Mùa vía bà năm nào cũng đông nghẹt khách hành hương từ các nơi đổ về. Xe cộ, người ngợm chen chân nhau từ sáng đến tối mịt. Tôi thuộc loại vô công rỗi nghề cũng khăn gói đi cho biết. Số là năm ngoái, trong lúc vui miệng, tôi nói với chị Thuyên là thế nào năm nay tôi cũng thu xếp đi hành hương cùng chị lên núi Mây, một ngọn núi nhỏ nhưng có tiếng linh thiêng ở quê tôi. Nói thì vậy chứ tôi quên bẳng, mãi cho đến khi chị Thuyên nhắc mới nhớ. Tôi đã tính không đi nhưng rồi chị doạ:
– Hứa với bà chúa núi Mây mà không đi là bị quở, có khi vong mạng không chừng …
Thật ra, tôi chẳng tin gì chuyện quở phạt ấy nhưng khi nghe chị kể vài năm trước chị hái lộc hụt chân rơi xuống ao sen cạnh ngôi chùa dưới chân núi, may nhờ thầy trụ trì ở đó nhanh tay vớt lên, nên tiện thể rủ tôi cùng đi tạ ơn ông thầy ngày ấy cho chị vui.
Chị Thuyên là con út của cậu Ba tôi, làm nghề hướng dẫn viên du lịch tận Sài gòn. Chẳng mấy khi về quê nhưng năm nào sau Tết, nhằm vào mùa vía bà, chị cũng dành thời gian hành hương với cả lòng thành kính. Nhất là vài năm trở lại đây, chị cứ nao nức trông đến mùa vía để có dịp đi núi. Hình như chị vui lắm, đôi mắt long lanh, miệng lúc nào cũng huyên thuyên, hai má hồng đỏ như người đang yêu. Hai mươi tám tuổi, chưa chồng, dáng cao như người mẫu, chị Thuyên vào loại phụ nữ đẹp nhưng khó tính. Chẳng hiểu sao chị không chịu lấy chồng, đến gần ba mươi tuổi vẫn chưa ai lọt vào mắt chị. Hôm về thăm nhà, chị mang theo lỉnh kỉnh nào là quà cho gia đình, áo quần cho em út và riêng tôi, chị tặng cho một tấm ảnh ngôi chùa nhỏ dưới chân núi cùng một ông thầy còn trẻ tuổi đang tưới cây. Hình chị chụp năm trước, còn người đàn ông trong ảnh là ông thầy trụ trì chùa, người đã có lần cứu chị, chị bảo vậy. Chị quen ông thầy đó à? Tôi hỏi lơ đãng. Chị không trả lời, chỉ cười rồi lảng sang chuyện khác. Tôi cũng quên chuyện ấy cho đến khi cùng chị hành hương vào ngôi chùa có ông thầy dưới chân núi Mây kia.
Thầy có nước da trắng và khuôn mặt chữ điền, trán cao, đâu chừng khoảng ngoài ba mươi tuổi, miệng rộng và luôn nở nụ cười. Mới gặp lần đầu, tôi đã có ấn tượng tốt về người đàn ông lịch thiệp và từ tốn ra tận ngoài cổng chùa đón chúng tôi. Thật ra là một cái am nhỏ thì đúng hơn. Ngoài mấy cây bồ đề trồng dọc theo đường vào chùa lót bằng gạch tàu đỏ au, thấp thoáng một cái am nhỏ đâu chừng mươi mét vuông nằm lọt thỏm giữa khoảng sân rộng cây cối um tùm. Đó là nơi thắp nhang thờ bà chúa núi, thầy nói rồi kể chị Thuyên và tôi nghe về sự tích linh thiêng của bà. Người ta đồn rằng bà mất vì mối tình ngang trái, yêu mà không lấy được người mình yêu vì người bà thương là một nhà nhà sư xuất gia, đã chôn chặt lòng mình nơi cõi Phật. Bà chết khi vẫn là trinh nữ với mối tình đơn phương…. Cái chết bà nghe kể càng thống thiết, cảm động! Chiều nào bà cũng đứng trước cổng chùa chờ đến giờ vị sư dâng hương. Chỉ có vậy rồi về nhưng ngày nào cũng thế, năm nầy qua tháng khác.Vị sư trẻ nhiều lúc tưởng đã rung động trước tình yêu của bà, định hoàn tục nhưng đến khi con tim thầy lên tiếng thì bà mất vì không chịu nổi những tháng ngày đau khổ chờ mong. Có lẽ vì mối tình bà son sắt quá nên khi mất đi, người ta lập am thờ và nhiều năm sau đó, hồn bà linh thiêng phù trợ nhiều cặp trai gái yêu nhau nên ngày càng đông người đến viếng ….
Giọng thầy chậm rãi, trầm ấm, mắt nhìn về xa xăm, dặt dìu trong không gian tĩnh lặng khiến câu chuyện tình lâm ly, dang dở của bà hiện ra thật cảm động. Chị Thuyên thì khỏi nói. Chưa nghe hết chuyện nước mắt đã ứa ra ướt đẫm. Đàn bà thật mẫn cảm và dễ rơi lệ. Chắc là chị xót thương cho số phận đau khổ của người phụ nữ bất hạnh với mối tình không thành kia. Tình yêu muôn đời cứ phải làm cho người ta đau đớn ! Ông thầy khẽ nói và đột ngột cắt ngang câu chuyện.
*
Chiều xuống một màu tím thẩm. Chung quanh núi là những dãy đồi lè tè thấp nên mặt trời chợt biến ở đâu đó rồi lại hiện ra sau những tàng cây lớn che khuất khiến ngôi chùa càng có vẻ thâm nghiêm, huyền bí hơn. Len vào ánh sáng nhập nhoạng những cơn gió nhẹ hiu hiu thổi làm cảnh vật thêm tịch liêu, hoang vắng nếu không có bước chân và chuyện trò ríu ran của những du khách hành hương từ trên núi xuống.
Chị Thuyên như hóa thành người khác sau khi nghe ông thầy kể chuyện. Gương mặt chị ửng đỏ, đôi mắt long lanh và bờ ngực phập phồng nuốt từng lời câu chuyện tình dang dở nửa thật nửa hư của bà chúa núi.
Rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị khẽ khàng nhìn thầy, nói:
-Tôi … Tôi đến thăm chùa, xin phép được thăm bà và… và xin thầy ít lá thuốc lấy lộc của bà …
Khách đi hành hương sau khi viếng chùa còn xin lộc của bà bằng những bó lá nhỏ, có khi là những lá sâm, lá mít hoặc các loại rau cỏ không tên mọc quanh quất bên chùa đem về sắc uống. Thầy nhẹ gật đầu, dẫn chị vào chính điện. Tôi bước theo sau, lòng thanh thản lạ. Có lẽ không gian quạnh quẽ, hiu hắt của vùng núi đồi trầm mặc hay tâm tưởng người yên ả khi viếng chùa bà, tôi không rõ. Cho đến khi chị Thuyên thắp hương, thành kính nhìn lên di ảnh và những tiếng chuông của thầy đánh vọng lên từ nơi thờ bà, bất giác tôi càng nghe hồn mình nhẹ hẩng, thanh thoát …
Sau đó, thầy còn đưa chúng tôi ra phía sau chùa hái lá. Lộc của bà là những cành húng quế, rau thơm, ngò gai, vài lá mít lá ổi cột lại thành bó nhỏ chừng nắm tay. Chị Thuyên đưa tay run run nhận một cách thành tâm bó lá từ thầy. Chị đăm đắm nhìn sâu vào mắt thầy rồi bỗng nhiên thở dài. Đôi mắt chị long lanh sáng, gò má ửng hồng. Câu chuyện cởi mở bắt đầu từ lúc thầy mời hai chị em tôi vào ngồi uống trà ở mái tây hiên.
Chị Thuyên ngập ngừng :
– Bộ… Thầy ở đây …một mình ..Thầy còn nhớ tôi không? Năm nào tôi cũng đến đây …
Thầy nhìn chị như cố nhớ ra chuyện xảy ra cách đây đã lâu :
– Dạ…Tôi nhớ. Cô có phải bị hụt chân suýt chút nữa thì rơi xuống ao sen trước chùa mấy năm trước. May mà bữa ấy bà đỡ. Đến giờ nhắc lại tôi vẫn còn run …
– Hôm đó nhờ thầy cứu tôi. Chị Thuyên nói. Tôi thật không biết lấy gì đền ơn …
Ông thầy xua tay:
– Cô nhắc làm gì chuyện ơn nghĩa .…
– Thầy đi tu đã lâu chưa? Chị lại hỏi.
– Năm năm rồi, thưa cô!
– Ở đây một mình chắc … buồn lắm!
– Đã vào đây phụng dưỡng bà thì sá gì buồn vui nữa, hả cô! Với lại, ngoài đời, tôi cũng chẳng còn người thân. Ba mẹ tôi mất sớm, bà con bôn ba cả nước người! Tôi là người duy nhất còn ở lại đây …
-Thầy không phải là người xứ nầy! Chị Thuyên lại hỏi.
-Vâng! Quê tôi tận ngoài Trung. Thời còn trẻ, tôi không nghĩ là mình được vinh dự hầu bà. Nhưng rồi, tôi lại lưu lạc về đây. Âu cũng là duyên cơ cả.
-Cớ gì thầy lại về đây? Mà lại có một mình, không ai thân thuộc.
Câu chuyện bắt đầu đã tỏ ra thân thiết hơn. Sau một hồi lâu như đắm mình vào một cõi xa xôi nào đó trong quá khứ, thầy mới bắt đầu kể:
-Thú thật với cô, thời trẻ tôi cũng có một mối tình … Chúng tôi thương nhau say đắm nhưng rồi sau đó, cô gái tôi yêu bỏ tôi đi lấy chồng vì nhà tôi nghèo. Ngày cô ấy đi lấy chồng, tôi tưởng như chết đi được. Tôi bỏ quê mà đi, lưu lạc không biết về đâu. May sao tôi gặp được sư trụ trì chùa nầy và theo ông về đây làm đệ tử. Sư dạy tôi quên đi cái nghiệp chướng phàm trần, dốc lòng tu niệm. Vậy là tôi xuống tóc, thành tâm tu hành. Cho đến ngày sư tịch, tôi kế nghiệp ở ngôi chùa nầy thờ bà cho đến giờ. Chuyện đã lâu, tôi không còn muốn nhớ. Nay có cô hỏi, tôi cũng xin trả lời. Giờ chuyện đời tôi đã gác lại, dốc lòng tu niệm.
Chị Thuyên nghe như nuốt từng lời của thầy, mắt đỏ hoe. Chị mẫn cảm và dễ xúc động, nhất là không gian trầm lắng và u tịch của ngôi chùa. Chị lấy khăn lau chầm chậm nước mắt và đăm đắm nhìn thầy.
Tôi nhắc chị Thuyên trở về nhà trọ vì trời đã gần tối nhưng hình như chị vẫn chưa qua cơn xúc động. Tiếng chuông ngân nga trong chiều nhắc chúng tôi đã hết giờ vãn cảnh. Từ giã chị em tôi trong bóng chiều nhập nhoạng, bóng dáng nhẫn nhục, đạo hạnh của thầy khuất sau cánh cửa chùa khép hờ bằng gỗ lim. Tinh ý lắm tôi mới nhận thấy vẻ bối rối của thầy ẩn sau đôi mắt lim dim kia.
*
Không hiểu sao sự việc lại bắt đầu đi theo chiều hướng xấu. Đó là khoảng hơn một tháng kể từ ngày tôi và chị hành hương về. Sau khi uống hết mớ lá ông thầy hái ở ngôi chùa dưới chân núi, chị Thuyên bỗng đau đớn, nhức đầu kinh khủng. Ban đầu là những cơn đau ở hai bên thái dương rồi sau đó, chị cứ ôm đầu chảy nước mắt. Suốt đêm, chị không ngủ, lăn lộn, trằn trọc và thỉnh thoảng khẽ rên. Hình như chị bị chứng nhức nửa đầu. Nhưng không phải! Cậu Ba tôi đưa chị đến đủ các phòng mạch nhưng bác sĩ đều không định bệnh được. Chỉ non tháng mà chị xanh mét như tàu lá, ăn uống thất thường, hễ nằm ngủ thì cơn nhức đầu quái ác kia lại hành hạ chị. Nhìn chị ngày càng khô héo nhưng tôi biết làm sao. Đem chuyện nầy ra hỏi người hàng xóm thì họ cho rằng chị hứa sao đó với bà nhưng không thực hiện nên bà quở, bệnh không bớt được nếu không đi cúng vái tạ lỗi.
Tôi không hiểu gì cả. Chị Thuyên và tôi chỉ vãn cảnh chùa một buổi chiều, gặp ông thầy với tấm lòng thành, xin lộc của chùa ít lá rồi chia tay. Không biết bà trách móc chỗ nào? Họ còn cho rằng chị tôi thiếu nợ gì của bà không trả nên mới ra cớ sự. Chẳng là, mấy người trong xóm thường mượn tiền bà làm ăn. Chỉ là tượng trưng thôi nhưng đến kỳ đi vía sau phải trả lại cho bà, mà phải trả bằng cách mua đồ cúng tạ thì mới mong làm ăn khấm khá. Chị tôi, theo họ, chắc có hứa với bà điều gì không làm nên bà giận, không để chị yên.
Cậu Ba tôi rầu rĩ, bỏ cả việc đồng áng chạy chữa, đông tây y đủ cả nhưng càng ngày bệnh chị càng nặng. Rồi không biết nghe lời ai, một buổi sáng, cậu kêu tôi:
– Mầy nói thiệt tao biết, hôm đi vía bà năm trước mầy với con Thuyên có mượn tiền bà hay hứa với bà cái gì không? Nếu có, mầy phải đưa chị đi trả rồi tạ lỗi bà!
Tôi cãi lại:
– Cậu cứ nghe mấy bà hàng xóm nói tầm phào! Cháu và chị Thuyên chỉ ghé chơi chùa một buổi chiều! À, cháu nhớ rồi! Số là tụi cháu có gặp và nói chuyện với một ông thầy dưới chân núi! Thầy nầy đã có lần cứu chị Thuyên hụt chân dưới ao sen!
Không ngờ nghe tới đây, cậu tôi hỏi dồn:
– Ông thầy ấy nói cái gì? Thôi rồi! Tụi bây xúc phạm hay kiếm chuyện gì với thầy phải không? Bởi vậy cho nên …Vụ con Thuyên hụt chân sao nói tao nghe thử coi. Tao phải hỏi con Thuyên mới được …
Tôi bỗng lờ mờ nhận ra có điều gì đó giữa chị tôi và ông thầy dưới chân núi Mây kia. Nói dại, hay là chị tôi đã cảm thầy không biết chừng. Mà chắc không phải, họ chỉ gặp mỗi năm có một lần …
*
Mấy ngày sau đó, không biết chị Thuyên bàn với cậu tôi điều gì mà cậu sắm đủ lễ vật rồi kêu tôi và chị lên núi Mây cùng cậu. Cậu mướn hẳn một chiếc xe bốn chỗ, áo dài khăn đóng có vẻ trịnh trọng lắm. Tôi ngạc nhiên nhưng thấy cậu nghiêm trang quá nên không dám hỏi. Chị Thuyên thì hớn hở ra mặt, bệnh tình hình như biến đâu mất. Khi cùng bước lên xe với chị, tôi cứ thắc mắc khi nhìn vào đôi mắt sáng long lanh khác thường của chị.
Ngôi chùa nhỏ năm trước hiện ra trước mặt tôi. Vẫn cảnh hoang vu, vắng vẻ huyền bí với con đường mòn hai bên là cây bồ đề dẫn vào chùa sâu hun hút. Chỉ khác trước là ngôi chánh điện hình như mới được quét vôi màu vàng. Cậu tôi hăm hở dẫn chị Thuyên vào trước, bỏ tôi lại coi xe ngoài cổng. Cả hai người hình như có gì giấu tôi.
Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua mới thấy cậu tôi dẫn chị Thuyên ra. Tôi không còn tin vào mắt mình khi nhìn thấy chị như quỵ xuống, gương mặt thất sắc, buồn xo, chân đi không vững. Cậu tôi vừa đi vừa năn nỉ, cố đỡ con gái như chỉ sợ sụm xuống. Cả hai người bước vào xe với tâm trạng nặng trĩu ưu tư…
Mãi sau khi xe chạy hồi lâu, cậu tôi mới giải thích:
– Chẳng là con Thuyên còn nợ ông thầy dưới chân núi một lời hứa! Khi được cứu từ hồ sen, nó đã xem thầy như là ân nhân và hứa hằng năm sẽ lên đây gặp thầy, cúng tạ bà chúa núi che cho nó. Nhưng có năm nó quên, không đi tạ, thành ra bà quở. Chú mua đồ cúng giải lời cho nó. Nhưng ông thầy trụ trì lại không còn ở đó mà bây giờ là một sư cô thay thế, không biết giờ thầy đang ở đâu. Thuyên nó buồn là vậy. Cất công đến đây mà không gặp vị ân nhân, người cứu nó ở hồ sen mấy năm trước nên buồn vậy thôi. Chừng vài hôm sẽ khỏi …
Vậy là cậu tôi chưa hiểu gì về chị Thuyên, tôi tin vậy. Chị không giấu được tình cảm mình qua ánh mắt long lanh khi nhìn đăm đắm ông thầy dưới chân núi buổi chiều năm trước. Tôi không lầm lẫn. Đó chỉ là cái nhìn mà người ta gọi là tình yêu.
Tôi không ngạc nhiên nhiều nếu như tấm lòng chị hướng về ông thầy vì tình yêu làm sao lý giải được nhưng mãi sau đó mấy năm tôi mới hiểu. Đó là mối tình đơn phương của chị tôi như bà chúa núi Mây trong câu chuyện tình dang dở của ông thầy năm xưa…
*
Chị Thuyên lại bệnh nặng. Lần nầy là bệnh thật chứ không như trước. Chị không thiết ăn uống, sinh hoạt kể từ ngày đi núi về cùng cậu tôi. Vốn mê tín, cậu tôi đi tìm thầy, chạy thuốc tứ tung, kể cả mời đến thầy bùa, thầy ngãi về trị bệnh nhưng càng ngày, chị càng kiệt quệ, ốm yếu trông như người mất hồn. Lối xóm và cả cậu tôi đều cho rằng chị bị bà chúa núi Mây quở phạt.
Chị Thuyên mất đúng vào mùa vía bà năm sau. Tôi nhớ rất rõ vì hầu như năm nào, chị cũng rủ tôi đi hành hương cùng chị vào thời gian nầy.
Chị có để lại bức thư, không phải cho tôi hay cậu mà là cho ông thầy dưới chân núi. Chị nhờ tôi đưa tận tay cho thầy. Trong lá thư ướt đẫm nước mắt, chị kể hết tình cảm và tha thiết mong được bày tỏ với thầy tình yêu đơn phương của mình. Chị còn nói đây là tình yêu duy nhất trong đời chị. Chị không thể yêu ai và quên được thầy dù chị không còn trên thế gian nầy nữa.
Bức thư sau đó bị cậu tôi ém nhẹm và cương quyết không cho gửi đến ông thầy trụ trì dưới chân núi. Thôi kệ, cứ cho hàng xóm nghĩ chị qua đời vì không giữ lời hứa với bà chúa núi, bị bà bắt về hầu hạ cho câu chuyện có vẻ linh thiêng, huyền bí.
Mà thú thiệt, nếu cậu nhờ tôi đưa lá thư theo ý nguyện cuối cùng của chị Thuyên, giờ tôi cũng chẳng biết tìm ông thầy ấy ở đâu …
❤❤❤❤❤❤❤
Nguyễn Minh Phúc (mất 4/10/2020,quê quán Quảng Ngãi )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét