11 thg 2, 2016

Tết cổ truyền của người Mông Cổ - Hương Chi

Vào ngày cuối cùng của năm, người Mông Cổ đặt ba viên đá lạnh trước cửa nhà để thần ngựa uống khi tới thăm. Ngày đầu tiên họ đến nhà người thân và tại mỗi nhà khách và gia chủ đều phải thực hiện nghi lễ chào hỏi bằng một tấm khăn Khadag. 

Ở Mông Cổ, lễ kỷ niệm ngày đầu tiên của năm mới gọi là Tsagaan Sar, nghĩa là “mặt trăng trắng”. Ngày này được xác định theo lịch mặt trăng của người Mông Cổ. Tsagaan Sar kéo dài trong ba ngày là thời gian để các thành viên trong gia đình cùng sum vầy. Đây là một dịp lễ truyền thống có từ hàng thế kỷ qua của Mông Cổ mà người dân nước này vô cùng trân trọng.
tet-co-truyen-cua-nguoi-mong-co
Những người đàn ông Mông Cổ tổ chức ăn uống chúc tụng nhau. Ảnh: panoramicjourneys
Tsagaan Sar tượng trưng cho những ngày mùa xuân, khi mùa đông kết thúc, nhiệt độ bắt đầu ấm lên, rơi vào khoảng tháng 1, 2 trong lịch Gregory (dương lịch mà các nước đang sử dụng). Đây cũng là ngày kết thúc một mùa đông lạnh lẽo ở Mông Cổ để bắt đầu mùa xuân nắng ấm để trồng trọt, chăn nuôi.
Mọi người sửa soạn cho Tsagaan Sar từ nhiều tuần trước khi bắt đầu tổ chức các lễ hội. Mỗi gia đình phải chuẩn bị hàng trăm chiếc bánh nhân thịt cừu gọi là buuz, một món ăn truyền thống dịp năm mới của người Mông Cổ. Các thành viên trong gia đình còn sắm sửa quần áo đẹp để diện đi chơi, dân du cư thì chuẩn bị những con ngựa tốt để di chuyển trong suốt các lễ hội.
Ngày ngay trước lễ Tsagaan Sar gọi là Bituun. Suốt ngày hôm đó, người Mông Cổ lau dọn mọi ngóc ngách trong nhà, từ trên xuống dưới. Những người chăn nuôi thì dọn dẹp chuồng trại. Ngoài ra, họ còn đặt ba viên đá lạnh bên ngoài cửa nhà để thần ngựa Palden Lhamo uống khi tới thăm. Suốt đêm đó, các gia đình tổ chức ăn uống linh đình với rất nhiều món ngon trong khi một trận đấu vật cổ truyền được chiếu trên ti vi. Mọi người trong nhà có thể chơi bài với nhau, người thắng sẽ gặp may mắn cả năm. Ngoài ra, họ còn trả hết nợ nần, giảng hòa với nhau để bắt đầu một năm mới an lành.
tet-co-truyen-cua-nguoi-mong-co-1
Một gia đình Mông Cổ bày cỗ mừng năm mới. Ảnh: thvl
Buổi sáng ngày Tsagaan Sar, gia chủ mang trà và sữa tới cho các thần bằng cách rắc ra khắp hướng. Sau đó, mọi người bắt đầu đi chúc năm mới lẫn nhau, họ đứng trước nhà mình và thực hiện một số nghi lễ truyền thống. 
Suốt hai ngày tiếp sau, người Mông Cổ tới thăm các gia đình họ hàng. Trong một ngày họ có thể đi tới 10 gia đình khác và mỗi lần thăm là một lần làm lễ. Nơi đầu tiên họ tới luôn là nhà của người già nhất trong họ. Chủ nhà lớn tuổi sẽ ngồi phía bắc nhà lều và vẫn đội mũ, khách đến chào và làm lễ Zolgokh. Lần lượt từng người cầm khăn Khadag đặt trên tay gia chủ và nói câu "amar baina uu? Sar shinedee saikhan shinelej baina uu" nghĩa là "Bác sống bình yên chứ, Tết nhà mình đang chuẩn bị có tốt không?". Sau đó, gia chủ hôn hai bên má người khách, tặng khoản tiền nhỏ và mời uống rượu.
Khách ngồi xung quanh một chiếc bàn bày thịt cừu và đĩa đựng rất nhiều bánh. Gia chủ mời khách uống trà sữa và ăn các món truyền thống. Trong khi đàn ông chuyền nhau hộp thuốc lá, mọi người ngồi trò chuyện với nhau. Khách được mời uống ba lần rượu, thường là vodka. Sau bữa ăn, khách chuẩn bị về thì gia chủ tặng một món quà.
tet-co-truyen-cua-nguoi-mong-co-2
Tsagaan Sar là dịp mọi người diện quần áo mới, đẹp để đi chơi. Ảnh: panoramicjourneys
Với người Mông Cổ, cừu là loài vật quan trọng nhất vì đây là nguồn lương thực chính của họ. Vì vậy vào những ngày này mọi người sẽ chúc nhau câu: "Chúc đàn cừu nhà anh ngày càng to béo". Còn bữa cơm mừng năm mới không thể thiếu thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa, đặc biệt là món sữa ngựa lên men nổi tiếng khắp thế giới. Ngoài ra, vào dịp Tsagaan Sar, người Mông Cổ tổ chức nhiều lễ hội gắn liền với các hoạt động trong cuộc sống thường ngày như đua ngựa, bắn cung...
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét