Quán chữ
Khươm mươi niên rrước, từ Hà Nội về nơi chôn nhau cắt rốn làng Thượng Tầm, tỉnh Thái Bình. Qua bến phà Tân Đệ, dòm dỏ quán xá nghèo nàn hai bên đường, bạ vào mắt nhăm bảng hiệu hẻo chữ: Phở cơm.
Phải đợi đến thiên niên kỷ 21, chữ nghĩa nó bập vào người thời bao cấp: phở không cần…ngon mà ăn lấy…no, bằng vào ăn phở với cơm. Từ phở nhà quê bên đường, khươm mươi niên sau hóng hớt tới…phở cơm nguội ở Sài Gòn:
“…Ngày đó, bà Dậu luôn luôn ân cần với những khách quen, đặc biệt là văn nhân nghệ sĩ. Biết cha đẻ tiểu thuyết Loan Mắt Nhung, Nguyễn Thụy Long mỗi khi ăn phở ưa trộn thêm chén cơm nguội (xem tr 6) khi tô phở đã vơi, bà Dậu tự động mang chén cơm nguội, kèm thêm chén nước lèo cho nhà văn Trâu nước ăn khỏe này…”.
Cũng niên kỷ 21, thêm Phở móng bò, lọ mọ vào Đại Nam quốc âm tự vị, hay Việt Nam tự điển chưa có. Ngày là lá tháng là mây, thả rong chữ nghĩa theo Trần Đăng Khoa bén mảng tới chùa Chùa Đàn của cụ Nguyễn Tuân. Nhà thơ thần đồng có tới chùa hay không nào ai hay?. Nhưng qua lối mòn xưa cũ chùa phải có cây đa nên ông làm thơ lá bay xiên xiên như lá rơi nghiêng…Ông bị cụ Nguyễn mắng chữ lỏng lại hay nói chữ…lá rơi nghiêng. Bởi nhẽ Chùa Đàn, tác phẩm cuối cùng của cụ đâu có…cây đa. Để lưu danh thiên cổ, cụ “bịa” ra chùa không thờ Phật, thờ thánh, chỉ thờ “cây đàn ma”. Cây bạch đàn cụ cũng “bịa” nốt với tên…Chùa Đàn. Cây gạo hoa đỏ…đỏ cay cú, do đạo diễn phim Mê Thảo dựng lên ở ấp Mê Thảo nên…không có thật.
Vào miền Nam, năm ngày bảy tật với tật sính chữ lại sa đà tới bánh không cẳng sao gọi…bánh bò? Vì ngại cụ Nguyễn mắng chữ lỏng, nên dựa dẫm vào Huỳnh Tịnh Của ghi trong từ điển: bánh đổ vào chén, trông giống vú con bò. Rút gọn thành bánh bò. Thảng như bánh ướt của người Nam với bánh cống. Cứ theo ai đấy bịa tạc bánh cống do người…làng Cống làm. Theo ngoa truyền vì đổ bột vào…”cái cống” cắt nửa trái mù u làm bánh nên gọi là…bánh cống. Thêm nữa với…bánh ít,…ít nữa búi bấn sau.
***
Sau khi cuồng chữ rồi nhưng vẫn bát nháo với…chữ lỏng là nghĩa lý gì. Chưa đến đường cao tốc Biên Hòa, xe chuyên chở chữ nghĩa bò lổm ngổm như cua bò. Hết phở cơm nguội, phở móng bò, tới chữ lỏng, chữ đặc, đến cây bạch đàn, cây gạo…
Và còn nơi chốn nào để rối chữ với chữ nghĩa nữa đây.
Vào Sài Gòn, nhè khi con tì con vị đang hậm hực với phở, va vào mắt bảng hiệu Phở xào Bắc Hải. Thế là ngộ chữ tôi són chữ đến cụ Ngộ Không qua Phở thiên biên cổ sự : “Phở xào Nghi Xuân ở phố Mã Vũ nay là phố Hàng Quạt”. Bèn lững thững bước vào. Tu chùa chẳng bằng tu nhà ăn ở thật thà mới là chân tu: Lý sự gì tôi lận đận với những chuyện bịa tạc trên? Vì quán chữ có thật, quán nằm trên đường Nguyễn Du có hàng me, còn lá bay xiên hay không…không biết.
Quán có vẻ vắng như chùa bà Đanh vì bàn ghế lọng cọng, khép nép, ngượng nghịu sao ấy. Vì vậy quán vắng…người, tôi tự hỏi chả biết quán chán người hay người chán quán đây, có lẽ cùng chán nhau chăng. Một chút e dè len lén chui vào não trạng hay là quán không…ngon. Khi không ngộ chữ tôi trơ mắt ếch làm như dòm dỏ thấy người ngồi ăn ngon đang bí rị với chữ nghĩa nên văn ế...
Văn ế bao giờ cho bán hết
Phen này có lẽ gánh lên tiên
Vừa lúc có ông khách dáng người phẳng lặng, hẻo mọn, trang diện hầm hố thò đầu vào, khách mắt đảo tít như lạc rang nhìn quanh, bàn tôi chỉ có một tôi, cậu “phục vụ” nhìn ra ý dò hỏi. Số là mới gọi đĩa phở áp chảo 20 ngàn còn để đó. Tôi dòm ông khách kỹ hơn, trông cũng ngon lành, đeo kính trắng, mắt tinh quái, dáng đi lụ khụ kỳ cổ, lại có tạng “làm ít ly”…y một lít in hịt…tôi, bụng thầm bảo dạ: Một là tôi đang ngồi đồng kiểu “Tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế” (thơ Cao Đông Khánh). Hai là “Đồ ăn ngon, người ngồi ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon. Không ngon”. Bèn gật.
Khách gật gù…lừng khừng ngồi xuống, tạng một ông già lù lù như như cái nấm mọc. Tôi ngộ ra người Bắc hôm nay thiếu vắng hai chữ “cám ơn”, từ lâu hai chữ cám ơn là tử ngữ của người Hà Nội. Qua khuôn mặt phong trần quán có góc cạnh nham cổ, với cung cách ngồi dai quai nát để kiếm chuyện (xem tr 6). Tôi nhẩm chừng khách là kẻ sĩ Bắc Hà hóa kiếp thành Bắc kỳ 54 như tôi đây. Y như rằng, khách liếc thực đơn, buông xả một mảng chữ trời ơi đất hỡi để thành chuyện, để ngộ chữ tôi bã bời với chữ nghĩa để có bài tạp bút Quán chữ này: Vì khách nói:
- Cho tôi một đĩa chữ xào dòn.
Tôi ngớ ra hay nghe chưa thủng. Thế
nhưng không, vì cũng như tôi, cậu phục vụ nghe rồi mặt đụt thấy rõ. Khách lập
lại câu nói. Lần này thong thả từng chữ một. “Cho-tôi-một-đĩa-chữ-xào-dòn”. Làm
như sợ ai nghe thấy, cậu ta hỏi nhỏ: “Đĩa gì ạ” - “Cho tôi một đĩa chữ xào dòn”.
“Đĩa chữ”, cậu hỏi tiếp. “Cho. Tôi. Một. Đĩa. Chữ. Xào. Dòn”. Khách dằn từng
chữ (với từng dấu chấm). Đến đây, khách nhỏ nhẹ hơn:
“Tôi nói tiếng Việt chứ có nói tiếng Ma-rốc đâu”. Tiếp, khách vãi miệng: “Tôi biết quán làm quái gì có món chữ xào
dòn”. Và ông Bắc kỳ 54 thở ra như tiếng thở dài.
- Thôi, cho tôi bát phở tái chần với hành chần vậy.
Cậu phục vụ vừa quay đi, khách gọi giật lại:
- Tái chần với hành chần. Không phải…tái trần, hành trần.
Buổi sáng trở nên bí rị bởi khách
nói chữ. Vẫn chưa xong, khách nhìn quanh, mắt đậu trên mấy món ăn kèm theo hình
ảnh, chữ nghĩa “khuyến mãi” treo trên tường: phở xào dòn, xào mềm, phở áp chảo
khô, áp chảo nước. Khách lậu bậu: “Món gì cũng có, chỉ…món chữ không tìm đâu ra”. Thò đũa vào đĩa phở áp chảo. Tôi gắp tim
gan phổi phèo như gắp cả Hà Nội và Sài Gòn bỏ vào miệng nhai và gọ gạy: Lạ thật.
Chưa bao giờ nghe. món chữ. Sau cùng,
với nho táo bất sĩ hạ vấn, là không mất
sĩ diện gì mà không hỏi. Bèn hỏi: “Bác nói chữ phải không bác?” - “Chữ gì?”
- “Món chữ bác gọi ấy”. Khách à một
tiếng rõ to: “Món chữ xào dòn! Ai mà chả biết”.
Đợi tôi nuốt hết chữ nghĩa của khách và ruột già, ruột non trong đĩa phở áp chảo vào bao tử và tống táng những trầm kha xuống dạ dầy. Khách cười hậc một cái: “Món chữ. Chữ bác dùng để viết chữ đó”. Thấy tôi căng tai nghe, khách ngay đơ: “Chữ ấy mà. Món chữ ấy xào dòn mà không đâu có”. Tôi mài óc ra nghĩ không ra. Một đĩa chữ xào dòn. Làm cách nào để xào dòn những con chữ đang giẫy nẩy lên vì dầu mỡ xi xèo. “Thiên hạ bây giờ không xào nấu chữ nữa”, khách tiếp. “Con người phải ăn mới sống được. Mà thức ăn có bánh giò nhưng chẳng thấy…giò chả đâu, đến bánh…ít, bánh…nhiều. À mà này, bác ngó chừng xem. Tìm đỏ con mắt chẳng gặp ai xào nấu chữ nghĩa nữa. Vậy mà người ta vẫn sống nhăn răng cạp đất,…cũng hay”.
Trộm thấy khách đây dầy chữ quá thể, ngộ chữ tôi loạn chữ với khách về “tái chần” và “tái trần”. Khách khảo chữ theo Tự điển Khai Trí Tiến Đức “chần” là luộc sơ bằng nước sôi. Nghĩa chần chừ đợi chứ chả phải là trần nghĩa…trần trụi. Khách khảo chữ: vua Lê Thái Tông vì mẹ là Phạm Thị Ngọc Trần nên ra lệnh ai họ Trần phải đổi ra họ Trình. Một số họ Trần không đổi ra Trình mà…họ Bùi. Vì Bùi do chữ “phi” và “y” ghép lại nghĩa: “không áo” là…“ở trần”, lại trở về với…họ Trần, cuồng chữ thế đấy.
Làm như khách là…cụ Ngộ Không nào đấy đì tìm thời gian đánh mất qua chữ nghĩa với chữ còn chữ mất. Cụ Ngộ đây lừ đừ như ông Từ vào đền đong chữ như đong thóc, hoặc “sàng chữ ra câu, sẩy câu ra chữ”. Cụ hay vén mồm sáo cuội câu “lọt vào tai chui ra mồm”, với cụ chữ “mồm” với “miệng” thì nói “miệng” sang hơn nói “mồm” (theo Tô Hòai). Vừa nói xong, bát phở của khách ra tới, khách gật đầu tắp lự thiên hạ sự hồi này…ngộ thật: “Đã gọi phở tái chần lại bê…phở tái trần ra”.
Như cụ Nguyễn Tuân, đi ngược gió ngửi mùi phở bốc lên là phở ngon, tôi lỳ lịt hết nhà văn Trần Dõan Nho: “Chữ đuổi bắt nhau, vật lộn nhau ngay trước mắt nhưng ta không hề thấy. Ngược lại, ta nghe, ta ngửi. Y như những con chữ có thể bốc lên, tỏa ra. Nghe có hơi. Tôi gọi là hơi chữ”. Đến nhà văn Phùng Nguyễn: “Nếu chữ là yếu tố của câu. Câu ngắn câu dài, hay chữ đẹp, chữ đắt. Câu quánh lại tạo ra hơi chữ bốc lên hăng hăng và cay không kém gì mùi ớt hiểm để những câu tạo nên hơi văn”.
Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng, tôi ngay tình nghe hơi nồi chõ tích ai đó với hơi văn, hơi chữ. Khách khủng khẳng cọ đít nồi ba mớ chữ theo tích xưa…
“…Kê Khang (223-262) hay khoe mẽ chứa sách trong bụng, hôm nào trời nắng thì khoe bụng, bảo rằng phơi chữ, hong sách cho khô. Kê Khang nghe truyền miệng về tài ngửi mùi sách đoán hơi văn của ông thầy bói mù nọ. Bèn tìm tới. Ông lôi trong cái bị cói “năng nhặt bị” quyển sách đưa cho thầỵ
Ông thầy bói dương cặp mắt trắng dã, hít hít mũi, dậy:
- Sách sự nức mùi son phấn, chắc chắn đây là Hồng Lâu Mộng.
Kê Khang đưa tiếp quyển khác, ông thầy bói lại khịt khịt mũi:
- Sách toát toàn mùi sắt thép loảng xoảng của binh khí. Ắt là Tam Quốc Chí.
Kê Khang đưa tập giấy hoa tiên của mình vừa cảo mực đề văn còn nực màu giấy mực, ông thầy bói mù không cần ngửi, nói không do dự:
- Đây đúng là kim cổ kỳ thư vì ta nghe thoang thoảng mùi…cóc chết”
Từ mùi hồi bốc lên của bát phở, tôi…”bốc” khách một tấc tận giời: “Món chữ xào dòn nếu được chiên cháy cạnh như bánh bột chiên ở Sài Gòn chắc…ngon cơm và…nghe thơm điếc mũi”. Nghe rồi, khách ăn chữ mẻ bát rằng ta có vô số chữ liên quan tới "ăn" như "ăn không", tiếng Sài Gòn cùng nghĩa với "ăn vã" của Hà Nội là…không ăn cơm. Đi với "ngồi rồi", thành "ăn không ngồi rồi" là rỗi việc. "Ăn xổi" là ăn tàm tạm như cà pháo muối xổi. Còn ăn bậy ăn bạ như "ăn hôi", "ăn quịt" chỉ có nước…ăn tát. “Ăn bạc” đi với "ăn gian” là…ăn đòn, chắc như cua đinh là bị…“đinh” cái một.
Xong, khách triết lý củ khoai tận cùng của ăn là…”ăn xôi nghe kèn”. Tiếp, khách ăn không ngồi rồi nên tha ma mô địa một chữ “chết” có bao nhiều chữ cùng nghĩa: tạ thế, chầu giời, về quê, đi rồi, ngoẻo, tử, héo, tỏi, thẳng cẳng, ngẳng, toi, mất, khuất núi, bán muối rồi và còn biết bao chữ nữa.
Từ…”về quê, đi, bán muối”, khách vong gia thất thổ…
Năm 1954, người ta nói đến cuộc di cư người, thật ra còn có cuộc di cư chữ nghĩa nữa. Người đi, chữ cũng đi theo. Chữ nghĩa miền Bắc cũng lềnh kềnh, lếch thếch nối đuôi nhau lên tầu há mồm như bác và tôi. Chuyến đi gian nan của người di cư của bác và tôi thế nào chữ nghĩa cũng vậy. Chữ ở lại, chữ ra đi, chữ nào còn, chữ nào mất. Chữ di cư vào miền Nam, chở đi rồi, bao nhiêu chữ đã rơi rụng, vung vãi dọc đường. Bao nhiêu chữ đã sống còn sau khi đã hội nhập với chữ bản địa. (Nguyễn Văn Lục)
Phải đợi đến sau ngày 30 tháng tư 1975, người ta mới có thể biết được sự còn mất này một phần nhờ so sánh chữ nghĩa giữa hai miền. Hình như cũng ít ai để ý đến cái mất, cái còn của chữ nghĩa sau năm 54. Chữ mòn theo thời gian, vì cho là dù không có cuộc di cư, chữ nghĩa cũng cách này cách khác bị sói mòn. Sự mất còn này trước hết là do sự sói mòn của thời gian. Chữ nghĩa như một vật dùng nhiều lần thì mòn. Như chiếc liềm cắt cỏ mãi cũng cùn. Dao bầu băm mãi cũng lụt đi. Ngữ nghĩa trên chỉ ra một điều: Thời gian và sự đi lập lại có thể làm mòn chữ nghĩa. Nói như thế thì chữ mòn hay nghĩa mòn. Vậy thì tôi hỏi bác chứ…chứ cái nào mòn trước, cái nào mòn sau.
Tôi cắp nắp khách đây hay chữ vậy đấy mà chỉ đồng bái quê mùa với con dao bầu, cái liềm. Vì chả phải đợi năm 54, từ thời chúa Nguyễn Hòang di dân vào miền Nam, người Nam vẫn giữ những tíếng từ quê cha đất tổ xa xưa cho đến thập niên 20, 30 còn rơi rớt lại. Như con dao bầu, dao to bản, phần giữa bầu ra, dùng để chọc tiết lợn, mổ trâu mổ bò. Con dao bầu được người Nam gọi là dao yếm, dao to bản, hình dáng gần giống với dao bầu, nhưng dùng cho việc bếp núc. Còn chiếc liềm cán dài cắt cỏ được họ gọi là cù nèo, tiếng của đất Sơn Tây xưa gọi là cù lèo, nay không còn nữa. Hay cái âu (cái liễn), cái thạp (cái vại), cái trách (cái niêu kho cá, thịt), cái chõ (chõ xôi). Người Nam còn giữ “cái chõ” ba chân đã mất dấu tích ở miền Bắc
Từ Bắc vào Nam, với con dao bầu chọc tiết lợn, tôi nói vấy với khách…
- Sao người Nam không “gọi” bánh da heo mà là bánh da lợn.
Chả như mấy anh phóng viên Bắc kỳ 75 vào Nam làm như đi khai phá vùng đất mới. Về lại Hà Nội ngàn năm văn vật, họ viết lên báo khoe um lên những khai phá mới lạ, một trong khám phá má mới mẻ ấy là…“phương ngữ” của người Nam như “Mèng ơi, nghe, hén” nghe…“hết biết”, “biết chết liền”.
Nghe quắn đầu rồi, khách dùng con dao bầu thọc tiết lợn một tôi:
- Mắc mớ chi Bắc kỳ không “kêu“…nói toạc móng lợn mà lại nói toạc móng heo.
Bởi “bí ngô bí khoai” nên tôi nói dín với khách theo Paulus Của giải thích “lợn” là “heo”. Vi người Trung di dân từ Bắc vào, tiếng của họ pha lẫn tiếng Chàm nên giọng không thanh như người…Thanh Hóa (Tây Đô) hay thanh cảnh như người Thăng Long.
Được thể tôi dựa dẫm vào nhà dân tộc học Trần Quốc Vượng bảo: “Thì các cụ vào đây đâu có đem vợ con đi được nên lấy vợ Chàm rồi sinh con đẻ cái là cái chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt ấy đã truyền lại cho con cái mình cái giọng của người Chàm nói tiếng Việt. Vì vậy khi người Trung nói pha giọng Chàm, họ bẩm trình với quan lớn, họ kêu:…“quan lợn”. Quan cho là vô phép sai lính đánh 10 hèo nên họ gọi mỉa con lợn là…“con hèo”, sau bỏ dấu huyền là…con heo. Con lợn từ Bắc xuống Nam thành con heo là thế.
Nghe mụ chữ tôi mổ chữ như gà mổ mo cau rồi, khách bã bời với chữ nghĩa…
- Con lợn tiếng Việt cổ gọi là “con heo” (hay con cúi) qua câu “nói toạc móng heo”. Di dân vào miền Nam, con lợn được người Nam kêu lại với tiếng Việt xưa là…con heo.
Đột dưng khách…đùn chữ:
- Tôi hỏi bác chứ…Chứ con lợn khác con heo ở khổ nào?
Đợi tôi…chớ phở ra rồi khách mới phăm phở…
- Con heo ăn bắp, con lợn ăn... ngô
Ngó mặt tôi trông cũng ra ngô ra khoai đấy mà không biết bắp, ngô khác nhau ra sao. Khách rị mọ tiếng Việt cổ ở Bắc gọi là bông, là trái vì thành ngữ Bắc kỳ cũ có câu: “Tháng Tám nắng rám trái bưởi”. Bởi ảnh hưởng “hoa quả” từ tiếng Hán nên người Bắc gọi hoa, quả. Vào Nam, người Nam vẫn giữ tiếng bắc cổ bông, trái.
Ngộ chữ tôi…ngộ chữ với khách chữ “vô” đã có ở miền Bắc, theo chúa Nguyễn di dân. Vào miền Trung vẫn được kêu là “vô” như câu ca dao ”Thương em anh cũng muốn vô, sợ chuông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. Vì tiếng “vô” là thổ ngữ của người Mường thượng du Bắc Việt, người Bắc vay mượn chữ vô này một thời gian rồi trả lại người Mường. Nhưng người Việt khi vào miền Nam khai khẩn khẩn đất hoang, chữ “vô” theo chân người đi mở cõi nên họ vẫn giữ lại chữ…vô.
Từ Nam kỳ rặt “Con cá gô, bỏ dô gổ, nó nhảy gột gột”, khách vắt sang con và cái.
Qua Petrus Ký viết sách ngữ pháp vào một thời chưa có ngôn ngữ học hiện đại, thế mà ông có được những nhận đính đúng và hay. Chẳng hạn Petrus Ký là người đầu tiên xác định được các “lọai từ” như cái, con. Con có vú, bốn chân, có con cái, con đực như chó cái, bò đực. Con có lông, hai chân, có con mái, con trống, như gà mái, gà trống. Vây mà…”con” người cũng có hai chân, cũng có…lông lại không có…thằng trống, con mái. Vì ngôi ở quán khát chữ nên mót chữ thì chả quên tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Khái Hưng là truyện Trống Mái có hòn Trồng, hòn Mái là tên…hai hòn đá để ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. (TCS)
Đến đây làm như vồ được chữ, nên chữ nghĩa nó bập vào người khách: “Vì vậy tôi bịa ra món chữ xào dòn là thế”. Thế thì như bác biết đấy: cụ Trần Dần vặn vẹo trong bài thơ Thằng thịt: Tôi là một cột thịt lực đực, vũm vĩm, đưa đảy, thồn thỗn ao thịt, nun nút, nún xút. Những lực đực, vũm vĩm...khó bề gặp được trong tự điển. Xưa nay, trong quá trình tiến hóa của chữ có bao nhiêu chữ xấu số tàn rụi? Tử ngữ la liệt. Trong khi ấy, bao nhiêu chữ dùng đã mấy nghìn năm vẫn còn mới mẻ, vẫn còn sức sống. Mang trên đầu mấy nghìn tuổi thọ mà vẫn sinh động, vẫn mắn con, sinh nở những đứa trẻ kháu khỉnh, vũm vĩm. (theo Võ Phiến)
Thấy người ta trồng khoai cũng vác mai đi đào, tôi đào xới với khách, những bài tạp bút bấy lâu nay, tôi lùi chữ như lùi khoai với chữ của các cụ ta xưa như nhà văn Lê Minh Hà: “Những ngõi, nhảo, nhuôm nhuôm, tôi học từ các bà các chị ở quê tôi. To hó, từ này tôi mượn của ông Tô Hoài trước năm 45. Ngẫn ngẫn tôi học được từ mấy anh chị miền Nam. Chỉn chu thì có trong tự điển. Chúng ta phải tự làm giàu vốn từ cho mình bằng cách đọc và học. Mỗi từ có những nét nghĩa riêng trong từng văn cảnh. Nếu người đọc không nắm bắt được những từ đó, có thể tôi không biết cách khi chọn từ”.
Bỗng không đâu, khách bị tôi…đàm hoa lac khứ về thời gian, không gian ảo. Lại nữa bởi khách chỉ nhai văn nhá chữ với chữ "ăn" từ ăn vạ đến…ăn xôi nghe kèn. Tôi đành đưa khách trở lại với phở qua bài Ăn và đọc của ông nhà văn Bình Định…
“…Từ chỗ biết ăn phở đến am hiểu phở bò, phở gà, phở tái, phở chín, phở nạm, phở gầu, phở sụn... còn nhiều cách biệt. Người Bình Định ăn phở Bắc có hơi hững hờ. Người miền Nam chỉ à ơi ví dầu sau khi trút vào tô phở non nửa dĩa giá sống Người Huế ăn phở phải có ớt, họ không chỉ yêu vì vị cay mà còn vì cái tiếng kêu, đưa lên mồm...cắn kêu đánh bụp. Món ăn còn quan hệ đến lịch sử: Người Việt đời Trần dùng món thịt chó không đối mặt với dĩa rau thơm giống dĩa rau thơm chúng ta có trước mặt ngày nay. Không phải tự lúc đầu lá mơ đã đi với thịt chó. Tôi chắc thế. Tổ tiên ta phải có một thời mò mẫm, đã thử dùng lá chanh, rau răm, rau om, sau cùng là lá mơ...”
Khách gật đầu tắp lự: “Lá mơ là lá…thúi địt đấy, thưa bác”. Với thúi địt, tôi dẫu mồm qua một nhà làm văn học: “…Không có chữ thanh hay chữ tục, chữ hay hoặc chữ dở, chữ cũ hay chữ mới: Chỉ có chữ dùng đắc địa hay không thôi và sẽ không còn là những cái xác nằm bẹp dí trên trang sách, như chúng vốn nằm vậy. Trong các cuốn từ điển, mà chúng trở thành những sinh vật biết ngọ nguậy hay biết nhảy múa, khiến người đọc có hình tượng nào đấy. Mỗi bài chỉ cần vài ba hình tượng chính. Ít. Nhưng thật ấn tượng. Như một cú đấm. Nhanh, gọn, dứt khoát. Và mạnh...” (Nguyễn Hưng Quốc)
Cùng tục, thanh qua nhà văn ti hí mắt lươn Tô Hòai: “Chữ Việt ta có chữ “ăn nằm” rất hay, tránh nói thô. Với “ăn ngủ”, ông nhà văn hóm hỉnh khi tả cảnh mà ông gọi là “ngủ bụi”. Họ là những người từ quê ra Hà Nội làm nghề rửa bát, khiêng bàn, khiêng ghế, bưng bê cho các quán cơm, quán phở. Xong việc xoa “hai đập” là ngồi đập chân mấy cái lăn ra ngủ, sáng dậy đưa tay lên xoa mặt, như con mèo giơ chân rửa mặt khan. Ông nhà văn này còn dí dỏm: Đêm về, ngủ ở mấy quán trọ rẻ tiền ở ngoại ô, “nằm úp thìa”, đầu đàn ông, đàn bà chổng ngược nhau, chân hai bên thò ra mép chiếu (Ngủ bụi).
Lý do rất củ chuối vì đang ngồi ở quán Phở xào Bắc Hải chả nhẽ lại nói chữ với “chữ tục, chữ thanh”. Thêm nữa qua nhà thơ Lê Đạt: Chữ là nghĩa. Ngộ chữ tôi dón chữ “nằm úp thìa” là hai cái thìa úp khít khít khịt lên nhau, đầu với đầu, chân với chân. Ai lại “đầu đàn ông, đàn bà chổng ngược nhau” là khỉ mốc gì. Một công đôi chuyện với nhà văn, tôi vắt qua Vũ Bằng xa Hà Nội ít lâu, thèm phở, ghé quán phở quen hai vợ chồng bạn làm chủ, thấy vợ bạn đeo khăn tang, hỏi mới hay bạn mình đã bốn tấm dài hai tấm ngắn. Trong lúc chờ đợi nồi phở…lửa tắt nồi khô nước, sẵn có máu lãng đãng trong người cùng “gái đọan tang, gà mái ghẹ” ông…thở khẽ câu đối phở rất tình và cũng rất…phở: Nạc mà chi, mỡ mà chi - Sao cứ ỡm ờ không tái giá.
Nhân câu đối, trở lại nhà văn Trâu nước ở quán bà Dậu với phở cơm nguội để có người rỗi hơi chán ăn cơm nguội đành…ăn phở để có nhiễu nhương: Sáng đèo cơm đi ăn phở, trưa hăm hở rước phở đi ăn cơm, chiều cơm về nhà cơm, phở về nhà phở, tối nằm với cơm, nghe thơm mùi phở. Để có nhiễu sự thê bất như thiếp, thiếp bất như tì, tì bất như đạo, đạo như đạo bất đạo. Từ “cơm nguội” và “phở” mới có câu đối thuộc thể lọai khó nhai da trắng võ bì bạch: vợ cả, vợ hai, cả hai đều là…vợ cả.
Làm như không nghe chuyện ruồi bu với cơm phở, khách đụng đũa đụng bát món chữ của ông. “Tôi tìm khắp nơi, mà chẳng ma nào biết làm món ấy. Món chữ người ta không thèm ăn nữa tôi đành đi tìm món chữ xào lăn, chữ xào dòn, chữ nấu chao, chữ luộc, chữ hấp…may ra người ta ăn thấy lạ, sẽ trở về với chữ nghĩa”. Vì vậy tôi đi tìm khắp nơi một người bị đầy đọa chữ như tôi đây.
Khách vãi chữ đến đây, trong cái đầu củ chuối tôi nẩy sinh nhiễu sự khách và tôi: Cả hai nhập thế tục bất khả vô văn tự và…nhập vào nhau làm một như...hai cái thìa úp lên nhau, như bất khả phân: Dường như ấy là bệnh chứng Ferma ở Canada, bởi cái xứ vật chất lạnh lẽo này đã nuốt chửng thằng người thật nên cái đầu hư cấu của thằng người tôi bịa ra thằng người ảo là khách để...’’tọa đàm’’ nãy giờ.
Thêm nhiễu sự khách và cụ Ngộ gì ấy cũng lạ lẫm không kém. Như vừa rồi khách bương bả đi tìm khắp nơi ‘’một người bị đầy đọa chữ’’ như khách thì dường như gặp cụ ở Quán chữ này. Tôi đóan mò tạng người cụ có cái mặt rất chúng sinh, chữ nghĩa chọn cụ để hành hạ. Bởi tôi chỉ thấy cụ Ngộ như bác nhà quê mổ câu, họan chữ như mổ trâu, họan lợn. Những con chữ nhè cụ để đầy đọa, tất cả chỉ có vậy và không hơn.
Rồi ra cả hai tọa đàm đến nỗi bát phở của khách…”nguội ngắt, bánh chương lềnh bềnh, mỡ nguội đóng váng”. Đó là lời cô ả đào về già than thân trách phận trong truyện Anh hàng phở lấy vợ cô đầu. Vồ được anh hàng phở lấy vợ cô đàu mang về đất tạm dung, ngộ chữ tôi nhẩm chừng sẽ mót chữ được bài “Quán chữ”. Thế nhưng không, số là loay hoay vặn vẹo chữ nghĩa rộn cả người, dòm lên trần nhà bắt gặp ông ti hí mắt lươn đang ngồi vắt vẻo trên đà ngang. Theo ông Tô Hòai nếu chỉ biết lác đác vài cột, kèo, rui mè chưa hiểu biết mấy về quán xá. Ông hay ngồi tán chuyện trong quán nhậu, thích lượn lờ ở quán bia hơi. Ông có cái thú riêng: dấu biệt mình là nhà văn, đóng vai một lão già kỳ cổ ngồi ngóng chuyện thiên hạ. Từ đó ông ngóng chừng ăn còn được gọi là “đánh chén”, trong chữ này ẩn dụ có chén hạt mít, để uống rượu trắng chứ đừng gọi là rượu đế. Nói một câu tròn vành rõ chữ có “chén” là có…ăn nhậu.
***
Bỗng khách nói chiều nay ta vào Chợ Lớn tìm chỗ ngồi ngon để…ăn ngon chăng. Vậy thì hãy ghé số 8 đường Tản Đà mà nghe hơi nồi chõ người đồ ăn ngon vào Sài Gòn năm 1927 nấu phở và bán chữ ở đấy. Mới bước vào quán đã thấy người văn ế đang ngồi đục chữ đẽo câu: “Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, người ngồi ăn không ngon. Không ngon! Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn không ngon. Không ngon! Đồ ăn ngon, người ngồi ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon. Không ngon”.
Thạch trúc thảo lư
Kỷ Hợi 2019
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(sửa chữa 2020, 2021)
Nguồn: Khúc An, Nguyễn Đạt, Người Tân Định
Phạm Lưu Vũ, Lê Trung Hà, Ngô Nguyên Dũng
Mời Xem : Gã biết chữ nhưng chữ không hề biết gã - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét