Bà Thu đến ở chung cư này gần mười năm. Lúc trước ở tiểu bang Miền Đông nước Mỹ ít người Việt, mùa lạnh nhớ quê hương thật thấm thía nên kẻ tha hương như bà luôn mong ước có một tình bạn đậm đà với người cùng xứ sở. Đó là lý do bà tìm đến nơi này. Quanh chỗ bà ở, có được bốn gia đình người Việt Nam, còn ngoài ra là người Mễ. Thỉnh thoảng đi chùa, bà Thu gặp cô Loan. Qua chuyện trò, họ thật là tương đắc, mặc dù cả hai chênh lệch nhau về tuổi tác. Cô Loan hiện có chồng đi làm xa, con cái đều ở các tiểu bang khác nên cô chọn nghề giữ trẻ để có một niềm vui, và đỡ cảm thấy lẻ loi, đơn độc. Vả chăng, thấy con của người khác, cô tưởng như gặp cháu nội, cháu ngoại của mình. Tánh bà Thu và cô Loan còn giống nhau một điểm nữa: rất yêu thương trẻ.
4 thg 7, 2023
Thằng Bé Buồn Hiu - Vhp.Hạ Vũ
Một hôm, được cô Loan mời, bà Thu hăm hở lái xe đến thăm bạn. Lần đầu
tiên đến nhà, bà Thu không ngờ khung cảnh nhà bạn như là một lớp học của
người Mỹ. Ở chỗ này là cây đàn Yamaha, chỗ kia sách cho em bé xem hình
hoặc tập đọc. Lại có vô số đồ chơi các loại phù hợp với mọi lứa tuổi
trước mẫu giáo. Chỗ ăn, chỗ ngũ, chỗ chơi đùa đều sạch sẽ, thoáng mát.
Có ba cháu bé hiện đang được gởi ở đó, đều là người Việt Nam, cỡ từ
3 đến 4 tuổi. Tất cả đều sạch sẽ, thơm tho. Cô Loan bảo cha mẹ
chúng đem đến cho cô chăm sóc từ khi chúng được vài tháng tuổi. Bầu
không khí trong nhà thật vui vẻ, đầm ấm, tràn ngập tình thương yêu.
Lúc ăn, lúc ngủ, lúc chơi đùa đều được theo đúng giờ giấc. Các cháu
bé đều tỏ ra mến cô Loan, và vâng theo lời cô bảo. Hễ có ai gọi phone
tới, cô tuyệt đối không bắt, sợ phân tâm mà quên chú ý đến đám trẻ. Bà
thấy cô không giống những babysitters thiếu trách nhiệm: kẻ cho trẻ uống
thuốc ngủ để xem TV hay chuyện phone với bạn trai, người bỏ trẻ ở nhà
một mình mà đi chơi v. v. ồn ào một dạo trên báo hay đài truyền thanh,
truyền hình làm cho người ta có thành kiến không tốt với những người giữ
trẻ tại gia. Ở đây, khung cảnh thật đầm ấm, cô giữ trẻ như là một hiền
mẫu ngọt ngào: chăm sóc, cho ăn uống, tắm rửa, ca hát, kể chuyện,
chơi đùa với bé v. v.
Trong đám trẻ, bà Thu đặc biệt chú ý đền một bé trai khoảng 4 tuổi tên
là Bi, thường gọi là Cu Bi, con của một gia đình hàng xóm, sát căn chung
cư của bà. Cu Bi nổi trội hơn cả trong đám trẻ: khuôn mặt xinh xắn,
thông minh, da trắng trẻo như người Mỹ. Nó cười đùa, ca hát rất vui vẻ.
Tiếng Việt hay tiếng Anh nó đều hát được cả, dù mới bập bẹ A, B, C. Cu
Bi luôn quyến luyến bên cô Loan và hình như nó được cô Loan thương yêu
hơn cả. Bà Thu nghe kể lại nhiều lúc cha mẹ đến đón, bé không muốn về,
cứ khóc và đòi ở lại. Cha mẹ bé phải dỗ dành, hăm doạ đủ thứ bé mới
buồn bả ra về. Sau đó, lúc về đến nhà, bé thường bị mẹ đánh đòn. Sáng
hôm sau, gặp cô Loan bé kể lại chuyện đêm qua nó bị mẹ đối xử nặng tay
như thế nào.
Thằng Cu Bi là con của anh chàng Tuấn , người Việt lai Mỹ, ở sát
vách nhà bà Thu. Điều bà ngạc nhiên là mỗi lúc bà gặp nó ở khu chung
cư đều thấy mặt bé buồn thiu, lầm lầm, lì lì, còn lúc ở nhà cô Loan thì
bé tươi vui, linh động. Thật khác nhau một trời một vực! Tuấn qua đây
với cha mẹ nuôi Việt Nam, diện con lai. Lúc đến Mỹ rồi thì đường ai
nấy đi. Còn cha Mỹ của Tuấn như cánh chim trời bay mất hút từ xưa, biết
đâu mà tìm! Hai vợ chồng Tuấn đều đi làm việc ở hai hãng khác nhau.
Tuấn ngoài bốn mươi, còn cô vợ lớn hơn vài tuổi chắc gần năm mươi. Tuấn
lịch sự, lễ phép, hễ gặp mặt bà là vui vẻ chào hỏi, chuyện trò thân mật,
còn người vợ thì lúc nào cũng lạnh lùng, kênh kiệu.
Tuy
ở sát vách, bà Thu hầu như không hề nghe tiếng anh chồng. Mỗi tối, từ
lúc họ đem con về, và cuối tuần, bà Thu thường nghe tiếng chị vợ la hét,
chửi chồng, chửi con, rồi tiếng trẻ con khóc vì bị đánh vang lên om
xòm. Hình như lúc nào ăn, thằng bé cũng bị mẹ chửi rủa những lời nặng
nề. Bà Thu thường nghe mãi điệp khúc: "Ăn đi, nuốt đi. Mày không ăn
tao đập chết bây giờ!" "Này, không đươc ói ra nghen. Ói ra tao bắt
nuốt trở vô đó." Bà thắc mắc: nó không phải là một đứa trẻ kén ăn, vì
bà thấy ở nhà cô Loan nó ăn nhanh lắm, và còn xin thêm nữa, sao ở nhà
lại khác hẳn thế? Có lẽ thằng bé bị ép ăn những thứ mà nó không thích
nên ngậm hoài không nuốt chăng?
Bà hỏi cô Loan về thằng bé và được biết thêm rằng mẹ bé Cu Bi chẳng
quan tâm đến dinh dưỡng của bé. Khi thì mang cơm nguội, trứng luộc, khi
thì đồ ăn để lâu ngày bốc mùi thiu. Cô phải quăng bỏ hết vào thùng
rác. Cô thường làm thức ăn mới, khi cơm, khi mì sợi, khi phở... nóng
sốt cho trẻ ăn nên chúng rất thích, hăm hở ăn và ăn rất nhiều. Tại
sao ở nhà bé không chịu ăn? Bé không thích món ăn? Không khí không vui
trong bữa ăn? Hay là... bà Thu thật không dám nghĩ tới bé bị mẹ cho ăn
thức ăn cũ thiu thối. Có lần Cu Bi sốt cao, cô Loan phải lấy khăn lau
mát để hạ sốt và gọi cho mẹ bé, nhưng người mẹ này không quan tâm. Chờ
mấy tiếng đồng hồ không thấy mẹ bé đón về, cô gọi cho ba bé mang về đem
đến bác sĩ. Có bữa, Cu Bi đến với một bên má bầm tím hằn lên 5 ngón
tay. Cô hỏi thì nó mếu máo bảo bị mẹ đánh. Cô xót xa ôm bé vào lòng
vuốt ve, an ủi, vỗ về. Nhiều lần cô đã cầm phone lên định gọi Cảnh Sát
nhưng rồi buông xuống. Cô sợ làm như vậy là "phá gia cang", chia rẽ vợ
chồng người ta. Là người phật tử, cô chỉ biết cầu nguyện cho người mẹ
hồi tâm chuyển ý, thay đổi cách cư xử với đứa con ruột thịt của mình,
kẻo tội nghiệp đứa bé. Tuy nhiên cô cũng lấy máy ảnh ra chụp vết bầm
của thằng bé, cất đó để có lúc cần tới thì sử dụng. Đời sao thật nhiều
nghịch lý. Bà Thu ao ước có một đứa trẻ con để nâng niu, chăm sóc, yêu
thương cho vui cửa vui nhà lúc tuổi già mà không được. Người có con thì
không biết quý!
Bà và cô Loan thường nói chuyện về tình thương của cha mẹ và chữ hiếu
của con cái có tương quan mật thiết với nhau. Ngay từ nhỏ hãy gieo vào
lòng trẻ tình yêu thương, chứ đối xử với nó bằng bạo lực thì làm sao nó
học được yêu thương? Vậy thì những người cha mẹ như thế đừng đòi hỏi
con cái phải hiếu thảo với mình. Quả báo nhãn tiền là vậy, không cần
chờ đợi kiếp sau. Ngay bây giờ thằng bé đã không ưa gì mẹ nó cả. Mẹ nó
nói gì nó đều không làm theo. Càng đánh mắng nó, nó càng trở nên lì
lợm, cứng đầu. Bà biết được điều này vì bà thấy thằng bé đi với cha thì
tíu tít, líu lo, còn đi với mẹ thì tiu nghỉu, lầm lầm, lì lì như cam
chịu số phận hẩm hiu. Lỗi của người mẹ nêu gương xấu, và sai lầm trong
cách dạy con.
Thỉnh thoảng có dịp đi ra ngoài, bà Thu tình cờ gặp gia đình thằng bé.
Bà nhận thấy người cha ăn bận lôi thôi lếch thếch, đứa con mặc bộ đồ cũ
mèm, rộng thùng thình như xin lại của ai, lem luốc như con
chó ốm đói, còn người vợ thì chưng diện láng mướt như tiểu thư nhà giàu.
Tại sao trên đời lại có người mẹ không thương con như vậy? Ngày mới
đến chung cư này, hai vợ chồng Tuấn đi bên nhau như hai chị em. Giờ đây
mới sau có mấy năm mà Tuấn già thêm gần hai chục tuổi , tóc bạc, đầu
hói, áo quần xốc xếch, đi bên vợ giống như anh chàng già chết vợ, mới về
Việt Nam rước sang cô vợ nhí.
Sau một chuyến hành hương Ấn Độ với bạn bè, bà Thu trở về. Không khí
căn nhà hàng xóm thay đổi khác hẳn. Ban ngày vào giờ hành chánh bà
không còn được hưởng những giờ phút yên tịnh nữa. Nhà bên cạnh bây giờ
ban ngày cũng như ban đêm: ồn ào, càng ngày càng tăng chứ không giảm. Cô
vợ bị lay-off nên thằng bé ở nhà với mẹ. Đứa bé từ giã thiên đường,
bước vào địa ngục. Tiếng chửi con, mắng chồng cứ ra rả. Tiếng khóc của
thằng bé cứ vang lên xoáy vào trái tim của bà khiến bà nhức nhối vô
cùng. Bà nhấc phone lên rồi bỏ xuống không biết bao nhiêu lần. Bà muốn
gọi cho Cảnh Sát nhưng lại thôi. Bà vốn cả nể, e dè, lẫn chút sợ sệt,
sợ người đàn bà hung dữ đó mắng mỏ chửi bới bà "già không nên nết, nhiều
chuyện, xí xọn, xen vào chuyện gia đình riêng tư của người khác", kết
tội bà muốn "phá hoại gia cang" của cô ta. Bà cũng bị quan điểm "đèn
nhà ai nấy rạng" ăn sâu vào tim gan phèo phổi của bà nên bà phân
vân. Thêm nữa, bà trù trừ vì còn sợ cha mẹ đứa bé bị Cảnh sát
còng, thằng bé mất cả mẹ lẫn cha. Đủ thứ sợ làm thành sợi dây lòi tói
trói lương tâm bà lại. Bà tự an ủi "Thôi, kiểu này thế nào lại chẳng có
người khác gọi Cảnh Sát." Quả thật, sau một lần ầm ỉ khác tiếp đó,
Cảnh Sát tới nhà do vợ chồng người Mễ bên cạnh gọi. Người Mễ thì làm
sao hiểu nghĩa những câu nói tiếng Việt để thấy hết sự tàn nhẫn trong
đó. Không biết hai vợ chồng cậu Tuấn nói năng với Cảnh Sát như thế nào
mà họ ra về, không còng tay ai dẫn đi cả. Nhân dịp này cô Loan cũng ra
làm nhân chứng và đưa hình bé Bi bị đánh bầm mặt cho Sở Xã Hội lập hồ
sơ. Nhưng rồi mọi việc lại im re, không thấy Cảnh Sát còng tay ai cả,
cũng không thấy ra toà. Sau đó thì không thấy người mẹ này la hét nữa
mà đổi qua đay nghiến ngầm. Thằng bé vẫn sợ hãi và rụt rè đi bên mẹ,
càng ngày càng câm nín, lù khù, càng gầy gò xanh xao, mũi dãi lem luốc.
Trông thật tang thương!
Bà Thu bị lương tâm cắn rứt vì thấy bé bị bạc đãi mà không dám báo cáo
cho Sở Xã Hội. Bà có mặc cảm mình bao che cho kẻ ác, kẻ phạm pháp, nhất
là kẻ phạm pháp đó là một người mẹ đối với con, tội ác cộng với thiếu
đạo đức thành ra tăng gấp đôi. Bà tìm hiểu vấn đề, bà thấy rằng bà là
hàng xóm mà làm thinh, giả ngu, giả điếc, giả mù trong trường hợp này bị
tội tòng phạm là cái chắc. Ép con ăn những món mà nó không thích cũng
là "against the law" huống chi cho con ăn đồ thiu thối, hoặc bắt con ăn
cái món nó vừa ói ra, không ăn thì đánh đập, chửi mắng om xòm. Người
mẹ này không thoát khỏi tội Child Abuse. Người cha bạc nhược, sợ vợ,
không che chở được cho con, cũng không dám báo cáo với Sở Xã Hội hay
Cảnh Sát cũng là tòng phạm. Bao nhiêu người lớn làm kẻ bao che, dù vô
tình, cho kẻ phạm pháp đang hành hạ tàn nhẫn một đứa trẻ 4 tuổi chưa có
thể tự vệ được. Đứa bé này chẳng những bị bạo hành về thể xác, mà còn
bị bạo hành về tinh thần, tình cảm nữa. Tòa án Mỹ có kết tội bà tòng
phạm là cũng đáng đời cho bà lắm! Vậy thì bao nhiêu công phu ăn chay,
tụng kinh niệm Phật, và làm công quả của bà cũng vất đi vì bà đã không
cứu đứa trẻ này. Bà tự trách sao bấy lâu nay bà lại bỏ quên câu khuyên
"Dù xây chín bậc phù đồ, Không bằng làm phúc cứu cho một người!" Bà
quyết định lần tới chính bà gọi Cảnh Sát.
Không lâu sau đó, vào một tối khoảng mười giờ, bà Thu nghe bên hàng xóm vẳng qua:
- Mày có ăn không? Mày lì như thằng cha mày. Sao mầy không chết đi cho rồi! Mày là cục nợ đời của tao!
- Shut up! Tiếng thằng bé tức nước vỡ bờ đáp lại.
Tiếp
theo bà nghe tiếng khóc lớn của Cu Bi, rồi tiếng đập bàn, xô ghế, âm
thanh loảng xoảng của ly chén vỡ vang lên hỗn loạn. Sau đó là im lặng,
một im lặng đáng ngờ, đáng sợ. Nghe ngóng một lúc, vẫn im lặng. Bà nghĩ
dại, bà sợ thằng Cu Bi "gặp nạn". Sự sợ hãi lẫn nỗi xót xa, ân hận
tràn ngập trong lòng bà. Tim bà đập thình thịch, tay chân run lẩy bẩy.
Bà nhấc phone mà rớt lên rớt xuống mấy lần. Một hồi lâu bà mới lấy lại
bình tĩnh, và bấm được 9-1-1. Bà vận dụng tất cả tiếng Anh mà bà học
được ở Hội Người Già tả lại những gì nghe được từ căn nhà hàng
xóm. Bà được đầu giây bên kia trả lời là họ đang đến căn hộ đó. Bà
nghĩ, vậy là không chỉ mình bà mà còn một kẻ khác nữa không làm ngơ
trước sự bất hạnh của đứa bé này. Bà ra cửa để dò xem đứa bé ra sao. Xe
Cảnh sát, xe cứu thương, xe chữa lữa rầm rộ kéo tới. Khi băng
ca được đẩy ra, người nằm trên đó là bà mẹ không phải thằng con. Bà thở
phào nhẹ nhỏm. Bà mừng vì sự lo sợ của bà không xảy ra. Chừng đó bà
mới biết rằng kẻ gọi điện thoại trước bà là cậu Tuấn gọi cấp cứu. Bà
thấy thằng Cu Bi lầm lì, buồn thảm, đứng ủ rủ ở cửa nhìn theo im lặng,
không một giọt nước mắt, mà thương cảm bé vô cùng.
Hôm sau, bà đón anh chàng Tuấn hỏi thăm. Trên mặt cha con họ đều có
vết bầm tím. Người cha rủ rượi, thằng bé thì lầm lì. Tuấn cho biết vợ
cậu bị stroke nặng sau khi lên cơn "tam bành lục tặc". Giờ
thì còn đang hôn mê trong bệnh viện, bác sĩ bảo không tránh khỏi liệt
nửa người. Bà thoáng nghĩ tới chuyện quả báo rồi không dám nghĩ tiếp.
Bà
vuốt tóc thằng bé, nói với Tuấn bà tình nguyện giữ thằng bé để đỡ một
tay cho cậu rảnh rang lo cho vợ, và đi làm kiếm tiền nuôi con. Bà chỉ
có một mình nên cũng muốn có một đứa trẻ hủ hỉ cho đỡ cô quạnh
trong tuổi già. Bà giữ giùm không lấy tiền công, còn việc ăn uống của
bé, cậu cũng không phải lo. Thằng bé nghe ở với bà, nó nhìn bà, ánh mắt
rạng rỡ. Bà không biết thằng bé này nghĩ gì về việc nó sống thiếu
mẹ.
Vhp.Hạ Vũ
Mời Xem Các Bài Khác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét