Dich giả: Trần Gia Huấn
Biển Hồ là tim. Dòng Mekong là động mạch. Nếu tim teo tóp và ngừng đập, thì động mạch sẽ ra sao. Lời kêu cứu cuối cùng gởi tới những con đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong.
Mekong hùng vĩ là nhờ có Biển Hồ ở Cambodia. Chiếc hồ mầu nhiệm này đã giữ lại lượng nước khổng lồ vào những mùa mưa lũ, để khi mùa khô tới, Mekong vẫn miệt mài, cuồn cuộn. Giờ đây Biển Hồ đang cạn dần bởi những con đập thủy điện, hạn hán, và biến đổi khí hậu.
Học giả người Thái, Chainarong Setthachua, nói với tuần báo The Diplomat rằng: “Đây là một tai họa khủng khiếp cho toàn vùng Mekong. Nếu chúng ta để mất Biển Hồ, chúng ta sẽ mất đi nguồn cá nước ngọt lớn nhất hành tinh”.
Biển Hồ là nền tảng quyết định cho nghề cá ở Cambodia. Ở đây, đàn cá sinh sản và di cư tới toàn lưu vực. Vào năm 2014, Chheng Phen, lãnh đạo Viện Nghiên Cứu và Phát Triển Thủy Sản Cambodia đã nói với báo New York Times rằng: “Nếu Biển Hồ chết, toàn bộ nguồn cá nước ngọt thuộc lưu vực Mekong sẽ chết theo”. Đây chính là điều mà chúng ta đang đối mặt.
Đã hai năm nay, Mekong cứ cạn kiệt dần. Nó không thể giữ được phong độ truyền thống sau mỗi mùa mưa. Bởi vì Biển Hồ cạn không thể giãn nở lớn gấp năm lần vào mỗi mùa mưa lũ.
Đây là đại họa Biển Hồ gây ra bởi những con đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn. Những con đập này đã cướp mất cả nước và trầm tích, những sinh tố sống còn cho toàn bộ hệ sinh thái của lưu vực Mekong.
Chưa hết, đại họa Biển Hồ lại được bồi thêm bởi hai con đập khổng lồ ở Lào - đập Xayaburi và Don Sahong khởi công vào năm 2019. Hai đập này đã chặn đứng toàn bộ nguồn nước, đàn cá di cư, và cả dòng trầm tích. Thailand và Malaysia là hai nhà đầu tư vào hai con đập kể trên.
Khi mùa mưa lũ tới, nước trên toàn bộ lưu vực Mekong chảy về Biển Hồ. Nó trở thành chiếc hồ lớn nhất vùng Đông Nam Á. Biển Hồ thành kho chứa nước khổng lồ, nuôi dưỡng những cánh rừng bao la xung quanh, nơi sinh sản của các loài cá, và điều tiết lượng nước cho dòng chảy Mekong.
Nhưng mùa mưa 2020, từ tháng Sáu tới tháng Mười, lượng nước đổ về Biển Hồ quá ít và quá trễ. Năm ngoái 2019, cũng xảy ra như vậy. Những cơn mưa đến muộn, mãi tận giữa tháng Tám, ít nước, hồ cạn, thiếu oxygen làm muôn vàn loài cá chết, không cách gì đếm xuể.
Năm 2020, cảnh tượng tương tự. Mùa mưa lũ đến trễ và quá yếu. Mãi đến giữa tháng Tám, Biển Hồ mới trở lại dung tích bình thường của nó vào đầu tháng Sáu.
Brian Eyler, một chuyên gia của tổ chức bảo vệ Mekong, hồi tưởng lại thảm họa Biển Hồ năm 2019, đã đẩy 2.5 triệu người đánh cá vào cảnh đói nghèo, nợ nần và phá sản. Năm nay 2020, cảnh ngộ tại Biển Hồ còn tệ hại hơn. Đánh bắt cá ít đi làm tăng khoản nợ nần. Nó như một vòng xoắn bệnh lí lặp đi lặp lại. Đời sống kinh tế quanh Biển Hồ và của cả đất nước vỡ vụn ra từng mảnh.
Senglong Youk, người lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ bảo vệ thủy sản Biển Hồ (Fisheries Action Coalition), đánh giá rằng có đến 20-30 phẩn trăm người sống bằng nghề đánh cá đã bỏ nghề, đi kiếm kế sinh nhai khác.
Brian Eyler, tác giả cuốn sách “Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ”, đã theo dõi cẩn thận những hành vi của Trung Quốc vận hành những con đập ở thượng nguồn Mekong. Ông khẳng định chắc chắn rằng: “Bắt đầu vào đầu tháng 7/2020, Trung Quốc cho đóng toàn bộ những con đập thượng nguồn, tạo ra cơn hạn hán thiếu nước khủng khiếp. Năm ngoái 2019, Trung Quốc cũng làm như vậy gây ra những cảnh tượng rất thê lương ở miền hạ lưu”.
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc và Ủy Ban Sông Mekong đổ thừa cho hạn hán và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu khoa học đầy thuyết phục đã phản bác những luận điệu của Trung Quốc rằng: Chính những con đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong là thủ phạm đã tàn phá số lượng cá, dòng chảy, trầm tích, và toàn thể hệ sinh thái ở hạ lưu Mekong.
Một nghiên cứu công bố vào 2013, do Timo Rasanen đứng đầu của Đại học Aalto, Phần Lan, đã chứng minh mức độ tàn phá của những con đập thượng nguồn Trung Quốc vượt rất xa những tác động của biến đổi khí hậu tới Biển Hồ và Mekong.
Ian Cowx, đứng đầu Viện Thủy Sản Quốc tế thuộc Đại học Hull, Vương Quốc Anh, giải thích rằng những ảnh hưởng, tai hại lâu dài nhất cho nguồn thủy sản không phải do biến đổi khí hậu, hay hạn hán, mà từ những con đập ở thượng nguồn Trung Quốc.
Ông bảo: “Mọi loài thủy sản đều có khả năng thích nghi với hạn hán hay lũ lụt. Vấn đề tai hại nhất ở đây là giảm lưu lượng chảy do những con đập của Trung Quốc. Thêm vào, đập Hạ Sesan 2 (nằm trên lưu vực Mekong, thuộc địa phận Cambodia) và đập Don Sahong thuộc Lào đã bức tử toàn bộ lưu vực sông ngòi miền hạ lưu”.
Không phải chỉ riêng Trung Quốc, mà cả Thái Lan và Malaysia tay cũng nhúng chàm. Thái xây đập Xayaburi, còn Malaysia xây đập Don Sahong, đã thay đổi toàn bộ lưu vực thủy văn của dòng sông.
Vì sao Mekong nên nông nỗi này?
Nhiều nhà quan sát trông đợi vào vai trò của Ủy Ban Sông Mekong - một cơ quan tư vấn thuộc các nước lưu vực Mekong – xông lên tuyến đầu để cứu lấy dòng sông. Nhưng không! Ủy Ban Sông Mekong không làm gì cả, ngoài việc hô hào khẩu hiệu bảo vệ môi trường.
Những nhà khoa học đã đưa ra nhiều lời cảnh báo về giảm lưu lượng dòng chảy Mekong nhưng đều vô vọng. Thậm chí, ngay những nghiên cứu của Ủy Ban Sông Mekong xuất bản 2018 nêu ra: Phát triển thủy điện gây hậu quả tai hại cho nguồn cá. Tổng số nguồn thủy sinh sẽ giảm 35 đến 40% tới năm 2020, và 40 đến 80% tới năm 2040.
Sự suy giảm nghiêm trọng nguồn thủy sản và sự đe dọa nhãn tiền tới an ninh lương thực cho 70 triệu người thuộc hạ lưu Mekong đều rơi vào hư không. Ủy Ban Sông Mekong không làm gì cả. Các quốc gia như Trung Quốc, Lào, Cambodia vẫn ra sức xây đập thủy điện.
Marc Goichot, một chuyên gia về nguồn thủy sản trong vùng thuộc Quỹ Bảo Vệ Thiên Nhiên Thế Giới có trụ sở tại Việt Nam viết, “Chúng ta đã tiên đoán và chứng kiến kẻ gây ra thảm họa. Vấn đề không thuộc về sự thiếu hiểu biết khoa học. Nó thuộc về các chính phủ. Chúng ta phải hành động khẩn cấp để cứu lấy dòng sông”.
Chánh văn phòng Ủy Ban Sông Mekong, tiến sỹ An Pich Hatda đáp lại thảm họa lớn chưa từng thấy ờ Biển Hồ tới các quốc gia thành viên là “Cần phải chia sẻ thêm số liệu, thông tin về những con đập và chiến dịch xây cất hạ tầng một cách nhanh và minh bạch”.
Goichot trả lời phỏng vấn của tờ The Diplomat: “Thay bằng Ủy Ban Sông Mekong tìm cách cứu lấy dòng sông như thế nào thì họ lại tập trung vào thu thập số liệu, cảnh báo lũ lụt, hay hạn hán. Đáng lý ra, Ủy Ban Sông Mekong có thể ngăn chặn được những thảm họa, nhưng họ đã thất bại. Họ thất bại trong việc đưa những thông tin tai hại nếu xây đập. Họ thất bại trong việc cho dừng những hoạch định xây cất. Họ thất bại trong việc ngăn những thảm họa cho toàn dòng Mekong”.
Ủy Ban Sông Mekong thường từ chối trả lời những vấn đề mà những nhà phê bình nêu lên. Họ bảo: Họ không có thẩm quyền giải quyết. Chức năng của họ là tạo điều kiện cho cuộc thương thảo giữa quốc gia thành viên Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Ủy Ban Mekong giải thích về những con đập: “Chúng tôi tìm kiếm những cách thức để tránh, giảm thiểu, hạn chế những ảnh hưởng xấu xuyên quốc gia của những con đập trên dòng Mekong”. Nhưng những bằng chứng khoa học đã chỉ ra những con đập ngăn dòng gây ra tổn hại khủng khiếp cho nguồn thủy sản nước ngọt, sự đa dạng sinh thủy và an ninh thực phẩm trên thế giới đến mức không thể chấp nhận được. Hàng loạt những chuyên gia về dòng Mekong đã phủ nhận những thông tin do Ủy Ban Mekong đưa ra rằng: lượng cá vẫn tăng, lượng nước và trầm tích ổn định. Những thông tin mà Ủy Ban Sông Mekong đưa ra là thiếu căn cứ khoa học về một dòng sông nhiệt đới.
Rất nhiều tổ chức phi chính phủ cảnh báo rằng Ủy Ban Sông Mekong đã đánh bài lờ, nhắm mắt làm ngơ trước những sự việc hiển hiện như câu chuyện “con voi ở giữa phòng”. Vấn đề được đặt ra là: Có nên xây đập không? Thêm bao nhiêu đập nữa? Trong khi thủy điện đã để lại bao nhiêu hệ lụy, bao nhiêu tàn phá khổng lồ. Thế mà Ủy Ban Sông Mekong không những không đưa ra hướng dẫn, mà còn cấm cản các câu hỏi trên trong những cuộc hội thảo về Mekong.
Mekong đã bị bức tử
Mauricio Arias, thuộc Đại học South Florida, giáo sư hàng đầu trong ngành thủy văn và cộng sự trong hội nghị quốc tế chuyên đề “Hệ Sinh Thái Trong Lưu Vực Sông và Mạch Nước Ngầm” năm 2017 đã kết luận rằng xây những con đập ở thượng nguồn Mekong cùng với sự biến đổi khí hậu đã gây ra những hậu quả tai hại không có cách gì sửa chữa được cho toàn bộ hệ sinh thái của dòng Mekong. Ông chỉ ra “Chúng ta đang trôi nổi từ dòng Mekong hoang dã tới con sông bị đóng kín. Đó là sự buồn tẻ và chết chóc”. Ông nêu ra một dẫn chứng tương tự ở sông Colorado, Hoa Kỳ.
Hình như Ủy Ban Sông Mekong và cả những chính phủ thuộc lưu vực Mekong không mấy bận tâm đến số phận hẩm hiu của dòng Mekong.
Senglong Youk, lãnh đạo tổ chức phi chính phủ về nghề cá trong vùng, rất lo lắng về tương lai của Mekong. “Thật khó khăn. Làm sao có thể phục hồi được lượng cá ở Biển Hồ. Người thì lấn chiếm lòng hồ một cách phạm pháp. Người khác thì biến đáy hồ thành những sân bóng đá khổng lồ”.
Mọi báo cáo đều chỉ ra: Tương lai của Mekong rất u ám, và ngày lâm chung của nó đang đến rất gần. Những người yêu Mekong phải đối mặt với cảnh tượng vô cùng bi đát và chúng ta phải nói lời vĩnh biệt thương đau tới dòng Mekong hoang dã oai hùng.
Biết đâu có một hoạt cảnh khác: “Nếu”
Công cuộc xây dựng thủy điện Luang Prabang, Pak Beng và vài con đập khác nữa trên địa phận của Lào, hoàn toàn phụ thuộc vào việc Thái Lan có đồng ý mua điện của Lào hay không. Thái Lan vừa là chủ đầu tư vừa là người thi công của đập Xayaburi tại Lào. Thái đồng ý mua 95% sản lượng khi hoàn thành. Nếu Bangkok không mua, thì đập Luang Prabang sẽ phải dừng lại. Điều này cho phép những nhà hoạch định chính sách của Bangkok suy nghĩ lại về số phận của Mekong.
Thái Lan là một quốc gia có sản lượng điện dư thừa cao nhất trong vùng, dư đến mức 40% số điện thực sự Thái sử dụng. Các nhà phân tích độc lập còn đánh giá cao hơn, cao đến 60%.
Mọi giả thiết có thể xảy ra. Nhưng viễn cảnh phục hồi nghề cá ở Biển Hồ ở mức trung bình 300.000 tấn cá mỗi năm là không còn hy vọng. Goichot bình luận rằng “Vào thời điểm này, phục hồi lại những gì đã mất trên dòng Mekong là một giá vô cùng đắt đỏ và lâu dài, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác”.
Goichot cổ xúy cho trương trình phục hồi khẩn cấp đa dạng sinh học nước ngọt trên thế giới, mà dòng Mekong là tiêu điểm quan trọng nhất trên hành tinh”.
Trong lúc Senglong Youk và 2.5 triệu người Khmer đang sống trong tuyệt vọng, đang cần sự trợ giúp, thì những bi kịch trên đang thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan thuộc Liên Hiêp Quốc để cứu lấy Mekong và Biển Hồ.
Vậy Ủy Ban Sông Mekong có giúp đỡ gì không? Tôi hỏi Senglong Youk, người lãnh đạo tổ chức phi chính phủ bảo vệ Biển Hồ. Senglong Youk trả lời: “Họ có thể giúp bằng cách phải ngừng ngay những công trình xây đập thủy điện trên dòng Mekong”.
Đây chính là tiếng kêu cứu của những cộng đồng sống dọc theo lưu vực Mekong. Thế nhưng nó lại là điều nhạy cảm, cấm kị của Ủy Ban Sông Mekong trong những diễn đàn xây đập thủy điện.
Tiến sỹ sinh thái học và tác giả Ngô Thế Vinh đã nêu lên vai trò sống còn của sông hồ kiến tạo lên lịch sử Cambodia. “Dòng Mekong và Biển Hồ là nơi chôn rau cắt rốn của cả nền văn minh Khmer cổ và hiện đại. Bất hạnh thay, Biển Hồ và Mekong đang chết”.
Tổ tiên Angkor của dân tộc Cambodia sẽ phán xử những nhà lãnh đạo đất nước hôm nay như thế nào. Chính họ đã góp phần bóp chết Biển Hồ vào việc đồng ý xây dựng thêm con đập thủy điện Hạ Sesan II- một phụ lưu sống còn của dòng Mekong. Họ nghĩ gì về Ủy Ban Sông Mekong chỉ ngồi đó thu thập những thông tin, mà không hề có hành động gì để cứu lấy dòng sông.
Biển Hồ quan trọng đến mức nó đã được đặt tên là “Nhịp tim của Cambodia”. Nhưng những nhà lãnh đạo của những quốc gia thuộc Ủy Ban Sông Mekong thì rất đói khát thủy điện. Họ chẳng màng gì đến số phận đang hấp hối của Mekong.
Liệu chính phủ Cambodia, liệu Ủy Ban Sông Mekong, liệu những quốc gia đầu tư có còn chút lương tâm cứu lấy dòng Mekong, cứu lấy nhịp đập Mekong, cứu lấy một kỳ quan của nhân loại.
Nếu họ không làm gì, không thực hiện vai trò lãnh đạo để bảo vệ lấy tài sản vô giá này, thì đây thực sự là lời trăng trối của dòng Mekong hùng vĩ.
_____
Tác giả: Tom Fawthrop là phóng viên thường trú tại Đông Nam Á. Ông có mặt ở Phnom Penh, Manila, Chiang Mai, và Dili từ những năm đầu của thập kỷ 1980. Ông viết lâu năm cho nhiều nhật báo và tuần báo: The Guardian, Economist, South China Morning Post, và The Diplomat. Ông làm phim tài liệu cho BBC và Al Jazeera TV. Những cuốn phim nổi tiếng như: Giết dòng Mekong; Đập nối Đập; Dòng sông cuối cùng không đập; Bơi ngược thủy triều…
Ông cũng là tác giả của cuốn sách “Tại sao lại trắng án với tội diệt chủng?” về những khuất tất trong những tòa đại hình xử lãnh đạo Khmer Đỏ được Trung Quốc bao che. Trên tờ The Diplomat, tháng 7/2020, ông có viết bài dài “Liệu Việt Nam có thể ngăn được Đại dịch tới?” (Can Vietnam Prevent the Next Pandemic?) về chính sách chống buôn bán động vật hoang dã của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét