14 thg 10, 2022
NĂM CỤ KHI KHÔNG RỚT CÁI ÌNH..." – La Thụy sưu tầm và biên tập
NĂM CỤ KHI KHÔNG RỚT CÁI ÌNH..." – La Thụy sưu tầm và biên tập
Một người bạn hỏi tôi có thuộc toàn bài thơ có 2 câu này không, sưu tầm tên 5 vị thượng thư đó và những sự việc liên quan đến họ, giúp bạn với:
“Năm cụ khi không rớt cái ình,
Đất bằng sấm dậy giữa thần kinh.”
Xin ghi lại những điều tôi đã hồi đáp cho bạn ấy.
Năm 1933, vua Bảo Đại muốn cải cách triều đình bèn ban cho về hưu một lúc 5 Thượng thư các Bộ: Lại, Hình, Binh, Lễ, Công vốn chỉ thông nho học, nhường chỗ cho những người thông thạo học vấn phương Tây. 5 vị thượng thư đó gồm:
1/ Nguyễn Hữu Bài - Thượng thư Bộ Lại
2/ Tôn Thất Đàn - Thượng thư Bộ Hình
3/ Phạm Liệu - Thượng thư Bộ Binh
4/ Võ Liêm - Thượng thư Bộ Lễ
5/ Vương Tứ Đại - Thượng thư Bộ Công
Sự kiện này được ghi lại bằng bài thơ Đường luật, có chơi chữ tên 5 vị quan các bộ bị bãi chức ở từng câu tương ứng do nhà thơ Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn (1900-1946) sáng tác:
Năm cụ khi không rớt cái ình,
Đất bằng sấm dậy giữa thần kinh.
Bài không đeo nữa xin dâng lại,
Đàn chẳng ai nghe khéo dở hình.
Liệu thế không xong binh chẳng được,
Liêm đành chịu đói lễ đừng rinh.
Công danh như thế là hưu hỉ,
Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.
Xin điểm qua danh sách 5 vị thượng thư triều Nguyễn bị vua Bảo Đại cho nghỉ hưu:
1/ Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài
Bộ Lại hay Lại bộ (chữ Hán:吏部) là tên gọi của một cơ quan hành chính thời phong kiến tại các nước Đông Á, tương đương với cấp bộ ngày nay.
Ở các nước Á Đông thời phong kiến, Bộ Lại hoặc Lại bộ là bộ giữ việc quan tước, phong tước, ân ban thuyên chuyển, lựa chọn, xét công, bãi truất và thăng thưởng, bổ sung quan lại, cung cấp người cho các nha môn; tương đương với Bộ Nội vụ ngày nay. Đứng đầu Bộ Lại là Thượng thư Bộ Lại (Lại bộ Thượng thư).
*Nguyễn Hữu Bài (chữ Hán: 阮有排; 28 tháng 9 năm 1863 - 28 tháng 7 năm 1935), Phước Môn Quận công, là một đại thần nhà Nguyễn và là một nhà cách mạng ôn hòa trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Năm 1908 ông Nguyễn Hữu Bài lãnh chức Thượng thư Bộ Lại. Ông từng giữ các chức vụ: Thái phó, Võ hiển điện Đại học sĩ, Cơ Mật Viện trưởng đại thần. Năm 1932, ông được vua Bảo Đại phong tước Phước Môn Quận công.
Ông Nguyễn Hữu Bài nổi tiếng không phải vì chức trọng quyền cao, mà nổi tiếng vì trong lúc đương thời khi vận nước suy đồi vì ách đô hộ ngoại quốc, lắm kẻ trong giới quan lại chỉ biết xu nịnh chính quyền Bảo hộ, riêng một mình Quận Công Nguyễn Hữu Bài, đã tỏ ra vững vàng với tinh thần quốc gia, dám đương đầu với người Pháp và giữ vững được những đức tính liêm sỉ phong nhã của một vị quan chức thấm nhuần Nho học.
Trong buổi họp Hội Đồng Thượng Thơ cuối năm 1912, Khâm Sứ Mahé cho biết ý định đào lăng vua Tự Đức lấy vàng bạc châu báu, viện lý do có thêm phương tiện tài chánh cho ngân sách Nam triều. Cả triều đình nín lặng, không ai nói năng gì. Duy chỉ có ông Nguyễn Hữu Bài dõng dạc đứng lên phản đối, viện lẽ theo truyền thống phong tục Việt Nam, kính trọng người chết là một nghĩa vụ và bổn phận của người sống. Đào mả tức là xâm phạm đến vong linh người chết sẽ gây náo động nhân tâm, thương tổn đến lễ nghi và thể thống triều đình. Cử chỉ hào hùng, lời lẽ khiêm tốn nhưng vững vàng cương trực của Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài đã làm Khâm Sứ Mahé bực mình. Tuy kết cục vẫn không ngăn cản được hành động tham tàn của đối phương, nhưng tư cách, thái độ ấy đã để lại tiếng thơm muôn đời.
Dân chúng vốn sẵn cảm tình với cụ “Thượng Bài”, từ đó càng thêm ngưỡng mộ kính mến. Càng lâu họ càng thấy rõ vị trung thần lương đống ấy, lên đến tột đỉnh danh vọng không phải vì a dua nịnh bợ tầm thường như một số quan lại đương thời mà chính vì tài đức, năng lực tinh thần thật sự.
Dân chúng đương thời đặt ra câu tục ngạn:
"Đày vua không Khả, đào mả không Bài"
Ghi chú về câu tục ngạn trên:
* Đày vua không Khả:
Nói đến quan Thị vệ đại thần Ngô Đình Khả đã phản kháng Pháp, không chịu ký giấy phế vua Thành Thái.
Năm 1907, lúc ông Ngô Đình Khả đương kim phụ chánh tại triều, vua Thành Thái có hành vi chống Pháp nên bị chính quyền Bảo hộ dưới sự vận động của khâm sứ Ferdinand Lévecque đòi truất vua Thành Thái và đày vua Thành Thái sang châu Phi, lấy cớ nhà vua bị bệnh tâm thần. Lúc đó tại triều hầu hết các đại thần đều ký vào thỉnh nguyện đó. Chỉ riêng có quan phụ đạo đại thần Ngô Đình Khả nhất quyết không chịu ký tên.
Ngày 2-9-1907 khi vua Thành Thái bắt buộc phải thoái vị!
Cả triều đình im lặng tuân theo quyết định của Toàn Quyền Paul Beau và Khâm Sứ Ferdinand Lévecque. Duy nhất và độc nhất một người, với sĩ khí nho phong hiếm hoi của thời đại còn lại, Thị Vệ đại thần Ngô Đình Khả đứng lên phản đối. Kết thúc sau cùng là nhận lãnh hậu quả phải xảy đến: cụ Ngô Đình Khả bị người Pháp quy tội đủ điều, kể cả tội “không xứng đáng với chức vụ”. Vị triều thần trọng nghĩa khí, coi thường công danh là Ngô Đình Khả bị giáng cấp xuống hàng Án Sát, cho về hưu trí tại nguyên quán Quảng Bình mà không được cấp hưu bổng.
Ông Ngô Đình Khả là thân sinh các ông Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn...
* Đào mả không Bài:
Khi Khâm sứ Pháp Mahé đề nghị đào vàng bạc chôn ở lăng vua Tự Đức, thượng thư bộ lại Nguyễn Hữu Bài nhất quyết phản đối.
2/ Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Đàn
Bộ Hình hay Hình bộ (chữ Hán:刑部) là tên gọi của một cơ quan hành chính nhà nước thời phong kiến tại một số quốc gia Đông Á, như Trung Quốc, Việt Nam v.v. Bộ Hình có thể coi là tương đương với Bộ Tư pháp và Tòa án Tối cao ngày nay. Quan đứng đầu bộ Hình là Hình bộ thượng thư (thượng thư bộ Hình), tương đương với Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Chánh án Tối cao ngày nay.
*
Tôn Thất Đàn (1871 - 1936) (Hán Nôm: 尊室檀), tự Hinh Nhi (馨兒), hiệu Lạc Viên Thị (樂園氏), là danh thần triều Nguyễn Việt Nam, Hình bộ Thượng thư thời Bảo Đại.
Ông Tôn Thất Đàn được bổ nhiệm làm Thượng thư Hình bộ, sung Cơ mật viện Đại thần năm 1927 (Bảo Đại thứ 2). Tháng 1 năm 1925, kiêm nhiếp Tôn nhân phủ vụ đại thần. Năm 1929, thăng làm Hiệp Tá Đại học sĩ, lĩnh Thượng thư Hình bộ, sung Cơ mật viện Đại thần, miễn kiêm chức kiêm nhiếp Tôn nhân phủ vụ đại thần. Năm 1930, phong Hiệp tá Đại học sĩ. Năm 1933, ông làm đại biểu Thuận Hóa, xuất sứ sang Pháp.
Ngày 2 tháng 5 năm 1933, Bảo Đại cải tổ nội các, ông nghỉ hưu mang chức Hiệp tá Đại học sĩ. Ngày 1 tháng 8 năm 1933, ông được phong tước Phò Nhơn nam (扶仁男).
Ông qua đời vào năm 1936 qua đời, thọ 66 tuổi, được truy tặng tước vị Đông Các Đại học sĩ.
Ông viết tác phẩm Lạc Viên tiểu sử (樂園小史), quyển tiểu sử về ông
3/ Thượng thư Bộ Binh Phạm Liệu
Bộ Binh hay Binh bộ (chữ Hán:兵部) là một cơ quan hành chính thời phong kiến tại một số quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam v.v, một trong sáu bộ của lục bộ, tương đương với bộ Quốc phòng ngày nay. Quan đứng đầu Binh bộ là Binh bộ thượng thư (thượng thư bộ Binh), tương đương với bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay.
*
Phạm Liệu (1873-1937), tự là Sư Giám, hiệu là Tang Phố, là một danh sĩ Việt Nam. Ông được xem là người đứng đầu nhóm Ngũ Phụng Tề Phi, từng làm quan trải đến chức Thượng thư Bộ binh dưới các triều vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.
Sau khi hồi hưu, ông về an dưỡng tại quê nhà và mất ngày 21 tháng 11 năm 1937 (có tài liệu ghi năm 1936), hưởng thọ 66 tuổi. Triều đình truy phong tước Trừng Giang Nam, giao việc tế lễ và mai táng cho quan chức đầu tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Khi ông qua đời, danh sĩ đồng hương Huỳnh Thúc Kháng đã phúng điếu một câu đối, mà nay còn được lưu truyền:
Văn tự quả hữu túc duyên đa, ấu nhi tĩnh tường nghệ chiến, lão nhi kinh đệ minh đàm, trừ trung gian quốc sự dịch kỳ trần lộ sâm thương dư nẫm tái.
Hà sơn do thụy giai khí giả, cựu tắc Hán học thành tinh, tân tắc Âu khoa nhược trí, thứng vãn tấn châu bình nguyệt đán khẩu bi danh tánh mỗi song đề.
Diễn ý:
Văn chương chữ nghĩa có đầy duyên tứ trước vậy. Lúc nhỏ học trường tỉnh, ganh đua nghiệp văn. Khi già ở nhà khách tại kinh đô đàm luận. Ngoài việc biến đổi quốc sự, thì đường trần ai (tôi và ông) xa cách nhau hơn 20 năm.
Sông núi do tú khí tạo nên, Hán học tinh thông, Tây học còn non yếu. Mỗi tháng cùng bạn văn chương bình thời sự. Danh tánh đều được bia đá bia miệng lưu truyền.
Phần mộ của ông ở xã Điện Trung về sau được gia đình cho xây lại năm 1997, cạnh một nghĩa địa nhỏ. Bia mộ ghi rất sơ sài: Phạm Liệu, tự Sư Giám, hiệu Tang Phố, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898). Điều đặc biệt có hai chữ “ngũ phụng” ở phía dưới, nhưng không rõ vì sao bị bỏ mất hai chữ “tề phi”?
4/ Thượng thư Bộ Lễ Võ Liêm
Bộ Lễ hay Lễ bộ (chữ Hán:禮部) là tên gọi của một cơ quan hành chính thời phong kiến tại các nước Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam, tương đương với bộ thông tin - truyền thông, bộ văn hoá - thể thao - du lịch, bộ giáo dục - đào tạo và bộ ngoại giao ngày nay. Quan đứng đầu bộ Lễ là Lễ bộ thượng thư (hay thượng thư bộ Lễ), tương đương với bộ trưởng các bộ trên ngày nay.
Công việc của bộ Lễ là kiểm tra cát lễ, gia lễ, quân lễ, tân lễ, hung lễ (ngũ lễ), kiêm cai quản học giáo, khoa cử, khảo thí cùng các công việc tiếp tân khách khứa ngoại quốc.
*
Võ Liêm (1873-1936), cựu thượng thư bộ Lễ, hàm Đông các điện Đại học sĩ, tước Xuân Hòa tử, con trai của Võ Khoa (Tổng đốc, sung chức Tuần vũ tỉnh Hà Tĩnh). Quê quán ở làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1923 lại được triệu về kinh sung làm Thượng thư bộ Công, năm 1928 làm Thự thượng thư bộ Binh, năm 1930 làm Thượng thư bộ Lễ.
Đông các điện Đại học sĩ, Xuân Hòa tử, Võ Liêm từng được tặng nhiều huân chương như Huân chương Giáo dục Cộng hòa, Long bội tinh An Nam, Bắc đẩu bội tinh.
Một người con gái của ông là Tứ giai Du tần Võ Thị Dung, là một trong 12 người vợ của vua Khải Định.
Con trai của ông là Võ Chuẩn (1895-1956), cựu Tổng đốc tỉnh Quảng Nam.
Hai con gái ông Võ Chuẩn là Linh Bảo và Minh Đức Hoài Trinh (cháu nội ông Võ Liêm) đều là nhà văn.
5/ Thượng thư Bộ Công Vương Tứ Đại
Bộ Công hay Công bộ (chữ Hán: 工部) là tên gọi của một cơ quan hành chính thời phong kiến tại các nước Đông Á, như Trung Quốc, Việt Nam, tương đương với cấp Bộ ngày nay. Đứng đầu Công bộ là Thượng thư (尚書, tương đương Bộ trưởng ngày nay); giúp việc có Tả Thị lang 左侍郎, Hữu Thị lang 右侍郎 (thời Lý - Trần - Lê) hoặc Tham tri (thời Nguyễn) (tương đương cấp Thứ trưởng ngày nay); Lang trung, Viên ngoại lang, Tư vụ... (tương đương Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc các sở hoặc Chánh Văn phòng ngày nay).
Ngày nay, Công bộ có thể coi là tương đương với Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải. Quan đứng đầu bộ Công là Công bộ Thượng thư (Thượng thư bộ Công). Do xếp thứ sáu trong Lục bộ nên Thượng thư Bộ này có thể bị bãi, giáng hoặc thăng tiếp sang Thượng thư Bộ khác.
*
Chúng tôi không tìm được tư liệu nào viết về ông Vương Tứ Đại - Thượng thư Bộ Công về hưu dưới triều Bảo Đại, quý bạn nào biết xin cung cấp giùm để bổ sung. Cám ơn nhiều.
**
Trong lục bộ có Thượng thư Bộ Hộ, Đại thần Thái Văn Toản là vị quan duy nhất được Hoàng đế Bảo Đại giữ lại chức vị để tham gia vào Tân Chính phủ cải tổ đã được công bố theo Chỉ của Triều đình ngày 10 tháng 9 năm 1932 và được thừa nhận theo Dụ ngày 2 tháng 5 năm 1932.
Năm 1932, vua Bảo Đại sau khi du học ở Pháp về đã trực tiếp tham chính và thay nội các mới. Võ Liêm, Thượng thư bộ Lễ cùng với 4 vị Thượng thư khác là Nguyễn Hữu Bài (bộ Lại), Tôn Thất Đàn (bộ Hình), Phạm Liệu (bộ Binh) và Vương Tứ Đại (bộ Công) bị cho nghỉ hưu, nhường chỗ cho những nhân vật trẻ Tây học như Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn.
5 5 vị Thượng thư từ trái qua phải Hồ Đắc Khải, Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn.
Trong đó Ngô Đình Diệm thay thế Nguyễn Hữu Bài làm Thượng thư Bộ Lại, Bùi Bằng Đoàn thay thế Tôn Thất Đàn làm Thượng thư Bộ Hình, Thái Văn Toản thay thế Vương Tứ Đại làm Thượng thư Bộ Công, Hồ Đắc Khải bổ làm Thượng thư Bộ Hộ, Phạm Quỳnh làm Thượng thư Bộ Giáo dục kiêm Tổng lý Ngự tiền văn phòng.
Cùng với việc thay đổi về nhân sự, bộ máy hành chính cũng được cải tổ rõ rệt. Năm 1932 vua Bảo Đại cho xây dựng mới một tòa nhà theo kiến trúc kiểu Pháp hiện đại với 2 tầng đổ mái bằng nằm ở phía Bắc Tử Cấm thành làm trụ sở mới cho bộ máy văn phòng giúp việc của nhà vua. Đồng thời năm 1933 đổi tên Nội các, cơ quan do vua Minh Mệnh thành lập từ năm 1829 thành Ngự tiền văn phòng. Mặc dù đổi tên nhưng chức năng của Ngự tiền văn phòng gần như không thay đổi so với Nội các trước đây, vẫn là cơ quan giúp việc trực tiếp của nhà vua, luân chuyển, tàng trữ các văn thư quan trọng của triều đình, người đứng đầu đặt cho chức danh mới là Tổng lý Ngự tiền văn phòng.
Năm 1935 để phù hợp với xu thế mới, vua Bảo Đại cho đổi tên và thành lập mới một loạt các bộ trong hệ thống chính quyền An Nam như:
+ Bộ Học đổi tên thành Bộ Quốc gia Giáo dục (năm 1943 lại đổi thành Bộ Quốc dân Giáo dục, năm 1945 là Bộ Giáo dục Mỹ thuật);
+ Bộ Hộ bị xóa bỏ để thành lập mới các Bộ Kinh tế (năm 1943 đổi tên thành Bộ Kinh tế – Nông nghiệp) và Bộ Tài chính;
+ Bộ Công được đổi tên thành Bộ Công chánh giao thông;
+ Bộ Lễ bị xóa bỏ để thành lập mới Bộ Lễ – Công (năm 1943 đổi thành Bộ Lễ nghi Công tác);
+ Bộ Hình đổi tên thành Bộ Tư pháp;
+ Bộ Lại đổi tên thành Bộ Nội vụ.
Ngoài ra sau đó vua Bảo Đại còn thành lập thêm một số bộ mới như Bộ Thanh niên, Bộ Y tế cứu tế… trên cơ sở tách ra từ những bộ đã thành lập. Người đứng đầu các bộ theo cách gọi Nam triều là Thượng thư nhưng trong các văn bản tiếng Việt và tiếng Pháp được gọi là Bộ trưởng hoặc Ministe.
La Thụy sưu tầm và biên tập
H.Phi chuyển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét