7 thg 4, 2022

HỌC HÀM VÀ CHỨC DANH -FB Thầy Đoàn Viết Bửu

FB Thầy Đoàn Viết Bửu
 
 I. Học hàm
Ở nước ta, có 3 học hàm thường được nhắc đến, từ thấp lên cao, đó là phó giáo sư, giáo sư, viện sĩ.
Cũng ở nước ta, học hàm được phong suốt đời, trong khi ở các nước phương Tây, học hàm đi đôi với công việc dạy học đại học, hết dạy học thì thôi không còn học hàm nữa.
Theo tự điển Việt Nam, bản in năm 1954, trang 227, hàm là phẩm trật trong quan chế, thí dụ: hàm nhất phẩm, hàm tri phủ.
Theo qui định của Việt Nam, muốn được phong phó giáo sư, ông/bà giáo bậc đại học phải thông qua một số thủ tục. Thủ tục đầu tiên là phải là giảng viên đại học, phải được hội đồng trường bình chọn, đề cử, phải có hướng dẫn bao nhiêu sinh viên cao học làm nghiên cứu khoa học, phải có 3 đến 5 bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế có uy tín về học thuật, được hội đồng chuyên môn cấp bộ thông qua,cuối cùng được ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành.
Sau 5 hoặc 6 năm dạy học và nghiên cứu khoa học, các vị phó giáo nếu muốn, phải trải qua chừng ấy thủ tục như nói trên để được nâng cấp và được công nhận là giáo sư.
Còn viện sĩ thì do viện hàn lâm bầu chọn.
Các bước thủ tục nói trên đòi hỏi nhiều điều kiện khó khăn, cho nên các vị nào đạt được học hàm phó giáo sư, giáo sư sẽ được nhiều quyền lợi mà nhiều người ao ước. Do đó mới có việc lập hồ sơ gian dối, đại khái "có ít xích ra to"...và đơn từ kiện cáo lôi thôi. Bù lại, các vị có học hàm, như nói trên, mang học hàm suốt đời; đám tang các vị này được tổ chức rình rang hơn bình thường.
 
Các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng việc tôn vinh học vị, học hàm, chức danh quá mức là biểu hiện của văn hoá của dân tộc còn nghèo nàn và lạc hậu. Chẳng hạn, việc giới thiệu người tham dự đám cưới hoặc họp hành cấp xã, phường hay cấp quận huyện, người mình thường rề rà ra nào là học hàm, nào là học vị, nào là chức danh... của khách mời. Nghe mà phát mệt. Trong khi đó, ở các nước phương Tây, chỉ trong sinh hoạt hàn lâm, người ta mới trịnh trọng giới thiệu học vị tiến sĩ và phẩm cấp của các vị tu hành. Thế thôi.
Chúng ta nghĩ sao?
 
II. Chức danh
Không biết ở các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi... người ta có những chức danh hùng hậu, nghe đã phát mệt như ở nước ta hay không?
Hãy lấy một đơn vị hành chánh cấp nhỏ nhất là phường/xã làm ví dụ.Bên Đảng, có bí thư Đảng uỷ, phó bí thư Đảng uỷ,...
Bên hành chánh, có chủ tịch, các phó chủ tịch, các trưởng ban,..
Bên an ninh, có trưởng Công An, phó trường Công An,..
Bên Quốc Phòng, có phường đội trưởng,...
Bên Mặt trận tổ quốc, có chủ tịch, phó chủ tịch,..
Bên công đoàn, có chủ tịch, phó chủ tịch,...
Bên Đoàn thanh niên, bên phụ nữ, bên y tế, bên giáo dục đều có trưởng và mỗi trưởng có kèm theo 1 hoặc 2 phó...
Hãy cộng lại, có bao nhiêu chức danh chánh và phó?
Đó là sơ sơ ở cấp xã/phường. Còn ở cấp quận/huyện, vẫn bao nhiêu chức danh ấy, cộng thêm chánh/phó văn phòng, người phát ngôn, các trưởng/phó phòng...
Còn ở cấp tỉnh, vẫn chừng đó chức danh như cấp quận/huyện, lại thêm bao nhiêu chức danh của các hiệp hội văn hoá nghệ thuật, ngành nghề thủ công, ngành nghề y tế, giám đốc/phó giám đốc Sở,...
Rồi ở cấp trung ương, biết bao nhiêu chức danh ở mỗi bộ, mỗi ngành, mỗi lãnh vực. Mỗi chánh đều có vài phó, mỗi vị này đều có văn phòng, đều có bảo vệ, tài xế...
Và hãy cộng lại, toàn quốc nước ta có bao nhiêu chức danh? Cả nước ta có 100 triệu dân chút đỉnh. Ngân sách nhà nước gồng gánh bao nhiêu phần trăm cho các chức danh ấy? Và còn lại bao nhiêu phần trăm ngân sách cho phát triển kinh tế, phát triển giáo dục y tế, cho an ninh xã hội...?
Mới nghe qua đã phát mệt!...
Nhưng chưa hết. Còn một dạng chức danh khác mà phần lớn công viên chức hằng ao ước, thậm chí ganh đua, đó là chức danh thi đua. Ao ước, ganh đua là vì nó có liên quan đến tiền thưởng hoặc phần thưởng, có khi là vài quyển tập, vài trăm ngàn đồng, nhưng có khi là chuyến du lịch đi nước ngoài...
Với học sinh, có học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, cháu ngoan Bác Hồ,...
Với công nhân viên, có lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp quận/huyện, cấp tỉnh, cấp thành phố, cấp toàn quốc...
Với giới giáo dục, có nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân.
Với giới y tế, có thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân.
Rồi Huân Chương Lao Động hạng 1, 2, 3,...
Điều quan trọng cần lưu ý là khi nào, tại sao cần phát động thi đua?Khi Cách Mạng tháng 8 thành công, cả nước ta rơi vào hoàn cảnh cực kì khó khăn: nạn đói diễn ra khắp nơi, lòng dân còn phân tán... cho nên nhà nước cần thúc đẩy, động viên mọi người dân, mỗi người hãy góp sức làm việc, lao động để đất nước sớm ra khỏi bịnh tật, đói kém... Phát động thi đua lúc đó, trong hoàn cảnh ấy là điều rất cần thiết.
Nay đất nước ta đã vượt qua ngưỡng nghèo đói từ lâu rồi. Phần lớn học sinh và công nhân viên đều học hành chăm chỉ, lao động chăm chỉ, có hiệu quả tốt...
Vậy có nên cứ tiếp tục thi đua? Có nên cứ tới kì thì bầu chọn thi đua, gây ra mất đoàn kết nội bộ hay không?
Hỏi tức là trả lời vậy.
Hãy để người ta tự giác học tập và tự giác lao động. Và hãy có niềm tin ở người khác.
Đến đây một câu hỏi được nêu ra: có học vị rồi mới có học hàm, có học hàm rồi mới có chức danh và danh hiệu. Vậy sắp xếp thế nào đây khi một người có nhiều danh phận, chẳng hạn:
Thiếu tướng Phó Giáo Sư Tiến sĩ Bác sĩ....
Nhà Giáo Nhân Dân Giáo Sư Tiến Sĩ...
Nghệ sĩ ưu tú, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ...
Thầy thuốc nhân dân, Giáo Sư, Tiến sĩ, Bác Sĩ...
Trong các danh phận trên, cái nào trước, cái nào sau, Quí vị có thấy ngộp không?


Mời Xem : HOC VỊ THỜI NAY -FB Thầy Đoàn Viết Bửu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét