Chuyện nước trong nhà
Mở mắt ra, chân quơ tìm dép thấy giặc đã ngang nhiên ở đó.
Nước, không biết vào hồi nào, ngập nửa chân giường. Lần đầu tiên cái thành phố
nhỏ này nổi trôi theo những ngày mưa trút xả, hồi nào giờ cứ tưởng đâu nó
nghiêng chừng hai ba độ bảy, có nhiêu nước dốc chảy ra biển hết, nhưng giờ biết
không phải vậy.
Một cuộc xâm lăng trắng trợn. Mở rộng lãnh thổ của mình vào
tận các hộc bàn, nước tràn qua mặt ghế sô pha, thậm chí nó còn reo khi qua cửa
hẹp. Bầy cá lòng tong lăng xăng lội te vào dọ thám mọi ngóc ngách, bã mía và lá
khô thì điềm đạm hơn, dường như có chút tự ti cái phận rác của mình.
Những nếp nhăn trong vỏ não bà già cũng như bị úng nước. Mấy
món đồ điện tử đắt tiền sắp ướt đít, nhưng bà mãi cứu hủ rượu mơ, tìm chỗ kê
cao bình bông giả, cuốn võng lại. Bận rộn với đám đồ linh tinh vô giá trị, đến
điện, thứ có thể rò rỉ bất cứ lúc nào, bà già cũng quên ngắt. Lúc ngơi tay đứng
thở, bà ngó quanh, nghĩ những thứ đúng kiểu người già lo xa, biết dọn dẹp nổi không,
một mai nước rút.
Ngày mai ấy chưa tới, còn lâu mới tới khi bão nối bão ngoài
khơi, bầu trời cú rủ nặng trịch, và hiện tại nước không có dấu hiệu dừng cuộc
chiếm đóng vô lối. Xế trưa nước đã lên quá đầu gối, bà già nghĩ tối nay chắc
khó ngủ lắm đây, nghe sóng vỗ ì oạp dưới lưng, lại nhớ cái hồi ở trên nhà sàn của
ông nội. Lúc ấy vẫn chưa tính tới chuyện bứt đi. Bỏ đi là chịu thua sao, dễ gì,
bà già nói vô điện thoại lúc gọi cho thằng con độc nhất giờ đang ở xa ngàn cây
số, nó giảy nảy kêu mẹ tạm chạy qua bên ngoại đi. Đâu được, ở lại coi chừng nhà
cửa, bà già cãi.
Nhưng nước lên tinh thần xuống, phần do ngấm lạnh và thấm mệt,
bà già tính chuyện chạy lụt. Chỉ nghĩ thôi mà đã rầu thúi ruột rồi. Làm sao chở
theo cái võng ban trưa nằm đọc sách, bộ dàn Akai sáng nào Thái Thanh, Hà Thanh,
Minh Hiếu cũng da diết “tim vang còn giây lát/hơi run còn thơm ngát/dương gian
còn trong mắt/nghe tiếng hát chưa nhạt tan”, bộ bàn đá mài đặt ngoài hiên bà
hay ngồi uống trà đón mặt trời, cái tủ lạnh lúc nào cũng chật ních những món ăn
thú vị.
Bà già không muốn bỏ lại gì trong vòng tay lạnh lẽo của nước.
Mọi thứ trong căn nhà nhỏ như lỗ mũi này đều quan trọng, thiết thân, áp chặt
vào đời sống thường ngày. Sống một mình, bà già dành hết sự quan tâm vào cái tổ,
như hồi xưa chỉ chăm chú vào thằng con, mặt nó hớn hở chắc là hái điểm cao,
móng tay nó dài rồi kìa, tóc nó chải kiểu này coi không được, nó trỗ mã nhanh
quá áo chưa chi đã ngắn. Rồi thằng nhỏ lập nghiệp ở xa, bà day qua cưng nhà, dồn
vào nó thứ tình cảm đến mức cực đoan, kiểu như không nhà ai hay bằng nhà mình. Nên
bà dõi theo chỗ sơn tường tróc lở hình như loang rộng ra một chút sau mưa, một
viên gạch bật lên khỏi nền nhà, cửa gỗ bị nắng làm cho co ngót. Những tác động
của thời gian và thiên nhiên lên ngôi nhà, dù là nhỏ, bà già cũng cảm nhận được
ngay.
Giờ thì nhà chịu trận lún trong nước, chủ nó sắp chạy trốn.
Như một kẻ bội phản, bà già nghĩ vậy trong lúc nhét bộ đồ vô giỏ, với tay lấy
cuốn truyện ngắn Sê Khốp. Không thể mang theo cả căn nhà, nên cũng hết ham những
thứ khác, kể cả thức ăn trong tủ lạnh mà cho dù ở chỗ nào thì bà cũng ăn được
như thường, nhất là lúc này, sau một ngày mỏi rã. Chỉ mỗi việc tắt đèn hay
không tắt đèn, thì nghĩ khá lâu. Nhà đã ướt rồi, giờ thêm tăm tối, nó lạnh chịu
gì nỗi, bà già nghĩ vậy mà không nỡ gạt công tắc.
Nấn ná, tiếc rẻ, bịn rịn, rồi cũng phải rời đi. Lúc ra cỗng
kịp cặp nách nải chuối xiêm chín bói, mà tại sao phải là nó mà không phải thứ
gì khác thì chính bà già cũng không giải thích được, ngoài lý do tiện tay.
Ngoài bộ quần áo khô, nải chuối và chút tiền gọi là gia tài, bà già không mang
thêm gì nữa. Cả chiếc xe cub cà tàng cũng ướt bu gi câm như hến rồi.
Trong chuyến đi cuối cùng của một đời người sang bên trời
khác, những thứ đem theo được cũng chỉ từng này. Sau ý nghĩ ấy tự dưng bà già
thấy lòng thanh thản lạ lùng, khi ngoái lại căn nhà lần nữa.
Oct 20, 2015
Rồi thì, cũng xong
Chục năm sau, có anh nọ khoe với con, hồi trẻ ba oai lắm nghen, ba đã ra tay đánh sập một bà nhà thơ nổi tiếng luôn đó. Ba đã giẫm đạp bả không thương tiếc, không cho bả ngóc đầu lên, mặc dù bả ngoan cố chiến đấu tới cùng. Dĩ nhiên không phải mình ba, lúc đó cả xóm xúm vô đánh chung, nhưng công ba cũng lớn, vì ba ra đòn hiểm lắm.
Đứa nhỏ dĩ nhiên là tự hào, nhưng hơi thắc mắc :
- Mấy chú thợ hồ xây nhà mình hồi bữa đánh nhau bằng thùng hồ, họ nói uýnh đau nhưng không có chết, đánh xong rồi còn về mua gạo cho vợ nấu nữa. Vậy ba đánh bà kia bằng gì ?
- Bằng chữ, mài cho nhọn, cho sắc, cho đau cho chết. Không vậy thì sao bả chịu thua ?
Đứa nhỏ dĩ nhiên là tự hào, nhưng lại thắc mắc :
- Vậy bà đó có con hong ba ?
Anh Ba phẻ phắn
Anh Ba hỏi anh Tư tình hình lúc này sao,
dân tình có xúm chửi thái tử đỏ công chúa hường không, trước đại hội mà
máu dân nóng quá rất tốn trà đá. Anh Tư nói yên tâm đi anh, dạo này phẻ
phắn, quần chúng dạo này bận rộn với mấy vụ lu xu bu kia, ít ai thèm
nhớ tới nợ nần, thâm hụt quỹ, và cả mấy đứa quý tử của tụi ta.
Hết mấy vụ án cướp giết hiếp thiên hạ hết hồn vía, quần chúng cũng hụt hẫng một chút, nhưng họ sớm sắm được niềm quan tâm mới. Như vụ hội tã lót phấn rôm, Hội sữa tươi làm bằng sữa tươi, Hội những người vợ chăn chồng cực hơn chăn trâu, Hội nấu cơm không khét, tóm lại là hội của chị em, hiện đang lùng sục cô ca sỹ nào đó rốt cuộc đi chơi với bồ (có thể đã có vợ hoặc không) ở Sing hay ở Thái, đeo nhẫn mười hai tỉ (hoặc mười một tỉ chín).
Hay như vụ đạo thơ mới toe. Chép qua chép lại cũng đâu mới mẻ gì, nhưng dân mạng hiện bàng hoàng bẽ bàng, ngỡ ngàng, mê sảng. Thu hút báo mạng báo giấy báo fay, huy động kha khá nhân sĩ trí thức, họ đang dùng hết sức tinh lực để suy đoán coi sáng mai chị A nói gì, chị B cãi sao. Trong lúc chưa ai chịu ai, coi bộ còn cãi nhau dài dài, tụi ta cứ ung dung mở một chai ngon mà nhâm nhi nhấp nháp.
Anh Ba cười, đó thấy chưa, thằng Tư mày cứ nói nuôi tụi văn nghệ sỹ chi có thấy mần giàu cho đất nước gì đâu, suốt ngày thơ thẩn gió mây, nhún nhảy gấu ó. Nhưng gặp chuyện mới thấy họ có ích biết chừng nào, ai có thể đánh lạc hướng quần chúng tốt hơn họ, để cho chúng ta nghỉ ngơi, tính đường cho tụi nhỏ lên ngôi càng sớm càng tốt. Chúng ta cũng có tuổi rồi...
Hết mấy vụ án cướp giết hiếp thiên hạ hết hồn vía, quần chúng cũng hụt hẫng một chút, nhưng họ sớm sắm được niềm quan tâm mới. Như vụ hội tã lót phấn rôm, Hội sữa tươi làm bằng sữa tươi, Hội những người vợ chăn chồng cực hơn chăn trâu, Hội nấu cơm không khét, tóm lại là hội của chị em, hiện đang lùng sục cô ca sỹ nào đó rốt cuộc đi chơi với bồ (có thể đã có vợ hoặc không) ở Sing hay ở Thái, đeo nhẫn mười hai tỉ (hoặc mười một tỉ chín).
Hay như vụ đạo thơ mới toe. Chép qua chép lại cũng đâu mới mẻ gì, nhưng dân mạng hiện bàng hoàng bẽ bàng, ngỡ ngàng, mê sảng. Thu hút báo mạng báo giấy báo fay, huy động kha khá nhân sĩ trí thức, họ đang dùng hết sức tinh lực để suy đoán coi sáng mai chị A nói gì, chị B cãi sao. Trong lúc chưa ai chịu ai, coi bộ còn cãi nhau dài dài, tụi ta cứ ung dung mở một chai ngon mà nhâm nhi nhấp nháp.
Anh Ba cười, đó thấy chưa, thằng Tư mày cứ nói nuôi tụi văn nghệ sỹ chi có thấy mần giàu cho đất nước gì đâu, suốt ngày thơ thẩn gió mây, nhún nhảy gấu ó. Nhưng gặp chuyện mới thấy họ có ích biết chừng nào, ai có thể đánh lạc hướng quần chúng tốt hơn họ, để cho chúng ta nghỉ ngơi, tính đường cho tụi nhỏ lên ngôi càng sớm càng tốt. Chúng ta cũng có tuổi rồi...
Địa chỉ in trên thiệp cưới có vẻ hẩm hút, kinh ông này ấp bà
kia, nhưng hóa ra rất dễ tìm. Suốt con kinh xẻ dọc vạt rừng, chỉ mỗi đám cưới
thằng Mọt. Ngay từ đầu kinh đã nghe tiếng nhạc sàn mở hết cỡ, cứ vịn theo đó mà
đi.
Không thể nhận ra thằng Mọt suốt ngày lặn ngụp nhổ bông súng
bán đang đóng bộ âu phục, dúi mũi vào gò má cô dâu cũng tây vô cùng trong tấm
hình chình ình cửa rạp. Mặt hai đứa được chỉnh sửa láng o hệt đào kép trên lịch
những năm 90. Má Mọt khoe chụp bộ ảnh này gần chục triệu, có quay phim nữa, chừng
làm lễ sẽ mở cho bà con coi. Chị mặc áo đầm vàng, mang dép Lào, chắc vô thức xỏ
nhầm.
Khách không nhịn được trầm trồ, ở rừng mà đám cưới y chang
ngoài chợ, có khi còn trội hơn ở khoản khoa trường, ồn ào. Sà vô mâm tiệc toàn
họ hàng, hỏi bà dì Bảy khỏe không, bà trả lời, ờ món này cay thiệt, nghe mùi muốn
chảy nước mắt rồi. Thấy không cạnh tranh nổi âm thanh của dàn nhạc mướn từ
ngoài huyện, khách đổi qua cách giao tiếp quen thuộc của những tiệc cưới thời
nay : ra dấu.
Hỏi thăm mới biết không phải tự dưng mà người nhà thằng Mọt
nảy ra ý tưởng làm đám cưới sang. Từ năm ngoái cưới kiểu chợ đã phả hơi thở thơm
phúc nước hoa của nó vào rừng, xuyên qua những vạt tràm, lan rộng khắp như gió
chướng. Tiếc là không thể rước dâu bằng xe mui trần, vì xứ rừng không có đường
bộ. Vào cái ngày được coi là trọng đại của đời người, vợ chồng thằng Mọt cũng
được tắm mình trong những thứ sặc sỡ nhất, gần như không có khoảng cách giữa chợ
và quê, giàu với nghèo.
Nhưng cái nghèo chỉ lồ lộ khi khách ra khỏi rạp cưới vòng ra
sau nhà. Gian bếp sắp đổ, lưng dựa hẳn vô hai cây tràm chỏi đỡ. Một bên vách
rách, thấy bịt lại bằng mấy cái bao bố tời. Nhạc vỗ mạnh, cái nhà muốn rung lắc
theo. Ba thằng Mọt nói cũng tính sửa nhà đón mùa mưa sắp tới, nhưng tiền đã dồn
vô đám cưới thằng con. Chẳng đủ đâu là đâu, phải vay thêm một mớ. Hai chục năm
nay thằng Mọt lặn ngụp sình bùn, mấy khi được hớn hở rỡ ràng như vầy để sau này
kể lại cho con cháu.
“Nhưng cô đừng có lo, đám cưới xong tụi nó dắt nhau đi Bình
Dương làm trả nợ, mấy hồi”, chắc thấy mặt khách hơi lo, ba thằng Mọt dỗ dành. Ngày
này tháng sau, ở cái thành phố công nghiệp xa xôi cách quê nhà năm trăm cây số,
đôi vợ chồng trẻ này nằm trong gian trọ hẹp như lổ mũi, nhắc hoài nhớ không anh
bữa đám cưới mình mấy thằng bên sông nhậu xỉn quá, mửa tại chỗ, nhớ không em
lúc bong bóng nổ tung cơn mưa giấy màu xuống đầu tụi mình, con nít cả xóm vỗ
tay quá chừng. Ký ức đó có làm hai đứa quên cặp giò sung phù vì tăng ca, và những
đầu ngón tay rướm máu, quên nước mưa tràn vào nhà trọ và cơm cháy thì khô nuốt
cong cổ họng ?
Thực lòng, với tư cách cô họ thằng Mọt, cảnh nó mặc com lê xanh
đọt chuối, cầm ly bia vàng tăm tăm bọt, nhìn bảnh hơn nhiều so với thằng Mọt
môi mỏ tím ngắt mà khách từng gặp dầm mưa ngồi ngoài chợ, bán mớ nhái còm nhom.
Biết đâu những gam màu u ám bôi vào cả đời thằng nhỏ, trong ký ức chỉ mỗi ngày
cưới là rực rỡ, duy nhất chói lên mỗi khi ngó lại.
Nhưng ông nội thằng Mọt không chịu nổi cái lý đó, giận lẫy bỏ
ra ngồi ngoài hậu vườn từ sáng sớm. Liếp chuối cách rừng chỉ một con mương khô
đáy, muốn đốt điếu thuốc hút cho đỡ buồn, nhưng sợ tàn lửa gây cháy rừng, nên
thôi. Thấy khách ra thăm ông già nói xóc óc, sao không ở trỏng nghe nhạc cho sướng
mà ra đây chi, mướn dàn nhạc bộn bạc, không nghe uổng tiền.
Nói vậy thôi, ra tận bìa rừng nhạc vẫn bám gót dội theo. Ông
già nói tụi chim nghe còn sợ hết hồn. Đầu mùa mưa có bầy cò về làm tổ, ông mừng
hết nước. Chim cò chịu tới ở, thành sân chim, ông già sẽ xui ba má thằng Mọt cất
quán nước bán cóc ken cho khách du lịch, đỡ nghèo. Nhưng nhạc nện suốt ba ngày
đám cưới, tối qua chim về thưa lắm.
“Không biết tụi nó có quay lại không ?”, ông nội thằng Mọt
nói. Khách tự hỏi không biết ông già đang nói tới bầy chim hay những đứa cháu
ông, nay mai đây sẽ bỏ rừng ra chợ, cày cục trả nợ cho cái đám cưới thiệt sang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét