Từ trang " Đáng Suy Ngẫm -PhamMyLan "
Đi chơi đâu, gặp bạn bè thân quen toàn thấy họ khoe, con tôi, cháu tôi nó học giỏi lắm. Họ khen con cháu hết ngày này sang ngày khác và không có chuyện gì khác khi gặp bạn bè.
Có
lần tôi nói với ông bạn, con cháu học giỏi là mừng. Nhưng chẳng thấy
ông bà khen cái sự chăm làm của nó. Bạn tôi cười, nó có phải làm gì đâu,
nên không có cái để khen...
Đúng là lâu lắm lắm, chưa thấy gia đình nào khen con cháu chăm làm, mà chỉ khen chăm học.
Kể
cũng tội, gia đình nhà trường nhồi con trẻ học đủ thứ. Về nhà ăn xong
là quăng bát đũa, bố mẹ thúc con nhanh nhanh học bài. Chẳng thấy đứa nào
phải động vào cái gì cả.
Lớn
lên chúng nó hay đòi hỏi, ích kỉ chỉ biết nhận chứ không biết cho. Kiến
thức đầy mình nhưng cứ ngơ ngơ như gà công nghiệp. Làm cái gì cũng lóng
nga lóng ngóng.
Ở thành
phố, tôi thấy ít khi các ông bố bà mẹ tạo công việc cho con cháu dù là
việc rửa bát, quét nhà, đặt nồi cơm. Rất ít, thậm chí là không dạy cho
con kĩ năng sống. Ở nông thôn nhiều gia đình khá giả cũng nuông chiều
con không kém.
Một lần đến
nhà thằng bạn, vợ nó có việc về quê, nó mời tôi ở lại uống rượu. Nó ra
chợ mua đồ nhậu, còn đứa con gái 21 tuổi ở dưới bếp đang gọt củ su hào.
Tôi hỏi chuyện:
- Cháu có phải đi chợ mua thức ăn không
-
Không, bố mẹ cháu chưa bao giờ sai cháu đi chợ. Nói thật với bác, đến
giờ cháu không biết thế nào là thịt ba chỉ, thịt thăn... nhiều loại cá
cũng không phân biệt được. Vừa rồi đến nhà con bạn cháu mới biết mớ rau
đay, lá mơ, ngải cứu... hì hì... chán lắm. Chẳng bao giờ đi chợ nên cháu
không biết giá cả đắt rẻ thế nào. Bố mẹ cháu mua về là măm thôi.
- Cháu có hay vào bếp không
-
Cháu rất ít vào bếp, chỉ khi mẹ đi vắng bố cháu mới sai cháu thôi. Mọi
việc nấu nướng mẹ cháu làm cả. Thú thật với bác, đến tuổi này mà cháu
vẫn vụng về chuyện bếp núc. Nhiều lúc đến nhà bạn chỉ dám rửa bát... hì
hì...
- Rửa bát cũng phải
học đấy. Mà con gái thì nên vào bếp. Vào bếp nấu ăn cùng mẹ là học được
nhiều thứ lắm... biết nấu ăn ngon, bếp phải gọn gàng sạch sẽ... cháu có
người yêu chưa...
- Dạ... mới có bạn trai thân thân chút chút thôi ạ...
- Bác hỏi thế là vì, nếu cháu có người yêu, căn bếp còn là nơi cháu quyến rũ cái thằng người yêu của cháu đấy...
- Hì hì... bác nói hay quá
-
Người Nga có câu "con đường ngắn nhất đến trái tim của người đàn ông
là đi qua … cái dạ dày của họ". À... mà cháu nghĩ xem, thấy cháu nhanh
nhẹn tất bật trong bếp, nấu món nào cũng ngon thì có chàng trai nào
không khỏi động lòng. Thỉnh thoảng sai nó rửa rau, nhặt hành.... nghĩa
là đừng để nó chỉ đứng nhìn. Nó sẽ vui. Nó cũng chẳng ngần ngại mà bước
vào bếp phụ giúp cháu, rồi có lúc nó ngắm nhìn cháu không biết chán. Nếu
nó "ga lăng" lãng mạn thì nó sẽ ôm cháu từ sau lưng mà hít hà ấy
chứ.... nhưng mà với căn căn bếp bừa bộn, ngổn ngang như chiến trường
thì cũng khó thi vị lãng mạn lắm...
- Hì hì...
-
Thấy nó thái su hào chưa chuẩn, tôi hướng dẫn và thể hiện cho cháu xem.
Nó cười, hôm nay cháu được vào bếp với người nổi tiếng...
-
Không... vào bếp với người tai tiếng chứ. Vui vậy thôi, phụ nữ thì phải
biết nấu nướng cháu ạ. Căn bếp là nơi dành cho phụ nữ và thể hiện rõ
nhất tính cách, con người của người phụ nữ đó trong gia đình...
- Bố cháu nói, bác biết nhiều thứ lắm... cắt tóc, nấu ăn cũng ngon... nhất là mấy món nhậu
-
Thời bác thì làm gì có nhiều quán xá như bây giờ. Với lại làm gì có
nhiều tiền để đi nhà hàng nên đều phải mua về mà nấu thôi. Bác cả đời bộ
đội như bố cháu nên cái gì cũng biết và rồi... chẳng biết cái gì cả.
- Hì hì... có lẽ cháu phải mua cuốn sách dạy nấu ăn chứ đi lấy chồng, không biết nấu nướng, vụng đủ đường... chán lắm bác nhỉ.
Sau câu chuyện với cháu, tôi lại nghĩ đến cái sự học. Các cháu chúi đầu vào học mà kĩ năng sống lại thiếu hụt.
Thời
buổi này, kể cũng khốn khổ khốn nạn vì cái tệ "bằng cấp". Loại học tử
tế thì không sao. Nhưng cũng có loại "hư học", học không để làm gì và
loại "học hư" nghĩa là học giả, bằng giả chỉ để dùng làm thủ đoạn tiến
thân, bất chấp tất cả miễn là có tiền. Cái đó nó đẻ ra tính kiêu ngạo
trong mỗi con người.
Không
biết bao giờ chúng ta mới tạo ra một xã hội bình đẳng “trọng nhân” thực
quyền, thực học, và thực làm. Câu hỏi ấy không chỉ cho nhà trường, xã
hội, mà cho cả mỗi gia đình.
Quốc Toản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét