7 thg 2, 2016

CHỮ NHO... DỄ HỌC (Bài 6) Sơ Lược Về 214 Bộ Thủ


        Ta đã... vỡ Lòng bằng LỤC THƯ rồi, bây giờ lại tiếp tục vỡ Lòng bằng Các Bộ Thủ Trong Tiếng Hán Cổ nhé!
        Không đơn giản như 26 chữ Cái của Latin, và vì là chữ Tượng Hình biểu ý, nên Tiếng Hán cổ có đến 214 chữ Cái được gọi là BỘ THỦ 部首. Các BỘ nầy gồm có các chữ từ 1 đến 17 nét theo bảng liệt kê dưới đây :
 I. CÁC BỘ 1 NÉT: 6 chữ    丿    (乚).
     * Bộ CỔN   : là Nét Sổ thẳng đứng. Tiêu biểu có chữ:
       - TRUNG 中 là GIỮA. Ở chính giữa như Trung Tâm 中心, Trung  Ương 中央.  Ở phần giữa như Trung Kỳ 中圻, Trung Bộ 中部. Ở giữa Tốt và Xấu như Trung Bình 中平, Ở giữa Cao và Thấp như Trung Đẳng 中等, Trung Cấp 中級 ... Từ nghĩa nầy, ta có các chức vụ cấp bậc như Trung Sĩ 中士, Trung Úy 中尉, Trung Tá 中校, Trung Tướng 中將 ...  
       Chữ TRUNG 中 là chữ GIẢ TÁ, nên còn được mượn làm Động Từ đọc là TRÚNG, Trúng Tuyển 中選, Trúng Cử 中舉, ta gọi là Đắc Cử. Trúng Thí 中試 là Thi Đậu, Trúng Thái Phiếu 中彩票 là Trúng Vé Số và... Trúng Phong là Trúng Gió...! 
     - XUYẾN 串 là XỎ XÂU. Đây là chữ Chỉ Sự, hình vẽ hai hạt chuổi được một sợi chỉ xỏ ngang qua theo diễn tiến của chữ viết sau đây:

甲骨文
金文
金文大篆
小篆
繁体隶书
         Nên XUYẾN còn có nghĩa là LIÊN KẾT, MÓC NỐI nhau như: Xuyến Thông 串通 là Thông đồng với nhau. Quán Xuyến 贯串 là Xuyên suốt từ đầu đến cuối, ta có câu nói:
            "Một mình quán xuyến trong ngoài"  
Có nghĩa :
        Một mình lo lắng, giải quyết hết tất cả mọi việc từ trong cho tới ngoài nhà.
    
      * BỘ QUYẾT   là Cái MÓC. Tiêu biểu cho Bộ nầy có chữ
      SỰ 事 là CHUYỆN: Là Tất cả những sự kiện từ thiên nhiên đến xã hội thậm chí đến tất cả những chuyện lớn nhỏ có liên quan đến con người, như:
       - Thiên Sự, Địa Sự, Phong Vũ Sự.
       - Nhân Sự, Sự Tình, Sự Kiện, Sự Cố.
       - Mưu Sự, Sinh Sự, Sự Nghiệp, Sự Sản.
         Trong Minh Tâm Bửu Giám có câu:
    "Mưu sự tại nhân, Thành sự tại thiên
            謀事在人,成事在天。
         Nhân nguyện như thử như thử,    
           人願如此如此,
         Thiên lý vị nhiên vị nhiên!"   
           天理未然未然 !
Có nghĩa :
     - Tính chuyện là ở người, còn thành chuyện hay không là ở Trời.
     - Người muốn như thế nầy như thế nầy đây, nhưng...
     - Lý Trời bảo là chưa được chưa được!

                


      Trong Tăng Quảng Hiền Văn (TQHV) thì có câu:
    "Kiến SỰ mạc thuyết, Vấn SỰ bất tri,  
             見事莫說,問事不知。
      Nhàn SỰ mạc quản, Vô SỰ tảo quy!" 
              閒事莫管,無事早歸.
Có nghĩa :
     - Thấy việc gì đó: đừng nói, Hỏi việc gì đó: Không biết!
     - Chuyện không liên quan tới mình: đừng quản (can dự), Không có việc gì làm thì hãy về nhà sớm đi! 

    * BỘ PHIỆT 丿  là dấu PHẨY. Tiêu biểu cho bộ nầy có chữ ư:
       - PHẠP 乏  là Thiếu Thốn, Mất Đi, Mệt Moĩ. Như:
          Khổn Phạp 困乏 : là Mệt mỏi buồn ngủ.
          BÌ Phạp 疲乏 : là Mỏi mệt, Rả Rời.
         Trong TQHV có câu :
       "Hữu điền bất canh thương lẫm hư, 
             有田不耕倉廩虛,
         Hữu thư bất độc tử tôn ngu,  
             有書不讀子孫愚。
         Thương lẫm hư hề tuế nguyệt PHẠP, 
             倉廩虛兮歲月乏,
         Tử tôn ngu hề lễ nghĩa sơ!"    
             子孫愚兮禮義疏。
Có nghĩa :
      - Có ruộng không cày thì bồ lúa sẽ trống không,
      - Có sách mà không học thì con cháu sẽ ngu ngốc.
      - Bồ lúa trống không thì ngày tháng tới sẽ bị thiếu thốn,
      - Con cháu ngu ngốc thì không biết gì là lễ nghĩa.

    * BỘ NHẤT 一  là MỘT, là Số MỘT. Tiêu biểu có chữ:
       ĐINH 丁: Ngôi thứ 4 của Thiên Can: Giáp, Ất, Bính, ĐINH.
       Con Trai đến tuổi Trưởng Thành (phải đóng thuế 
ĐINH là thuế Thân ở thời Pháp Thuộc ).
         Ngày xưa, Tết nhất người Hoa hay chúc nhau: THIÊM ĐINH PHÁT TÀI 添丁發財. Có nghĩa là: Thêm Con Trai và Làm Giàu, tại sao? Vì là Xã hội nông nghiệp, thêm con trai là thêm người khai hoang và canh tác, nên sẽ làm giàu rất nhanh.
         Chữ ĐINH lại làm ta nhớ đến câu đối của Trạng Nguyễn Hiền, khi sứ giả ra vế trên là: 
   

         "Tự 字 là chữ, cắt giằng đầu, chữ Tử 子 là con, con ai con ấy?"
 Trạng đã đáp là :
        Vu 于 là chưng, bỏ ngang lưng chữ Đinh 丁 là đứa, đứa nào đứa này?"

 Ý Trạng muốn hỏi : "Mày là đứa nào mà dám hỏi ta là con của ai?!"

     * BỘ ẤT   (乚) : là Ngôi thứ 2 của Thiên Can: Giáp, ẤT.
        Chữ tiêu biểu cho bộ ẤT là chữ KHẤT 乞: là XIN. Như :
         - KHẤT CẦU 乞求 là Xin Xỏ, là Cầu Xin.
         - KHẤT CÁI 乞丐 là Ăn Mày, Người đi Xin Ăn.
         - KHẤT THỰC 乞食 như Khất Cái.
         Một hình thức khác của bộ ẤT là (乚 ) như chữ :
         - NHŨ 乳 là Vú, là Sữa. Như: Nhũ Hoa 乳花, Nhũ Mẫu 乳母 là Bà Vú. Bộ Nhũ 哺乳 là Bú Vú.
         - Thành ngữ "Nhũ xú vị can 乳臭未乾", là "Mùi hôi của sữa chưa khô", tương đương với câu: "Miệng còn hôi sửa" của ta. Thường dùng để chê ai đó còn nhỏ chưa trưởng thành, ta hay nghe câu: "Thứ cái đồ... Miệng còn hôi sữa!"

      *Bộ CHỦ   là Dấu CHẤM của người xưa, tương đương với chữ CHỦ 主 là Chúa. Tiêu biểu cho bộ CHỦ có chữ: CHI 之. CHI có thể là ...
       - CHI 之: là Liên Quan Đại Từ (Relative Pronoun), có nghĩa là CÁI… MÀ, như câu:

                 責 人 之 心 責 己 , 恕 己 之 心 恕 人 。

                        
     Trách nhân chi tâm trách kỷ, Thứ kỷ chi tâm thứ nhân.
Có nghĩa :
     Lấy CÁI lòng MÀ mình trách người ta để trách mình, và hãy lấy CÁI lòng MÀ mình tha thứ mình để tha thứ cho người khác.

       - CHI 之 : là Phiếm Chỉ Đại Từ (Indefinite Pronoun), có nghĩa NÀO, ĐÓ. Vd như câu thơ Chữ trong bài hát nói Chữ Nhàn cuả Nguyễn Công Trứ là:
           Ngã kim nhật tại tọa CHI địa,
           Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa CHI.
Có nghĩa là :
      Cái chỗ MÀ ta đang ngồi hiện nay, thì...
      Người của thuở xưa đã từng ngồi nơi ĐÓ trước ta rồi (chữ chi màu đỏ là Sở hữu tính từ).

      - CHI 之: là Sở hữu tính từ (Adjective Posessive), có nghĩa là CỦA, Vd : Câu … ”Cổ CHI nhân” ở câu trên là ”Người CỦA thời xưa.“ Tương tự: ”Ngã CHI huynh đệ” là ”Anh em CỦA tôi.“

      - CHI 之: là Động Từ (Verb), có nghĩa là ĐI, ĐẾN, VỀ , Vd như câu :
        Đào hoa lưu thủy tử hà CHI?
Có nghĩa :
        Hoa trôi nước cuốn bác VỀ đâu?

        Sau đây, xin mời nghe một Giai thoại Văn chương lý thú về chữ CHI. Truyện kể...

        Sinh thời Lê Quý Đôn 黎貴惇 (1726 - 1784) nổi tiếng là người thông thái hay chữ, đọc và hiểu rất nhiều sách vở thời bấy giờ. Năm Ông 26 tuổi đã thi đỗ Bảng Nhãn. Lẽ thường, tuổi trẻ thông minh dĩnh ngộ, đỗ đạt sớm thường hay mắc tính kiêu ngạo. Lê Quý Đôn cũng không tránh khỏi điều ấy. Chuyện kể là sau khi thi đỗ, ông liền cho treo ngay trước ngõ tấm bảng với hàng chữ: "Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn" 天下疑一字來問 (Nghĩa là: Trong thiên hạ, ai không hiểu chữ gì thì hãy đến mà hỏi).
        Khi thân phụ ông qua đời, người đến điếu tang rất đông. Trong số đó có một cụ già mà Lê Quý Đôn không quen. Cụ tự giới thiệu lai lịch: Cháu còn nhỏ không biết, chứ lão là bạn thân với cha cháu từ xưa. Nhưng vì nhà nghèo, đường xa, lại tuổi già sức yếu nên ít đi lại thăm hỏi nhau. Nay nghe tin cha cháu mất, lão đến để có đôi câu đối viếng tang. Cháu hãy lấy giấy bút, lão đọc, nhờ cháu viết hộ. Lê Quý Đôn lấy giấy bút ra chuẩn bị sẵn sàng. Cụ bèn đọc: "Chi". Lê Quý Đôn không biết nên viết chữ "Chi" nào, bởi trong tiếng Hán có rất nhiều chữ "Chi" viết khác nhau. Ông đành cầm bút chờ cụ già đọc tiếp xem sao. Cụ lại đọc "Chi". Lê Quý Đôn thấy lạ, liền hỏi: 
-Bẩm, "Chi" nào ạ? 
Cụ già khóc lớn than rằng:
 -Ối, Anh ơi, con anh đậu đến Bảng Nhãn mà chữ "Chi" cũng không biết viết, thế mà treo bảng ngoài ngõ để cho người đến hỏi, thì sao trả lời được kia chứ? 
Lê Quý Đôn ngượng chín cả người. Bây giờ cụ già mới đọc luôn hai vế đối thật hay là:
  "Chi chi tam thập niên dư, xích huyện hồng châu Quân thượng tại,
              之之三十年餘,赤縣洪州君尚在,
  Tại tại sổ thiên lý ngoại, đào hoa lưu thủy Tử hà chỉ?!
              在在數千里外,桃花流水子何之?!
 Nghĩa là:
         * Trải qua ba chục năm hơn, Xích huyện Hồng châu anh còn đó.
         * Xa xôi ngoài ngàn dặm đó, hoa trôi nước cuốn bác về đâu?!
       Thấy câu đối qúa hay và lạ, Lê Quý Đôn và cả các nho sĩ đến viếng đều kinh ngạc. Còn ông già thì phủ phục trước linh cữu mà khóc rằng: "Ới anh ơi, anh bỏ đi đâu để con anh đỗ đến Bảng Nhãn mà chưa biết viết chữ "Chi" anh ơi". Lạy xong, cụ già chống gậy ra về. Lê Quý Đôn mời mãi nhưng cụ không chịu nán lại. Bởi thế nên sau này không ai biết ông cụ hay chữ đó là ai tên gì. Sẵn kể tiếp luôn...
       Giai thoại còn kể rằng, một lần Lê Quý Đôn đến cầu siêu ở ngôi chùa làng. Nhà sư thấy ông thì mừng rỡ mà rằng:
 - Quan Bảng tới chùa, may mắn làm sao! Bần tăng có điều muốn nhờ quan chỉ giáo. Chả là đứa tiểu đồng của bần tăng nghe người nào đó đố chữ, về hỏi, nhưng bần tăng nghĩ không ra, nên đành theo lời quan Bảng dạy "Nghi nhất tự lai vấn." Câu đố thế này, xin quan chỉ giáo cho:
              Thượng nhi bất thượng,   上而不上,
              Hạ nhi bất hạ.                 下而不下,
              Thả nghi tại hạ.               且宜在下,
              Bất khả tại thượng.          不可在上。
 Nghĩa là:
             Trên không thể trên, Dưới không thể dưới.
             Nhưng nên ở dưới. Không thể ở trên.

         Lê Quý Đôn nghĩ mãi không ra. Đúng lúc ấy chú tiểu chạy từ ngoài vào thưa với sư phụ là cậu đã giải được. Lê Quý Đôn giục chú tiểu nói thử xem, thì mới hay đó là chữ "nhất" 一 là một. Này nhé !...
         Câu đầu: "Thượng nhi bất thượng" là chữ Thượng 上 mà không có phần trên, nên thành chữ Nhất 一.
         Câu hai: "Hạ nhi bất hạ" là chữ Hạ 下 mà không có phần dưới, nên cũng là chữ Nhất 一.
         Câu ba: "Thả nghi tại hạ" là chữ Thả 且 và chữ Nghi 宜thì có chữ Nhất 一 ở phía dưới.
         Câu bốn: "Bất khả tại thượng" là chữ Bất 不 và chữ Khả 可 thì chữ Nhất 一 ở phía trên.
        Lê Quý Đôn biết là nhà sư đã lấy ngay chữ "Nhất tự lai vấn" mà ông treo trước ngõ để chế nhạo ông, nên tự nhủ, thì ra thiên hạ còn nhiều người giỏi hơn mình nhiều, bèn về nhà sai người cất tấm bảng đó đi. Từ đó ông bỏ tính kiêu ngạo, chăm chú nghiên cứu, học hành, giúp đời và trở thành một ông quan đa năng, một thiên tài khoa học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến. (Nguồn: Văn hiến Việt Nam).

           Xin được kết thúc bài viết Các Bộ Một Nét ở đây. Hẹn bài viết về Các Bộ Bai Nét kế tiếp.

                        Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét