5 thg 1, 2022

CHỮ NGHĨA LÀNG VĂN 1/1/2021 - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

 

***

Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó

Tạ : nhà trống

(nhà thủy tạ)

 (Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 “Trường: xa trường” 

 Viết đúng là “sa trường”. “Sa trường” 沙 場 là từ Việt gốc Hán, trong đó “sa” 沙 nghĩa gốc là “cát”, “bãi cát ven sông”. “Sa trường” 沙 場 = bãi cát bằng mà rộng, thường dùng để chỉ chiến trường.

(Hòang Tuấn Công)

Vang

 Vang : một loại cây có màu đỏ

(đỏ như vang, cây vang “tô phương mộc” dùng để nhuộm)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 “Trưởng: trưởng bạ”

 Viết đúng là “chưởng bạ”, vì “chưởng” 掌 nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” 掌 簿 = người nắm giữ sổ sách giấy tờ; cũng như “chưởng ấn” 掌 印 = người giữ ấn tín.

(Hòang Tuấn Công)

Thịt kho tàu

 Tôi đưa câu hỏi: “Tại sao chúng ta gọi thịt kho tàu ngày Tết” .

Có một bà thím giơ tay lên và trả lời rất hóm hỉnh: Thịt kho tàu thì miếng thịt phải cắt to, vì vậy khi kho nó nổi lên trong nồi như những chiếc tàu, nên ông bà mình đặt tên”.

Tôi nói tiếp:
“Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc, thì chữ “tàu” nói theo ngôn ngữ miền Tây có nghĩa là “mặn ngọt lờ lợ”. Những dòng sông có nước lờ lợ như sông Cái ở phía trên thì dân Nam Bộ mình gọi là sông Cái Tàu Thượng, sông Cái ở phía dưới thì gọi là sông Cái Tàu Hạ, sông Lòng ở Cần Giờ thì gọi là sông Lòng Tàu vì những sông này có nước lờ lợ.”.

 (Thịt kho tàu ngày Tết - Nguyễn Thanh Quang)

 

Văn bút, nhân sự và sự kiện

Lời nói đầu

 Miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975 nói về mặt sinh hoạt văn hóa thì đó là một thời kỳ được vun trồng bởi nhiệt một số lượng nhân sự lớn lao bao gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, và các nghệ sĩ trong mọi ngành. Trong bối cảnh tự do đó, tổ chức Văn Bút là một hội duy nhất được dành cho giới cầm bút, bao gồm các nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, các nhà khảo cứu, bình luận gia về mọi ngành thuộc về văn học nghệ thuật.

 Trải gần 20 năm ròng rã ấy, đã có biết bao nhiêu sinh hoạt của hội đóng góp vào công cuộc vun trồng nền văn hóa của miền Nam Việt Nam mà nếu có thể ghi chép lại thì cũng gom được thành một tài liệu văn học hữu ích cho các thế hệ sau. Nhưng tiếc thay, cuộc phần thư năm 1975 do nhà cầm quyền CS tiến hành đã thiêu hủy biết bao nhiêu là tài liệu, sách báo quý giá kể cả những tài liệu liên quan đến Văn Bút VN.

 Rồi thời gian qua đi, các vị làm văn hóa lão thành vốn đã từng tạo dựng nên hội Văn Bút hầu hết đã quy tiên cả như Nhất Linh, Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Tam Lang Vũ đình Chí, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, LM. Thanh Lãng…v.v. Cho nên nếu dù ai có quan tâm cách mấy về việc viết lại các sinh hoạt của hội Văn Bút thì cũng thẩy đều gần như bó tay vì số lượng tài liệu còn tìm thấy được lại quá ít ỏi.

 Tuy nhiên một tổ chức văn hóa như thế mà không có tài liệu nào viết về nó dù chỉ là một cách tương đối thì cũng thật là đáng tiếc. Vì vậy, nhân danh một hội viên thuộc thế hệ hậu sinh, đã có dịp gặp gỡ và làm việc chung với nhiều bậc tiền bối như Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường , LM. Thanh Lãng… tôi (1) tự thấy có bổn phận phải gom góp tài liệu dù rất ít ỏi để viết về những sinh hoạt của Văn Bút kể từ nhóm Bút Việt cho đến Trung tâm Văn Bút Việt Nam một chặng đường dài từ 1957 đến 1975.

(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)

 (1) Nhà văn Nhật Tiến, nguyên Phó Chủ tịch Văn bút Việt Nam (các nhiệm kỳ 1964-1965, 1966-1967, 1973-1974, 1975-1976)

Tục ngữ hiện đại, hiện thực

 Thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm

 Tác phẩm của Tự Lực Văn Đòan

 Các tác phẩm của thành viên Tự Lực Văn Đoàn được liệt kê dưới đây là trong khoảng thời gian từ 1933 đến 1940.

 Thế Lữ:

Trinh thám: Vàng và Máu (1934), Bên Đường Thiên Lôi (1936), Ba Hồi Kinh Dị (1936), Mai Hương và Lê Phong (1937), Lê Phong Phóng Viên (1937), Đòn Hẹn (1939), Gói Thuốc Lá (1940), Gió Trăng Ngàn(1941), Trại Bồ Tùng Linh (1941),

Tiểu Thuyết: Thoa (1942). 

Thơ: Mấy Vần Thơ (1935), Mấy Vần Thơ, tập mới (1941).

(Tự Lực Văn Đoàn chữ văn quốc ngữ - Trần Bích San)

 

Tục ngữ hiện đại, hiện thực

 Cái nết đánh chết cái đẹp,

Cái đẹp đè bẹp cái nết.

 Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam

Những người vừa kể thuộc một thế hệ xuất hiện trễ hơn những nhà văn như Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan lớp trước, có thể gọi là thế hệ thứ hai, mang tâm trạng bất an của thời đại chiến tranh rõ rệt (Trần Dạ Từ).

Năm máu chảy và năm ruột mềm

Năm bom đạn và năm bão lụt

Dương Nghiễm Mậu đã từng làm tôi mê mẩn với truyện “Từ Hải và cuộc phiêu lưu của đời chàng” đăng hai kỳ trên nguyệt san Văn. Tôi thuộc một phần Truyện Kiều, nhờ giọng ngâm rất hay của ba tôi. Nhưng trước Dương Nghiễm Mậu không ai chỉ cho tôi biết rằng Từ Hải chưa bao giờ chết cả, rằng bi kịch Từ Hải có thể được viết lại, rằng giấc mơ của Thúy Kiều là giấc mơ đời này qua đời khác, và câu thơ ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng có thể có ý nghĩa hình ảnh như thế nào. Sau đó tìm đọc thêm tác giả này, tôi lại nhận ra nỗi bi phẫn đen tối, cùng đường bế tắc:

Đó là sự cùng đường của đời sống cá nhân hay sự cùng đường của xã hội miền Nam đứng trên bờ vực thẳm? Đọc Dương Nghiễm Mậu, cũng như đọc Duyên Anh, Viên Linh, Túy Hồng, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thụy Long, tôi có phần bâng khuâng giữa khuynh hướng lý tưởng và khuynh hướng đen tối. Cho đến khi bắt gặp một đoạn văn trong “Đêm tóc rối”, đăng trên báo Văn mà tôi còn nhớ mãi những chi tiết chính.

- Vậy cậu biết con vợ tôi nó mèo mỡ với ai không?...

- Tao tha chết cho, tao giao con đĩ rạc lại cho mày, về mà sống với nhau. Mai tao đi rồi…

 Tôi chưa từng đọc một truyện nào như thế cả: một nhân vật xưng tôi tự mổ xẻ chính mình như người võ sĩ Nhật tự cầm dao mổ bụng, một nhân vật tôi vừa đáng khinh bỉ vừa đáng thương hại, vừa đáng cảm thông vừa đáng phàn nàn, ngủ với vợ của người quen, một kẻ trí thức sa đọa tự ý thức về sự sa đọa của mình. Một ý thức sáng chói, rướm máu của trí thức Việt Nam. Thời đó đối với tôi, những nhà văn như Dương Nghiễm Mậu là những kẻ dũng cảm, tấm gương của người trẻ tuổi, bất an, nhầm lẫn, nhưng từ bên trong là trong sạch, mặc dù những điều ông viết ra thường buồn bã, tối tăm, đáng ghét, đáng căm phẫn.

Tôi cho rằng những ai muốn hiểu lịch sử tinh thần của miền Nam, sự cùng khổ của nó, giữa các cuộc đảo chánh và các tin tức chiến sự, sự khốn cùng của trí thức như một khuôn mẫu có tính phổ biến cho sự khốn cùng của trí thức nhiều thế hệ, không thể không đọc các tác giả như Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Xuân Hoàng, Phan Nhật Nam, cũng như trước đó đã đọc Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mạnh Côn. Đó là một nền văn học của nạn nhân. Tôi gọi văn học miền Nam là một nền văn học nạn nhân, vì ở đó tôi tìm thấy những cuộc đời không làm chủ được số phận mình, bỗng nhiên thấy mình là kẻ có lỗi trước lịch sử. Tôi gọi đó là nền văn học nạn nhân vì bản chất trí thức của cuộc chiến đấu của họ, trong đó, những nhân vật văn học bị đẩy tới cuộc chiến đấu không ngang sức và sự chiến thắng của ngòi bút với 

(Nguyễn Đức Tùng)

 

Bút danh, nghệ danh

Dương Hùng Cường mượn ba âm đầu của họ, tên đệm và tên chính làm âm đầu của bút danh Húc Càn. Chữ Hán Dương có nghĩa là , thật đồng âm, đồng nghĩa với họ.

(Chuyện phiếm về bút danh, nghệ danh – Nhật Thịnh)

Nguyễn Đình Thiều

 Lần sau cùng tôi gặp anh Dương Hùng Cường trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 là vào khoảng tháng mười hai năm 1974. Anh đi phép và ghé vào Tân Sơn Nhất thăm bạn hữu anh em. Xuống Khu gia binh uống cà phê, anh nói với tôi rằng đang bắt đầu chuẩn bị việc in ấn quyển Vĩnh biệt Phượng là tác phẩm thứ hai sau Buồn vui phi trường.

Buổi sáng hôm ấy, tôi nhớ cũng có cả anh Nguyễn Đình Thiều, ở tờ Lý Tưởng phòng Tâm lý chiến cùng thời với anh Dương Hùng Cường dạo trước và đã thuyên chuyển đi Căn cứ Không quân Phan Rang mấy năm rồi. Anh Nguyễn Đình Thiều từ Phan Rang về và ghé qua Sàigòn trên đường ra trình diện Trại Cai nghiện ma túy của Quân đội ngoài Phú Quốc. Tôi được tin anh từ trần tại đây vào cuối tháng giêng năm 1975.

 (Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)

 Đừng tưởng


Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy cứ ao là tù

(Bùi Giáng)

 

Đã có một thời…

 

Như tôi đã viết trong một bút ký, khi ra tù, chúng tôi được chở trên xe từ trại tù Hàm Tân về trại giam Chí Hòa. Tôi mạn phép bạn đọc cho tôi nhắc lại đoạn bút ký đó:

“Vào buổi chiều tháng 9 năm 1987. Khi đoàn xe thả tù cải tạo bị giữ lại nhà giam Chí Hòa nghe các ông quan chức trấn an về số phận chúng tôi khi được trở về, khoảng hơn 5 giờ chiều chúng tôi mới được thoát ra khỏi cánh cửa sắt nhà tù Chí Hòa. Ngay từ cổng trại tù đã có đoàn quay phim đợi sẵn để quay cảnh “vui mừng đoàn tụ” của tù nhân, chắc là để chứng tỏ cái sự “khoan hồng bác ái” của nhà nước cho những thằng may mắn không chết trong ngục tù. Lại là lần thứ hai tôi đặt chân lên đất Sài Gòn nhưng với tư cách khác giữa một thành phố đã đổi chủ.


Thấy cái cảnh sẽ bị quay phim,
Trần Dạ Từ kéo tôi lên vỉa hè đi lẩn trong đám thân nhân được vận động ra đón tù cùng những người dân tò mò nhìn “cảnh lạ”. Tránh được cái máy quay phim, chúng tôi đi gần như chạy. Ra đến đường Lê Văn Duyệt, chúng tôi đi chậm lại, nhìn đường phố mà cứ thấy đường phố như đang nhìn chúng tôi với một vẻ xa lạ và xót thương?

 

Trần Dạ Từ còn lại ít tiền, anh rủ tôi ghé vào đường Hiền Vương ăn phở. Chẳng biết là bao nhiêu năm mới lại được ăn tô phở Hiền Vương đây. Tôi chọn quán phở ngay sát cạnh tiệm cắt tóc Đàm mà mấy chục năm tôi cùng nhiều bạn bè vẫn thường đến cắt tóc. Có lẽ Trần Dạ Từ hiểu rằng anh về đoàn tụ cùng gia đình chứ còn tôi, vợ con đi hết, nhà cửa chẳng còn, sẽ rất cô đơn, nên anh níu tôi lại. Ngồi ăn tô phở tưởng ngon mà thấy đắng vì thật ra cho đến lúc đó tôi chưa biết sống ra sao giữa thành phố này”.

 

(Tết trong trại tù cùng bạn bè – Văn Quang)

 Tục ngữ hiện đại, hiện thực


Lọc lừa luồn lách lại leo lên
lên lương.

Góp nhặt làng văn xóm chữ

Buồn vui cùng Trần Tuấn Kiệt

Ðã từ nhiều năm nay, Trần Tuấn Kiệt không còn ra ngồi cà phê lúc sáng sớm ở mấy cái quán đầu hẻm gần nhà. Anh bảo, trong người mệt ngồi chỉ chốc lát là cái đầu cứ quay quay muốn té. Ngồi cà phê có nghĩa là ngồi đấy, ở quán, có khi chỉ một mình, mà suy nghĩ đủ chuyện. Trong một thời gian dài từ ngày gia đình anh dời nhà về đây, khoảng cuối những năm 1960, tôi hay tìm được anh ở mấy cái quán rải dài từ chỗ cầu Thị Nghè đến ngã tư Hàng Xanh. Ngày còn đi dạy, trước cũng như sau năm bảy lăm, tôi lâu lâu ghé qua với anh như thế sau giờ đến lớp ở trường Văn Khoa.

Ngồi đấy, tôi hay được nghe Kiệt lẩm nhẩm đọc thơ mình, những câu thơ cũ hay mới xa gần chuyện bạn bè, chuyện thế cuộc nhân sinh… Có khi đang trầm ngâm, Kiệt bỗng đọc lớn lên mấy vần thơ, bảo nó mới nảy ra trong đầu, rồi lặp đi sửa chữ này, lặp lại sửa chữ kia, cuối cùng ngả người nói, “Xong.”

Ðấy là một trong những cách Trần Tuấn Kiệt làm thơ.

(Nguyễn Văn Ðậu)

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Cam sành lột vỏ còn chua.
Thương em còn nhỏ anh cua để dành.

 Đuờng văn ngõ chữ

Là nhà báo mà không biết chụp hình.

Đây là tự thú của phóng viên Tô Hòai, chính ông kể lại:

“…Hương “đen” dường như cũng chẳng để ý vẻ ngần ngại thế nào của tôi, lại móc trong lưng ra một khẩu súng Brô-ning nhỏ, đen bóng như con quay sừng. Bao giờ thấy súng tôi cũng có một cảm tưởng nghiêm trọng khác thường. Cách mạng phải có những cái này chứ, tôi vẫn cho là thế. Ít lâu sau ngày cách mạng thành công, Xuân Thủy chủ nhiệm báo Cứu Quốc cho tôi một khẩu súng lục. Chắc là súng giả, vì trông nó gồ ghề màu bồ hóng không loang loáng như súng của Hương “đen”. Tôi giắt sau lưng áo, cũng không mở xem bao giờ.

Thế mà tôi đã đeo khẩu súng ấy với cái máy ảnh Leica – mà tôi không biết chụp – làm phóng viên báo đi Nam tiến, (Tô Hòai) vào tận mặt trận Nha Trang và Củng Sơn ở Nam Trung bộ…”

(Những gương mặt NXB Hội Nhà Văn 1997 trang 277).

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Bia độc hơn rượu, bằng chứng trên thế giới chỉ có..."mộ bia".

Không có..."mộ rượu”.

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

 Tản Đà nức nở khen chữ “vẳng” và chữ “giật mình”, nó ẩn chứa kín đáo nỗi ngậm ngùi của một tấm lòng hoài cổ. Anh phu xe lúc đầu còn chạy hơi nhanh, đến lúc ấy anh đi thong thả để lắng nghe. Tản Đà lại đọc tiếp bài “Áo bông che đầu” của Tú Xương:

 Ai ơi còn nhớ ai không? 

 Trời mưa, một mảnh áo bông che đầu.

 Nào ai có tiếc ai đâu,

 Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô.

 Người đi Tam đảo, Ngũ hồ 

 Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình.

 Non non, nước nước, tình tình,

 Vì ai tươi thắm cho mình ngẩn ngơ .

 

Bài thơ này nói về mối tình thắm thiết của Tú Xương với cô Cõn (tức bà Hai Đích), con gái út rất đẹp của tiến sĩ Vũ Công Độ ở Vị Xuyên. Thời trẻ, hai người yêu nhau thắm thiết nhưng ông tiến sĩ không chịu gả vì cho rằng Tú Xương không có tương lai, sự nghiệp. Rồi cô Cõn phải lấy chồng là ông Hai Đích. Năm 23 tuổi, chồng chết, cô ở vậy nuôi con. Ông Tú cũng đã lấy vợ nên hai người không thể đến với nhau, nhưng vẫn lưu luyến người xưa. Một đêm, nhà thơ si tình lượn qua nhà người tình cũ, gặp mưa phải lấy áo bông che đầu, lòng càng thổn thức khôn nguôi.

Khi Tản Đà đọc đến chỗ khăn đầu ai khô thì tự nhiên anh phu xe dừng lại. Tản Đà đọc hết bài thì anh quay lại khen “Hay quá!”

 

Thấy lạ, một người phu xe mà biết thưởng thức văn chương, hỏi ra mới biết người kéo xe không phải là dân chuyên nghiệp, ông ta là một thầy đồ vì trận lụt mất sạch tài sản nên nghèo đói, phải ra Hà Nội kéo xe. Từ lúc ấy, chúng tôi không dám lên xe cho ông kéo nữa. Ba người cùng đi bộ với nhau để nói chuyện thơ, rồi cùng về tòa báo ở phố Hàng Lọng. Tản Đà mời ông phu xe vào nhà chơi, cùng uống rượu và biếu ông một đồng bạc.

 (Huyền Viêm)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Học hành như cá kho tiêu .
Kho nhiều thì mặn học nhiều thì ngu

 

162 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

 

Cái ngày khác rất gần đấy mà tôi lại trở lại căn nhà 71, Ngã Tư Sở, là ngày 7 tháng 6 năm 1939. Tôi trở lại để không bao giờ gặp lại ông Tản Ðà nữa. Tôi, một kẻ ở, đến để ngắm chủ nhân đã là một người về. Lúc bấy giờ quá giờ Ngọ. Sớm nay (7-6) ở thư viện ra, Vũ Bằng rủ tôi đi uống một cốc rượu mạnh. Dọc đường phố Hàng Bông, người trưởng nam ông Nguyễn Khắc Hiếu mếu máo tin cho tôi biết rằng ông già cậu vừa mất. Thế là từ phút này làng rượu đất Bắc mất một tửu đồ.

 

***

Ông Tản Đà giữ tôi lại:

- Này, đi đâu? Lâu lắm không uống với nhau một chén nào cả. Ở đây rồi ta tiểu ẩm.

Rồi ông chỉ cái thẩu rượu có ngâm đôi ba con cáp giới còn nguyên hình:

- Của một ông bạn ngoài Quảng Yên làm quà cho. Để đợi hôm nào khỏe, chúng ta sẽ dùng hết. Cái giống này tráng dương lắm. Lai đã bưng siêu nước ra (Lai là tên một người hầu cận thi nhân):

- Này Lai, con chạy ra đầu phố xem có cái gì mua về uống rượu. Con tùy tiện lấy.

 Nghe mà thấy dài quá! Nghe mà thấy sang quá! Ai dám bảo ông Tản Đà là luôn luôn túng quẫn. Tôi tủm tỉm cười. Lai ở chợ đã về và đã nhanh nhảu bày lên bàn những món tửu hào. Trên cái bàn gỗ mộc, Lai đã đặt lên đấy một cái hỏa lò than hồng. Một đĩa bún Thanh Trì trắng phau điểm vài ngọn rau húng láng xanh ngát. Và mươi gắp chả thịt lợn ba dọi có bóp riềng mẻ.

Lai cũng phành phạch quạt nan quạt lửa than hồng vào người chúng tôi. Rượu nặng phân bắt đầu ngấm, bốc mãi nhiệt độ trong người. Nếu không yêu và kính chủ nhân, thì có mà phải tội mới ngồi hầu một bữa rượu chín được người như thế này. Cũng như bao giờ, Tản Đà là người nói nhiều nhất trong những lúc cử tửu. Giữa cái nóng nực của bữa rượu trời hè, tôi, mồ hôi chảy ròng ròng, ngồi nghe ông Tản Đà luận bàn về người trong thanh sử.

 ***

Nhưng lúc tôi vào nhà 71 Cầu Mới, lòng tôi thắt lại. Ông Tản Ðà còn hấp hối và đang thở hắt ra. Cứ đều đều, cứ nhẹ thế cho đến hơi thở cuối cùng. Hai môi mím khít lại, ông Tản Ðà có nét mặt răn rúm của một người chết khó khăn. Phải, chung thân làm một người bất đắc chí, sống đã chẳng được toại lòng, người nằm sóng sượt đây khó mà đi cho nó nhẹ nhõm được. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi lạnh. Ở đầu giường bệnh, vẫn bên chồng sách bừa bãi đây đó mấy trang bản thảo. Tập di cảo! Trời! Và lẻ loi ở góc bàn vẫn cái hũ rượu cáp giới ngày nọ. Tất cả, chỉ có thế thôi”.

 

(Chén rượu vĩnh biệt – Nguyễn Tuân)

 

Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Cống rãnh sóng sánh với đại dương

Chân dung hay chân tướng nhà văn?

 

Năm 1992 một sự kiện ầm ĩ nổ ra trong giới xuất bản. Chuyện bắt đầu từ tập thơ “Lên chùa” của nhà thơ Xuân Sách vốn được sáng tác lai rai từ 30 năm trước. Vào một dịp thăm Xuân Sách ở Vũng Tàu, tướng Trần Độ ghi âm Xuân Sách đọc gần 100 bài thơ này.

(Nhận diện Chân dung nhà văn)

 

Cuối năm 1992, nhà văn Hoàng Lại Giang lúc đó là trưởng chi nhánh NXB Văn Học tại TP SG được nghe cuốn băng này và đề nghị Xuân Sách cho xuất bản với tên Chân dung nhà văn.

 

Mặc dầu NXB Văn học đã rào trước đón sau trong lời nói đầu:
“ Chúng tôi chỉ coi đây là những nét tự trào của giới cầm bút Việt Nam. Cười đấy nhưng cũng tự nhận ra những xót xa, hạn hẹp của chính mình, những gì chưa vượt qua được trên chặng đường quanh co của lịch sử và thời đại. Cái cười trong truyền thống dân gian vốn là sức mạnh thúc đẩy đi tới phía trước.Với ý nghĩ ấy, chúng tôi mong bạn đọc và các nhà văn thông cảm cho những gì bất cập hoặc chưa lột tả được thần thái của từng chân dung..

Dù sao đây cũng là 100 bức tranh nhỏ về những người trong văn học, những người nổi tiếng trong làng văn. Rất mong độc giả và các nhà văn nhận ra mối chân tình trong cuộc vui của làng văn, và lượng thứ cho những khiếm khuyết. “

 Chinh phụ ngâm bị khảo

 Học giả Nguyễn Hữu Tiến cho biết bài trên chép trong Dụ am ngâm lục của Phan Huy Ích và giảng giải đại khái ‎như sau:

“Ông Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục làm ra khúc Chinh phụ ngâm, tình ‎ cao cả, nhạc điệu siêu thoát, truyền bá rộng rãi nơi nơi, ai cũng ngâm nga thích thú và nhiều người đã dịch ra quốc âm, nhưng theo về âm luật thì dịch sao cho được cái tinh túy trong mạch văn, vậy phải theo thiên chương và hiệp với âm nhạc mà diễn ra mới được. Nay nhân buổi nhàn, đã dịch thành khúc mới, chắc tin rằng suy minh được lòng tác giả”.

 

Cũng như Nguyễn Hữu Tiến, Hoàng Xuân Hãn tin rằng bản dịch Chinh phụ ngâm lưu loát phải của Phan Huy Ích chứ không phải của Đoàn Thị Điểm. Ông đã tìm ra một bản dịch khác có chữ “nữ giới” và ngờ rằng đó là bản do Hồng hà nữ sĩ diễn nôm.

Đoàn Thị Điểm hiệu Hồng Hà, sinh năm 1705, quán Văn Giang, Bắc Ninh, như sách chép lại “dung sắc kiều lệ, cử chỉ đoan trang, lời nói văn hoa, sự làm lễ độ”. Bà giỏi thi họa và ứng đối nên sớm nổi danh là tài nữ.
Tuy là nữ lưu, nhưng có chí lớn, tài cao khi cha mất thì theo anh và khi anh mất thì nuôi cháu nên muộn lập gia đình. Nhờ tài học nức tiếng gần xa, lại giỏi kinh dịch, có tài làm thuốc cứu nhân độ thế nên được đời trọng vọng, từng mở trường dạy học và sĩ tử gần xa tới tụ nơi trường nghe giảng dạy.


Ngoài ba mươi, khoảng 37, cuối 1741, nữ sĩ mới lập gia đình với tiến sĩ Nguyễn Kiều, một cây bút học rộng tài cao, góa vợ, đang giữ chức Thị lang. Nguyễn Kiều, vào 1742, có lần đi xứ Trung hoa ba năm mới về (1745). Phải chăng vắng chồng, xúc động tâm sự, Đoàn Thị Điểm đã gửi nỗi lòng vào bản dịch Chinh phụ ngâm?

Bà tạ thế khi theo chồng vào làm quan ở Nghệ An vào năm 1748.

(Chinh phụ ngâm bị khảo – Hoàng Yến Lưu)

Văn miếu

Văn miếu có Khuê văn các in bóng trên mặt gương Thiên Quang tỉnh [giếng], có bia Tiến sĩ và có cả bàn thờ Khổng Tử..

        Văn miếu

                                       Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội
 

 Dân Hà thành cho đến khoảng giữa thế kỷ XX cũng không mấy người rõ tại sao Văn miếu thờ Khổng Tử lại gọi là "nhà Giám" [Quốc tử giám] và "nhà Giám" là gì ? Tại sao bia Tiến sĩ lại cất ở Văn miếu chứ không ở một nơi nào khác ? Bia Tiến sĩ là gì, để làm gì ? Mấy ai thấy hết những cái gì đáng xem nhất trong Văn miếu nhưng vẫn mơ hồ chưa hiểu Văn miếu có gì đặc biệt.

 Văn miếu là di sản văn hóa non một nghìn năm tự trị của Việt Nam, chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung quốc với Khổng giáo / Nho giáo bao gồm cả Quốc tử giám và Khoa cử với ít sửa đổi cho thích hợp với tình trạng và tâm cảm Việt Nam.

 

(Nguyễn thị Chân Quỳnh)

 

Giai thọai xóm chữ làng văn

Cành đào Quang Trung - 1

 Nhà sử học Lê Văn Lan có một bài giới thiệu về chùa Bộc (1) ở Hà Nội. Bài viết này được chép lại trên trang Wiki. Trước giờ, tôi (Trần Nhuận Minh) cứ tưởng Wiki phải tham khảo bài viết của nhà chuyên môn, không dè lại là ngược lại!

(1) Chùa Bộc ở Hà Nội có pho tượng với hai câu đối ở hai bên: “Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ - Quang Trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân” ngụ ý nói rằng ở Thăng Long vẫn còn có chỗ để thờ Quang Trung dưới dạng tượng Phật. Theo Nguyễn Phương trong Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn, Sài Gòn: Khai Trí 1968, trang 40, cước chú viết: “Nhiều người cứ tưởng là tượng Phật, nhưng kỳ thực hình dung Quang Trung mình mặc triều phục mà chân một trong hia, một để ra ngòai trông rất ngang tàng, rất anh hùng cái thế. (tr 159)

 

Nhưng cái đáng nói là ở đoạn kết bài viết của Lê Văn Lan:

“…Cảnh vật chùa Bộc làm tôi nhớ đến chuyện tình cảm động của công chúa Lê Ngọc Hân với Hoàng đế Quang Trung, sau chiến thắng quân Thanh, vua cho mang cành đào về báo tin thắng trận cho vợ, mang cả mùa xuân Thăng Long về Phú Xuân…”.

Đoạn này của nhà sử học cho thấy ông có sự sai lầm không đáng có ở trong Viện sử học. Trong văn học cũng vậy, Chế Lan Viên cũng đã nhầm lẫn nên làm bài thơ...

Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu
Đào phi theo ngựa về cung nhé
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào

Tôi đành phải thưa với hai ông về cành đào này vậy:

Mùng 5 Tết 1789, đại quân Tây Sơn quét sạch Mãn Thanh tiến vào Thăng Long. Chiến thắng này mang lại không ít khoái cảm tự hào dân tộc. Từ đó có nhiều giai thoại về nhà Tây Sơn, và giai thoại “Cành đào Quang Trung” là lãng mạn nhất trong số đó.

Chuyện kể rằng: Hoa đào Thăng Long năm ấy nở rộ, Huệ thấy vậy nên chọn cành đào Nhật Tân đang nụ, sai phu trạm mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân. Cành đào được buộc chéo bằng lạt giang mềm. Dịch trạm thay nhau hỏa tốc đưa cành đào, chỉ hai ngày sau, mùng 7 tháng Giêng, là đã đến tay người nhận.

Chi tiết cành đào này đắt giá đến nỗi đã được chính thức đưa vào lễ hội Đống Đa hàng năm. Được các văn nghệ sĩ khai thác tối đa sau này, lâu ngày chày tháng, nó được nhìn nhận là sự thật trong tâm tưởng của không ít người dễ tin.

 

(Trần Nhuận Minh)

 

Quá trình phát triển hát cung văn

 

Theo truyền thuyết, tục thờ Thánh mẫu bà Chúa Thượng Ngàn, là công chúa Mỵ Nương, con gái Sơn Tinh. Bà cùng cha được ngọc hoàng gọi về trời giao việc.

Theo truyền thuyết thì hát cung văn ra đời từ tục thờ Thánh Mẫu, có thể coi hát cung văn tồn tại lâu đời trong dân gian, xuất xứ từ thày cúng. Hát chầu văn sau tục thờ đức Thánh Trần chuyển thành nghi lễ suy tôn người thật, việc thực. Hát cung văn dù là truyền thuyết hoang đường, vào cái buổi hồng hoang ấy, người dân vẫn gắn vào những sự tích như là ngưới thật để tôn thờ.

 (Tuấn Giang)

Giai thọai xóm chữ làng văn

 

Cành đào Quang Trung - 2

 

Sách sử trước kia không hề có ghi chép nào về “Cành đào Nguyễn Huệ”, vậy chi tiết này từ đâu ra? Thưa rằng, từ trí tưởng tượng bay bổng của một kịch tác gia miền Bắc viết về tuồng chèo. Nhờ chi tiết cành đào Quang Trung tặng vợ quá “đắt”, nên có nhiều người ngỡ là thật (2).

(2) Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng viết truyện “Cành đào Nguyễn Huệ”.

 

 “Giờ ta thử kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Khoảng cách Hà Nội-Huế là 659 km, cho rằng vận tốc ngựa trạm bằng vận tốc trung bình của vận động viên xe đạp là 50 km/giờ. Không kể thời gian đổi người thay ngựa, sớm nhất cũng phải 13 ngày mới đến nơi. Qua mười mấy ngày đó, đào sẽ trụi sạch lá, đừng nói đến hoa, dù nụ hay bung. Vậy mà “sử liệu” cành đào Nguyễn Huệ được viết từ sau thời điểm vở chèo Quang Trung ra đời năm 1964…

 Mãi sau này một nhà phê bình văn học trong nước đi tìm những cụ lão làng viết kịch chèo kỳ cổ:

“…Có thể lấy chuyện vua Quang Trung đánh tan quân Mãn Thanh và tiến vào Thăng Long làm ví dụ”, như: “Khi viết kịch bản chèo, tác giả Trúc Đường (3).đã hư cấu chi tiết vua Quang Trung qua làng Ngọc Hà, thân hành lấy một cành đào đầy nụ để sai người chuyển về Phú Xuân cho công chúa Ngọc Hân. Chi tiết này vừa đẹp, vừa mang nhiều lớp nghĩa nên được đề cao tới mức nhiều nhà sử học coi đó là chuyện thật…”.

(3) Trúc Đường tên thật Nguyễn Mạnh Phác (1911-1983), quê ở Vụ Bản, Nam Định (ông là anh nhà thơ Nguyễn Bính). Ông chuyên soạn kịch về đề tài lịch sử. Những vở kịch chèo nổi tiếng là Thái hậu Dương Vân Nga, Quang Trung, Hoàng Diệu.

 

Năm 1962, sau thành công vở Quang Trung trên sân khấu kịch chèo, Trúc Đường chuyển hẳn sang viết kịch bản về đề tài lịch sử. Có lẽ trong Trúc Đường, từ chỗ giao thoa của hai luồng suy nghĩ về lịch sử và về hiện thời đã bật lên, loé lên những sáng tác, cái mà Pau-tốp-ski gọi là những "tia chớp", nó soi rọi cho ông. Trúc Đường không tái hiện lịch sử một cách đơn thuần. Ông tái hiện nó trong hơi thở của thời đại hôm nay.

 

Trong kịch của Trúc Đường, nhiều tình tiết được tác giả hư cấu theo tinh thần đó. Một chi tiết mà sinh thời Trúc Đường rất tâm đắc: Cành đào tết trong vở Quang Trung. Ông hư cấu, tái tạo,...từ lịch sử trở nên "ngọt" và êm, không "chối".


Trúc Đường đã có đóng góp vào sự phát triển của kịch hiện đại, nhất là đóng góp về phương diện đề tài lịch sử. Với Trúc Đường và Tào Mạt, chèo lại có thêm một mảnh đất đưa chèo đến một bến bờ mới ở thời đại chúng ta.

 

(Trần Nhuận Minh)

 

Chửi mất gà - 1

 Bớ làng trên xóm dưới, bớ láng giềng láng tỏi …. bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Bà có con bà mái xám mới ghẹ ở, nó mới lạc ban sáng mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của bà, thì buông tha thả nó ra, có đứa nào trót nhỡ tay đánh cắp con gà mái ghẹ của bà thì hãy banh lỗ tai vạch lỗ nhĩ lên mà nghe bà chửi đây này…

Chém cha đứa bắt gà nhà bà, chiều hôm qua bà cho nó ăn nó vẵn còn. Sáng hôm nay con bà gọi nó nó vẫn còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả nó ra cho nó về nhà bà, nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mã thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia. mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh rút ruột mày ra a a a a …

Tục ngữ hiện đại, hiện thực

 

Thật thà thẳng thắn thường…thua thiệt

 

Chửi mất gà - 2


Mày dám xơi thịt con gà mái yêu của bà í à? Bà là bà rủa cho mày ngóc đầu lên không được đấy con ạ ạ ạ ạ …..
Cái con gà nó ở nhà bà nó là con công con phượng, chứ nó về đến nhà mày nó thành con cú, con cáo, con thần nanh mỏ đỏ, nó mổ chồng mổ cha mổ tiên sư ông bố ông cố nội mày ra thành trăm mảnh. Bà là bà vứt xuống ao cho cá nó rỉa, rồi bà lại đem lên bờ cho chó nó liếm đấy con ạ. ạ ạ ạ ạ…

Bà rủa cho mày là mày ngủ giường: giường sập, mày ngủ võng: võng đứt, mày thức mày cũng mơ thấy ma móc mắt mày ra, mày tắm ở ao mày chết chìm trong chậu, mày đi ra đường xe bò cán mày bẹp đầu, mày đi trên lề đường cây khô rớt xuống gãy cổ, mày uống được ngụm nước vào mồm máu đỏ mày phọt ra đằng mũi, máu trắng mày tuồn ra đằng tai, mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt. Mày dám đớp thịt con gà của bà hở? Thì ối giời ơi tóc tai lông lá mày rụng sạch. Bà cuộn lại thành chổi bà quét hố xí.

 Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa 

 Rạp Catinat nằm trên đường Nguyễn Thiệp nối liền đường Tự Do sang đường Nguyễn Huệ. Đây là rạp chiếu phim thường trực đầu tiên ở Sài Gòn. Rạp Catinat chỉ chiếu lại những phim các rạp lớn chiếu rồi nên giá vé rất rẻ.

Rạp xi-nê thuộc loại ‘tí hon’ này về sau chuyển đổi thành phòng trà ca nhạc với nhiều tên như Au Chalet rồi Đêm Màu Hồng, nơi ra mắt của ban nhạc Phượng Hoàng thời kỳ trước khi nhập với ca sĩ Elvis Phương.Trên đường Tự Do (Đồng Khởi) có hai rạp được xem là xưa nhất và đẹp nhất là Majestic và Eden.

(Nguyên Trần)

 Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa 

Hướng về chợ cũ, đi ngang qua các hàng bánh mì nổi tiếng để đến đường Tôn thất Đạm, bạn có thể vào xem phim bình dân ở rạp Nam Việt. Rạp nhỏ và nóng nực lắm. Cách đó không xa là rạp Kim Châu trên đường Nguyễn văn Sâm, (góc Hàm Nghi) tương đối còn mới và chiếu phim cũng "xịn" lắm. 

(Nguyên Trần)

 Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa 

Băng qua đường Pasteur gần ngã tư Lê Lợi có rạp Casino Saigon thuộc loại trung bình. Tuy nhiên sau khi xem phim xong, dẫn đào tấp qua bênkia đường làm một dĩa bò bía đính kèm ly nước mía Viễn Đông thì cũng có điểm với em lắm chứ bộ. 

 Đi một đoạn ngắn tới đường Công Lý (cũng góc Lê Lợi) ta thấy rạp Asam mà dân Saigon thường gọi là "Á sẩm". Sau đó có lẽ chủ rạp thấy tên "Á sẩm" mất gốc quá nên đổi lại là Hồng Bàng cho nó đúng điệu Giao chỉ. Ném về phương diện phim ảnh và cơ sở thì rạp này "ngang cơ" với Casino Saigon. Còn về tiết mục phụ diễn ăn uống, nếu Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì Hồng Bàng có suông Thanh Thế rất nổi tiếng trong giới có tâm hồn ăn uống.

 (Nguyên Trần)

(xem kỳ tới rạp Casino Sài Gòn cũ xưa,

rạp Long Phụng và rạp Lê Lợi)

 **

 Phụ đính

 

Chữ nghĩa làng văn

 

Cô Tư Hồng 

 


Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất, Trung Bắc Thư Xã xuất bản lần đầu năm 1941, được tác giả định danh là tiểu thuyết lịch sử. Trước đó, cuốn tiểu thuyết được đăng nhiều kỳ trên báo Trung Bắc Tân Văn Chủ Nhật.

 Vào thời điểm ấy: “Truyện viết vừa ra đời đã được hoan nghênh. Người ta nô nức chờ đợi hàng tuần để đón đọc trên báo, liên tiếp từ số trước đến số sau”.

Nhiều điều đáng suy nghĩ về một nhân vật, về một tiểu thuyết lịch sử, về một phần sự thật mà không nhiều người tường tận. Tuy nội dung xoay quanh một bậc nữ lưu có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, Cô Tư Hồng vẫn không được xếp cùng loại với những cuốn sách viết về Phan Đình Phùng, Lương Ngọc Quyến,… vốn được xem là các khảo cứu và khẳng định tên tuổi của Đào Trinh Nhất như một người viết sử có uy tín, dù trên thực tế, có thể nhận thấy nhiều thủ pháp của tự sự hư cấu được sử dụng một cách tự nhiên ngay trong những tác phẩm lịch sử mà ta vừa nhắc đến.

Mời Đoc CHỮ NGHĨA LÀNG VĂN - Kỳ 15/12/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét