24 thg 10, 2024
Cà Phê Nước Phèn & Cà Phê Ngó - Phạm Công Luận
Cà Phê Nước Phèn & Cà Phê Ngó - Phạm Công Luận
CÀ PHÊ NƯỚC PHÈN VÀ CÀ PHÊ NGÓ
Cà phê không chỉ là thức uống mà còn là thói quen, là thú vui, là đam mê, là phương tiện giao tiếp, là phong cách sống, ít ra ở Sài Gòn là như vậy từ trăm năm qua.
Người Sài Gòn ngày xưa sáng mở mắt ra là muốn đến “tiệm nước”, sau gọi là quán cà phê – không quan trọng là quán cóc vỉa hè hay quán lịch sự trong nhà. Góc nhìn về cà phê mỗi người mỗi khác. Khác với người cố cựu ở Sài Gòn, những người gốc Bắc chứng kiến sự thay đổi của gia đình và chính mình trong việc thưởng thức thú vui này. Họ ở tuổi hơn 60, đủ từng trải để nhìn lại.
Từ cà phê vợt đến cà phê nước phèn
Người miền Bắc vào, nhất là những gia đình không phải ở Hà Nội thường xem nước trà, mà họ gọi nước chè, mới là thức uống căn bản. Gia đình anh Lương Tấn Thành, giáo viên dạy toán một trường quốc tế ở Kuala Lumpur cho biết tuy ba mẹ anh vào Sài Gòn từ 1930 để mở tiệm may nhưng vẫn thích nước trà hoặc nước vối pha trong ấm ủ cho nóng để uống dần.
Tuy nhiên, trên đất Sài Gòn, thức uống cà phê đã len lỏi vào cuộc sống gia đình anh từ hồi nào không hay, lấn át cả nước trà (chỉ còn ba mẹ anh thích uống). Một phần là nhà có nuôi một số thợ may, họ thích uống cà phê hơn trà. Mẹ anh thấy vậy, lấy vải vụn may vài cái túi rồi mắc vô vòng kẽm, làm vợt cà phê. Buổi sáng, chú Đãi (là thợ may sống trong nhà) dùng vợt lược cà phê vào ly cho riêng mình, rồi thêm sữa đặc có đường để uống. Sau đó chú rót cà phê vào siêu gốm để những người lớn trong tiệm may uống dần. Mẹ anh mua cà phê rang xay sẵn ở tiệm J.Martin nằm trên đường Hai Bà Trưng.
Công việc may mặc khá bận rộn, nhất là dịp cuối năm khách cần quần áo diện Noel hay Tết tây, Tết ta. Có nhiều ngày thợ làm không nghỉ trưa và thức khuya để làm. Để chống cơn buồn ngủ, cả đàn ông và phụ nữ trong nhà đều phải uống cà phê. Nên không chắc họ có ý “thưởng thức” cà phê như thời bây giờ.
Ý nghĩa của thức uống cà phê như vậy nên trước 1975, trong cộng đồng người Bắc với nhau ít khi dùng cà phê làm quà tặng dịp lễ tết, mà là các loại bánh mứt, hoặc trà sen, mua ở tiệm Bảo Hiên Rồng Vàng trên đường Gia Long. Cà phê lúc đó dùng để uống, không phải để tặng.
Anh Thành nhớ khi mới ra trường đi làm cách nay gần bốn mươi năm, đang thời bao cấp cực khổ. Anh ít uống cà phê vì không có tiền và cũng vì không quá mê thức uống này, có lẽ ảnh hưởng từ bố mẹ. Gần nhà anh có quán cà phê Givral, Brodard, La Pagode đã quá nổi tiếng và trở thành dấu ấn của Sài Gòn xưa nhưng anh chưa bao giờ đặt chân đến. Lần đầu anh vào cà phê Givral là năm 2013, nhưng quán không còn giữ được phong cách ngày xưa nữa.
Anh vẫn nhớ vài ngày sau năm 1975 khi chiến tranh kết thúc, các đường chính ở Sài Gòn, đặc biệt là đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) mọc lên nhiều quán cà phê dã chiến, che chắn tạm bợ. Ấn tượng nhất là dãy quán cóc dựng san sát trên lề đường Đồng Khởi ngay trước công viên Chi Lăng, thanh niên Sài Gòn với phong cách hippy tụ tập ở những quán này để nghe ngóng xem nên sống sao đây trong tình hình mới hay tìm đường ra nước ngoài. Một trong những quán đó do cầu thủ Cù Sinh làm “chủ”. Vì có “máu ghiền” đá banh nên anh và đám bạn con nít thường tới nhìn lén thần tượng bóng đá này.
Lúc sang học ở Pháp, xứ sở của nhiều quán cà phê nổi tiếng, khi anh đã thích uống cà phê thì giá ở đó lại đắt, chỉ có thể uống ké các bạn trong lớp mang từ Việt Nam sang. Hiện nay, đang dạy học ở một trường quốc tế Malaysia, anh cũng chỉ uống cà phê “chợ” Nestle dạng bột pha sẵn nhằm mục đích giữ tỉnh táo. Vài năm trước, một ngày anh uống 6-7 ly do áp lực công việc, nay chỉ còn 1-2 ly vì sợ ảnh hưởng sức khỏe.
Dù không hoàn toàn theo “đạo cà phê”, anh cũng có kỷ niệm đáng nhớ về nó. Năm 1985, cả lớp sư phạm của anh đi lao động ở Tân Uyên (Sông Bé). Vùng này dùng nước giếng có mùi phèn và đục ngầu, cả lớp phải hùn tiền mua nước sạch – nước phông tên – để ưu tiên cho nữ sinh dùng. Do nước nôi như vậy, dân địa phương đem nấu sôi rồi pha cà phê để át mùi và át màu. Cà phê đựng trong ấm nhôm lớn để uống dần. Học sinh, sinh viên khi xin nước uống mới “tá hỏa” vì cà phê rất đậm, uống xong tim đập mạnh và khó ngủ. Bài học kinh nghiệm ở đây là cà phê nguyên chất không tẩm ướp hương liệu thì chỉ có vị đắng, rất khó uống, có thể gây say. Liệu đây có phải là “thú” uống cà phê không hay chỉ là “thú đau thương” trong hoàn cảnh nghiệt ngã của thời gian khó?
La cà với cà phê cả thời tuổi trẻ
Anh Hoàng Anh Tuấn, sinh năm 1958 sống ở Úc từ 1980, gia đình di cư vào Sài Gòn từ năm 1954. Ra nước ngoài từ sớm, anh vẫn có nhiều kỷ niệm với cà phê. Phải kể những lần “window shopping” – cà phê “ngó”, đứng dưới lề đường ngó lên lầu kính Brodard góc đường Tự Do, ngó vào quán La Pagode, quán của khách sạn Continental, quán cà phê Eden cạnh rạp Eden.
Kế đến là những lần theo bạn bè vào các quán cóc trên đường từ nhà đến trường: từ đường Trương Minh Giảng (nay là Trần Quốc Thảo) qua Yên Đỗ (Lý Chính Thắng), quẹo Hai Bà Trưng, ngoặt lên Trần Quang Khải, qua cầu Xa lộ, đổi sang Phạm Đăng Hưng vào quận Nhất, đến Trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, nơi có những quán cà phê dọc Tự Đức (Nguyễn Văn Thủ), Đinh Tiên Hoàng, Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu)…
Ký ức về những quán cóc, ghế đẩu tương đối giống nhau, gần gũi nhất với đám học trò kỹ thuật là quán cóc trên đường Phan Đình Phùng, gần cổng vào Sở Thiết kế Đô thị, trông qua bên kia đường là ngõ vào tư dinh ông Chung Tấn Cang, Đề đốc Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Hoặc, sang hơn, đi ăn kem và uống cà phê với các bạn gái ở quán cà phê Văn Hoa, sát bên trái rạp Văn Hoa Đa Kao trên đường Trần Quang Khải, gần cầu Bông.
Cũng có lần, sau khi thi lên đai, đám bạn bè võ sinh của anh theo các thầy Vovinam như thầy Danh, thầy Quyền (không có thầy Phó Chưởng môn Trần Huy Phong vì thầy nghiêm vô cùng) quá bộ sang uống thứ nước nâu này, nghe Khánh Ly và Elvis Phương hát nhạc Trịnh Công Sơn ở hội quán Cây Tre đối diện võ đường Hoa Lư, cùng nằm trong khuôn viên Trung tâm CPS. Trung tâm sinh hoạt thanh niên này được USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) tài trợ xây dựng sát bên sân vận động Hoa Lư, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng nơi có những hàng me và phượng vĩ cao vút, bóng mát đổ dài xuống Đại học Dược khoa và Văn khoa. Quay trở lại khúc Đinh Tiên Hoàng và sân Hoa Lư, gần đó là quán cà phê Duyên Anh (hình như có thời tên là quán Nhà Tôi cũng của nhà văn Duyên Anh, lấy tên tác phẩm vui nhộn ông viết về bà xã là chị Phượng).
La cà ở các quán cà phê Sài Gòn, thỉnh thoảng anh gặp các tên tuổi thời đó như giáo sư Trường Quốc gia Âm nhạc Dương Thiệu Tước, ba anh em giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn Ngọc Phách. Có khi là ông Nguyễn Hiến Lê, ông hề Thanh Việt, ông hề Phi Thoàn – thỉnh thoảng ra quán Phở Quyền ăn sáng uống cà phê trên đường Võ Tánh – Phú Nhuận. Trong tất cả các nhân vật nổi tiếng ấy, chỉ có mấy ông hề là được đám trẻ con nhận diện, hò la chạy theo chào.
Anh Tuấn nhớ có lần uống cà phê và tập hút thuốc điếu trong cái quán cóc gần trường Nguyễn Trường Tộ (số 55 bis Tự Đức, quận 1). Anh hút thử một hơi điếu Caravel Con mèo, ho gắt cổ phải giải ho bằng… cà phê. Cảm giác tê mê khắp mười đầu ngón tay quả thật không “tuyệt cú mèo” tí nào như nhà văn Duyên Anh tả trong nhiều truyện thơ mộng hóa thế giới du đãng Sài Gòn thời đó.
Có điều lạ là khi nhắc đến cà phê, luôn làm dậy lên một cảm xúc, hay một kỷ niệm nào đó của thời tuổi trẻ, một thời yêu đương, một thời khắc khoải tìm hướng đi cho cuộc đời. Qua tuổi sáu mươi, cà phê lại giúp người thưởng thức nó giữ được sự bình yên trong tâm hồn, làn khói nhẹ từ ly cà phê nóng tỏa ra là lớp màn sương giúp chúng ta kết nối với người thân yêu trước mặt và ngăn cách với những bụi bặm cuộc đời.
Phạm Công Luận
Nguồn: Người Đô Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét