24 thg 9, 2019
Ý-Nghĩa Của Số 36!! - Tác Giả : Bùi Quí Chiến
Đầu thế kỷ 20, Phạm-Kim-Chi làm Quan ở Hà-Tĩnh nên có dịp quen biết Nguyễn-Mai là cháu nội của Nguyễn-Du. Ông Mai còn giữ được bản gốc Truyện Kiều với đầy đủ lời chú giải! Đây là bản Gia-Truyền, nhan đề là
“KIM TÚY TÌNH TỪ”!!!
Ông Mai cho ông Chi mượn để chuyển chữ Nôm ra Quốc-Ngữ và xuất bản!
Từ nhân duyên đó truyện Kiều dưới nhan đề “KIM TÚY TÌNH TỪ” được xuất bản tại Sài-Gòn năm 1917.
Năm 1972, “Kim Túy Tình Từ” được Phủ Quốc-Vụ-Khanh đặc trách Văn-Hóa cho tái bản y theo bản chính năm 1917.
Trong truyện có đoạn Sở-Khanh thuyết phục Kiều đi trốn như sau:
Rằng ta có ngựa truy phong
Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi
Thừa cơ lẻn bước ra đi
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn?
Bản gốc chú giải 36 chước bằng Hán-Tự: Tích Nam Bắc Triều: Đàn công ngữ Vương l-Kinh-Tắc "Tam Thập Lục Kế, Tẩu Vi Thượng Sách".
Phạm-KimChi dịch: Tích trong thời Nam Bắc Triều: Đàn công nói với Vương-Kinh-Tắc rằng: 36 chước thì chạy trốn là hơn!
Vậy ngoài "Tẩu Vi Thượng Sách", 35 kế kia là những kế gì?
Theo Hán LViệt Từ Điển của Đào-Duy-Anh: "Tam Thập Lục Kế Tẩu Vi Thượng Sách” nói người đến lúc cùng đồ.
Qua lời diễn giải của Đào-Duy-Anh, câu này được hiểu là hành động không còn lựa chọn nào khác của người gặp bước đường cùng (tương tự tiếng Anh ‘The last’).
Vậy con số 36 chỉ là cách cường điệu làm tăng sự thúc bách phải
chạy trốn chứ không có thật 36 kế! Trên thực tế mỗi vấn nạn có được 3 iải pháp đã là nhiều!
Nhưng tại sao là số 36 mà không phải số nào khác?
Có lẽ nguồn gốc của nó cũng mơ hồ như những số trong thành ngữ "Bảy nổi ba chìm chín cái lênh đênh” của tiếng Việt!
Tuy xuất xứ từ Hán-Tự, số 36 rất phổ thông trong tục ngữ, ca dao,
câu đối và huyền thoại Việt-Nam!
TỤC-NGỮ:
1./ Bờ biển nước ta rất dài; trừ những người chuyên khoa địa lý,
chúng ta không biết có bao nhiêu cửa biển. Vậy mà có tục ngữ rằng: "Ba mươi sáu cửa bể cũng phải nể cửa Tuần-Vường."
Con số 36 trong tục ngữ này không chính xác, con số đúng có thể
nhiều hoặc ít hơn. Nhưng chủ ý của số này làm nổi bật sự nguy hiểm của cửa Tuần-Vường!
Thật ra bờ biển nước ta còn cửa Thần-Phù cũng rất nguy hiểm nên có ca dao rằng:
Lênh đênh qua cửa Thần-Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
2./ Người xưa có thành ngữ "Ba mươi sáu cái nõn-nường” để chỉ những đường nét hấp dẫn của phụ nữ! Một anh chồng tự hào vợ mình còn hấp dẫn hơn nữa:
"Ba mươi sáu cái nõn nường, một cái đầu giường là ba mươi bảy!"
Cái nõn nường thứ 37 ở đầu giường là cánh tay trắng ngần và mát
rượi của vợ mà anh ta thường gối đầu lên!
CA-DAO:
1./ Một anh rể khen em vợ:
Dì thằng cu như cánh hoa nhài
Ba mươi sáu cánh, tiếc tài nở đêm...
Hoa Nhài nở về đêm là đặc tính tự nhiên. Nhưng tại sao anh lại tiếc?
Những câu tiếp theo của ca dao cho thấy anh tán tỉnh em vợ nhưng sợ Cha Mẹ Vợ và ngại... Mẹ thằng cu!
2./ Ngày xưa, người Chồng Lý-Tưởng của các Cô là anh Đồ:
Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham về cái Bút cái Nghiên anh Đồ.
• Nhưng có một cô thất vọng:
Ai ơi chớ lấy học trò
Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm!
Mùa đông trời rét căm căm
Đi cấy được ba mươi sáu đồng kẽm về...
... Nó lại nằm nó ăn!!!
Một Quan là 600 đồng kẽm, tiền công 36 đồng kẽm chẳng bao nhiêu!
Nhưng có lẽ cô chưa đọc bài văn sách của Lê-Quý-Đôn. Trong bài này tác giả viết:
Còn trong trần lụy anh đồ là "Vị vũ chi giao long"....
(con giao con rồng chưa gặp mưa)
Đương thủa hàn vi anh đồ là "Tại sơn chi hổ báo"...
(con hổ con báo còn ở trong núi)
Tác giả ngụ ý rằng: khi thi đậu anh đồ sẽ vẫy vùng như giao long
gặp mưa và dũng mãnh như hổ báo xuồng núi!
3./ Trong cuốn Việt-Nam Thi-Văn Hợp-Tuyển của Dương-Quảng-Hàm có bài Hà-Nội 36 Phố Phường. Đúng ra bài ca dao đó có từ khi Hà-Nội còn là thành Thăng-Long:
Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai
...
Bài ca dao chỉ kể ra 36 phố nhưng thật ra khu phố cổ ở Hà Nội ngày nay còn 47 phố có chữ “Hàng“ ở đầu (Bản Đồ Du-Lịch tính theo mẫu tự La-Tinh từ Hàng Bạc, Hàng Bài tới Hàng Vải, Hàng Vôi). Bài ca dao này bỏ sót mấy phố có tính lịch sử như: Tràng-Tiền, Tràng-Thi, Cửa Bắc,Cửa Nam, Cửa Đông. Sự thiếu sót này do 2 hạn chế: phải thuận theo thể thơ lục bát và phải gói gọn trong số 36 (dường như người xưa cho đó là số tiêu chuẩn). Có điều đáng chú ý là bài ca dao này có kể tới phố Hàng The nhưng nay không còn nữa! Theo Vũ-Ngọc-Phan (Tục-Ngữ, Ca-Dao,Dân Ca Việt-Nam) Hàng The ngày xưa là Hàng Đào ngày nay (the là một
loại tơ lụa).
4./ Trong KHO SÁCH XƯA (do Huỳnh-Chiếu-Đẳng sưu tập và đưa lên mạng)có cuốn “Quảng Tập Viêm Văn“ xuất bản ở Hà-Nội năm 1898. Thời đó chữ quốc ngữ ở miền Bắc còn đang phát triển nên phụ âm đầu gi và tr được viết là d và ch. Do đó tên tác giả cuả cuốn này viết là “Dáo học Ngô đê Mân chích lục".
Trong Quảng Tập Viêm Văn có "Bài hát 36 phố phường” như sau:
Nghìn thu gặp hội thái bình
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng-Long
Phố ngoài bọc kín thành trong
Cửa nam, Bắc giám, tây đông rõ ràng
Ba mươi sáu mặt phố phường
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào
.
Cũng như bài trên, bài này thiếu sót vì 2 hạn chế: thể thơ lục bát
và số 36. Đặc biệt bài này kể ra nhiều phố ngày nay không còn như:Hàng Thêu, Hàng Bừa, Hàng Cuốc, Hàng Bát Ngô (có lẽ ngày nay là Hàng Bát Đàn), Hàng Tàn, Hàng Chum và Hàng Sắt.
CÂU ĐỐI:
1./ Trong cuốn Kể chuyện câu đối Việt-Nam của Vũ-Xuân-Đào có chép một giai thoại văn chương như sau:
Nhân dịp vãn cảnh một ngôi chùa ở Nghi-Xuân Thanh-hóa,
Nguyễn-Công-Trứ thấy trên vách có dán một vế câu đối để chờ khách vãn chùa đối lại:
Thuộc ba mươi sáu đường kinh, chẳng Thần Thánh Phật Tiên nhưng khác tục.
Nguyễn-Công-Trứ mượn bút của chùa đối lại liền:
Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người.
Là người trọng đạo Nho nên vế đối của Nguyễn-Công-Trứ có ý chê đạo Phật: tám vạn tư pháp môn dù có hay tới đâu cũng mặc kệ, chỉ có Tam Cương của đạo Nho là quan trọng.
Tam Cương là 3 quan hệ chính yếu: Vua Tôi, Cha Con và Vợ Chồng. Vế đối chỉ nói tới Quân Thần và Phụ Tử vì phải đối với Thần Thánh Phật Tiên ở vế ra.
Nguyễn-Công-Trứ dùng chữ "Kệ” đối với chữ "Kinh” là một cách chơi chữ: cuối mỗi quyển kinh Phật đều có một bài kệ tóm tắt giáo lý trong kinh đó. Vì vậy có thành ngữ kinh kệ.
Thật ra "36 đường kinh” trong vế đối không chỉ gồm kinh Phật. Ngoài quả vị Phật vế đối còn nói tới Tiên (đạo Lão) và Thần Thánh (Thánh
Hiền của đạo Nho) Như vậy ngoài kinh Phật còn kể cả kinh sách của Lão-Tử và Khổng-Tử.
2./ Một giai thoại văn chương khác được kể trong cuốn Chơi chữ của Lãng-Nhân như sau:
Vào cuối thế kỷ 19, cô tư Hồng là một me Tây nổi tiếng ở Hà-Nội
thường dựa vào thế lực quan quyền để làm giàu. Nhân tỉnh Quảng-Bình mất mùa gây nạn đói, cô chở 3 thuyền gạo vào toan bán giá cao để trục lợi. Chính quyền địa phương biết mưu đồ của cô nên quyết định tịch thu. Bề nào cũng mất, cô nói với chính quyền là cô chở gạo vào để phát chẩn cho dân bị đói. Do đó cô được triều đình Huế phong hàm Tứ Phẩm,cha cô cũng được sắc phong!
Nguyễn-Khuyến gửi câu đối mừng cô như sau:
Có tàn có tán có hương án thờ vua, Danh tiếng lẫy lừng băm sáu tỉnh.
Cũng biển cũng cờ cũng sắc phong Cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người.
Câu đối có 2 chữ "Chị Em” ám chỉ nghề me Tây của cô tư Hồng! Từ đó có câu tục ngữ "Làm đĩ có tàn có tán có hương án thờ vua".
Câu "Cũng sắc phong cho cụ” (cụ = cha cô tư Hồng) là do lệ vua
phong hàm cho ai thì cha mẹ và người hôn phối của người ấy cũng được sắc phong!
Băm sáu tỉnh hàm ý khắp cả nước.
HUYỀN-THOẠI:
1./ Trong cuốn Tang Thương Ngẫu Lục của Phạm-Đình-Hổ và Nguyễn-Án (do Đạm-Nguyên dịch) có chép một huyền thoại như sau:
Ở kinh thành bấy giờ có một người học được phép tiên tên là
Phạm-Viên chân nhân. Một hôm người làm mướn cho chân nhân than nghèo túng và xin chân nhân cứu giúp! Phạm-Viên bảo người ấy xòe bàn tay phải ra, kế đó ông đọc chú và vẽ bùa vào lòng bàn tay rồi nói: “Khi gặp cảnh quẫn bách anh xòe tay này ra xin sẽ được người ta cho 36 đồng kẽm. Đức anh mỏng nên anh chỉ nhận bấy nhiêu thôi."
Người làm mướn làm theo lời dặn của chân nhân, quả nhiên anh ta
được người ta cho 36 đồng kẽm.
Thấy xin tiền dễ dàng, lòng tham của anh nổi lên khiến anh trái lời
chân nhân. Liên tiếp anh chìa tay ra xin cho tới khi được 5 quan mới thôi . Nhưng sau đó bàn tay anh hết linh nghiệm!
2./ Một huyền thoại khác được chép trong Truyền Kỳ Mạn Lục của
Nguyễn-Dữ (do Ngô-Văn_Triện dịch) như sau:
Đời nhà Trần có người quê ở Hóa-Châu Thanh-Hóa tên là Từ-Thức được bổ làm Tri-Huyện Tiên-Du Bắc-Ninh. Gần huyện có một ngôi chùa thường mở hội mỗi năm khi hoa mẫu đơn nở. Khách thưởng ngoạn tấp nập. Hội năm Bính-Tí có một cô gái tuổi đôi tám lỡ làm gãy một cành hoa. Nhà chùa giữ cô lại đòi bồi thường! Không có ai bảo lãnh, Từ-Thức động lòng thương cởi áo gấm ra chuộc lỗi cho cô gái!!!
Từ-Thức bản tính phóng túng, ưa túi thơ bầu rượu du ngoạn đó đây
nên bị quan trên khiển trách vì bê trễ việc quan.
Không muốn bị danh lợi kiềm tỏa, chàng từ quan về ở Tống-Sơn
Thanh-Hóa, ngày ngày ngao du sơn thủy!
Một hôm nhìn ra cửa Thần-Phù chàng thấy một đám mây ngũ sắc đang tụ lại thành ngọn núi giữa biển. Lấy làm lạ, chàng dùng thuyền ra coi.
Vách núi thẳng đứng, chàng toan đề thơ vào thì vách núi mở ra một cửa động. Chàng vừa bước vào thì vách núi đóng lại. Len lỏi theo đường dẫn lên đỉnh núi, chàng thấy một tòa lâu đài lộng lẫy gồm Điện Quỳnh-Hư và Các Dao-Quang. Ngay khi ấy có 2 cô gái ra mời chàng vào. Một bà tiên mặc áo trắng ngồi trên giường thất bảo tự giới thiệu mình là Địa Tiên ở Nam-Nhạc tức Ngụy Phu-Nhân. Theo lời bà, núi này tên là Phù-Lai trôi nổi trên biển và động này là động thứ sáu trong 36 động tiên.
Bà gọi con gái ra giới thiệu với Từ-Thức. Nàng tên là Giáng-Hương và chính là cô gái lỡ làm gãy cành hoa mẫu đơn năm trước. Nay để trả ơn Từ-Thức, bà sẽ tác thành cho chàng và nàng thành vợ chồng!
Sống trong tiên giới với Giáng-Hương được 1 năm Từ-Thức muốn về thăm quê cũ. Nàng miễn cưỡng chiều ý chàng vì biết ra khỏi động chàng sẽ không thể trở lại! Về tới quê, chàng thấy người xưa cảnh cũ đã thay đổi. Khi chàng ra đi là cuối đời Trần, nay là đời vua thứ ba triều Lê,tính ra đã 60 năm!!!
Không thể quay về với Giáng-Hương, Từ-Thức thất vọng bỏ quê vào núi Hoàng-Sơn rồi biệt tích!
Huyền thoại này có lẽ là nguồn cảm hứng cho nhà thơ Phạm-Thiên-Thư hạ bút:
Ngày xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say...
Sau đó Phạm-Duy phổ nhạc thành "Đưa em tìm động hoa vàng".
Bùi-Quý-Chiến
(Đặc-San Lâm-Viên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét