Covid-19 khiến Trường không thể bán vé số ở TP HCM, anh quyết định đi xe lăn về quê sau hai tháng "cố thủ" trong phòng trọ.
Những ngày đầu tháng 5, Sài Gòn nóng dần lên, trên mặt báo, tivi, ra rả tin tức về đợt dịch mới sau lễ 30/4 và 1/5. Cả thành phố mới ghi nhận một ca dương tính, song ngành y tế nhận định dịch biễn biến phức tạp.
Nhưng sự nhộn nhịp và tất bật của Sài Gòn đã trở thành quán tính, mọi người vẫn tiếp tục với công việc thường ngày. Chính quyền vẫn xác định mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế". Với một thanh niên tỉnh lẻ bán vé số như Trần Văn Trường, chống dịch là đeo nhiều lớp khẩu trang, kính, giữ khoảng cách; còn "phát triển kinh tế" là bán một ngày 400 tờ vé số để trả tiền trọ, tiền ăn, nếu dư thì gửi về gia đình.
7h sáng, Trường ngồi trên xe lăn, bịt khẩu trang, cầm xấp vé số rong ruổi khắp các ngõ hẻm. Bữa sáng của anh thường là ổ bánh mì, gói xôi, ăn vội trên đường. Không ai thấy mặt Trường, khách mua chỉ thấy một chàng trai với đôi chân teo tóp, hai cánh tay yếu ớt chìa ra lộ những hình xăm.
Trường có bốn hình xăm, ba hoa sen và một hoa hồng, đều do anh tự tay mua viết, mực, xăm hồi 5 năm trước. "Hoa sen đẹp nhất Tháp Mười, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", Trường nói. "Hoa hồng là tình yêu, tình yêu trai gái, tình yêu đời", anh nói thêm.
Quê Trường ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên. Là con thứ hai trong ba người con của cặp vợ chồng làm nghề biển, lúc mới sinh Trường khỏe mạnh bụ bẫm. Hơn một tuổi, chân Trường dần teo tóp, không thể đi lại. Cha mẹ cũng không có tiền để chữa trị cho con trai.
Lớn lên một chút, Trường nhìn chúng bạn chạy nhảy, còn mình thì phải lết. Rồi khi thấy bạn cùng lứa đến trường, cậu cũng mò mẫm theo, nhưng đến lớp 3 thì bỏ cuộc. Từ năm 9 tuổi đến lúc dậy thì, Trường lớn lên lặng lẽ, nhìn cha mẹ vất vả đi biển, vá lưới, Trường buồn vì chẳng giúp được gì, nhiều lúc còn nghĩ mình là gánh nặng.
Năm 16 tuổi, Trường quyết định phải đi vào Nam kiếm sống, sau khi lang bạt ở các tỉnh miền Tây, cậu lưu lại Sài Gòn. Trường thuê căn trọ rộng chừng 20 m2, có gác lửng ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Được đồng hương giúp đỡ, cậu xin được một chân bán vé số dạo.
Đến nay, Trường đã hành nghề được 7 năm. Với chiếc xe lăn ba bánh gắn động cơ, chàng trai này trở thành một người bán vé số mẫn cán. Mỗi ngày, Trường bán được khoảng 400-500 vé, thu nhập khoảng 300.000-400.000 đồng. Sau khi trả tiền trọ và điện nước khoảng 2 triệu đồng, tiền ăn 1,5 triệu cùng các chi phí khác, mỗi tháng Trường trích ra một ít để gửi về gia đình, và một ít để tiết kiệm.
Với Trường, Sài Gòn là miền đất lành đã cưu mang anh, nếu ở quê, Trường có lẽ không kiếm được việc tốt hơn. Nên mỗi dịp Tết, về thăm nhà xong, Trường lại khăn gói vào phương Nam.
Tháng 2 vừa qua, sau Tết, Trường vào lại TP HCM. Khi ấy, Việt Nam đã kiểm soát tốt ba đợt dịch trước, nên Trường cũng yên tâm và hy vọng vào một năm mới. Nhưng rồi đến tháng 5, chàng trai bắt đầu cảm thấy sức ảnh hưởng của Covid-19 phả tới xe vé số dạo của mình. Khách hàng dè dặt hơn khi mua vé, vì ngại anh tiếp xúc nhiều người trên đường. Đến nửa sau của tháng 5, khi thành phố phát hiện thêm các F0 khác cũng là lúc vé số của anh ế dần.
Khi doanh số giảm từ 400 vé xuống 200 vé một ngày, Trường dừng bán, phần vì nản, phần vì lo lây dịch. Thay vì rong ruổi trên đường, chàng trai "cố thủ" trong phòng trọ, sống bằng tiền tiết kiệm, chờ dịch lắng.
Nhưng Covid-19 ngày càng căng thẳng, đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, số ca nhiễm Covid-19 ở TP HCM tăng vọt. Chính quyền thành phố ra quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Đến ngày 9/7, toàn thành phố nâng cấp độ giãn cách theo Chỉ thị 16.
Quán xá ở gần phòng trọ của Trường đóng kín cửa. Mỗi ngày, Trường chỉ ăn mì gói qua ngày. Ăn riết không chịu nỗi, anh ra đầu ngõ mua bó rau mồng tơi vào nấu canh. Thấy Trường thân cô thế cô, lại tàn tật, có lúc hàng xóm giúp đỡ mua rau, cá tặng anh.
Một mình với bốn bức tường quạnh hiu, Trường muốn về quê. Nhưng Phú Yên lúc ấy cũng đang là tâm dịch với hơn 400 ca nhiễm. Trường đứng ngồi không yên, nửa muốn về, nửa muốn ở lại.
Càng ở lâu, Trường càng ngả theo lựa chọn đi về. "Về quê có cháo ăn cháo, có rau ăn rau", còn ở lại thì phải trả tiền trọ, tiền ăn, mà không đi làm được. Giữa tháng bảy, nhìn hình ảnh dòng người ùn ùn về quê ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, Đồng bằng Sông Cửu Long..., Trường càng thêm nôn nao. Đến ngày 28/7, Trường không còn chần chừ thêm.
Đêm đó, Trường kiểm tra xe lăn, sạc đầy bình điện của động cơ để hôm sau khởi hành. 4h, trời vừa sáng, sau khi lót dạ bằng tô mì gói, Trường rời Sài Gòn với hai gói mì, hai phần bánh mì khô, cùng vài chai nước lọc, áo quần. Anh khom người đẩy xe ra ngõ, bắt đầu chuyến hồi hương.
Trường men theo các biển chỉ dẫn trên quốc lộ để đi, tới đoạn nào không rõ thì hỏi người dân. Mỗi ngày, Trường đi được gần 100 km, 4h đi, đến 21h thì nghỉ.
Để có điện cho xe chạy, anh tìm tới những cây xăng dọc quốc lộ xin sạc nhờ. Một lần sạc đầy bình điện mất gần 5 tiếng, anh tranh thủ thời gian đó để ngủ. Dọc cung đường, Trường được nhiều người tiếp sức bằng những suất cơm, chai nước, mẩu bánh.
Suốt đường về quê trách dịch, Trường không sợ cướp, sợ mệt, mà chỉ lo xe lăn bị hỏng. "Phần bánh xe đã cũ dễ bị thủng, tăm xe có đôi chiếc đã gãy, phải hàn lại đi tạm. Nếu giữa đường gặp sự cố, mình cũng không biết xoay xở ra sao", Trường nói.
Sau 6 ngày vượt gần 500 km, chiều 3/8, Trường đến đoạn quốc lộ 1, qua TP Cam Ranh, Khánh Hòa, cách nhà hơn 100 km. Anh bắt đầu đuối sức, mệt dần. Lúc này, Hội bạn hữu đường xa Khánh Hòa phát hiện chàng trai đi xe lăn đã tới cung cấp thức ăn, nước uống, theo dõi sức khỏe và đưa anh vào trung tâm y tế test nhanh Covid-19, kết quả âm tính.
Tới trưa 4/8, họ chở anh ra tới Đèo Cả, địa phận giáp ranh Khánh Hòa - Phú Yên, rồi liên hệ Đội SOS Hội chữ thập đỏ Phú Yên đón anh, đưa về quê. Anh phải ở lại khu cách ly ba ngày để theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm PCR trước khi về với gia đình tiếp tục cách ly 14 ngày.
Trần Văn Trường là một trong những người cuối cùng về quê khi làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát ở phía Nam.
Những chuyến hồi hương đã lác đác từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi số ca nhiễm tăng nhanh. Nhưng phần lớn vẫn cố bám trụ thêm để chờ diễn biến của dịch. Đến tháng 7, khi nhiều xí nghiệp ngưng trệ sản xuất, nhiều người lao động sau vài tháng mất việc đã không cầm cự nổi.
Vũ Thanh Bình, 28 tuổi, quê xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã mất việc gần ba tháng trước ngày về quê. Bình đã theo mẹ và chị gái lang bạt ở Sài Gòn từ năm 2006, khi mới 13 tuổi. Anh cùng mẹ làm đủ công việc thời vụ để trang trải, như bốc vác, giúp việc, phụ hồ...
5 năm trước, cả nhà trôi dạt xuống Trảng Bom, Đồng Nai, làm công nhân cho công ty da giày. Mức lương của ba mẹ con là hơn 5 triệu đồng một người, chỉ đủ cho bốn người gồm Bình, mẹ và chị gái, cùng con gái của chị trang trải. Riêng Bình đã cưới vợ ở quê nên phải làm thêm, dành dụm gửi về phụ vợ nuôi hai con nhỏ.
Cách đây một năm, mẹ Bình bị tai biến, liệt nửa người, tiền chữa bệnh lên đến 40 triệu đồng. Để chữa bệnh cho mẹ, Bình bán xe máy, vay thêm tiền, cầm chứng minh, thẻ ngân hàng... Đến khi mẹ khỏi bệnh, tài sản của gia đình về con số âm, không có nổi một chiếc xe máy để đi lại. Mất sức lao động, mẹ Bình chỉ ở nhà trông cháu, còn hai chị em Bình vẫn bám trụ Đồng Nai để trả nợ, gầy dựng cuộc sống.
Hồi tháng 5, công ty dừng sản xuất nên Bình và chị gái đều mất việc. "Cứ giãn cách rồi lại giãn cách nên công ty cứ hẹn đi làm rồi dừng. Nếu ở lại, em không chết vì dịch nhưng có thể chết vì đói", Bình nói.
Đến ngày 8/7, cả nhà quyết định về quê. Không còn tiền, chị gái Bình cầm chiếc smartphone được 1,5 triệu đồng. Nhưng khi ra quốc lộ, không thấy xe khách nào chạy về Nghệ An, nên họ mua hai chiếc xe đạp cũ trị giá 700.000 đồng, trong túi còn lại 800.000 đồng làm phương tiện về quê.
Hôm sau, bốn người bắt đầu đi xe đạp vượt hành trình 1.000 km về xứ Nghệ. Bình còn khỏe nên chở mẹ, còn chị gái Bình chở cháu gái.
Họ đạp xe liên tục, lúc mệt thì tấp vào bóng râm nghỉ chân. Lúc thèm cơm quá thì Bình ghé vào tiệm trên đường, mua cơm hộp chứ không dừng lại vì không biết mình có nhiễm Covid không. Đêm đến, cả nhà tìm nơi vắng vẻ, trải tấm nylon để ngủ. "Có lúc mệt quá, cũng muốn vào một nhà nghỉ nào đó để xin nghỉ ngơi, tắm rửa nhưng không có chỗ nào mở cửa", Bình nói.
Sau mười ngày đạp xe với tốc độ 28 km một ngày, đến ngày 19/7, bốn mẹ con đã đi được hơn 280 km, đến huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận trong bộ dạng mệt mỏi. Họ chủ động khai báo y tế và được chính quyền địa phương hỗ trợ, người dân giúp đỡ mua 4 vé tàu. Đường về quê của họ mới đỡ nhọc nhằn.
12h trưa 21/7, sau khi được trạm y tế ở TP Phan Rang - Tháp Chàm lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV, cả nhà lên tàu về Nghệ An. Hai chiếc xe đạp đã theo họ hơn 280 km được nhân viên đường sắt tháo ra, mang lên toa. Bình bảo phải giữ những chiếc xe đạp này làm kỷ niệm.
Đến Nghệ An, gia đình Bình được chính quyền địa phương đón, đưa về trạm y tế xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc. Bình bảo, thấy mình và gia đình may mắn vì về quê sớm và được giúp đỡ, vì người đi sau cũng rất vất vả.
Trước nhu cầu về quê của người dân các tỉnh đang sinh sống ở TP HCM và các tỉnh phía Nam, từ ngày 16/7, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho người dân về quê, có kế hoạch chuyên chở người lao động, thực hiện quy định cách ly, phòng dịch... Sau chỉ đạo này, nhiều tỉnh, thành như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... đã điều ôtô, thuê máy bay chở người về.
Nhưng thực tế, số người muốn về gấp nhiều lần số người được chính quyền tổ chức đón. Họ đã chọn giải pháp "về quê tự phát" bằng xe máy.
Nửa sau tháng 7, hình ảnh dòng người từ phương Nam về quê trên quốc lộ 1, ngủ vật vạ bên đường đã in vào tâm trí nhiều người. Có em bé mới 9 ngày tuổi đã theo cha mẹ "chạy dịch". Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra trên đường đi.
Khi qua các chốt kiểm dịch, các trạm tiếp sức, không ai thấy gương mặt họ, chỉ thấy những ánh mắt đỏ ngầu vì đường xa gió bụi. Trong những lần xuất hiện trước ống kính phóng viên, họ trả lời ngắn gọn với mẫu số chung: mất việc, không có tiền trả trọ, mua thức ăn, sợ dịch, sợ đói...
Theo thống kê của các địa phương, số người về quê tự phát bằng xe máy, ôtô lên đến hàng nghìn người mỗi tỉnh. Quảng Ngãi có hơn 5.000 người về tự phát. Bình Định có 16.000 tự về quê. Ở Thừa Thiên Huế, 12.000 người đi xe máy về...
Bên cạnh sự cảm thông, những chuyến hồi hương cũng dấy lên nhiều lo ngại. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhìn nhận việc nhiều người rời TP HCM bằng xe cá nhân là "có thể hiểu được", vì nếu ở lại tâm dịch sẽ luôn sống trong tâm trạng bất an. Chính quyền địa phương ở quê nhà người dân cần có kế hoạch đón tiếp, cách ly chu đáo và chặt chẽ trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất có thể.
"Tôi nghĩ rằng không nên để người dân về quê một cách tự phát, đi xe máy cả trăm km, vì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, có thể bị lây nhiễm trên đường đi, hoặc lây nhiễm cho người khác", ông Phu nói.
Thực tế, số lượng người về quê không chỉ vượt khả năng đưa đón của các tỉnh, mà còn quá tải so với năng lực cách ly, điều trị. Cuối tháng 7, các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế thông báo dừng tiếp nhận người về quê tự phát.
Chính phủ lúc này cũng thay đổi chiến lược chống dịch, thay vì tạo điều kiện cho người dân từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê, công điện của Thủ tướng ngày 31/7 yêu cầu "ai ở đâu ở yên đấy", không đi khỏi nơi cư trú. Các địa phương được yêu cầu đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân, đó là những động thái cấp thiết để họ tâm ở lại, tuân thủ quy định phòng dịch.
Bí thư TP HCM Nguyễn Văn Nên đã mời bà con các tỉnh ở lại để tiêm vaccine, chính quyền thành phố và các tỉnh Đông Nam Bộ cũng đã tổ chức cấp phát lương thực cho người dân vùng dịch.
Dù vậy, sau ngày 31/7, vẫn còn hàng nghìn người đã rời các tỉnh phía Nam nhưng đang đi giữa đường, chưa về đến nhà. Các chốt giao thông trên quốc lộ 1 ở các tỉnh vẫn mở để họ đi hết hành trình. Nhiều nơi còn có người dân và lực lượng tình nguyện tiếp sức cho những người "chạy dịch" cuối cùng.
Tại trạm kiểm soát giao thông ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, Vũ Thị Hoài đang điệu con nhỏ trước bụng, vừa nói vừa bật khóc.
Vợ chồng Hoài quê ở Bắc Giang, vào TP HCM thuê khách sạn để kinh doanh, từ ngày bùng dịch, khách sạn của họ không có khách. "Đầu tư hàng tỷ đồng nhưng đến bây giờ về tay trắng. Bây giờ chỉ có đứa con nên bọn em bỏ của chạy lấy người, mong đem con về nhà tránh dịch rồi tính tiếp", chị nói.
Hai vợ chồng đã chạy ba ngày mới tới Quảng Nam, trên đường đi, chị ngồi sau lưng chồng cho con bú. "Đi đến các chốt, chúng em đều được bà con, các chú công an mua sữa", chị Hoài nói.
Trong dòng người qua chốt có rất nhiều người như Hoài. Họ từng có một cuộc sống bình thường với nhiều hy vọng nơi đất khách. Đó có thể là một anh thợ xây, một thợ cơ khí, một cậu sinh viên vừa ra trường, một công nhân, một người bán vé số... Nhưng Covid-19 đến, đã làm đảo lộn, biến họ thành những người tha hương, mất việc, không nhà...
Cuộc hồi hương vừa qua, một lần nữa đặt vấn đề ly hương - câu chuyện đã được nhắc nhiều - lên bàn những nhà hoạch định chính sách.
Theo Tổng cục điều tra dân số và nhà ở Trung ương, miền Trung là nơi có tỷ suất di cư cao thứ hai cả nước, giai đoạn 2014-2019, tỷ suất di cư là 30 trên 1.000 người; so với 45 trên 1.000 người của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Hầu hết người xuất cư từ miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long đều chuyển đến Đông Nam Bộ, khu vực kinh tế phát triển nhất nước với một mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp tập trung ở tứ giác kinh tế trọng điểm gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Họ sẽ làm gì ở quê khi đã rời miền đất hứa? Trần Văn Trường, nhân vật đầu bài viết nói sẽ không vào Sài Gòn nữa. Anh sẽ dùng tiền của những người dân ủng hộ trên đường đi để làm ăn, buôn bán... Còn Vũ Thanh Bình, người đạp xe về quê thì nói sẽ nghỉ ngơi sau khi hết cách ly, rồi mới đi tìm việc. Còn với chị Hoài, mang được con về là "may mắn lắm rồi".
Xuân Ngọc - Phạm Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét