8 thg 2, 2019
CHẬU HOA NGÀY TẾT - Chuyện của Phạm Hạ Mỵ Châu ( TC. Da Màu )
Mỗi sáng khi vào sở làm, việc đầu tiên của Nguyên bao giờ cũng là pha một ly cà phê rồi ngồi vào bàn xem “email.”
Hôm nay có một email cho cả nhóm Việt Nam được gửi ra từ chị Nhàn, một bà chị lớn tuổi và khá thân thiện làm kỹ thuật viên phòng đồ hoạ của hãng. Hãng của Nguyên là một hãng nhỏ có khoảng hơn một trăm người, trong đó có gần hai mươi người Việt làm ở đủ mọi phòng, ban. Riêng trong nhóm kỹ sư của Nguyên đã có bốn người Việt. Tất cả đều lớn tuổi hơn Nguyên và đã có gia đình, chỉ riêng Nguyên là chàng trai độc thân trong nhóm.
Ai cũng nói Nguyên trông có vẻ lầm lì, ít nói. Nhưng thật ra, đó là vì bản tính Nguyên nhút nhát chứ không phải vì tính tình khó chịu. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ở Đại học Bách Khoa Việt Nam, Nguyên đi làm một thời gian rồi xin được một học bổng đi học lấy bằng Master về Design Engineering ở Đại Học Cornelle, NewYork. Ra trường với bằng Master, Nguyên may mắn được một hãng Mỹ ở CA mướn nên xin được thẻ xanh ở lại Mỹ làm việc. Cho đến giờ, đã hơn 30 tuổi đầu, Nguyên vẫn chưa có người yêu và tâm nguyện duy nhất của Nguyên hiện nay là cố gắng kiếm tiền, dành dụm mua nhà và bảo lãnh cho cha mẹ và hai đứa em còn nhỏ ở Việt Nam sang đoàn tụ.
Trở lại với cái email của chị Nhàn gửi, chị nhắc nhở rằng ngày thứ Ba tuần tới sẽ là ngày Mồng Một Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Trong hai ngày mồng một và mồng hai, có lẽ nhiều người lấy ngày phép nghỉ nên chị dự định sẽ tổ chức một buổi tiệc tân niên để khoản đãi cả hãng vào ngày thứ Sáu, tức ngày mồng Bốn Tết. Chị đề nghị mỗi người Việt sẽ góp một số tiền nhỏ để chị đặt một ít thức ăn truyền thống người Việt như cơm chiên, chả giò, mì xào, xôi vò cho mọi người trong hãng cùng thưởng thức.
Chuyện nhỏ không thành vấn đề! Nguyên email trả lời: “OK chị, no problem. Will do!” rồi nhấn “send” để gửi đi.
Nhưng khi gửi đi rồi thì Nguyên mới để ý tới dòng chữ PS in nghiêng dưới chữ ký của chị Nhàn: Yêu cầu vào buổi tiệc hôm đó, mỗi người mang đến một chậu bông (hoa gì cũng được: mai, đào, lan… sau khi chưng tết ở nhà) để trang hoàng phòng ăn cho có không khí Tết cổ truyền.
Cái bà chị này thật là phiền! Bao nhiêu năm ở Mỹ, Nguyên hết ở nhà trọ này sang nhà trọ khác, hiện giờ đang ở một mình trong một cái “studio” nhỏ xíu, có bao giờ Nguyên để ý ngày nào là ngày Tết đâu. Không có gia đình, người thân bên cạnh, đối với Nguyên, ngày Tết cũng như ngày thường chẳng khác gì. Nếu may mắn, Tết rơi vào cuối tuần thì Nguyên có một ngày ngủ nướng sau khi thức đêm xem chương trình giao thừa trên ti-vi. Còn nếu Tết rơi vào ngày thường, Nguyên chẳng bao giờ lấy ngày nghỉ gì cả, vẫn đi làm như bình thường. May lắm là Nguyên mua một cái bánh chưng hay bánh Tét về bóc ra ăn cho có Tết, còn thì chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện mua bông để chưng, lấy đâu mà đem vào hãng để trang trí.
Nhưng thôi, bận tâm đến mấy chuyện vặt vãnh đó làm gì! Đến gần ngày đó Nguyên sẽ chạy ù ra chợ mua một chậu bông đem vào hãng cũng được.
Một tuần lễ trôi qua thật nhanh! Những ngày Tết buồn tẻ đối với Nguyên cũng qua đi!
Hôm nay đã đến ngày Thứ Sáu mồng Bốn Tết. Buổi sáng Nguyên ngủ dậy hơi trễ, làm vệ sinh, tắm táp, thay đồ thật nhanh rồi vội phóng xe đi làm. Gần đến hãng, Nguyên mới sực nhớ ra là mình quên bẵng không đi mua một chậu bông để đem vào hãng, nhưng bây giờ mà chạy đến chợ thì ngược đường và xa quá. Đi tay không chẳng có chậu bông nào cũng kỳ. Mới vào làm ở hãng hơn một năm chưa quen biết nhiều, Nguyên không muốn mọi người nhìn Nguyên bằng ánh mắt kém thiện cảm. Giờ phải làm sao đây?
Trên đường đến hãng, Nguyên thường đi ngang qua một cái nghĩa trang. Có đôi lần, Nguyên đi đám tang của người quen và để ý thấy nghĩa trang bên đây khác với bên Việt Nam lắm. Phần lớn những ngôi mộ là một phẳng và nằm trên thảm cỏ xanh mướt nên trông không có vẻ thê lương. Vào những ngày lễ, các ngôi mộ phủ đầy hoa do những người thân mang đến, thậm chí có cả bong bóng, chong chóng hay những vật trang trí đủ màu khiến nơi này trông giống như một vườn hoa rực rỡ.
Và thế là… một ý định bất chợt loé lên trong đầu Nguyên!
Nguyên quẹo xe thật nhanh vào nghĩa trang. Sáng sớm, nghĩa trang vắng tanh. Nguyên dừng xe lại ở một ngôi mộ gần cổng ra vào và gần sát lề đường vì thấy trước mộ có chưng mấy chậu bông cúc đại đoá vàng tươi tuyệt đẹp. Nhìn quanh quẩn lại lần nữa để biết chắc không có ai nhìn mình, Nguyên vội vàng bưng một chậu bông bỏ vào trong xe, bên ghế người ngồi phía trước. Ánh mắt Nguyên quét thật lẹ qua ngôi mộ, chỉ kịp nhìn thấy cái tên người quá cố: “Nguyễn thị Kiều Loan!” Chà, tên đẹp quá!
Bữa tiệc hôm đó thật vui! Các đồng nghiệp người ngoại quốc không ngớt trầm trồ khen ngợi những món ăn Việt Nam ngon lành, những chiếc áo dài Việt Nam thướt tha duyên dáng mà các cô, các chị trong hãng đang mặc, cùng những chậu bông đủ màu lộng lẫy khiến cho mọi người trong hãng như được rót một niềm vui rộn rã vào lòng.
Tiệc tàn! Đến cuối ngày, chị Nhàn bảo với mọi người hãy tự đem chậu bông của mình về nhà để dọn dẹp phòng ăn cho sạch sẽ. Mạnh ai nấy bưng bông của mình ra cất ngoài xe, chỉ riêng có chậu bông của Nguyên là còn đó. Chị Nhàn hỏi Nguyên:
-Cậu Nguyên không đem chậu bông về sao?
Nguyên bối rối, giờ này đã xế chiều rồi, đem bông trả lại nghĩa trang thì phiền quá! Biết đâu, gặp người nhà của người quá cố ở đó thì chắc quê chỉ có nước độn thổ. Thôi, hơi đâu mà trả lại, dầu gì chậu bông cũng được để ở mộ hết một mùa Tết rồi.
Nguyên cười:
-Thôi, em con trai độc thân mà hoa với bông làm gì. Ai muốn lấy thì lấy dùm em đi!
Ai nấy nhìn nhau nhưng rồi cũng không ai muốn đem chậu bông về. Bữa nay cũng mồng bốn, hết Tết rồi. Lấy chậu bông về làm chi để mấy hôm nữa lại mất công đem đi giục bỏ!
-Thôi nếu cậu làm biếng không muốn đem về thì để chưng ở đây cũng được! Có một chậu bông thôi mà, đâu có chiếm chỗ gì mấy đâu! Mấy bữa nữa bông héo thì đem bỏ vào thùng rác lớn của hãng.
Nguyên thở phào nhẹ nhõm:
-Dạ, vậy em để lại trong phòng ăn này nha. Cảm ơn chị đã đứng ra tổ chức ngày hôm nay quá là vui và chu đáo!
-Ờ, không có gì đâu! Mỗi người một tay đó mà!
Chị Nhàn vừa cười nói vừa bước nhanh ra cửa.
Chỉ còn lại một mình Nguyên trong phòng. Nguyên ở lại trễ vì còn muốn làm nốt một số việc trên máy điện toán. Giờ này khá yên tĩnh, dễ cho Nguyên tập trung suy nghĩ hơn. Cả ngày hôm nay, bận rộn với ba cái chuyện ăn Tết, cộng thêm mấy người Việt mình cứ tíu tít nói chuyện và kể chuyện Tết, đã làm phí của Nguyên khá nhiều thời gian.
Đang chú tâm vào công việc, bỗng nhiên Nguyên giật mình vì có những tiếng “lóc cóc, lóc cóc”, như là có tiếng tay ai gõ xuống bàn một cách đều đặn.
Nguyên chầm chậm đưa mắt nhìn một vòng quanh phòng, khắp các ngóc ngách nhưng chẳng thấy bóng dáng ai cả!
Nguyên lại chúi mũi vào máy làm việc tiếp, nhưng những tiếng lóc cóc lại vang lên, to hơn và gấp rút hơn. Nguyên nín thở, dỏng tai để chú ý. Hình như tiếng động phát ra từ chiếc tủ sách đặt ở góc phòng. Nguyên ngẩng mặt lên nhìn. Lạ chưa! Nằm ngay ngắn trên nóc tủ là chậu bông cúc đại đoá của Nguyên, những bông cúc màu vàng tươi nở rộ và như đang sáng bừng lên một cách thách thức.
Vốn ở một mình đã quen, Nguyên không cảm thấy sợ mấy. Nhưng Nguyên hơi thắc mắc, rõ ràng, hồi nãy trước khi rời phòng ăn, Nguyên còn nhìn thấy chậu bông cúc này nằm trên chiếc bàn nhỏ màu trắng đặt ở góc phòng. Ai đã đưa nó lên đây mà sao Nguyên không hề biết?
Chắc là người dọn vệ sinh của hãng chứ ai vào đây! Đó là một ông Mỹ già làm ca đêm, tính tình rất ngăn nắp và có đôi chút khó chịu. À, chắc có lẽ ổng không thích có chậu bông này đặt ở phòng ăn. Có lần ổng nói với Nguyên, “Tôi ghét nhất là để hoa hoè trong phòng ăn hay trên bàn ăn. Có nhiều loại hoa thu hút ruồi hay ong, cậu biết không? Hễ mở cửa ra là chúng bay vào bu vo ve quanh mấy cái hoa, trông thật mất vệ sinh.”
Chính ổng đem chậu cúc đặt lên đây chứ không ai khác!
Nghĩ vậy, Nguyên lại yên tâm tiếp tục trở lại với công việc đang dở dang.
Bỗng Nguyên lại nghe một tiếng “xè” thật lớn phát ra từ phòng vệ sinh trong phòng như có ai mới giựt nước sau khi đi vệ sinh. Nhìn quanh quẩn, vẫn không thấy ai! Thế rồi Nguyên lại nghe một tiếng “xè” nữa, tiếp theo là một tiếp “cộp” hằn học như có ai đóng nắp bàn cầu thật mạnh.
Lần này, tự nhiên Nguyên cảm thấy nổi gai ốc nên vội nhấn nút “save” lại việc đang làm dở dang trên máy rồi lật đật ra xe đi về. Bãi đậu xe trống trơn vì mọi người đã về hết. Chiếc xe hôm nay bỗng dưng lại trở chứng, Nguyên bấm chiếc “remote” để mở cửa xe mấy lần mà nó vẫn không mở. Mãi đến khi Nguyên toát mồ hôi vì vừa bực vừa sợ thì cái khoá cửa xe mới chịu bung lên. Nguyên vội vã khom mình bước vào xe, nổ máy và nhấn ga vọt lẹ.
Nhưng kìa, khi Nguyên nhìn sang bên cạnh thì thấy “nó” đang nằm chễm chệ ở trên chiếc ghế băng trước bên tay phải của Nguyên. Chậu bông cúc đại đoá màu vàng tươi như đang nhìn Nguyên, mỉm cười ngạo nghễ.
Nguyên hoảng sợ muốn hét to lên nhưng cổ họng tự nhiên tắc nghẽn, chỉ có thể ú ớ mà không nói được. Thôi đến nước này thì Nguyên biết rồi, “người ta” muốn đòi lại chậu bông mà Nguyên đã “mượn đỡ” lúc sáng nay đây mà. Nguyên lẩm nhẩm khấn vái, cầu xin người có tên “Kiều Loan” kia tha thứ và nhủ thầm, bằng mọi giá, Nguyên sẽ đem chậu bông trở về chỗ cũ ngay.
Nguyên nhìn đồng hồ trong xe, đã hơn 6 giờ. Trời mùa đông nên tối sớm, mới giờ này mà đã tối đen như khuya lắm rồi. Cũng may, nghĩa trang đóng cửa lúc 8 giờ nên Nguyên chạy nhanh đến cũng còn kịp.
Nghĩa trang vắng tanh. Trời vừa tối, vừa lạnh. Hai hàm răng của Nguyên đánh vào nhau lập cập! Không khó khăn lắm, Nguyên tìm ra ngay được ngôi mộ của “Kiều Loan.” Nguyên dừng xe lại và đưa tay với qua định bưng chậu hoa xuống.
Kỳ lạ thay! Chiếc ghế rỗng không! Chậu hoa rõ ràng khi nãy Nguyên vừa nhìn thấy ở đây giờ đã biến mất không để lại tăm hơi!
Nguyên định thần hít mấy hơi thật mạnh để ráng giữ bình tĩnh rồi đạp ga chạy xe như bay ra khỏi nghĩa trang. Về đến nhà, Nguyên vội vã đi tắm nước thật nóng cho tỉnh táo rồi vào phòng trùm chăn ngủ ngay, bỏ cả bữa ăn tối. Nguyên không quên lục lọi trong học tủ kiếm cây thánh giá rồi làm dấu, đọc kinh, một việc làm mà Nguyên đã bỏ từ lâu, từ hồi vào trường đại học rồi qua đến bên Mỹ, khi không còn có ba mẹ Nguyên ở bên cạnh nhắc nhở. Vào giường ngủ, Nguyên vẫn khư khư ôm theo cây thánh giá nhỏ trong tay.
Qua một đêm với giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị. Nguyên uể oải đi vào hãng. Việc đầu tiên Nguyên làm là nhìn lên nóc chiếc tủ sách ở góc phòng.
Trống trơn, không có gì cả!
Nguyên chạy như bay xuống phòng ăn. Chậu bông cúc đại đoá vẫn còn nằm nguyên trên chiếc bàn màu trắng nhỏ trong góc, nhưng những bông cúc vàng hôm nay đã ngả sang một màu nâu héo sầu, ủ rũ.
Chị Nhàn đang ngồi uống cà phê và ăn dở miếng sandwich buổi sáng ở một bàn ăn gọi Nguyên:
-Chậu cúc của Nguyên héo hết rồi, sao lẹ vậy ha! Thôi chịu khó mang ra thùng rác lớn giục đi em. Nghe nói ông Bill dọn vệ sinh bị bệnh nên nghỉ mấy ngày hôm nay, không ai dọn dùm mình đâu.
Nguyên lập lại như cái máy:
-Ông Bill nghỉ mấy bữa nay? Tức là tối qua ổng đâu có vô hãng làm hả chị?
-Ừ, không có. Chị nghe cô Thanh bên phòng nhân sự nói ổng bị cúm nặng. Mùa này là mùa cúm mà!
Nguyên thẫn thờ đem chậu bông vứt vào thùng rác lớn ở sân sau của hãng. Vậy thì hình ảnh chậu bông dời chỗ lên nóc tủ, rồi lại nhảy vào trong xe của Nguyên, rồi lại biến mất… Tiếng giựt nước mấy lần trong phòng vệ sinh…phải chăng chỉ là ảo giác?
Nguyên vào báo với xếp là mình cảm thấy không được khoẻ để xin nghỉ một bữa. Mà không khoẻ thật, Nguyên không còn lòng dạ và tâm trí nào để tiếp tục làm việc, nếu Nguyên chưa hoàn thành được một việc.
Nguyên đi vào chợ, chọn hai chậu hoa cúc đại đoá đẹp nhất, tươi nhất để lên xe rồi chạy thẳng vào nghĩa trang. Suốt đêm hôm qua, sau khi đọc những tràng kinh và bình tâm suy nghĩ lại, Nguyên đã nhận ra lỗi lầm của mình. Nguyên biết rằng dù trong hoàn cảnh nào, ăn cắp cũng là một điều rất xấu, nhất là còn đi ăn cắp của người đã chết.
Nguyên đã tự nhủ hôm nay Nguyên sẽ đến xin lỗi trước mộ và hứa rằng sẽ không bao giờ mình làm điều đó thêm một lần nữa.
Lúc đó khoảng mười giờ sáng, trời nắng đẹp. Nguyên đi ngay đến ngôi mộ của “Kiều Loan” và kính cẩn đặt hai chậu bông trước mộ. Bây giờ Nguyên mới có dịp nhìn kỹ tấm hình chân dung rất đẹp cẩn trên chiếc bia mộ bằng đá hoa cương đen bóng. “Nguyễn Thị Kiều Loan” sinh ngày…mất ngày… Cô bé mới vừa tròn hai mươi tuổi.
Trong tấm hình, một cô bé xinh xắn, nhí nhảnh với nụ cười tinh nghịch như đang nhìn Nguyên trêu chọc. Mắt cô bé nheo nheo như muốn nói, “Giỡn chút thôi mà anh bạn…”
1/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét