5 thg 4, 2021

Tiếng Việt phong phú......


 Ghép chữ Nôm 

Tài hơn nữa, ta đem một chữ rất thường dùng ghép với một chữ khác để cấu-tạo thành không biết bao nhiêu chữ kép với những nghĩa đầy lý thú: 


Như một chữ “ăn” đem ghép thành: 

ăn bám, ăn bận, ăn bẩn, ăn bòn, ăn bốc, ăn bớt, ăn cắp, ăn có, ăn cỗ, ăn cơm, ăn cưới, ăn cướp, ăn cháo, ăn chay, ăn chạy, ăn chắc, ăn chận, ăn chẹt, ăn chịu, ăn chơi, ăn chùa, ăn chực, ăn dè, ăn đêm, ăn đòn, ăn đút, ăn đứt, ăn gian, ăn giỗ, ăn hại, ăn hàng, ăn hiếp, ăn kiêng, ăn khao, ăn khem, ăn khín, ăn khớp, ăn lãi, ăn lạt, ăn lận, ăn lời, ăn lương, ăn lường, ăn mày, ăn mặc, ăn mặn, ăn mót, ăn mừng, ăn nằm, ăn nói, ăn ngủ, ăn nhậu, ăn nhín, ăn nhịp, ăn nhờ, ăn ở, ăn quịt, ăn rơ, ăn sương, ăn tạp, ăn Tết, ăn tiệc, ăn tiền, ăn thề, ăn thua, ăn trộm, ăn trớt, ăn uống, ăn vạ, ăn vã, ăn vặt, ăn vận, ăn vụng, ăn xài, ăn xén, ăn xin, ăn xổi, ăn ý...

(Tiếng Việt hồn Việt – Lê Thương)

“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?  

Từ "dễ", theo thói thường, giữ vai trạng từ trong ngữ pháp, phản nghĩa với "khó". Ấy mà, trong lời ta thán thường nghe: "Đàn bà dễ có mấy tay!", "dễ" giữ nhiệm vụ gì, khó xác định sao cho chính xác. Khác với: "Con bé ấy càng lớn trông càng dễ thương", "dễ" có nghĩa như "đáng". Nhưng tuyệt đối, không ai nói: "Con bé ấy càng lớn trông càng đáng thương", vì ý nghĩa của hai câu nói khác nhau nhiều lắm. Tình tiết trong ngôn ngữ Việt đâu phải chỉ đơn giản bao nhiêu đó. Vì, nếu như "thương" được thay bằng "yêu", ta sẽ có "dễ yêu" cũng như "đáng yêu", thì "dễ" và "đáng" lại đồng nghĩa với nhau, mới chết!

 

"Dễ" còn được người Việt sử dụng trong lời khen: "Thằng đó không biết ăn nhằm giống gì mà lấy được con vợ đẹp dễ sợ." Hay: "Tao mới làm quen được con nhỏ kia đẹp ác." Điểm ngộ nghĩnh trong hai thí dụ vừa nêu là biến tính của hai từ "sợ" và "ác". Nghĩa tiêu cực tan biến đâu mất, để hỗ trợ tích cực, "nâng cấp" tính đẹp lên tột đỉnh, vượt qua ý niệm giới hạn của "sợ" và "ác"!!! Như thể ở cực điểm, ngôn ngữ cường điệu có khả năng triệt tiêu cả đối tính. Tương tự vậy, người Việt nói: "Con vợ thằng chả nói năng vụng về vậy mà nấu ăn ngon ghê!" thay cho "ngon quá"; hoặc "Ca sĩ X không rành nhạc lý gì hết, vậy mà hát hay kinh khủng!" thay vì "hay tuyệt". Lạ… ghê!

                   (Ngô Nguyên Dũng)

🌸🌸🌸🌸🌸🌸

Xem Thêm : TIẾNG VIỆT PHONG PHÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét