(Đinh Trực)
Cái lon sữa bò..., chẳng ai nhớ có từ lúc nào, chỉ biết rằng đã có mặt rất lâu. Đó là món đồ mà người ta muốn giữ lại nhất trong các vật dụng đơn giản nhất...!
Ngày xưa chưa có nhiều loại thức ăn thức uống đóng hộp, bao bì cũng chưa đa dạng nên cái lon sữa bò là một trong những thứ bao bì thông dụng nhứt. Nói cho đúng và đủ là lon sữa đặc có đường, hiệu Ông Thọ hoặc Kim Cương, hay sữa Con Chim...
Dùng hết sữa trong lon, người ta xài cái lon sữa bò cho nhiều chuyện khác lắm...!
Cái lon sữa bò gợi nhớ bao trò chơi không quên vui nhất của trẻ thơ ngày xưa và nó cũng gắn bó nhiều kỷ niệm của gia đình mỗi người..., nhất là những bữa cơm đầm ấm, hạnh phúc...!
Với đám con nít thì đủ trò chơi từ nó: Từ sáng trưa chiều, cứ được nghỉ học là rủ nhau chơi tạt lon; tội nghiệp cho cái lon bị bầm dập, luôn tung bay lên cao, văng xa trong âm thanh “loảng xoảng” với tràng pháo tay hoan hô của đám trẻ khi chiếc dép nhắm phang ngay nó...
Những đêm tối trời hay mùa Trung Thu đến, trẻ quê nghèo phải “sáng chế” ra cái lồng đèn để chơi...
Đứa nào yếu tay nghề thì kiếm cái lon sữa bò không, đục chừng chục cái lổ dưới đít lon, tìm cái ống chỉ (hồi đó ống chỉ bằng cây) để làm bánh xe. Nếu không có, thì dùng cái lon khác cũng được. Chặt cây trúc dài làm cần đẩy, cột khúc kẽm lớn vô rồi luồn qua lõi ống chỉ, rồi xỏ qua chính giữa cái lon là thành cái xe đẩy. Trong lon thì cắm cây đèn cầy, đẩy đi cái ống chỉ lăn là kéo cái lon quay vòng tròn, ánh sáng lóe lóe, nhìn cũng xôm tụ lắm..., cứ như thế mà đẩy trên đường quê, phố chợ, cái miệng nghêu ngao ca hát..., vui thật là vui...!
Cái lon sữa bò cũng là một “phát minh” từ ai đó để là ra cái “téléphone” được làm từ hai cái lon (ống nghe và nói) kết nối với nhau bằng cọng chỉ dài. Vậy mà Alo...Alo...!
Có khi chúng tôi đi lượm về, bỏ thuốc “sạc” của quân đội, vào lon, đập dẹp miệng, chích nhang vào... thế là “nó” quay vòng vòng, xịt khói và lửa ra từ mép miệng lon, giống như “hỏa tiễn” sắp bay vào không trung...
Ôi...! Cái lon sữa bò cũng làm được “ông táo” và cái nồi nấu cơm, canh, luộc rau khi chúng tôi chơi trò làm “đám giỗ” hay bán “hủ tíu” cùng mấy đứa con gái, và khi mua bán thì “tiền” là những... lá cây...!
Hai cái lon sữa bò cũng có khi trở nên làm dụng cụ đựng nước, biến thành “gióng gánh” để đem nước về khi chơi trò “nấu cơm” hay làm đám...!
Chẳng tự khi nào, cái lon trở thành “nhạc cụ” mà đứa trẻ quê nào cũng làm được để nghe nhạc thật du dương...! Khó gì đâu, chỉ cần mở cái nắp lon ra, đến những sào tre phơi quần áo, tìm những lổ tròn, nơi có con ong bầu trú ngụ, kê miệng lon vào, tay gõ gõ vào thanh tre, nghe động con ong bay ra vào lon. Chỉ cần khép nắp lại, để sát vào tai... thế là có bản nhạc solo không lời... thật đã...!
-Sẽ thiếu sót khi không nhắc đến cái lon sữa bò của chúng tôi khi chia phe “đáng giặc còn làm "vũ khí" nữa... Cột hai cây cà rem hai bên lon, cài dây thun lên hai cây, đập dẹp nắp khoén xỏ lổ, luồn dây thun cho xoắn lại, lấy một que nhỏ chêm vào nắp. Sau đó, nối que vào cọng chỉ căng ngang vào gốc cây...
“Thằng giặc nào” đi ngang, vướng dây chỉ, que chêm bật ra, nắp khoén cạ vào mặt lon kêu reng reng vang lên inh ỏi... xem như “giặc” bị trúng “lựu đạn”, đã “loại ra khỏi vòng chiến”...
-Cái lon sữa bò còn được chúng tôi làm trống để chơi. Lấy cái da ếch sau khi làm thịt, rửa sạch bịt lên miệng lon, cột vào thành lon vài cọng thun, đem ra phơi nắng một buổi. Da ếch khô cứng, căng thẳng, giờ chỉ cần lấy chiếc đũa gõ là cả đám reo hò vang khắp xóm...
-Ngày xưa ở quê, các bà, các má còn “sáng chế” từ lon sữa bò làm lư hương cho ông Táo, ông Thiên, làm cái đèn dầu dưới bếp để nhóm lửa...
-Cũng không biết là từ khi nào và ai là người đầu tiên dùng cái lon sữa bò để đong gạo... Chỉ dám chắc một điều là “phát minh” đó có sau ngày người dân Việt biết uống sữa đặc có đường... Từ ngày đó đến nay, có biết bao thăng trầm thay đổi. Đồ nhôm, đồ nhựa, đồ giấy lần lượt ra đời vậy mà chẳng có cái gì để thay thế được cái lon sữa bò dùng để... đong gạo.
Không ai đong gạo bằng ly, bằng ca hay bằng hủ. Chẳng ai dám thay đổi một vật dụng đã “có hồn” và thay thế làm gì cái đã trở nên rất đắc dụng. Không có cách đo lường nào nhanh chóng và chính xác hơn cho các bà, các má... cứ Ba lon là một Lít, còn còn Bốn lon y chang đúng Một kí lô gam...!
Cái lon sữa bò đã thành văn hóa trong tình làng nghĩa xóm, ngày xưa thiếu ăn chòm xóm cho nhau mượn một vài lon gạo để kịp đỏ lửa bữa cơm chiều...
Sáng ra, gánh hàng ra chợ, má nhẩm thầm, hôm nay sẽ đong về được bao nhiêu lon gạo cho con...!
Thế hệ trẻ năm xưa, dù không đong gạo bằng nong nhưng cũng đã vươn vai lớn lên đi khắp mọi nơi, chúng đã thành danh thành nhân từ những lon sữa bò đong gạo của má nấu...!
Cái lon sữa bò tự nhiên được chọn, được sử dụng, rồi đi vào cuộc sống. Một vật dụng xài xong tưởng chỉ để bỏ đi bỗng trở nên... bất hủ.
Đất nước mình từ những năm tháng thiếu ăn đến vươn mình thành cường quốc lúa gạo thứ nhất nhì với Thái Lan..., cái lon sữa bò, vẫn đong đầy tình cảm, theo bước thăng trầm từng gia đình....
Gạo còn đầy trong khạp da lươn hay lúc cạn đáy... chỉ có một mình cái lon sữa bò vui buồn biết được. Nó sẽ cười vui hoặc khóc thầm khi gạo còn đầy hay vơi mà thôi...!
Từ bao giờ cái lon sữa bò đong gạo đã là “chứng nhân” gần gũi nhất của lòng trĩu nặng ơn dưỡng nuôi từ cha mẹ với đàn con...!
Cái lon chung thủy nghĩa tình trải dài theo năm tháng xưa...!
Cái lon đã như một thành viên thân thiết của mọi gia đình...!
Và những gì thuộc về truyền thống, là kỉ vật, chắc chắn mãi sẽ chẳng bao giờ bị mất đi...!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét