20 thg 5, 2018
Đến Như Vậy Đi Như Vậy - Nguyễn Tư Phương (TC.Da Màu )
Đã lâu rồi tôi không còn tu học thường trú trong thiền viện nữa. Nhưng thỉnh thoảng vẫn ghi danh một vài khóa tu ngắn hạn ở những thiền viện mà mình đã từng tham gia.
Có lần đi dự khóa tu học một tuần ở San Francisco Zen Center. Tình cờ đó cũng là lúc mà thiền viện đang chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Roshi (Thầy) Shunryu Suzuki. Không khí ở thiền viện lúc nào cũng trang nghiêm, chậm rãi, im ắng, nhưng tuần đó lại rất nhộn nhịp, lễ hội.
Khách khứa từ khắp nơi kéo về. Họ phần lớn là những học trò cũ của thiền viện. Phần còn lại là những khách mời từ những thiền viện khắp nơi trên thế giới. Cũng hay, vì nhờ vậy mà tôi được hầu chuyện và học hỏi từ những người mà bình thường tôi không có dịp để tiếp cận.
Những người đi tu học theo dạng “lay person” (tu sĩ không xuất gia) như tôi thường không phải đóng tiền học phí, nhưng bù lại sẽ được giao làm một công việc phục dịch gì đó trong lúc tu tập. Kỳ này tôi được giao nhiệm vụ rửa chén bát, nồi niêu…ở nhà bếp. Một trong những người làm trong nhà bếp với tôi là ông Phil. Một người Mỹ lớn tuổi, chậm chạp và nhiều lúc có vẻ hơi luộm thuộm.
Vì không thấy ông tham dự trong giờ nghe giảng Pháp và ngồi thiền nên tôi nghĩ có thể đây là một người vô gia cư vô nghề nghiệp vào thiền viện chỉ cốt để có chỗ ăn chỗ ở qua ngày. Nương tựa vào cửa chùa. Cũng tốt thôi.
Thường thì mỗi chiều sau khi xong công việc, tôi pha cho ông Phil và tôi mỗi người một tách trà rồi đi lên sân thượng uống trà thư giãn. Những lúc đó tôi thường huênh hoang kể cho ông Phil nghe về những thiền viện khắp nơi mà mình đã từng theo học và những người thầy, những vị danh sư mà tôi từng thọ giáo, những kiến thức nhiệm mầu của Phật Pháp mà tôi đã học được. Hồi đó tôi vừa mới tập tành học Đạo nên khi có dịp “hù” được một người không hiểu gì về Đạo, tôi tha hồ nói năng vô tội vạ. Ông Phil ngồi nghe, cười cười, gật gù, thỉnh thoảng hỏi hoặc góp ý một vài câu mà theo tôi thì có vẽ hơi ngớ ngẩn một chút.
Còn ông già Phil thì dĩ nhiên không nói gì về Đạo. Chỉ kể sơ về thời ông còn thanh niên ở khoảng thập niên 60. Lúc đó ông là một sinh viên theo học ngành hội hoạ ở San Francisco Art Institute. Thời đó ở San Francisco đang có phong trào Hippie nổi lên rầm rộ. Ông cũng bị lôi cuốn, bỏ học đi theo nhóm Hippie sống lang thang bờ bụi….Hồi xưa lúc lớn lên ở Việt Nam tôi cũng có nghe nhiều về phong trào Hippie ở San Francisco. Bây giờ có dịp nói chuyện với một dân Hippie thứ thiệt cũng thật là thú vị.
Đại khái là vậy. Chiều chiều hai người bạn mới thân kéo lên sân thượng uống trà. Một người thì ba hoa chích chòe. Một người thì gật gật, gù gù ít nói.
Ngày cuối của khóa tu cũng là lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Roshi. Sau thời kinh buổi sáng như thường lệ, sư trụ trì lên nói về ý nghĩa của buổi lễ ngày hôm nay. Sau đó ông tuyên bố với đại chúng rằng lẽ ra ông sẽ là người chủ lễ, nhưng hôm nay có một người khách tham dự rất đặc biệt. Một thiền sư ở ẩn. Một trong những người học trò đầu tiên và là một người rất gần gũi với Roshi lúc Thầy còn tại thế. Thành ra người chủ lễ hôm nay sẽ là vị khách ấy, ông Phillip Wilson…
Tôi ngồi ở dưới sững sờ. Người bước lên trước chúng là ông già Phil (tên gọi thân mật của Phillip). Người rửa chén chung với tôi ở nhà bếp trong suốt tuần qua. Một ông già không ngại ngồi nghe một người mới tập tành học Đạo nói huyên thiên về Phật Pháp. Tuyệt nhiên không một lời cười chê hay chỉ trích.
Trước mắt tôi bây giờ là một ông Phil hoàn toàn khác lạ. Không phải là cái ông già chậm chạp rửa chén dưới bếp. Mà là một vị thiền sư dõng dạc, an nhiên tự tại.
Sau khi kết thúc những nghi lễ truyền thống của phái thiền Tào Động (Soto Zen). Phillip Wilson kể lại những mẩu chuyện vui giữa ông và Roshi khi Thầy còn tại thế. Kể lại những ngày lao động vất vả khi hai thầy trò khuân dời từng tảng đá lớn để trang trí cho cái vườn thiền ở Tassajara Zen Mountain Center khi mới xây cất. Kể lại nỗi lo âu và sợ hãi khi Roshi cho ông thuyết Pháp trước tăng chúng lần đầu tiên. Lần đầu nên dĩ nhiên là vấp váp, dĩ nhiên là lúng túng. Ông kể, cũng may là lúc đó có Roshi ngồi ở trong góc vẫy tay ra dấu trấn an. “Cứ tiếp tục đi, tiếp tục đi, không sao, không sao đâu”… Phil kể tiếp, lúc đó ông liếc nhìn vào ánh mắt của thầy mình. Ông cảm được một nguồn năng lượng chứa chan tình thương yêu và khích lệ của thầy. Ngay trong lúc đó, bài thuyết Pháp trở nên dễ dàng và trôi chảy hơn.
Sau buổi lễ, tôi có ý muốn tìm gặp ông Phil ở dưới nhà bếp, nhưng không thấy. Chiều đó tôi lên sân thượng của thiền viện uống trà, vẫn không thấy bóng dáng ông đâu hết. Hỏi vài người trong thiền viện cũng không có thông tin gì cụ thể. Không ai biết ông Phil rời thiền viện lúc nào và đi về đâu.
Trong tông phái thiền Tào Động của Nhật Bản, một trong những đề mục tu tập là “leaving no trace”, đừng để lại một dấu vết gì hết. Như một con nhạn trắng bay ngang qua hồ nước vẳng lặng. Bóng nó in rõ xuống mặt hồ. Nhưng khi đã bay qua rồi, sẽ không để lại một vết tích gì cả. Ở San Francisco Zen Center, trong những hành lang và thư viện có gắn những hàng chữ “leaving no trace” để nhắc nhở thiền sinh là vậy.
Cũng như thế, ông Phil trở về thiền viện không ồn ào chiêng trống. Lẳng lặng xuống nhà bếp rửa chén. Tới ngày lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thầy mình, lên diễn đàn làm chủ lễ.
Xong việc lặng lẽ ra đi. Chỉ vậy thôi.
Nguyễn Tư Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét