23 thg 6, 2019
NGƯỜI ĐÀN BÀ SỐNG TRONG CHIẾC GIÀY (Nguyễn Đức Tùng-Văn Việt )
Năm ngày sau đám cưới, chị bị ma bắt. Trong khi chị đang sống cuộc đời son phấn trong căn nhà rộng, hai hầu tớ gái. Gia đình chồng là gia đình danh giá ở thủ đô. Mẹ chồng là người đàn bà giỏi giang từ trong ra ngoài, khét tiếng khắp nơi. Cha chồng là bộ trưởng duy nhất không bị kỷ luật trong đợt thanh trừng mới. Những người con dâu của họ, tức là chị em dâu của chị, đều nhân vật nổi tiếng. Mỗi ngày chủ nhật dù xa xôi cách mấy, kẻ đang tắm biển ở Đà nẵng, người đang mua sắm ở San Francisco, đều gởi những bó hoa tươi tới nhà mẹ chồng. Người chồng lớn hơn chị hai tuổi nhưng tính như trẻ nít, suốt ngày lêu lổng, ham chơi, mê đá gà, vô tích sự. Chị không phải làm việc gì cả, mỗi khi chị xuống bếp hay đi làm việc lặt vặt như giặt giũ, quét nhà, bọn giai nhân đều ra sức ngăn lại. Chị bắt đầu quen với việc suốt ngày ngồi trong phòng nghe những con chim trong lồng treo ngoài hiên hót líu lo. Chúng hót thật hay. Chim sáo, chim chào mào, chim sơn ca, chim hoàng anh, hoa hồng, hoa lan, hoa huệ, hoa cẩm chướng, thôi thì đủ cả, chúng ríu ra ríu rít, lúc la lúc lắc, hoa nào cũng màu sắc sặc sỡ, chim nào cũng có bộ lông màu đỏ, tiếng hót cao vút, con nào cũng vừa hót vừa nhảy múa không chịu đứng yên, như thể chúng đang sung sướng lắm, con nào khi hót xong cũng dang hai cánh ra quay một vòng như ca sĩ Mỹ Linh. Người chồng làm chị đau đớn. Mỗi khi làm tình, hắn bắt chị cởi hết áo quần ra, lấy dây lụa cột hai tay lên đầu giường rồi rút sợi dây lưng bằng da Ý to bản quất liên tiếp lên người chị. Sự đau đớn của chị làm hắn sung sướng kích thích như điên dại.
Con ma giấu chị trong một chiếc giày. Đó là một chiếc giầy còn khá mới, đã lâu không có ai dùng tới, nằm khuất sau một cánh cửa, bên kia cánh cửa là một mặt hồ rộng mênh mông, buổi chiều sương xuống hắt lên một thứ ánh sáng xanh lè rùng rợn. Chiếc giày bên phải. Con ma mang cho chị một số thức ăn cần thiết mỗi ngày, một nhúm gạo, một nhúm đường, vài hột muối, thỉnh thoảng một ít rau và lá cây, không kèm theo một thứ gì khác mà chị thường có ở nhà chồng, không có trà, không có mật ong, không có vitamin. Đó là một con ma da tử tế nhưng lạnh lùng. Ma da là loại ma nổi tiếng vì đặc điểm không có mặt. Một hôm đói quá chị chống cửa sổ, leo ra ngoài đi lang thang trong những bụi rậm ở gần đó, hái được nào là dâu, nào là củ cải, rau đậu, mang về đầy một nhà, để ăn dần khi mùa đông tới. Chị biết rằng chị sẽ sống ở đó rất lâu.
Gia đình chồng đổ xô đi tìm. Họ huy động tất cả nhân lực gồm gia nhân, công an, sư sãi, ba thứ đó cũng là một, chúng vừa sục sạo khắp nơi vừa cầu xin gieo quẻ mọi ngôi chùa, dẫm nát các cánh đồng. Cô dâu mới cưới bị mất tích là một sự kiện chấn động dư luận, làm nhà chồng mất mặt. Bọn gia nhân, tay cầm gậy tay cầm đuốc lật tung từng thước đất, đào xới những căn cứ địa, cho nổ mìn các địa đạo, bất chấp sự phản đối của mạng xã hội, vốn xưa nay có đức tính kềm chế, lật tung các di tích lịch sử, nơi thờ phượng hay tưởng niệm chiến sỹ hoạt động bí mật kiêm khủng bố ngày trước. Chính quyền làng xã cũng tích cực tìm kiếm nhưng chúng chẳng thể nào tìm ra chiếc giầy kia, sau cánh cửa. Không ai biết vì sao chị mất tích.
Một hôm một bọn trẻ đi qua nhà chị. Chúng ngồi nghỉ chân ở trước thềm nhà. Chúng mang dế chọi ra đá với nhau. Một đứa tò mò nhìn qua khung cửa, thấy người phụ nữ trẻ ngồi đó may vá thêu thùa. Chúng không tin vào mắt mình. Những đứa trẻ nghịch ngợm xuống cái hồ ở gần đó lấy những chiếc mũ của chúng múc đầy nước, hắt nước lênh láng vào nhà, tạo thành một cơn lũ lớn. Cơn lũ lôi phăng phăng cái nhà đi xa, ngày một xa. Người đàn bà không biết bơi. Chị ôm lấy cánh cửa như một chiếc phao cứu hộ. Sóng ngày một lớn, chị chỉ biết cầu nguyện. Dân làng vớt chị lên ở cuối sông, chỗ có nước xoáy dữ dội. Người ta tưởng chết đuối nhưng chị may mắn thoát chết. Người phụ nữ được mang trở lại nhà chồng, lại sống tiếp trong chiếc phòng êm ái và nhung lụa của mình. Nhưng chị không thể quên căn lều nhỏ nơi chị đã sống những ngày tuy thiếu thốn nhưng hạnh phúc. Chị không thể quên chiếc giày của mình nhỏ bé nhưng ấm áp. Một ngày nọ chị gài lên cửa phòng một tờ giấy nhỏ bằng bàn tay có ghi mấy chữ nắn nót rồi ra đi. Người ta không biết chị đi đâu, vì chị được vớt lên từ cuối dòng sông, nhưng chị biết, chị sẽ trở lại căn nhà của chị trong chiếc giày sau cánh cửa, một chiếc giày bỏ không đã nhiều năm, như một chiếc giày thứ hai đi tìm chiếc thứ nhất, chiếc thứ ba đi tìm chiếc thứ hai, chiếc thứ tư đi tìm chiếc thứ ba, và chị đi mãi ngược theo dòng sông đi tìm cái hồ có sương mù bốc lên ánh sáng buổi chiều hắt một màu tím hoang dã. Chị vừa đi vừa khóc, vừa đi vừa khóc, nước mắt đau buồn và hạnh phúc, đi tìm chiếc giày của mình, chiếc giày thứ nhất.
Nguyễn Đức Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét