy, kế đó là cách thức Thầy Cô giảng dạy, sau cùng là cách thức học trò học những bài này. Những môn học cần phải đáp ứng với nhu cầu thể xác và tinh thần của Trẻ. Thầy Cô không chỉ thuyết minh rồi bắt học trò học thuộc lòng, sau đó trả bài cho mình. Học trò phải hoạt động, chớ không thụ động tới lớp ngồi nghe mà thôi.
Hậu quả thứ hai của phương pháp Dewey là học đường trở thành một trung tâm xã hội. Dewey nêu thí dụ trường công số 26 ở Indianapolis, một trường chỉ thâu học trò da đen nghèo, nhưng trở thành gương mẫu nhờ một số thực hiện đáng kể: những công việc thủ công hữu ích do học trò làm sau giờ học, học trò tham gia nấu bếp cho quán ăn học sinh, tinh thần hợp tác giữa học sinh và người lớn, mỗi đứa lớn có nhiệm vụ đỡ đầu cho một đứa nhỏ, lớp đêm cho tráng niên, Hội những người bạn của trường, Hội cựu học sinh, Hội phụ huynh học sinh v.v..
Hậu quả thứ ba của Dewey là học đường phải thích nghi với cuộc cách mạng kỹ nghệ thời hiện đại. Dewey nói: "Ngày nay sự cải cách phải do sự làm việc mà có: Mỗi người phải kiếm ăn một cách thông minh, trong mối liên hệ với người đồng loại, mà không quên phần khoa học trong hoạt động của mình.”
Ngày nay phần đóng góp của kỹ nghệ vào đời sống mới quan trọng tới nỗi chúng ta cần phải có một sự giáo dục khoa học và một sự giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên chúng ta cũng nên tránh say mê kỹ thuật quá lố. Vấn đề thích nghi trở lại nền giáo dục phải được định vị giữa hai thái cực: một nền giáo dục từ chương thừa hưởng từ quá khứ, và nền giáo dục thực tế hẹp hòi. Thật vậy vấn đề không phải là chuẩn bị cho mọi người một nghề, mà là sử dụng môi trường toàn diện trong đó đứa trẻ sống, nhằm đem tới cho sự lao động một lợi thú và một tầm quan trọng; thế giới những ý tưởng trở thành hấp dẫn, khi những tương quan giữa nó và thế giới hành động xuất hiện rõ ràng.
Nhiều cuộc thi nghiệm đã chứng tỏ rằng giáo dục bằng sự lao động (Travail) không phải là một giấc mơ hão huyền: cuộc thí nghiệm của Gary, ở đó học sinh học làm bếp, may vá, đóng bàn ghế, học rèn, máy móc, vẻ, học giữ sách, in sách, học đánh máy và tốc ký; cuộc thi nghiệm ở Chicago ở đó phần lớn số giờ học được dành cho các môn thủ công, môn nầy chiếm phân nửa số giờ học; cuộc thí nghiệm ở Cincinatti ở đó học sinh học một tuần ở trường và làm việc một tuần trong các cơ xưởng kỹ nghệ thật ngoài đời.
Nguyên tắc thứ tư của Dewey là giáo dục tự do. Tới chương sau cùng của quyển sách của Ông, Dewey nhấn mạnh tới những điểm giống nhau giữa những trường học đã được nêu ở trên: tầm quan trọng dành cho sức khỏe thể xác của học sinh, giáo dục tinh thần bằng thể xác và giáo dục thể xác bằng tinh thần, thả lỏng những khả năng bẩm sinh, kiến thức đạt tới bằng hoạt động, làm tròn nhiệm vụ vì nhiệm vụ chớ không phải nhắm một phần thưởng nào, giải quyết vấn đề chú ý của học sinh không bằng sự cưỡng chế mà do lợi thú nội tại của công việc. Tất cả những nguyên tắc này đều phát xuất từ Rousseau, và cũng như ở Rousseau, điểm chánh yếu mà các học đường ở Hoa Kỳ nhắm tới, đó là sự thành công của cá nhân. Mục đích của học đường Mỹ là giúp học sinh của mình thành công trên đường đời, với tánh cách là một người, và với tánh cách một công dân.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 134-136).
Rousseau đào tạo một đứa trẻ hạnh phúc cá nhân. Dewey đi xa hơn, chủ trương cá nhân sống trong xã hội, gắn liền với xã hội, cho nên hạnh phúc cá nhân phải đi kèm với hạnh phúc của xã hội. Đối với một nhà giáo có ý thức thật sự những vấn đề liên hệ tới chế độ dân chủ, điểm quan trọng nhất là thiết lập giữa Trẻ và Môi trường một sợi dây liên hệ càng thông minh và đầy đủ càng tốt, làm cho Trẻ hạnh phúc đồng thời với Cộng đồng.Thiết lập sợi dây liên hệ này, đó là vai trò của Giáo Dục. Trong một chế độ dân chủ mỗi công dân đều có phần trách nhiệm của mình trong việc quản trị và điều hành cộng đồng. Do đó mỗi người phải nhận lãnh một sự đào luyện giúp cho mình làm tròn trách nhiệm này, sự đào luyện đem tới cho mình một ý tưởng đứng đắn về những nhu cầu và những điều kiện của cộng đồng, và cung cấp cho mình những khả năng làm tròn phận sự trong việc quản trị công việc chung.Chính vì vậy mà học đường cũ không còn đáp ứng được những như cầu của xã hội hiện tại. Vì nó phát triển những đức tánh như ngoan ngoãn và phục tòng, nên nó chỉ phù hợp với những quốc gia độc tài mà thôi. Quốc gia chúng ta ngày nay dựa vào nguyên tắc Tự Do, nhưng khi ở học đường chúng ta chuẩn bị quốc gia ngày mai, chúng ta lại hạn chế sự Tự Do này tới mức tối thiểu.” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 137-138).Dewey chú trọng nhiều đến vấn đề giáo dục tầng lớp lao động. Ông nhận thấy trong xã hội có hai nền giáo dục khác nhau, một cho lớp khá giả được xã hội ưu đãi, học nhiều từ chương và lý thuyết, và một cho tầng lớp nghèo, học nghề nghiệp để kiếm cơm. Dewey không phải là một nhà giáo cách mạng theo lối đảng Cộng Sản, chú trọng dạy người lao động làm lao động, và thù ghét người giàu, muốn lấy tiền của người giàu để phân phát cho mình. “Thật là một sai lầm lớn nếu chúng ta kết luận rằng Dewey là một nhà giáo cách mạng. Không có ai quan tâm đến sự đoàn kết xã hội bằng Ông. Không nên có hai hệ thống giáo dục, một dành cho trẻ con gia đình khá giả, và một dành cho trẻ con gia đình lao động. Lối giáo dục từ chương quá lố đối với một số trẻ, và lối giáo dục thực hành và cụ thể quá lố đối với một số trẻ khác sẽ tạo sự chia rẽ trầm trọng giữa con người với nhau, trong cách tư tưởng của họ, trong cách hành động của họ, cũng như trong ước vọng, và chân trời trí thức của họ.Có phải nói như vậy Dewey đã xác nhận niềm tin của mình rằng nền giáo dục ngày mai phải là một nền Giáo Dục nhân bản không?” (trích Tư Tưởng Sư Phạm, nxb Trẻ năm 1972 ở Sài Gòn, trang 139).
44 năm sau khi dịch và xuất bản quyển Tư Tưởng Sư Phạm, đọc lại bài này, tôi thấy tiếc nuối nền giáo dục miền Nam ngày xưa quá. Mục tiêu giáo dục của miền Nam không phải là gieo hận thù giữa người Việt Nam với nhau, không chú trọng đến hận thù giai cấp, không phục vụ một giai cấp nào để lật đổ, và đấu tố giai cấp kia, tạo sự chia rẽ trầm trọng trong xã hội. Ba mục tiêu giáo dục của miền Nam ngày xưa là Dân Tộc, Nhân Bản, và Khai Phóng. Tôi sẽ có dịp bàn luận về những mục tiêu giáo dục này trong một dịp khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét