3 thg 4, 2022

Sứ mạng của Djo - TC.Da Màu

♦ Chuyển ngữ:

LTS: Theo dịch giả Lê Huy Oanh, người dịch truyện ngắn này từ bản dịch tiếng Pháp của Jean-Luc Moreau, Ilya Ehrenburg sinh tại Kyiv năm 1891, là thi sĩ, ký giả và tiểu thuyết gia viết tiếng Nga. Ông đã từng sống ở khu Montparnasse của Paris, Pháp, trong những năm 1920 nên am hiểu nước Pháp, và người Pháp thường coi ông như “một Aragon của Nga-sô.”

Thật ra, Ilya Ehrenburg là một trí thức đầy mâu thuẫn thời Stalin mà các sử gia vẫn chưa biết xếp vào hàng ngũ nào. Ehrenburg có gia đình bên ngoại theo đạo Do Thái nhưng không theo đạo này và cũng không biết tiếng Yiddish, nhưng ông hiểu tục lệ Do Thái. Ông cực lực chống nạn kỳ thị Do Thái và, cùng với nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko, đã lên tiếng chống chuyện Đức Quốc Xã thảm sát dân Do Thái ở Babi Yar vào năm 1941. Thái độ này lại làm ông bị chính quyền Stalin gây khó dễ, vì người Nga, cũng như Đức Quốc Xã, có lịch sử đẫm máu kỳ thị người Do Thái.

Đối với cái nhìn từ phương Tây, Ehrenburg là người viết nhiều bài và tài liệu tuyên truyền chống Đức Quốc Xã cho Hồng Quân Liên Xô, trong đó, đáng chú ý là những lời kêu gọi thẳng tay tàn sát người Đức. Tuy nhiên, cũng có những nhà nghiên cứu cảnh giác rằng ông có thể là nạn nhân bị cả hai bên trong cuộc chiến lợi dụng, để tuyên truyền và phản tuyên truyền nhằm kích động lòng căm phẫn đối với bên kia. Chẳng hạn, vào tháng 1 năm 1945, Adolf Hitler tuyên bố , “Tên tay sai của chế độ Stalin, Ilya Ehrenburg, đã phát biểu rằng nhân dân Đức phải bị tiêu diệt.” Một số sử gia cho rằng lời kêu gọi giết chết tất cả dân Đức chính là sự chụp mũ (tương đương với “fake news” ngày nay) của Bộ Trưởng Tuyên Truyền Đức Joseph Goebbels. Một số khác thì cho rằng chính quyền Stalin cũng cố tình kích động dư luận để cho phép quân Nga giết thường dân Đức.

Một diễn biến trong đời của Ehrenburg cũng khiến người nghiên cứu về ông thêm phân vân. Ehrenburg đã không bị thủ tiêu như nhiều nhà văn cùng thời trong cuộc Thanh Trừng Vĩ Đại của Stalin, mà được cho đi lưu vong. Nhờ đó, ông sang Pháp gặp gỡ và làm bạn với các họa sĩ Pablo Picasso và Amedeo Modigliani. Và khi sang Tây Ban Nhà hành nghề ký giả, ông giao du với các nhà văn André Malraux và Ernest Hemingway, nhà thơ Pablo Neruda, v.v. Sau khi Stalin qua đời, Ehrenburg viết cuốn tiểu thuyết quan trọng The Thaw (Cuộc Tan Chảy), mà tựa đề đặt tên cho chính sách cởi mở thời hậu-Stalin, “The Krushchev Thaw.” Cuốn sách thẳng thừng lên án những hành vi thanh trừng trong thời Stalin. Cho đến lúc này, Ehrenburg cũng tích cực tranh đấu cho quyền tự do của các nhà văn bị Stalin kiểm duyệt. Ông là người cổ võ và xuất bản các tác phẩm của Osip Mandelstam và Marina Tsvetaeva.


 

 

Tôi biết Djo từ hồi trước chiến tranh. Djo là một con chó đực, lúc đó đi long rong, lưỡi thè ra, trên những con đường nhỏ đầy tuyết phủ tại khu bên kia sông Moscova. Tổ tiên nó chắc chắn không phải loại chó quý bởi vì Djo có những cẳng chân ngắn cong queo và một cái đầu to quá cỡ lông dựng lởm chởm. Thiên hạ lúc đó nói chọc Malseff: “Cậu kiếm đâu ra được con chó đẹp thế này?” Ngay cả Tamara cũng nói mát: “Tôi hiểu là bây giờ người ta có chó quý rồi mà…”

Tamara vốn là một người đàn bà khoái ca kịch và cuộc sống sa hoa. Malseff là một nhà văn lưng khòm và nói hơi nhiều. Chàng ta rất mê những cuốn sách lớn, loại sách khiến cho người đọc trông thấy mà phát mệt.

Djo biết rằng nó chẳng nên làm phiền nhiễu Malseff khi chàng ta ngồi vào bàn. Đôi khi, giữ để khỏi làm phiền là điều rất khó: khi có người bấm chuông và nó muốn nhảy xổ ra cửa để mà sủa, hoặc khi từ dưới bếp vọng lên những tiếng động kỳ diệu (Hélène nạo cái chảo). Nhưng Djo quyết định là dầu khi có người bấm chuông nó cũng chỉ đẩy cho cửa mở hé và khi có tiếng nạo chảo cũng chỉ hít hít vài hơi cũng đủ rồi. Ngược lại, khi Malseff đứng lên khỏi bàn thì Djo, với sự khoái trá, nhảy cẫng thành từng vòng trong phòng. Con chó này là một con vật giàu óc tưởng tượng và tự tô điểm cho cuộc đời bằng những trò phát sinh từ sự tưởng tượng. Nó vùi một hòn đá xuống tuyết, và tiếp đó bới bới một cái hang tưởng tượng để móc hòn đá lên, rồi khoái trí, nó ngoạm “con mồi” nhảy lao về phía chủ nó. Malseff đã dạy nó mang tờ nhật báo đến cho ông già Gniédine ở hẻm bên cạnh. “Dùng chó đưa thư thế này hay đấy” Gniédine vừa nói thế vừa cười lớn. Malseff im lặng: chàng biết rằng chẳng ai có thể hiểu nổi tình thương mến của chàng đối với cái con vật có bốn chân cong queo và lông xồm này.

Chiến tranh xảy ra. Djo và chủ nó đóng trong một khu rừng nhỏ bên thị trấn Smolensk. “Chú tưởng có thể dùng con chó của chú để dọa tụi Đức sao?” thiếu tá Sokolovski nói đùa Malseff như vậy. Malseff trả lời một cách nhẹ nhẽ: “Djo không phải một con vật ngu ngốc…” Khi nói tới con chó của Malseff, Sokolovski thường cười rộ lên: “Nói thật mà nghe nhá, trung úy Malseff rất tin vào những năng khiếu chiến thuật của con chó mũi tẹt của y!” Còn Djo, trong thời gian này, chạy lăng xăng từ gốc cây nọ đến gốc cây kia và đào bới những chiếc lá mục nát: nó vẫn chưa hiểu chiến tranh là cái gì.

Thế rồi tất cả mọi vật bị rung chuyển. Đất cát bay rào rào lên trời. Malseff nằm nép xuống đống bùn và cảnh đó đã khiến cho Djo sợ hãi một cách khác thường: nó cảm thấy một chuyện gì khủng khiếp vừa xảy ra. Đám người ngó lên trời. Cả Djo cũng ngẩng mặt, rồi không cầm lòng được nữa, nó bắt đầu hú lên. Malseff phá ra cười: “Nè bồ già, mi sợ hả?” Trông thấy bộ mặt vui vẻ của chủ nó, Djo yên lòng; vừa hài lòng, vừa mắc cỡ, nó bắt đầu quật đuôi xuống mặt đất. Nhưng lúc đó tiếng động ầm ầm lại nổi lên. Djo trông thấy một trong những bạn đồng đội của Malseff xòe hai bàn tay ôm lấy đầu. Và Djo hoảng sợ. Nó muốn chạy trốn. Nhưng nó nằm nép xuống, không hé răng, và đôi mắt nó không rời chủ nó. Trốn đi ư? Không, Djo không phải đứa hèn nhát, chủ nó đã bảo nó: “Im lặng!” Nó có hơi rít lên nhưng người ta phải hết sức lắng tai mới có thể nghe thấy tiếng rít rất khẽ của nó. Nó hiểu rằng cuộc sống đã thay đổi, rằng chẳng bao giờ nó còn tấm thảm nhỏ để mà nằm lên, chẳng bao giờ còn cô Hélène, chẳng bao giờ còn những giờ phút thú vị khi Malseff lần mở những trang sách khiến cho chúng kêu lên lạt xạt. Và Djo mơ những giấc mơ kỳ diệu: nó mơ thấy khi thì một miếng xúc xích rớt ra từ một cái giỏ của một bà già, khi thì nó đang đuổi theo một con mèo.

Nhờ những giấc mơ ấy mà Djo trấn áp được sự sợ hãi của nó. Những chiếc oanh tạc cơ nhả bom và khạc đạn xuống. Những đạn trái phá nổ tung. Tiếng súng đại liên nổ lạch tạch, rất khó chịu, nghe như có ai đang gõ cửa. Djo biết rằng sự chết bao trùm khắp nơi, ở trên trời cũng như ở dưới đất. Nhưng Malseff không sợ hãi, vậy thì nó sợ hãi làm chi, vô ích. Đối với chủ nó cũng thế, chiến tranh đâu có gì hay. Chắc chắn rằng đối với chàng ta, đọc sách hoặc đi dạo ở những bến tàu với Tamara là điều dễ chịu hơn… Ở Mạc-tư-khoa trước kia, đôi khi Djo quên khuấy mất sự hiện hữu của chủ, khi nó săn đuổi quạ mun hoặc cắn lộn với mấy con chó ngao xấc láo ngụ ở nhà lân cận. Ở đây, Djo không lúc nào rời chủ ra nửa bước. Nó yêu quý chàng với sự say mê giản dị và nồng nhiệt mà người ta gọi là “tình yêu của chó” và suốt đời người ta cứ hoài niệm cái tình yêu đó.

Malseff không quen ngay được với cái không khí ngoài mặt trận. Chàng không sợ chết nhưng chàng e ngại không thể chiến đấu cho xứng đáng, không tìm ra được những lời khả dĩ có thể khích động tinh thần binh sĩ dưới quyền chàng: trước kia chàng vốn là người ưa sống kín đáo trong thư phòng và ít bộc lộ ý nghĩ của mình.

Tamara rất ít biên thư cho chàng và những lời lẽ trong những thư của nàng thì lạnh lùng. Malseff biết rằng chỉ trong vòng một hoặc hai tháng nữa, hẳn nàng sẽ thôi không gửi thư cho chàng nữa. Thật ra, nàng chẳng hề yêu chàng, mà chỉ để cho chàng yêu nàng mà thôi. Thời kỳ này thật vất vả: phải vừa đánh vừa rút lui; mọi người tự hỏi: “Bao giờ thì người ta mới chặn bọn địch lại?” Malseff chiến đấu, hai hàm răng nghiến lại. Djo gợi lại cho chàng cuộc sống sung sướng khi xưa, những cuốn sách, những cơn mơ mộng, tuổi trẻ…

Cả Djo cũng đã thay đổi. Nó có cái vẻ lo âu thường trực. Từ lâu nó đã quen với tiếng đạn nổ, đã học được cách bò trên những khoảng đất trống, cách nấp trong những hố đạn trái phá. Một lần, trong một ngôi làng, có một con chó xấu nết lông đỏ đã nhào tới phía nó và sủa lớn để khiêu khích nó. Cứ như ngày xưa thì chắc hẳn nó không từ chối một cuộc cắn lộn: tính nó vốn hay nổi đóa. Nhưng lần đó, nó bỏ qua, cả đến chửi bới đối thủ nó cũng không làm.

Nó nằm dưới mái lều vải và bị Malseff vuốt ve đánh thức dậy. Đêm đó, đối với Malseff, là một đêm khổ cực một cách đặc biệt. Ngày hôm trước, một trong những binh sĩ dưới quyền chàng có hỏi chàng rằng: “Có đúng là một ngày kia người ta sẽ chặn bọn địch lại không?” Malseff biết rằng người ta có thể chặn bọn Đức lại, nhưng câu hỏi hèn nhát của người lính kia vẫn cứ bám trong óc chàng, khiến chàng khó chịu không sao ngủ được. Djo hiểu được ý nghĩa của cái cử chỉ vuốt ve e dè và vụng về ấy, và nó áp cái mõm nham nhám và buồn ngủ của nó vào lòng bàn tay Malseff.

Năm đó, mùa đông tới sớm và rất lạnh. Mỗi lần Malseff đi tới bộ chỉ huy ở làng Jouravliovka, thì Djo, mỗi khi được dừng lại, cứ phải ủ những cẳng chân giá lạnh vào bụng. Đại đội của Malseff đóng hơn một tuần lễ trên một ngọn đồi, bên một dòng suối đóng băng. Djo chạy từ ổ đại liên này tới ổ đại liên khác. Mọi người đã quen thuộc với nó: nó mang tới cho mọi người cái vẻ yên ổn và êm tĩnh.

Djo bị lạnh và có vẻ buồn bã. Nó không hiểu tại sao người ta không về đóng trong làng. Ở đó có ông sĩ quan quân vụ trưởng mập mạp, ngày nào ông ta cũng đùa giỡn với Djo… Nhưng ngày hôm ấy có một chuyện gì đó xảy ra. Djo không biết rằng bọn Đức đã mở được một lối tiến về phía quốc lộ Kronglovo. Nó không biết rằng cấp trên đã ra một mệnh lệnh: phải tử thủ vị trí của mình. Djo chỉ nhận thấy rằng Malseff không cần tới nó, và cúp tai xuống với dáng vẻ của kẻ có tội, Djo cố gắng để đừng ai chú ý tới nó.

Coi bên ngoài của chàng thì Malseff có vẻ bình tĩnh nhưng lòng chàng rối bời bời. Đạn dược cạn cả rồi. Cần phải nã đại bác vào quốc lộ Kronglovo… Máy truyền tin bị hư. Đường dây điện thoại và điện tín bị cắt đứt. Malseff đã thử gởi hai người tới làng Jouravliovka; một người bị giết chết, người kia bị thương phải bò lết mà trở về. Malseff suy nghĩ về một điều: chặn đứng bọn Đức lại. Nã súng vào con đường Kronglovo, đó chính là tất cả ý nghĩa cái cuộc sống trước kia, đối với chàng, có vẻ phức tạp rối nùi.

Và bỗng nhiên một ý nghĩ nảy ra trong óc Malseff: cần phải cử Djo đi. Chàng biến một cái áo sơ mi thành một vật ngụy trang cho chó. Ở cổ-dề Djo chàng gài vào một mảnh giấy có ghi những chữ: Đạn dược cạn cả rồi. Chúng tôi sẽ cầm cự đến mười sáu giờ. Hãy nã đại bác vào quốc lộ Kronglovo, ở phía trái ngôi rừng nhỏ. Chàng chỉ lối cho Djo: “Chạy đi! Chạy tới gặp thiếu tá!” Nhưng Djo không hiểu. Nó nhận thấy rằng chủ nó cần tới sự giúp đỡ của nó, nhưng nó không biết nó phải làm gì. Mắt nó không rời Malseff, và trong cái nhìn kiểu chó của nó có một vẻ buồn rầu. Lúc bấy giờ, Malseff bèn cho nó một tờ báo cũ được để ở đó làm giấy vấn thuốc hút. Djo cắn lấy tờ báo và đăm đăm nhìn chủ như có ý muốn hỏi: “Đi đâu đây?” Nó đoán ra là phải tới làng, nơi mà hàng ngày nó vẫn theo chủ nó tới. Malseff chỉ hướng đi cho nó: “Chạy đi!” Và Djo ra đi theo kiểu bò rạp người xuống.

Từ đồi đến làng Jouravliovka phải đi mất ba cây số. Djo bò rạp, dừng lại, nhào vào đám tuyết rồi lại nhô lên. Nó e ngại làm mất tờ báo và nó thở một cách khó khăn. Mới đầu nó đi xuống một thung lũng hẹp, tiếp theo đó nó bắt đầu lên một cái dốc. Djo nhớ đường lắm. Tất cả đều êm tĩnh. Nó rẽ sang phải và bắt đầu bò xiên xiên xẹo xẹo; mỗi khi đi với Malseff, chủ nó và nó vẫn thường bò cái kiểu xiên xẹo như thế. Đột nhiên nó cảm thấy thân thể nó đau dữ dội. Nó quỵ xuống, ngất đi. Một trái mìn nổ đã làm gẫy hai cẳng sau của nó. Nó vẫn còn nằm đó, không động cựa. Rồi nó tỉnh lại. Nó kêu lên một tiếng đau đớn, và ngay lập tức nó nhớ lại nhiệm vụ của nó: phải mang tờ báo đi. Nó cố gắng tiếp tục lên đường bằng cách bò lết hoặc, hơn nữa, phải bơi mà tiến, dùng hai chân trước gạt tuyết sang hai bên mở lối đi.

Nó tới nơi kịp thời: bộ chỉ huy đã được chuyển tới một nơi khác. Viên thiếu tá sau khi đọc tấm giấy, kêu lên: “Thư này của Malseff đây mà”. Cảnh này diễn ra trong căn nhà cuối cùng, nơi ở của thiếu tá. “Hãy liên lạc với Redko… Hãy nói với Pirogov: bắn vào mé trái ngôi rừng nhỏ…” Viên thiếu tá có vẻ bồn chồn và thúc giục viên trung úy. Một chiếc xe cam nhông chờ đợi bên ngôi nhà. Chẳng một ai chú ý tới Djo cả. Và con chó nhận thấy rằng cái tờ báo mà nó có nhiệm vụ mang tới đây, lúc này đang bị gió thổi lê trên mặt đất. Nó sủa lên, có ý muốn nhắc nhở mọi người: “Nhặt tờ báo lên chứ!” Nhưng người ta không để ý gì tới nó. Viên thiếu tá và ba người kia đi ra khỏi ngôi nhà. Còn có mình Djo ở lại đó. Rất khó nhọc, nó lết ra cửa để đi tìm chủ nó – nhưng nó không thể nào mở cửa được. Nó ở trong nhà suốt một buổi tối, một đêm và ngày hôm sau. Cơn khát hành hạ nó: nó thè cái lưỡi khô ráo ra liếm hai chiếc cẳng bị gẫy. Nó nghe thấy những tiếng động mà lũ gián gây ra. Djo nghĩ với nỗi buồn rầu: Malseff đang ở đâu? Lại thêm một đêm nữa bắt đầu, và con chó cảm thấy tất cả nỗi cô quạnh đè nặng xuống nó. Nó muốn hú lên, nhưng không còn sức hú nữa. Rồi nó thiu thiu ngủ; nó cảm thấy nó là một con chó nhỏ mới đẻ nhưng chó mẹ đã đi mất. Nó tìm mẹ nhưng không thể nào tìm thấy. Trong cơn mê sảng, nó khóc: Malseff đâu rồi?

Về phần Malseff, chàng vui sướng. Khi người ta bắt đầu nã đạn vào quốc lộ Kronglovo, chàng hiểu rằng Djo đã đi tới nơi tới chốn. Tới mười sáu giờ, trời đã sẫm lại và đại đội của Redko đến đúng lúc. Malseff hỏi: “Con chó đâu rồi?” Không ai biết chút gì về con chó cả. Redko từ Niékrassovka tới. Đến lúc rạng đông, bọn Đức cố tấn công; người ta đẩy lui chúng. Tiếp theo đó hai đội chuyển sang thế công: đại đội của Malseff và đại đội của Redko. Họ thành công trong việc đẩy bọn Đức ra khỏi quốc lộ Kronglovo.

Khi đêm tối tới, Malseff đi đến làng Jouravliovka; không có sự liên lạc và chàng ngỡ rằng bộ chỉ huy vẫn còn ở chỗ cũ. Trong căn nhà trống rỗng, nơi ở trước kia của viên thiếu tá, chàng trông thấy Djo. Con chó tỉnh lại và muốn nhảy lên, nhưng nó không thể nhấc nổi đầu. Chỉ còn có cái đuôi nó hơi nhích nhích được một chút, và tất cả cái gì bao gồm tâm hồn con chó được phát biểu trong cặp mắt nó ngước lên nhìn Malseff. Malseff quay mặt đi. Rồi chàng cúi xuống vuốt ve Djo, chàng im lặng không nói gì, vuốt nó một lần nữa rồi rút khẩu súng sáu ra khỏi bao, chàng nhả đạn vào nó. Chàng rời khỏi căn nhà và không trở lại đó. Cần phải tìm cho ra bộ chỉ huy.

 

(Trần Vũ đánh máy theo bản in trên tạp chí Văn số 178, chủ đề “Tuyển truyện Nga-La-Tư” ra ngày 15 tháng 5-1971, từ trang 3 đến trang 9.)

Nguồn: Văn số 178 – Blog tht (tranhoaithu42.com)


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét