Ian Crofton
Trần Quang Nghĩa dịch
01 BƯỚC KHỞI ĐẦU CỦA NÔNG NGHIỆP
Ngày nay không có thành quả nào mà chúng ta coi là biểu hiện của nền văn minh chúng ta – các thành phố lớn, nghệ thuật, âm nhạc và văn chương chúng ta, thương mại và công nghiệp chúng ta, những thành tựu kỹ thuật và khoa học chúng ta – sẽ có được nếu không có nền nông nghiệp.
Chỉ sau khi con người chúng ta học được cách làm nông để có thể sản xuất đủ thực phẩm dư thừa tạo điều kiện cho một số người ưu tú theo đuổi những hoạt động khác hơn là săn bắn và hái lượm. Trong khi một số người chuyên sản xuất lương thực, những người khác có thể trở thành giáo sĩ, binh sĩ, thợ thủ công, thư lại hoặc học giả toàn thời gian. Từ đó những xã hội phức tạp hơn, kém bình đẳng hơn bắt đầu xuất hiện. Nhưng mức phát triển này chỉ đến rất muộn trong lịch sử nhân loại.
Bình minh nhân loại
Tổ tiên sớm nhất mà chúng ta có thể nhìn nhận là con người xuất hiện cách đây khoảng 4 triệu năm. Qua nhiều thời kỳ một số chủng người khác nhau tiến hóa – Người khéo léo, Người đứng thẳng, người Neanderthal – nhưng chỉ đến khoảng 100,000 năm cách đây người hiện đại mới bắt đầu di cư ra khỏi châu Phi và bắt đầu thuộc địa hóa phần còn lại của trái đất.
Con người bắt đầu sử dụng công cụ bằng đá khoảng 2 triệu năm trước, nhưng tốc độ tiến bộ kỹ thuật cực kỳ chậm chạp. Dần dần công cụ và vũ khí – bằng gỗ, đá, xương và sừng – trở nên tinh tế hơn, và con người học được cách sử dụng lửa. Con người có thể tự nuôi dưỡng được nhờ câu cá, săn bắn và hái lượm trái cây, hạt, quả hạch, quả mọng – một lối sống có thể nuôi dưỡng những nhóm nhỏ, nhưng người săn bắn-hái lượm bắt buộc phải di chuyển liên tục khi tài nguyên của vùng đất đó đã tạm thời cạn kiệt.
Rồi khoảng 8000 TCN (trước Công Nguyên) một sự kiện phi thường xảy ra trong vùng Lưỡi Liềm Màu Mở, một khu vực ở Trung Đông trải dài từ các thung lũng hai sông Tigris và Euphrates về phía tây qua Syria và về phía nam qua Levant. Chính tại nơi đây mà con người bắt đầu trồng trọt hoa màu, khởi đầu cuộc cách mạng toàn cầu về cách nhân loại sinh sống. Vùng Lưỡi Liềm Màu Mở là khu vực đầu tiên nhưng không phải là duy nhất mà con người tiến hành cách mạng nông nghiệp: việc canh tác cũng khởi phát một cách độc lập trong những phần khác nhau của thế giới, trong đó có Trung bộ châu Mỹ, vùng Andean ở Nam Mỹ, Trung Quốc, đông nam Á và châu Phi Hạ.
Vùng Lưỡi Liềm Màu Mỡ
“Và Abel là người chăn cừu, còn Cain là người cày bừa đất đai.”
Sáng Thế Ký 4:2, về những con trai của Adam và Eve.
Các vụ mùa đầu tiên
Chắc chắn không phải là trùng hợp ngẫu nhiên khi canh nông khởi phát cách đây 10,000 năm trùng với thời điểm Thời Kỳ Băng Hà kết thúc. Khi trái đất ấm lên, các lớp băng che phủ hầu hết miền bắc Eurasia và Bắc Mỹ tan rã, phóng thích số lượng lớn nước ngọt. Trong những điều kiện này, đài nguyên trơ trụi nhường chỗ cho cây cối xanh tươi – đồng cỏ và rừng rậm – cung ứng cho người săn bắn-hái lượm nhiều thu hoạch phong phú. Trong một vài khu vực, môi trường phì nhiêu đến nỗi những nhóm người biết cách khai thác nó có thể dừng chân khá lâu không cần phải di chuyển liên tục. Với số lượng lớn lương thực tìm được, dân số tăng dần, và đến lúc con người phải nghĩ ra cách để sống sót qua những thời kỳ thiếu thốn, bằng cách học dự trữ thức ăn. Một loại lương thực dễ dự trữ nhất, vì nó không hư thối khi để khô, là ngũ cốc – những hạt mầm của những cây cỏ khác nhau.
Không nghi ngờ gì phải qua thời gian các nhóm người nào đó học được cách săn sóc các loại cây cỏ hoang khi họ nhận thấy chúng là nguồn thực phẩm hữu ích. Xua đuổi côn trùng và nhổ sạch cỏ dại là bước đầu, và tại một thời điểm nào đó con người phát hiện ra mối liên kết giữa sự gieo hạt và thu hoạch mùa vụ. Trong vùng Lưỡi Liềm Màu Mở, lúa mì và lúa mạch là những ngũ cốc cơ bản; ở châu Mỹ đó là ngô, ở châu Phi Hạ là đậu nành, ở bắc Trung Hoa là kê, trong khi ở đông nam Á là lúa. Những vụ mùa khác cũng quan trọng trong những vùng khác trên thế giới, chẳng hạn đậu, khoai mỡ, khoai tây, bầu và tiêu.
Mối nguy tiềm ẩn
Chỉ phụ thuộc vào khẩu phần ngũ cốc chứa đựng một nguy cơ tiềm ẩn. Nhiều bộ xương từ thời cổ đại cho thấy chứng cứ của những căn bệnh áp xe (viêm tấy) đáng sợ ở hàm, hậu quả của việc răng vỡ ra khi nhai trúng những mảnh đá bong tróc từ cối đá nghiền hạt.
Thuần hóa động vật hoang dã
Động vật đầu tiên được con người tiền sử thuần hóa là loài chó, dòng dõi trực tiếp từ loài sói rừng. Chó phụ giúp con người khi đi săn cũng như bảo vệ rất lâu trước khi con người sống định cư canh tác – giống chó dingo hoang dã ở Úc, chẳng hạn, là hậu duệ của loài chó mà con người đầu tiên mang đến lục địa này khoảng 50,000 năm cách đây.
Nhưng chỉ sau khi trồng trọt bắt đầu ở Trung Đông thì chăn nuôi gia súc để lấy thịt và những sản phẩm khác như da, lông – mới xuất hiện. Những động vật đầu tiên được thuần hóa là bò, trừu, heo và ngựa, trải dài từ Trung Đông qua khắp châu Á. Bò và lừa bắt đầu được sử dụng để kéo cày, kéo xe trượt và cuối cùng là xe có bánh. Ở Nam Mỹ, loài lạc đà không bướu được nuôi để vận chuyển hàng, trong khi chuột lang được nuôi để làm lương thực.
Nghề nông đã làm gì cho chúng ta
Sản xuất thực phẩm dựa vào nghề nông tiếp tục làm nền tảng vững chắc cho nền văn minh hiện đại. Nhưng sự xuất hiện của nông nghiệp không phải là phước lành thuần túy. So sánh các bộ xương của người săn bắn-hái lượm với bộ xương người sống bằng nghề nông cho thấy nói chung người trước lực lưỡng hơn và khỏe mạnh hơn, phản ánh khẩu phần đa dạng hơn của họ. Những người làm nông đầu tiên – và giờ đây còn là tình trạng của hàng trăm triệu người nông dân trên thế giới – có một khẩu phần rất đạm bạc, chủ yếu chỉ gồm vụ bột đường chủ lực. Chất đạm, dưới hình thức thịt hoặc sản phẩm từ sữa, rất hạn chế.
Người uống sữa và người ghét sữa
Thoạt đầu, không con người nào có thể tiêu hóa sữa một khi họ đã thôi bú sữa mẹ. Thế rồi vào khoảng 7,500 năm cách đây một gen mới hình thành trong bộ lạc những người chăn nuôi gia súc sống giữa miền Balkan và trung tâm Âu châu. Gen này khiến họ có thể tiếp tục tiêu hóa chất lactose – chất đường tìm thấy trong sữa – cho đến tuổi trưởng thành, nhờ đó họ mới góp thêm vào khẩu phần những sản phẩm mới làm từ sữa như bơ, phô mai và sữa chua. Tuy nhiên, gen này, vốn thông thường nhất trong chủng người nguồn gốc Bắc Âu, lại vắng mặt trong dân số nửa thế giới, vẫn tiếp tục không chịu được sữa.
Trước khi thời kỳ làm nông xuất hiện cũng đã tồn tại sự phân chia lao động. Trong những nhóm người săn bắn-hái lượm các bà thường lo việc hái lượm còn các ông thì hầu hết lo việc săn bắn, trong khi một vài cá nhân, đôi khi bị một thương tật nào đó, trở thành pháp sư. Nhưng nói chung, sự phát triển ngành nghề chuyên biệt và thứ bậc xã hội, với vua và tăng lữ đứng đầu và nô lệ ở cuối, chỉ hình thành sau khi các cộng đồng nông nghiệp định cư đã được thành lập. Trong những cộng đồng định cư, sự dư thừa lương thực và việc chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ như bình gốm, rìu đá nghi lễ cũng khai sinh hoạt động mậu dịch đến các vùng xa xôi – hổ phách vùng Baltic, chẳng hạn, đã được tìm thấy tại những địa điểm thời Đồ Đá Mới khắp châu Âu.
Khoảng 6000 TCN một số cộng đồng này – như cộng đồng tại Jericho trong thung lũng Jordan và tại Çatal Höyük ở Anatolia— đã phát triển thành những thị trấn nhỏ. Sự xuất hiện nền văn minh đô thị dưới hình thức những thành bang và đế chế đầu tiên chỉ là vấn đề thời gian.
TÓM TẮT
Canh nông đã làm biến đổi một cách nền tảng cách thức chúng ta sinh sống.
DÒNG THỜI GIAN
10,000–8000 TCN | Thời kỳ Băng Hà cuối cùng đang kết thúc |
8000 TCN | Lúa mì, lúa mạch trồng ở Trung Đông |
7500 TCN | Trừu và dê được thuần hóa ở Tây Iran |
6500 TCN | Kê và lúa trồng ở Trung Quốc, bầu, bí và tiêu ở cao nguyên Peru. |
6500 – 6000 TCN | Gia súc được chăn thả ở Trung Đông và Bắc Phi. |
6000 TCN | Canh tác bắt đầu ở đông nam châu Âu và thung lũng sông Nile. Thủy lợi được sử dụng ở Mesopotamia. Những thị trấn nhỏ được tìm thấy ở những nơi như Jericho và Çatal Höyük ở Anatolia. |
5500 TCN | Heo được nuôi ở vài nơi ở châu Âu, Trung Đông và Trung Quốc. |
4700 TCN | Ngô trồng ở Trung Mỹ |
4400 TCN | Ngựa được thuần hóa trên các thảo nguyên Eurasia |
4300 TCN | Bông vải được trồng ở thung lũng sông Ấn và Trung Mỹ. |
4000 TCN | Vùng nông nghiệp trải rộng khắp châu Âu và Hạ Châu Phi. |
4000-3000 TCN | Những thành phố đầu tiên ở Mesopotamia |
02 NHỮNG THÀNH PHỐ ĐẦU TIÊN
Ngày nay, phần đông dân chúng ở thế giới Tây phương sống trong thành phố – và điều này cũng tăng lên trong những nước phát triển nhanh như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil. Sự đô thị hóa hàng loạt là một hiện tượng tương đối gần đây, liên kết với công nghiệp hóa và cơ khí hóa canh nông qua hai thế kỷ vừa qua.
Trước thời kỳ này đại đa số dân cư sinh sống ở thôn quê, làm nông nghiệp. Nhưng thành phố đã tồn tại ngay từ buổi đầu có lịch sử được ghi chép, cách nay hơn 5 thiên niên kỷ, ngay từ đầu là những trung tâm quyền lực quan trọng, cũng như là những tác nhân biến đổi kỹ thuật và văn hóa.
Phần lớn thành phố mọc lên từ thị trấn, thị trấn mọc lên từ làng mạc. Những ngôi làng vĩnh viễn đầu tiên xuất hiện ngay từ khi nông nghiệp ra đời ở Trung Đông cách đây khoảng 10,000 năm, mặc dù một số vùng định cư có thể khởi đầu không như những cộng đồng nông nghiệp, mà như những nơi họp chợ tại giao lộ các tuyến đường mậu dịch. Mậu dịch chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển các thị trấn và thành phố lớn hơn, dân số đô thị tăng lên không thể tự nuôi sống mình nếu nông nghiệp không được đẩy mạnh, mà trong nhiều vùng việc này chỉ có thể thực hiện được bởi những thiết kế thủy lợi phức tạp và rộng khắp.
“Lũ sông Nile, hãy mãnh liệt mà đến đây! Mang sự sống đến cho dân chúng và gia súc bằng ruộng đồng bội thu!”
Bài ca sông Nile, Ai Cập Cổ Đại, khoảng 1500 TCN.
Tầm quan trọng của nước
Giữa 4000 và 2000 TCN, các nền văn minh đô thị đầu tiên xuất hiện một cách độc lập tại bốn vùng đất khác nhau trên thế giới: giữa các sông Tỉgis và Euphrates ở Mesopotamia (Iraq ngày nay); ở thung lũng sông Nile của Ai Cập; ở thung lũng sông Ấn hiện giờ thuộc Pakistan; và dọc theo sông Hoàng Hà và Dương Tử ở Trung Hoa.
Tất cả những con sông lớn này đều có lưu lượng thay đổi theo mùa, với nước lũ xen kẽ khô hạn. Để tối đa hóa sản lượng nông nghiệp, cần phải xây dựng đập để trữ nước vào hồ chứa, và rồi đào kênh để dẫn nước tưới ruộng đồng trong mùa khô. Một khi kỹ thuật này phát triển, nông dân nhận thấy rằng mình có thể di chuyển đến những vùng khô hạn hơn, như ở nam Mesopotamia – mặc dù ở đây lớp muối lắng đọng mà việc dẫn thủy gây ra cuối cùng khiến đất thành cằn cỗi. Việc thủy lợi có nghĩa là thay vì chỉ một vụ mùa hàng năm, nông dân có thể canh tác đến hai hoặc thậm chí ba vụ mỗi năm.
Xây dựng những chương trình thủy lợi như thế đòi hỏi phải có lịch chính xác giúp dự đoán được khi nào lũ đến, và một trình độ tổ chức xã hội cao, cần thiết để thiết lập được quyền sở hữu đất và chiêu mộ một lực lượng lao động đủ lớn. Ghi vào sổ bộ quyền sở hữu tài sản thúc đẩy không chỉ kỹ năng đo đạc chính xác (từ đó khởi đầu toán học) nhưng cũng việc sáng tạo ra chữ viết. Hơn nữa, việc quản lý những công trình xây dựng lớn đòi hỏi một thứ bậc được xác định chặt chẽ qui định ai đào đất và ai ra lệnh và gặt hái đa phần lợi ích.
Tổ chức chính trị và xã hội
Cũng với mức độ phân tầng xã hội và động viên lao động cần phải có, cộng đồng bắt đầu xây dựng những thành phố đầu tiên, dựa trên nền tảng lương thực dồi dào do việc áp dụng thủy lợi tạo ra. Những thành phố đầu tiên này không chỉ là những quần thể nhà cửa và xưởng thợ. Chúng cũng chứa những kiến trúc đồ sộ như đền thờ và cung điện, những đại lộ hành lễ, kho tàng, hàng hóa nộp thuế và trao đổi, những tường thành phòng thủ, và, kết nối với hệ thống thủy lợi, kênh mương và ống dẫn nước ngọt đến cho dân chúng sinh hoạt. Những thành phố to lớn được qui hoạch ở thung lũng sông Ấn, Mohenjo Daro và Harappa, được xây dựng khoảng 2600 TCN, cũng có hệ thống cống xả có nắp đậy để thải ra nước xã và nước cống.
Thường những tầng lớp khác nhau – dân phu, thợ thủ công, nhà buôn, tăng lữ và các ông hoàng – sống trong các khu vực khác nhau, với kích cỡ và chất lượng nơi cư ngụ phản ánh vị thứ xã hội của họ. Số lớn các dân lao động (tự do hay nô lệ) bị bắt phải xây dựng những đền đài tôn giáo hoặc công trình công cộng to lớn – các đài ziggurat (tháp đền) ở vùng Mesopotamia, các kim tự tháp Ai Cập, các đền thờ và phòng tẩy uế nghi thức rộng rãi của văn minh sông Ấn. Những thợ thủ công chế tác các bình gốm, vải, kim hoàn, hình chạm trên đá, trên kim loại và những sản phẩm mỹ nghệ khác, vừa là đồ sử dụng hằng ngày vừa là đồ trang trí xa xỉ, tất cả những thứ này cùng với nông sản, được các tầng lớp thương nhân mang đi buôn bán khắp nơi. Việc mậu dịch không chỉ giới hạn ở địa phương: trong cuối thiên niên kỷ thứ ba TCN, chẳng hạn, các thành phố ở sông Ấn giao dịch với các thành phố ở Sumeria ngày nay là Iraq.
Sự khởi đầu của chữ viết
Dạng sớm nhất của chữ viết phát triển độc lập trong các thành phố Mesopotamia, Trung Quốc, thung lũng sông Ấn và vùng Trung Mỹ. Những hệ thống chữ viết đầu tiên thường là ký tự hình – gồm những biểu tượng tượng trưng cho vật thể hoặc ý tưởng – nhưng ở Mesopotamia một lối ký tự ráp vần linh hoạt, được gọi là chữ hình nêm, đã phát triển vào năm 2800 TCN. Chữ viết giúp cho giới cai trị duy trì được quyền kiểm soát, được sử dụng để gọi tên và liệt kê tài sản, và để ghi đế hiệu các triều đại vua chúa. Về sau, chữ viết cũng được sử dụng để ghi chép các thỏa thuận thương mại, để giao dịch thư từ cá nhân và công văn và quan trọng hơn hết thảy, để chế định luật lệ – một bước quan trọng nhằm tôi luyện quyền lực tuyệt đối của người cai trị. Tuy nhiên, văn chương vẫn còn là hiện tượng truyền khẩu trong một thời gian dài nữa: một trong những tác phẩm văn học xưa nhất của nhân loại, Thiên anh hùng ca Gilgamesh của Mesopotamia, chỉ được viết ra vào khoảng thế kỷ thứ 7 TCN.
Các vua chúa cai trị muôn dân, thường tuyên bố mình thuộc dòng dõi thần linh, và duy trì quyền lực của mình qua một xác tín thần thánh – được hậu thuẫn bởi quân đội nếu cần. Quân đội không chỉ để bảo đảm an toàn cho nhà vua chống lại sự nổi dậy của thần dân. Việc tranh giành chết chóc các tài nguyên từ lâu đã là nguyên nhân của những vụ đột kích cướp phá liên miên giữa các bộ tộc. Giờ đây hành động này leo thang thành một hiện tượng mới: chiến tranh. Ở Mesopotamia, các thành bang Sumeria vào thiên niên kỷ thứ ba TCN như Eridu, Kish, Ur và Uruk liên tục đánh nhau, và việc này đến lượt mình lại thúc đẩy sự cách tân kỹ thuật chiến tranh dưới hình thức xây dựng tường thành, chế tạo các chiến mã xa, tấm khiêng, giáo gươm và mũ trận kim loại. Thời kỳ các thành bang giao chiến nối tiếp thời kỳ các đế chế ra đời – chẳng hạn, đế chế của các dân tộc Akkadia, Babylon và Assyria. Sự thống nhất về chính trị qua một lãnh thổ rộng lớn cũng được thiết lập ở Ai Cập vào khoảng 3000 TCN, và ở Trung Hoa khoảng giữa thiên niên kỷ thứ 2 dưới triều đại đầu tiên, nhà Thương.
“Hãy sáng tạo Babylon mà ngươi yêu cầu xây dựng! Hãy đúc khuôn gạch bùn, và xây đền cao lên cao nữa!
Trường Ca Sáng Tạo, từ thiên niên kỷ thứ 1 TCN, được kể lại hàng năm trước tượng thần Marduk của dân Babylon.
Vào thế kỷ thứ 1 TCN, nền văn minh đô thị xuất hiện trong những vùng khác nhau của thế giới: ở Ba Tư, khắp Ấn Độ và đông nam Á, ở đế chế Hy Lạp và La Mã. Vào thiên niên kỷ thứ 1 SCN (sau Công Nguyên), các thành phố lớn như Teotihuacan – với dân số khoảng 200,000 người – cũng phát triển ở Trung Mỹ, và cả vùng Andean của Nam Mỹ. Mặc dù ra đời biệt lập với phần còn lại của thế giới, những thành phố này ở Tân Thế Giới có tất cả những đặc điểm của các thành phố ở Cựu Thế Giới – chẳng hạn, Teotihuacan được bố trí theo một mạng lưới đường giao thông và hai đầu được khống chế bởi hai tòa tháp nghi thức đồ sộ, Kim Tự Tháp Mặt Trời và Kim Tự Tháp Mặt Trăng. Và, cũng như nhiều thành phố khác của Cựu Thế Giới, tất cả những gì còn lại chỉ là tàn tích trơ trọi, nhắc ta nhớ về một nền văn minh đã mất.
TÓM TẮT
Các thành phố cung cấp những cơ chế cho sự phát triển chính trị, xã hội, văn hóa và kỹ thuật.
DÒNG THỜI GIAN
4000–3000 TCN | Những thành phố đầu tiên trên thế giới được xây dựng ở Mesopotamia |
3300 TCN | Chữ viết sớm nhất tại Uruk ở Mesopotamia. |
3000 TCN | Memphis trở thành kinh đô của Thượng và Hạ Ai Cập thống nhất |
2600 TCN | Xuất hiện thành phố và chữ viết ở thung lũng sông Ấn. |
2550 TCN | Đại Kim Tự Tháp Giza được xây dựng ở Giza Ai Cập |
2350 TCN | Đế chế Mesopotamia đầu tiên được thành lập bởi Sargan vùng Akkad. |
2100 TCN | Xây dựng đền Ziggurat ở Ur |
2000 TCN | Nền văn minh Minoan phát triển ở Create. |
1800 TCN | Xuất hiện triều đại nhà Thương ở Trung Hoa. |
1750 TCN | Bộ Luật được vua Hammurabi ban hành ở Babylon. |
800 TCN | Các thành bang được thành lập ở Hy Lạp |
500 TCN | Trung tâm hành lễ công cộng được thiết lập ở Monte Alban, Trung Mỹ. |
400 TCN | Buổi đầu văn minh dựa vào thành phố Teotihuacan, Trung Mỹ. |
100 SCN | Dân số La Mã có thể vượt qua 1 triệu người. |
03 AI CẬP CỦA CÁC PHA-RA-ONG
Vương quốc Ai Cập là một trong các nền văn minh cổ đại lâu đời nhất và chắc chắn trường tồn nhất, kéo dài hơn ba thiên niên kỷ. Thời kỳ lâu dài này không phải là không có những lúc đứt đoạn và biến động, nhưng văn hóa Ai Cập đã ăn sâu đến nỗi những ngoại bang đô hộ đã bị nền văn hóa đó đồng hóa, và tiếp thu cách sống như những nhà cai trị kế thừa của Ai Cập, các pha-ra-ông, vốn được coi là con trai của vị thần tối cao Ra, thần mặt trời.
Mặc dù chứng cứ về nền văn minh của người Ai Cập cổ đại hiện diện ở mọi nơi, dưới hình dáng những kim tự tháp vĩ đại, những tượng đài đồ sộ và những đền đài ngoạn mục bị tàn phá, nhưng ít ai hiểu được lịch sử chi tiết về nó, xã hội của nó và tín ngưỡng của nó cho đến khi chữ viết tượng hình bí ẩn được giải mã vào đầu thế kỷ 19, nhờ vào sự khám phá ra Đá Rosetta.
Đá Rosetta
Ý nghĩa của chữ viết tượng hình Ai Cập cuối cùng được bật mí sau khi một bảng đá có khắc chữ được tìm thấy vào năm 1799 tại Rosetta (Rashid thuộc Ả Rập), gần Alexandria. Có niên đại 196 TCN, bảng đá ghi lại chỉ dụ từ Pha-ra-ông Ptolemy V bằng ba thứ chữ: chữ Ai Cập thuộc lối tượng hình và lối demonic (kiểu chữ thảo), và chữ Hy Lạp cổ đại. Điều này cung cấp cho người phiên dịch chìa khóa họ đang cần. Công trình giải mã bắt đầu bởi nhà thông thái Thomas Young người Anh, và được hoàn thành bởi học giả Jean-Francois Champollion người Pháp vào năm 1822. Đá Rosetta giờ hiện đang cất giữ tại Bảo tàng viện British ở London, mặc dù chính quyền Ai Cập đã yêu cầu họ trả về.
Đá Rossetta
Một phần của Đá Rosetta gồm ba thứ chữ, từ trên xuống, chữ tượng hình Ai Cập, chữ thảo Ai Cập và chữ Hy Lạp
Xã hội và văn hóa
Ai Cập cổ đại với sông Nile đường màu xanh
Giao thông huyết mạch của người Ai Cập cổ đại là sông Nile, mà cơn lũ hàng năm tưới phù sa cho đồng ruộng hai bên bờ, đem lại mùa màng bội thu. Khu định cư vào thời Ai Cập cổ đại chỉ giới hạn một dãy đất hai bên bờ sông (Thượng Ai Cập, phía dưới bản đồ) và băng qua vùng châu thổ mở rộng của nó (Hạ Ai Cập, phía trên). Ngoài các vùng này và những ốc đảo rải rác, đất đai chỉ toàn là sa mạc. Thung lũng sông Nile là một trong những khu vực đầu tiên trên thế giới mà nông nghiệp phát triển, theo sau là những thị trấn và thành phố đầu tiên.
“Chỉ có ba vị thần đứng trên tất cả mọi thần linh là Amin, Ra, Ptah, và không có vị thần nào khác. . . Thành phố của họ trên mặt đất tồn tại đến vĩnh cửu —Thebes, Heliopolis, Memphis, mãi mãi.”
Một bài hát có từ 1220 TCN, ca tụng ba vị thần mà Vương quốc Mới thờ. Thật ra người Ai Cập thờ nhiều vị thần khác nữa, trong đó có Isis, Osiris, Anubis và Horus.
Khoảng 3100 TCN Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập được vua Menes thống nhất, trở thành vị pha-ra-ông đầu tiên. Một kinh đô mới, Memphis, được xây dựng ở điểm hội tụ của Thượng và Hạ Ai Cập, và nó trở thành trung tâm của một nhà nước trung ương tập quyền mạnh mẽ, với vị pha-ra-ông ở chóp đỉnh thứ bậc của bộ máy quyền hành rất hiệu lực. Lối tổ chức như thế khiến các dự án xây dựng kỳ vĩ có thể thực hiện được, và kim tự tháp đầu tiên – Kim Tự Tháp Bậc Thang ở Saqqara – được xây dựng khoảng 2630 TCN làm nơi an táng cho Pha-ra-ông Djorer. Theo truyền thống nó được thiết kế bởi kiến trúc sư và thầy thuốc Imhotep, và làm kiểu mẫu cho những kim tự tháp lừng danh sau này ở Giza, được xây dựng không lâu sau đó. Đại Kim Tự Tháp Giza, có chiều cao 138 mét là kiến trúc cao nhất hành tinh trong 4000 năm.
Các kim tự tháp là những lăng tẩm của các pha-ra-ông, và thi hài người chết được bao quanh với các vật dụng tùy táng cần đem theo để sử dụng ở kiếp sau – một thế giới được tưởng tượng là không khác với Ai Cập. Để người chết có thể sống thoải mái ở thế giới bên kia, điều quan trọng bậc nhất là thi thể của các pha-ra-ông phải được giữ nguyên vẹn, và vì mục đích này mà người Ai Cập phát kiến được những kỹ thuật ướp xác tinh vi. Mặc dù thoạt đầu chỉ những người thuộc giai tầng cao nhất trong xã hội mới được tống táng theo nghi thức cao cấp như thế, nhưng qua nhiều thế kỷ ngay cả những người bình dân cũng được chôn cất với đồ tuỳ táng khiêm nhượng để mang đi về kiếp sau.
Mậu dịch, đế chế và chinh phạt
Mặc dù Ai Cập có nền nông nghiệp thịnh vượng và tài nguyên khoáng sản phong phú, nhưng nó thiếu những nguyên liệu như gỗ, rượu vang, dầu, ngà voi và đá quý. Để thỏa mãn những nhu cầu này, những chuyến giao thương được xúc tiến đến tận Sinai và Levant phía đông-bắc, đến Libya phía tây, và đến Nubia và Punt (Sừng châu Phi) phía nam. Đi sau những tiếp xúc thương mại, người Ai Cập nhắm đến việc bành trướng quyền lực cũng như lãnh thổ, và khoảng giữa 1500 và 1000 TCN họ xây dựng một đế chế kéo dài từ Syria đến Sudan. Những khối lượng khổng lồ tài nguyên đổ về Ai Cập từ những tỉnh mới chinh phục dưới hình thức triều cống, tạo điều kiện xây dựng được một trung tâm thờ cúng mới vĩ đại ở Thebes, và đền thờ đồ sộ ở Karnak.
Cuộc cách mạng tôn giáo của Akhenaten
Vào năm 1379 TCN Pha-ra-ông Amenophis IV lên ngôi và phát động một cuộc cách mạng tôn giáo. Ngài thay việc thờ phượng quốc thần Amun-Ra và một quần thể các vị thần khác bằng việc tôn thờ một vị thần duy nhất, thần Aten, vầng mặt trời. Chính ngài tự xưng đế hiệu Akhenaten (nghĩa là “thuận ý vầng mặt trời”), xây dựng một kinh đô mới, Akhenaten (hiện nay là el Amarna), khởi phát một phong cách tự nhiên chủ nghĩa trong việc thể hiện hoàng gia thay cho truyền thống thể hiện cao kỳ, khô cứng. Akhenaten không ngó ngàng đến phần đế chế của mình ở tây Á, và để mất Syria về tay người Hittite. Trong nước ngài gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ giới tăng lữ hùng mạnh ở đền thờ Amun. Sau khi ngài qua đời vào năm 1362 một vị vua trẻ tên Tutankhamun lên kế vị, và những tập tục tôn giáo truyền thống cũ lại được hoàn phục.
Gia đình hoàng gia được thể hiện tự nhiên, gần gũi với vua và hoàng hậu quây quần bên các con dưới ánh sáng của vầng mặt trời
Việc bành trướng này mang người Ai Cập tiếp xúc với những đế chế lân bang hùng mạnh, và những quan hệ ngoại giao được thiết lập với người Hittite ở Anatolia, người Babylon và người Assyria. Tiếp xúc cũng dẫn đến cạnh tranh và xung đột: vào năm 1285 TCN vị Pha-ra-ông hùng mạnh Rameses II đánh một trận lớn với quân Hittite tại Kadesh ở Syria, và sau đó Ai Cập đương đầu với những cuộc đột kích của những “Tộc dân miền Biển” bí ẩn từ phía đông Địa Trung Hải đến.
Tượng Rameses II
“Tôi gặp một du khách từ vùng đất cổ xưa
Y cho biết : – Có hai chân to lớn bằng đá không có thân hình
Đứng trơ vơ trên sa mạc. Gần đó trên mặt cát,
Một gương mặt vỡ nát nằm chôn nửa phần dưới đất.
Percy Bysshe Shelley, “Ozymandias,” 1819. Bài thơ ám chỉ tàn tích của nhiều pho tượng khổng lồ của Pha-ra-ông Rameses II nằm trên sa mạc của Ai Cập và vùng Cận Đông.
Khoảng 700 TCN người Assyria xâm lăng Ai Cập và cướp phá Thebes. Một cuộc xâm lăng khác, lần này là người Ba Tư đến vào năm 525 TCN, biến Ai Cập thành một tỉnh của Ba Tư cho đến khi nó đầu hàng không giao chiến trước Alexander Đại Đế vào năm 332 TCN. Alexander tiến hành một cuộc viễn chinh băng qua sa mạc đến tận Đền sấm truyền Oracle thờ thần Amun ở Ốc đảo Siwa, và tại đây ngài được các tăng lữ Ai Cập làm lễ tấn phong ngài là vị tân pha-ra-ông của Ai Cập. Sau khi Alexander mất, một vị tướng của ông, Ptolemy, thành lập triều đại các pha-ra-ông được sự hậu thuẫn của dân chúng và giới tu sĩ nhờ biết vinh danh các vị thần Ai Cập. Thậm chí ngay sau khi Ai Cập trở thành một tỉnh của đế chế La Mã vào năm 30 TCN, nền văn hóa Ai Cập-Hy Lạp của nó vẫn sống động cho đến khi cuối cùng bị cuộc xâm lăng của người Ả Rập Hồi giáo dập tắt vào thế kỷ thứ 7 SCN.
TÓM TẮT
Một nền văn minh rực rỡ kéo dài hơn 3,000 năm.
DÒNG THỜI GIAN
3100 TCN | Menes thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập và thiết lập Memphis |
Khoảng 2630 TCN | Xây dựng Kim Tự Tháp Bậc Thang Saqqara |
2600-2500 TCN | Xây dựng các kim tự tháp ở Giza |
2575–2134 TCN | Vương quốc Cũ |
2134–2040 TCN | Thời kỳ Trung gian Đầu: Ai Cập bị chia cắt bởi những nhà cai trị khu vực khác nhau |
2040–1640 TCN | Vương quốc Giữa: Ai Cập được thống nhất và chính phục Nubia |
1640–1552 TCN | Thời kỳ Trung gian Thứ 2: Ai cập bị ngoại bang Hyksos đô hộ |
1552–1070 TCN | Vương quốc Mới: Đế quốc Ai Cập mở rộng nhất với kinh đô là Thebes |
1379–1362 TCN | Cuộc cách mạng tôn giáo yểu mệnh của Akhenaten |
1285 TCN | Ai Cập và Hittite đại chiến ở Kadesh |
1070–712 TCN | Thời kỳ Trung gian Thứ 3: các pha-ra-ông và tăng lữ đền Amun chia nhau cai trị Ai Cập |
712–332 TCN | Thời kỳ Sau |
675 TCN | Assyria xâm chiếm Ai Cập |
525 TCN | Ba Tư xâm chiếm Ai Cập |
332 TCN | Alexander Đại đế chiếm Ai Cập |
305 TCN | Ptolemy, một vị tướng của Alexander, thiết lập triều đại các pha-ra-ông Hy-Ai |
30 TCN | Ai Cập trở thành một tỉnh lỵ của La Mã |
640 SCN | Ả Rập chinh phục Ai Cập |
04/ HY LẠP CỔ ĐẠI
Phần lớn nền nghệ thuật và kiến trúc của chúng ta, văn chương và triết lý của chúng ta, chính trị dân chủ của chúng ta và khoa học của chúng ta đều mắc nợ người Hy Lạp cổ đại. Việc Hy Lạp cổ ảnh hưởng hết sức lớn lao đến văn hóa của thế giới Tây phương càng gây kinh ngạc nhiều hơn, nếu biết rằng Hy Lạp cổ đại chưa bao giờ là một nhà nước thống nhất. Thay vào đó, Hy Lạp cổ đại chỉ là một nhóm các thành bang cạnh tranh nhau, với các thuộc địa nằm quanh vùng Địa Trung Hải và Biển Đen.
Những thành bang này đã bắt đầu ra đời vào thế kỷ thứ 8 TCN, và mỗi thành bang đã duy trì tính cách riêng mạnh mẽ của mình, tập trung quanh một acropolis – một thành trì trong đó các vị thần hoặc nữ thần ưa chuộng được thờ phụng trong các đền đài của thành phố. Ý thức độc lập mạnh mẽ này một phần do nguyên nhân địa lý của xứ sở, với mỗi thành phố và vùng nông nghiệp phụ cận hoàn toàn cách biệt với các vùng lân cận bởi những dãy núi và biển cả.
Sự xuất hiện của khái niệm dân chủ
Lúc đầu, quyền lực của mỗi thành bang nằm trong tay các gia đình quyền quí hàng đầu, mặc dù những hội đồng nam công dân lớn tuổi có khi được tham vấn về một số biện pháp (phụ nữ và nô lệ hoàn toàn bị loại ra). Nhưng một số diễn tiến thúc đẩy sự chuyển dời quyền lực. Trước hết, số người biết chữ tăng lên và các luật lệ nhà nước được công bố rộng rãi bằng văn tự có nghĩa là quyền lực của giới quyền thế bị hạn chế rạch ròi và công khai cho mọi người tra vấn. Thứ hai, việc thành lập các thuộc địa mới bên kia biển tạo cơ hội cho các công dân lập ra những quyền sở hữu đất đai và thiết chế chính trị kiểu mới. Thứ ba, việc phát triển những chiến thuật quân sự có hiệu quả cao và cách tân, trong đó giới quí tộc truyền thống ngồi trong chiến mã xa được thay thế bằng những đội hình các chiến binh công dân trang bị nặng gọi là hoplites (giáp binh), khiến cho mỗi công dân tự do nhận thức rõ ràng về quyền lực của mình, buộc nhà nước phải tôn trọng.
Những bước phát triển này giúp hình thành ý thức dân chủ trong một số thành bang, nhất là ở Athens, thành bang hùng mạnh hơn hết, ở đó mọi quyết định đều được biểu quyết bởi các hội đồng gồm các nam công dân trưởng thành. Dân chủ không có tính phổ quát, hoặc thường xuyên. Có những thời kỳ các nhà “độc tài”, hoặc một nhóm nhỏ các công dân hàng đầu gọi là “nhóm tập quyền”, cai trị.
“Nếu nhân dân Hy Lạp có thể đạt đến sự thống nhất chính trị họ có thể điều khiển phần còn lại của thế giới.”
Aristotle, Chính Trị, thế kỷ thứ 4 TCN
Sự trỗi dậy và suy vong của Athens
Những nỗ lực của đế chế Ba Tư hùng mạnh ở phía đông nhằm chinh phục Hy Lạp vào đầu thế kỷ thứ 5 bị đạo quân hỗn hợp gồm thủy binh của Athens hợp với bộ binh một thành bang chủ lực Hy Lạp khác là Sparta, đánh bại. Sau thắng lợi này, Athens bắt đầu áp bức các thành bang láng giềng và đồng minh yếu thế hơn của mình, khiến một số họ quay sang về phe với đối thủ của Athena là Sparta. Xung đột tăng lên và cao điểm là Chiến tranh Peloponnesia kéo dài và tiêu hao (431 – 404 TCN). Với thảm bại của Athens, Sparta trở thành quyền lực thống trị – và rồi cũng hống hách như Athens lúc trước, dẫn đến một loạt những cuộc chiến nội bộ hủy diệt nhau. Hy Lạp, do đó bị suy yếu đi, trở thành miếng mồi ngon cho vị vua hiếu chiến đầy tham vọng ở phương bắc: Philip II vùng Macedon, cha của Alexander Đại Đế. Bị Philip đánh bại tại Chaeronea vào năm 338 TCN, Hy Lạp cuối cùng mới thống nhất – nhưng dưới ách đô hộ của ngoại bang.
Triết lý và khoa học Hy Lạp
Tất cả những cuộc chiến này không mấy tác động tiêu cực đến đời sống trí thức của Hy Lạp. Không rõ tại sao tinh thần tra vấn của người Hy Lạp cổ đại rất nhiệt huyết, nhưng tinh thần ấy có thể phản ánh trong từ nguyên “philosophy” (triết lý) của chúng ta (người phương Tây) xuất xứ từ chữ Hy Lạp “philosophos”, có nghĩa “người yêu tri thức.” Đối với người Hy Lạp lãnh vực triết lý không chỉ đề cập đến đạo đức học, siêu hình học và luận lý học, mà còn đề cập đến toàn bộ những gì mà ngay nay ta gọi là khoa học.
Những triết gia Hy Lạp đầu tiên, từ thế kỷ thứ 6 TCN, bác bỏ lối giải thích mang tính thần thoại cổ xưa về thế giới vật lý, và thay vào đó nhắm đến một yếu tố đơn lẻ mà họ tin là nằm bên dưới vạn vật. Những tín đồ của Pythagoras xem xét cách thức thế giới tự nhiên có thể được mô tả bằng những số nguyên, trong khi những người khác nghiên cứu sự vô hạn bằng những nghịch lý và đặt ra những câu hỏi liệu sự biến đổi, như được thể hiện qua sự chuyển động, là một thực tại hay ảo giác.
Vào thế kỷ thứ 5 TCN triết gia Socrates của Athens tập trung học thuật của mình vào những vấn đề đạo đức và chính trị, sáng tạo ra một phương pháp biện chứng hỏi đáp để khảo sát giá trị luận lý của những mệnh đề. Đệ tử của Socrates là Plato xác quyết rằng bản chất tột cùng của thực tại không thể nắm bắt qua giác quan, cho rằng thế giới vật lý mà chúng ta trải nghiệm chỉ là hình bóng của những thể dạng lý tưởng của sự vật.
Học trò của Plato, Aristotle, có một cách tiếp cận phân tích hơn, cố gắng xác định, phân loại và giải thích thế giới ông đang sống. Do đó ngoài việc khảo cứu những vấn đề thuộc đạo đức, thẩm mỹ, siêu hình và chính trị, ông cũng quay ra nghiên cứu về những đề tài như sinh học, vật lý và vũ trụ học. Những lời dạy của Aristotle thống trị cả giới trí thức Tây phương và Hồi giáo cho mãi đến Cuộc Cách Mạng Khoa Học vào thế kỷ 16 và 17.
Một số nhà khoa học Hy Lạp nổi bật
- Pythagoras (thế kỷ thứ 6 TCN): biết rằng Trái Đất là một khối cầu, và thiết lập cơ sở số học cho những hòa âm.
- Empedocles (khoảng 490 – 430 TCN): cho rằng mọi vật chất đều hợp thành bởi bốn yếu tố.
- Democritus (khoảng 460 – 370 TCN) và Leucippus (thế kỷ thứ 5 TCN): đề xuất rằng vật chất được tạo thành bởi những phần tử vi tế bất khả phân, giống hệt nhau, gọi là nguyên tử.
- Hippocrates (c.460–c.377 TCN): nổi tiếng với biệt danh “cha đẻ của ngành y”.
- Euclid (khoảng 300 TCN): đúc kết nền tảng hình học trong bộ Các Yếu Tố, được giảng dạy trong các trường học trên toàn thế giới đến tận ngày nay.
- Aristarchos vùng Samos (c.310–230 TCN): biết rằng Trái Đất xoay quanh trục của nó và quay quanh Mặt Trời.
- Archimedes (c.287–c.212 TCN): tiên phong trong lãnh vực cơ học và chế tạo nhiều thiết bị tính xảo. Ông cũng là người tìm ra được một định luật vật lý mang tên ông – sức đẩy Archimedes, và là người chứng minh được công thức diện tích mặt cầu và thể tích khối cầu bằng một phương pháp độc đáo đầy sức thuyết phục.
- Eratosthenes vùng Cyrene (c.276–c.194 TCN): tính được chu vi của Trái Đất với độ chính xác khó tin.
Ảnh hưởng nghệ thuật
Cách tiếp cận của người Hy Lạp đến nghệ thuật và kiến trúc phản ánh triết lý của họ. Các tác phẩm điêu khắc của họ tìm tòi cách thể hiện lý tưởng Platonic (thuần khiết) của cái Mỹ tối hậu, hơn là mô tả những cá nhân thực sự với tất cả những khiếm khuyết phải có. Kiến trúc Hy Lạp dựa trên những dạng hình học, hiện thân tín điều trường phái Pythagoras về ý nghĩa bao trùm của con số và tỉ lệ trong tự nhiên và ôm trọn tất cả những gì gọi là “nghệ thuật cổ điển” – sự cân bằng, tính tỉ lệ, sự đường bệ, tính hoàn mỹ. Người La Mã sau đó vay mượn toàn bộ những giá trị thẩm mỹ của người Hy Lạp, nhưng rồi đã bị quên lãng hầu hết sau khi đế quốc La Mã sụp đổ. Việc phát hiện lại chúng ở châu Âu vào thế kỷ 15 dẫn đến một số thành tựu nghệ thuật vĩ đại nhất trong thời Phục Hưng.
Thời Phục Hưng cũng chứng kiến sự yêu thích bùng nổ của công chúng đối với những kiệt tác nghệ thuật lẫn văn chương rút ra từ thần thoại Hy Lạp và những câu chuyện về Cuộc Chiến Thành Troy và phần tiếp theo, được kể bởi Homer và các tác giả khác, nổi bật là thi sĩ La Mã Ovid. Cũng gây ảnh hưởng sâu xa là những kịch tác gia Hy Lạp vĩ đại như Aeschylus, Sophocles và Euripides, mà những bi kịch của họ đào sâu vào cách con người đối phó với nghịch cảnh khốc liệt nhất, khêu gợi cho khán giả điều mà Aristotle đặc tả là “lòng thương xót và nỗi khiếp sợ.” Những vở kịch của họ cũng có tầm ảnh hưởng lớn lao đến bi kịch Âu châu, và thật ra đến toàn bộ cách thức chúng ta nhìn thấy chính mình như những con người.
TÓM TẮT
Văn hóa Hy Lạp nằm ở cội nguồn của cá tính Tây phương.
DÒNG THỜI GIAN
k. 1600 TCN | Bắt đầu nền văn minh Mycenae Thời Đại Đồ Đồng ở Hy Lạp |
k. 1150 TCN | Bắt đầu “thời kỳ tối tăm” của Hy Lạp |
k. 800 TCN | Xuất hiện các thành bang Hy Lạp |
k. 750 TCN | Thiên anh hùng ca của Homer được viết ra |
k. 590 TCN | Solon soạn ra bộ luật ở Athens |
k. 507 TCN | Cải cách dân chủ của Cleisthenes ở Athens |
490 TCN | Hy Lạp đánh tan đạo quân Ba Tư ở Marathon |
480 TCN | Hy Lạp đánh bại thủy binh Ba Tư ở Salamis |
440 TCN | Athens đạt tới đỉnh cao quyền lực dưới thời Pericles |
431 TCN | Bùng phát Chiến tranh Peloponnesia giữa Athens và Sparta cùng các đồng minh |
404 TCN | Athens bị đánh bại |
338 TCN | Philip vùng Macedon đánh bại các thành bang Hy Lạp tại Chaerone |
05/ ALEXANDER ĐẠI ĐẾ
Lúc ngài qua đời ở tuổi chỉ mới 32, Alexander Đại Đế vùng Macedonia đã chinh phục hầu hết những vùng đất trên thế giới mà người Hy Lạp cổ đại biết đến vào thời đó, từ Anatolia, Syria và Ai Cập ở phía tây qua Mesopotamia, Ba Tư và trung Á ở phía đông, thậm chí tận Ấn Độ.
Sự nghiệp sáng chói của Alexander, những kỳ công, lòng độ lượng đối với kẻ chiến bại và đầu óc truy cứu không ngừng đã biến ông thành bậc anh hào vượt trội của thời cổ đại. Vào thời Trung Cổ ngài được tôn xưng là một trong ba danh tướng hào hiệp vĩ đại của nhân loại – bên cạnh Hector, người anh hùng huyền thoại thành Troy, và Julius Caesar. Ngày nay, những chiến thuật quân sự cách tân của Alexander vẫn còn được nghiên cứu trong các học viện quân sự trên khắp thế giới.
Tuy vậy, Đế chế của Alexander non yểu và sau khi ngài qua đời bị sâu xé bởi những vị tướng tranh chấp của ngài. Mặc dù sự thống nhất về chính trị qua đi rất nhanh, nhưng sức tác động về văn hóa của công cuộc xây dựng đế chế hóa ra lâu dài hơn nhiều, và một thời kỳ Hy Lạp hóa mới, kết hợp những yếu tố Hy Lạp và bản địa, vẫn đầy sức sống trong vùng đông Địa Trung Hải và tây Á cho đến khi người Ả Rập xâm lược gần một ngàn năm sau đó.
Sự trỗi dậy của Macedon
Vương quốc núi non của Macedon hay Macedonia nằm về phía bắc khu vực trung tâm Hy Lạp gồm Thessaly, Aetolia, Boeotia, Attica và Peloponnese. Dân Macedonia, mặc dù nói thổ ngữ Hy Lạp, từ lâu bị người Hy Lạp khác coi là lạc hậu và hoang dã, một phần bởi vì họ duy trì một triều đại cha truyền con nối, tương phản với các hệ thống chính trị của các thành bang Hy Lạp.
Chiến tranh liên miên giữa và trong các thành bang Hy Lạp từ cuối thế kỷ thứ 5 TCN khiến họ trở nên suy yếu và tạo cơ hội cho Macedon lợi dụng. Vào năm 359 TCN cha của Alexander, Philip II, lên ngôi vua và quyết tâm nắm lấy cơ hội mà lỗ trống quyền lực ở phương nam tạo ra. Philip tiến hành tái tổ chức quân đội Macedon, bổ sung kỵ binh và khinh binh cơ động vào đội hình giáp binh trang bị nặng khó xoay trở, được biết dưới tên pha-lăng, được sử dụng để chọc thủng phòng tuyến quân thù. Củng cố biên giới phía bắc, Philip tập trung sức mạnh về phương nam, sử dụng đòn ngoại giao và quân sự để đạt được sự thống trị lên các thành bang Hy Lạp, mà đỉnh cao là thắng lợi quyết định ở Chaeronea vào năm 338.
Con trai Philip là Alexander chỉ mới 18 tuổi đã nắm quyền chỉ huy cánh trái của quân đoàn Macedon tại trận Chaeronea. Thân phụ ngài từ lâu đã nhìn thấy tiềm năng và tham vọng của con trai, nên đã mời triết gia vĩ đại Aristotle làm thầy dạy cho vị hoàng tử trẻ tuổi và đám bạn chí cốt. Chính từ Aristotle mà Alexander có được niềm say mê triết học, y học và văn chương, và tài sản mà ngài trân trọng nhất là bản sách của Homer có chú giải mà Aristotle tặng ngài.
“Ở tuổi tôi Alexander đã là vị vua của nhiều dân tộc, trong khi tôi chưa thành tựu được điều gì thực sự đáng kể. . . “
Lời của Julius Caesar, do Plutarch ghi lại trong cuốn Cuộc Đời của Caesar, thế kỷ 1 – 2 SCN.
Một thập niên chinh phạt
Philip đang lên kế hoạch cho chiến dịch chống lại kẻ thù truyền kiếp của Hy Lạp, đế chế Ba Tư, thì bị ám sát vào năm 336 TCN. Alexander không mất thời gian để hoàn thành ước nguyện của thân phụ. Năm 334 ngài dẫn một quân đoàn gần 50,000 cựu binh vào châu Á, và gặt hái một loạt các trận đánh thắng lợi chống người Ba Tư khi hành quân qua Anatolia, Syria, Ai Cập và Mesopotamia. Năm 331 ngài đối mặt với vua Ba Tư, Darius III, trên bình nguyên bát ngát Gaugamela, phía bắc sông Tigris. Mặc dù có quân số ít nhất đông gấp hai quân của Alexander, Darius không thể nào địch nổi thiên tài quân sự của kẻ thù, và khi đội hình của ông bị áp đảo và tan rã ông tháo chạy khỏi trận địa. Sau đó Darius bị một vị tướng bất mãn của ông giết chết – khiến Alexander vô cùng căm phẫn.
Alexander tuyên bố mình là người kế vị Darius làm “vua của các vì vua”, và tiến đánh các tỉnh lỵ Ba Tư ở trung Á, như Parthia và Bactria, không ngừng trông cậy vào sự hậu thuẫn của binh lính và các quan lại Ba Tư, và cưới một công chúa vùng Bactria, Roxana. Giờ đang ở quá xa nhà, Alexander nhận thức sự cần thiết phải hợp tác với những dân tộc bị chinh phục và chấp nhận tập quán của họ – như tự xưng là một vị thần – nhưng binh lính Hy Lạp và Macedon trong hàng ngũ ngài bất mãn với những diễn biến như thế. Mặc dù ngài dẫn dắt họ trong một chiến dịch thắng lợi qua vùng núi non vào tận thung lũng sông Ấn và miền Punjab, vào năm 324 TCN, quân đội nổi loạn và không chịu tiến xa hơn về phía đông. Trở lại phía tây, Alexander đến Babylon, tại đó ngài bắt đầu lên những kế hoạch cho những chiến dịch mới – chống Arabia, và rồi sau đó có thể vào vùng Tây Địa Trung Hải để đối đầu với sức mạnh đang lên của Carthage và La Mã. Nhưng những kế hoạch này không bao giờ được thực hiện, khi vào năm 323 TCN Alexander bất ngờ qua đời vì một trận sốt sau một chầu chè chén say sưa.
Con đường một đời chinh chiến của Alexander khởi đi từ quê hương Macedonia qua Ấn Độ và kết thúc ở Babylon
Chiến mã của Alexander
Khi Alexander còn trẻ, có một con ngựa bất kham, quá hung hăng đến nỗi không ai có thể cởi được. Duy chỉ Alexander xoay sở leo lên mình ngựa và kềm chế được nó. Ngài đặt tên nó là Bucephalus. Sau này Bucephalus trở thành bạn chiến đấu bất phân ly của Alexander, chia sẻ với ngài những vinh quang trong những tháng ngày chính phạt, và không chịu để ai cởi lên trừ ngài. Đến lúc đã 26 tuổi Bucephalus vẫn còn mang Alexander trên lưng trong mũi đột kích kỵ binh chủ lực tại Trận Gaugamela, và sau đó dong ruổi theo ngài đến tận Ấn Độ. Tại đây, ở tuổi 30, Bucephalus chết vì tuổi tác và kiệt sức. Alexander quá yêu quí chú ngựa cưng của mình đến nỗi đặt tên một thành phố vừa thành lập trên bờ đông sông Ấn là Bucephala.
Di sản của Alexander
Lúc Alexander qua đời, vợ Roxana của ngài đang mang bầu, nhưng không có sắc luật rõ ràng về người kế vị. Truyền thuyết kể rằng, khi ngài hấp hối, cận thần hỏi rằng ngài sẽ truyền lại ngôi vua cho ai, thì ngài trả lời, “Cho ai có gươm sắc nhất.” Cuộc đấu tranh giành quyền lực xảy ra sau đó giữa các tướng lĩnh của Alexander – trong đó cả Roxana lẫn con trai đều bị sát hại – kéo dài hơn 12 năm, sau đó hình thành ba khối quyền lực chính. Seleucus cai trị một vùng tây Á bao la, xấp xỉ bằng đế chế Ba Tư cũ; Antigonus cai trị Hy Lạp và Macedon; còn Ptolemy cai trị Ai Cập. Đế chế Seleucid dần dần tan rã thành một nhóm vương quốc, và trong thế kỷ thứ 2 TCN Macedon và Hy Lạp rơi vào tay người La Mã. Ở Ai Cập, các dòng dõi Ptolemy tiếp thu truyền thống bản địa, trở thành các pha-ra-ông và giữ vững sự thống trị cho đến 31 TCN, khi Nữ Hoàng lừng lẫy Cleopatra VII cùng với người tình của bà, vị tướng La Mã Mark Anthony, bị Octavian, Hoàng đế Augustus tương lai, đánh bại và tự mình kết liễu cuộc đời.
“Về thể chất ông là người rất tuấn tú và yêu thích vượt qua gian truân . . . còn về lạc thú tinh thần, thì chỉ có vinh quang là ông không hề nhàm chán.”
Arrian, Các Chiến Dịch của Alexander, thế kỷ thứ 2 SCN.
Tuy nhiên di sản của Alexander vẫn trường tồn sau khi đế chế ngài đã tiêu vong. Trên khắp đế chế ngài đã cho xây dựng nhiều thành phố, một số mang tên Alexandria để vinh danh ngài. Những thành phố này chen chúc nhà buôn và nghệ nhân Hy Lạp truyền bá văn hóa bản địa của họ rất xa và rất rộng, giúp mang Đông và Tây xích lại gần nhau trong một môi trường giao thương duy nhất. Lừng danh nhất trong các thành phố mang tên Alexandria, Alexandria ở Ai Cập, đã trở thành trung tâm tri thức của vùng Địa Trung Hải trong nhiều thế kỷ, và thư viện đồ sộ của nó, dưới sự bảo trợ của hoàng gia Ptolemy, trở thành nơi lưu trữ tất cả kiến thức được tích lũy từ thời cổ đại.
TÓM TẮT
Các cuộc chinh phạt của Alexander truyền bá văn hóa và thương mại Hy Lạp qua khắp một vùng rộng lớn.
DÒNG THỜI GIAN
359 TCN | Philip II kế vị ngôi vua ở xứ Macedon |
338 TCN | Philip đánh bại các thành bang Hy Lạp ở Chaeronea |
336 TCN | Alexander kế vị Philip sau khi ông này bị ám sát |
334 TCN | Alexander đánh bại quân Ba Tư tại Granicus |
333 TCN | Alexander đánh bại quân Ba Tư tại Issus |
331 TCN | Ba Tư thảm bại cuối cùng tại Gaugamela |
326 TCN | Alexander thắng Trận Hydaspes ở miền Punjab |
324 TCN | Binh lính nổi loạn bước Alexander quay về tây |
323 TCN | Alexander qua đời tại Babylon |
312 TCN | Seleucus thành lập đế chế Hy Lạp hóa ở Tây Á. |
306 TCN | Antigonus thiết lập triều đại Antigonus ở Hy Lạp và Macedon |
305 TCN | Ptolemy trở thành nhà cai trị Ai Cập |
247 TCN | Parthia tách ra khỏi đế chế Seleucid |
167 TCN | La Mã xâm chiếm Macedon |
146 TCN | Hy Lạp trở thành một tỉnh của La Mã |
31 TCN | Cleopatra bị quân La Mã đánh bại ở Actium |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét