9 thg 5, 2018

Những nghề sắp ‘tuyệt chủng’ trên thế giới


Nhiều nghề từng rất thịnh hành, thậm chí đem lại nguồn thu nhập dồi dào ở một vài nơi trên thế giới đang có nguy cơ biến mất do sự bùng nổ của các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại.
Báo Hindustan Times điểm lại một số nghề sắp bị “tuyệt chủng” như vậy:
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 0
Mohammad Ashgar, 65 tuổi là một phu kéo xe ở Kolkata, Ấn Độ. Xe kéo bằng tay từng là một phương tiện đi lại phổ biến ở Ấn Độ hồi thế kỷ 19. Tuy nhiên, phương tiện giao thông này hiện chỉ còn tồn tại duy nhất ở Kolkata và ông Ashgar nằm trong số rất ít người còn kiếm sống dựa vào nó. Số lượng phu kéo xe ở Kolkata đang suy giảm mạnh do sự thịnh hành của loại xe taxi vàng nổi tiếng trong vùng cũng như những dịch vụ chuyên chở hiện đại, thuận tiện hơn như Uber.
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 1
Đôi bàn tay của bà Delia Veloz gần như đã mất hết dấu vân tay do liên tục phải chà xát quần áo bẩn lên những phiến đá ráp ở một cơ sở giặt là công cộng, cổ xưa tại Quito, Ecuador. Người phụ nữ 74 tuổi này là một trong số ít người còn lại ở Ecuador vẫn làm công việc giặt giũ thủ công, thô sơ như vậy. Ngày càng hiếm gặp người làm nghề này do sự xuất hiện phổ biến của các máy giặt gia đình.
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 2
Trên một đường phố ở Bogota, Colombia, bà Candelaria Pinilla, 63 tuổi cho một tờ giấy trắng vào chiếc máy đánh chữ Remington Sperry cũ kỹ và bắt đầu gõ. Cách đây rất lâu, các “thư ký đường phố” giống như bà từng đóng một vai trò trọng yếu. Mọi loại giấy tờ cá nhân, các hợp đồng, tờ khai thuế… trước kia đều qua tay họ. Họ từng tìm được cách vượt qua mọi thử thách để tồn tại đến bây giờ, nhưng có lẽ sắp phải bỏ nghề vì sự bành trướng của Internet và các phương tiện in ấn hiện đại.
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 3
Tình trạng thiếu nước tại những khu dân cư nghèo nhất ở Kenya suốt 18 năm qua đã mang lại cơ hội kiếm cơm cho Samson Muli, một người bán nước ở Nairobi. Thu nhập từ nghề này không nhiều. Muli mua một can nước hết 5 Shilling (0,05 USD) và bán lại nó với giá 15 Shilling (0,15 USD), nhưng công việc giúp anh trả được học phí cho các cong đúng hạn. Với sự phát triển dần dần của Kenya, bao gồm cả quá trình lắp đặt các đường nước máy ở hầu hết các khu dân cư, thời gian để Muli tiếp tục kiếm sống được bằng nghề bán nước hiện chỉ tính bằng ngày.
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 4
Syed Zafar Shah, 40 tuổi là chủ của một cửa hàng chuyên mua bán, sửa chữa các loại máy hát cổ cùng đĩa than dùng cho chúng ở Dehli, Ấn Độ. Từng là phương tiện duy nhất để phát các đoạn ghi âm vào cuối thế kỷ 19, máy hát hiện nay thường chỉ được một số ít người hoài cổ lùng mua. Nó đang dần biến mất trước sự thống trị của các loại loa tăng âm và máy phát, nghe nhạc hiện đại.
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 5
Nhà sản xuất biển neon Wu Chi-kai là một trong những nghệ nhân cuối cùng làm nghề này ở Hong Kong, một thành phố được mệnh danh là “không bao giờ tối” nhờ sự chiếu sáng của ánh đèn nhân tạo suốt 24 tiếng mỗi ngày. Trong 30 năm làm nghề của Wu, đèn neon từng thống trị mọi góc phố, quảng cáo cho mọi thứ, từ nhà hàng tới phòng chơi mạt chược. Tuy nhiên, việc đèn LED ngày càng thịnh hành khiến nhu cầu về các chuyên gia như anh Wu ngày càng ít.
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 6
Vicky Luthra, một chuyên gia rửa ảnh và in ấn đang cầm một bức ảnh đen trắng bên trong phòng tối tại tiệm in ảnh của ông ở New Delhi, Ấn Độ. Vào thời đại của ảnh kỹ thuật số và các phương tiện in ấn ảnh lấy ngay như hiện nay, họa hoằn lắm mới có một vài thợ ảnh mang phim chụp tới cửa hàng của Luthra để nhờ ông rửa ảnh.
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 7
Ian Bell là một kỹ sư đốt đèn gas thuộc Công ty khí đốt Anh ở London. 1.500 ngọn đèn gas với một vài trong số chúng đã hơn 200 tuổi hiện vẫn tiếp tục chiếu sáng các góc phố ở thủ đô Anh. Toàn bộ việc thắp sáng chúng được thực hiện một cách thủ công, do nhóm 5 kỹ sư dưới quyền Bell đảm nhiệm.
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 8
Syed Ahmed, 50 tuổi là chủ và cũng là người trực tiếp vận hành một máy in dập nổi ở Delhi, Ấn Độ. Chỉ còn 5 người làm nghề như ông trong thành phố. Ahmed nói, ông cũng là thành viên cuối cùng trong gia đình tiếp nối nghề truyền thống này. Kể từ khi Johannes Gutenberg phát minh ra in ấn vào giữa thế kỷ 15, phương pháp in dập nổi vẫn được sử dụng rộng rãi cho việc xuất bản các tờ báo và tạp chí cho tới khi bị các thiết bị in số hóa lấn lướt.
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 9
Nenan Jovanov, 70 tuổi đã trải qua 64 năm sống cùng tiệm nước hoa sản xuất thủ công của gia đình. Ông là thế hệ thứ ba trong gia tộc theo nghề này ở Belgrade, Serbia. “Trước đây từng có tới 23 tiệm nước hoa thủ công kiểu này ở Belgrade, nhưng hiện chỉ còn duy nhất cửa hàng của tôi”, ông Jovanov cho biết.
Những nghề sắp 'tuyệt chủng' trên thế giới - Ảnh 10
Subir Singh, 35 tuổi là một giáo viên dạy tốc ký ở Faridabad, Ấn Độ. Ra đời từ cách đây gần 2 thế kỷ, tốc ký từng là phương pháp ghi chép thiết yếu đối với bất kỳ người nào làm việc cho chính phủ hoặc các tòa án, doanh nghiệp ở nước này. Tuy nhiên, ngày nay, với sự thịnh hành của máy tính, máy ghi âm và các ứng dụng khác, chẳng mấy người quan tâm học kỹ năng tốc ký nữa.

Tuấn Anh
Nguồn: VietnamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét