1 thg 8, 2016

Hạnh Phúc Chúa Ban - Đào Anh Dũng

Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 359, tháng 7/2016



   Thằng cháu vừa mang giày vừa nói với ông:
   "Nội, please don't go home. Wait for me. I wanna play hide-and-seek with you." (Nội ơi, xin Nội đừng về nhà, chờ con. Con muốn chơi trốn kiếm với Nội.)
    Ông mỉm cười trả lời cháu:
   "Ừ, nội chờ, con đi chơi cho vui! Yes, I will wait for you. Have fun!"
   Ông luôn trò chuyện với mấy đứa cháu của mình bằng hai thứ tiếng cho chúng nó nghe quen tai, rồi từ từ ông sẽ dạy chúng tiếng Việt. Tội nghiệp, chúng nó nói theo ngôn ngữ của mẹ nhưng lúc nào cũng cố gắng gọi ông bà bằng "Nội" nghe thật ấm lòng.

   Thằng Yên (Ian) cháu của ông bà mới có ba tuổi mấy, nó đâu có để ý đến chuyện ba má nó nhờ ông bà đến trông chừng thằng em một tuổi rưỡi của nó để đi xem con chị nó trình diễn màn vũ ở trường học. Ừa, mà thằng em quậy thiệt, nên ba má nó để ở nhà, không dám bồng theo. Nó đúng là một con lật đật, đứng lên, ngồi xuống, leo chỗ này, trèo nơi nọ không biết mệt. Ông trông chừng cháu được chừng một tiếng đồng hồ, bà đến kiểm soát cái tã cháu đang mặc, nguýt ông một cái thiệt dài rồi vừa bồng nó đi vào phòng ngủ, vừa nói:
   "Giữ cháu cũng không nên thân. Cái tã nặng chình chịch như vầy mà không hay, không biết!"
   Nghe bà "rầy" như vậy, ông chỉ biết cười trừ. Thiệt là oan vì ông đâu có dịp giữ cháu hàng ngày như các ông bà bạn. Thỉnh thoảng vợ chồng thằng con mới nhờ ông bà đến chơi với cháu mà thôi. Vì thế, việc thay tã cho cháu bà giành làm luôn. Riêng ông thì hơn 30 năm nay có bao giờ đụng tới cái tã con nít đâu nà!

   Ông bước đến cánh cửa kéo, nhìn ra sân sau nhà. Đã hơn sáu giờ chiều nhưng ánh nắng vẫn còn chứa chan. Xuân vừa đến, ngày đã bắt đầu dài... Ông bỗng cảm thấy thời gian trôi sao quá nhanh.  Mới đó mà mình đã là ông nội! À... hồi mình còn nhỏ như thằng cháu, mình có chơi trốn kiếm với ông của mình không vậy cà? Ông thầm nghĩ và hình ảnh của những buổi trưa ấm áp năm xưa vụt hiện lên trong tâm khảm...


2

   Đó là những buổi trưa mẹ bắt anh em ông ra tắm, nói cho mát, xức chút dầu thơm rồi dẫn đi thăm ngoại. Nhà ngoại không xa, đi bộ một lát là tới. Ông nhớ từ đằng xa đã thấy ngoại ngồi ở hàng ba trước nhà, nở một nụ cười hiền lành, ngoắt anh em ông lại gần, ôm vào lòng, vò đầu, hỏi hai đứa có giỏi không, rồi cho năm cắc mua đá nhận. Lần nào cũng vậy.

   Nói thiệt, mỗi lần mẹ đưa đi thăm ngoại, anh em ông nôn nức vì cục đá nhận, xịt si-rô, lạnh ê răng nhưng ngon ơi là ngon, chứ chưa biết thương, biết nhớ ngoại. Rồi một ngày, anh em ông được mặc áo mới màu trắng, cha mẹ nói áo để tang ngoại mất và mất là chết. Thấy người lớn khóc, anh em ông cũng khóc theo chứ không biết chết là gì, chỉ biết từ đó không còn đi thăm ngoại nữa, chỉ thấy hình ngoại trên bàn thờ, không còn được ngoại cho năm cắc ăn đá nhận.
   Lớn lên, ông nghe cha mẹ kể lại ngoại buồn vì chiến tranh làm tiêu tan sự nghiệp, rồi ngoại mang bệnh trầm cảm. Biết ngoại thương hai đứa cháu trai nên mẹ thường hay đưa anh em ông đi thăm, hy vọng ngoại vui, lên tinh thần, hết bệnh. Vậy mà cũng không xong. Nhớ đến đó, ông tự hỏi, sao ngoại không bày trò chơi nào với cháu, để vừa khuây khoả, vừa gần gũi cháu hơn, để anh em của ông có nhiều kỷ niệm với ngoại. Ông hỏi để tự trả lời, thế hệ cha ông của ông ở quê nhà là vậy, thương con cháu nhưng ít khi hoà đồng, luôn giữ khoảng cách với chúng. Và, câu trả lời này làm cho ông ngẩn người, trầm ngâm tiếc nuối...


3

    "Nội, I am home!" (Nội ơi, con về rồi!)
   Tiếng gọi của thằng cháu làm ông giật mình, choàng tỉnh. Ông chưa kịp trả lời đã nghe cha nó méc:
   "Nó xem có một lát là chán, đòi về. Vừa xong màn múa của Ái Liên, con phải chở nó về đây!"
   Nhưng thằng cháu đâu có màng, nó chạy ngay đến nắm tay ông, kéo ông xuống tầng hầm để chơi trốn kiếm với nó. Vừa đi theo thằng cháu, ông vừa ngẫm nghĩ, thiệt đúng là con nít, lần nào nó cũng đòi trò chơi này, cũng trùm mền trốn trong kẹt cửa, sau cái ghế phô-tơi, hay ở góc phòng, ông cũng phải giả bộ đi tìm kiếm khắp nơi, nó cũng im thin thít, rồi khi ông tìm được, nó cũng sung sướng cười nắc nẻ.

   Ông đếm năm mười xong, thấy thằng cháu trùm mền nằm trên giường, nhưng ông vẫn làm bộ đi kiếm chỗ này, tìm nơi nọ như mọi khi, vừa đi vừa hỏi, "Yên ơi, cháu ở đâu? Ông tìm không ra. Ian, where are you? I can't find... you." nhưng nó vẫn im phăng phắc. Đến gần chiếc giường, ông chợt nghĩ đến một câu hỏi khác, lên tiếng, "Yên ơi, con có thương nội không? Ian, do you love grandpa?" Khi ấy, trong lòng ông không hề nghĩ thằng cháu sẽ trả lời, vậy mà nó đáp:
   "Yes!" (Dạ có!)

   Câu trả lời của thằng cháu chỉ có một chữ, phát ra sau lớp mền nghe thật nhỏ và ấm nhưng lúc ấy nó xuyên qua lồng ngực, thấu tận đáy tim của ông. Ông giật tung tấm mền, chưa kịp nói hết câu, "A... ông tìm ra cháu rồi! I found you!", thằng cháu đã nhảy phóc lên, ôm ông thật chặt.

   Đâu đó giọng nói quen thuộc của bà vang lên, "Ông cháu đâu rồi? Chơi trốn kiếm sao mà im re vậy?" nhưng ông chỉ nghe tiếng lòng mình thổn thức, ngập tràn hạnh phúc. Mắt nhìn cây Thánh Giá treo trên tường, ông lầm thầm nói câu tạ ơn Chúa. Vậy mà thằng cháu nghe được, nó trố mắt hỏi, "Nội, what do you say?" (Nội ơi, nội nói gì vậy?)  Ông sung sướng trả lời, "I thank God for having you in my life!" (Ông cám ơn Chúa đã ban cho ông một đứa cháu ngoan trong đời!) quên rằng mình thường hay trả lời cháu bằng tiếng Việt, rồi tiếp theo bằng tiếng Anh. Thằng cháu hôn ông nghe một cái "chụt" trên má rồi nhìn ông, mỉm cười nói, "I thank God, too!" (Con cũng cám ơn Chúa nữa!)

đào anh dũng
Xuân 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét