15 thg 4, 2020

VỈA HÈ VÀ DÒNG SÔNG (Văn Việt )

Truyện Trương Quang
Sáng sớm khi những con đường trong thành phố còn vắng và chưa bị các loại tạp âm và khói bụi bao phủ, anh thường đi qua con hẻm trước nhà, rồi rẽ phải để đón xe buýt số 28 đi về hướng chợ trung tâm. Thông thường, anh không ngồi đến trạm cuối cùng mà hay xuống ở một ngã tư, nơi chấm dứt của một dãy biệt thự thời Pháp còn để lại và là điểm khởi đầu của một đoạn vỉa hè, thường rất rộn rịp người-mua-kẻ-bán khi thành phố thực sự bắt đầu một ngày mới.
Hôm nay anh không ngồi đến cuối đường như thường lệ mà xuống ở dốc cầu, rồi đi men theo bờ kênh, ghé vào một tiệm sách cũ nằm khuất dưới hai cây bàng tỏa lá rậm rạp, hầu như không lúc nào thấy ánh nắng, mặc dù dòng nước đục ngầu phía trước bao giờ cũng như bốc hơi vì nắng nóng. Ở đó anh có thể lục lọi hàng giờ những đống sách cũ đủ loại, như một người thất tình lang thang đi tìm lại một niềm vui đã chôn vùi trong đống tro tàn dĩ vãng. Vẫn biết là vô vọng, nhưng anh vẫn tiếp tục loay hoay, miệt mài lục lọi, vì những lúc này anh có thì giờ để lang thang và tìm kiếm, dù không biết mình đang tìm kiếm cái gì.
Sáng nay, anh đã rất may mắn tìm được mẩu than hồng hiếm hoi vùi mình sâu trong đống tro tàn. Cuốn sách đó, như một mỹ nhân với khuôn mặt thanh tú và tấm thân mảnh dẻ, bám đầy bụi bặm, nằm xen kẽ giữa một đống sách cũ, đã tình cờ rơi đúng vào chân anh, khi cả một giá sách cao thình lình đổ xuống, làm vung vãi sách báo tạp nham cùng với bụi, mạng nhện và mùi ẩm thấp lưu cữu.
Khi anh cúi người nhặt cuốn sách và thoáng nhìn thấy tên tác giả trên bìa, tim và mạch máu trong anh bỗng tăng nhịp đập loạn xạ. Tự dưng anh cúi đầu thì thầm cám ơn một điều gì kỳ diệu đã đến với mình và nước mắt bất chợt ứa ra vì sung sướng. Nhưng khi vội vã băng qua bên kia đường với niềm vui mới trên tay, anh bất ngờ đâm sầm vào một chiếc xe đạp chất đầy bìa giấy cứng, khiến cuốn sách vượt khỏi tay rơi xuống đất một lần nữa; một điều anh luôn luôn cố tránh đối với những trang-giấy-có-ghi-lời-lẽ-của-thánh-hiền.
Đó là một cụ già đã hơn chín mươi tuổi, chân mang đôi dép da rất cũ, nhưng thân chiếc áo dài tay lại được bỏ vào quần cẩn thận. Cụ thường đẩy chiếc xe đạp tuềnh toàng qua các con hẻm trong vùng, nhặt nhạnh những tấm giấy vụn vặt và bìa các-tông đã được ai đó cố ý xếp riêng ra trước nhà cho cụ vào sáng sớm.
Anh đã nhiều lần gặp và đã nói chuyện với cụ ở đoạn đường thường xuống xe buýt để đi bộ. Ông cụ rất kiệm lời, không tiết lộ gì nhiều về gia thế ngoài tuổi tác và nguyên quán của mình. Chỉ có một lần trước Tết, khi anh tế nhị nhét cái phong bì vào túi áo, ông cụ dừng tay đang bận rộn cột thắt, đôi mắt tối thẳm nhìn vào mặt anh, nói nhanh “Cám ơn ngài”.  Cái tên làng Xuân Trường xa lạ đã gây cho anh đôi chút hiếu kỳ và khó hiểu, nhưng cái nhìn bối rối và ngôn ngữ trịnh trọng của ông cụ quả thật đã khiến anh thực sự xấu hổ.
Cuốn sách vẫn nằm dưới đất trong khi anh tìm cách phụ ông cụ buộc những tấm các-tông vào yên sau và hai bên hông chiếc xe đạp, cho đến khi một bàn tay ai đó nhặt lên. Anh thoáng nghe tiếng một bàn tay vuốt nhẹ nhàng qua hai bìa cuốn sách, như để gột đi lớp bụi vỉa hè. Anh đứng lên, cũng đúng lúc người đàn ông lạ đưa trả cuốn sách. Ông giở mũ lưỡi trai cầm ở tay, tự giới thiệu:
“Tôi ở bên kia đường. Nếu tiện, xin được mời ông một tách cà-phê, nhân thể để cám ơn ông”.
Cám ơn? Anh đã làm gì để được cám ơn? Anh hơi ngần ngừ khi nhìn những cọng tóc bắt đầu nhen nhúm trên cái đầu trọc của người đối diện, nhưng giọng nói nhã nhặn của người đàn ông khiến anh yên tâm hơn để cùng bước theo sang bên kia đường.
Người đàn ông kéo một chiếc ghế nhựa mời anh ngồi, một tay vẫn cầm cuốn sách trên, tay còn lại xoa xoa chiếc đầu lởm chởm tóc, giải thích:
“Tôi xuống tóc để tang mẹ vừa mất mấy tuần rồi. Tóc chưa kịp mọc!”.
Anh nói lời chia buồn thông thường. Người đàn ông xoay cuốn sách trên tay, nhìn cả hai mặt như để ghi vào trí óc một hình ảnh rất yêu quí, rồi đưa trả lại anh bằng cả hai tay.
“Thấy ông để rơi cuốn sách để giúp cụ già, tôi rất cảm kích, muốn cám ơn ông. Tôi ngồi ở đường bên này, hằng ngày nhìn thấy cụ qua lại loay hoay với đống các-tông, không đành lòng nhưng bất lực, vì không làm được gì”.
Giọng người đàn ông trầm trầm khiến anh cảm động. Anh ngờ rằng cám ơn chỉ là một cái cớ; có lẽ cuốn sách mới là lý do chính để người đàn ông mời anh uống cà-phê. Anh đưa cuốn sách cho ông.
“Ông cứ xem đi. Tôi vừa mới tìm được ở tiệm sách cũ đầu cầu kênh”.
Người đàn ông mân mê cuốn sách, giọng xúc động thật sự.
La gloire des vaincus của Henri Troyat. Quí quá! Ông đã có dịp đọc l’Engrenage chưa?”.
Anh trả lời chưa, mặc dù không chắc đã có lần nào mình cầm trong tay cuốn sách đó trong đời. Nếu có thì chắc phải là trong thời trai trẻ đầy hiếu kỳ và bừng bừng hùng khí. Người đàn ông ra dấu cho anh đến hai chiếc thùng gỗ nằm sau quầy cà-phê, lấy ra một cuốn sách ba mặt màu đỏ hồng ngó sen, đưa cho anh.
“Ông phải đọc cuốn này. Phải nói Troyat quả là một nhà tiên tri xuất chúng!”.
Người đàn ông ngửa mặt, đưa hai tay lên trời sau câu nói như một người đang cầu kinh, không biết muốn ám chỉ đấng tối cao hay tác giả cuốn sách.
Anh quì gối nhìn vào một chiếc thùng gỗ. Những cuốn sách, phần lớn là Pháp ngữ, vừa tiểu thuyết (J’ai lu) vừa thuộc loại kiến thức (Que sais-je?), nằm phô gáy như những con cá giương những bộ vảy óng ánh sắc màu dưới nắng mặt trời. Sách đã cũ, nhưng được giữ gìn và xếp đặt tươm tất, cho thấy sự quí mến và trân trọng đặc biệt của chủ nhân.
Anh đứng dậy với cuốn sách của người đàn ông lạ, ngượng ngập:
“Tiếng Pháp của tôi đã được một điêu khắc gia đẽo gọt vụng về, chỉ còn lại chút lõi con con sót lại vào cuối đời, chắc sẽ phải vất vả lắm đây!”.
Cả hai cùng cười phá lên sau câu pha trò như hai người bạn cố tri trải lòng vô tư sau hàng chục năm không gặp. Lâu lắm anh không có dịp cười sảng khoái như thế và chắc người đàn ông cũng vậy.
Người đàn ông xin lỗi đã để anh phải chờ lâu và quay về quầy để chuẩn bị tách cà-phê đã hứa, được pha chế theo một kiểu cách riêng, không lọc qua phin như thông thường. Bột cà-phê được cho vào một cái phin đã được ngâm vào nước nóng để nâng nhiệt độ ngang tầm với nước sôi đổ vào, rồi được ép chặt từ từ xuống sát tận đáy bằng một vòng xoay tròn anh chưa từng thấy bao giờ.
Người đàn ông mời anh tách cà-phê espresso (không đường và sữa đặc) do mình tự chế bằng cả hai tay, trịnh trọng nhưng không quá kiểu cách. Anh chao chiếc tách nhỏ vài lần chút nước cốt đen sóng sánh, rồi tạo vẻ điệu đàng nhắm mắt, hơi ngửa mặt lên trời, chậm rãi trút hết lớp cà-phê đặc quánh vào cổ họng, như hớp trọn nguồn tinh túy của một ‘báu vật trời đất ban cho loài người’, như có người đã ví von!
Quán thường không đông khách. Họ ngồi rải rác trên một đoạn vỉa hè ngắn luôn luôn được giữ gìn sạch sẽ, chăm chú đọc sách như những pho tượng bất động, hoặc đôi khi lục lọi, tìm kiếm một cuốn sách trong những chiếc thùng. Thỉnh thoảng, người đàn ông lặng lẽ rời chiếc quầy gỗ, cuốn sách đang đọc dang dở trong tay, cúi người nhặt những mẩu tàn thuốc lá khách vô tình dụi dưới chân. Không ai muốn khuấy động sự yên tĩnh của người khác. Một góc vỉa hè bình yên giữa những náo loạn tăng dần trong ngày.
Anh mở cuốn sách của người đàn ông trong tay, lướt qua trang đầu, nhưng không hiểu gì lắm về ý nghĩa của những mẩu đối thoại trên đó. Từ quầy, văng vẳng tiếng người đàn ông ngâm một bài thơ ngắn của Apollinaire, nghe nhẹ như những chiếc lá khô cuộn mình trên vỉa hè.
Sau buổi sơ giao ấy, anh vẫn chưa biết gì nhiều về người đàn ông, nhưng những gì ông làm đều toát ra vẻ trang trọng và chí tình khiến anh trở nên gắn bó với ông và điều đó đã thúc giục anh trở lại với quán cà-phê-vỉa-hè này hầu như mỗi ngày.
Ba-cà-vạt  là cái tên gọi thân mật do những khách cà-phê quen đặt cho người đàn ông.  Một người sau này đã giải thích với anh: Trong số gần một triệu người sống bám vào vỉa hè trong thành phố, có rất nhiều người bán cà-phê độ nhật, nhưng “Bán cà-phê mà đeo cà-vạt để giữ sự trang trọng và thanh nhã với khách hàng như anh Ba thì chắc là độc nhất vô nhị”. Chất liệu để pha cà-phê của anh Ba cũng đặc biệt vì không theo về từ vùng cao nguyên đại ngàn, mà từ những thung lũng ẩm ướt có đặc tính thổ nhưỡng thích hợp với loại cà-phê đặc chủng arabica tận Tân Lâm, Hướng Hóa, Quảng Trị. Một người bạn cùng thời tập trung cải tạo ở miền Bắc mỗi mùa tự tay chọn hạt, phơi sấy khô rồi gửi theo xe đò vào Nam, để đến lượt anh Ba chăm chút xay và pha chế theo cách riêng cho quán cà-phê vỉa hè của mình.
Dù đã biết biệt danh này, anh quyết định dùng tên gọi chính thức của người đàn ông sau lần ghé thăm tại nhà ông vài ngày sau đó. Nhà Tâm nằm trong một con hẻm gần đấy, khiêm nhường nằm ẩn sau một giàn hoa giấy đỏ. Nhỏ, nhưng gọn gàng và sạch sẽ trong một quần thể phức tạp. Vẫn với cái cà-vạt ở cổ, Tâm đưa anh băng qua phòng khách thoang thoảng mùi hương trầm từ chiếc bàn thờ của người mẹ vừa mất, đi thẳng vào thư phòng  của mình. Những ngăn sách dày đặc bao quanh bốn bức tường khiến chiếc ghế bố Tâm thường nằm nghỉ như co mình lại, thu nhỏ vào góc phòng. Một vài món đồ cổ lẻ loi đây đó, lặng lẽ. Anh đảo mắt một vòng, ngạc nhiên:
“Ông còn giữ được nhiều sách quá, nhất là những sách lịch sử!”.
Tâm lựa ra đưa cho anh vài cuốn từ một giá sách riêng xếp theo thứ tự tác giả. Những đề tựa sách làm anh lâng lâng nhớ lại thời trẻ con suốt ngày lân la trong phòng sách của cha. Những câu chuyện Lý Thường Kiệt phá Tống, bình Chiêm, Quang Trung đại phá quân Thanh, Cao Thắng đúc súng, Đề Thám, hùm thiêng Yên Thế… đã mê hoặc tuổi thơ, khiến anh hầu như chỉ quan tâm vào môn sử địa trong suốt thời gian ở tiểu học và trung học.
Tâm cười thú vị khi anh kể đã qua được kỳ thi tú tài bán phần năm đó nhờ đã trả lời rành rẽ câu hỏi Hãy vẽ bản đồ miền Trung và đánh dấu những tỉnh, thị dọc theo đó, dựa vào kinh nghiệm sống đã nhảy xe Tiến Lực đi bụi vào Sài Gòn chỉ trước đó vài tháng.
Tâm không có cùng một alma mater Petrus Ký với anh, nhưng có gốc từ Jean-Jacques (Rousseau), nên còn mê muội thơ của Apollinaire, ngoài sử Việt. Tâm thuộc lòng những bài thơ tân lãng mạn Pháp và thường lẩm nhẩm một mình trên suốt con đường đi từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Không ai có thể hiểu được, trừ người mẹ của anh, khi Tâm quyết định ở lại quê nhà, không theo cha anh ra đi vào phút cuối cùng, chỉ vì không muốn rời xa những vỉa hè đã từng mềm nhũn dưới gót chân qua lại và lời đọc thơ trữ tình của Tâm. 
Từ bóng tối lờ nhờ của một căn phòng nhỏ bên trái, một người phụ nữ khá trẻ xuất hiện với những bình nước sôi trên tay. Anh phụ Tâm và cô gái sắp xếp đồ đạc cần thiết lên một chiếc xe ba-gác do anh tự chế đẩy ra phía vỉa hè. Bốn chiếc bàn ghế nhựa và hai thùng sách được đặt vào vào vị trí thường ngày và tấm ván gỗ sơn màu trắng được kéo xuống làm bàn pha chế cà-phê.
Những người khách quen bắt đầu đến. Sáng hôm đó khách khá đông. Họ không đọc sách, nhưng lần này mang theo một cây đàn Tây-ban-cầm. Một người so dây đàn và bắt đầu hát một vài bài đạo ca của một nhạc sĩ vừa qua đời. “Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng…”. Giọng hát đặc chất Quảng Nam khiến anh nghĩ đến người mẹ đã mất của mình và để mặc cho nước mắt tuôn trào. Tâm cũng lặng lẽ quay mặt về hướng nhà anh, thẫn thờ.
Tách cà-phê espresso đặc quánh không lấy đi giấc ngủ của anh như những lần khác, nhưng đêm đó anh đã mở mắt trằn trọc về cái quán cà-phê-vỉa-hè và người chủ nhân có tên Ba-cà-vạt. Lúc thiếp đi, anh như nghe tiếng Tâm thầm thì tâm sự: Những vỉa hè là những nhánh sông nhỏ lẳng lặng đổ về lòng trung tâm thành phố như những đường gân li ti tiếp dẫn máu về tim, để nuôi sống một thân thể đang sống và cần phải được nuôi sống. Anh nghĩ chính Tâm với những cuốn sách cũ mòn nhưng quí hiếm, những tách cà-phê espresso đặc chế, phong thái trang nhã trong cách thức cư xử với người, đã thổi chất hồn thanh lịch và đẩy nguồn sống vào một đoạn vỉa hè và một nhánh sông đang mất dần sự sống.
Một sáng đầu tuần, Huệ hớt hải tìm anh báo tin Tâm bị bệnh nặng, đang nằm ở bệnh viện ung bướu. Tâm đã có những cơn đau bất thần ở vùng bụng dưới trong nhiều tháng, nhưng thường chỉ uống một vài viên Paracetamol cho qua cơn đau, rồi cố quên đi. Nhưng cái nọc ung thư đã không nằm im và bất ngờ trở chứng vào lúc Tâm đang sống có ý nghĩa nhất.
Cuộc hội chẩn bệnh lý xác nhận Tâm bị ung thư gan vào giai đoạn cuối cùng, bụng đã trương cứng và mầm ung thư bắt đầu lây lan và hủy hoại những bộ phận khác. Không có ai là thân nhân bên cạnh, anh và Huệ quyết định đưa Tâm về nhà, để Tâm có những ngày cuối cùng gần gũi với những kệ sách quen thuộc của mình.
Hằng ngày anh đến phụ Huệ chăm sóc Tâm. Có lúc Tâm tỉnh táo, cầm tay anh dặn dò về những cuốn sách và gửi gắm Huệ. Vào một trong những ngày cuối cùng, Tâm yêu cầu anh cho nghe lại bài đạo ca người khách đã tình cờ hát hôm ấy. Tâm chăm chú nghe giọng hát cao vút và trong suốt của một nữ ca sĩ từ chiếc iPad anh đã mang theo, da mặt thoắt nhíu lại vì đau đớn, rồi từ từ giãn ra. Nhẹ nhàng.
Huệ rũ người xuống, ôm lấy hai tay Tâm ủ vào mặt, âm thầm khóc. Chiều hôm đó, khi anh từ giã, Huệ theo ra đến sân, nước mắt giàn giụa.
“Anh ấy cứu em ra từ động chứa, đem về nhà, ngủ ghế bố nhường cho em cái phòng của mẹ anh ấy, nhưng chưa từng vào phòng để cho em được ôm ấp, được cám ơn một lần…”.
Chỉ có Huệ, anh và một vài người khách quen quây quần bên giường Tâm khi bác sĩ tháo bỏ ống nước biển trộn dung dịch trợ sinh gắn liền với mạch máu ở tay, theo lời yêu cầu của Tâm để được ra đi thanh thản.
Hai mắt Tâm khép kín, không mở ra một lần nào nữa sau khi đã nghe một phần của bản nhạc. Từ hai đầu của ống nghe vẫn còn gắn trong tai Tâm, anh nghe mơ hồ: “Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng… Tiếng mẹ hát ru dịu dàng…”.
Anh bỏ ra đứng ngoài mảnh sân nhỏ, không muốn chứng kiến giờ phút tử biệt của Ba-cà-vạt. Tâm sẽ mang theo đoạn vỉa hè và nhánh sông riêng rẽ của mình hòa vào dòng sông của người mẹ đang chờ. Cuộc vĩnh biệt nào cũng để lại nhiều nuối tiếc, kể cả dòng sông đã chết và đang chết dưới chân cầu Mirabeau. Rồi mọi người sẽ quên, ngoại trừ anh, người đang đứng khóc thầm lặng cho một dòng sông. Một dòng sông (rất) nhỏ vừa bị bức tử.
ruyện Trương Quang
Sáng sớm khi những con đường trong thành phố còn vắng và chưa bị các loại tạp âm và khói bụi bao phủ, anh thường đi qua con hẻm trước nhà, rồi rẽ phải để đón xe buýt số 28 đi về hướng chợ trung tâm. Thông thường, anh không ngồi đến trạm cuối cùng mà hay xuống ở một ngã tư, nơi chấm dứt của một dãy biệt thự thời Pháp còn để lại và là điểm khởi đầu của một đoạn vỉa hè, thường rất rộn rịp người-mua-kẻ-bán khi thành phố thực sự bắt đầu một ngày mới.
Hôm nay anh không ngồi đến cuối đường như thường lệ mà xuống ở dốc cầu, rồi đi men theo bờ kênh, ghé vào một tiệm sách cũ nằm khuất dưới hai cây bàng tỏa lá rậm rạp, hầu như không lúc nào thấy ánh nắng, mặc dù dòng nước đục ngầu phía trước bao giờ cũng như bốc hơi vì nắng nóng. Ở đó anh có thể lục lọi hàng giờ những đống sách cũ đủ loại, như một người thất tình lang thang đi tìm lại một niềm vui đã chôn vùi trong đống tro tàn dĩ vãng. Vẫn biết là vô vọng, nhưng anh vẫn tiếp tục loay hoay, miệt mài lục lọi, vì những lúc này anh có thì giờ để lang thang và tìm kiếm, dù không biết mình đang tìm kiếm cái gì.
Sáng nay, anh đã rất may mắn tìm được mẩu than hồng hiếm hoi vùi mình sâu trong đống tro tàn. Cuốn sách đó, như một mỹ nhân với khuôn mặt thanh tú và tấm thân mảnh dẻ, bám đầy bụi bặm, nằm xen kẽ giữa một đống sách cũ, đã tình cờ rơi đúng vào chân anh, khi cả một giá sách cao thình lình đổ xuống, làm vung vãi sách báo tạp nham cùng với bụi, mạng nhện và mùi ẩm thấp lưu cữu.
Khi anh cúi người nhặt cuốn sách và thoáng nhìn thấy tên tác giả trên bìa, tim và mạch máu trong anh bỗng tăng nhịp đập loạn xạ. Tự dưng anh cúi đầu thì thầm cám ơn một điều gì kỳ diệu đã đến với mình và nước mắt bất chợt ứa ra vì sung sướng. Nhưng khi vội vã băng qua bên kia đường với niềm vui mới trên tay, anh bất ngờ đâm sầm vào một chiếc xe đạp chất đầy bìa giấy cứng, khiến cuốn sách vượt khỏi tay rơi xuống đất một lần nữa; một điều anh luôn luôn cố tránh đối với những trang-giấy-có-ghi-lời-lẽ-của-thánh-hiền.
Đó là một cụ già đã hơn chín mươi tuổi, chân mang đôi dép da rất cũ, nhưng thân chiếc áo dài tay lại được bỏ vào quần cẩn thận. Cụ thường đẩy chiếc xe đạp tuềnh toàng qua các con hẻm trong vùng, nhặt nhạnh những tấm giấy vụn vặt và bìa các-tông đã được ai đó cố ý xếp riêng ra trước nhà cho cụ vào sáng sớm.
Anh đã nhiều lần gặp và đã nói chuyện với cụ ở đoạn đường thường xuống xe buýt để đi bộ. Ông cụ rất kiệm lời, không tiết lộ gì nhiều về gia thế ngoài tuổi tác và nguyên quán của mình. Chỉ có một lần trước Tết, khi anh tế nhị nhét cái phong bì vào túi áo, ông cụ dừng tay đang bận rộn cột thắt, đôi mắt tối thẳm nhìn vào mặt anh, nói nhanh “Cám ơn ngài”.  Cái tên làng Xuân Trường xa lạ đã gây cho anh đôi chút hiếu kỳ và khó hiểu, nhưng cái nhìn bối rối và ngôn ngữ trịnh trọng của ông cụ quả thật đã khiến anh thực sự xấu hổ.
Cuốn sách vẫn nằm dưới đất trong khi anh tìm cách phụ ông cụ buộc những tấm các-tông vào yên sau và hai bên hông chiếc xe đạp, cho đến khi một bàn tay ai đó nhặt lên. Anh thoáng nghe tiếng một bàn tay vuốt nhẹ nhàng qua hai bìa cuốn sách, như để gột đi lớp bụi vỉa hè. Anh đứng lên, cũng đúng lúc người đàn ông lạ đưa trả cuốn sách. Ông giở mũ lưỡi trai cầm ở tay, tự giới thiệu:
“Tôi ở bên kia đường. Nếu tiện, xin được mời ông một tách cà-phê, nhân thể để cám ơn ông”.
Cám ơn? Anh đã làm gì để được cám ơn? Anh hơi ngần ngừ khi nhìn những cọng tóc bắt đầu nhen nhúm trên cái đầu trọc của người đối diện, nhưng giọng nói nhã nhặn của người đàn ông khiến anh yên tâm hơn để cùng bước theo sang bên kia đường.
Người đàn ông kéo một chiếc ghế nhựa mời anh ngồi, một tay vẫn cầm cuốn sách trên, tay còn lại xoa xoa chiếc đầu lởm chởm tóc, giải thích:
“Tôi xuống tóc để tang mẹ vừa mất mấy tuần rồi. Tóc chưa kịp mọc!”.
Anh nói lời chia buồn thông thường. Người đàn ông xoay cuốn sách trên tay, nhìn cả hai mặt như để ghi vào trí óc một hình ảnh rất yêu quí, rồi đưa trả lại anh bằng cả hai tay.
“Thấy ông để rơi cuốn sách để giúp cụ già, tôi rất cảm kích, muốn cám ơn ông. Tôi ngồi ở đường bên này, hằng ngày nhìn thấy cụ qua lại loay hoay với đống các-tông, không đành lòng nhưng bất lực, vì không làm được gì”.
Giọng người đàn ông trầm trầm khiến anh cảm động. Anh ngờ rằng cám ơn chỉ là một cái cớ; có lẽ cuốn sách mới là lý do chính để người đàn ông mời anh uống cà-phê. Anh đưa cuốn sách cho ông.
“Ông cứ xem đi. Tôi vừa mới tìm được ở tiệm sách cũ đầu cầu kênh”.
Người đàn ông mân mê cuốn sách, giọng xúc động thật sự.
La gloire des vaincus của Henri Troyat. Quí quá! Ông đã có dịp đọc l’Engrenage chưa?”.
Anh trả lời chưa, mặc dù không chắc đã có lần nào mình cầm trong tay cuốn sách đó trong đời. Nếu có thì chắc phải là trong thời trai trẻ đầy hiếu kỳ và bừng bừng hùng khí. Người đàn ông ra dấu cho anh đến hai chiếc thùng gỗ nằm sau quầy cà-phê, lấy ra một cuốn sách ba mặt màu đỏ hồng ngó sen, đưa cho anh.
“Ông phải đọc cuốn này. Phải nói Troyat quả là một nhà tiên tri xuất chúng!”.
Người đàn ông ngửa mặt, đưa hai tay lên trời sau câu nói như một người đang cầu kinh, không biết muốn ám chỉ đấng tối cao hay tác giả cuốn sách.
Anh quì gối nhìn vào một chiếc thùng gỗ. Những cuốn sách, phần lớn là Pháp ngữ, vừa tiểu thuyết (J’ai lu) vừa thuộc loại kiến thức (Que sais-je?), nằm phô gáy như những con cá giương những bộ vảy óng ánh sắc màu dưới nắng mặt trời. Sách đã cũ, nhưng được giữ gìn và xếp đặt tươm tất, cho thấy sự quí mến và trân trọng đặc biệt của chủ nhân.
Anh đứng dậy với cuốn sách của người đàn ông lạ, ngượng ngập:
“Tiếng Pháp của tôi đã được một điêu khắc gia đẽo gọt vụng về, chỉ còn lại chút lõi con con sót lại vào cuối đời, chắc sẽ phải vất vả lắm đây!”.
Cả hai cùng cười phá lên sau câu pha trò như hai người bạn cố tri trải lòng vô tư sau hàng chục năm không gặp. Lâu lắm anh không có dịp cười sảng khoái như thế và chắc người đàn ông cũng vậy.
Người đàn ông xin lỗi đã để anh phải chờ lâu và quay về quầy để chuẩn bị tách cà-phê đã hứa, được pha chế theo một kiểu cách riêng, không lọc qua phin như thông thường. Bột cà-phê được cho vào một cái phin đã được ngâm vào nước nóng để nâng nhiệt độ ngang tầm với nước sôi đổ vào, rồi được ép chặt từ từ xuống sát tận đáy bằng một vòng xoay tròn anh chưa từng thấy bao giờ.
Người đàn ông mời anh tách cà-phê espresso (không đường và sữa đặc) do mình tự chế bằng cả hai tay, trịnh trọng nhưng không quá kiểu cách. Anh chao chiếc tách nhỏ vài lần chút nước cốt đen sóng sánh, rồi tạo vẻ điệu đàng nhắm mắt, hơi ngửa mặt lên trời, chậm rãi trút hết lớp cà-phê đặc quánh vào cổ họng, như hớp trọn nguồn tinh túy của một ‘báu vật trời đất ban cho loài người’, như có người đã ví von!
Quán thường không đông khách. Họ ngồi rải rác trên một đoạn vỉa hè ngắn luôn luôn được giữ gìn sạch sẽ, chăm chú đọc sách như những pho tượng bất động, hoặc đôi khi lục lọi, tìm kiếm một cuốn sách trong những chiếc thùng. Thỉnh thoảng, người đàn ông lặng lẽ rời chiếc quầy gỗ, cuốn sách đang đọc dang dở trong tay, cúi người nhặt những mẩu tàn thuốc lá khách vô tình dụi dưới chân. Không ai muốn khuấy động sự yên tĩnh của người khác. Một góc vỉa hè bình yên giữa những náo loạn tăng dần trong ngày.
Anh mở cuốn sách của người đàn ông trong tay, lướt qua trang đầu, nhưng không hiểu gì lắm về ý nghĩa của những mẩu đối thoại trên đó. Từ quầy, văng vẳng tiếng người đàn ông ngâm một bài thơ ngắn của Apollinaire, nghe nhẹ như những chiếc lá khô cuộn mình trên vỉa hè.
Sau buổi sơ giao ấy, anh vẫn chưa biết gì nhiều về người đàn ông, nhưng những gì ông làm đều toát ra vẻ trang trọng và chí tình khiến anh trở nên gắn bó với ông và điều đó đã thúc giục anh trở lại với quán cà-phê-vỉa-hè này hầu như mỗi ngày.
Ba-cà-vạt  là cái tên gọi thân mật do những khách cà-phê quen đặt cho người đàn ông.  Một người sau này đã giải thích với anh: Trong số gần một triệu người sống bám vào vỉa hè trong thành phố, có rất nhiều người bán cà-phê độ nhật, nhưng “Bán cà-phê mà đeo cà-vạt để giữ sự trang trọng và thanh nhã với khách hàng như anh Ba thì chắc là độc nhất vô nhị”. Chất liệu để pha cà-phê của anh Ba cũng đặc biệt vì không theo về từ vùng cao nguyên đại ngàn, mà từ những thung lũng ẩm ướt có đặc tính thổ nhưỡng thích hợp với loại cà-phê đặc chủng arabica tận Tân Lâm, Hướng Hóa, Quảng Trị. Một người bạn cùng thời tập trung cải tạo ở miền Bắc mỗi mùa tự tay chọn hạt, phơi sấy khô rồi gửi theo xe đò vào Nam, để đến lượt anh Ba chăm chút xay và pha chế theo cách riêng cho quán cà-phê vỉa hè của mình.
Dù đã biết biệt danh này, anh quyết định dùng tên gọi chính thức của người đàn ông sau lần ghé thăm tại nhà ông vài ngày sau đó. Nhà Tâm nằm trong một con hẻm gần đấy, khiêm nhường nằm ẩn sau một giàn hoa giấy đỏ. Nhỏ, nhưng gọn gàng và sạch sẽ trong một quần thể phức tạp. Vẫn với cái cà-vạt ở cổ, Tâm đưa anh băng qua phòng khách thoang thoảng mùi hương trầm từ chiếc bàn thờ của người mẹ vừa mất, đi thẳng vào thư phòng  của mình. Những ngăn sách dày đặc bao quanh bốn bức tường khiến chiếc ghế bố Tâm thường nằm nghỉ như co mình lại, thu nhỏ vào góc phòng. Một vài món đồ cổ lẻ loi đây đó, lặng lẽ. Anh đảo mắt một vòng, ngạc nhiên:
“Ông còn giữ được nhiều sách quá, nhất là những sách lịch sử!”.
Tâm lựa ra đưa cho anh vài cuốn từ một giá sách riêng xếp theo thứ tự tác giả. Những đề tựa sách làm anh lâng lâng nhớ lại thời trẻ con suốt ngày lân la trong phòng sách của cha. Những câu chuyện Lý Thường Kiệt phá Tống, bình Chiêm, Quang Trung đại phá quân Thanh, Cao Thắng đúc súng, Đề Thám, hùm thiêng Yên Thế… đã mê hoặc tuổi thơ, khiến anh hầu như chỉ quan tâm vào môn sử địa trong suốt thời gian ở tiểu học và trung học.
Tâm cười thú vị khi anh kể đã qua được kỳ thi tú tài bán phần năm đó nhờ đã trả lời rành rẽ câu hỏi Hãy vẽ bản đồ miền Trung và đánh dấu những tỉnh, thị dọc theo đó, dựa vào kinh nghiệm sống đã nhảy xe Tiến Lực đi bụi vào Sài Gòn chỉ trước đó vài tháng.
Tâm không có cùng một alma mater Petrus Ký với anh, nhưng có gốc từ Jean-Jacques (Rousseau), nên còn mê muội thơ của Apollinaire, ngoài sử Việt. Tâm thuộc lòng những bài thơ tân lãng mạn Pháp và thường lẩm nhẩm một mình trên suốt con đường đi từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Không ai có thể hiểu được, trừ người mẹ của anh, khi Tâm quyết định ở lại quê nhà, không theo cha anh ra đi vào phút cuối cùng, chỉ vì không muốn rời xa những vỉa hè đã từng mềm nhũn dưới gót chân qua lại và lời đọc thơ trữ tình của Tâm. 
Từ bóng tối lờ nhờ của một căn phòng nhỏ bên trái, một người phụ nữ khá trẻ xuất hiện với những bình nước sôi trên tay. Anh phụ Tâm và cô gái sắp xếp đồ đạc cần thiết lên một chiếc xe ba-gác do anh tự chế đẩy ra phía vỉa hè. Bốn chiếc bàn ghế nhựa và hai thùng sách được đặt vào vào vị trí thường ngày và tấm ván gỗ sơn màu trắng được kéo xuống làm bàn pha chế cà-phê.
Những người khách quen bắt đầu đến. Sáng hôm đó khách khá đông. Họ không đọc sách, nhưng lần này mang theo một cây đàn Tây-ban-cầm. Một người so dây đàn và bắt đầu hát một vài bài đạo ca của một nhạc sĩ vừa qua đời. “Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng…”. Giọng hát đặc chất Quảng Nam khiến anh nghĩ đến người mẹ đã mất của mình và để mặc cho nước mắt tuôn trào. Tâm cũng lặng lẽ quay mặt về hướng nhà anh, thẫn thờ.
Tách cà-phê espresso đặc quánh không lấy đi giấc ngủ của anh như những lần khác, nhưng đêm đó anh đã mở mắt trằn trọc về cái quán cà-phê-vỉa-hè và người chủ nhân có tên Ba-cà-vạt. Lúc thiếp đi, anh như nghe tiếng Tâm thầm thì tâm sự: Những vỉa hè là những nhánh sông nhỏ lẳng lặng đổ về lòng trung tâm thành phố như những đường gân li ti tiếp dẫn máu về tim, để nuôi sống một thân thể đang sống và cần phải được nuôi sống. Anh nghĩ chính Tâm với những cuốn sách cũ mòn nhưng quí hiếm, những tách cà-phê espresso đặc chế, phong thái trang nhã trong cách thức cư xử với người, đã thổi chất hồn thanh lịch và đẩy nguồn sống vào một đoạn vỉa hè và một nhánh sông đang mất dần sự sống.
Một sáng đầu tuần, Huệ hớt hải tìm anh báo tin Tâm bị bệnh nặng, đang nằm ở bệnh viện ung bướu. Tâm đã có những cơn đau bất thần ở vùng bụng dưới trong nhiều tháng, nhưng thường chỉ uống một vài viên Paracetamol cho qua cơn đau, rồi cố quên đi. Nhưng cái nọc ung thư đã không nằm im và bất ngờ trở chứng vào lúc Tâm đang sống có ý nghĩa nhất.
Cuộc hội chẩn bệnh lý xác nhận Tâm bị ung thư gan vào giai đoạn cuối cùng, bụng đã trương cứng và mầm ung thư bắt đầu lây lan và hủy hoại những bộ phận khác. Không có ai là thân nhân bên cạnh, anh và Huệ quyết định đưa Tâm về nhà, để Tâm có những ngày cuối cùng gần gũi với những kệ sách quen thuộc của mình.
Hằng ngày anh đến phụ Huệ chăm sóc Tâm. Có lúc Tâm tỉnh táo, cầm tay anh dặn dò về những cuốn sách và gửi gắm Huệ. Vào một trong những ngày cuối cùng, Tâm yêu cầu anh cho nghe lại bài đạo ca người khách đã tình cờ hát hôm ấy. Tâm chăm chú nghe giọng hát cao vút và trong suốt của một nữ ca sĩ từ chiếc iPad anh đã mang theo, da mặt thoắt nhíu lại vì đau đớn, rồi từ từ giãn ra. Nhẹ nhàng.
Huệ rũ người xuống, ôm lấy hai tay Tâm ủ vào mặt, âm thầm khóc. Chiều hôm đó, khi anh từ giã, Huệ theo ra đến sân, nước mắt giàn giụa.
“Anh ấy cứu em ra từ động chứa, đem về nhà, ngủ ghế bố nhường cho em cái phòng của mẹ anh ấy, nhưng chưa từng vào phòng để cho em được ôm ấp, được cám ơn một lần…”.
Chỉ có Huệ, anh và một vài người khách quen quây quần bên giường Tâm khi bác sĩ tháo bỏ ống nước biển trộn dung dịch trợ sinh gắn liền với mạch máu ở tay, theo lời yêu cầu của Tâm để được ra đi thanh thản.
Hai mắt Tâm khép kín, không mở ra một lần nào nữa sau khi đã nghe một phần của bản nhạc. Từ hai đầu của ống nghe vẫn còn gắn trong tai Tâm, anh nghe mơ hồ: “Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng… Tiếng mẹ hát ru dịu dàng…”.
Anh bỏ ra đứng ngoài mảnh sân nhỏ, không muốn chứng kiến giờ phút tử biệt của Ba-cà-vạt. Tâm sẽ mang theo đoạn vỉa hè và nhánh sông riêng rẽ của mình hòa vào dòng sông của người mẹ đang chờ. Cuộc vĩnh biệt nào cũng để lại nhiều nuối tiếc, kể cả dòng sông đã chết và đang chết dưới chân cầu Mirabeau. Rồi mọi người sẽ quên, ngoại trừ anh, người đang đứng khóc thầm lặng cho một dòng sông. Một dòng sông (rất) nhỏ vừa bị bức tử.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét