5 thg 11, 2015

LƯƠNG TÂM - Hồ thị Đâm (K.Cấp Tốc- SPSG)

                                     
                                             
Cũng như mấy lần khác, cô Ân vừa về đến nhà, các con quay quần mừng mẹ. Lần nầy chúng ngạc nhiên thấy mẹ về nhà với tay không. Túi xách quen thuộc cô thường mang theo khi ra ngoài, bây giờ không còn nữa. Chúng chưa kịp hỏi thì cô Ân ôm chầm mấy cái đầu bé nhỏ của ba đứa con vào vòng tay mình, khóc nức nở.
Các con ơi, mẹ đã bị cướp giựt túi xách rồi!
Thấy mẹ khóc, các con cũng khóc theo chứ chúng không hiểu, việc mất túi xách của mẹ quan trọng như thế nào.
Đứa con gái lớn của cô vừa tròn chín tuổi, vội đem con heo đất ra đưa mẹ; trong đó có số tiền ít ỏi của bé, là tiền quà ăn sáng mà bé nhín lại và tiền bà con họ hàng tặng vào dịp tết. Bé nói: “Con cho mẹ hết số tiền nầy để mẹ mua túi xách mới”. Đứa con trai giữa mới lên sáu bắt chước chị, gom mấy bao lì xì tết của em đưa cho mẹ. Thấy con có lòng hiếu thảo và còn quá ngây thơ, lòng cô se thắt.
Sau 30-4-1975 cô Ân không còn đi dạy học nữa và chồng cô phải vào trại tập trung cải tạo, cô không biết xoay xở như thế nào để nuôi gia đình. Lúc giao thời, nhà nước cộng sản theo nền kinh tế tập trung, nên các tiệm vàng hay nhà thuốc tây hoặc những nơi bán hàng của tư nhân đều bị đóng cửa. Dân muốn mua những thứ  kể trên hay gạo, vải vóc… phải đến “Hợp tác xã’ của nhà nước xếp hàng mua theo tiêu chuẩn. Do đó ai cần những mặt hàng ngoài tiên chuẩn thì mốc nối với người quen đem bán lén, do đó phát sinh nạn bán chui. Thấy bạn bè cùng cảnh ngộ buôn bán theo lối lén lúc đó với nhiều mặt hàng như: thuốc tây, vàng, đồng hồ, vải vóc…Cô Ân tập tành buôn bán với họ. Cô gom hết tiền bạc, nữ trang trong nhà mua được sáu cây vàng để làm vốn. Khi bán hết vàng thì cô mua vàng “chui” ở những người quen để bán tiếp. Cửa hàng của cô là cái túi xách lưu động. Cô theo nghề nầy được hơn một năm nay, cô mừng thầm vì số lời tạm đủ nuôi sống gia đình, bây giờ mất sáu cây vàng, mất hết phương tiện làm ăn. Càng đau khổ, cô càng nguyền rủa kẻ cướp đã đưa gia đình cô vào con đường cùn, không lối thoát.
Mẹ cô Ân chỉ ở cách nhà cô mấy căn nhà, nghe tin cô Ân bị cướp bà cụ đến an ủi:
-    “Còn người còn của”, không sao đâu con, biết đâu “Của đi thay người” Đừng buồn phiền nữa, sức khỏe suy sụp thì làm sao lo cho mấy đứa nhỏ.
-    Nói xong mẹ cô tháo đôi bông tai của bà đưa cho cô Ân, món trang sức duy nhất còn lại của bà. Bà âu yếm nói:
-    Con bán đôi bông tai nầy lấy tiền làm vốn, coi công việc nào ít vốn làm lại đi con.
Cô Ân nắm tay mẹ, lòng rung động, hai giọt nước mắt lăn dài trên má. Làm thân con gái là vậy, lúc túng khổ chỉ biết níu áo cha mẹ ruột của mình. Lần nầy cô Ân không muốn mẹ hy sinh cho mình nữa, cô nghẹn ngào nói:
-    Con còn cái máy may, con sẽ bán để làm vốn, mẹ đeo bông tai lại đi, chưa đến lúc mẹ phải giúp con đâu, mẹ còn phải lo cho em Tuấn đang trong trại tù cải tạo nữa.
Mẹ cô dặn dò:
-    Nếu bây giờ con chưa cần thì thôi, chừng nào con cần thì cho mẹ hay.
Nói xong mẹ cô vào bếp xem chúng tôi còn thức ăn không, rồi bà nói vọng ra:
-    Bếp núc lạnh tanh, trưa rồi sao con không lo cơm nước cho sắp nhỏ, buồn phiền nằm vật vã hoài, ngã bệnh nghe con. Vừa nói bà vừa lấy nồi vo gạo nấu cơm, rồi nhanh nhẹn xách giỏ ra chợ chồm hổm ở đầu hẽm mua thức ăn cho các cháu.
Một tuần sau cô Mỹ đến thăm bạn. Họ là đôi bạn rất thân, cùng học chung từ cấp tiểu học đến cấp trung học. Tuy người nào cũng có chồng con nhưng hai người vẫn giữ cách xưng hô “mầy tao” thân mật như từ thuở nào. Sau khi biết bạn mình bị cướp, cô Mỹ an ủi bạn:
-    Mất của hơi nhiều, tiếc thật! Nhưng mầy hãy can đảm lên, đừng bi quan nữa, của mất cũng đã mất rồi, buồn rầu không giải quyết được gì đâu.
Nhìn nét mặt ủ dột của bạn, cô Mỹ nói thêm:
-    Bây giờ mầy là trụ cột của gia đình, nếu mầy suy sụp thì các con mầy sẽ ra sao, mầy bỏ đói đức lang quân của mầy trong trại tù cải tạo à.
Cô Ân vẫn ngồi yên, cô Mỹ ngồi gần bạn hơn tâm sự:
-    Mầy mới khổ đây, tao khổ từ hồi học lớp nhứt. Cha chết sớm, tao thường mặc quần áo cũ của chị tao, những quần áo chị không còn mặc vừa nữa. Đi học về là tao phụ nấu cơm, giữ em. Trong giờ học, chúng mầy vui chơi, đùa giỡn, còn tao phải phụ mẹ bán bánh mì trong trường đó, mầy có nhớ không?
Cô Ân gật đầu, tiếp lời bạn:
-    Làm sao tao qên được, mỗi khi tao mua bánh mì thì mầy để thịt nhiều hơn.
Cô Mỹ cười ghẹo bạn:
-    Nhờ vậy mầy mới chơi thân với tao phải không? Cô Ân vỗ nhẹ lên vai bạn, cười phản đối:
-    Đồ quỉ, mầy đánh giá tao tệ quá vậy? Họ cùng cười xòa. Nét mặt đôi bạn vui hẳn lên. Như sống lại khoảnh khắc trong quá khứ xa xôi, tạm quên hoàn cảnh nghiệt ngã hiện thời.
Trở về thực tại, cô Mỹ tâm sự tiếp:
-    Tao đã “mất dạy” như mầy, mà chồng tao lại mất tích từ năm 1974, đến nay vẫn không có tông tích gì cả, tao mong chờ trong vô vọng. Nói thật, lắm khi tao mong ước được xách giỏ đi thăm chồng cải tạo như mầy mà không được! Bây giờ tao không còn gì ngoài mấy đứa con. So sánh đi, giữa tao và mầy ai khổ hơn ai?
Nghe bạn than, lòng cô Ân đau nhói, không cầm được nước mắt, siết chặt tay bạn tỏ lòng thông cảm rồi hỏi bạn:
-    Người trong cuộc thì quáng, mầy ngoài cuộc mầy sáng hơn tao, vậy theo mầy tao nên chọn nghề gì với số vốn gần như số không?
Thấy bạn có vẻ bớt thất vọng, cô Mỹ mừng thầm, nói:
-    Khi nghỉ dạy là tao bắt đầu bán bánh canh đến bây giờ. Không thể làm giàu bằng nghề nầy nhưng ít ra cũng tạm đủ nuôi các con trong thời buổi nhiễu nhương.
Nhìn ra phía trước căn nhà của cô Ân, cô Mỹ đề nghị:
-    Trước thềm nhà mầy có thể đặt một cái bàn nhỏ, vài ba cái ghế và nồi bánh canh. Nhà mầy ở đường hẽm lớn và gần đầu hẽm, có lợi thế buôn bán đó.
Nhìn bạn một cách ranh mãnh, cô Mỹ cao giọng:
-    Mầy thọ giáo nghề bán bánh canh của tao đi, tao sẽ chỉ cho mầy cách nấu nồi bánh canh tuyệt hão.
-    Cô Ân có vẻ vui hơn, gật đầu đồng ý:
Ngày hôm sau cô Mỹ khệ nệ đem tặng cô Ân cái nồi thật to, nửa ký đường cát và một gói bột ngọt.
-    Tao tiếp hơi mầy một chút, vừa nói vừa trao cho cô Ân tờ giấy ghi công thức và cách nấu nồi bánh canh, rồi dặn dò:
-    Bữa nay tao bận quá, không ở đây lâu được, mầy đọc kỹ tờ giấy nầy là nấu ngon đó cưng.
Cô Ân xúc động mạnh.
-    Mầy làm tao cảm động quá, tao cám ơn mầy nhiều, nhưng tao chưa đến đổi phải nhận quà của mầy như thế nầy. Tao xin nhận đường và bột ngọt, còn cái nồi thì tao gởi tiền lại.
Cô Mỹ cười, dọa bạn:
-    Mầy không nhận nồi là bán ế đó nhỏ, nhận đi cưng.
Với nụ cười méo xệch, cô Mỹ nói thêm:
-    Không ngờ cha mẹ chúng mình dày công cho con ăn học, bây giờ chúng mình trở thành hai cô bán bánh canh lề đường!  Nhưng mày suy nghĩ kỷ lại đi, giáo viên như chúng mình nhầm nhò gì đâu, ngay cả bác sĩ, kỷ sư mà cũng có người về vườn làm ruộng, kẻ thì đạp xích lô đưa khách. Nghĩ đến họ, mình cũng được an ủi phần nào.
Muốn động viên thêm bạn, cô Mỹ phân trần:
-    Tiền kiếm được của chúng mình là đồng tiền mồ môi nước mắt, chứ không phải đồng tiền cướp giựt, tiền ăn hối lộ hay tiền sang đoạt của kẻ khác. Chúng mình nên ngẩng đầu lên hãnh diện vì chúng mình nuôi con bằng đồng tiền lương thiện. Vả lại “Nghề nào cũng quí” mà.
Nói một lèo, xong cô Mỹ từ giả ra về. Cô Ân ngó theo bạn với lòng triều mến biết ơn.
Sau gần một năm bán bánh canh, cô Ân hiểu rõ cảnh thức khuya, dậy sớm, ngồi bán còng lưng , chân tay tê cứng, thấm thía cảnh “ Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” của giới lao động. Khi đau ốm cũng không nằm nghĩ được, gặp lúc mưa dai dẳng, bánh canh ế là mất vốn, cả nhà phải ăn bánh canh thay cơm đến “ớn” luôn. Rồi tiếp sau đó mâm cơm gia đình có lương mà không có phẩm, giỏ thức ăn tiếp tế cho chồng càng nhẹ hơn. Những lúc con bệnh nặng, thì cơ cực vô cùng! Có lúc cô Ân âm thầm than:
 “Đức Phật ơi đời con sao khổ như vầy?
Tuổi còn xanh mà bạc tóc phong trần!”
Thế rồi một buổi sáng nọ, trong lúc cô Ân đang bận rộn bán bánh canh, người phát thư đến trao cho cô giấy báo lãnh quà ở phi trường Tân Sơn Nhứt.
Cô ngạc nhiên quá, cô không có thân nhân ở nước ngoài, tại sao lại có người gởi quà cho cô. Tên họ, địa chỉ của người gởi cô chưa từng biết, cô nghĩ người ta gởi lộn. Cô đem giấy báo cho mẹ cô xem, mẹ cô bàn:
-    Nếu người ta gởi lộn địa chỉ thì tại sao đúng tên họ và đúng cả địa chỉ. Mẹ nghĩ có lẽ bạn bè hay người nào trong xóm đã vượt biên và họ biết con đang khổ, nên gởi quà giúp con. Con nên nghĩ bán một ngày đi lãnh quà đi.
Ngồi chờ tới phiên mình lãnh quà bên trong phi trường Tân Sơn Nhứt, cô bồi hồi lo sợ, nếu không phải quà của mình thì hụt hẫng biết bao và bỏ phí một ngày bán bánh canh. Đến khi nhân viên quan thuế mở thùng quà kiểm hàng và định mức thuế, cô thấy một bức thư trong thùng. Cô Ân vội mở thư ra đọc, một bức thư xa lạ.

                                    Cali,        ngày………….….tháng……………….năm………..

Tôi là…….Chắc chắn là bà còn nhớ vụ cướp giựt ở đường Nguyễn Tri Phương hơn một năm trước. Bà là nạn nhân, còn kẻ cướp là tôi và người bạn chở tôi bằng xe Honda. Chính sáu cây vàng và mấy cái đồng hồ đeo tay trong túi xách của bà, giúp chúng tôi có phương tiện vượt biên. May cho chúng tôi là trong túi xách có sổ hộ khẩu của gia đình bà. Chúng tôi đã cẩn thận ghi tên họ, địa chỉ của bà và đem theo qua tận Mỹ.
Ở xứ người, chúng tôi đã có việc làm, nay chúng tôi dành dụm được chút ít tiền, vội mua quà gởi về Việt Nam để thanh toán dần số nợ đã cướp của bà. Chúng tôi chỉ có thể trả nợ từ từ. Nếu chúng tôi việc làm ổn định, khi trả hết nợ, chúng tôi sẽ tặng bà quà thêm để chuộc lại tội lỗi của chúng tôi. Xin bà vui lòng viết thư hồi âm khi nhận được quà. Thành thật xin lỗi đã làm khổ gia đình bà. Kính chúc bà và gia đình luôn bình an.
                                                                                    Ký tên……

Đi lãnh quà có mẹ cô Ân đi cùng, bà thắc mắc hỏi:
-    Tại sao bữa đó con đem sổ hộ khẩu theo vậy?
-    Hôm ấy con định giao hàng cho người quen xong, con sẽ vào “Hợp tác xã” mua gạo theo tiêu chuẩn mỗi tháng đó mẹ.
Bà mẹ triết lý:
-    Ăn hiền ở lành Trời Phật thương, xui khiến con đem theo sổ hộ khẩu đúng ngày con bị giựt túi xách.
Sau khi đọc thư xong, hai mẹ con cô Ân đều xúc động, họ không ngờ ở trên đời nầy lại xảy ra một việc lạ kỳ, khó tin: kẻ cướp cũng còn có chút lương tâm.
Bây giờ cô Ân không giận kẻ cướp nữa, sẵn sàng thứ lỗi họ và còn biết ơn họ đã cứu giúp cô trong cơn nghèo khó. Từ đó về sau, cô Ân và kẻ cướp thỉnh thoảng có thư qua lại, thân mật như người thân trong gia đình.
                                                                               
                                                                                                                Hồ Thị Đậm
                                                                                                                20-10-2011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét