Đoạn phim dài 8 phút bắt đầu bằng câu tục ngữ của người Nhật Bản “Kawaii ko ni wa tabi o saseyo”, nghĩa là “Hãy để con yêu của bạn có một cuộc hành trình”.
Ý nghĩa của câu tục ngữ này là trẻ em cần học cách trải qua thách thức và khó khăn ngay từ giai đoạn đầu đời, cho thấy thực tế rằng trẻ em Nhật tự hòa nhập xã hội để trở nên độc lập và tự chăm sóc bản thân từ lứa tuổi nhỏ hơn nhiều so với trẻ em ở nhiều nước khác. Một ví dụ điển hình là học sinh tiểu học Nhật tự đi học mỗi ngày.
Người xem phim sau đó được gặp cô bé 7 tuổi rất dễ thương Noe Ando trong một ngày bé tự bắt tàu đi học. Cô bé thậm chí còn phải chuyển tàu ở JR Shinjuku, nhà ga đông đúc nhất thế giới tính theo lượng hành khách. Chỉ riêng việc đi bộ trong nhà ga này cũng khó khăn đối với người lớn, chưa nói đến một đứa trẻ nhỏ như vậy trong giờ cao điểm.
Việc để con 7 tuổi tự tìm đường trong hệ thống giao thông công cộng phức tạp là điều không thể tưởng tượng được đối với các ông bố bà mẹ ở nhiều nước khác, nhưng mẹ của Ando có quan điểm riêng của mình: “Bố mẹ của cháu không thể lúc nào cũng ở bên, nên cháu phải học cách tự giải quyết mọi việc. Nếu bị lạc hay bắt sai tàu, cháu sẽ phải tìm cách tự giải quyết”.
Đoàn làm phim sau đó phỏng vấn Jake Adelstein, một nhà báo điều tra người Mỹ và là chuyên gia về vấn đề tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản. Adelstein cũng bị sốc văn hóa khi con gái 4 tuổi của anh bắt đầu tự đi bộ đi học. Từ quan sát cá nhân, nhà báo này thấy rằng xã hội và văn hóa làm việc của người Nhật cần được sắp xếp lại toàn bộ nếu các ông bố bà mẹ phải đảm trách việc đưa đón trẻ đi học mỗi ngày.
Phần tiếp theo của đoạn phim là hình ảnh gia đình Fraser ở Úc với cô con gái 10 tuổi Emily được bố lái xe đưa đi học mỗi ngày. Khi được nói rằng nếu sống ở Nhật, Emily đã phải tự đi học cách đây 4 năm, cô bé trả lời: “Điều đó thật tuyệt”. Emily đang mong được lên trung học để được tự đi học và được giao chìa khóa riêng.
Phần cuối của phim bàn luận nhanh về những khác biệt và kỳ vọng xã hội đối với trẻ em ở Úc và Nhật Bản. Một người Úc nhận xét: “Xã hội của chúng ta mắc chứng kiêu căng thái quá về việc để trẻ em tự lo”. Người kể chuyện trong phim còn cho biết dân số Nhật Bản gấp 5 lần dân số Úc, nhưng tỷ lệ giết người chỉ bằng 1/4.
Buechner kể, lúc đầu cô cảm thấy hơi lo lắng, vì cô đến từ New York. Nhưng cuối cùng cô cũng tìm thấy con đang đứng trước một cửa hàng tiện ích và đang khóc vì sợ. Mặc dù chưa thoát được cảm giác lo lắng cố hữu của một người nước ngoài, Buechner vẫn nói với con rằng cậu sẽ không gặp nguy hiểm gì cả, vì họ đang ở Tokyo, và rất nhiều trẻ em Nhật Bản tầm tuổi cậu tự đi khắp thành phố.
Buechner cho biết đó là một trong những điều đầu tiên chị học được về cách làm bố mẹ ở Nhật Bản, rằng đứa trẻ nào cũng được kỳ vọng phải có tính độc lập và tự lo từ khi còn rất nhỏ để tự bắt xe buýt, tàu hay đi bộ qua những con phố cực kỳ đông đúc.
Tất nhiên, để làm được như vậy cũng cần những điều kiện nhất định. Chẳng hạn, tỷ lệ tội phạm ở Nhật Bản rất thấp khiến người dân yên tâm, và các ông bố bà mẹ thường nghĩ rằng có thể tin tưởng vào cộng đồng vì họ sẽ giúp trông chừng con của mình
(từ cafeKuBua)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét