Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 9/2020.
Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Cuối tuần trước, tôi cuối cùng đã có thể đến thăm một nơi tôi luôn muốn được đến: dãy núi Tĩnh Cương Sơn ở tỉnh Giang Tây. Chính tại những ngọn núi này Mao Trạch Đông đã lần đầu tổ chức lực lượng nông dân và dựng chiến khu để đấu tranh vũ trang vào cuối những năm 1920.
Tôi lên kế hoạch chuyến đi vào tháng 2 nhưng buộc phải hoãn lại do đại dịch coronavirus. Hiện dịch bệnh phần lớn đã được kiểm soát ở Trung Quốc, người dân được phép đi lại gần như tự do trong nội địa.
Đến thăm “thánh địa cách mạng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc là chuyến đi đầu tiên của tôi ra khỏi Bắc Kinh trong tám tháng qua. Đến nơi, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy rất nhiều khách du lịch.
Thật ra, cũng không hẳn đúng khi dùng từ “khách du lịch”. Hầu hết họ dường như tham gia các chuyến tập huấn do các công ty và cơ quan liên quan đến đảng tổ chức.
Họ lần lượt đến trong những chiếc xe buýt lớn, theo nhóm hàng chục người. Họ mặc quân phục Hồng quân, tiền thân của Quân Giải phóng Nhân dân. Đó là một cảnh tượng khá lạ lùng.
Khi đến Bảo tàng Cách mạng Tĩnh Cương Sơn, tôi thấy một hàng người dài ở lối vào dành cho khách đoàn. Ngược lại, chẳng có ai đứng đợi ở cổng dành cho khách lẻ. Khi tôi xuất trình hộ chiếu, người tiếp viên tỏ ra ngạc nhiên và quay sang nói gì đó với sếp. “Anh là công dân nước ngoài đầu tiên đến đây kể từ khi bùng dịch coronavirus”, anh ta nói với tôi.
Anh ấy cũng xác minh tôi đã không đi khỏi Trung Quốc kể từ giữa tháng 1 và sau cùng cho phép tôi vào.
Mùa thu năm 1927, sau một cuộc nổi dậy vũ trang không thành công ở tỉnh Hồ Nam, Mao đã dẫn số quân còn lại chạy lên vùng núi này. Ông chiêu mộ những nông dân nghèo và phát động một cuộc chiến tranh du kích, đánh từ trên núi xuống và nhắm vào các địa chủ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản từng có chiến lược lên nắm quyền bằng cách tổ chức công nhân đấu tranh ở thành thị. Nhưng ý tưởng này đi vào ngõ cụt vì đất nước vẫn còn là một xã hội nông nghiệp kém phát triển.
Những người Cộng sản bị phe Quốc dân Đảng ở thành thị dồn vào thế chân tường và bị đẩy đến bờ vực sụp đổ. Nhưng Mao đã cứu phong trào đang khó khăn khỏi cuộc khủng hoảng sinh tử bằng cách áp dụng chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị.” Đội quân của ông mạnh dần lên và đánh bại quân đội Quốc dân đảng khoảng 20 năm sau đó, dẫn đến sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.
Nếu không có sự thay đổi chiến lược đó của Mao, bắt nguồn từ Tĩnh Cương Sơn, Đảng Cộng sản có lẽ đã không thể lên nắm quyền. Vì vậy các nhà lãnh đạo tối cao khác nhau thường đến thăm nơi này.
Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tập Cận Bình đã đến thăm nơi này vào tháng 2/2016 và mô tả nơi đây là “ngọn núi của cách mạng”, “ngọn núi đấu tranh”, “ngọn núi anh hùng” và “ngọn núi vinh quang.”
Các chuyên gia chính trị thường chỉ ra rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của ông Tập – vốn kêu gọi thành lập một liên khu kinh tế lớn nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường bộ và đường biển – được mô phỏng theo chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” của Mao. Họ coi BRI là một chiến lược chống Mỹ bằng cách thể hiện sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và thu nạp các nền kinh tế mới nổi về phe mình.
Khi quan sát những nhóm người trong quân phục Hồng quân, tôi thầm nghĩ Trung Quốc hiện đại đã thừa hưởng DNA của Mao.
Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét