4 thg 9, 2023

QUA SÔNG MÊ- Trần Công Trí (TC.Da Màu )

 Tính ra, từ trước đến giờ, tôi đã chuyển ngữ được hàng chục truyện ngắn và kịch từ nhiều thứ tiếng, nhiều tác giả, nhiều thể loại, nhiều đề tài, và từ nhiều nước khác nhau, rải rác từ Bắc Mỹ, châu Mỹ La Tinh, qua đến châu Âu, thậm chí cả châu Phi nữa. Tôi đã được chìm đắm vào thế giới ngôn ngữ và văn hoá muôn màu muôn vẻ của những miền đất xa lạ, vui buồn với cuộc đời của các nhân vật trong những tác phẩm đó, và nghiệm ra rằng, ở đâu đi nữa, ai cũng san sẻ với nhau thân phận con người. Thế nhưng, ngoài sự đồng cảm đó, tôi vẫn thấy thiêu thiếu một điều gì mà chưa định nghĩa rõ ràng được.

       Mới đây, tôi tìm ra được một truyện ngắn của nhà văn Silvestri Beltrán, rất đỗi tình cờ. Tôi quyết định dịch câu chuyện này ở đây, vì nhiều lý do. Thứ nhất, sau khi tìm hiểu thêm về gốc gác của truyện ngắn này, tôi được biết đây là truyện ngắn đầu tiên và duy nhất được viết bằng tiếng Palenquero, thổ ngữ của người dân sống trong một ngôi làng nhỏ nằm về phía tây bắc của xứ Colombia ở Nam Mỹ (Chi tiết về ngôn ngữ này, tôi sẽ trình bày sau). Thứ đến, khác những câu chuyện mà đa số chúng ta đã từng đọc, thường nói về tình yêu của nhân vật chính, những mơ mộng về tình yêu của họ, hoặc những gì họ phải làm để nuôi dưỡng tình yêu, thì câu chuyện này như một tấm gương phản chiếu mặt trái của tất cả những điều ấy. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, thật lạ lùng, tôi cũng là một nhân vật trong câu chuyện đó.

       Yếu tố đầu tiên cuốn hút tôi vào truyện này là tên tác giả của nó. Cái tên khá lạ, vì mới nhìn vào tôi đã ngỡ rằng đó là một cái tên Tây Ban Nha. Song nhìn kỹ hơn, và sau khi truy tầm từ nguyên, tôi mới khám phá ra tên Silvestri vốn được dùng làm họ của người Ý; còn gốc gác của cái họ Beltrán lại còn ly kỳ hơn nữa. Thoạt kỳ thuỷ, Beltrán là một cái tên, không phải họ, có nguồn gốc Đức, dưới dạng Berhathraban. Có lẽ là qua những đợt di cư của một số người từ nước này qua nước nọ, cái tên gốc Đức này trở thành họ của một gia tộc ở vùng Bologna bên Ý Đại Lợi, được phát âm và viết là Beltran. Tiếp nối nhiều cuộc di cư khác, họ Beltran qua đến tận Tây Ban Nha, nơi nó mang thêm dấu sắc để chỉ trọng âm, theo chính tả của ngôn ngữ này, để trở thành Beltrán. Chưa hết, cuối cùng, cái họ “di cư” này tập trung phần lớn ở Cataluña, miền đất phía đông nam của Tây Ban Nha, nơi dân cư có riêng ngôn ngữ Català của họ (ngoài tiếng Castellano được dùng chính thức khắp nước Tây Ban Nha, nên thường được biết đến là tiếng Español hơn là tiếng Castellano). Ở vùng đó, cái họ tha hương này được viết là Beltrà.

       Dịch truyện ngắn này, tuy vậy, không phải là chuyện dễ. Sau mấy phút háo hức đọc vài đoạn đầu, tôi chỉ nhận ra được lõm bõm một số chữ tiếng Tây Ban Nha mà mình đã quen thuộc, còn kỳ dư là toàn những chữ xa lạ tôi chưa từng thấy bao giờ. Trong số những chữ xa lạ ấy, tôi thấy nhiều chữ mang âm hưởng và hương vị của nhiều thứ tiếng Phi châu mà tôi đã đôi ba lần trích dẫn trong những bài giảng về cú pháp hay âm vị học của mình ở trường đại học. Tôi nhận thấy trong nhiều đoạn văn, chữ “palenquero” được lặp đi lặp lại. Tôi chợt nhớ lại một điều quan trọng. A! Chắc đây là tiếng Palenquero mà vị giáo sư đầu tiên về ngôn ngữ học của tôi đã dày công nghiên cứu. Ai tìm hiểu tiếng Palenquero đều phải biết qua tên vị giáo sư của tôi, một trong những học giả hiếm hoi nghiên cứu về ngôn ngữ này. Thế là tôi vội vàng ngồi xuống viết ngay cho ông một cái email, nói về truyện ngắn của nhà văn Beltrán.

       Ông giáo sư vừa về hưu năm ngoái. Khi tôi trở về trường xưa để dạy, tôi đã gặp lại ông. Hai thầy trò tay bắt mặt mừng. Ông mời tôi đến nhà để thưởng thức rượu vang và làm cái chuyện mà người Mỹ gọi là “catching up”, sau năm năm tôi rời trường để đi học thêm. Sau đó, tôi có cùng ông giảng dạy vài lớp ngữ âm học mà ngày xưa tôi đã từng là học trò của ông, cũng dùng cuốn sách giáo khoa do ông soạn từ đó đến giờ, tất nhiên là qua ấn bản đã hiệu đính mới nhất.

       Thư tôi được ông trả lời ngay, chỉ nội ngày hôm đó. Ông bảo tôi ghé qua nhà, đưa cho tôi nhiều tài liệu nghiên cứu về tiếng Palenquero của ông, cùng một cuốn văn phạm và một cuốn từ điển Palenquero-Español của hai tác giả khác. Tôi cám ơn ông rối rít và chạy vội về nhà, đọc thật nhanh qua những tài liệu ông đưa để tìm hiểu những chi tiết chính về thứ tiếng này. Ngày trước, khi còn là sinh viên trong lớp của ông giáo sư, tôi đã từng nghe ông nhắc đến tiếng Palenquero nhiều lần nhưng không nhập tâm. Có ngờ đâu hôm nay tôi có duyên gặp lại thứ tiếng này qua truyện ngắn tôi vừa tìm được.

       Tiếng Palenquero là thứ tiếng creole duy nhất ở Nam Mỹ (một loại ngôn ngữ lai tạp giữa tiếng bản địa và tiếng của một cộng đồng di dân), dựa vào tiếng Tây Ban Nha, với cú pháp chịu ảnh hưởng của tiếng Kikongo, một thứ tiếng châu Phi nói ở Congo và Angola. Ngoài ngữ vựng gốc Phi châu và Tây Ban Nha, tiếng Palenquero còn có nhiều từ ngữ Bồ Đào Nha, vết tích của một thời thuộc địa đến từ bán đảo Iberia. Ngày nay, chỉ còn trên dưới 4.000 ngàn người còn dùng tiếng Palenquero như tiếng mẹ đẻ, tập trung ở ngôi làng mang tên San Basilio de Palenque. Dân cư vốn ít học và nghèo khổ. Đó là lý do tại sao truyện ngắn viết bằng thứ tiếng này lại có ý nghĩa đáng kể về ngôn ngữ, văn hoá và văn chương như vậy.  

       Mấy tuần sau đó, tôi ngấu nghiến đọc cuốn văn phạm tiếng Palenquero cùng các tài liệu nghiên cứu mà ông giáo sư đã đưa. Rồi một buổi chiều nọ, tôi ngồi xuống trước bàn làm việc có cái máy điện toán, cuốn từ điển, cuốn sách văn phạm và bao nhiêu tài liệu tôi đã tìm được thêm trên Internet, in ra và chất đầy trên bàn, bắt tay vào việc chuyển ngữ truyện ngắn của nhà văn Silvestri Beltrán có tựa đề Krusá loyo ri sueño, mà tôi tạm dịch là “Qua Sông Mê”.

 *  *  *

 Buổi trưa còn rực rỡ nắng trên dòng sông Caquetá. Tôi đứng bên bờ sông mà ngỡ như đang ở trong một giấc mơ. Hồi nhỏ, tôi có dịp thấy hình những dòng sông có cây cối mọc từ dưới nước lên, không hiểu sao hình ảnh đó trở thành một ám ảnh trong trí óc non nớt của tôi, cho mãi đến bây giờ. Vậy mà ngay lúc này, tôi đang tận mắt thấy hình ảnh sống động đó. Dòng sông rộng mênh mông, hai đầu hun hút dài, không thể tưởng tượng được nó bắt đầu từ đâu và sẽ chấm dứt ở đâu, tuy trước khi đến đây tôi đã tìm hiểu khá nhiều về con sông này và biết nó chảy về hướng đông rồi nhập vào dòng sông Amazon dài nhất thế giới. San sát ven bờ là vô số những cây cao mọc từ dưới dòng sông lên, giống hệt như hình ảnh tôi đã từng thấy lúc còn nhỏ. Tự dưng tôi thấy trong lòng ấm áp lạ thường, cơ hồ có một đoạn đời nào đó, tôi đã từng sống ở đây; cảm giác thật thân quen, gần gũi.

       Tiếng nước bì bõm chợt vang lên làm tôi giật mình quay qua bên phải của mình. Một con thuyền nhỏ đang lướt về phía tôi đang đứng. Trên thuyền là một người đàn ông da đen, như hầu hết những người dân sống trong vùng này, hiếm lắm mới thấy một người da trắng hay lai da trắng. Ông ghì nhẹ mái chèo, cho thuyền tấp vào bờ, lên tiếng chào:

       “Boa tarde, senhor!”

       “Boa tarde!”—tôi ấp úng chào lại bằng tiếng Bồ Đào Nha, ít khi có dịp dùng thứ tiếng này.

       Ông lái thuyền lập tức xí xa xí xô một tràng dài, lúc này chỉ còn xen lẫn một vài chữ Bồ Đào Nha mà tôi có thể hiểu. Tôi vội dùng tiếng Tây Ban Nha, kêu lên:

       “Ồ, ông ơi! Ông nói được tiếng Tây Ban Nha chứ? Tôi không rành tiếng Bồ Đào Nha đâu!”

       “Claro que sí, señor,”—ông lái thuyền chuyển sang nói tiếng Tây Ban Nha thật trơn tru—“tôi chào ông bằng tiếng Bồ Đào Nha vì tưởng ông cũng biết nói. Về sau là tôi nói bằng tiếng Tupí-Guaraní, thổ ngữ của vùng biên giới Colombia-Brasil này đó ông.”

       “May là ông cũng nói tiếng Tây Ban Nha!”—tôi thở phào nhẹ nhõm—“Tôi đã dặn đi dặn lại anh nhân viên ở văn phòng du lịch là kiếm cho tôi người lái thuyền nào nói được tiếng Tây Ban Nha, chứ không thì…”

       Tôi bỏ lửng câu nói, vì người lái thuyền đã ngắt lời:

       “Trông ông rõ ra là người thành phố. Ông cần gì mà đến tận chốn xa xôi hẻo lánh này?”

       “Tôi muốn đem vài món đồ đến cho một người ở làng Peña Roja,”—vừa nói tôi vừa chỉ cái va-li lớn để dưới chân.

       “Vậy thì chúng ta phải đi về hướng bắc, theo nhánh phải của dòng sông này, khoảng hai tiếng đồng hồ mới đến.”

       Hai tiếng đồng hồ! Tôi lo lắng liếc nhìn đồng hồ đeo tay của mình. Đã hơn hai giờ rồi. Như vậy, lúc tới nơi trời vẫn còn sáng. Người lái thuyền nhanh nhẹn nhảy xuống bờ, giúp tôi xách hành lý lên thuyền.

       “Tôi là Silvestri,”—tôi tự giới thiệu—còn ông là…?

       “Tôi tên Amaru, có nghĩa là ‘mưa’,”—người lái thuyền đáp, bắt đầu khua mái chèo dưới nước.

       Thuyền lướt nhanh trên dòng sông tĩnh lặng. Mới đầu, tôi thấy hơi say sóng một chút, nhưng chỉ lát sau là tôi đã tỉnh táo trở lại, bắt đầu thưởng thức phong cảnh hai bên bờ. Những hàng cây mọc dưới nước vẫn tuần tự hiện ra, y như trong trí nhớ của tôi ngày xưa. Amaru yên lặng chèo thuyền, không có vẻ vồn vã như lúc ban đầu. Thấy vậy, tôi cũng ngồi im lặng ngắm cảnh. Chỉ nghe tiếng mái chèo kêu róc rách trong làn nước, lâu lâu chen vài tiếng chim kêu hay vượn hú vọng xuống từ hai bên bờ sông.

       Một hồi sau, Amaru mới cất tiếng trở lại:

       “Ông ở miền nào đến? Và làm sao lại biết được một người ở xa xôi như thế này?”

       “À, chuyện là như thế này,”—tôi vui vẻ đáp—“số là tôi mới từ California ở Mỹ sang không lâu, hiện dạy ở trường Đại Học Mỹ Thuật và Khoa Học Bolívar ở Cartagena…

       … Ở trường tôi, có rất nhiều nhân viên chăm lo vệ sinh trong các toà nhà, lớp học, hay trồng tỉa cây cỏ trong khuôn viên. Trong số đó có một phụ nữ gốc Phi châu khoảng ba mươi mấy tuổi, làm vệ sinh ở khoa tôi dạy. Sáng nào, khi gặp cô ở hành lang văn phòng, tôi cũng cất lời chào cô “Buenos días”, và cô cũng nhã nhặn chào lại tôi bằng tiếng Tây Ban Nha, tuy tôi nghe như có âm hưởng khang khác của một vùng nào đó. Mối quan hệ của tôi và cô ta mới đầu chỉ đến đó thôi, qua những câu chào hỏi ngày nào cũng giống ngày nào.

       Cho đến một Giáng Sinh nọ, khi thấy cô vào văn phòng mình để đổ rác, tôi lấy trên bàn một món quà nhỏ đã gói sẵn để dành và đưa cho cô, kèm theo một nụ cười và lời chúc “Feliz Navidad”. Cô ta ngạc nhiên lắm, đưa tay đỡ lấy gói quà, ấp úng mấy lời cám ơn, giọng đầy xúc động. Lúc ấy, lần đầu tiên chúng tôi mới chính thức tự giới thiệu với nhau, và tôi được biết tên cô là Flo. Tôi hỏi tên cô là từ ngôn ngữ nào và có nghĩa là gì.

       “Thưa giáo sư,”—cô lễ phép trả lời—tên em nghĩa là ‘đoá hoa’, từ tiếng Palenquero đó ạ.”

       “Tiếng Palenquero?”—tôi hơi nhíu mày—“Hồi giờ tôi chỉ nghe nói đến thứ tiếng này, bây giờ mới gặp một người bản ngữ là cô. Cô có thể cho tôi biết thêm một ít chi tiết về ngôn ngữ này không?”

       Bằng tiếng Tây Ban Nha, và với một âm hưởng “lạ” mà bây giờ tôi mới hiểu từ đâu mà có, Flo rụt rè nói:

       “Dạ, thứ tiếng nửa Tây Ban Nha, nửa gốc Phi này người ta nói trong làng nơi em sinh ra, cách thành phố Cartagena này khoảng 50 cây số về phía đông nam. Đây là ngôi làng đầu tiên của người nô lệ gốc Phi được quyền tự trị, sau khi trốn chạy thực dân Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 17. Tên ‘Palenque’ có nghĩa là ‘ngôi làng có tường thành bao bọc.’”

       Méo mó nghề nghiệp, nghe Flo nói chỉ trong vòng mấy câu mà đã tóm tắt được những ý chính quan trọng, tôi thầm cho cô điểm A, nếu cô ở trong lớp tôi! Nhưng đó là tất cả những gì tôi biết được về người đàn bà trẻ này, mà từ lúc đó trở đi khiến tôi chú ý đến nhiều hơn trước.

       Một buổi sáng đi làm sớm, vừa bước lên tầng thứ nhì, từ xa xa tôi đã thấy Flo đứng ở đầu bên kia của tầng lầu, đang nói chuyện qua cái điện thoại cầm tay. Tôi ngó quanh quất thấy một cái ghế gần đó, nhẹ nhàng ngồi xuống, không muốn làm đứt quãng cuộc điện đàm nghe có vẻ đang khá sôi nổi của Flo với người nào đó. Giọng Flo rất lớn, có lẽ cô nghĩ bấy giờ hãy còn sớm nên không cần giữ kẽ.

       …Vài con cá búng mình tanh tách lên khỏi mặt nước rồi lại rơi tõm xuống sông, khiến tôi thích thú ngắm nhìn, bỏ dở câu chuyện đang kể.

       “Lâu lắm rồi tôi mới được nghe một người kể chuyện,”—Amaru bình phẩm—“Lần cuối cùng tôi được nghe kể chuyện là lúc bà nội tôi còn sống. Bà thường kể về những ngày tháng cơ cực của mình, thêm thắt những chi tiết ly kỳ để lôi cuốn lũ con cháu, trong thời kỳ tranh tối tranh sáng, lúc Brasil mới giành lại độc lập từ tay người Bồ Đào Nha.”

       Thấy tôi ngồi yên nghe và mắt mơ màng nhìn phong cảnh, Amaru sốt ruột nhắc:

       “Nhưng kìa, câu chuyện của cô Flo sau đó đi đến đâu hở ông?”

       Tôi giật mình, cao giọng kể tiếp:

       … Flo đang nói một thứ tiếng lạ, mà bây giờ tôi đã biết là tiếng Palenquero. Vì ngồi xa, tôi chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Có chữ nghe na ná như chữ Tây Ban Nha, còn đa số là những chữ lạ tại, đúng là có âm hưởng Phi châu. Có vài chữ mà tôi nghe Flo lặp đi lặp lại trong suốt cuộc nói chuyện, chẳng hạn như “burú”, “ceddo” hay “posá”, mà tôi không đoán được nghĩa là gì.

       Đợi đến khi Flo chấm dứt cuộc điện đàm, tôi mới đứng lên, lững thững đi vào văn phòng của mình. Flo đi ngang qua lúc tôi vừa mới bước vào trong, đang quay mặt ra, định đóng của lại. Giáp mặt tôi, cô lúng túng cúi chào, vừa kịp để tôi thấy hai mắt cô đỏ hoe như mới khóc xong. Tôi cũng vội chào lại để đáp lễ rồi quay vào trong, cho cô khỏi ngượng.

       Vài hôm sau, Flo khẽ khàng gõ cửa văn phòng. Tưởng cô xin vào để dọn rác như mọi lần, tôi nhẹ gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, lần này cô lại lễ mễ mang một cái dĩa, không biết đựng món gì vì cô đã phủ lên trên một lớp lá chuối.

       “Mời giáo sư,”—Flo e dè nói—“Đây là món bánh chuối làm từ plátano, một trong những đặc sản từ ngôi làng nghèo khổ của em. Mong giáo sư đừng chê.”

       Tôi vốn không ăn ngọt, nhưng không muốn làm Flo buồn nên vui vẻ nhận lấy dĩa bánh và cám ơn cô. Tôi loay hoay kiếm được một con dao nhựa trong ngăn kéo, cắt bánh ra, thử ngay một miếng cho cô vui, đồng thời cũng mời lại cô một miếng.

       “Ồ, bánh có vị đặc biệt lắm!”—nếm qua, tôi thích thật tình—“Không quá ngọt và dẻo một cách đặc biệt. Hồi ở làng cô thường làm bánh này à?”

       “Dạ phải,”—Flo đáp, nhưng với vẻ buồn rầu—“nhưng em đã bỏ ngôi làng đó đi từ lâu rồi.”

       Tôi chưa biết nói gì thì Flo đã nhìn lên bàn làm việc bề bộn giấy tờ của tôi và hỏi:

       “Giáo sư có bận lắm không? Em muốn nói chuyện với ông một chút.”

       Tôi còn hai xấp bài chưa chấm! Nhưng không muốn Flo cụt hứng, tôi kéo cái ghế trong phòng lại gần cô, mời cô ngồi xuống.

       Flo bắt đầu kể lể:

       “Em chỉ phiền ông một vài phút thôi, rồi em cũng phải tiếp tục làm việc. Mấy hôm trước, em biết là ông có thấy em nói điện thoại, và chắc là ông cũng biết em khóc nữa, nên em mới nói chuyện với ông hôm nay là vậy. Hồi em còn ở làng Palenque, em có thương một thanh niên trong đội đánh trống vào những dịp lumbalú, tức là lễ tống táng những người mới qua đời. Anh ấy tên là K’an. Lúc còn nhỏ, anh bị một cơn bệnh ngặt nghèo nên sau đó không tự đi đứng được, phải dùng nạng gỗ. Gia đình em cấm đoán chuyện của hai đứa, nên một hôm, được người giúp đỡ, hai đứa em bỏ làng trốn đi về phía biên giới Colombia-Brasil, đến một ngôi làng mang tên Peña Roja. K’an bệnh hoạn liên miên, mà tụi em thì vô cùng nghèo túng. Em được một người quen trên Cartagena này nhận cưu mang, sau giới thiệu em vào làm ở đây mới có chút tiền tháng tháng gởi về cho chồng em có tiền thuốc thang.”

       “Thỉnh thoảng cô có về thăm anh ấy không?”—tôi ái ngại hỏi.

       “Lâu lắm rồi em chưa về lại. Đường xa diệu vợi, giáo sư à. Hôm bữa em đang nói chuyện điện thoại là với một người quen trong làng. Họ phải lên thành phố mới gọi cho em được để báo cho em biết là K’an đang bệnh khá nặng. Giáo sư có nghe em nói gì bữa đó không?”

       “Tôi có nghe loáng thoáng vài ba tiếng mà mình có thể nhớ được như ‘burú’, ‘ceddo’ và ‘posá’ thì phải.”

       “Ba chữ đó có nghĩa là ‘tiền’, ‘heo’ và ‘nhà’. Chắc em nói đi nói lại hoài mấy chữ đó nên ông nhớ được. Em nhắn người đó giúp bán giùm mấy con heo K’an nhờ hàng xóm nuôi; còn nếu không đủ chắc phải cầm luôn cái nhà ọp ẹp của tụi em, rồi em liệu kiếm việc làm thêm ở đây để gởi về chuộc lại.”

       “Tôi có thể giúp cô được gì không?”—tôi lại hỏi, ái ngại như lần đầu.

       “Dạ, cám ơn giáo sư. Em tâm sự với ông vì thấy ông tử tế, không coi thường những người làm các việc hèn mọn ở đây như một số người khác, chứ em không định xin ông điều gì cả.”

       “Nếu cô có thể tặng K’an một món quà, nhân dịp Giáng Sinh chẳng hạn,”—tôi muốn tìm hiểu—“thì đó sẽ là món gì?”

       “Quà cáp gì, giáo sư!”—Flo cười buồn—”Ở ngôi làng mới của em, Giáng Sinh là dịp để mọi người ca hát, nhảy múa, ăn uống để mừng ngày Chúa ra đời. Tặng quà nhau chỉ là một tập tục của người thành phố thôi.”

       Chợt mắt cô trở nên mơ màng:

       “Nhưng nếu có thể gọi là quà, thì thật ra em đang dành dụm tiền để mua cho K’an một cái andador cho anh ấy đi lại dễ dàng hơn, chứ chống gậy thì đi lụm cụm lắm. Bây giờ thì số tiền để dành đó em phải gởi về để anh ấy uống thuốc.”

       Nói đoạn Flo cám ơn tôi đã lắng nghe cô và đi thật nhanh ra khỏi phòng. Tôi thẫn thờ ngồi xuống bàn, không có hứng để bắt đầu chấm bài nữa…

       Chiều đã xuống khá thấp. Amaru thong thả chèo theo nhịp của câu chuyện tôi kể. Tự nhiên tôi nghĩ, chắc ai cũng có nhiều câu chuyện về đời mình để kể cho người khác nghe, miễn là họ nghe với một tấm lòng, một trái tim rộng mở. Câu chuyện về Flo của tôi đã chiếm gần hết cuộc hải trình, mà Amaru cũng không có vẻ gì muốn trải lòng ra với một người da trắng xa lạ như tôi, nói tiếng Tây Ban Nha với giọng ngoại quốc, chữ nghĩa dùng lắm khi cũng còn cứng nhắc, nghe không như người bản xứ.

       “Vậy cô Flo về đây khi nào mà hôm nay ông phải tìm đến?”—Amaru hỏi, tay vẫn đều đặn chèo.

       “Mấy hôm sau đó, tôi không thấy Flo nữa. Hỏi ra thì mấy người trong nhóm làm ở toà nhà của khoa tôi dạy cho biết là cô ấy xin nghỉ phép để về thăm chồng đang bệnh nặng. Sẵn vừa đến kỳ nghỉ xuân, tôi quyết định về đây thăm vợ chồng cô ấy, sẵn dịp để biết cuộc sống quanh vùng sông Amazon ở đây ra sao.”

       Từ lúc đó, hai chúng tôi cùng im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Khi chiếc thuyền tấp vào bờ, Amaru mới lên tiếng:

       “Làng Peña Roja đây rồi. Chúc ông một chuyến thăm viếng vui vẻ! Ngày mai tôi sẽ quay lại đón ông ngay chỗ này nhé.”

       Mặc dù đã thanh toán tiền chuyên chở cho Amaru trước qua công ty du lịch, tôi vẫn giúi vào tay ông ta hai tờ giấy bạc 50.000 peso. Ông ta cười rạng rỡ:

       “Mil gracias, señor. Que Dios le bendiga.”

       Tôi xách va-li xuống bờ, đi vào ngôi làng đìu hiu, nằm lặng lờ bên dòng sông, chừng như thế giới bên ngoài đã quên mất nơi chốn này từ bao đời nay. Lác đác trong làng là những ngôi nhà cũ kỹ, tồi tàn. Vài đứa bé nhếch nhác, ăn mặc rách rưới, đang chơi đùa trên con đường đất, mở to mắt nhìn người khách da trắng áo quần tươm tất như từ một hành tinh xa lạ nào đến. Ngôi làng này thuộc về Colombia, nhưng nằm gần biên giới với Brasil nên dân làng nói lẫn lộn nhiều thứ tiếng. Vài người tôi gặp đầu tiên nói một thứ thổ ngữ nghe như Bồ Đào Nha nhưng thật lạ tai, khiến tôi cứ phải nói đi nói lại:

       “Desculpe, não falou português. Fala você espanhol?”

       Cuối cùng, người thứ năm tôi hỏi thăm mới nói được tiếng Tây Ban Nha. Tôi mừng rỡ, hỏi người đó tới tấp:

       “Chào bà, tôi đến tìm cô Flo, trước đây là người làng Palenque, có chồng tên là K’an.”

       Người đàn bà nhìn tôi soi mói một hồi lâu rồi mới thủng thỉnh nói:

       “Cô Flo? Có chồng là K’an? Tôi mới thấy cô ấy đây.”

       Bà ta xoay người lại, chỉ về phía xa xa:

       “Ông thấy chòm cây rậm rạp tận đằng kia không? Ông đi đến đó, rẽ phải thì sẽ gặp cô Flo.”

       “Buena suerte,”—bà ta nói thêm, trước khi biến mất vào dãy nhà gần đó.

       Tôi khấp khởi mừng thầm. Chiếc va-li tôi đang kéo theo bỗng nhẹ hẫng, như cũng san sẻ niềm vui với tôi. Trong va-li, ngoài hai bộ quần áo và vài đồ dùng lặt vặt mang theo, tôi đã cẩn thận xếp vào đó cái andador bằng kim loại tốt, xếp lại được, để dành tặng cho K’an. Riêng với Flo thì tôi đã đặt mua một cái bánh phó-mát, đặc sản của Mỹ Quốc, bán tại một tiệm bánh do người Mỹ làm chủ ở Cartagena, gọi là để đáp lễ lại với Flo. Tôi nâng niu cho cái bánh trong hộp giấy vào trong một cái hộp thiếc để nó khỏi bị dập vùi trong cuộc hành trình xa ngái. Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ mang lại một niềm vui nho nhỏ cho hai người, và tôi sẽ là người thứ ba chung vào niềm vui đó.

       Đến chòm cây cao rậm rạp theo lời người đàn bà chỉ, tôi nhìn qua bên phải, và rụng rời tay chân khi thấy đó là một bãi tha ma, tiêu điều, xơ xác. Các ngôi mộ nằm không thẳng hàng, vôi vữa, nước sơn đều bạc phếch, như thể lâu rồi ít được ai chăm sóc. Những tia nắng yếu ớt của buổi chiều phủ lên các ngôi mộ càng làm tăng thêm vẻ thê lương của nơi chốn cô quạnh này. Từ chỗ đang đứng, tôi có thể thấy ở dãy mộ xa xa cái lưng nhỏ nhắn của Flo, cô nhân viên vệ sinh trong trường của tôi. Flo đang quỳ trước một ngôi mộ, chắc là đang quên hết tất cả những gì đang diễn ra trên thế giới này, quên cả những căn phòng, những bậc thang, những hành lang, và cả những bao rác do các giáo sư, các nhân viên văn phòng thải ra hằng ngày, có khi làm oằn cả đôi vai yếu đuối của cô.

       Thốt nhiên, tôi quay nhìn xuống cái va-li hiệu Samsonite của mình. Trong khung cảnh này, bỗng dưng trông nó hào nhoáng một cách lố lăng, kệch cỡm vô cùng. Bây giờ tôi phải làm gì đây? Bước vào nghĩa trang để phá tan giây phút trầm mặc của Flo, hay quay trở ra bờ sông… mà để chờ ai mới được! Amaru sáng sớm ngày mai mới quay lại.

       Thình lình, tôi quyết định thật nhanh. Tôi để yên cái va-li ngay chỗ nó đang đứng trên mặt đất, quay trở lại lối cũ, rảo bước về phía đầu làng. Cắm cúi đi một đỗi, khi ngẩng lên tôi mới thấy ra là hai bên lối đi bây giờ toàn là những chòm cây rậm rạp như trước khu nghĩa trang ban nãy. Tôi ngoảnh nhìn lại, phía sau cũng vậy, không thể nào nhận ra chỗ tôi vừa đứng lúc nhìn thấy cô Flo nữa. Hai bên đường bây giờ toàn là nghĩa trang, với các ngôi mộ thấp thoáng sau các lùm cây. Không còn thấy nhà cửa gì hai bên như lúc ban đầu. Tôi đi nhanh hơn, tâm thần bấn loạn.

       Một lúc sau, tôi gặp lại người đàn bà chỉ đường cho tôi lúc mới đến. Mừng rỡ, tôi tiến tới gần bà, vừa thở hào hễn vừa hỏi:

       “Đi lối này ra lại bờ sông, phải không bà?”

       “Sông nào? Làm gì có sông nào ở đây?”—người đàn bà thờ ơ đáp.

       “Sông Caquetá ấy mà,”—tôi nghe mình như không thở nổi nữa.

       “À, sông Caquetá,”—bà ta nhẩn nha nhắc lại—“con sông này cách đây dễ phải đến ba, bốn mươi cây số!”

       Tôi thấy lạnh cả xương sống, cố vớt vát:

       “Bà nói làm sao ấy, ban nãy tôi mới vừa trên thuyền xuống cơ mà!”

       Người đàn bà không buồn cãi lại, nhìn bâng quơ lên trời.

       “Thật vô lý!”—tôi tiếp tục nói, tuyệt vọng—“Làng mạc nào cũng phải ở gần sông nước mới có sự sống, mới sinh hoạt được chứ. Cả ngôi làng Peña Roja này cũng vậy.”

       “Ai bảo ông đây là làng Peña Roja?”—người đàn bà cao giọng, đầy vẻ thách thức—“Ông nhìn quanh đây xem. Sự sống nào? Sinh hoạt nào?”

       Tôi đảo mắt nhìn theo lời bà ta nói. Lạy Chúa cao xa! Rõ ràng là mới lúc nãy bà ta còn đứng nói chuyện với tôi giữa hai dãy nhà tồi tàn, ọp ẹp, trên con đường đất còn có mấy đứa bé đang chơi đùa. Giờ đây, hai bên chỉ toàn là những mộ là mộ, chập chùng lên nhau, tưởng như không bao giờ dứt. Không gian lặng lờ đến rợn người, không còn tiếng cười, tiếng đùa giỡn của những đứa bé như trước.

       Toàn thân tôi như hoá đá, chỉ còn có cái đầu là vẫn nhúc nhích được, giúp tôi ngoảnh lại, định hỏi người đàn bà thêm một câu, thì vừa thấy bà đang đi lẫn vào dãy mộ bên tay trái, rồi biến mất như lúc ban đầu.

 Trần C. Trí


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét