THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc viết ngày 12 tháng 11 năm 2013
Hồi học lơp đệ Tam, tương đương với lớp 10 ngày nay, chúng tôi được dậy một bài văn của Rabelais nhan đề Mouton de Panurge.
Panurge là bạn của Pantagruel, và là con của Gargantua. Trong một chuyến đi xa với Pantagruel, Panurge có chuyện cãi nhau với một nhà buôn tên là Dindenault vì bị Dindenault lừa bán cho một món hàng với giá cắt cổ. Để trả thù Dindenault, Panurge mua một con cừu của Dindenault rồi quăng con cừu vừa mua xuống biển. Con cừu này kêu ầm lên và tiếng kêu của nó lôi kéo luôn cả bầy cừu của Dindenault và luôn cả Dindenault nhẩy theo xuống biển và Dindenault cuối cùng chết đuối dưới biển.
Mouton de Panurge trở thành một danh từ để chỉ những người làm theo, bắt chước những người khác một cách mù quáng bất kể những hành động bắt chước đó hay dở ra sao cũng cứ làm như những con cừu nhẩy xuống biển vì thấy con cừu của Panurge bị ném xuống nước.
Mới đây, một em-xi trong nước vừa bị một trận "vỡ mặt" chỉ vì nhắm mắt nhắm mũi nói một câu vô cùng vô duyên, câu "xin quí vị một tràng pháo tay" để cho "các đồng bào miền Trung đang bị bão lũ".
Miền Trung bị bão Hải Yến kéo qua, tuy không bị nặng như ở Phi Luật Tân, nhưng trận thiên tai vẫn gây tàn phá, thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều vùng. Các nạn nhân đang khốn đốn với trận bão thì em-xi xin "một tràng pháo tay" cho đồng bào.
Câu "xin một tràng pháo tay" là một câu vô duyên khủng khiếp nhưng lại được lôi ra dùng nhiều nhất. Hình như làm em-xi là phải lận lưng câu này để lúc nào bí, không biết nói gì, thì lôi ra dùng ngay. Câu xin xỏ này là một câu được những em-xi bạ đâu dùng đó, một thứ thuốc đem dùng để trị bách bệnh, nhưng không chữa được bệnh nào cả.
Đó là một câu khinh thường, nhục mạ các nghệ sĩ trình diễn và luôn cả khán giả nữa.
Vỗ tay là việc làm tự ý của khán giả để bầy tỏ sự tán thưởng gửi cho người trình bầy một bản nhạc, một bản đàn, một vở kịch hay một bài nói chuyện của diễn giả. Thế thì tại sao phải "xin quí vị một tràng pháo tay" cho ca sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, diễn giả? Vì những người ấy quá dở, dở đến nỗi phải xin cho họ một tràng pháo tay để an ủi họ hay sao?
Xin xỏ như vậy là nhục mạ những nghệ sĩ trình diễn, những kịch sĩ, diễn giả… cho rằng họ tệ, họ dở, hát hỏng, đàn địch, nói chuyện, diễn thuyết không ra gì đến độ phải xin cho họ tràng pháo tay.
Còn về phía khán giả thì nếu thấy hài lòng, thán phục thưởng thức khả năng trình diễn, diễn xuất, hùng biện của các nghệ sĩ, diễn giả thì khán giả tất nhiên sẽ tự động bầy tỏ sự tán thưởng đó, không cần phải được nhắc nhở, chỉ vẽ. Ông Tú Xương đi nghe hát ả đào có bao giờ được yêu cầu đánh một hồi trống chầu để tán thưởng giọng hát của ca nhi đâu? Đề nghị ông cho một vài tiếng trống chầu thì có mà chết với ông, ông cho vào thơ bêu riếu cho mà xấu cả mấy đời.
Thế thì xin một tràng pháo tay của khán giả có khác gì nói với khán giả rằng này, các ông không biết thưởng thức gì hết cả, thực bất tri kỳ vị, miếng ngon ăn vào mồm cũng không biết, ca nhi, nhạc sĩ ca hát như thế mà cứ như là đàn gẩy tai trâu cả… Vỗ tay lên chứ, sao cứ ngồi trơ mắt ra như thế kia?
Câu "xin quí vị một tràng pháo tay" không biết do một người vô ý thức nào nghĩ ra, thế là những con cừu của Panurge nhao nhao lên giọng bắt chước, bất kể hay dở thế nào cứ thế mà "xin quí vị một tràng pháo tay". Đang đứng đực mặt ra trên sân khấu, không biết nói gì… thế là em-xi "xin quí vị một tràng pháo tay" cho giọng hát, cho ban nhạc, cho chuyên viên ánh sáng, cho diễn giả…
Có lẽ những người xin làm em-xi, mà chuyện xin làm này là có thật, lúc vận động để được ban tổ chức cho lên sân khấu đều phải viết trong résumé xin việc rằng sẽ nói rất nhiều lần câu "xin quí vị một tràng pháo tay" và đã từng dùng câu này nhiều lần nên nay làm rất quen miệng thì phải.
Trong những trường hợp như thế thì "xin quí vị một tràng pháo tay" là rất nên, rất cần và rất đúng. Vì em-xi vô duyên và ăn nói dở ẹc như vậy thì cần cho một tràng pháo tay lắm đấy chứ.
Như cô em-xi ấm ớ ăn nói tầm bậy tầm bạ trong một chương trình nhạc ở Hà Nội mới đây bị chửi cho nát mặt vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét