Hồng Nhan – Tranh: Diễm Hạ
Hồi nhỏ có những năm tôi đã thương chị Tư hơn là thương mẹ. Đó là sau này mẹ đã kể lại cho tôi như vậy. Những lúc đó mẹ nhìn tôi và chúm chím cười: “Hồi đó mày chỉ biết tới con Tư chứ đâu có thèm biết đến tao”. Bấy giờ thì tôi cũng khá lớn rồi. Tôi có thể nghe được trong giọng mẹ một tình cảm hạnh phúc lẫn với chút ghen tị. Mỗi lần nghe vậy tôi chỉ nhìn mẹ và cười không nói. Tôi vẫn luôn luôn như vậy, luôn luôn vụng về trong cách bày tỏ tình cảm. Đã có lần đi học về tôi đã nghĩ về trong cách bày tỏ tình cảm. Đã có lần đi học về tôi đã nghĩ đến chuyện nắm lấy vai mẹ và sẽ nói: “Mẹ, con thương mẹ lắm”, như một lần vừa đọc xong Bông Hồng Cài Áo. Nhưng vẫn chưa bao giờ tôi làm được vậy. Tôi đã quăng cặp vào gầm giường và chạy vào bếp tìm mẹ. Mẹ đang ngồi quạt lò than vừa nhóm, khói bay lên mù mịt. Tôi đi tới đi lui đi quẩn đi quanh và băn khoăn là cậu bé Nhất Hạnh hồi đó có từng bối rối như tôi không. Tôi sợ là khi tới gần có thể ho lên sặc sụa và quên ngay mất lời êm dịu sẽ nói. Nhưng ngay khi thấy cuốn truyện võ hiệp Kim Dung của dì tôi nhô ra một góc tận trên đầu tủ, tôi đã nhón chân kéo nó xuống và nằm vật ra giường đọc mải miết quên bẵng cả việc nói một câu gì đó với mẹ. Tôi không thể nhớ hết được những ngày nhỏ dại mà đôi khi mẹ vẫn kể lại. Đó là một thế giới ẩn hiện giữa sương mù, những khuôn mặt chợt đến, hiện ra tồi lại tan đi. Con chị Tư kia, người mà mẹ từng kể rằng tôi đã thương chị hơn thương mẹ, thỉnh thoảng sau này tôi cũng thường gặp và đến thăm, cho tới bây giờ vẫn chưa biết tên thật của chị là gì.
Nhưng hẳn là mẹ phải biết tên chị, tôi đoán như vậy. Thưở đó không ai đi mướn một người giúp việc mà chưa nhìn thấy căn cước của người đó. Thuở đó ba tôi đi hoài, ít khi ông có mặt ở nhà. Mẹ tôi dạy ở một lớp mẫu giáo trong xóm. Tất nhiên là mẹ có quyền làm việc đó chẳng ai cấm cản cả. Trường chẳng có một ông Hiệu Trưởng nào hung dữ để cho các cô giáo và học trò phải sợ cả. Gọi là trường cho ngon chứ thật ra chỉ là hai lớp sáng chiều mà mẹ là cô giáo và cũng là tất cả những nhân viên chức việc trong trường. Mẹ không thể để tôi lê la bò giữa lớp hay tập đi vịn vào bàn ghế học trò giữa lúc những đứa trẻ kia đang đánh vần i tờ hay tập hát. Và biết đâu đó, sẽ không chừng có một trò nào lâu lâu lại cốc vào đầu tôi một cái để thử xem mẹ sẽ dỗ tôi nín khóc thế nào hoặc là chỉ để trả thù cô giáo cứ ưa bắt học trò tập phát âm những tiếng kỳ lạ chưa gặp trong đời bao giờ.
Còn dì tôi thì đâu có thể nào coi ngó tôi được. Dì phải đi học ở một trường trung học ở một trường. Trung học hơi xa một buổi, còn buổi kia thì như những tờ báo Tuổi Ngọc, Tuổi Hồng ngày ấy ưa nói là để mộng bướm mơ hoa. Sau này dì kể là có một lần tôi đã thoát ra khỏi tay dì lúc nào không biết, thực sự điều này tôi rất là ngờ vì chưa bao giờ tôi nhớ được là có lần nào tôi ở trên tay dì cả, tôi đã chập chững ra tận sau ao nhà và ngồi dưới vũng nước cạn chơi giỡn với cặp ngỗng khổng lồ. Khi mẹ ghé về trong giờ ra chơi của lớp, mẹ vẫn thường như vậy để lâu lâu lại khám phá ra một trò gì mới đấy của cô em nhỏ của mẹ, thì bắt gặp tôi đang bết đầy bùn sình bò đuổi theo cặp ngỗng. Mẹ đã bảo rằng tinh thần trách nhiệm của cặp ngỗng thì cao hơn của dì tôi thật, nhưng không thể nào hai người bạn già ấy có thể giữ tôi sạch sẽ được, thế là vài hôm sau chị Tư về ở với chúng tôi.
Mẹ đã tìm được chị Tư ở bồn binh chợ Bến Thành vào một ngày cuối tuần. Vào những năm chiến tranh ở những miền quê bắt đầu lan rộng. Người ta không thể ở một nơi cho yên ổn mà ngày là quốc gia và đêm là của du kích. Nhất là ở lứa tuổi thanh niên, con trai hẳn nhiên là phải có quyết định rõ ràng nếu không thì cũng có người quyết định giùm, còn con gái thì chỉ có cách rời quê lên tỉnh. Mẹ đã bắt gặp chị đang ngồi ở một bệ đá bồn binh, mắt ngơ ngác nhìn quanh, câm lặng trước mấy tên con trai bụi đời lảng vảng chung quanh. Ở bên chị là một gói nhựt trình phồng lên chắc là gói theo một hai bộ quần áo gì đó. Hẳn là khuôn mặt chị có vẻ gì ngây thơ lạ lắm nên mẹ mới có can đảm bước tới gạt lũ con trai kia ra để hỏi thăm chuyện. Và mẹ đã quyết định thật nhanh để rồi chị lủi thủi theo mẹ tôi về một nơi mà chị chưa từng biết đến, để coi sóc một thằng bé chỉ thích vật lộn với ngỗng, và để cho dì tôi… có Trời mới biết hết được những trò gì dì tôi đã bày ra hồi đó.
Mẹ đặt tên cho chị là chị Tư. Như vậy là tình cảm lắm, cả xóm ai cũng biết là mẹ tôi rất thương người. Ở miền Nam mình, người ta rất tôn trọng thứ tự. Trong xóm người ta gọi mẹ là cô giáo Ba. Còn dì tôi thì theo thói quen những người con gái mới lớn rất ghét bị kêu theo thứ tự, nếu thế thì những cái tên đẹp trong giấy tờ để làm gì nhỉ, không thể để chỉ bắt buộc riêng cho một chàng trai nào gọi, mà dì tôi thì chưa tới tuổi để có cái uy quyền như vậy. Mẹ có thể gọi chị là thứ Tám, thứ Chín gì cũng được, rồi cũng êm tai và dễ thương như con người của chị. Nhưng không, mẹ đã trao cái thứ tự của dì tôi quạu quọ vì bị gọi là con Tư. Còn với một đứa bé chưa biết nói như tôi thì chẳng hề gì cả, tôi đoan như thế, có lẽ lúc đó tôi chỉ nhận ra rằng mình vừa rời một vặp ngỗng ưa giỡn để ôm vào một con voi ưa chiều chuộng, hẳn là thế.
Tôi không thể nào nhớ được khuôn mặt của chị hồi đó. Nhưng hẳn là phải dễ thương và có vẻ gái quê vô tội lắm vì sau này mẹ cứ nói về những nết na của chị rồi lâu lâu lại nhắc rằng tôi đã thích gần chị hơn mẹ. Nhưng hẳn nhiên là cha tôi không được phép có chung một sở thích đó với tôi dù là cha cũng giàu lòng thương yêu mọi người như tôi. Nếu không thì mẹ chẳng bao giờ kể chuyện về chị một cách thoải mái như vậy. Sau này trong những lần gặp lại chị đã gia dần đi với thời gian.
Mẹ tôi là người trước tiên khám phá ra rằng chị là người chia sẻ một cách nghiêm trọng tình thương của tôi. Vào những giờ mẹ sắp tan trường chị thường ẵm tôi ra đứng trước cửa để chờ mẹ. Và khi mẹ bước tới để chiếc giỏ xuống bên cửa sửa soạn ôm tôi vào lòng thì tôi quay lại úp mặt vào bộ ngực khổng lồ của chị. Và khi mẹ xốc nách tôi lên để ẵm thì đôi tay nhỏ bé của tôi lại nắm chặt lấy áo chị và khóc thét lên. Những lúc như bấy giờ thì không có cách nào làm tôi câm lặng được nữa, mẹ kể lại, tôi đã rống lên không thôi vào vai mẹ và méo miệng măm măm những lời dụ dỗ đi tới đi lui trong sân. Hẳn nhiên là những lúc ấy tôi chưa thể nào nghe được những lời nào với lời nào cả, nhưng hẳn là phải phân biệt được sự khác hẳn nhau giữa đôi tay gầy và bộ vai xương xẩu của mẹ với sự êm ái trong vòng tay của chị. Mặc dù chị đã trốn biệt hẳn xuống bếp để nấu cơm hay làm gì đó, đúng hơn là để xa hẳn tầm mắt của tôi may ra thằng bé sẽ chịu yên ổn trong tay mẹ chăng. Nhưng tôi vẫn ồn ào khóc đòi chị không thôi vì rõ ràng là tôi hình như chẳng bao giờ chịu phân biệt mọi chuyện trên đời bằng mắt cả mà lại phân biệt bằng cảm xúc của đôi tay.
Mẹ lại ẵm tôi ra quán tạp hóa của bà Sáu Thôi ở đầu ngõ, đúng ra đây chỉ là một sạp hàng xén nhỏ, mua cho tôi một cái bánh bích qui hay là một cái lục lạc gì đấy. Mặc dù tôi đã nắm chặt được cái bánh trong tay hay cái lục lạc lắc cắc reo vui, tôi vẫn đập tay khóc đòi chị mà đôi nắm tay chẳng tội gì buông ra ba cái của quỷ kia. Thế là mẹ phải gọi chị Tư lên và trao thằng bé cho chị. Và mẹ lại kèm thêm một lời với chị cho chị đỡ băn khoăn:
– Nó giống ba nó lạ, tính quái dị lắm, muốn gì là đòi cho bằng được mới thôi. Để nữa lớn coi, tha hồ mà lì…
Nhưng tôi biết chẳng giống gì đâu. Tôi biết cha tôi lắm, nếu lúc đó không đang đứng bên cạnh hẳn là sẽ tủm tỉm cười khi nghe nói vậy, nếu ông muốn điều gì thì ông sẽ chẳng bao giờ khóc lóc đòi ồn ào như vậy.
Ở trước nhà tôi có cây ổi lớn, nơi đó thỉnh thoảng dì tôi vẫn gọi thêm về vài người bạn học và lấy cây hái ổi. Dì không được phép leo cây như tôi sau này vẫn thường làm. Hình như điều đó là một lệ cấm cho con gái thời đó. Có những chòm trái cao ưa ngả nghiêng trước gió thì dì và những người bạn gái không thể nào đưa cây hái tới được. Thỉnh thoảng những lúc mẹ tôi không có nhà, chị Tư lại biểu diễn tài leo cây hái ổi cho những cô bé kia nhìn theo mà thán phục. Ở quê nhà chị, chị đã leo đủ thứ cây mà nào có ai cấm đâu. Chị đã kết luận với dì rằng ở thành phố thực sự là có quá nhiều lệ cấm vô lý. Tất cả những người con gái leo cây ở quê nhà mà chị biết đều chẳng hề gặp tai nạn nào cả, như chị nói là họ có Bà đỡ. Bà này cũng thiên vị lắm vì tai nạn lại thường xảy ra cho con trai leo cây. Và chị lại dạy cho dì leo cây. Nhưng những cơ hội này cũng hiếm hoi lắm vì trong xóm ai cũng biết là mẹ tôi cấm tất cả lũ học trò của mẹ làm đủ thứ trò phá phách mà trong đó trèo cây hái trái lại là một tội không nhẹ. Vả lại trong xóm ai cũng có thói quen nói nhiều về những lỗi lầm của người khác mà không loại trừ con nít hay con gái. Và mẹ sẽ nghe được đủ thứ chuyện đó mỗi lần ghé quán tạp hóa bà Sáu Thôi hay là trên những con ngõ vào khu chợ Chồn Hổm của xóm vì mẹ vẫn không được coi là kẻ sẽ nghiêm trị tất cả những lỗi lầm của con nít trong xóm. Ngay cả khi những đứa con nít kia có lớn lên thì mẹ cũng phải nghe đủ ba điều bốn chuyện về nó. Và ngay cả cho nó có học ở một lớp nào ngoài xóm đi nữa thì mẹ cũng lại được thở than về cả những đứa không hề là học trò mình. Cuối cùng thì mẹ đã tập được một đức tính là phải chịu trách nhiệm về tất cả những rối rắm của trần gian mà trong đó dì tôi lại thường là nạn nhân của những điều tiếng trong xóm. Chẳng ai hiểu làm sao cả mà dì hiển nhiên lại càng chẳng hiểu gì cả. Mà nào có sao đâu, chẳng qua là lũ con nít trong xóm lại ưa đi theo dì đủ chỗ dì đi. Cho tới khi dì vào tuổi trung niên tôi vẫn còn nhận thấy điều này. Và dĩ nhiên khi một lũ con nít kéo qua một nơi nào đó thì thế nào cũng có chuyện. Và dì lại luôn luôn có đủ sáng kiến bày ra trên con đường lũ nhỏ ấy đi. Hoặc là ngày hôm ấy con chó Vện già đến lòa mắt hiền lành đang cần được mặc một cái áo cũ rách để chạy lăng quăng của ngạc nhiên vì thấy mình cũng bắt đầu khệnh khạng áo mũ như người. Hoặc là những ụ cát được vun lại giữa đường cặm cờ lá chuối để thử xem những người lớn đang đi xe đạp bối rối tới đâu. Hôm nào mà tệ lắm thì mới tạc hình, đánh đũa… Chẳng ai hiểu được làm sao cả. Sau này thì tôi tin rằng những người lớn ưa phàn nàn đó chỉ vì họ thấy không còn đủ tuổi để xin tham dự những trò chơi ấy thôi.
Và chị Tư ngoài việc hấp dẫn cả tôi lài còn hấp dẫn cả dì nữa. Chị đã bày thêm những trò chơi đồng quê mà chị biết cho dì. Đương nhiên dì lại chẳng hề từ chối trò chơi nào cả. Thế là có một ngày tất cả lá chuối trong xóm bỗng nhiên bị xé te tua cả. Và dì tôi dẫn một đàn con nít đi diễu trong xóm mỗi đứa cầm thổi một cái còn lá chuối. Có đứa nào biết quấn còi lá chuối trước đây đâu, cho tới ngày chị Tư chỉ mới biết thôi. Nhưng dĩ nhiên là con đường của đoàn quân ấy phải xa ngôi trường của mẹ lắm. Nhưng buổi chiều hôm ấy thì thật kinh khủng. Trên đường mẹ về hình như đã được đón bởi những lời rỉ tai có trách nhiệm.
Nhưng tôi đoán là những lời vô trách nhiệm thì sẽ nhiều hơn vì người trong xóm tôi hình như ai cũng giàu tưởng tượng cả. Thậm chí đến có thể nghe được cả những lời ưu tư lo ngại dì tôi sau này trở thành một nữ tướng cướp chẳng hạn. Và khuôn mặt họ sẽ trở nên rầu rỉ khi nói những lời như vậy với mẹ tôi nhưng tia mắt thì sẽ sáng lên khi thấy mặt mẹ tôi khẽ cau lại. Sau này mẹ cũng kể lại những chi tiết đó mà mẹ đã ghi nhận được. Nhưng lúc đó mẹ đã trả lời trấn an bà con trong xóm, những người tốt bụng có những đứa con em một buổi thì ngồi dưới cây thước kẻ của mẹ còn một bổi thì chạy theo tiếng còi lá chuối của dì.
– Được rồi tôi sẽ liệu…
Chiều hôm đó mẹ bắt dì đi từng nhà vòng tay xin lỗi những người lớn vì tội xúi con nít làm ồn trong xóm và xé lá chuối, tội mà ai cũng từng mắc phải khi còn nhỏ. Nhưng đây đúng là một hình phạt quá cực cho dì. Khi dì về thì ngồi vào một góc khóc nức nở. Chị Tư phải tơi ôm dỗ hoài mới thôi. Mẹ chẳng nói thêm gì thêm cả, kể cả trong bữa cơm chiều mà dì bỏ ăn. Hẳn là mẹ cho rằng dì cũng đã khá lớn rồi, đang học Trung Học Đệ Nhất Cấp chứ ít gì, nghĩa là vài năm nữa sẽ có thể cạnh tranh được với mẹ trong việc cầm thước kẻ đe dọa con nít. Chị Tư cũng bỏ ăn chiều đó để ngồi ôm dì thủ thỉ đủ chuyện.
Sau đó thì chị bắt đầu đổi cách bày trò chơi cho dì. Những buổi trưa ngồi với dì và một bầy con nít trong xóm bu quanh dưới gốc cây ổi mát mẻ ấy, chị hát những lời ca dao dưới quê chị và tập cho mấy đứa nhỏ hò theo. Những lúc đó hẳn là chị say sưa lắm vì hình như đứa nào cũng bị lấy cái say mê đó. Trò này có hiệu quả tốt ngay vì mẹ đã khen dì khi bắt gặp dì hò ơ khi đang đưa võng cho tôi ngủ. Cả đến sau này khi tôi đã khá lớn thì mẹ vẫn thường kể lại chuyện này và cho đó là tính thuyết phục của thi ca, đã làm cho dì tôi từ một đứa con gái nghịch ngợm trở nên mơ mộng và đằm thắm. Và mẹ kết luận rằng dì phải mang ơn chị Tư nhiều lắm. Chẳng ai biết ra sao cả. Cho tới bây giờ tôi vẫn không đồng ý điều đó. Mặc dù nghe đã nhiều nhưng nghe thì còn tạm được chứ còn bắt tôi hò thì chịu thua, vả lại tôi vẫn còn giữ được thói xấu của thời nằm võng ấy là mỗi lần nghe cái gì như vậy thì lại ngáp và có thể ngủ được. Tôi chỉ có thể phân biệt được một điều duy nhất giữa các điệu hò lơ là cảm giác buồn ngủ nhiều hay ít thôi. Mẹ và dì không đồng ý với tôi điều đó mà chỉ đồng ý về các câu vọng cổ của chị Tư thôi, đúng là tới đây thì hoàn toàn không thể chịu đựng được. Nhưng chắc là chẳng ai nỡ nói ra với chị như vậy. Mẹ chỉ than phiền với tôi là tới thế hệ của mẹ thì tính dân tộc có vẻ đã nhạt đi rất nhiều mà ngay tới vọng cổ cũng đã chịu không hiểu nổi. Tôi chưa bao giờ chia sẻ những nổi lo âu đó của mẹ vì hỏi tính dân tộc là gì thì chịu thôi chẳng trả lời nổi. Chuyện đó chắc phải để một tuổi nào khác.
Có một thời tôi bị ghẻ đầy người, ngay đến trên đầu chóc lở mọc cũng lung tung đến mẹ phải cạo sạch đến trọc đầu. Mẹ kể là đã đưa đủ bác sĩ rồi tới các thầy thuốc Bắc thuốc Nam mà cũng chịu, chẳng thể nào hết được. Đủ thứ thuốc xanh, đỏ, tím, vàng đã bôi xức trên da tôi từ đỉnh đầu cho tới ngón chân trong nhiều ngày. Tôi đã trở thành đứa bé lòe loẹt nhiều màu sắc nhất trong xóm, cứ mỗi lần đổi thuốc lại mang trên da một màu khác. Tôi gần như khóc suốt ngày vì đau đớn. Chị Tư cũng cần như phải ẵm tôi suốt ngày vì chỉ trong tay chị tôi mới đỡ khóc. Cả đến ban đêm tôi bị ghẻ hành trở khóc nhiều phen làm chị cũng phải thức dỗ không thôi. Cuối cùng thì mẹ mới cho rằng đây là bệnh nghiệp mới dai dẳng như thế, đành phải ẵm tới một thầy pháp ở xóm ngoài để làm phù phép cột dây ngũ sắc vào cổ thế nào đấy. Đây phải là một nhượng bộ hết sức lớn lao của mẹ vì bà con trong xóm, tôi đoán mẹ sẽ nghĩ thế, chẳng ai mong đợi thấy cô giáo đầy uy tín của họ bước vào nơi có cả lên đồng lên cốt gì đấy. Nhưng rồi ông Thầy ấy cũng phải chịu thua thôi. Cũng đến cả một hai tháng sau ngày đeo dây ngũ sắc mà ghẻ vẫn không chịu đi. Cả ngày tôi cứ phải trên tay chị Tư khóc đủ thứ giọng và làm cho đôi cánh tay của chị cũng lấm đủ thứ màu thuốc. Chị mới nói với mẹ về một phương thuốc đồng quê là phải cho thằng nhỏ tắm lá ổi. Thế là dì phải có nhiệm vụ leo cây hái lá ổi, cuối cùng thì mẹ phải đồng ý điều này khi gì quả quyết cam đoan là việc đó chẳng có chi là khó và dì đã từng leo rất nhiều phen mà mẹ chẳng hề biết. Giữa lúc mẹ còn đang ngần ngừ thì dì đã vội vàng ra gốc ổi biểu diễn ngay một màn đúng sách vở của chị Tư với những tư thế lạ đời lủng lẳng phóng qua phóng lại đến mẹ phải bật cười. Thế là xong, mỗi ngày dì phải đi hái lá ổi cho tôi tắm. Cây ổi trước nhà hết sạch lá chỉ còn trơ những cành khẳng khiu lỉa chỉa thì dì lại được phép đi các nhà trong xóm để xin hái lá ổi. Cứ tắm vậy gần một năm mới hết. Không biết có phải lá ổi trị được ghẻ hay không nhưng đúng là hôm nao được tắm lá ổi thì giấc ngủ tôi trở nên êm dịu hơn.
Nhà tôi lại ở gần Thành Nhảy Dù. Thường mỗi ngày vẫn có những anh lính mũ đỏ đi ngang qua nhà tôi vì cái hàng rào sau trại, nơi những người lính ấy thường nhảy qua, lại là lối vào trong xóm. Mỗi sáng sớm sau khi tiếng kèn đồng trong trại thúc lên thì lại có những người lính ra sân chạy đều nhịp, tập thể dục và la hét những cái gì đấy mà chúng tôi không bao giờ nghe kịp được. Lần đó mẹ về và bắt gặp được chị Tư đang đứng nói chuyện dưới góc ổi với một anh áo rằn mũ đỏ. Hẳn là chị phải nể nang anh ta lắm vì biết là sắp tới giờ mẹ vê mà chị đã mất hết những ý niệm về thời gian rồi chăng. Mẹ chẳng nói gì cả lúc đó, nhưng chị đã vội vàng chạy vào nhà. Tính mẹ tôi thì ưa nói, hình như bà mẹ nào cũng vậy cả dù cho có là một bà giáo hay không. Nhưng sau này mẹ đã kể lại là mẹ chẳng bao giờ nói điều gì với chị về sự tình cờ bắt gặp ngày hôm đó. Mẹ đã kiếm cách kể những chuyện gì trên đời ấy cho chị nghe để hiểu rằng cuộc đời có nhiều bất trắc thế nào đấy. Và mẹ cũng không có lời nào như là không tán thành điều đó cả. Chỉ có tôi thực sự là kẻ có lợi nhất trong những chuyện này vì lúc bấy giờ thì tôi đã quen rời tay chị rồi và anh chàng kia thì luôn luôn đến với quà cho tôi, kẹo, bánh hoặc đủ thứ gì đấy để tôi có thể ngồi một chỗ mà giỡn. Cho tới lúc tôi vào được lớp của mẹ thì đám cưới hai người xảy ra. Sau này thỉnh thoảng hai người vẫn đến thăm mẹ tôi và mẹ vẫn gọi anh là thằng Tư một cách thân mặt và đương nhiên mặc cho anh ta tên gì và thứ mấy.
Nhà chị và anh Tư ở không gần xóm tôi lắm. Tới giai đoạn tôi phải đi giao báo buổi sáng thì phải đạp xe qua nhà chị luôn. Mỗi sáng sớm tôi đạp xe với hai túi báo sau xe và một túi báo trước đòn xe chạy giao báo tháng và cũng phải rao đủ thứ chuyện trên đời mà chính tôi cũng chưa hiểu hết. Tôi phải đạp xe phóng ào ào qua các xóm giải quyết cho xong mớ báo để còn kịp đến trường. Chị lại phải mua báo tháng của tôi. Tôi thực sự không muốn điều này vì biết rằng anh Tư đi trận cả năm, bảy tháng mới về một lần còn chị thì hồi ở với mẹ có đủ thứ báo mà chĩ có chịu đọc đâu. Hình như chị đọc chữ cũng rất là mệt nhọc nữa thì phải. Còn hai đứa nhỏ của chị thì chưa tới tuổi để đọc báo. Chị đã phải thề thốt đủ thứ lời rằng cả Sài Gòn chưa có ai mê đọc báo như chị cả, khi đó tôi đã phải bật cười vì nhận ra đây đúng là kiểu nói của mẹ tôi, chỉ khác là mẹ chẳng bao giờ thề thốt cả. Đến khi chỉ bảo thêm rằng chị thích nhất là những màn rao vặt vớ vẫn nào đó thì tôi nhận ra rằng đây chính là sở thích của dì tôi. Nhưng thôi, tôi cũng chẳng biết rằng chị sẽ tiêu thụ những mớ báo của tôi thế nào. Chị thường để cửa sổ rất sớm để tôi đi ngang qua là có thể nhét tờ báo vào một cách dễ dàng. Và luôn luôn tôi cũng lờ đi không bao giờ nhắc tiền mỗi tháng chị phải trả cả. Tôi đã nghĩ, nếu chị có quên luôn cái này thì cũng chẳng hề gì. Nhưng chị chẳng bao giờ quên cả và luôn luôn trả tiền báo tháng sớm hơn hạn một vài ngày. Còn những đứa nhỏ của chị thì thích tôi lắm vì thỉnh thoảng tôi vẫn gói vào một phong kẹo giữa tờ báo. Chị cứ trách tôi về điều này luôn, cho là việc này dễ làm hư tụi nhỏ, nhưng tôi đã nghe được cả những sung sướng của chị trong lời trách đó. Tôi lại cứ phải phân trần hoài thôi, chưa có đứa trẻ nào trên thế giới này hư vì kẹo cả và nhắc rằng nếu có thì anh Tư đã làm tôi hư rồi. Bấy giờ chị mới bảo, tôi chẳng khác gì mẹ tôi cả. Tôi đã chẳng biết giống với khác chỗ nào.
Khi anh Tư tử trận thì tôi mới biết được tên đầy đủ của anh. Mẹ và dì lại đến nhà chị. Mẹ bày ra đủ thứ trò cúng kiến gì đây trong khi chị cứ ngồi khóc sụt sùi cả ngày thôi. Tôi ở lại canh thức quan tài anh đêm cuối cùng. Hai đứa nhỏ kia thì cứ rụt rè câm lặng mắt đỏ hoe đi lại giữa căn nhà nhỏ sáng rực đèn nến và nồng mùi khói hương. Tôi thức đêm đó ngồi giữa một bàn các bạn thân của anh, chạy mua những gói thuốc cho họ và nghe kể về người anh ấy đã sống tốt đẹp với bằng hữu thế nào. Tôi bắt đầu nghe được những địa danh xa lạ ở miền Trung khó nhớ còn hơn cả tên của những ông Thầy dạy toán của tôi. Ở đó người dân nghèo đến lạ. Khi gần đến sáng thì những anh lính ấy trở nên trầm lắng xuống và ngồi phì phèo liên tục những điếu thuốc đen đưa mắt nhìn xa xôi. Ngày mai, họ sẽ không còn được ngồi bên cạnh bạn họ nữa.
Sau đó chị Tư vẫn tiếp tục buôn bán gì đấy ở chợ, nhưng lợi tức tôi đoán không còn khá gì lắm theo tình hình kinh tế chung của thời đó. Chị vẫn nhận báo tháng của tôi dù tôi nói rằng bây giờ chắc chị không có thì giờ để đọc những mục rao vặt mà chị thích. Chị trả lời mấy đứa nhỏ biết đọc rồi cũng cần tập cho tụi nó một thói quen đọc chứ. Từ đó lâu lâu tôi lại kèm thêm vài tờ báo thiếu nhi hoặc dăm cuốn truyện cổ tích để tặng các con chị thay vì kẹo bánh. Thói quen này tôi vẫn còn giữ cả đến sau khi bỏ nghề giao báo. Tôi vẫn ghé thăm thỉnh thoảng, kể cho chị nghe về mẹ và dì, những chuyện này chị thích nghe lắm để rồi chị sẽ nói rằng mẹ chẳng bao giờ khác cả, còn dì tôi thì bao giờ cũng thế, chỉ có điều bây giờ thì ai cũng già đi cả rồi. Sau đó tôi lại quay ra đùa với lũ nhỏ và thò ra một cuốn xì trum hay cao bồi Lucky gì đó.
Năm 76 chị đi Kinh Tế Mới. Ngày hôm chị đi, mẹ ra tận nơi tập trung để tiễn. Tôi phải chạy ra chạy vào khiêng đồ đạc và buộc ràng đóng gói đủ thứ đồ không xài được mà chị vẫn muốn đem theo. Vả lại thực sự thì nhà chị có gì đâu. Đúng ra là tôi cũng muốn chị chẳng nên bỏ lại cái gì cả. Mẹ buộc tôi phải nhảy lên xe theo chị tới tận nơi sắp xếp đồ đạc rồi mới được về.
Chị được đưa tới một nơi ở xã Minh Long đâu đó ở Sông Bé. Tôi, chị và hai đứa nhỏ khiêng đồ vào một ngôi nhà tranh mới dựng còn thơm mùi gỗ rừng, quanh nhà những đám tranh cao ngang bụng tua tủa lá. Sau khi dọn đồ xong, tôi thờ thẩn ra đứng ngó bờ rừng sau nhà. Tiếng chim kêu thảng thốt buồn đến lạ, buồn hơn các điệu hò lơ và vọng cổ của chị nhiều lắm. Hai đứa nhỏ ra đứng ôm lấy tôi thút thít khóc. Tôi phải hứa là thỉnh thoảng sẽ ghé thăm dù biết rằng rồi sẽ không mấy khi có dịp, chẳng ai biết được cái gì chờ đợi họ và cả tôi nữa. Tôi đã chỉ siết chặt hai đứa vào lòng thôi, nói bâng quơ là ở đây nhiều chim quá và im lặng, thật ra lòng tôi còn muốn nói thêm rằng anh cũng chỉ là một đứa nhỏ như các em thôi, chỉ khác là tuổi lớn hơn, và anh thì chẳng biết gì hơn các em cả.
Một thời gian sau mẹ tôi mất. Sau đám tang tôi lại phải lên ghé thăm chị để tin cho biết. Bấy giờ những đám tranh quanh nhà đã được bạt sạch cả rồi và nhô lên những đám mì khẳng khiu chưa đủ lá cho nắng. Đã có những con đường mòn đưa vào rừng nhẵn thín bước chân. Tiếng chim không còn kêu nhiều như trước nữa, đúng ra là tôi không còn nghe được tiếng chim nào nữa, chúng đã đi đâu vào thuở nào đấy. Chỉ còn lại tiếng gió đùa quanh xao xác những chòm lá. Hai đứa nhỏ đen thui vì nắng đang đi ôm củi về chạy tới mừng rỡ. Chị đi rẫy chưa về. Tôi có xách theo một giỏ cá khô, bánh, kẹo với đủ thứ gì đấy mà dì tôi đã nhét vô. Hai đứa đã nhiều ngày không hề biết tới bánh kẹo là gì, tôi nhận được điều đó qua cử chỉ của chúng.
Chị trông già đi nhiều lắm, tóc lấm chấm bạc rồi, Chị quăng khúc củi dài ngoằn khổng lồ trên vai xuống sân cái rầm khi thấy tôi đứng nơi cửa với hai đứa bé. Chị đã gầy đi nhiều lắm và thêm nhiều nếp nhăn trên mắt. Bộ quần áo vá nhiều nơi với những đường chỉ mà tôi đoán là chị chẳng thiết tha gì lắm. Chị trách cứ tôi một chập khi thấy giỏ đồ của dì tôi đã mở vương vãi để lấy ra những phần của hai đứa nhỏ. Chị bảo là tội hai đứa nhỏ quá nhưng cứ để quen đi rồi cũng chẳng sao. Khi tôi nói mẹ đã mất, chị òa lên khóc nức nở. Giọng chị nghẹn lại vừa khóc vừa kể lể mà tôi nghe tiếng được tiếng mất. Tôi chỉ ngồi bối rối đưa mắt nhìn lên những kèo nhà loang lổ vỏ cây rừng khô khốc khô khiu. Chị hỏi giây phút cuối của mẹ có đau đớn gì không. Tôi đáp là chẳng đau đớn gì lắm, mẹ rất tỉnh táo, còn giỡn với dì nữa chứ trước khi nhắn nhủ ra đi. Thật ra thì tôi nói dối, làm sao mẹ không đau đớn được vì mẹ đã mất vì ung thư cơ mà. Chị lại hỏi về tôi:
– Tội em quá. Em có tính làm gì bây giờ không?
Tôi chỉ nói bâng quơ, tôi đã tập được kiểu nói bâng quơ của cha tôi mỗi khi ông phải nói chuyện gì ngay ngắn với mẹ:
– Ở đây chắc buồn lắm chị nhì?
– Tội nghiệp em quá. Em giống cô Ba ở chỗ hiền lành quá, chẳng chút nào giống ông già cả. Làm sao mà sống nổi ở cái thời này. Chẳng biết bao giờ nước mình mới hết khổ.
– Thôi chị, em sắp nổi điên rồi đấy…
Tôi bước ra sau hè ngó những trái mướp lủng lẳng trên giàn. Chiều đó tôi ăn với gia đình chị bữa cơm độn khoai mì, dì tôi đã quên mua gạo làm quà cho chị. Những thức ăn dì tôi gởi lên làm lũ nhỏ vui hơn nói chuyện ồn ào tíu tít. Nhưng chị chỉ ngồi đó lâu lâu đưa vạt áo lên chậm nước mắt.
Khi tôi về trời cũng gần tối rồi. Tôi phải đi bộ mấy cây số để tới bến xe lam đưa ra Chơn Thành. Tôi đi ngang qua những ngôi nhà bỏ hoang, có những người đã trốn từ vùng Kinh Tế Mới về lang thang ở thành phố. Ngang qua một, hai quán cốc lưa thưa vài ông già ngồi trầm lặng buồn bã ngó bầu trời đêm đang xuống, những quán này hình như chẳng bán gì cả chỉ trừ vài cây kẹo đậu phộng và một thứ nước mà họ gọi là cà phê. May còn chuyến xe lam cuối cùng.
Khi lên xe ngồi, bất chợt tôi úp mặt vào tay, tôi vừa nhận ra tôi đang khóc. Đó là lần cuối cùng tôi gặp chị Tư.
Phan Tấn Hải
(Trích: Cậu Bé và Hoa Mai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét