Khi toàn quốc chiến đấu, người phụ nữ cũng xuất hiện trên các chặng đường của đất nước. Chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ trong cuộc chiến ở Ukraine trên truyền hình, trên YouTube. Họ là các y tá, những chị bếp, hay người nữ chiến binh… nghĩa là tất cả những phương tiện phục vụ cho chiến trường chống lại quân Nga. Nơi đó, giữa những tiếng súng chúng ta nghe được từ màn hình TV, giữa những lời kêu gọi tác chiến, vẫn có những lời thơ đầy nữ tính từ đất nước đau khổ Ukraine.
Nhà nghiên cứu Julia Friedrich của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Công Toàn Cầu (Global Public Policy Institute – GPPi) tại Berlin trong bài nghiên cứu về hình ảnh phụ nữ tại Ukraine, nhan đề “Feminist Activism in Ukraine Usually Means Demanding More Weapons” (Hoạt động nữ tính tại Ukraine thường có nghĩa là xin thêm vũ khí) đăng trên tạp chí Tagesspiegel Online bằng tiếng Đức ngày 6/8/2022 cho thấy ngoài làn sóng di tản ra hải ngoại, còn rất nhiều phụ nữ ở lại Ukraine để trở thành trụ cột cho một giềng mối mới để gánh vác cho cuộc chiến.
Julia Friedrich viết rằng nhiều người tại Đức quốc không nhận ra rằng phụ nữ Ukraine, đặc biệt những người đã mất toàn bộ gia đình vì phi đạn Nga pháo kích, không còn muốn nghe về những lời kêu gọi chủ hòa, và thực tế, hoạt động nữ tính tại Ukraine thường có nghĩa là xin thêm vũ khí, và tham dự vào cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.
Những con số đưa ra cho thấy, trước khi quân Nga xâm lược Ukraine tháng 2/2022, phụ nữ chiếm 23% giữ mọi nhiệm vụ trong quân lực Ukraine, kể cả các vai trò dân sự, và chỉ chiếm 15.5% trong các đơn vị vũ trang. Khi cuộc chiến ở Donbas bùng nổ vào năm 2014, số lượng chiến binh tình nguyện nơi này tăng vọt, trong đó 1/3 là phụ nữ, nơi lần đầu tiên có nữ chiến binh bắn tỉa trong quân lực Ukraine. Với tình hình Ukraine tổng động viên nam giới cho chiến trường chống Nga, tỷ lệ phụ nữ trong thành phần tác chiến Ukraine chỉ còn 10%. Bây giờ, nơi các tuyến phòng thủ Ukraine có khoảng 5.000 nữ quân nhân tác chiến.
Tuy nhiên, các hoạt động văn nghệ, thi ca tại các thành phố lớn vẫn tiếp diễn. Và vì nam giới phần lớn ra chiến trường, các nhà thơ nữ đóng một vai trò lớn trong các sinh hoạt đại học, trong các ban biên tập các tạp chí, trong những buổi đọc thơ tại các thành phố lớn…
1/ Nhà thơ Lyuba Yakimchuk
Nhà thơ nữ Lyuba Yakimchuk sinh năm 1985 là một trong những người gắn liền với cuộc chiến bảo vệ đất nước Ukraine theo cách riêng. Trước khi quân Nga xâm lược Ukraine, Lyuba Yakimchuk đều theo học các khóa huấn luyện quân sự; bây giờ nhà thơ vẫn đang sống và làm việc tại thủ đô Kyiv. Yakimchuk giải thích với CBC rằng, “Ngôn ngữ có vẻ đẹp y hệt thế giới này. Do vậy, khi ai đó phá hủy thế giới của bạn, ngôn ngữ phản ánh điều đó.”
Từ những ngày trước khi vùng Donbas, miền Đông Ukraine, bùng nổ cuộc chiến 2014, nhà thơ Lyuba Yakimchuk nhìn thấy nơi đây là thiên đường, nơi hoa của cây mơ (apricots) nở rợp cả mùa xuân. Chị kể rằng, khi chị còn thơ ấu, vùng này gặp khủng hoảng kinh tế sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, dân chúng trong thị trấn của chị đi hái các quả mơ và bán cho các nhân viên trên các chuyến xe lửa nối tuyến đường
Moscow và Kyiv: “Có một biên giới Nga gần thị trấn Pervomaisk của tôi. Một trong những người bà con xa của tôi một lần nói rằng sau khi bước qua lằn biên giới, không thấy cây mơ nào trên đất Nga.”
Và bài thơ nhan đề “Apricots of Donbas” (Các cây mơ vùng Donbas) của chị khởi đầu với dòng chữ, “Nơi không cây mơ nào mọc lên, nước Nga bắt đầu hiện ra.”
Nhà thơ Lyuba Yakimchuk nói, “Bây giờ lãnh thổ này bị Nga chiếm rồi. Nhưng các biên giới vẫn còn, đó là những hàng cây mơ… vĩnh viễn như thế.”
Khi người ta đau khổ, họ nhớ tới các đấng siêu hình. Thiên chúa giáo có một bài kinh nổi tiếng là “Kinh Lạy Cha… Lạy cha chúng con ở trên trời…” Và nhà thơ Yakimchuk dựa một phần vào kinh để làm bài thơ “Prayer” (Kinh cầu). Ghi nhận rằng nhà thơ sử dụng biểu tượng mặt trời và mặt trăng từ Kinh Thánh. Trong sách Joel 2:31 và sách Acts 2:20, có ghi rằng, “Mặt trời sẽ trở thành đen tối, và mặt trăng trở thành máu, trước khi một ngày rực rỡ của Thiên Chúa tới.”
Kinh cầu
Lạy Cha chúng con ở trên trời
của mặt trăng hoàn mãn
và của mặt trời trống rỗng
hãy che chở cha mẹ con khỏi sự chết
nơi nhà cha mẹ con vẫn đứng vững dưới làn đạn
và là những người sẽ không bỏ rơi ngôi nhà đó
như một ngôi mộ
hãy che chở chồng con
nơi bờ kia của cuộc chiến
như dường nơi bờ khác của một dòng sông
nơi chàng hướng súng về một bờ ngực
chàng đã thường hôn
con mặc bộ áo giáp chắn đạn
và không thể cởi ra nữa
nó dính vào con như làn da
con mang em bé của chàng trong con
và không thể buộc nó ra
vì chàng làm chủ thân thể con qua nó
con mang trong con một Đất Mẹ
và không thể nôn nó ra
vì nó lưu chảy như máu
xuyên qua tim con
bánh mì hàng ngày của chúng con trao cho người đói
và để họ ngừng nuốt chửng lẫn nhau
ánh sáng chúng con trao cho những người bị lừa dối
và để họ thấy được rõ ràng
và hãy tha thứ chúng con về các thành phố bị phá hủy
mặc dù chúng con không tha thứ cho họ, kẻ thù của chúng con
và chớ để con sa vào chước cám dỗ
để rơi xuống với thế giới mục nát này
nhưng hãy đưa chúng con ra khỏi sự dữ
để rời bỏ gánh nặng của một Đất Mẹ —
nặng nề và hầu như không hữu dụng
xin hãy che chở con
chồng con, cha mẹ con
con của con và Đất Mẹ của con.
(Theo bản dịch tiếng Anh của Oksana Maksymchuk và Max Rosochinsky)
.Khi phe ly khai thân Nga kiểm soát vùng này từ 2014, ba mẹ của Yakimchuk tìm cách ở lại nhà họ ở thị trấn Pervomaisk. Họ trồng khoai tây khi cả vùng bị chiếm đóng và ngủ trong hầm cùng với khoai tây khi pháo kích trở nên dồn dập hơn. Rồi cũng như rất nhiều người khác, cuối cùng họ phải bỏ trốn. Trong 5 năm qua, ngôi nhà thời thơ ấu của Yakimchuk đã bị chiếm đóng bởi một tay súng bắn tỉa.
Gia đình cô đã dọn về một ngôi nhà mới ở miền trung Ukraine. Nhưng bây giờ, khi Nga xâm lược, toàn bộ đất nước đang gặp nguy hiểm. Yakimchuk nói, “Kyiv có thể là nơi tiếp theo [nguy hiểm]. Chúng tôi thấy nó ngay bây giờ. Chúng tôi sẽ là nhân chứng.”
Bạn có thể nhớ tới những ca khúc một thời ở Việt Nam, kiểu như “em hậu phương, anh tiền tuyến…” nhưng hình ảnh này trong thơ Lyuba Yakimchuk khác hẳn với ký ức chúng ra có về một thời Việt Nam. Khi nhà thơ được tin ngôi trường cũ thời thơ ấu đã bị quân Nga dội bom, khi được tin rằng lương thực đã cạn, và khi nghe pháo kích của quân Nga vang dội khắp trời… những dòng thơ vẫn hướng về một tương lai hy vọng bình yên.
Bài thơ nhan đề “He Says Everything Will Be Fine” (Anh Nói Mọi Thứ Rồi Sẽ Bình Yên) của Yakimchuk dịch như sau.
Anh Nói Mọi Thứ Rồi Sẽ Bình Yên
anh nói: họ đã dội bom trường cũ của em rồi
anh nói: thực phẩm đang cạn và cũng hết tiền
anh nói: các xe tải trắng với viện trợ nhân đạo là hy vọng duy nhất của chúng ta
anh nói: đạn pháo từ các xe tải trắng vừa bay qua đầu
không còn trường học nào nữa
sao lại có thể không còn trường học nào nữa?
nó trống cả rồi? nó đầy những lỗ đạn, hay nó đã bị phá hủy hoàn toàn?
chuyện gì đã xảy ra với bức ảnh của em treo trên bảng danh dự?
chuyện gì đã xảy ra với cô giáo của em ngồi trong lớp học?
anh nói: tấm ảnh? ai mà bận tâm về tấm ảnh của em?
anh nói: trường học đã tan chảy rồi – mùa đông này quá nóng
anh nói: anh chưa thấy cô giáo của em, xin đừng bảo anh tìm cô
anh nói: anh đã thấy mẹ đỡ đầu của em; bà không còn ở với chúng ta nữa
chạy trốn đi, tất cả anh ơi
bỏ hết mọi thứ và bỏ chạy đi
rời căn nhà của anh, căn hầm của anh với những lọ mứt quả mơ
và bỏ cả hoa cúc hồng trên sân thượng
bắn những con chó của anh, để chúng không đau đớn
hãy bỏ mảnh đất này, ra đi thôi
anh nói: đừng nói nhảm, bọn anh xúc đất lên quan tài hàng ngày
anh nói: mọi thứ rồi sẽ bình yên, cứu rỗi sẽ đến sớm thôi
anh nói: viện trợ nhân đạo đang trên đường tới.
(Theo bản dịch tiếng Anh của Anatoly Kudryavitsky)
2/ Nhà thơ Yuliya Musakovska
Nhà thơ Yuliya Musakovska
Nhà thơ Yuliya Musakovska là tác giả 5 thi tập bằng tiếng Ukraine. Thơ của bà được dịch ra nhiều ngôn ngữ, như tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha, Do Thái (Hebrew), Ba Lan, Lithuania, Bulgaria, và tiếng Estonian. Bà sinh năm 1982, được nhiều giải thưởng văn học quốc tế, hiện đang (theo tài liệu tháng 4/2022) cư ngụ nơi bà chào đời là thành phố Lviv, miền Tây Ukraine. Bài thơ “Jesus of War” của Yuliya Musakovska cũng là một thắc mắc giữa những đau đớn chiến tranh gửi lên trời cao. Hình ảnh Chúa Jesus nơi đây là pho tượng trong một vùng chiến tranh, nơi nhà thờ đổ nát và tượng Chúa vương mạng nhện và sương khuya.
Chúa Jesus Của Chiến Tranh
Ôi Chúa của con được hoa hồng trang điểm
được mặc trong mạng nhện và sương
Con sẽ mang đến cho ngài vượt qua những vực thẳm và gốc cây
mười viên đạn giữa xương sườn của con
Làm thế nào các viên đạn xuất hiện, từ vùng đất nào
ai đã đưa ra chúng và trang bị chúng thật đầy đủ
Những viên đạn bay ra, say sưa với sự miễn tội
với những nọc lạnh băng của chúng
Ôi Chúa ơi, nồng nhiệt và chán nản như thế
mang gai trên vầng trán cao của ngài
Cảm giác thế nào khi bước đi và đội vương miện
với chân trần băng qua vùng đất bị tàn phá
Gió sẽ hắt một quả bóng vào mặt của ngài –
đó là mùi của thứ gì của con người, đang cháy
Ôi Chúa của con chói sáng và nở hoa ngập tràn
trong khi thói quen đang đẩy chúng con đi tới
Trong khi các con số nhân lên trong ma trận
trong khi trời còn rạng sáng, hãy ngủ đi, Chúa của con ơi
Hãy để chúng con ở lại cõi này, nhưng còn gì đâu mà giữ lấy?
Những cánh hoa hồng, những giọt mưa và vòng gai.
(Theo bản dịch tiếng Anh của Olena Jennings.)
Bài thơ sau đây của Yuliya Musakovska có nhan đề là “The Spartan Boy” (Cậu bé khắc khổ), có vẻ như ám chỉ rằng đất nước Ukraine như một cậu bé sống rất khắc khổ, không có gì xa hoa, bước đi với túi áo rách, với trái tim cậu bé cứ rơi ra mãi [từ lỗ túi áo], trong khi nhà thơ cứ khâu chỗ áo rách nơi ngựcc ậu bé hoài thôi, với những ngón tay của nhà thơ đã tê cứng rồi.
Cậu Bé Khắc Khổ
Cuộc chiến mà em đang mang
trong túi áo sơ mi của em
gặm một lỗ trong em như thể nó là một con cáo.
Trái tim của em cứ rơi mãi ra.
Tôi đang khâu lỗ lại,
giữ chặt các cạnh với nhau
với những ngón tay tê liệt, cứng đơ của tôi.
Tôi hy vọng nó sẽ khép lâu hơn một chút.
Khi thành phố chìm vào giấc ngủ,
những vết sẹo sâu bướm đen thức dậy.
Và chỉ có những con bướm đêm tử thần ló ra.
Thành phố tuôn ra hơi nước từ lỗ mũi
và ló các ngọn đồi của nó như sừng.
Bạn nhìn thấy khuôn mặt của bạn tình
dưới đáy hồ —
một chuyện cổ tích đen tối từ thời thơ ấu của chàng đã tới sống động.
Mặc dù bạn là những người lớn tuổi lễ độ, đáng kính và dễ bằng lòng.
Trên thực tế, không có cái gì gọi là công lý.
Chiếc ly thép trầy xước mà bạn không bao giờ rời xa,
giấc ngủ hời hợt của bạn và cơn ghét dữ đội đối với pháo bông.
Thật là may, anh ta có thể mất nhiều hơn thế,
họ gần như toàn bộ, họ nói.
Bạn đã chọn tôi vì những ngón tay khéo léo, nhạy cảm của tôi.
Tôi cảm thấy thoải mái khi cầm kim may với chúng.
Mõm của một con cáo đang thò ra khỏi túi của bạn,
liếm mép, nhớ lại mùi vị con chim hòa bình của tôi.
3/ Nhà thơ Halyna Kruk
Nhà thơ Halyna Kruk sinh tại Lviv vào năm 1974. Bà làm thơ, viết truyện, và là học giả chuyên ngành về văn học Ukraine thời trung cổ. Bà có 4 thi tập, được nhiều giải thưởng. Sách viết cho thiếu niên của bà được dịch ra 15 ngôn ngữ. Bà đang dạy văn chương tại Đại học Lviv University.
Bài thơ sau đây có nhan đề tiếng Anh là “A Woman Named Hope” (Một Phụ Nữ Có Tên là Hy Vọng) viết trong văn phong thần bí. Hy vọng này không thuộc về phe nào trong cuộc chiến. Sự chết, tân binh, chiến tranh, tàn phá, mưa máu, hy vọng… Có phải là quá nhiều cho một đời người chăng. Khi gia đình họ, chồng họ, và các con trai của họ lần lượt bước ra chiến trường, nơi họ cũng không biết nơi đâu là chiến trường, nơi bước chân nào để bảo vệ tổ quốc cũng hệt như là vào một cuộc chiến nước ngoài.
Một Phụ Nữ Có Tên Là Hy Vọng
trời mưa trong bốn tháng liền
đánh sập mùa màng, giẫm nát vườn cây
mưa đến như các tân binh
chăm chỉ tưới nước các bụi cây ven đường
miễn là có thể làm chậm đà tiến của chúng vào cuộc chiến ngoài nước
và không ai trong chúng tôi biết
nơi đâu thực sự là chiến trường
không ai hiểu hết những gì sẽ mất khi chiến bại
khi một phụ nữ tên là Hy Vọng đến để vực dậy tinh thần chúng tôi
nàng không có ý định chết
nàng nói với chúng tôi, mỗi người mang theo cuộc chiến của riêng họ
và một vũ khí
họ sẽ ghì súng đến cùng,
và chiến thắng là một cô gái giang hồ – cô không bận tâm nơi đâu cô nằm
cô thuộc về bất cứ ai
và chúng tôi lắng nghe một chuỗi sấm sét rời cổ họng nàng
trong khi nàng hát cho chúng tôi nghe điệu quân hành kỳ lạ và các bài hát ru em
từng giọt nước bọt của nàng là một giọt dầu
chứa độc chất tình yêu
nàng cảnh báo, bởi vì tất cả phụ nữ đều biết loại tình yêu này
làm cho nàng thấp hèn, đưa nòng súng vào miệng nàng
và không giết nàng. Sau đó, các trận mưa bay xuyên qua nàng,
người lính này đến người lính kia
quét sạch máu đi.
(Theo bản tiếng Anh của Sibelan Forrester và Mary Kalyna)
Bài thơ nhan đề “someone stands between you and death…” (có ai đứng giữa con và cái chết) của Halyna Kruk cũng mang văn phong thần bí, với hình ảnh Thượng Đế, với những lời cầu nguyện, với bà mẹ nhớ tới một thời la mắng con trai mình khi con còn thơ ấu đã nghịch phá, đã bứt những quả dâu trong vườn trước khi dâu chín, và bây giờ trái tim người mẹ thì thầm về cái chết, về ước muốn những cái chết hãy là những quả dâu còn xanh sẽ không bao giờ chín và sẽ không bao giờ được gặt hái, và mẹ cầu xin Thượng Đế đừng tuôn mưa hỏa tiễn lên con trai mình. Đây là lời bà mẹ cầu nguyện cho con trai mình, xin cho có ai đó [phải chăng là Thượng Đế?] đứng giữa con trai mình và cái chết.
ai đó đứng giữa con và cái chết…
ai đó đứng giữa con và cái chết – nhưng
ai biết trái tim tôi có thể chịu đựng được bao nhiêu nữa –
con đang ở đâu, điều đó rất quan trọng
ai đó cầu nguyện cho con
ngay cả với lời riêng của họ
ngay cả khi họ không chắp tay và quỳ gối
ngắt cuống quả dâu tây khỏi vườn
Mẹ nhớ mẹ đã la mắng con khi con còn nhỏ
để chà nát các quả dâu trước khi chín
trái tim mẹ thì thầm: Cái Chết ơi, con tôi còn chưa chín.
con tôi còn xanh, không có gì trong đời con tôi đã
ngọt hơn những quả dâu tây mới hái
Tôi cầu xin: ôi Chúa ơi, đừng đưa con tôi ra phía trước,
xin đừng dội mưa hỏa tiễn xuống con tôi, Chúa ơi,
Tôi còn không biết hỏa tiễn trông như thế nào,
con trai tôi ơi, tôi không thể tự mình hình dung ra cuộc chiến.
(Theo bản tiếng Anh của Sibelan Forrester)
.
Phan Tấn Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét