III
Người Á đông nên ở Á châu, đó là nền tảng của sự kỳ thị bài-Á, không cần biết chúng ta đã sống ở đây bao nhiêu thế hệ hay chúng ta đã làm gì để chứng tỏ mình thuộc về xứ sở này dù không sinh ra tại đây. Đổ lỗi cho dân Á đông ở Á châu, hay ở những quốc gia không thuộc Á châu, vẫn là cách kỳ thị hiệu nghiệm nhất xưa nay; ở Mỹ nó bắt đầu từ thế kỷ 19.
Vào thời đó nước Mỹ cho phép hàng ngàn người Tàu nhập cư để giúp xây đường hoả xa xuyên lục địa. Một khi không cần đến họ nữa, các chính trị gia, nhà báo và doanh gia Mỹ dùng chiêu bài chủng tộc để biến hình ảnh họ thành xấu xa hòng xoa dịu khối công nhân da trắng đang cảm thấy việc làm của mình bị đe doạ. Hậu quả là nhiều người Tàu đã bị đám đông da trắng hành hình [lynch], vô số người Tàu phải bỏ trốn, nhiều khu phố Tàu bị đốt phá.
Đỉnh điểm của sự thù ghét này là Anti-Chinese Act năm 1882, đạo luật kỳ thị chủng tộc đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ; nó biến người Tàu nhập cư thành những kẻ di dân lậu đầu tiên của đất nước này. Bộ Công dân và Di trú được thành lập để kiểm soát di dân từ Trung Hoa và để truy lùng “paper sons” — những người làm giấy tờ giả để nhận mình là con cái của người nhập cư hợp pháp.
Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Janelle Wong cho biết, “mặc dù nhiều di dân từ Âu châu cũng bị thù ghét, nhưng chưa bao giờ họ bị kềm kẹp bởi những thủ tục pháp lý về di trú và quyền công dân dựa trên chủng tộc như người Mỹ gốc Á phải hứng chịu.”
Lịch sử nước Mỹ được đánh dấu bởi chu kỳ các đại doanh nghiệp cần lao động rẻ tiền từ Á châu, làm cho tầng lớp lao động da trắng cảm thấy bị đe doạ. Nỗi sợ ấy còn được khơi động bởi các nhà chính trị và cơ quan truyền thông chuyên dùng sắc tộc làm mồi, dẫn đến những đại hoạ như đạo luật Anti-Chinese Act hay việc nhốt người Mỹ gốc Nhật vào các trại tập trung năm 1942. Người viết tấm bảng mà tôi nhìn thấy hồi nhỏ, đổ lỗi cho người Việt làm hại doanh nghiệp ở Mỹ, thật ra họ cũng chỉ thêm một dòng vào câu chuyện “hiểm hoạ da vàng” nằm sẵn trong những đầu óc đầy âu lo và sợ hãi của dân Mỹ.
Sự thật là vào những thập niên 1970 và 1980, downtown San Jose là một khu hoang phế, không ai muốn mở thương nghiệp gì ở đó trừ người Việt tị nạn. Còn ngày nay thì người Mỹ đang cần đến Trung Quốc và những nước Á châu là nguồn cung cấp đủ loại hàng hoá cho dân chúng có cơ hội sống Giấc Mơ Mỹ, xong họ quay lại đổ thừa nước Mỹ bị mất việc, nền kinh tế Mỹ bị tổn thương là do cạnh tranh từ Trung Quốc.
Đổ lỗi cho nước ngoài hay cho một nhóm dân thiểu số, thậm chí cho những chính trị gia đã thương lượng các thoả thuận mậu dịch, vẫn dễ hơn là chỉ đích danh quyền lực thực sự: các công ty và những người làm kinh tế ở cấp cao đã dịch chuyển công ăn việc làm để kiếm lợi nhuận tối đa, không màng gì đến người lao động ở Mỹ phải nhận lãnh hậu quả. Chấp nhận sự thật này là điều vô cùng khó nuốt cho đại đa số công chúng Mỹ, chĩa mũi dùi vào dân Á châu đơn giản hơn nhiều.
Đối mặt làn sóng công luận chỉ trích người gốc Á không “American” đủ, Andrew Yang, từng là ứng cử viên tổng thống, đề nghị giải pháp: “Chúng ta, người Mỹ gốc Á, cần thực hiện và thể hiện bản chất ‘American’ của mình bằng mọi hình thức … Chúng ta phải cho mọi người thấy rằng mình là công dân Mỹ và sẵn sàng phục vụ nhu cầu của đất nước.” [1] Nhiều người Mỹ gốc Á đã cảm thấy bị xúc phạm bởi câu nói trên, cho rằng nó chẳng khác nào lời xin lỗi về sự có mặt của người gốc Á ở Mỹ.
Những người chỉ trích Andrew Yang đưa ra nhận xét rằng vào những thời điểm tinh thần bài-Á ở Mỹ lên cao độ, nhiều người gốc Á thiếu điều lấy cờ Mỹ quấn quanh mình; quyên góp giúp đỡ cộng đồng da trắng trong những trường hợp nguy khẩn; họ thậm chí đã bỏ mình vì nước Mỹ trong bao nhiêu cuộc chiến. Và có gì “American” hơn là gia nhập lực lượng cảnh sát? Khi chọn nghề cảnh sát, Tou Thao có bao giờ nghĩ đến chuyện chứng minh mình là “American”?
Ảnh: Tại một trại tập trung người Nhật ở Utah, 1945. Nguồn: Apic/ Getty Images
Xem ra những nỗ lực này vẫn không đủ để ngăn chặn nạn kỳ thị bài-Á hết sức cứng đầu. Kêu gọi mọi người hy sinh nhiều hơn nữa chỉ lặp lại cảm giác người Mỹ gốc Á không phải là “American” và lúc nào cũng phải chứng tỏ mình là “American”, điều lẽ ra không cần thiết. Thời Đệ Nhị Thế Chiến, người Mỹ gốc Nhật đã phải chứng minh mình “American” bằng cách đánh nhau với quân Đức và Nhật trong khi gia đình họ đang bị chính quyền bắt nhốt, nhưng người Mỹ gốc Đức hay Ý không phải chứng minh họ “American” đến mức đó. Tuy cũng có người Mỹ gốc Đức và Ý đã ở tù vì bị tình nghi hoặc vì thật sự không trung thành với nước Mỹ, nhưng chỉ có người gốc Nhật là bị bỏ tù hàng loạt, chủng tộc là đặc điểm duy nhất đánh dấu họ là “không-American”.
Người Mỹ gốc Á kẹt giữa hai lằn đạn, một bên xem ta chẳng khác nào người ngoài, một bên là cám dỗ làm đồng minh với người da trắng trên đất nước được xây dựng bằng khái niệm da trắng thượng tôn. Hậu quả là bệnh kỳ thị người da Đen (và da Nâu cũng như da Đỏ) lây lan sâu rộng trong cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Di dân và dân tị nạn, kể cả người Á, hiểu rằng khi leo chiếc thang thành công ở Mỹ họ phải bắt đầu từ những nấc thấp nhất. Nhưng cho dù thấp hèn cỡ nào chăng nữa, họ biết nước Mỹ luôn cho phép họ đứng trên vai người da Đen, da Nâu và thổ dân da Đỏ. Trong lịch sử người Mỹ gốc Á, dân Á Đông bao giờ cũng được người Mỹ trắng và Mỹ đen cho họ cơ hội chọn bên trong cuộc đấu chủng tộc Trắng-Đen, và chúng ta thường chọn bên trắng hơn. Người Mỹ gốc Á, dù tích cực phê phán những hành động bài-Á của thiên hạ, không phải lúc nào cũng lên tiếng chống lại nạn kỳ thị người da Đen. Chúng ta thường nhận mình thuộc nhóm da trắng và chọn đường lối giữ nguyên tình trạng cũ.
Nhưng cũng có một số tiếng nói của người Mỹ gốc Á kêu gọi liên kết cùng người da Đen và những người da màu khác. Từ nhà đấu tranh Yurri Kochiyama, người đã ôm Malcolm X trong lòng trước khi ông tắt thở, cho đến Grace Lee Boggs, định cư tại Detroit và hoạt động hăng say với người chồng da Đen là James Bogg để tổ chức sinh hoạt và công tác lý thuyết.
Kochiyama và Boggs cũng không phải là người gốc Á duy nhất lý luận rằng người Mỹ gốc Á không nên đứng một mình hoặc chỉ cho mình. Cụm từ “Asian American” là do Yuchi Ichioka và Emma Gee đặt ra trong thập niên 1960 và được sử dụng bởi các nhà hoạt động sinh viên, nó được quần chúng biết đến rộng rãi qua một phong trào không chỉ để bảo vệ cộng đồng gốc Á trước nạn kỳ thị hay xác minh một căn cước Á Đông.
Những nhà hoạt động Mỹ-gốc-Á thời đó xem phong trào của họ mang tính cách chống chiến tranh, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản. Lấy cảm hứng từ Hội nghị Bandung năm 1955, cuộc nhóm họp của một số quốc gia Phi châu và Á châu, và từ Mao, họ đặt mình vào giữa cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại chủ nghĩa thực dân cùng với những dân tộc bị trị tại các nước thuộc địa. Mao cũng đã tạo cảm hứng cho một số người Mỹ gốc Phi cực đoan, và cuối thập niên 1960 là thời điểm mà các nhà đấu tranh mọi màu da sắc tộc nhìn thấy mình là một phần trong một phong trào của Thế giới Thứ Ba, liên kết sự trỗi dậy của các sắc dân thiểu số với cuộc nổi dậy toàn cầu chống tư bản chủ nghĩa, thực dân, kỳ thị chủng tộc, và chiến tranh.
IV
Những phong trào của Thế giới Thứ Ba và của người Mỹ-gốc-Á trong thập niên 1960 đã để lại một số di sản mà các nhà hoạt động và học giả Mỹ-gốc-Á hôm nay vẫn còn sử dụng. Những người này cho rằng người Mỹ gốc Á, vì từng trải qua một lịch sử bị kỳ thị và bóc lột lao động, có tiềm năng trực diện một cách triệt để những khía cạnh tồi tệ nhất của xã hội Mỹ. Nhưng dân Mỹ-Á có 22 triệu người, khoảng 6% dân số nước Mỹ, đến từ nhiều quốc gia, gồm nhiều sắc tộc và nguồn gốc cũng như thời điểm di cư và định cư khác nhau. Thành thử chúng ta có quá nhiều quan điểm khác biệt, phân toả ra nhiều hướng.
Người Mỹ gốc Á hôm nay có thể chọn một trong hai con đường: một tương lai cấp tiến từng được phác hoạ bởi các phong trào Mỹ-Á trước đây, hoặc mô hình người tiêu thụ với biểu tượng uống trà Boba và nghe nhạc K-pop. Mặc dù người Mỹ gốc Á thường nghiêng về phe Dân Chủ hơn, nhưng khó mà nói tất cả đều thuộc thành phần cấp tiến.
Nhưng điều có thể thống nhất người Mỹ gốc Á và dễ làm ta nổi giận là sự kỳ thị và giết chóc, bắt đầu bằng các cuộc bạo hành nhắm vào người Tàu trong thế kỷ 19, dài đến những vụ như tay súng da trắng giết năm trẻ em người Việt và Cambodia tại một trường học ở Stockton, California, năm 1989, và một tay súng da trắng khác bắn chết sáu người Sikh tại một ngôi đền ở Wisconsin năm 2012.
Câu chuyện về Vincent Chin, bị giết năm 1982 bởi công nhân ô-tô da trắng ở Detroit vì họ tưởng anh ta là người Nhật, vẫn còn được dùng để kích động tinh thần. Hoặc là vụ nổi loạn, hay nổi dậy, tại Los Angeles năm 1992, khi phố Hàn Koreantown bị người da Đen và da nâu đốt phá trong lúc cảnh sát L.A. đứng nhìn. Doanh nghiệp người Hàn đã phải hứng chịu một nửa thiệt hại trong vụ bạo loạn ấy. Hai người Mỹ gốc Á đã thiệt mạng.
Những điều đó đều đáng để ta đau buồn, thương tiếc và tức giận, cũng như những điều sau: 61 người khác bị thiệt mạng trong sự kiện đó không phải là người Á, đa số da Đen hoặc nâu. Và trong số 12,000 người bị bắt thì phần lớn cũng là Đen hoặc nâu. Tóm lại, người Hàn bị thiệt hại về kinh tế cũng như tinh thần và tâm lý kéo dài nhiều năm trời sau đó. Nhưng ít ra họ còn có tài sản để mất, và cái giá họ phải trả cho bản chất “American” bấp bênh của mình, đo lường bằng sự hy sinh tính mạng và tự do vẫn không bằng mất mát của khách hàng hay những người hàng xóm da Đen, da nâu của họ.
Người Hàn xuống đường tại Koreantown ở L.A. tháng 4, 1992 để biểu dương “Korean Pride”. Nguồn: Ted Soqui—Corbis/Getty Images
Nhiều người Mỹ gốc Hàn rất bực tức vì cảm thấy nhà chức trách và lãnh đạo thành phố đã dùng họ làm vật tế thần để ngăn chặn không cho hỗn loạn lan qua các khu da trắng, bỏ mặc cho dân Mỹ-Hàn gánh trọn cơn bức xúc tiềm ẩn bao lâu nay trong cộng đồng Đen và La-tinh ở Los Angeles do tình trạng nghèo khổ, phân biệt chủng tộc và bạo hành bởi cảnh sát. Sau trận hỗn chiến ấy, Phố Hàn được xây dựng lại, nhưng một số doanh nghiệp đã không phục hồi nổi. Một phần số tiền được đổ vào công cuộc hồi phục Koreantown, trớ trêu thay, lại đến từ Nam Hàn, đất nước mà từ nhiều thập niên qua đã lột xác để trở thành một cường quốc kinh tế. Tư bản Nam Hàn, và dần dà văn hoá Nam Hàn phổ thông, đặc biệt là phim ảnh và nhạc K-pop, bỗng dưng được ưa chuộng hơn những thứ mà người di dân tìm Giấc Mơ Mỹ mang từ Hàn Quốc sang trước đây. Ngay cả khi đời sống kinh tế của người Hàn ở Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn, nó vẫn bị che khuất bởi cái nhìn của người Mỹ về sự thành công của dân gốc Á qua lăng kính tư bản và cạnh tranh.
Định nghĩa của thiểu số gương mẫu là vầy: trong mọi trường hợp hãy cố giữ cho mình vô hình vì mình cốt yếu chỉ làm tròn nghĩa vụ, như ba mẹ tôi chẳng hạn, cho tới khi mình trở nên siêu hữu hình vì quá thành công, như những người chủ tiệm gốc Hàn nọ. Khi ấy thiểu số gương mẫu bỗng trở thành “cuộc Á xâm”, và cộng đồng thiểu số gương mẫu Mỹ-gốc-Á trước kia được dùng làm gương cho sự thành công của chủ nghĩa tư bản nay bị đổ lỗi cho sự thất bại của nó.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta bị tư bản chủ nghĩa chà đạp. Bị đặt vào chính giữa cuộc đấu tranh chủng tộc hiểm hóc của nước Mỹ, nhìn chung chúng ta nhận được nhiều lợi ích từ chủ nghĩa tư bản hơn người da Đen, da nâu và thổ dân da Đỏ, dẫu nhiều người Mỹ gốc Á có thể vẫn thuộc hàng nghèo khổ hay ngoài lề xã hội. Thỉnh thoảng cũng có người gốc Á bị cảnh sát giết, nhưng không thể nào so sánh với chuyện thường xuyên xảy ra đối với người da Đen, da nâu, hoặc thổ dân da Đỏ.
Và tuy đôi khi ta cũng bị kỳ thị hay phân biệt chủng tộc, dân da Vàng thường sống giữa khu da Trắng nhiều hơn người da Đen hay da Đỏ. Tương xứng với mức độ thừa hưởng một số đặc quyền nhờ màu da của mình là sự a tòng của chúng ta trong việc giữ vững một cơ chế đã và đang trù ép người da Đen, da Nâu, da Đỏ chỉ vì chủng sắc của họ.
Nhìn lại vị thế bấp bênh của chúng ta trong xã hội Mỹ, không khó hiểu tại sao nhiều người da Vàng có nhu cầu chứng minh mình “American”, hoặc mơ tưởng được chấp nhận bởi một xã hội do người da trắng làm chủ, hay lên án Tou Thao không phải người của “tụi tao”. Nhưng khi người Mỹ gốc Á dùng đại danh từ “chúng tôi” theo nghĩa rộng, với gốc gác từ Đông Á sang Tây Á, từ Nam Á qua Đông Nam Á, chúng tôi đó là chúng tôi nào?
Những gương mặt trí thức da màu đa văn hoá trong chính quyền là mốt chính trị đại biểu thanh lịch với mục tiêu đồng hoá. Từ lâu bị loại ra ngoài đời sống Mỹ, bị đánh dấu là ngoại nhân không thể hội nhập và bị xem là người ngoại quốc, luôn bị hỏi anh từ đâu tới, cũng như được khen nếu nói được tiếng Anh lưu loát, các gia đình di dân Á châu và con cháu họ luôn phấn đấu nhiệt tình để có thể gọi nơi này là quê hương. Nhưng từ góc nhìn của nhiều người da Đen, da Nâu và da Đỏ thì đất nước này được xây dựng bằng việc ông bà họ bị bắt làm nô lệ, bị tước đoạt tài sản, buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ, bị giam cầm, bị phân chủng, bị lạm dụng, bị bóc lột lao động và bị thực dân đô hộ.
Đối với nhiều, nếu không nói là tất cả, người da Đen, da nâu và thổ dân thì Giấc Mơ Mỹ vừa là hài kịch vừa là bi kịch. Chủ nghĩa đa văn hoá có thể làm chúng ta cảm thấy dễ chịu, nhưng nó sẽ không cứu nổi Giấc Mơ Mỹ; các chính sách bồi thường nô lệ, tái phối kinh tế, cắt giảm ngân sách hoặc bãi bỏ lực lượng cảnh sát may ra.
Người Hmong biểu tình trước toà thị chánh tại Minneapolis, 31/5/2020. Nguồn: Brooklynn Kascel—Polaris
Nếu như kinh nghiệm của người Hmong gần gũi với sự thất bại của Giấc Mơ Mỹ hơn, hà cớ nhiều người Mỹ-Á vẫn tìm kiếm cho mình một phần của nó? Nếu ta muốn gọi nước Mỹ là quê hương thì ta phải chấp nhận mọi thứ thuộc về đất nước này, niềm hy vọng cùng với đạo đức giả, lợi nhuận cùng với nỗi thống khổ, tự do cùng với mất mát, một thể chế thống nhất bất toàn cùng với tình trạng phân chủng hiện hữu.
Vì vậy muốn làm người Mỹ gốc Á là một sự mâu thuẫn, bởi làm người Mỹ-Á là một điều kiện cần nhưng không đủ. Làm người Mỹ gốc Á là điều cần thiết vì họ tên và nguồn cội cho ta một cái gì đó có thể dùng trong việc tổ chức, cho phép ta cảm nhận nhiều thứ hơn là cái “cảm xúc thứ yếu.”
Tôi còn nhớ rất rõ lúc mình trở thành người Mỹ gốc Á, trong năm thứ nhì ở đại học, khi tôi chuyển sang UC Berkeley. Vừa đặt chân vào trường, tôi bị đánh phủ đầu ngay lập tức bằng một cú sét tri thức và chính trị. Qua những lớp học về Mỹ-Á và cùng các bạn đồng môn tham gia những sinh hoạt trong Liên minh Chính trị Người Mỹ gốc Á, tôi không còn là một gã vô danh trong “cuộc Á xâm” nữa. Tôi là một người Mỹ gốc Á. Tôi có mặt mũi, có tên tuổi, có tiếng nói, có phong trào, có lịch sử, có nhận thức, và có cơn giận dữ. Chính cơn giận dữ ấy là cảm giác trọng yếu thúc đẩy tôi quyết liệt từ chối biện hộ cho trò chính trị phục tùng, một trong những yêu sách của việc chấp nhận Giấc Mơ Mỹ một cách mù quáng.
Nhưng cơn thịnh nộ trong tâm điểm của phong trào Mỹ-Á — một sự tức giận chính đáng đòi hỏi công lý, được công nhận và bồi đáp — đã không đủ sức ngăn cản việc phong trào dần biến thành một thực thể khác, tuy cũng có sức mạnh nhưng đã bị pha loãng. Trong dạng loãng nhất của nó, Mỹ-Á là một thực thể dễ bị tấn kích bởi tư duy kỳ thị người da Đen, chấp nhận chế độ thuộc địa, tiếp nhiên liệu cho cỗ máy chiến tranh bất diệt mà người dân Mỹ, dù theo đảng Cộng Hoà hay Dân Chủ, đều chấp nhận như một bộ phận không thể tách rời của đất nước.
___
[1] Xem thêm bản dịch bài viết của Andrew Yang: Dịch Khuẩn và Liệu Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét