Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 402, tháng 2/2020
Gần
40 năm tôi mới gặp lại anh Tánh, một vị đàn anh ngày xưa phục vụ cùng
tiểu khu với tôi. Anh nguyên là một thiếu tá còn tôi chỉ là một trung
uý. Sau ngày mất nước cả hai chúng tôi bị nhốt cùng một trại tù 'cải
tạo' cho đến tháng 10 năm 1976 anh bị chuyển đến trại khác. Chúng tôi
gặp lại nhau ở Nam Cali, tại nhà của Nhân, một người bạn thân của tôi từ
thời tiểu học. Ngày xưa Nhân ở cùng xóm, cùng họ đạo với bà xã của anh
Tánh. Hôm ấy là lễ nhóm họ nhà gái, một ngày trước lễ vu quy của cháu
Tâm, con gái út của vợ chồng Nhân. Sau bao năm, anh Tánh trông già hơn
xưa rất nhiều, già với mái tóc bạc trắng, với những nét nhăn trên khoé
mắt, trên má, những đốm tàn nhang trên gương mặt gầy gò nhưng vẫn còn
phảng phất nét tinh anh, phúc hậu.
Ngồi
vòng quanh chiếc bàn dài, hình chữ nhật với anh Tánh, bạn Nhân và tôi
là ba người bạn vượt biên cùng ghe với Nhân, còn lại là bốn cháu thanh
niên trẻ tuổi con cháu của Nhân. Các cháu đều sanh trưởng ở Mỹ. Mọi
người là dân Cali, ngoại trừ anh Tánh ở tận New Jersey và tôi đến từ
Iowa. Chúng tôi hỏi thăm nhau, trò chuyện, chuyện xưa, chuyện nay thật
là rôm rả. Các cháu trẻ tuổi chỉ ngồi nghe, thỉnh thoảng đặt câu hỏi,
xin chúng tôi giải thích những câu, những chữ các cháu không hiểu mà
thôi.
Đa số
chuyện xưa là chuyện thời 'bao cấp', chuyện ở tù 'cải tạo', chuyện vượt
biên; còn chuyện nay là những gì đang xảy ra trong cộng đồng người Việt
tại Mỹ hay ở tận quê nhà và những chuyến du lịch đó đây, tận hưởng thú
vui tuổi già của anh em chúng tôi. Hôm ấy, anh Tánh được khá nhiều người
ngồi cùng bàn chú ý, không phải vì anh ngồi ở đầu bàn và anh nói nhiều
mà vì giọng nói của anh thật lôi cuốn và câu chuyện anh kể nghe thật cảm
động và đượm nét tôn giáo, đức tin tuyệt đối của anh vào Thiên Chúa.
Anh kể cho chúng tôi nghe một phép lạ Đức Mẹ Maria đã ban cho anh trong
lúc ở tù cải tạo như sau:
"Năm
đó, ở tù được gần ba năm, mới có 35, 36 tuổi thôi nhưng tôi luôn cảm
thấy mình không được khoẻ. Thời ấy ngoài đời ai cũng thiếu ăn, thiếu
uống, thuốc men không có nói chi đến cuộc sống trong tù cải tạo. Thiếu
dinh dưỡng là lẽ đương nhiên nhưng thật ra tôi đang mang một trọng bệnh
mà tôi nào có biết. Niềm hy vọng duy nhất của tôi trong lúc ấy là lòng
tin, cậy, mến vào bàn tay quan phòng của Chúa và tình thương của Đức Mẹ.
Tôi rất siêng năng lần chuỗi Mân Côi mỗi khi có dịp. Tôi tin rằng, nếu
không được Đức Mẹ dang tay cứu giúp, tôi đã bỏ mạng trong tù rồi!"
Anh
Tánh nói đến đó thì anh ngừng lại, lấy trong túi áo ra một sợi dây dù
màu nhà binh cũ mèm có nhiều nút thắt theo mô hình của một tràng chuỗi
Mân Côi, đưa cho chúng tôi và các cháu xem rồi anh nói tiếp:
"Đêm
trước khi tôi đi trình diện 'học tập cải tạo', bà xã của tôi không kềm
được nước mắt khi trao cho tôi một xâu chuỗi Mân Côi và nghẹn ngào xin
tôi hứa là sẽ luôn đọc kinh cầu nguyện để vợ chồng, con cái chúng tôi có
ngày gặp lại nhau. Tôi cố gắng làm tỉnh, hứa với vợ nhưng lòng dạ thì
rối như tơ vò. Khốn nạn thay, khi tôi vào tù họ xét túi hành lý tôi mang
theo, tịch thu xâu chuỗi Mân Côi ấy. Như tôi vừa nói cùng quý bạn, niềm
hy vọng duy nhất của tôi lúc ấy là lòng tin, cậy, mến vào bàn tay quan
phòng của Chúa và tình thương của Đức Mẹ. Nhưng vì không còn xâu chuỗi
của vợ tặng, hàng ngày tôi lần chuỗi bằng những lóng tay của mình. Cho
đến một hôm đi lao động cưa cây ở một khu rừng, tình cờ tôi lượm được
một sợi dây dù của lính, giấu nó đem về trại. Tôi giặt sạch và thắt nó
làm tràng chuỗi này để đọc kinh Mân Côi và tôi luôn giữ nó trong túi áo
của mình cho đến ngày hôm nay. Tôi nghĩ gốc gác của sợi dây dù này là
một chiếc dù hay chiếc võng nhà binh, và khu rừng ấy là một vùng chiến
địa hay là một trạm đóng quân, nghỉ quân ngày xưa."
Chúng
tôi chuyền tay nhau xem tràng chuỗi Mân Côi của anh Tánh. Anh rất khéo
tay, thắt sợi dây dù thành một tràng chuỗi với một Thánh Giá và đầy đủ
các hạt. Nó đã bạt màu, mòn lẳn theo thời gian. Tôi nhìn các ngón tay
nhăn nheo, gầy guộc của anh và thầm nghĩ biết bao lần ngón tay cái của
anh đã lần những nút thắt, mà mỗi nút thắt là một hạt chuỗi, một kinh
nguyện, kinh cầu bình an. Rồi tôi chợt nhớ đến thời gian anh và tôi phục
vụ cùng tiểu khu, cưới vợ xong tôi mướn một căn phố ở gần gia đình anh,
tôi ít khi thấy anh đưa chị và các cháu đi lễ ở nhà thờ. Tôi nghe bạn
bè ở tiểu khu nói rằng anh chị Tánh 'đồng sàng dị mộng', yêu nhau nhưng
không cùng một tôn giáo. Anh theo đạo để cưới chị mà thôi. Tôi chưa kịp
nghĩ gì thêm thì một ông bạn lên tiếng hỏi:
"Anh
mang bệnh gì vậy, anh Tánh? Thời đó, tôi nghe nói đa số tù nhân chết vì
bệnh kiết lỵ, vì ăn uống chẳng những thiếu chất dinh dưỡng mà còn thiếu
vệ sinh nữa. Cũng có nhiều người vì đói quá, có gì ăn nấy, ăn nhầm trái
cây, hoa lá độc hại, nên bỏ mạng trong tù, phải không anh?"
Anh Tánh trả lời:
"Đúng
vậy! Có rất nhiều người chết trong tù vì bệnh kiết lỵ và ăn bậy. Tôi cố
gắng ăn uống kỹ lưỡng nên chỉ bị tiêu chảy nhẹ một vài lần mà thôi. Tôi
nào có biết mình bị sạn thận cho đến một hôm tôi bị đau quặn bụng, thật
dữ dội, đau ở thắt lưng từng cơn, lan ra bụng, xuống bụng dưới và đùi.
Ông Toàn hiện ở Phila, một bác sĩ quân y ở cùng tù với tôi đến khám, cho
biết tôi có triệu chứng bệnh sạn thận nhưng ông không thể giúp gì được
vì trại tù đâu có thuốc men ngoài xuyên tâm liên. Ông khuyên tôi uống
nước thật nhiều, hy vọng cục sạn còn nhỏ, tôi có thể tiểu nó ra được;
nếu không thể đi tiểu, tôi sẽ bị suy thận mà qua đời. Tôi nghe lời ông
bác sĩ, nhờ bạn tù nấu nước cho tôi uống. Tuy đau đớn lắm nhưng tôi
không bao giờ quên lần chuỗi, đọc kinh, cầu xin Chúa và Đức Mẹ thương
xót, ban ơn, cho tôi tai qua nạn khỏi."
Một cháu đưa tay hỏi:
"Thưa bác, nhờ vậy mà bác tống được viên sỏi đó ra, còn sống đến ngày nay, phải không bác?"
Anh Tánh lắc đầu nói:
"Không
phải vậy, uống cả hai lít nước bác vẫn còn đau, vẫn không thể tiểu được
giọt nào. May phước có một ông bạn tù ở khác lán với bác nghe bác bị
bệnh sạn thận nên đến thăm, cho bác biết ở quê ông ta có người bị sạn
thận lấy cành và bông nở ngày nấu nước uống mà khỏi bệnh. Nghe ông bạn
tù bài cho vị thuốc Nam này, bác cám ơn ông ta nhưng bác không biết bông
nở ngày là bông gì, và bác đang ở trong tù, tìm đâu ra loại bông đó.
Bác đang thì thầm cầu xin Đức Mẹ cứu giúp thì một bạn tù khác lên tiếng:
'Bông nở ngày có phải là mấy bụi bông năm ngoái cán bộ bắt tụi mình
trồng xung quanh trụ cờ không?' Nghe vậy, ông bạn tù khác lán la lớn
lên: 'Trời đất! Đúng vậy, đó là bông nở ngày! Ở tù mới có mấy năm mà tui
đã lú lẫn, hàng ngày bị bắt ra đó chào cờ mà tui không nhớ.' Một người
bạn tù khác tình nguyện giúp bác: 'Ông nằm nghỉ, chuyện đó để tôi lo.'
Bác nói cho các cháu biết, khi ấy các trại tù 'cải tạo' vẫn còn do bộ
đội quản lý chứ không phải công an. Bác nghĩ rằng, vì cùng thân phận là
lính, chỉ khác có lá cờ, nên bộ đội cộng sản có cảm tình với quân nhân
miền Nam mình. Hôm ấy, họ cho phép người bạn tù của bác tỉa một bó cành
và bông nở ngày đem về lán nấu làm thuốc cho bác uống. Bác uống được năm
lần thì đi tiểu được, nhưng thật rát làm bác muốn xỉu, bất tỉnh luôn,
nước tiểu thì đỏ như máu nhưng sau đó bác không còn đau bụng nữa, hết
bệnh luôn. Kể từ ngày ấy, cứ năm sáu tháng bác nấu lá và bông nở ngày
uống một lần, bệnh tình không tái phát nữa."
Trong
lúc anh Tánh kể đến đoạn anh thì thầm cầu xin Đức Mẹ cứu giúp, ông bạn
ngồi kế bên Nhân hỏi bạn, nho nhỏ thôi nhưng tôi nghe hết vì tôi ngồi
đối diện với hai người: "Ông tá nầy 'thơ đạo vẹo' phải không mậy?" Nhân
khẽ gật đầu xác nhận. Tôi tự hỏi, không lẽ ông bạn này khi dễ những
người theo đạo của vợ hoặc chồng, cho rằng họ chỉ mù quáng tin theo chứ
không hiểu đạo Chúa như những người đạo dòng? Tôi chưa kịp nghĩ đến câu
trả lời của mình thì Nhân đứng lên nói câu tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã soi
sáng, chỉ đường dẫn lối, cứu giúp anh Tánh để ngày hôm nay anh em mới có
dịp gặp lại nhau. Nói xong, Nhân nâng ly mời mọi người uống rượu chúc
mừng anh Tánh. Nhấp xong hớp rượu, cháu ngồi kế bên lên tiếng hỏi tôi:
"Thưa bác, 'thơ đạo vẹo' có nghĩa là gì hả bác?"
Tôi giật mình, không ngờ cháu này thính tai, và thật tình trả lời cháu:
"Đó là tiếng nói lái ở miền Nam..."
Tôi chưa kịp giải thích thêm thì cháu hỏi tiếp:
"Nói lái là gì hả bác?"
Tôi lắc đầu nói:
"Chà,
cũng khó cho bác cắt nghĩa để cháu hiểu... Lúc mới đến Mỹ, bác đi học
Anh văn. Một hôm bà giáo cho lớp biết có những chữ người Mỹ đọc ngược
lại, saying backward, nhưng đồng nghĩa hay có nghĩa tiếu lâm. Lâu rồi
nên bác chỉ nhớ có vài tên như Leon đọc ngược thành Noel, cả hai tên đều
đẹp; Dennis, một tên cũng thật đẹp, nhưng đọc ngược thành Sinned, người
tội lỗi; còn Lana, một tên của phụ nữ đọc ngược lại là anal, nghĩa của
chữ này thì mình không nên nói ra. Người Việt mình ở miền Nam cũng vậy,
nhưng mình đảo lộn hai, ba chữ theo âm, chứ không theo vần như người Mỹ.
Thí dụ như: 'cá đối' nói lái thành 'cối đá', 'chín bến đò' thành 'chó
bến đình'. Vậy thì, 'theo đạo vợ' nói lái thành 'thơ đạo vẹo'. 'Theo đạo
vợ' có ý nói những người theo đạo của vợ, chứ không phải là người đạo
gốc, đạo dòng tức là có đạo từ gốc ông bà cha mẹ của mình. Cháu hiểu
chứ?"
Cháu ấy không trả
lời tôi mà lặp đi lặp lại mấy câu 'theo đạo vợ' và 'thơ đạo vẹo', 'chín
bến đò' và 'chó bến đình' cho đến lúc cháu hớn hở cười và nhìn tôi, nói:
"Hay! Hay quá, lại funny nữa bác!" Liếc mắt nhìn anh Tánh, tôi thấy
gương mặt anh vẫn bình thường nên tôi nghĩ anh không hề biết chuyện ông
bạn ngồi bên Nhân nói anh theo đạo vợ. Trong khi đó, ông bạn ấy có vẻ
ngại ngùng nên mượn cớ có việc cần để rời bàn tiệc. Một lát sau, một
cháu khác nói với chúng tôi:
"Như vậy thì thưa với các bác, cháu đạo dòng..."
Cháu
ấy sanh trưởng ở Mỹ nên nói tiếng Việt không được lưu loát lắm, mỗi khi
tìm không ra chữ, cháu ngập ngừng dùng tiếng Anh, thật là khó cho tôi
nhớ mà kể lại nguyên văn. Câu chuyện cháu kể cho cả bàn nghe, đại khái
như sau: Ba má cháu cho biết cháu chịu phép rửa tội một tuần lễ sau khi
sanh ra đời. Cháu có học giáo lý lúc sáu tuổi, trước khi được phép rước
lễ lần đầu. Sau đó, cháu học thêm một lớp giáo lý trước khi nhận bí tích
Thêm Sức vào năm cháu 14 tuổi. Xong trung học, cháu đi học xa nhà, nhà
thờ ở trường lúc nào cũng có lớp dạy Thánh Kinh nhưng cháu làm biếng,
không ghi tên học, chỉ đi lễ, đọc kinh, giữ đạo, nghĩ thế là đủ rồi. Sau
khi cháu tốt nghiệp, có việc làm, cháu muốn cưới người yêu của mình thì
hai đứa gặp khá nhiều khó khăn vì khác tôn giáo. Cuối cùng thì gia đình
nàng cho phép nàng theo đạo và cháu đưa nàng đi học một khoá giáo lý
dành cho người muốn theo đạo. Để ủng hộ tinh thần người vợ sắp cưới của
mình, cháu ngồi bên nàng, học giáo lý với nàng luôn. Nhờ đó mà cháu thấu
hiểu những lời Chúa dạy hơn, hiểu theo tuổi đời của mình chứ không như
lúc mình còn nhỏ tuổi. Kể từ năm ấy, vợ chồng cháu mỗi năm ít nhất một
lần theo học các lớp Thánh Kinh ở nhà thờ. Theo như cháu thấy thì, càng
học hỏi cháu càng nhận ra những ý tưởng sâu sắc của Thánh Kinh để cháu
có thể sống đúng, sống thật lòng theo lời Chúa dạy. Cuối cùng, cháu ấy
hỏi cả bàn:
"Cháu nghĩ như vậy có đúng không, các bác? Am I right, my friends?"
Mọi
người gật đầu đồng ý. Nhân lại nâng ly, mời cả bàn uống rượu. Tôi nhấp
một hớp rượu vang, cảm thấy nó ngọt ngào, sâu đậm. Tôi chợt nhớ đến câu
"Hậu sinh khả uý" và lấy làm tiếc cho ông bạn nói lái câu 'theo đạo vợ'.
Khi ấy, ông ta chưa trở lại bàn tiệc.
đào anh dũng
Hè 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét